Sunday, March 14, 2010
Từ Nam California
Cổ Luỹ
“Bong bóng nhà đất” (đầu tư chụp giựt nhà đất giả tạo, kiểu “chim cút” như ở Việt Nam trước 1975) xì hơi và khủng hoảng tài chính bắt đầu cuối nhiệm kỳ Tổng Thống George W. Bush , rồi “nở rộ” khi Tổng Thống Barack Obama nhậm chức đầu năm 2009. Tất cả đây khiến người Mỹ và cả thế giới để hết chú ý vào - miệt mài đến nỗi rất nhiều người như quên mất sự hiện diện của một “bong bóng” khác: “bong bóng” ngoại giao Mỹ.
Khó khăn kinh tế làm nảy sinh nhiều bàn thảo to tiếng về chính sách nội trị Mỹ hầu suốt năm qua; nhưng giới chủ động chính sách ngoại giao Mỹ hầu như chưa có cái nhìn chín chắn về tầm quan trọng của kinh tế trong chính sách đối ngoại. Kể từ cuối năm 2009, nhiệm kỳ đầu Tổng Thống Obama, tình hình kinh tế có dấu hiệu đi đến ổn định; tuy nhiên phần lớn các nhà phân tích và làm chính sách ngoại giao ở thủ đô Washington vẫn đánh giá nhẹ những hệ quả của khủng hoảng kinh tế - khủng hoảng mang tính cách cơ cấu (structural) chứ không hẳn theo chu kỳ kinh tế (cyclical) như nhiều người lạc quan nghĩ - vào chính sách ngoại giao và an ninh rộng lớn của Hoa Kỳ.
Trên đây là một số nhận xét trong bài viết mới nhất về chính sách ngoại giao Mỹ của học giả Stephen F. Szabo, giám đốc điều hành viện nghiên cứu Transatlantic Academy. Ông chuyên chú về bang giao quốc tế, và cũng là tác giả tập sách quan trọng Parting Ways: The Crisis in German-American Relations (nhà xuất bản Viện Nghiên Cứu Brookings khá độc lập, năm 2004).
Như thường lệ, và sau loạt bài về Châu Á với nhiều liên hệ tới đề tài mới, người viết xin trình bày các nét chính trong nghiên cứu về chính sách ngoại giao Mỹ của ông Szabo với những giải thích cần thiết, và thêm ý kiến của người học hỏi chính trị.
Một trong những mâu thuẫn lớn lao trong thời đại toàn cầu hóa (globalization) là, trong khi cả thế giới đóng vai trò mỗi ngày một lớn vào đời sống người Mỹ, Washington tiếp tục nhìn cả thế giới qua lăng kính riêng mình, và rồi liên tục ngạc nhiên cũng như thất vọng khi thế giới từ chối hay không chịu làm theo ý Washington muốn, hoặc theo khuôn mẫu Washington đề ra. Ðây thường bị bên ngoài xem như “chính sách đế quốc,” đi vượt hẳn lên cả những ngạo ngược quá độ của chính quyền George W. Bush đã cuốn gói. Ðây cũng phản ánh những phản xạ, thành kiến và cái nhìn cận thị chồng chất qua hơn 50 năm nỗ lực “đồng hóa thế giới” (global hegemony).
Những “thiên tài” về ngoại giao (chuyên chú cả từng vùng hoặc toàn thế giới) toàn cầu tưởng không ai hơn có thể tìm thấy ở ngay thủ đô Washington. Nhưng giới nắm mọi ưu quyền về ngoại giao và chính trị bóp méo những gì giới chuyên môn đưa ra để phục vụ cho ý thích, quyền lợi và tham vọng của một văn hóa thực dân. Ðây vẫn tiếp tục ngay cả dưới chính quyền mới mà nhiều người hồ hởi nghĩ rằng có khác với những chính quyền đi trước. Nhưng đây cũng lại vô cùng nguy hiểm trong một thế giới mà Hoa Kỳ không còn khống chế được nữa.
