Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Phong Uyên – Những ý niệm tương đồng trong tư tưởng các nhà hiền triết Hi Lạp, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử

Phong Uyên – Những ý niệm tương đồng trong tư tưởng các nhà hiền triết Hi Lạp, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử (phần 1)
Từ trước tới nay, khi bàn về tôn giáo hay triết học nhiều người cho là tư tưởng Phương Đông và Phương Tây khác nhau quá nhiều vì người Tây phương có cái nhìn nhị nguyên còn người phương Đông có cái nhìn tổng thể. Đó là một nhận định chứa đựng quá nhiều thành kiến từ thời cận đại, coi Trung Quốc là tượng trưng Phương Đông, và Phương Tây là Âu Mỹ, mà quên nguồn gốc Phương Tây là Ấn Độ, không những về địa lí mà còn về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, triết học. Nhưng nếu chịu khó tìm tòi so sánh sâu rộng hơn, sẽ thấy ở thời thượng cổ cách đây 2500 năm, tư tưởng của các vị hiền triết bất kể Đông Tây, từ bể Địa Trung Hải tới bờ Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, đều cùng một lối suy luận, đều có những ý niệm tương đồng không phân biệt địa lí hay chủng tộc.

Để chứng minh, tôi xin chọn ba nhà hiền triết Hi Lạp tượng trưng nhất: Héraclite, Socrate, Platon để đối lại với 3 nhà hiền triết Ấn Độ và Trung Quốc là Phật Thích Ca (trong cương vị một nhà hiền triết), Khổng Tử, Lão Tử. Lí do của sự lựa chọn là:
Sáu vị này đều sinh ra cùng thời cách đây 2500-2600 năm ở những vùng trên thế giới cách xa nhau nhưng gần như cùng một trình độ văn hoá.
Tư tưởng của các vị này là tinh túy của nhân loại. Từ 2500 năm cho tới nay, mọi suy nghĩ của con người về triết học cũng như về đạo giáo và khoa học, đều có nguồn gốc từ những tư tưởng đó.
Câu hỏi tôi tự đặt cho tôi là Hi Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa, ở 3 miền quá cách xa nhau khó có sự giao tiếp với nhau mà sao lại có những tư tưởng giống nhau? Và sau này vì sao lại có những diễn tiến khác nhau?
Để trả lời, tôi xin chia bài viết làm hai phần:
Phần 1: Phân tích những điểm tương đồng.
Phần 2: Tìm hiểu vì sao những tư tưởng tương đồng đó lại có những diễn tiến khác nhau.
I. Thử phân tích những điểm tương đồng trong triết lý của các vị hiền triết kể trên
1. Héraclite với khái niệm Logos
Héraclite sinh khoảng năm 575 TCN cùng thời với Đức Phật, ở tỉnh Éphèse thuộc văn hoá Hi Lạp nằm ở phần đất Tiểu Á (Asie mineure) Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ.
Héraclite biến đổi ý niệm thần thoại Logos thành một ý niệm triết học. Logos có nghĩa là “Lời nói” diễn đạt cái Lý. Tôi xin dịch LogosNgôn lý. Theo Héraclite Ngôn lý là nguồn gốc của mọi sự, là Lý tuyệt đối trường cửu, Trí thông minh quán thế sáng tạo ra vũ trụ và điều hành vạn vật.
Héraclite suy luận: Là Lý lẽ tuyệt đối của mọi biến dịch, Logos làm biến đổi không ngừng vạn vật khiến mọi sự đều trở thành Vô thường luôn luôn thay đổi và tương khắc với nhau nhưng vẫn chỉ là một: như ngày thành đêm, như sống với chết, như con đường đi lên rồi lại đi xuống nhưng vẫn chỉ là một con đường. Câu nói mà ai cũng nghe nhưng ít người biết là của Héraclite: “Không ai tắm hai lần cùng một sông… Nước biển là nước tinh khiết nhất mà cũng là nước ô uế nhất. Là nước nuôi cá, cứu cá mà cũng là nước làm người chết khát và gây tai hoạ cho người”. Trong nghĩa này Logos tương đồng với:
- Thái cực của Khổng Tử: Trong kinh Dịch, Thái cực chỉ là Một thể. Nhưng khi vận hành để sinh ra vạn vật, biến thành 2 thể âm dương “Dương lên đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương, hai thể ấy cứ theo liền nhau, rồi tương đối điều hoà với nhau để biến hoá mà sinh ra trời đất vạn vật.” (Nho giáo, Trần Trọng Kim). Thái cực biểu hiện Lý của Trời (Thiên lý) và theo Khổng Tử: Trời vô hình vô thể, nhưng hợp theo thiên lý là hợp ý Trời, cũng như Logos thể hiện Lý Trời vậy.
- Luân hồi của Phật: Mọi sự đều luôn luôn biến đổi vô thường, đối nghịch với nhau như “có sinh có tử”. Cũng có nghĩa là Nhân duyên: Cái này có mặt thì cái kia có mặt, cái này vắng mặt thì cái kia vắng mặt.
Nguyên lý Độc nhất tuy thể hiện dưới những trạng thái đối nghịch nhau, Logos cũng có nghĩa tương đồng với:
- Đạo của Lão Tử: “Nguyên thủy của trời đất là Đạo không đầu không đuôi như nhân và quả... đón nó thì không thấy đầu, đi theo nó thì không thấy đuôi của nó”. Đạo đồng nghĩa với Logos: Vạn vật trong vũ trụ đều là trạng thái khác nhau của Đạo, Đạo là tuyệt đối độc nhất Đạo sinh Một cũng là Một sinh Đạo (Ngô Tất Tố).
