Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Lê Quốc Tuấn – Vấn đề ẩn danh trên các trang mạng đối thoại trực tuyến

Ẩn danh (anonymity) có nghĩa là tác giả thực sự của một thông tin không được hiển thị. Ẩn danh không phải là điều gì mới lạ. Trước khi có internet ra đời, ẩn danh đã từng được sử dụng rộng rãi trong giới cầm bút trong một biến thể phổ biến là bút danh/bút hiệu và đặc biệt trong giới làm chính trị là bí danh, như Trường Chinh/Sóng Hồng là bí danh của Đặng Xuân Khu.
Bút danh/bút hiệu (pseudonymity) là một cái tên khác tên thật của tác giả thật được hiển thị đến người nhận thông tin. Bút danh/Bút hiệu thường được công chúng biết đến, như Nhất Linh là bút hiệu của Nguyễn Tường Tam. Nhưng cũng có khi rất bí mật như trường hợp ẩn danh nổi tiếng nhất của đại văn hào William Shakespear. Ai cũng biết rằng đây chỉ là bút hiệu của thiên tài văn học này, còn tên thật của ông cho đến nay vẫn là một bí ẩn.

Bài viết này chỉ giới hạn vấn đề ẩn danh trong khuôn khổ của mạng ảo internet. Đặc biệt trên những trang mạng rất phổ biến, thường được nhiều người sử dụng internet tham dự như các trang facebook, twitter, youtube và các trang đối thoại trực tuyến…
Các dịch vụ ẩn danh trực tuyến đã có vào khoảng năm 1988, được thành lập cho những nhóm sử dụng (newsgroup) đặc biệt, giới hạn công chúng tham dự, để bàn thảo những chủ đề dễ tổn thương, nhạy cảm đặc thù hoặc các chủ đề cá nhân riêng tư với nhau. Dần dà, các dịch vụ trực tuyến ẩn danh phát triển nhanh chóng đến nhiều thành phần sử dụng với các mục đích khác nhau. Hiện nay, dịch vụ trực tuyến ẩn danh đã phát triển hết sức phong phú. Trao đổi từ học thuật, tôn giáo, quan điểm chính trị xã hội đến các nội dung giải trí, xã hội đại chúng. Và cũng chính từ sự phát triển đa dạng này, vấn đề ẩn danh hay không nên ẩn danh đã từng được bàn cãi để tìm một giải pháp thích hợp nhất cho tình trạng quá tải của những phiền hà, bất lợi trực tiếp đến với người sử dụng cũng như người cung cấp dịch vụ.
Lợi điểm và sự cần thiết của ẩn danh
Bảo vệ trước những nguy hại có thể xảy đến do sự thiếu khoan dung của xã hội là một điều cần thiết, quan trọng và hợp pháp cho người ẩn danh trên mạng internet.
Trong một số phạm vi, lĩnh vực, xã hội chúng ta sống có thể là cực kỳ bảo thủ. Do đó có thể gây nguy hiểm cho những ai có những phát ngôn, ý kiến nhất định, hoặc chấp nhận một lối sống nhất định. Nặc danh rất quan trọng cho những loại thảo luận về các vấn đề xã hội, chính trị, tôn giáo vốn chứa những nhạy cảm khó tránh khỏi. Ngoài ra, ẩn danh còn hữu ích cho những người muốn đặt những loại câu hỏi kỹ thuật mà họ không muốn thú nhận là mình không biết, báo cáo hoạt động bất hợp pháp mà không sợ thù, và nhiều thứ khác. Ví dụ, các cơ quan công quyền ở nhiều nước thường duy trì một đường dây điện thoại nóng (hot line) cho công dân vô danh có thể báo cáo, chất vấn những hành xử của các cấp chính quyền nếu như có xảy ra các lạm dụng, xách nhiễu. Nếu không có ẩn danh, những hành vi này có thể dẫn đến sự chế giễu công cộng hoặc bị kiểm duyệt, che chắn, thậm chí các cá nhân nêu lên các ý kiến này có thể bị trả thù, mất việc hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người còn cho rằng ẩn danh là một biện pháp cực kỳ hiệu quả trong việc thúc đẩy tự do ngôn luận. Ẩn danh có lợi vì nó mang lại cho người ẩn danh một lối thoát cho ý kiến của mình trong bất kỳ cuộc bàn luận, tranh cãi nào.
