Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

40 năm tù vì đánh dã man người đi lạc

-40 năm tù vì đánh dã man người đi lạc -(NLĐO)- Ngày 3-4, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử phúc thẩm vụ nhóm người làm thuê đánh trọng thương 2 người đi lạc vào “Rẫy ông Thành 507” (rẫy của ông Phạm Ngọc Thành, nơi xảy ra vụ chó béc-giê cắn chết bà Phạm Thị Ngắn ngày 21-1-2010 - PV) thuộc buôn H’rát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.

Các bị cáo tại tòa

Khoảng 19 giờ ngày 22-3-2009, những người làm thuê cho ông Thành gồm Phan Văn Tuất, Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Trường Thi, Nguyễn Quang Sơn, Lê Văn Xuân, Lê Phú Thắng và Nguyễn Đình Sơn đang ăn cơm tại nhà ăn tập thể “Rẫy ông Thành 507”.
 
Cùng lúc này, anh Nguyễn Huy Hoàng (SN 1981, trú thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, Đắk Nông) và anh Nguyễn Văn Thọ (SN 1972, trú ở xã Kim Khê, huyện Kim Thành, Hải Dương) chạy xe máy lạc vào khu vực của rẫy.
 
Thấy vậy, cả nhóm truy bắt, thay nhau đánh hai anh bất tỉnh rồi chở hai nạn nhân vứt ra ngoài đường. Anh Hoàng và anh Thọ được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu. Hậu quả, anh Hoàng bị thương tật 10%; anh Thọ bị thương tật 72%.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo Dũng 7 năm 6 tháng tù, Thi 7 năm tù, Tuất 6 năm 6 tháng tù, Quang Sơn 4 năm tù và Đình Sơn, Xuân, Thắng mỗi người 5 năm tù.
Tin-ảnh: C.Nguyên
-
- Xét xử vụ đánh người tại “rẫy ông Thành”: 6 bị cáo lãnh án tù
TT - Sáng 25-3, TAND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã mở phiên tòa sơ thẩm (lần 2) xét xử vụ án người làm công trong “rẫy ông Thành” (ở buôn H’Drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, do ông Phạm Ngọc Thành - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Đắk Lắk - đứng tên) đánh trọng thương hai người đi lạc vào rẫy.
Các bị cáo tại phiên tòa  - Ảnh: Đ.T.Duy
HĐXX phạt Nguyễn Trung Dũng 7 năm 6 tháng tù, Phan Văn Tuất: 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Trường Thi: 7 năm tù, Lê Văn Xuân: 6 năm tù, Lê Phú Thắng: 6 năm tù, Nguyễn Đình Sơn: 6 năm tù và Nguyễn Quang Sơn: 4 năm 6 tháng tù. Các bị cáo đều bị phạt tù về tội “cố ý gây thương tích”.
Tòa buộc các bị cáo phải bồi thường chi phí điều trị cho nạn nhân Nguyễn Văn Thọ (ngụ ở huyện Kim Thành, Hải Dương) tổng cộng 144.217.000 đồng và chi phí điều trị cho anh Nguyễn Huy Hoàng (ngụ ở Cư Jút, Đắk Nông) 3.460.000 đồng.
Tại phiên tòa, cáo trạng của Viện KSND TP Buôn Ma Thuột nêu rõ: sau khi đi lạc vào “rẫy ông Thành” (khi đó rẫy không có cổng), anh Nguyễn Huy Hoàng và anh Nguyễn Văn Thọ bị Nguyễn Trung Dũng và Nguyễn Trường Thi dùng môtô đuổi theo.
Khi đuổi kịp, Dũng xuống xe nắm lấy yên xe của anh Hoàng, anh Hoàng rồ ga bỏ chạy. Thấy vậy, Phan Văn Tuất phân công cho Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Trường Thi, Nguyễn Quang Sơn, Lê Văn Xuân, Lê Phú Thắng, Nguyễn Đình Sơn đi tìm và bắt anh Hoàng, anh Thọ về khu tập thể trong trang trại.
Khi tìm thấy, các bị cáo đã đánh anh Thọ tổn hại sức khỏe 65% (không còn khả năng lao động), đánh anh Hoàng thương tích 10%.
Đáng chú ý, ngày 29-12-2009, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, TAND TP Buôn Ma Thuột đã không xét xử Nguyễn Đình Sơn vì “Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra không khởi tố, truy tố”. Trong lần này, Sơn phải ra tòa và lãnh án về tội “cố ý gây thương tích”.
Sơn cũng là người liên quan đến vụ đàn chó becgiê trong “rẫy ông Thành” cắn chết bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, trú tại buôn H’Drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột).
Đ.T.DUY - TẤN THI