Giấc mơ đồng hóa toàn thế giới
Vì Hoa Kỳ thành đại siêu cường độc nhất trên thế giới (chính thức đầu thập niên 1990), thái độ kiêu hãnh nói chung do vị trí độc bá, toàn quyền muốn làm gì thì làm của các chính quyền Mỹ trong hai thập niên qua dựa trên nhiều yếu tố. Thứ nhất, kinh tế Mỹ trấn át khắp mọi nơi và không bị thử thách ở nơi nào cả. Kinh tế Mỹ lớn gấp đôi nền kinh tế đứng hàng thứ nhì (Nhật Bản). Không những thế nền kinh tế vĩ đại này được củng cố mạnh mẽ hơn với những tài nguyên về nhân lực và kỹ thuật có một không hai. Thứ hai, Hoa Kỳ chiếm vị trí tối cao về quân lực. Giới ủng hộ vị thế độc tôn quân sự của Hoa Kỳ rất hãnh diện cho biết chi phí quân sự, an ninh, quốc phòng Mỹ lớn hơn chi phí của 20 nước đứng hàng tiếp theo. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ chiếm vị trí độc tôn thiên hạ về quân lực mà chỉ cần dành 3.5% tổng sản lượng nội địa (GDP, gồm tất cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra trong nước). Hoa Kỳ là nước độc nhất có thể tỏa phóng quyền lực quân sự của mình hầu khắp thế giới.
Thứ ba, quyền lực về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ không bị đối kháng bởi một cá nhân quốc gia nào hay liên minh các quốc gia nào, khác hẳn với trường hợp những nước “bá chủ” thế giới trước đây. Phần lớn các cường quốc khác thay vì ra mặt chống đối, ngang ngửa với Hoa Kỳ lại về phe với Washington. Ðây thật lạ lùng, nhưng nhiều người nghĩ Hoa Kỳ là một siêu cường luôn phải luôn luôn đi tìm, hay bị ám ảnh bởi, những phương cách rút lui hơn là chiếm đóng và thống trị một nơi nào. Hoa Kỳ, nằm “cô lập” giữa hai đại dương (TBD và Ðại Tây Dương) xa hẳn nhiều nước khác, được xem như một đế quốc “hiền lành” và có thể chấp nhận được. Washington có khả năng sử dụng “ngoại giao” (soft power), thay vì vũ lực và biện pháp quân sự, để thuyết phục người ngoài bằng các lý tưởng chính trị khá hấp dẫn và nhất là văn hóa bình dân được phổ biến lan tràn khắp nơi với các phương tiện truyền thông dễ hiểu, dễ bắt chước. Thêm nữa, những nước vai vế khác, như Trung Hoa, Nga, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Pháp, và Ðức vẫn có thể thiết lập những liên minh ngang ngửa với Hoa Kỳ, nếu họ muốn đóng vai đế quốc trong giới hạn vùng ảnh hưởng của họ.
Thứ tư, với tổng hợp tất cả các yếu tố trên Hoa Kỳ thành một siêu cường độc nhất, khác hẳn những nước khác vì Hoa Kỳ hùng mạnh khắp mọi mặt, và cùng một lúc.
Ngày nay điểm khác biệt là những yếu tố trên đã sụp đổ hoàn toàn. Yếu tố quan trọng nhất trong việc sụp đổ là vị thế bá chủ kinh tế của Hoa Kỳ đã đi xuống. Thâm thủng ngân sách (budget deficit, nói tổng quát mức chi tiêu cao hơn thu hoạch) liên bang tài khóa năm 2008 là $455 tỉ, tương đương với 3.2% GDP. Thâm thủng ngân sách năm nay sẽ lên trên $1.8 nghìn tỉ-tương đương với 13% GDP dự phóng, dựa trên căn bản kinh tế sẽ đi lên (ra khỏi mức trì trệ), đồng thời với hai cuộc chiến còn tiếp diễn ở Iraq và gia tăng ở Afghanistan kéo xuống. Trong thập niên 1980, thâm thủng ngân sách lên tới 6% GDP, và giới kinh tế xem mọi thâm thủng khoảng 3% GDP là đáng lo ngại.