Không chỉ trong lãnh vực trực tuyến trên mạng ảo. Từ lâu, trước khi con người biết đến internet, đã từng có tiền lệ ẩn danh trong ngành báo chí xuất bản. Trách nhiệm của một nhà báo trong việc không tiết lộ nguồn tin của mình đã được công nhận gần như phổ biến. Nhiều tác giả, ký giả viết dưới bút danh/bút hiệu ẩn danh của mình, mang đến cho xã hội những thông tin hết sức có giá trị về nhân văn, học thuật mà danh tính thực của họ không bao giờ bị phát hiện.
Một lập luận khác cho ẩn danh là là một nhu cầu không thể tránh khỏi của xã hội. Trong đời thường, có vô vàn những cú điện thoại nặc danh, những lá thư không rõ nguồn gửi đến nhằm quảng cáo, giới thiệu một dịch vụ xã hội, thương mại nào đó. Trên mạng internet, một số lượng người sử dụng hết sức lớn (và còn không ngừng tăng lên hàng giờ hàng ngày) đang tận dụng lợi thế của các dịch vụ vô danh trên internet, có thể thấy rằng các dịch vụ này là thực sự cần thiết và đã thực sự đáp ứng được một nhu cầu thực tế cụ thể. Tính sẵn có của loại công nghệ này trong việc thiết lập được những máy chủ nặc danh cũng đã khiến cho việc loại bỏ các máy chủ như vậy khỏi cộng đồng mạng ảo là một việc hầu như không thể thực hiện.
Vả lại, loại bỏ các máy chủ ẩn danh là điều không cần thiết vì công nghệ này tồn tại để đem lại cho người sử dụng sự tự do trong việc lựa chọn, thậm chí tự mình loại bỏ những thông tin mà họ xét thấy không c ần thiết. Chính sự tự do này từ góc độ của người sử dụng sẽ là một bộ phận lọc, kiểm duyệt khách quan, tối hậu nhất cho các thông tin ẩn danh trên mạng. Điều này cho phép các cá nhân lọc ra bài viết ẩn danh và email mà họ không thích, trong khi vẫn gặt hái được những lợi ích của dịch vụ dành cho nặc danh. Mặc dù vẫn có những người mặc nhiên xem thường bất kỳ bài đăng ẩn danh nào, nhưng vẫn có những người khác sử dụng ẩn danh để cho phép ý kiến của mình được đánh giá trên chính bản thân nội dung của ý kiến ấy, chứ không phải bởi tên tuổi gắn liền với chúng.
Bất lợi của sự ẩn danh trên trực tuyến
Tuy nhiên ẩn danh cũng mang đến những bất lợi. Thực trạng của những sự lạm dụng thái quá và những hoạt động bất hợp pháp trên mạng là một trong những nhược điểm dễ thấy nhất của việc sử dụng ẩn danh. Một số biểu hiện tiêu cực của ẩn danh thường thấy phổ biến nhất trên mạng internet là lạm dụng sự ẩn danh để tấn công đối thủ của họ mà không sợ bị trừng phạt. Những biểu hiện này thường có các nguyên nhân thực ở đàng sau từ một số cá nhân băng hoại về tâm lý hoặc từ sự đùa nghịch vô ý thức của những người “nhàn cư vi bất thiện”. Hậu quả khó chấp nhận nhất là những hành động như bắt cóc, khủng bố, xách nhiễu, đe dọa cá nhân, lăng mạ, gieo rắc hận thù, gian lận tài chính, tiết lộ bí mật kinh doanh…
Không ít người sử dụng internet đã bày tỏ mong muốn ngăn cấm việc sử dụng ẩn danh trên mạng, vì những hậu quả có tính “lợi bất cập hại”. Đặc biệt trong hoàn cảnh của một xã hội có quá nhiều xung khắc nhạy cảm, lại đặt trong hoàn cảnh tính năng quá nhanh nhạy của mạng internet trực tuyến. Tính cách tức thời của thông tin truyền tải qua internet sẽ khiến nó được tải xuống, in ấn, phân phối trên toàn thế giới đến nhiều người quan tâm. Ngoài ra, lại gần như không thể kiểm soát được các hoạt động bất hợp pháp hoặc đã gây ra các thảo luận ẩn danh trực tuyến lan rộng trên internet mà, trong phần lớn trường hợp, không một ai kể cả các cơ quan an ninh có thể theo dõi ngăn chặn kịp thời.