Gần 44 năm tù chia cho 7 bị cáo vụ “rẫy ông Thành 507”Dân Trí
43 năm tù cho nhóm côn đồ ở trang trại Trường NgọcLao động
Hơn 43 năm tù cho 7 bị cáo vụ "Rẫy ông Thành 507"Vietnam Plus
Sài gòn Giải Phóng



  -25-3, xét xử vụ đánh người ở “rẫy ông Thành”
Ngày 23-3, ông Nguyễn Hồng Nam - viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - cho biết vừa có cáo trạng truy tố bảy bị can gồm: Nguyễn Đình Sơn, Phan Văn Tuất, Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Trường Thi, Nguyễn Quang Sơn, Lê Văn Xuân và Lê Phú Thắng về tội cố ý gây thương tích trong vụ án người làm công ở “rẫy ông Thành” (buôn H’Đrát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) đánh người đến tàn phế.
* Đề nghị truy tố thêm Nguyễn Đình Sơn

Dự kiến, ngày 25-3 TAND TP Buôn Ma Thuột sẽ đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm lần 2.Trong số bảy bị can này, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột đề nghị truy tố thêm Nguyễn Đình Sơn - đối tượng có liên quan trong vụ chó becgiê cắn chết bà Phạm Thị Ngắn tại “rẫy ông Thành”. Nguyễn Đình Sơn đã bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 9-12-2010.

“Rẫy ông Thành” là trang trại của Công ty TNHH Trường Ngọc do vợ ông Phạm Ngọc Thành (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Đắk Lắk) đứng tên. Tại trang trại, ngày 21-1-2010, bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, trú tại buôn H’Drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) đã bị đàn chó becgiê của trang trại ông Phạm Ngọc Thành cắn chết khi đi mót cà phê rụng.

Nhiều nhân chứng cho biết Nguyễn Đình Sơn là người chứng kiến toàn bộ sự việc đàn chó becgiê cắn chết bà Ngắn nhưng không ứng cứu. Tuy nhiên cơ quan công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP Buôn Ma Thuột không khởi tố vụ án vì “không có yếu tố hình sự”.Riêng về vụ án “cố ý gây thương tích” ở “rẫy ông Thành”, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29-12-2009, TAND TP Buôn Ma Thuột không xét xử Nguyễn Đình Sơn vì viện kiểm sát và cơ quan điều tra không khởi tố, truy tố.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14-6-2010, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại, đồng thời đề nghị truy tố Nguyễn Đình Sơn về tội cố ý gây thương tích.Theo cáo trạng, tối 22-3-2009, anh Nguyễn Huy Hoàng (ngụ ở Cư Jút, Đắk Nông) và anh Nguyễn Văn Thọ (ngụ ở thôn Phương Tân, xã Kim Khê, huyện Kim Thành, Hải Dương) chạy xe máy nhầm đường vào khu trang trại của ông Phạm Ngọc Thành.

Thấy ánh đèn xe máy đi vào, Phan Văn Tuất phân công cho những người trong trang trại (trong đó có Sơn) chốt chặn các ngả đường và truy tìm hai người đi vào rẫy. Hậu quả là các bị cáo đánh anh Hoàng thương tích 10%, anh Thọ tổn hại sức khỏe 65%... Hiện anh Thọ gần như bị bại liệt và không thể lao động.