Mức thâm thủng ngân sách lại gia tăng đồng thời với mức vay mượn nợ nần đã tới độ nguy hiểm (một hệ quả của thâm thủng là nhà nước thiếu tiền chi tiêu, nên phải vay nợ). Chính quyền Mỹ hiện nay phải đương đầu với hơn $10 nghìn tỉ đã vay mượn và viễn tượng thâm thủng hơn $1 nghìn tỉ mỗi năm. Riêng khủng hoảng tài chính vừa qua cũng làm mất từ 15% đến 25% GDP! Những chi tiêu dành cho người tuổi tác, từ 12 đến 13% GDP hiện nay, sẽ tăng lên đến khoảng 23% GDP trong những thập niên tới, nếu không cải tổ y tế hữu hiệu. Một phần vì số phần trăm người Mỹ đứng tuổi gia tăng (thay vì giảm đi như ở các nước nghèo, “chậm tiến” thiếu phương tiện) và giá cả dịch vụ y tế tăng gia quá mức, Phòng Ngân Sách thuộc Quốc Hội (CBO) dự phóng chi tiêu mức liên bang sẽ đi từ 20% đến 26% GDP năm năm tới, nếu mức công ăn việc làm cho dân chúng phục hồi.
Rõ ràng Hoa Kỳ mỗi ngày một rơi sâu vào nợ nần trong môi trường kinh tế toàn cầu; hệ quả thấy ngay là Hoa Kỳ mỗi lúc một lệ thuộc vào người nước ngoài làm công việc tài trợ để mình trả được nợ! Tổng số tiền Washington nợ chính quyền và người đầu tư nước ngoài hiện nay ở mức hơn $3.3 nghìn tỉ (với mức gia tăng $600 tỉ mỗi năm). Trung Hoa nắm gần $800 tỉ tiền Hoa Kỳ nợ; Nhật Bản nắm $677 tỉ. Nhu cầu vay mượn của Hoa Kỳ ở thời điểm nào đó sẽ vượt quá mức nước ngoài muốn cho vay. Ðây có nghĩa một giai đoạn gia tăng hoạt động phục hồi kinh tế sẽ tiếp nối khủng hoảng kinh tế hiện nay, với những hệ quả làm đổi thay trị giá đồng Mỹ kim và vai trò của nó như một đơn vị tiền tệ dự trữ của nhiều nước.
Thực tế tiền bạc: Trung Hoa với ảnh hưởng mạnh?
Về mặt chính sách ngoại giao và quốc phòng, ngân sách quốc phòng chính quyền Obama đề nghị cho năm 2010 tổng cộng là $663.8 tỉ, gồm chi tiêu “tùy hỉ” (thay đổi nhanh chóng theo nhu cầu) cho cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Dù tỉ số tiêu pha về quốc phòng trên tổng số GDP hiện nay tương đối vẫn còn thấp so với thời Chiến Tranh Lạnh (hơn 40 năm kể từ 1947; trung bình là 5.3%), đây cũng cho thấy khuynh hướng đi lên đáng lo ngại, từ 3% lên 4.7% GDP trong thập niên đầu thế kỷ 21. Ngân sách quốc phòng của ông Obama gia tăng gấp đôi tài khóa 2001 (trước khi Tổng Thống Bush đi vào hai cuộc chiến nay còn tiếp tục), nhưng ông cố giữ tiêu pha ở mức 4% cho tài khóa này và dự định giảm xuống 3% GDP trong thập niên tới. Quyết định “giết” chương trình sản xuất chiến đấu cơ đắt giá F-22 của ông và Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates cho thấy chính quyền muốn cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Ðồng thời chính quyền tìm cách gia tăng $53.9 tỉ cho ngoại giao, phần lớn dành cho chính sách Bộ Ngoại Giao và chương trình viện trợ USAID. Ðây phải nói là một đầu tư tài nguyên đáng kể - và nó cần được nhìn qua lăng kính mới mẻ: vai trò nào Hoa Kỳ có thể và cần phải đóng trong một thế giới đa cực? Nhiều người ủng hộ “đơn cực Mỹ” (như lý thuyết gia Charles Krauthammer; xin xem thêm Phái Tân Bảo Thủ Và Chính Sách Ngoại Giao Mỹ, nguyệt san Thế Kỷ 21, tháng 10, 2004, cùng người viết) lý luận vị thế này dựa trên căn bản Hoa Kỳ bá chủ về kinh tế, và họ gợi ý rằng Hoa Kỳ phải trải qua “thập niên kinh tế đi xuống” như Nhật Bản mới thấm thía và chấp nhận thực tế “thế giới đa cực.” Thực tế có thể nói chúng ta đã vào thập niên này vài năm rồi!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=109829&z=97
-----
Ngoại Giao Mỹ: Cần thay đổi tận gốc rễ [Cổ Lũy]
Sunday, March 28, 2010
- Cổ Lũy
Người viết xin trình bày các nét chính trong nghiên cứu của ông Stephen F. Szabo, giám đốc điều hành viện nghiên cứu Transatlantic Academy với những giải thích cần thiết, và thêm vào đây ý kiến của người học hỏi chính trị.
