Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Thấy rõ nan đề trong lối quảng bá của Trung Quốc tại Diễn đàn Mekong



Thấy rõ nan đề trong lối quảng bá của Trung Quốc tại Diễn đàn Mekong

INTER PRESS SERVICE Thấy rõ nan đề trong lối quảng bá của Trung Quốc tại Diễn đàn Mekong
Phân tích của Johanna Son
Chủ nhật, ngày 13-12-2009

Chiangmai, Thái Lan, ngày 12/12 - Một anh láng giềng hùng mạnh. Một cường quốc đang nổi lên. Người bạn cũ. Nhà đầu tư lớn bí mật. Ông trùm trong khu vực. Đó là một số thuật ngữ mà những người tham gia Diễn đàn Truyền thông Mekong vừa mới kết thúc đã sử dụng, khi được đề nghị chia sẻ những hình ảnh của Trung Quốc mà họ nhận được từ các phương tiện truyền thông.


Trong buổi thảo luận của một hội thảo diễn ra ở đây, nhiều người tham dự cho biết họ đã có cảm giác lẫn lộn về đất nước là cường quốc lớn ở khu vực Mekong, nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất trong các quốc gia của họ và đã xây dựng ba đập nước trên thượng nguồn Sông Mekong.

“Có hai nước Trung Quốc,” theo nhận xét của nhà báo Cambodia Nguon Serath, biên tập viên của tờ nhật báo “Rasmei Kampuchea Daily”. Nước Trung Quốc thứ nhất đã đem tới những khoản đầu tư lớn nhất cho Cambodia và “đó là một hình ảnh tốt đẹp”, ông giải thích.

Nước Trung Quốc thứ hai là người đã xây dựng những con đập trên sông Mekong – đập Manwan, Dachaoshan và Jinghong và còn nhiều con đập khác nữa trong tương lai – gieo rắc nỗi bất bình trong các cộng đồng tại các quốc gia vùng hạ lưu như CHDCND Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam và khởi sự cho những bức thư phản kháng từ các nhóm dân chúng ở đây.

Những bình luận này được nêu lên liên tục qua các phiên họp khác nhau trong diễn đàn diễn ra bốn ngày, phản ánh thái độ oán hận sâu sắc của những quốc gia lân cận coi Trung Quốc như là kẻ chà đạp lên cả những mối quan ngại của họ về tác động của những đập nước kia đối với mực nước ở Sông Mekong, gây nhiễm mặn, những trận lụt tồi tệ và kế sinh nhai của họ. Khoảng 60 triệu người sống ở hạ lưu sông Mekong dựa vào con sông để kiếm sống, vận chuyển và nước sinh hoạt tưới tiêu.

Các nhà ngoại giao và kỹ sư Trung Quốc, kể cả tại một cuộc hội đàm hồi tháng Mười được Ủy ban Sông Mekong (MRC) đóng tại Việt Nam tổ chức tại tỉnh Chiang Rai phía bắc Thái Lan, đã xác nhận rằng những vấn đề này không phải do các đập nước của họ gây ra. Lancang, tên gọi của thượng lưu sông Mekong, đóng góp chỉ có 16% dòng chảy cho con sông, cho nên việc xây đập không thể có một tác động to lớn như vậy lên con sông được, họ đã chỉ ra như thế.

Con sông dài 4.880 km bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Lào, Burma (Myanma), Thái Lan, Cambodia trước khi vào Việt Nam, và chảy ra Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Ở mực nước cao của những trận lụt lớn nhất tại Viêng Chăn, thủ đô của Lào vào năm ngoái, Ủy ban này cũng đã đưa ra một bản tuyên bố nói rằng, dựa trên một nghiên cứu về khối lượng nước liên quan, chúng không thể do các đập nước ở Trung Quốc gây ra.

Thế nhưng những quan điểm của Trung Quốc không phải luôn được đọc hoặc nghe thấy nhiều trên phương tiện truyền thông của các quốc gia khác ở vùng Mekong cũng như trên các phương tiện truyền thông của chính Trung Quốc. Có một sự khác biệt về thông tin ở các quốc gia và cộng đồng giữa vùng thượng nguồn và hạ lưu, và đó có thể là một phần lý do vì sao một số nhà báo Trung Quốc tại diễn đàn và những cử toạ bên trong quốc gia này ngạc nhiên về mức độ tức giận đối với các dự án đập nước của nước này.

Qua nhiều năm, ngày càng trở nên phổ biến trong các bài báo của phương tiện truyền thông tại các quốc gia vùng hạ lưu đưa ra những tuyên bố “thực tế” rằng các đập nước của Trung Quốc chính là nguyên nhân của những mực nước thất thường và những vấn đề liên quan tới nước.

Các bài báo trên phương tiện truyền thông của Việt Nam giờ đây đăng lên những bài chỉ trích các đập nước. Vào tháng Sáu, ông Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Tài nguyên Nước và Môi trường Đông nam Á, đã nói với báo “Tuổi trẻ” rằng: “Việc xây dựng đập nước (ở Trung Quốc) giờ đây cùng với việc biến đổi khí hậu làm cho nạn hạn hán càng tồi tệ hơn, nhiễm mặn, lở đất và xói mòn đất”.