- Brahman trong kinh Vệ đà và khái niệm brahman (Atman) của trường phái triết học Vedanta Ấn độ thế kỷ thứ V TCN. Brahman là Chân Như, là Đại Ngã và cũng là Niết Bàn theo một vài tôn phái trong Phật giáo Nguyên thủy suy luận.
- Visnu Shiva trong Ấn độ giáo, đối nghịch nhau nhưng chỉ là Một trong Bản thể Brahman.
Khái niệm Logos cũng là nguồn gốc của những phương pháp đối biện (dialectiques) trong triết học Hi Lạp hay Âm-Dương của Khổng Tử. Sau này Hegel (chính đề, phản đề, tổng hợp đề) và học trò là Marx tiếp tục phương pháp Đối biện (Tàu dịch là Biện chứng không đúng với cả chữ lẫn nghĩa) trong triết lí của mình. Với Marx, Đối biện là luật mâu thuẫn giải thích sự diễn tiến của lịch sử. Triết học Phương Tây cho tới nay vẫn dùng phương pháp đối biện trong suy luận. Khoa học cũng vậy: nhờ luôn luôn áp dụng phương pháp đối biện nên mới có tiến triển. Nguyên lí khoa học “không có gì tự mất, tự tạo ” cũng nhắc nhở đến thuyết Duyên khởi của Phật.
2. Socrate với phương châm “Phải tự biết mình”
Sinh thế kỷ thứ V TCN. Socrate lấy phương châm được khắc ở cửa điện Delphes “Phải tự biết mình” (Connais-toi toi-même) làm phương châm cho chính mình. Triết lý của Socrate là phải học hỏi, phải tu thân để tìm ra cái Đẹp, cái Thiện, cái Thật, Công lý và Tình yêu đã có sẵn trong mỗi con người khi sinh ra. Socrate, cũng như Khổng Tử tin là “Nhân chi sơ tính bản thiện”, và cho là con người sở dĩ trở thành độc ác là vì ngu tối (vô minh). Vì vậy Socrate đặt trọng tâm vào giáo dục tuổi trẻ để tuổi trẻ nhận thức được cái ngu tối của mình mới tìm lại được những cái chân thật, những ý tưởng tốt ẩn giấu trong bản thân mình. Socrate tự cho mình là một người biết cách “đỡ đẻ” tinh thần “l’art de la maïeutique” giúp tuổi trẻ cho ra đời lại được những cái tốt tiềm ẩn trong con người. Socrate cũng khuyên tuổi trẻ để chuyện trời đất ra một bên: “Hài hoà vũ trụ” nên để Trời định liệu. Cũng vì vậy mà Socrate bị kết tội là làm mọi người xa lánh thánh thần sở tại, đem thánh thần mới ở đâu đến hủ hoá tuổi trẻ, và bị bắt phải uống thuốc độc chết.
Những điểm tương đồng giữa Socrate với Phật và Khổng Tử:
Khổng Tử cũng cho là mỗi con người đều có bản tính tốt vì được Trời phú cho một phần Thiên lý gọi là cái Tâm. Nhưng phải học, phải tu thân, thì cái “tâm” mới phát hiện ra được. Khi chết cái tâm đó sẽ đem mình nhập lại của với Tâm của Trời (Thiên lý). Khi sống, Khổng Tử cũng nghĩ như Socrate: “Quỉ Thần kính nhi viễn chi” nên việc thờ phụng thần linh chỉ là việc phụ.
Cuộc đời của Socrate không khác gì cuộc đời của người quân tử trong Nho giáo: Lấy Tu thân làm gốc, coi học vấn là trọng. Cái chết của Socrate cũng là cái chết của kẻ sĩ.
Socrate cho Ý niệm “Thiện” (Le Bien) đã có sẵn trong mỗi con người. Có thể coi ý niệm này là tương đồng với “Chân Như” trong triết học Ấn độ, “Phật tính” trong đạo Phật và “Tâm” trong Khổng giáo.
3. Chân Ý (Idée) của Platon
Tôi xin tạm dịch khái niệm Idée của Platon là Chân Ý mà tôi cho là sát nghĩa nhất.
Cho tới nay triết học Platon vẫn được coi là nền tảng của xu hướng Duy tâm (Duy ý) trong triết học Phương Tây. Sinh năm 428 TCN, Platon là học trò Socrate nên khi viết những bài Đối thoại (Dialogues) để diễn đạt tư tưởng của mình, Platon hay lấy Socrate làm nhân vật đối thoại chính. Theo Platon có hai thế giới:
Thế giới vật chất. Có thể nhận thức được bằng ngũ quan hay bằng cảm giác. Platon gọi là Thế giới cảm nhận được (Le monde sensible). Thế giới này gồm mọi sinh vật như người, súc vật, cây cỏ; mọi đồ vật do con người chế tạo ra như bàn ghế, tàu thuyền, tượng đá…; mọi hình bóng của nó hay mọi hình thù do tưởng tượng mà ra. Những cái đó, tuy mắt có thể trông thấy, tai có thể nghe thấy, có thể sờ mó được hay cảm thấy được nhưng chỉ là những ảo ảnh.
Thế giới tinh thần. Chỉ có thể nhận thức được bằng tri thức nên Platon gọi là le monde intelligible. Muốn biết nó phải vận dụng “tri thức” tức là Tuệ giác theo Phật, và Tâm giác theo Khổng Tử. