Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Phong Uyên – Bàn cờ Việt Nam có gì thay đổi từ nay tới Đại hội 11?

Ngay từ đầu năm 1950, khi cả đại lục Trung Hoa rơi vào tay cộng sản, hai khối Thế giới Tự do và Cộng sản Quốc tế đã lấy Việt Nam làm bàn cờ đối chọi nhau. Sau Hiệp định Genève 54, miền Nam trở thành con cờ của Mỹ chống lại miền Bắc – con cờ của cặp Liên Xô-Trung Quốc. 1975: Mỹ bị loại ra ngoài, Liên Xô trở thành đối thủ với Trung Quốc cho tới khi bị sụp đổ. Đổi mới tạo thời cơ cho Mỹ trở lại Việt Nam qua ngả hội nhập kinh tế ASEAN, WTO. Mỹ và Trung Quốc lại có dịp ăn thua nhau trên bàn cờ Việt Nam cho tới ngày nay.
Tại sao Việt Nam mang tiếng là độc lập, thống nhất, ổn định, vẫn không thoát khỏi thân phận những con cờ trong tay Mỹ và Trung Quốc?

Có người giải thích là vì vấn đề địa lí-chính trị.
Nhiều người khác cho nguyên do là Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi còn trứng nước đã mang trong lòng mầm mống ngoại bang. So với những đảng cộng sản còn cầm quyền trên thế giới như Cu Ba, Bắc Hàn và Trung Quốc, đó là điểm khác biệt căn bản.
- Cu Ba, Bắc Hàn là những nước cộng sản “gia đình trị”. Đảng cộng sản chỉ là sở hữu của gia đình Kim Nhật Thành, của gia đình Fidel Castro, không khác gì ở những nước cộng hoà “cha truyền con nối” Châu Phi. Chế độ cộng sản Cu Ba sẽ biến mất khi không còn gia đình Castro. Trái lại, chế độ cộng sản nhà Kim, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, có thể sẽ tiếp tục tới đời cháu chắt.
- Đảng Cộng sản Trung Quốc bị Mao chiếm hữu ngay từ khởi đầu và biến nó thành một công cụ để giành quyền chính riêng cho mình. Mao cũng như Staline, khi có chút nghi ngờ đảng cộng sản có thể thoát khỏi tay mình là không ngần ngại thanh trừng, triệt tiêu toàn bộ Đảng, làm lại một đảng cộng sản khác. Mỗi lần như vậy là biết bao nhiêu người cộng sản bị đày đoạ, bị thanh trừng, thủ tiêu. Người giết cộng sản nhiều nhất là Mao chứ không phải Tưởng Giới Thạch. Đặng Tiểu Bình và sau đó là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, cũng chỉ bắt chước Mao, coi đảng cộng sản như đàn chó bẹc giê canh giữ đàn cừu “quần chúng”, phải tuân lệnh người chăn cừu duy nhất là người lãnh đạo. Nói tóm lại, chế độ cộng sản Trung Quốc không khác gì những chế độ độc tài kiểu Staline, kiểu Hitler, và Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cùng một loại với đảng Thợ thuyền Quốc gia hội Đức (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei) của Hitler. So với lịch sử Trung Quốc , chế độ cộng sản hiện giờ chỉ là một triều đại chuyên chế như những triều đại Hán, Đường, Tống, Minh, không hơn không kém.
