Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

MÓN CUỐI ĐỜI (Khải Đơn)

MÓN CUỐI ĐỜI

Bà lão tìm thấy ông trong một thoáng khựng lại khi đang cố tìm một khoảnh trống để qua đường giữa con đường to lớn bậc nhất thành phố. Ở đấy có năm, sáu cái khách sạn năm sao chụm lưng quay mặt nhìn nhau lạnh lùng. Ở đấy những chàng nhiếp ảnh gia loanh quanh tới lui săn tìm cái đẹp của Sài Gòn. Cũng ở đấy, những cửa hàng bày rực rỡ mấy cái túi xách, đôi guốc hàng hiệu giữa mấy căn phòng sáng ấm ánh đèn trang trọng. Từ cửa kính trong veo cửa hàng đó, người ta thấy bà chần chừ rất lâu để dò mỏi khoảnh trống không có xe lao qua. Nhưng bà chỉ mất một khoảnh khắc rất nhỏ để nhận ra dáng của ông, đang chậm chạp lụi cụi đẩy một chiếc xe đạp từ từ đi tới hướng của bà. Khoảnh khắc đó ngay lập tức bị chồng chất lên bởi vô vàn những khoảnh khắc vô nghĩa khác đan vào nhau, phủ lấp nhau, hủy hoại nhau thông qua nhịp chuyển không âm sắc của chiếc đồng hồ giữa bùng binh.

“Ông ấy chậm hơn cả mình.”- Bà dợm nghĩ, chậm rãi không kém. Rồi bà quyết định đứng ngay đấy để chờ ông đi tới, với chiếc xe đạp xù xì đa dụng của mình. Bà đứng như trời trồng ngay trước mặt hàng vạch qua đường trắng tắp, đăm chiêu nghĩ ngợi về cái vạch đó và ông già chậm chạp xa lạ kia.

Ở phía xa đó, chân ông như đang bước trên những mảnh kim loại sắc nhọn xếp lộn xộn. Bàn chân chảy rạc những nếp nhăn, đen sầm sẫm vì mưa gió. Thời gian khắc lên thân thể ông như một nhà tạc tượng thần thánh nặn một khối đất như luyện hoài một bài tập nháp. Ông đang tính đến việc khi nào ông sẽ không chịu nổi sự đau nhức đến rướm máu từ tận trong thân thể mỗi khi bước đi thế này.

Ông thấy bà. Ông cố bước thật nhanh với chiếc xe đạp nặng trì vì một đống những liểng xiểng chai lọ, sắt vụn, giấy vụn. Đó là một cơ hội qua đường. Nếu không thì ông sẽ phải mất một lúc thật lâu, đến chừng phải ngủ gục vì đau chân, chỉ để đợi được những luồng xe vơi đi hoặc một cô cậu trẻ trung nào đó bước tới và xách vai ông kéo qua đường thật nhanh.

Họ chạm mặt nhau ở vạch sơn qua đường, khẽ gật đầu nhìn nhau xa lạ, khẽ thầm thì so sánh cái già của mình với người kia. Niềm tủi, sự vui dâng lên kín đáo và thầm thì như một làn gió mỏng trôi qua một buổi thành phố cực kì xô đẩy. Gương mặt bà sáng lên âm thầm. Đằng sau đó, những nếp nhăn dịu nhẹ đang cố gắng đỡ một nụ cười rất nhọc.

“Ông cho tôi qua đường chung với nhé.” – Bà tỏ lời khi ông nhấn bàn chân cố gắng bước tới gần. Vâng, nếu qua đường có hai người vẫn tốt hơn là chỉ có một. Ông mỉm cười nhắc: “Bà bám vào xe tôi, mình cùng qua!”

Ông bà già dọn về ở với nhau như thế. Khi ông bảo: “Tôi chẳng có gì hết, nhưng tôi cần ai đó trò chuyện cho căn nhà không trống vắng nữa.” Bà đã trả lời đơn giản: “Tôi sẽ đến trò chuyện với ông. Tôi cũng không cần gì cả.” – Bà mỏi mòn với xấp vé số dày cộp mỗi sáng, ông gù xuống vì phải căng cả thân mình đẩy chiếc xe đầy chai lọ, thùng cac-tông... Họ nói chuyện, nấu cơm cho nhau ăn, ngủ cùng nhau trên một chiếc giường làm bằng một cái khung gỗ dém lại bằng hàng đống bịch nylon và trải bên trên một chiếc chiếu mỏng.

Nhà ông bà ở kế một dòng nước quạch thẫm màu xanh rêu vì chất chứa đủ thứ mà thiên hạ dồn từ đường cống nhà họ ra. Mưa sẽ xấp ngập nền nhà. Nắng thì đẩy thứ mùi nồng rựng hôi thối lên cao. Dù sao, ông cũng không còn ngửi thấy gì. Dù sao, bà cũng quá già để phàn nàn với cái mùi khủng khiếp đó. Khi thiên hạ bức bối không biết xả cái luồng rác cuộc đời của họ đi đâu thì họ sẵn sàng xối hết vào những chỗ nào yếu đuối không thể kháng cự lại họ. Ông bà già không thể kháng cự lại ai.

Đêm đêm, bà co người, nép mình vào người ông, những đọt xương gầy rạc va vào nhau khi bà cựa mình. Họ trôi qua đêm tối, trôi qua ngày tắt nắng bằng cái niềm hoan hỉ thầm kín không thể cất thành lời. Có nhau, thế là đủ!