Từ thực tế của mạng trực tuyến, một hành vi phá hoại mới đã xuất hiện mà thuật ngữ mạng gọi là trolls, dùng để chỉ những người gia nhập vào một cộng đồng mạng đã được thành lập (như một diễn đàn thảo luận trực tuyến chẳng hạn) nhằm cố ý cố gây gián đoạn, thường là dưới hình thức gửi tin nhắn hoặc những bài viết có tính xúc phạm, vô căn cứ, không chính xác, ngớ ngẩn, hoặc lạc đề, với mục đích khiêu khích những phản ứng nơi người khác. (Mục đích của những trolls này là tấn công vào nhóm điều hành, chủ trương trang mạng. Nhằm đánh đổ trang mạng ấy hoặc bẻ gãy chủ quyền, lề luật của trang mạng ấy, vì những lý do chính trị, cạnh tranh thương mại hoặc xung khắc cá nhân.) Tuy nhiên việc đi sâu vào hiện tượng trolls không phải là mục đích của bài viết này.
Bên cạnh đó, một hiện tượng tương tự như trolling trên mạng, thường gọi là spam, còn có thể bao gồm những người vô danh nhảy xen vào giữa các bàn luận, đăng tải liên tục các nhục mạ cá nhân, khiêu dâm, hoặc thuần túy chỉ để quảng cáo vô bổ nhằm phá hoại chủ đề ban đầu của một dòng (thread) thảo luận nghiêm túc.
Việc ẩn danh trên mạng Internet cơ bản đã cung cấp một sân chơi cho tất cả mọi người tham gia, ở đó đã cho phép một số người diễn tả những mặt đen tối của cá tính mình trong một phương cách vốn không thể chấp nhận trong cuộc sống thực. Khả năng truyền tải sự tức giận hoặc có các suy nghĩ có ý xấu mà không phải nhận lãnh hậu quả hữu hình là một cám dỗ đối với một số cá tính nhất định. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy trong vô số những “chat room”, forum, youtube… trên internet.
Nói tóm lại, các bất lợi của ẩn danh trên các trang mạng trực tuyến chính là sự quấy nhiễu, gây rối, có thể đi đến các thiệt hại thậm chí nguy hại đến tinh thần, vật chất cho người sử dụng và cả người điều hàng, cung cấp mạng.
Chúng ta có thể làm được gì?
Nguyên tắc nên được tôn trọng chính là: tất cả mọi người đều có quyền được phát biểu, bày tỏ và lắng nghe. Và cũng đừng quên rằng, tự do ngôn luận có thể mang đến những bất tiện của nó ở mọi lãnh vực chứ không phải chỉ riêng đối với không gian internet.
Trong rất nhiều hoàn cảnh cần thiết, chúng ta có thể và nên chọn lựa sự ẩn danh. Và đó chính là một quyền hợp pháp để bảo vệ chính mình. Một số người đã tự thiết lập các blog riêng của mình, một số khác đến chia sẻ những thông tin của mình trong các trang mạng có sẵn, tất cả đều có thể ẩn danh. Nhưng làm như vậy, chúng ta phải chấp nhận những hậu quả của lựa chọn ấy. Bởi vì, như một con dao hai lưỡi, chúng ta dễ dàng thấy được những bất lợi, nhược điểm của sự ẩn danh. Từ góc độ của người sử dụng đến người cung cấp dịch vụ trực tuyến đều cần phải có những thao tác nhất định nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy đến với mình. Do đó, như một sự thỏa hiệp giữa lợi vài hại, tất cả các nhóm chủ trương các trang mạng xã hội (như youtube, online forum, twitter…) đều cố gắng bằng khả năng của kỹ thuật công nghệ thông tin sẵn có để lọc lựa các thông tin tải lên từ đám đông vô danh. Và mặc dù sự lọc lựa này có dẫn đến những trở ngại không tránh khỏi cho quyền tự do diễn đạt nhưng xét cho cùng, họ nên được khuyến khích để làm như thế và những người sử dụng các dịch vụ hiển thị trên mạng cũng nên chấp nhận thực tế này.
Từ thực tế đó, những người coi trọng giá trị của tự do đã mặc nhiên chấp nhận tất cả những rủi ro của nó. Tuy nhiên, chỉ đến một giới hạn của những người dùng sử dụng ẩn danh như là một lá chắn cho niềm tin và an ninh cá nhân của họ. Một số khác đồng ý rằng ẩn danh là hữu ích cho một số nhóm hoặc thảo luận về các chủ đề nhạy cảm. Họ cảm thấy rằng mỗi nhóm sử dụng (newsgroup) nên quyết định có hay không nên có sự ẩn danh và thiết lập một máy chủ được thiết kế đặc biệt cho nhóm đó.
Nhưng thực tế của các nỗ lực muốn loại bỏ các dịch vụ ẩn danh bằng luật pháp sẽ là khó có thể thực hiện. Mong muốn kiểm soát, khống chế hoàn toàn mạng internet là khá ngây thơ. Tuy nhiên, hy vọng rằng một lề luật quốc tế về sự sử dụng, cung cấp dịch vụ ẩn danh trên mạng internet sẽ sớm được hình thành và đạt được đồng thuận của đa số người sử dụng. Một tập hợp của các nguyên tắc về việc sử dụng ẩn danh trên mạng Internet là rất quan trọng. Những nguyên tắc này sẽ chỉ hoạt động hiệu quả trên quy mô quốc tế nếu cả người làm luật và người sử dụng net cùng hợp tác để tìm ra một giải pháp chung.
Có một ví dụ rất hữu ích cho sự thiết lập các quy tắc quản lý, điều phối sự ẩn danh trên mạng tìm được trong tài liệu “Anonymity trên Internet” của L. Detweiler, xin được tóm tắt như sau:
Đối với người sử dụng:
  • Chỉ sử dụng ẩn danh khi cần thiết. Sử dụng phù phiếm, không đúng cách sẽ làm suy giảm tình nghiêm trọng, sự hữu ích của các khả năng cho người khác.
  • Không dùng ẩn danh để kích động, quấy rối, hoặc đe dọa người khác.
  • Phải ý thức, hiểu được chính sách của trang web ẩn danh và tôn trọng họ. Phải sẵn sàng để bị tước đi danh tính của mình nếu lạm dụng đặc quyền ẩn danh.
Đối với người cung cấp dịch vụ:
  • Vạch rõ các trường hợp ẩn danh chấp nhận được và không thể chấp nhận được ngay trong hồ sơ giới thiệu dịch vụ gửi tới người sử dụng. Có một chính sách nhất quán, mạch lạc và bám thực hiện chặt chẽ. Nêu rõ các loại đăng nhập và giám sát nào được thực hiện trên mạng.
  • Xây dựng một kế hoạch dự phòng cho các khó khăn thuộc về đạo đức và các tình huống đạo lý khó xử.
  • Sử dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an ninh của máy chủ khỏi các tấn công và xâm nhập.
  • Yêu cầu một cuộc biểu quyết, bỏ phiếu, để cho phép hoặc không cho phép các đăng tải gửi ẩn danh trong các nhóm sử dụng.
Đối với độc giả:
  • Không phản ứng một cách nhạy cảm với các thông tin vô danh. Những kẻ quấy nhiễu sẽ cảm thấy được khuyến khích hơn nếu họ nhận được các phản ứng đáp trả. Đôi khi phản ứng có hiệu quả nhất chính là sự im lặng.
  • Thông báo cho người cung cấp dịch vụ biết những vi phạm nghiêm trọng hoặc hoạt động tội phạm, chẳng hạn như vi phạm bản quyền, xách nhiễu, tống tiền, v.v.
Sự phát triển không ngừng của công nghệ tin học sẽ còn mang đến nhiều điều thú vị cho đời sống con người. Và con người không tránh khỏi việc phải trả giá cho những tìm tòi, khám phá của mình. Hiện nay, vấn đề nên, không nên hay phải giải quyết sự ẩn danh trên mạng như thế nào vẫn còn là một chủ đề nóng đối với cả người sử dụng lẫn người cung cấp dịch vụ. Nhưng để tạm kết luận, có thể nói rằng: Chúng ta không thể đóng cửa các đường cao tốc chỉ vì một số người chạy quá tốc độ.
(Tổng hợp từ nhiều nguồn trên mạng)
Tháng Ba/2010
© 2010 Lê Quốc Tuấn
<<<::: c="" ch="" h="" m="" n="" ng="" xong="">>.

Tổng số lượt xem trang