- Mầm mống ngoại bang đã làm nảy sinh trong lòng Đảng Cộng sản Việt Nam một phái hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài, khiến ngay từ khởi đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã là Đảng 2 phái: phái “Bản địa” (le parti autoctone) và phái “Ngoại lai” (le parti de l’étranger):
1. Người cấy “tinh trùng” ngoại bang vào trong lòng Đảng Cộng sản Việt Nam là Staline: Năm 1930 khi ông Hồ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Staline đã gài Trần Phú tay chân của mình vào, bắt phải đổi tên đảng là “Đông Dương Cộng sản Đảng”. Muốn Staline để cho sống, ông Hồ đã phải chấp nhận đứa con lai “Một đảng 2 phái” từ thuở ấy: phái “Đông Dương” vâng lệnh Đệ Tam Quốc tế của Staline, và phái “Việt Nam” của ông Hồ. Hậu duệ của phái Trần Phú khi xưa là phái Bảo thủ lệ thuộc Trung Quốc bây giờ. Nhưng sự Trần Phú lệ thuộc Staline không thấm gì với những tay chân của Mao được gài vào Đảng Cộng sản Việt Nam sau này mà điển hình là Nguyễn Sơn: Viên tướng người Tàu gốc Việt này được Tàu “cho mượn” để theo lệnh Mao lấy Việt Nam làm thí điểm cho những đợt chỉnh huấn toàn quân đầu tiên ở Việt Bắc từ năm 1947, trước khi cả nước Tàu bị Mao thôn tính. Các khoá cải tạo tư tưởng văn nghệ sĩ cũng vậy: bắt đầu từ năm 1951, trước Cách mạng Văn hoá. Nguyễn Sơn đem những thành phần ưu tú của dân tộc Việt Nam ra làm vật thí nghiệm không khác gì những tên đồ tể của Hitler với dân Do Thái. Trường Chinh phát động Cải cách ruộng đất cũng là theo lệnh của Tàu. Lê Duẩn thì theo lệnh Nga Sô phát động chiến tranh xâm chiếm miền Nam để tiếp tục bằng chiến tranh với Khmer đỏ với hậu quả là Mỹ, Tàu đồng lòng với nhau cho một bài học biên giới. Bốn triệu người Việt đã bị thiêu sống để sưởi ấm cho hết Mỹ với Tàu, lại Nga với Tàu, ngồi yên đánh cờ.
2. Nhưng sau khi cướp được chính quyền, ông Hồ vẫn giữ cơ cấu “Một đảng 2 phái” có lợi cho mình. Là người nhiều mánh khoé, ông khôn ngoan lấy lại truyền thống Làng xã Việt Nam khi xưa để ngồi giữa ăn bát vàng: Hai phái trong Đảng cũng như 2 phái “Tiên chỉ”, “Lý trưởng” trong Hội đồng kỳ hào, có tranh nhau sôi thịt đấm đá nhau thế nào đi nữa, rút cục cũng đi đến thoả hiệp với nhau để chia nhau quyền lợi “chiếu trên chiếu dưới”. Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một thứ hội đồng kỳ hào tối cao với 2 phái mà người cầm đầu là ông Tổng bí thư và ông Thủ tướng, hệt như trong mỗi hội đồng kỳ hào phường xã với 2 chức vị Bí thư Đảng và Chủ tịch UBND. Trong quân đội cũng không thoát khỏi hệ thống 2 đầu là ông chính ủy và ông chỉ huy trưởng.
3. Từ khi phải bãi bỏ chế độ bao cấp, hệ thống “2 đầu” này đã trở thành cơ chế. Để chia nhau quyền lợi “kinh tế thị trường”, các tay chóp bu trong Đảng đặt ra 2 guồng máy, Lãnh đạo và Quản lí. Mỗi phái trong Đảng nắm một guồng máy: Phái “Tổng bí thư” nắm guồng máy “Đảng lãnh đạo”. Phái “Thủ tướng” nắm guồng máy “Đảng quản lí”. Chế độ “2 guồng máy” tránh được thanh trừng triệt tiêu nhau như ở Trung Quốc, nhưng đã tạo ra một cơ chế chồng chéo ăn bám vào ngân quỹ quốc gia và là nguồn gốc của tham nhũng. Tai hại hơn nữa là phái “Lãnh đạo” chỉ “ngồi chơi sơi nước” sống bám vào ngoại bang, chống đối lại mọi ý tưởng muốn chuyển hoá Đảng.
Không khó khăn gì mà không nhận ra những con cờ chủ chốt của Trung Quốc đều nằm trong phái “Lãnh đạo”. Cho tới nay, phái này có hậu thuẫn hùng hậu là Tổng cục 2 khống chế quân đội từ đại tướng Võ Nguyên Giáp trở xuống và các lực lượng công an từ phường tới tỉnh. Nguồn lợi tức kếch xù của phái này đến từ các xí nghiệp quốc doanh, tập thể; từ tiền chiếm đoạt đất đai của dân để làm sân golf, xây cao ốc, cho nước ngoài thuê; từ tiền Trung Quốc tung ra để độc quyền đấu thầu khai thác tài nguyên lâm khoáng sản. Dính chặt với Trung Quốc, tất nhiên là những nhân vật nằm trong phái này đều là những “Tướng, Sĩ, Tượng” của Trung Quốc. Những “Xe, Pháo, Mã” của Trung Quốc là đồ hàng rẻ tiền; là Hạm đội Nam Hải; là Trường Sa-Hoàng Sa; là các Mạng Hoàn cầu, Sina.com chuyên môn dọa dẫm Việt Nam; là “tin tặc ái quốc”, là Tây nguyên Bô xít; là thuê, chiếm hữu đất đai, rừng, biển, những căn cứ địa của Việt Nam.
Ai sẽ là con cờ “Tướng” của Trung Quốc trong phái Lãnh đạo sau Đại Hội 11? Những ngày gần đây có 2 nhân vật được luôn nói tới là ông Tô Huy Rứa và ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Rứa có hồi lên hương, được coi là đại diện của phe Bảo thủ vì (nghe đồn) ông là người đã đề ra Chỉ thị 34, được coi là bản Tuyên ngôn chống Mỹ của phe Bảo thủ, kết tội Mỹ luôn là đầu nậu những âm mưu “diễn biến hoà bình” để chuyển hoá Đảng. Ông Rứa hiện nay có vẻ lu mờ trước thế đương lên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Khi tuyên bố trong chuyến công du Ấn Độ vừa rồi là ở Việt Nam “chế độ độc đảng vẫn là hiệu quả nhất… Tôi chưa thấy cần thiết phải có chế độ đa đảng”, ông Trọng đã tự đặt mình vào cương vị thủ lãnh tương lai của phái Bảo thủ để khẳng định trước quốc tế là với phái này sẽ không có thay đổi cơ chế chính trị sau Đại hội 11.
Có chỗ dựa vững chắc là Trung Quốc nên trong suốt năm 2009 phái “lãnh đạo” tha hồ tác oai tác quái: Quyết định 97 bức tử IDS. Nghị định 34 kết tội Mỹ. Bắt bớ bỏ tù những người chống đối kể cả những người được coi là có sự ủng hộ của Mỹ như luật sư Lê Công Định. Những người trong phái này ca tụng 16 chữ vàng, công khai coi Hoàng Sa – Trường Sa là Tây Sa của Trung Quốc, cử trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đi triều kiến Bắc Kinh để đối lại với chuyến công du đi Mỹ của đại tướng Phùng Quang Anh…
Thử tìm những con cờ của Mỹ:
1. Mỹ hi vọng kiếm được trong phái “Quản lí” những quân cờ “tướng sĩ tượng” trong số các nhân vật có nhiều quan hệ kinh tế, văn hoá và gia đình với Mỹ. Nhiều người nghĩ những quân cờ này chỉ có thể là những nhân vật gốc gác miền Nam hay trong quân đội có truyền thống yêu nước. Cái khó của Mỹ là những người này không thể công khai nghiêng về Mỹ mà không bị phái thân Trung Quốc cô lập, vu khống và tìm cách hất cẳng.