Ông nói thêm: “Chính phủ Việt Nam phải tạo một chiến lược quốc gia để bảo vệ dòng chảy của sông, không chỉ cho Mekong mà cả sông Hồng (ở phía bắc Việt Nam), khi Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây các con đập trên đó (phía trên sông Hồng)”.

Việc khảo sát kỹ lưỡng dựa trên những động thái của Trung Quốc là một phản ứng trước sức mạnh mềm của nước này trong khu vực.

Điều này bắt nguồn từ thập niên 90, Trung Quốc ngày càng tự tin hơn khi ký vào các hiệp ước hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á mà trước đó đã nhận thấy điều này là không thể đi tới thảo luận với Bắc Kinh được – trong có có vấn đề quần đảo Trường Sa đang tranh chấp – ngoại trừ trên cơ sở trao đổi song phương.

Dần dần, hình ảnh của Trung Quốc đã thay đổi, từ một mối đe dọa đã trở thành một cường quốc có chính sách “láng giềng tốt” đối với Đông nam Á. Ngày nay, câu chuyện nghiêng về “mối đe dọa Trung Quốc” đã đi qua.

Thế nhưng lối cư xử của nước này trong vùng Mekong, đặc biệt trong những năm kể từ khi đập nước trên dòng chính của sông Mekong được xây dựng, đã bị những chỉ trích nặng nề chống lại bối cảnh của các dự án thủy điện này.

Đập Manwan được xây năm 1993, tiếp theo là đập Dachaosan được hoàn thành năm 2005 và tiếp đến là đập Jinghong. Con đập thứ tư, đập Xiaowan (Tiểu Loan), sẽ là đập nước cao nhất thế giới khi nó được hoàn thành vào năm 2012. Ít nhất có một đập thứ năm, đập Nuozhadu, sẽ tiếp theo sau vào năm 2014.

Các nhà báo cho là không dễ nhận ra những quan điểm của Trung Quốc hoặc các giới chức Trung Quốc trong các câu chuyện của họ, mặc dù các nhà báo Trung Quốc tại diễn đàn cũng đã giải thích những khuynh hướng mới dễ tiếp cận hơn trong những ngày này. Ngôn ngữ cũng là một thách thức nữa bởi vì nó làm khó khăn thêm cho các nhà báo và cử tọa của các quốc gia vùng Mekong để biết được các quan điểm của Trung Quốc.

Tương tự, các nhà báo Trung Quốc đã chỉ ra rằng vấn đề đập ngăn nước không tạo nên nhiều thông tin bên trong đất nước khổng lồ với 1,2 tỉ dân này, kể cả thủ đô Bắc Kinh, điểm cuối cùng ở phía đầu bên kia của đất nước tính từ Vân Nam, nơi con sông Lancang chảy qua.

Có lẽ tất cả sự chú ý hướng vào Trung Quốc – và chiều sâu của sự bực bội nhắm vào lối cư xử của nước này trên vùng Mekong – là cái giá phải trả cho dấu chân chính trị to lớn của nước này. “Nước Mỹ trong lòng châu Á”, trên thực tế, là một cụm từ mà nhà báo trú đóng tại Bắc Kinh Lin Gu trong một phiên hội thảo đã ám chỉ sức mạnh quyền lực của Trung Quốc trong khu vực.

Ông nói rằng Trung Quốc đang học những cách làm cho phức tạp trong vai trò là một cường quốc, và ông lo lắng về việc thế giới bên ngoài nhìn nó (Trung Quốc) như thế nào. “Chính phủ (Trung Quốc) cần phải hiểu rằng bị đánh đập là một phần của cái giá phải trả để trở nên mạnh”, ông Lin Gu phân tích. Cùng lúc, nước này thiếu sự tin tưởng và có thể vì thế mà nó “nhạy cảm” và “phản ứng quá mạnh” đối với việc chỉ trích.

Một loạt câu hỏi về các đập nước của Trung Quốc cũng đã nổi lên tại cuộc họp của MRC vào tháng Mười, từ các nhà thủy văn học, các kỹ sư, các nhà nghiên cứu về nước, các học giả và những người tranh đấu cho môi trường. Trong một cuộc phỏng vấn tại đó, nhà ngoại giao Trung Quốc Lu Hai Tien đã nói rằng “chúng tôi sẽ chuyển tất cả những mối quan ngại này về” Bắc Kinh.

Ông Lu, người đến từ Vụ Các Tổ chức và Hội thảo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã thừa nhận là có nhiều mối lo ngại về Trung Quốc, và “đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây”. Cho biết rằng các nhà báo khu vực Mekong gặp khó khăn để biết được quan điểm của chính phủ Trung Quốc, ông nói: “Có lẽ đã không có một diễn đàn thích hợp để Trung Quốc bày tỏ các quan điểm của mình”.

Hiệu đính: N.T.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

Tổng số lượt xem trang