Bài tuần trước tuần tự giải thích những nguyên nhân đưa đến tình trạng “bong bóng ngoại giao” không những không “xẹp” đi mà còn được thổi phồng lên. Hai lý do đầu tiên là: (1) Các quyền lợi lâu đời nắm chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia có nhu cầu duy trì vai trò “bá chủ toàn cầu” của Hoa Kỳ bằng gia tăng ngân sách cho “quốc phòng;” (2) Văn hóa làm chính sách kiểu “cha truyền, con nối” ở Washington nhắm vào hướng “cứng rắn,” trấn ngự bởi nam giới và giới gốc gác quân đội. Phần sau đây là những nguyên nhân cùng những hệ quả của “bong bóng ngoại giao,” và nhất là nhu cầu thay đổi chính sách ngoại giao Mỹ tận cơ cấu.
“Văn hóa đế quốc” và việc bơm phồng “bong bóng ngoại giao”
Văn hóa “đế quốc” ở Washington rõ ràng là không thích hợp trong một thế giới mà Hoa Kỳ không còn quyền lực và ảnh hưởng như trước; và từ đây những chính sách ngoại giao Mỹ cũng mỗi ngày một bớt hiệu quả. Lý do thứ ba của tình trạng “bong bóng” nói trên là những nhóm “lốp-bi” trong nước đóng vai trò khống chế việc duy trì và thổi phồng bong bóng lên. Ảnh hưởng của những nhóm “lốp-bi” (nhận tiền và chỉ chú mục đến quyền lợi riêng của từng “thân chủ” mình) vào chính sách ngoại giao cũng như nội trị hầu như vô bờ bến. Quốc hội là nơi nhận chịu ảnh hưởng này (nếu không kể phía hành pháp nữa) hơn đâu hết - đến nỗi một chính sách ngoại giao mạch lạc khó thành hình được. Dĩ nhiên, những quyền lợi và thế lực ngoại bang không “bỏ qua” chuyện “lốp-bi” hay “hối mại quyền thế” (tiền đổi lấy quyền) công khai và hợp pháp kiểu Mỹ này.
Nếu những nhóm quyền lợi riêng rẽ ngăn cản chuyện hình thành chính sách phục vụ toàn quốc gia, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị lôi kéo vào những xung đột và cam kết vụn vặt không đưa đến một chính sách chi li và hợp lý nào. Ðây dĩ nhiên là vấn đề căn bản và nằm trong cơ cấu hệ thống chính trị Mỹ; và đây chỉ có thể chấp nhận được khi Hoa Kỳ còn những tài nguyên của một đại siêu cường và có nhiều cơ hội để sai lầm mà không “sứt mẻ” mấy. Trở lực thứ tư trong việc làm “xẹp” bong bóng ngoại giao một cách hợp lý và chín chắn là “thâm thủng” hay thiếu sót khái niệm về vai trò quan trọng của kinh tế trong giới làm chính sách ngoại giao. Phần lớn giới làm chính sách ngoại giao không đủ kiến thức về kinh tế; do đó họ thường làm nhẹ đi vai trò của kinh tế trong thế đứng của Hoa Kỳ trên thế giới. Họ có thể ngoan ngoãn tham dự những hội học với giới kinh tế, nhưng rất ít khi họ đặt yếu tố kinh tế vào những tính toán chính sách ngoại giao. Nói chung, với họ kinh tế là “chính trị thấp,” không thể nào lẫn lộn với “chính trị cao cấp” như chiến lược toàn cầu hay an ninh quốc gia.