2. Trái lại Mỹ dễ kiếm “xe pháo mã” hơn: Tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ. Giới sinh viên, học sinh thích lối sống Mỹ, thích văn hoá Mỹ. Thành phần “đại gia” thuộc giới kinh doanh có con cái gửi qua Mỹ du học. Cũng cần nên biết là quan hệ kinh doanh giữa một số Việt kiều di tản khi trước hay con cháu những người này và giới doanh thương có nhiều móc nối với những cán bộ cao cấp trong nước, cũng có thể tạo những con cờ cho Mỹ. Trái ngược lại với ý nghĩ của nhiều người chống cộng, chuyện “Việt kiều” Nguyễn Hữu Liêm là con cờ của ai hay chỉ là một mại bản, không phải là một điều quan trọng cần phải bàn tán, chê lên chê xuống.
3. Là thị trường tiêu thụ đồ hàng Việt Nam lớn nhất, đem lại cho Việt Nam thặng dư xuất nhập hơn 10 tỷ đô la năm 2009 (gần bù lại với số tiền mất vì nhập siêu đồ Tàu), Mỹ vẫn coi kinh tế là quân cờ chủ chốt nhất để chơi những nước cờ chính trị. Mỹ có thể hứa hẹn mở rộng thị trường Mỹ hơn nữa, khuyến khích đầu tư kinh doanh ở Việt Nam để sản xuất hàng tiêu thụ cho thị trường Mỹ, cho thị trường các nước phụ thuộc đồng đô la trong ASEAN, APEC, Ả Rập, Nam Mỹ; hứa hẹn hợp tác toàn diện, quân sự, giáo dục, kỹ thuật… với điều kiện là phải nới rộng nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí. Chuyến công du Việt Nam sắp tới của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Kurt Campbell vừa lên tiếng kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền, chắc chắn cũng nằm trong kế hoạch đó.
Nhưng đừng vội nghĩ là Mỹ muốn ăn thua với Trung Quốc trên bàn cờ Việt Nam là để phục thù đã mất miền Nam khi trước và bây giờ tìm cách lấy lại. Mỹ đã phản Việt Nam nhiều lần rồi. Cần phải coi chừng là có thể Mỹ chỉ cốt tiếp tục ván cờ Việt Nam để mặc cả với Tàu. Ba vấn đề đối với Mỹ quan trọng hơn Việt Nam là Đài Loan, Tây Tạng và Bắc Hàn:
Mỹ sẽ sẵn sàng nhắm mắt để Tàu nuốt Việt Nam như đã nuốt Trường Sa – Hoàng Sa, Biển Đông, với điều kiện là Tàu để yên Đài Loan, đừng đòi hỏi Đài Loan trở thành một Hồng Kông thứ hai.
Tây Tạng là vấn đề lương tri đối với người Mỹ. Không thể để Tàu tiếp tục chính sách diệt chủng, diệt văn hoá Tây Tạng khi còn Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Về Bắc Hàn, Mỹ cũng chỉ muốn Tàu ghìm tay Kim Chính Nhật để đừng đem bom nguyên tử doạ dẫm Đại Hàn, Nhật Bản.
Bởi vậy không thể để Mỹ và Tàu tiếp tục lấy Việt Nam làm bàn cờ mặc cả với nhau. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam phải có người đứng lên làm chủ bàn cờ đấu với Trung Quốc.
Trước hết người này phải có đủ uy thế và bản lĩnh để phá bỏ được guồng máy Lãnh đạo mà bộ phận đầu não là chức vị Tổng Bí thư Đảng.
Cách đây 4 năm, Hội nghị Trung ương 4 đã thông qua Quyết định “phải bãi bỏ sự chồng chéo giữa bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước”. Nghe nói Quyết định này bây giờ mới được thực thi dưới hình thức thí điểm ở 500 xã trong 10 tỉnh, gom chức bí thư Đảng vào chức chủ tịch UBND. Nếu chỉ như vậy thì vẫn chỉ là những động tác tượng trưng. Muốn phá bỏ sự chồng chéo phải đi từ trên xuống dưới. Nghĩa là phải gom chức từ Tổng bí thư Đảng trở xuống.