Theo TR.TÂN (TTO)

Vô cảm (Ngô Nhân Dụng)
“…Lương tâm của dân tộc không chấp nhận người Việt Nam sống với nhau một cách phi nhân như những kẻ thả chó cắn chết người. Muốn chấm dứt cảnh phi nhân đó, phải đặt ra luật lệ hạn chế quyền của những kẻ có tiền và có quyền thế. Phải trả lại cho mọi người dân quyền chọn những kẻ cầm quyền…”

Trên con đường vào công viên, tôi thấy một phụ nữ đang lúi húi lượm những trái thông khô trên mặt đất, bỏ vô cái túi ni lông xách trên tay. Người đàn bà da trắng đã lớn tuổi ngẩng lên cười, giải thích: “Ðem về đốt lò sưởi”. Chiều hôm đó chúng tôi cũng bắt chước. Trong khi đi tìm những trái thông khô để nhặt lên bỏ vô túi, tôi chợt nhớ đến một tiếng Việt lâu lắm không dùng: Ðộng từ Mót. Tôi đi “mót quả thông”. Các bạn trẻ không quen nghe, có thể không hiểu động từ này.


Trước đây 50, 60 năm, ở làng quê tôi sống, người ta đi “mót lúa, mót ngô, mót đỗ”. Một bữa đi qua thửa ruộng thấy mấy người đang đi mót những hạt thóc còn bỏ sót, tôi cũng tính bước xuống tìm nhặt, mẹ tôi níu lại, không cho. Thời gian đó, gia đình tôi cũng ăn cơm độn ngô, độn khoai hay sắn (khoai mì). Mẹ bảo: Nhà mình còn có cái ăn, mình không mót tranh của họ.

Tức là trong làng đã có một “giao ước” với nhau, không thành văn, nhưng ai cũng đồng ý. Người còn miếng ăn thì không đi mót lúa, mót ngô. Ðể cho những người nghèo nhất làng còn cơ hội kiếm được mấy hạt cơm hạt bắp. Nếu cũng đi mót lúa thì mình ăn tranh của họ hay sao? Trong nền văn minh nào cũng vậy, ngoài những luật lệ thành văn có những tập tục giúp chúng ta ăn ở cho phải đạo làm người. Khi lúa chín, các hạt thóc thuộc quyền sở hữu của chủ ruộng. Nhưng sau khi gặt hái xong rồi, còn lại những hạt thóc rơi vãi bỏ đó cũng “phí của giời”, được coi là của chung, ai muốn vào mót cũng được. Nhưng mọi người lại đồng ý nên để dành những hạt thóc rơi đó cho những người nghèo nhất làng, không được “tranh ăn” với họ. Ai vi phạm quy tắc này chắc sẽ bị người làng khinh rẻ. Người ta không sợ luật pháp bằng sợ bị người khác khinh rẻ, đó cũng là một nền tảng của đạo lý.

Nói đến những chuyện trên, lại nhớ đến chữ “mót” mới được dùng trong câu chuyện được báo chí trong nước đăng tuần trước. Ba phụ nữ vào đồn điền Trường Ngọc ở Ban Mê Thuột “mót cà phê”, những trái cà phê rơi vãi sau khi công nhân đồn điền đã làm xong việc. Ðồn điền có chó canh, bà Phạm Thị Ngắn chạy chậm chân bị một con chó béc giê quật ngã.

Người trông đàn chó đi xe máy tới, bà Ngọc van xin, ông ta nói: “Ai bảo vào? Cho chết”. Rồi thả đàn chó 5 con ra tấn công. Bà Ngắn bị đàn chó cắn chết. Ông cai chó đồn điền huýt sáo thu binh. Hai cô gái khác chạy kịp leo lên cây, chứng kiến cảnh đàn chó ăn thịt bà Ngắn, kéo lê thi hài bà hàng chục thước. Ai cũng phải cảm thấy xấu hổ vì không ngờ người Việt Nam lại đối xử phi nhân với nhau như thế.