Ông hay nhín ra một vài cái chai, tấm giấy bìa hay thỏi sắt trước khi đem hàng đi bán. Ông vứt cả đám vào xó nhà. Bà không thích ông bày quá nhiều thứ linh tinh trong cái lều chật hẹp. Bà đề nghị: “Đợt này ông bán bớt đi cho rộng chỗ!” Ông nói: “Cái này tôi cóp nhặt mãi, chỉ bán đi khi mình có đau ốm hay sự cố gì. Một thân một mình thế này ai lo cho mình ngoài mình đâu hả bà?” Bà im lặng. Bà nghe có chút gì nghẹn lồng ngực chạy qua tim mình. Bà nghĩ từ nay ông có bà rồi còn gì...

Bà thích nấu món đậu hũ kho nước mắm cho ông ăn. Ông bảo ông thích đậu hũ nhất trên đời vì đậu hũ đã nuôi cả đời ông mà không khắt khe chọn lọc, không kiêu căng xa xỉ để ông phải thòm thèm mà chẳng đủ tiền mua. Bà kho đậu hũ cho ông mỗi khi bà đi bán được hết vé sớm. Bà mua thêm ba nghìn đồng thịt, ướm vào nồi như điểm trang vào thức dùng cao lương mỹ vị nào đó một món hiếm quý hơn cả. Miếng đậu mỗi tối cứ được xắn làm hai. Ông gắp thịt cho bà, xắn đậu vào bát bà. Bà mỉm cười, hai làn môi méo mó chảy xệ thoáng tươi lại trong chút yên bình. Họ đến với nhau từ lần qua đường ấy...

Bữa nọ, bà đi bán về rất sớm. Bà lấy ít số và bán gọn hết ngay buổi trưa. Bà đau thấu ngực. Cơn đau dâng lên giữa đêm tối rồi ầm ự dồn lên cao, nhồi suốt vào ngực bà như thụi từng chày tàn nhẫn. Bà về nhà, mua mười nghìn thịt nạc ngon lành tươi rói. Bà nghe ông ho đêm qua dữ dội quá. Có lẽ ông cần ăn thêm chút bồi bổ.

Tay xách túi thịt, bà lầm lũi đếm từng bước về nhà – cái lều đầy bọc nylon và bạt quảng cáo gần con nước. Bà cố mở thật to mắt, đếm thật kĩ từng ô bêtông được người ta cẩu thả quẳng xuống dòng nước lênh láng đường. Bà chậm rãi, chắc nịch, lầm bầm rồi bước nhón vội qua.

Tại ngã ba rẽ phải quen thuộc, bà vẫn đang phải cố gắng đớp thật nhanh từng nhịp thở, mở to mắt đếm từng bước gạch trên nền nước lênh láng của con ngõ bẩn thỉu. Từ quầy thuốc lá, nước ngọt giữa hẻm, tiếng đứa con gái bán thuốc ăn mặc hơn hớn trẻ trung đang nằm ngửa trên võng vang lên :

“Bà Sáu về sớm thế?”

Bà ngẩng đầu, cố cười trong lúc thở: “Ừ, hết vé sớm!” – rồi bà lại phải tập trung ngay vào viên gạch kế tiếp. Bà lẳng lặng đi qua. Cái đám con trai con gái ở quầy thuốc lá ấy cười theo bà, nói theo bà ải ơi gì đó.

Bà khuất khỏi hàng thuốc lá, đang đứng thở dốc vì những bước bê tông được xếp quá xa nhau. Tiếng con bé ban nãy vang lên: “Anh cứ về ở với em. Ngại gì. Già như bà Sáu mà còn theo trai thế kia mà!” – Nói rồi, chúng rích rả cười, đám con trai nói ghẹo lại điều gì đó. Bà thấy ngực mình đập túi bụi như bị thúc chày vào. Cơn đau nào đó mơ hồ chập chõm tới. Bà bước nhanh, thật nhanh về nhà. Nước mắt khô rang xòa đầy đôi mắt mờ mịt kèm nhèm của bà.

Bà thở khò khè dữ dội. Bà lảo đảo sắp nồi lên bếp, cho mười nghìn thịt vào nồi, cho mắm trếu tráo vào. Bà cố gắng bật cái quẹt ga lên để mồi lửa cho búi củi nhang vừa bóp nát. Bếp nóng.

Bà ngả xuống giường, thấy mình trôi đi trong câu nói “còn theo trai thế kia mà” và tràng cười rinh rích của tụi trẻ. Bà thấy ông lầm lũi đứng đợi bà qua đường ở giữa vỉa hè rộng thênh thang ngày đẹp nắng hôm nào đó. Bà nhớ mình đã gật đầu để theo cái xe ve chai gầy guộc dựa vào dáng ông. Dòng nước sóng sánh trên nền nhà, rồi ào ạt xối, ào ạt trôi, ào ạt thổi bà ra khỏi cơn đau tức lồng ngực, cơn khó thở và sự thả lời vô tâm của đám trẻ...

***

Ông trở về, xối gáo nước vào cái bếp lò như đang bắt lửa sang cái bàn nhựa đầy giấy carton. Ông lặng lẽ gom hết chai trà xanh ở góc nhà vào bao tải, xếp hết giấy carton lên xe đạp, lôi hết đám sắt, kẽm đã được đập bẹp, ép chặt xuống nền nhà...

Ông đi bán chỗ ve chai cuối cùng ngay chiều hôm đó để mua cái áo quan cho bà. Cùng một thời khắc, ông lão ve chai già tiện tặn đã mất cả người thân yêu cuối cùng và món dự trữ cuối cùng của cả cuộc đời...

Khải Đơn

Tổng số lượt xem trang