Thứ năm, cái nhìn thiển cận kiểu Mỹ vẫn là nhược điểm chính. Hoa Kỳ y như cả một lục địa nằm giữa hai đại dương chia cách với mọi nơi, và cũng suy nghĩ như “ếch ngồi đáy giếng,” dù là con ếch và cái giếng khá to. Vị trí một mình một cõi, kinh nghiệm lịch sử quá ngắn ngủi so với các nước khác, cộng với việc đồng hóa tất cả di dân đông đảo từ khắp nơi tới mình khiến Hoa Kỳ “cô lập” nhiều mặt. Hoa Kỳ giỏi “Mỹ hóa” người ngoài, nhưng lại vô cùng kém cỏi trong việc “điều chỉnh” mình với văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài. Lịch sử khác thường và việc tự mình làm chủ mình (vì không hề bị xâm lăng từ ngoài, hay đe dọa từ nước mạnh hơn từ xa) khiến người Mỹ không thể chia sẻ những kinh nghiệm của hầu hết các nước trên thế giới. Sự “thiếu thông cảm” này thường đưa đến cái nhìn thiển cận và khuynh hướng “dạy đời” hay “giảng mo-ran.” Với vô số những tài năng chuyên môn cao cấp về các nước và vùng trên thế giới từ viện nghiên cứu, đại học và Bộ Ngoại Giao, Hoa Kỳ hầu như chẳng bao giờ sử dụng những tài nguyên thượng thặng này nếu chúng không thích hợp với quyền lợi chính trị chật hẹp.
Các nhân viên chuyên nghiệp Bộ Ngoại Giao không được tôn trọng và sử dụng đúng mức; phần lớn các đại sứ và nhân viên cao cấp là người được chọn lựa vì trung thành, quen biết, hay đóng góp tiền bạc tranh cử hơn là kiến thức và kinh nghiệm về ngoại giao và văn hóa nước ngoài. Phần lớn đại diện Mỹ ở nước ngoài sống biệt lập ở cái bong bóng “cộng đồng Mỹ” một thời gian ngắn, trong khi người đại diện nước khác nói được ngôn ngữ và hiểu văn hóa địa phương, cũng như sống và “nằm vùng” dài lâu tại nhiệm sở mình. Với những dốt nát và coi thường thế giới bên ngoài của đại đa số dân chúng và giới làm chính trị Mỹ, tưởng Washington cần phải sử dụng các chuyên viên, kiến thức cùng kinh nghiệm của họ hơn nhất là trong thời buổi Hoa Kỳ đi xuống.
Trò chơi Hoa Kỳ không hiểu nổi
Ông Stephen Szabo đưa ra các nhận định trên, nhưng xác nhận ông không có ý biện luận cho chủ trương “cô lập” (isolationism, ngược hẳn với interventionism, “can thiệp”). Ðúng ra ông có muốn “ít Mỹ hơn” trên thế giới, nhưng vẫn nhấn mạnh vào “thực tiễn một cách sáng suốt,” để đi đến ưu tiên hóa chiến lược và kỷ luật đi cùng với ý thức rõ rệt về giới hạn đặt trên quyền lực và phương tiện của Hoa Kỳ. Washington cần uốn nắn cơ cấu quyền lực theo các ưu tiên này, thay vì sắp xếp các ưu tiên theo cơ cấu quyền lực. Hoa Kỳ cũng cần bỏ khuynh hướng chú trọng vào quân sự/vũ lực trong việc đối ngoại; điều này đã thấy phần nào với tổng trưởng Quốc Phòng mới Robert Gates và TT mới Barack Obama - cả hai đều nỗ lực chuyển tài nguyên từ Quốc Phòng sang Bộ Ngoại Giao cùng các cơ quan dân sự khác.