Ðọc bản tin trên thì phải thấy là những người dân nghèo nhất ở làng tôi, sống trước đây 50, 60 năm, là những người may mắn. Họ sống trong một xã hội mọi người đối xử với nhau có tình cảm, có bao dung, biết thương hại. Sống trong một làng với nhau, biết thương xót nhau một cách kín đáo, nên để cho người nghèo đi mót những hạt thóc, hạt ngô rơi vãi sau mùa gặt. Ngày nay, người mình sống trong một khung cảnh khác hẳn, cho nên câu chuyện phi nhân trên mới xảy ra.

Trong cuốn phiếm luận Nhân Nào Quả Ðó, nhà văn Vương Trí Nhàn có lúc tóm tắt vài quy tắc sống, mà ông gọi là những Luật Miệng, bất thành văn trong xã hội chung quanh ông: “Chỉ biết đến đồng tiền mang về, còn như uy tín, danh dự, việc ấy không quan trọng. Chỉ biết nhà mình, còn việc chung của cả xã hội hơi đâu mà lo cho mệt!” [1].

Có phải vì người ta quen sống với những quy tắc này mà trong xã hội có những chuyện như ông cai đồn điền thả chó săn ra cắn chết người, chuyện cha mẹ đánh chết con, hay chuyện bố mẹ chồng trói con dâu bỏ ra đường mà đánh đập không cho hàng xóm can hay không?

Nhưng những “luật miệng” mà Vương Trí Nhàn nêu ra thì ở nước nào cũng thấy có, không riêng gì ở nước ta. Tham tiền là một động cơ thúc đẩy cho kinh tế phát triển. Chỉ những người đi tu họa chăng mới từ bỏ được dục vọng đó. Quyền tư hữu cũng là một nền tảng của sự phát triển văn minh, bỏ cái quyền tư hữu đi, những người chủ trương công hữu tha hồ vơ vét vào túi riêng, đạo đức xã hội càng xuống thấp. Người dân những nước văn minh nhất cũng thường cũng lo cho mình, cho gia đình mình, trước khi lo cho người chung quanh. Những người như bà Mẹ Tê Rê Sa rất hiếm cho nên chúng ta mới tán thán và kính trọng.

Nhưng tại sao ở nhiều xã hội khác, họ vẫn theo những “luật miệng” đó mà phong tục không suy đồi như những cảnh phi nhân mà báo chí ở nước ta tường thuật?

Có lẽ bởi vì ai cũng biết lòng tham và óc ích kỷ vốn có sẵn trong loài người cho nên ở các xã hội văn minh người ta lo tìm cách hạn chế các tật đó. Ðể sống đúng tư cách con người hơn. Khi lòng tham và óc ích kỷ được phóng tay thả lỏng không biết đâu là giới hạn thì nó sẽ làm cho cả phong hoá xuống thấp, con người không còn nghĩ đến danh dự, uy tín nữa.

Có cái gì để hạn chế lòng tham và lòng ích kỷ? Một phần là luật lệ, phần nữa là người ta trông mà bắt chước lẫn nhau, nhất là trông lên những người nắm quyền bính.

Ở các xã hội văn minh người ta tôn trọng quyền tư hữu, nhưng không cho phép ai nhân danh quyền đó mà giết người một cách phi nhân như cảnh xua đàn chó ra cho chúng ăn thịt người, rồi thản nhiên nói: Cho chết! Luật lệ các thành phố thường bắt buộc những chủ nhà nuôi chó dữ phải yết bảng báo cho công chúng biết, để người ta tránh. Phải đặt nhiều tấm bảng như vậy, sao cho ai vô tình cũng phải trông thấy. Ở các xã hội tiến bộ có rất nhiều luật hạn chế việc sử dụng quyền tư hữu để bảo vệ sự an toàn của người khác, nói chung là của công chúng. Anh lái một chiếc xe chở dầu, khí đốt, thì phải viết hàng chữ lớn báo động: “Chất dễ cháy, dễ nổ”, cho người khác đề phòng. Khi mua một món hàng gói bằng bao ni lông, ai cũng thấy trên bao viết rõ những hàng chữ đủ lớn cảnh báo công chúng phải coi chừng đừng để trẻ em chơi với cái bao ni lông, có thể bị chết ngạt. Người bỏ rác có chất độc hại, chất nổ ở nơi công cộng thì bị phạt, vì những người đi lượm rác vô tình có thể bị tai nạn. Một lối đi trong cửa hàng mới lau rửa bằng nước phải để tấm bảng “Ðường trơn trượt. Coi chừng té!” để mọi người biết mà đề phòng.

