Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Hiểm hoạ rình rập ngư dân nơi biển Hoàng Sa

Hiểm hoạ rình rập ngư dân nơi biển Hoàng Sa
Hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ huyện Lý Sơn bị những người có vũ trang trên đảo Hoàng Sa đuổi bắt, cướp tàu, bắt giữ người vô cớ.
Thống kê chưa đầy đủ từ huyện đảo Lý Sơn, chỉ trong hơn 10 năm lại đây, nơi huyện đảo nghèo khó này đã có hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ liên tục bị những người có vũ trang trên đảo Hoàng Sa dùng tàu lớn đuổi bắt, cướp tàu, tịch thu tài sản và bắt giữ người vô cớ. Điều đó khiến cho đời sống của hơn 1.000 ngư dân lâm vào cảnh khó khăn.
Hiểm hoạ tàu lạ có vũ trang giữa biển Hoàng Sa

Đã từng bị bão Chan Chu đánh tơi tả, thuyền trưởng, kiêm chủ tàu Qng-95821 Nguyễn Thanh Tuấn vẫn can trường chống chọi và trở về sau hơn 10 ngày trôi dạt trên đường chạy tránh bão từ Hoàng Sa.
Chiếc tàu nhỏ nhoi với công suất 160CV cùng 10 thuyền viên của anh bị bão tố đánh tơi bời trôi dạt về vùng biển Qui Nhơn và toàn bộ ngư dân trên tàu anh may mắn sống sót trở về.
HB 1.JPG
Ra Hoàng Sa trên những chiếc tàu nhỏ bé nhưng những ngư dân can trường vẫn ngày đêm bám biển.

Sau chuyến đi biển kinh hoàng ấy cứ tưởng rằng anh cùng thuyền viên bỏ tàu lên bờ nhưng anh bảo: Chuyện bão tố ngoài biển khơi là chuyện thường, điều đó không đáng sợ.
Bởi với anh cùng những ngư dân can trường được thừa hưởng khí phách của cha ông hàng mấy trăm năm trước là những hùng binh tình nguyện ra Hoàng Sa canh giữ vùng đất thiêng liêng của tổ quốc nên không hề biết sợ bão tố là gì.
Ngày xưa cha ông chúng tôi ra Hoàng Sa bằng những chiếc tàu nhỏ, không máy móc, chỉ với chiếc buồm mà vẫn can trường đối mặt với bão tố. Bây giờ cho dù có bão tố, có hiểm nguy rập rình, chúng tôi cũng phải ra khơi, đúng nơi mà cha ông chúng tôi mấy trăm năm trước đã khẳng định chủ quyền…” Anh Tuấn khẳng định.
Câu chuyện hiểm nguy rập rình nơi biển Hoàng Sa suốt hơn 25 năm bám biển đối với lão kình ngư Nguyễn Thanh Tuấn cùng hàng nghìn ngư dân khác nơi vùng ven biển Quảng Ngãi vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt. Bão tố đối với họ không đáng sợ bằng khi gặp tàu lạ có trang bị vũ trang khi đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa.
Nhưng cho dù có hiểm nguy, những ngư dân can trường như anh Tuấn, anh Quang, anh Lộc cùng hàng nghìn ngư dân khác nơi vùng biển này vẫn phải đối mặt để bám biển và không hề biết run sợ.
HB 5.JPG
Hiểm nguy rập rình, nhưng những chiến binh của biển vẫn can trường chuẩn bị ra khơi.

Anh Tuấn kể: “Hơn 25 năm bám biển, biết bao tai ương rập rình. Biển đang lặng bỗng nổi cơn bão tố là chuyện bình thường, tụi tui đã quen đối phó rồi. Nhưng những năm gần đây, một hiểm hoạ khác là gặp tàu lạ có trang bị vũ khí khi đang đánh bắt trên biển Hoàng Sa.
Nếu không phát hiện từ xa, nhanh chóng nhổ neo cho tàu chạy trốn thì coi như trắng tay mà mạng sống cũng khó giữ được…
Nỗi lòng ngư phủ
Hơn 25 năm bám biển, từ những ngày còn là ngư phủ trẻ lên tàu đi làm thuê, đến khi làm chủ tàu, tâm trạng thuyền trưởng kiêm chủ tàu Nguyễn Thanh Tuấn lúc nào cũng phập phồng lo sợ bị cướp tàu giữa biển khơi xa.
Anh Tuấn kể, tài sản để nuôi sống vợ con cùng hàng trăm người khác trên bờ tại sao không lo sợ bị mất được. Nếu anh em tụi tui có điều kiện sắm tàu to, công suất lớn, được hỗ trợ thì có hà cớ chi mà sợ. Mình đánh bắt trên vùng biển của đất nước mình mà.
HB 8.JPG
Nguyễn Minh Quang cùng chiếc tàu trở về trong tơi tả sau khi bị đánh cướp nơi vùng biển Hoàng Sa.