Người Mỹ cần hiểu rằng thế giới không gồm những người mong muốn trở thành người Mỹ nếu có cơ hội; rằng thế giới không ngoan ngoãn vâng lời hay chiều theo ý muốn của họ. Ðây không có nghĩa rằng Hoa Kỳ phải bỏ chuyện xiển dương những giá trị và lý tưởng đáng giá của mình, nhưng phải làm chuyện này một cách thực tiễn hơn - ủng hộ dân chủ hơn là đặt để dân chủ nơi này chỗ nọ. Hoa Kỳ và Tây phương nói chung phải học cách sống với nhiều nước không “vừa ý” mình lắm, và tránh ảo tưởng về sức mạnh hay quyền lực mình nắm trong tay. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng đừng mơ mộng hão huyền về nhiều nước nhỏ với những tính toán, hoài bão của họ, như Georgia “đứng lên chống lại” Nga chẳng hạn. Các nước này không “cao thượng” vì họ nhỏ; lãnh tụ các nước này không nhất thiết hồ hởi với dân chủ hay tự do dù họ “chống Cộng.” Chính sách của Washington phải dựa rõ rệt trên quyền lợi chính đáng của Hoa Kỳ, và tránh bị lôi kéo vào những đối đầu không cần thiết chỉ vì những nước muốn lợi dụng liên hệ với Washington để thủ lợi cho riêng mình.
Thế giới trên đà đa cực ngày nay đòi hỏi Hoa Kỳ phải hiểu rõ giới hạn quyền lực của mình trên trường quốc tế - phải thực tế hơn, khác với giới “đơn cực” Mỹ luôn luôn chỉ trích việc chính quyền Mỹ này nọ “đi cùng đường” với các nước vai vế khác. Ðường lối thực tiễn luôn luôn là một thách đố đập vào người Mỹ mang ý thức rằng mình khác biệt và lý tưởng hơn mọi người; họ nghĩ rằng đường lối “thực tiễn” trùng nghĩa với “bá đạo,” xảo quyệt kiểu Machiavelli/Tào Tháo, thích hợp với Châu Âu hơn. Hoa Kỳ phải chọn lựa chiến lược khó khăn: chú mục hơn vào Trung Hoa hay Nga khi không thể làm cả hai cùng một lúc? Dĩ nhiên Trung Hoa là đe dọa ghê gớm nhất, không những cho quyền lực và quyền lợi Hoa Kỳ mà còn cả trật tự thế giới mới; Trung Hoa là thế lực toàn cầu đang lên, Nga là thế lực đi xuống và thực sự bị Trung Hoa đe dọa.
Nhìn về Châu Âu
Trong thế giới đa cực chọn lựa tốt nhất cho Hoa Kỳ là liên minh (thay vì chỉ là “pạc-nơ”) chặt chẽ với Liên Ðoàn Châu Âu (EU, European Union). Châu Âu vẫn là vùng gần gũi nhất với Hoa Kỳ, chia sẻ những giá trị văn hóa và quyền lợi chung. Hoa Kỳ cần san sẻ những hiểm nguy, gánh nặng và trách nhiệm với EU trong việc tạo dựng trật tự mới - để đi vào một chiến lược toàn diện theo chiều hướng ngoại giao thay vì vũ lực, thích hợp với thế giới trong thế kỷ 21. Như thế, EU thay vì các nước thuộc minh ước quân sự Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sẽ là liên minh chính thức tốt nhất cho Hoa Kỳ, vì liên minh này mang triển vọng đưa đến trật tự thế giới tự do dân chủ trước đe dọa Trung Hoa cùng các nước độc tài đang lên khác.
Kỷ nguyên “bá chủ Mỹ” đã chấm dứt về nhiều mặt. Nếu giới lãnh đạo chính sách ngoại giao không ý thức và chấp nhận thực tế và tự thoát ra khỏi cái bong bóng bao trùm mình, một ngày gần đây cái bong bóng sẽ bùng vỡ với cái lực từng làm nổ tung thị trường tài chính đầu năm 2009. Người ta có thể để mắt nhìn xem và gia tăng những “điều chỉnh” kiểu ông Robert Gates và Barack Obama đang làm. Nhưng chẳng may thay, trước khi chuyện này xảy ra chắc cần phải có những “sửng sốt” như thất bại ở Afghanistan, Iran hay Bắc Hàn, hoặc đồng đô-la suy sụp “bất ngờ” (hoặc “ngoại bang” bán tháo hay “kêu nợ” hàng nghìn tỷ trái phiếu Mỹ, hay một loạt những khủng hoảng thị trường tài chính Mỹ khác) mới đủ sức làm nổ “bong bóng ngoại giao” ở Washington.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110600&z=184