Những luật lệ như vậy đặt ra thường để hạn chế quyền của những người có tiền và có quyền trong xã hội. Cho nên khi những người có quyền và có nhiều tiền mà không bị bắt buộc thì họ không tự ý đặt ra những thứ luật lệ như vậy. Chỉ khi nào công chúng, tất cả mọi người dân đòi hỏi, những đại diện của họ, từ các nghị viên thành phố cho đến các đại biểu quốc hội, mới làm ra luật để bảo vệ công chúng. Chỉ cần một tai nạn xảy ra là cả nước xôn xao, người ta phải tìm hiểu tại sao và làm cách nào tránh những tai nạn tương tự. Khi đó, các đại biểu của dân làm ra các luật lệ mới. Tất nhiên điều đó chỉ diễn ra khi các đại biểu là do dân chúng tự do lựa chọn, chứ không phải do một đảng cầm quyền chọn trước trong phe cánh của mình. Chỉ khi nào các đại biểu biết mình chịu trách nhiệm trực tiếp với cử tri, chứ không phải chỉ cần làm theo “lệnh trên” của đảng là đủ, thì chúng ta mới có những luật lệ bảo vệ người dân trước những kẻ nhiều tiền và nắm quyền bính.

Cho nên, khi được một đài phát thanh quốc tế phỏng vấn về vụ thả chó cắn chết người, sử gia Hà Văn Thịnh ở Việt Nam không phê phán ông chủ đồn điền cà phê mà lại nói: “Cái buồn lớn nhất của tôi là có nhiều người bất tài đang nắm cương vị lãnh đạo”.

Những người nắm cương vị lãnh đạo không cảm thấy trách nhiệm họ là phải bảo vệ sự an toàn của công chúng, trong đó có những người nghèo khổ phải đi mót cà phê, những em bé đi lượm rác. Cho nên mới không có luật lệ hạn chế quyền của các vị chủ nhân, hoặc có những luật lệ từ thời Pháp thuộc nhưng bây giờ không ai thi hành. Người ta không thi hành, biết vì nếu có tai nạn thì họ cũng được tha, nhờ quyền thế hoặc nhờ tiền đút lót.

Ông Hà Văn Thịnh đã nêu ra những thí dụ cho thấy những kẻ có quyền thế ở Việt Nam thuộc một giai cấp được ưu đãi. Họ sống bên trên luật pháp. Ông kể trường hợp 3 nông dân ở Lâm Ðồng ăn trộm hai con vịt để nhậu, ra tòa bị tổng cộng 13 năm tù; còn một ông giám đốc ở Hà Nội lái xe không có bằng, đâm chết hai người, chỉ bị 36 tháng tù treo! Mạng hai con người không lớn bằng 2 con vịt!

Ông Hà Văn Thịnh nhận xét: “Hàng ngàn năm người dân bị sức ép, phải luồn cúi, phải chịu đựng, phải khom lưng lại. Và phải chấp nhận tất cả mọi điều đó. Nó làm cho mệt mỏi chai lỳ. Vô cảm hầu như trở thành một căn bệnh, căn bệnh kinh niên của xã hội bây giờ. Họ thấy đấy nhưng mà họ (mặc) kệ, mỗi người lo thân mình”. Câu cuối cùng cũng là nhận xét của nhà văn Vương Trí Nhàn, đã nêu trên đây.

Nhưng khi báo chí trong nước cũng như ở nước ngoài đều loan tin và bàn luận về cái chết thảm thương của bà Phạm Thị Nhắn, thì chúng ta có thể thấy là xã hội Việt Nam cũng không hoàn toàn vô cảm như ông Hà Văn Thịnh lo lắng. Cái chết của bà sẽ không vô ích, nếu như nó thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội Việt Nam. Người Việt Nam vẫn còn rất nhạy cảm trước những hành động tàn nhẫn, bất công. Không ai chấp nhận cách đối xử tàn ác, phi nhân đối với những phụ nữ nghèo phải đi mót.