Trong câu chuyện mà anh Tuấn cũng như anh Quang và hàng nghìn thuyền trưởng khác nơi vùng biển Lý Sơn, Bình Châu… (Quảng Ngãi) kể lại rằng mỗi khi ra vùng biển Hoàng Sa, việc đầu tiên là xác định toạ độ vùng biển chủ quyền của Việt Nam mà đánh bắt.
Nhưng vẫn không yên thân, bởi những chiếc tàu chiến có trang bị vũ khí từ đảo Hoàng Sa luôn luôn rượt đuổi, vây bắt tàu để cướp và đánh đập, bắt nhốt ngư dân.
“Nhờ tàu lớn lại luôn cảnh giới, và cả đội tàu đánh bắt của xóm Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đều đi theo đoàn nên suốt những tháng năm đánh bắt nơi vùng biển Hoàng Sa, đội tàu của làng anh đều may mắn không bị tàu lạ có vũ trang bắt giữ đánh đập như các tàu bạn khác ở huyện đảo Lý Sơn…”- Anh Tuấn kể.
HB 6.JPG

Mặc dù chưa hề bị tàu lạ bắt giữ, đánh đập nhưng với anh cũng như những ngư dân đi trên đoàn tàu của làng anh đều lo sợ mỗi khi ra khơi đánh bắt.
Anh bảo: “Thấy tàu lạ là nhổ neo chạy trốn nên nhiều chuyến ra khơi chẳng đánh bắt được bao nhiêu. Nhiều lúc đang đánh bắt, thấy tàu lạ phải nhổ neo chạy trốn, nghĩ mà tức nhưng đành chịu bởi tàu họ to, lại có trang bị súng ống. Còn bà con ngư dân mình thì tay trắng…”
Trong câu chuyện kể, anh Tuấn thở dài bảo: “Mình đánh bắt trên vùng biển của nước mình mà giống như đi ăn cắp, cứ rình mò. Cảnh ni biết đến bao giờ chấm dứt. Làm thế nào để khỏi bị bắt nạt, bắt giữ vô cớ?
Đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ bà con ngư dân đóng tàu to, thành lập những đội tàu hùng mạnh, mới mong đối phó được với nạn cướp bóc giữa biển. Nếu được hỗ trợ đúng mức, bà con ngư dân chúng tôi sẽ tình nguyện tiếp tục ra vùng biển Hoàng Sa làm ăn để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc…”
Vợ chồng chủ tàu Dương Lúa trắng tay khi bị  cướp tàu kể về nổi niềm của người canh biển
Vợ chồng chủ tàu Dương Lúa trắng tay khi bị cướp tàu kể về nỗi niềm của người canh biển.

Đến bây giờ, không riêng gì anh Tuấn mà dường như những lão kình ngư nơi vùng biển Bình Châu, Bình Sơn và Lý Sơn đều có chung nỗi lo sợ khi gặp tàu lạ nơi vùng biển Hoàng Sa.
Với họ, những chiếc tàu chiến to gấp nhiều lần tàu đánh cá được trang bị vũ khí và phương tiện hiện đại giống như những con quái vật mà như lời lão kình ngư Trương Văn Công (54 tuổi), đã có hơn 30 năm đạp sóng ra vùng biển Hoàng Sa bảo là gặp những chiếc tàu ấy là gặp hoạ cho dù mình đánh bắt trên vùng biển của đất nước mình!
Lão kình ngư Dương Lúa và Lê Văn Lộc, An Hải, huyện đảo Lý Sơn, cả hai là thuyền trưởng, kiêm chủ hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ nơi vùng biển Hoàng Sa đã phải tay trắng trở về khi bị những chiếc tàu chiến có trang bị vũ khí bắt giữ thu tàu hồi tháng 12 năm ngoái kể lại rằng: Những hiểm hoạ mà ngư dân như anh đối mặt hàng giờ không phải là bão tố mà là những tàu lạ có vũ trang nơi vùng biển Hoàng Sa bắt giữ, thu tàu và đánh đập ngư dân khi đang đánh bắt.
Từ một ông chủ tàu, anh Lúa, anh Lộc cùng hàng trăm chủ tàu khác nơi vùng biển Lý Sơn bỗng chốc trắng tay. Nhiều người bị mất tàu, không còn phương tiện ra khơi đã phải đi làm thuê kiếm sống trên các tàu bạn. Trong khi đó nợ vay đóng tàu hàng chục năm sau vẫn chưa trả hết.
Ông Nguyễn Văn Hước, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, người đã có nhiều năm trăn trở suy tư với câu hỏi trong đầu mỗi khi ông nhận được thông tin bà con ngư dân của huyện bị bắt giữ tàu hay gặp nạn trên biển Hoàng Sa: làm thế nào để bảo vệ được ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển của tổ quốc - Hoàng Sa?
HB 7.JPG
Tượng đài Hải đội Hoàng Sa nơi đảo Lý Sơn luôn nhắc cháu con phải bám biển giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Đã nhiều năm rồi, câu hỏi ấy vẫn thường ám ảnh ông, mà như lời ông tâm sự là vẫn chưa có cách nào hữu hiệu để bảo vệ được ngư dân. Đã có hàng chục văn bản báo cáo, rồi đề xuất đích thân ông ký gửi các cơ quan chức năng của tỉnh, trung ương.
Theo ông, trước mắt là nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp để giúp ngư dân đóng được tàu to, thành lập những đội tàu hùng mạnh để cần là hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn giữa biển. Có làm được như vậy, mới mong hạn chế được những hiểm hoạ chực chờ bà con ngư dân nơi biển xa.
  • Vũ Trung
    Bài 3: Những hùng binh nơi đảo Lý Sơn
Ít có nơi nào như huyện đảo Lý Sơn, ở đó suốt mấy trăm năm nay, lớp cha trước, lớp con sau như những hùng binh ngày đêm bám nơi vùng biển Hoàng Sa để mưu sinh và canh giữ đất trời của tổ quốc. Mặc dù trong tay không tấc sắt, nhưng họ vẫn can trường như những chiến binh đối mặt với bao hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió…

Tổng số lượt xem trang