Có nhiều người đang cố hình dung ra người được coi là có đủ bản lãnh để làm chuyện này qua một vài hình ảnh hay một vài động tác: Chuyến công du Mỹ, Pháp, Nga mua khí giới và hợp tác quân sự với Hoa kỳ của đại tướng Phùng Quang Thanh. Chuyến đi thăm Giáo hoàng của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Thử tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gây được sự chú ý khi trả lời nhà báo nước ngoài về sự “trỗi dậy” và sự “bắt nạt” của “kẻ lạ”. Lệnh cho UBND các tỉnh không được “cấp giấy chứng nhận đầu tư, không ký hợp đồng cho nước ngoài thuê đất, biển…” cũng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng ai là người đã ra lệnh thả luật sư Lê Thị Công Nhân, thả linh mục Nguyễn Văn Lý trước kỳ hạn?
Và có thể hi vọng gì ở những nhân vật hay được nói tới như Trương Tấn Sang, Hồ Đức Việt mà cho tới nay vẫn không biết sẽ chọn phái nào?
Chắc chắn là sau Đại Hội 11 chế độ độc đảng vẫn còn đó. Khó có một nhân vật nào dám đụng đến mà không bị phái Bảo thủ kết tội là muốn Đảng “tự sát”, muốn trở thành một “Gót Ba Chốp”. Trái lại nếu nhân vật này, một khi nắm được quyền hành pháp, huy động được những người “tiến bộ” trong Đảng để cùng nhau tháo gỡ toàn bộ guồng máy Lãnh đạo từ Bộ Chính trị tới các đơn vị nhỏ nhất, thì đã là một kỳ công. Muốn vậy, người đứng đầu hành pháp phải nắm luôn chức vị Chủ tịch Đảng để đặt Tổng bí thư Đảng dưới quyền mình. Người này được ủy nhiệm để chỉ lo điều hành nội bộ Đảng như trong những đảng cầm quyền ở các nước dân chủ. Phương sách hay nhất là Thủ tướng cũng là Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam nếu muốn sau này cộng sản Việt Nam chuyển theo chính thể Đại nghị. Cái khó là cho tới nay không thấy ai là người đủ uy thế tụ tập được một hậu thuẫn vững mạnh để làm chuyện đó. Những thành phần tay sai của Trung Quốc trong phái Lãnh đạo sẽ chống đối lại, để rút cục cũng sẽ vẫn đi đến thoả hiệp giữa 2 phái như từ trước tới nay.
Kết luận: Sau Đại hội 11, nếu chức vị Tổng bí thư Đảng tiếp tục đứng hạng nhất nhì trong hệ thống, thì có thể nói Đại hội 11 vẫn “sao y bổn chính” Đại Hội 10. Ngược lại, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam bỏ quyền lãnh đạo để chỉ giữ quyền “quản lí” — nghĩa là quyền hành pháp –, thì có thể nói đây là một tiến bộ có tầm quan trọng ngang với Đổi mới cách đây 25 năm. Đảng cầm quyền hành pháp phải được hiểu là đảng được Quốc hội chỉ định lập chính phủ để ban hành luật pháp của Quốc hội và giám sát hành chính, chứ không chiếm giữ luôn mọi chức vụ hành chính mà không qua bầu cử. Chế độ độc đảng cầm quyền hành pháp không cấm nới rộng tự do ứng cử bầu cử để có một Quốc hội đa nguyên. Từ đó sẽ tạo ra Tam quyền phân lập. Có Tam quyền phân lập mới hi vọng có tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhân quyền mới được kính trọng.
© 2010 Phong Uyên

Tổng số lượt xem trang