Như nhà văn Vương Trí Nhàn dẫn lời Tchekov trong cuốn sách của ông: “Người Trí thức là lương tâm của một dân tộc”. Các nhà văn, các sử gia, các người viết báo, đều là những nhà trí thức. Lương tâm của dân tộc không chấp nhận người Việt Nam sống với nhau một cách phi nhân như những kẻ thả chó cắn chết người. Muốn chấm dứt cảnh phi nhân đó, phải đặt ra luật lệ hạn chế quyền của những kẻ có tiền và có quyền thế. Phải trả lại cho mọi người dân quyền chọn những kẻ cầm quyền, từ trung ương tới địa phương. Những người chiếm độc quyền lãnh đạo mà không chịu sự kiểm soát của người dân bỏ phiếu thì họ sẽ tiếp tục để mặc cho xã hội sống phi nhân như vậy.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: báo Người Việt, ngày 28/01/2010
[1] Vương Trí Nhàn, Nhân nào quả đó. Hà Nội, 2004, trang 33.


Không đói cũng ăn vụng không túng cũng làm càn
Đói ăn vụng túng làm càn là một trong những câu tục ngữ cửa miệng của người mình. Đời sống khó khăn xui người ta làm liều, bất chấp lương tri và những luật lệ thông thường. Không còn phải trái, nên hay không nên, chỉ có cuồng vọng chỉ có ý thích. Bởi lẽ tiểu xảo tiểu trí, nên trong lịch sử xã hội không có những đám lục lâm cỡ lớn. Song cướp vặt thì lại quá phổ biến. Đã hình thành cả một lối sống mà người xưa đã dùng bốn chữ “ vô sở bất chí “ để gọi. Vô sở bất chí tức là không việc gì không dám làm !
Ghi lại những ký ức từ con người và phong vị của xứ sở, ngoài nếp sống nghiêm cẩn và những trò chơi tao nhã như thả thơ đánh thơ,như chén trà bên sương sớm… Nguyễn Tuân còn xếp vào Vang bóng một thời truyện Ném bút chì. Có lúc, truyện được gọi bằng một cái tên đẹp : Một bọn bất đắc chí, nhưng bóc đi cái phần lãng mạn thì nội dung của nó là tả sinh hoạt của một bọn cướp.
Làng Vũ Đại mà Nam Cao tả nhiều truyện ngắn cũng có cướp, nạn cướp vùng đồng chiêm trũng hoành hành như một thế lực ngang ngược. Ngược lại những cảnh cướp vặt trong ở vùng ngoại ô Tô Hoài khá thê thảm. Nhân vật Thoại trong Quê người, ngày tết đi bắt những con chó sợ pháo, bị người ta đánh cho một trận nhừ tử, phải bỏ làng mà đi.
Sách Luận ngữ từng cho rằng việc người ta không làm bậy trong cảnh nghèo còn khó hơn là không hư khi giàu sang( Bần nhi vô oán,nan; phú nhi vô kiêu, dị -- Hiến vấn , đoạn 11).
Cái điều mà Khổng tử xưa từng lo quả không thừa. Đây là một đoạn đối thoại trong Bơ vơ Nguyễn Công Hoan viết 1936:
-- Tại sao mày phải đi ăn cướp ? Sao không kiếm nghề lương thiện mà làm ăn?
Chúa Cụt mỉm cười :
-- Bẩm tại con đói (…) Đời không cho con được ăn ở hiền lành, nên bất đắc dĩ con mới phải ăn cướp .
- Mày nói lạ.
-- Bẩm thật con đi ở mà người ta không nuôi, con làm gì người ta cũng không cho làm, gia đình nào cũng hắt hủi con. Người đời đã chẳng tử tế với con, tất con phải là kẻ thù của họ. Để có những thứ cần để sống, con chỉ còn cách bắt buộc ấy.
Xã hội hiện đại mở ra cho con người bao khát vọng tốt đẹp nhưng lại không mang lại cho họ khả năng đạt tới cái lý tưởng đó. Trong triết học phương tây, có một ý niệm gọi là chủ nghĩa hư vô. Người ta cảm thấy Chúa đã chết và người ta có thể làm bất cứ việc gì !
Trong sự càn rỡ của người mình có thoáng qua một chút hư vô như vậy. Cũng liều bán váy chơi xuân, câu thơ Tú Xương mang dáng vẻ một sự thách thức sang trọng.
Nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhân vật tướng cướp. Họ được hình thành như một bộ phận của xã hội. Theo cách miêu tả của nhà văn trong Cánh buồm nâu thuở ấy, chất thơ của cuộc sống tồn tại ngay trong hành động của đám người đứng ngoài luật pháp này.
Nhưng đó là trong những hoàn cảnh lý tưởng. Sự thực là ở ta, sự càn rỡ thường khi hiện ra tầm thường hơn, thấp hèn hơn.
Khi sang Nga, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên thấy cảnh dân đi câu mà nếu chỉ câu được cá bé ( dưới mức cân nặng nào đó ), người ta buộc phải thả . Sau biết rằng ở nhiều nước có luật lệ như vậy.
Ở Việt Nam thì khác. Cả những con tôm con như cách nói dân gian “ mới bỏ vú mẹ” cũng không được tha. Cá không chỉ bị đánh bằng lưới mà còn bằng mìn, bằng điện, những hành động phải được mệnh danh là tàn sát thiên nhiên.
Đầu thế kỷ 20, một người Pháp Roland Meyer kể rằng trên đất Lào có những người Việt trong cơn điên cuồng kiếm sống, đào cả đình chùa của người ta lấy gạch bán từng thước khối. Ông ta gọi đây là “một mớ cặn bã của nhân loại “.
Nhà văn Lê Thanh khi lại chuyện này trên Tri tân số ra 22-4-1942 tỏ ý rất đau đớn. Chúng ta ngày nay cũng vậy.
Nhưng những ai có gia đình quen đang sống ở nhiều nước phương Tây hẳn nghe đồn về những quái chiêu của dân ta khi sang nước người.Trồng cần sa trong nhà. Mò san hô. Tất cả những gì bị cấm thì có người Việt dám làm.
Khi mới hình thành , sự liều lĩnh càn rỡ được ngụy tạo bởi một cảm giác tự do và cách khẳng định quyền được tồn tại . Người ta cần nó để vượt thoát khỏi tình thế quẫn bách.
Về sau một thói quen hình thành, con người coi việc xấu là tự nhiên, không đói cũng ăn vụng không túng cũng làm càn.
Về sau , chỉ cần thấy mình không được sung sướng như người khác, tận hưởng nhiều ttiện nghi như người khác chỉ cần muốn trêu ngươi thiên hạ muốn nổi trội hơn đồng loại muốn kiếm chác muốn làm trò muốn vấy bẩn vào ai đó là người ta cảm thấy có đủ lý do để càn rỡ rồi .
Báo TT&VH số 6-10-07 có bài nói về nạn đào trộm trống đồng ở Đắk Lắc. Một thôn có tới 30 trống bị đào trộm. Người ta sử dụng cả máy dò kim loại. Nếu biết thêm rằng khi một trống đồng được đào lên tức là cả không gian văn hóa chung quanh phá vỡ , sẽ thấy cách nói của người Pháp ở trên không phải là quá đáng.
Tham nhũng. Ăn cắp, cướp giật. Lấn chiếm đất công. Bán hàng giả. Những vụ đua xe trái phép. Những đám học sinh công khai mang phao vào phòng thi. Cái càn rỡ hiện nay có bao nhiêu bộ mặt . Nó len lỏi trong hành động của những con người bình thường, khi họ dễ dãi buông thả cho bản năng thấp kém của chính mình.

TT&VH 20-10-07

Tổng số lượt xem trang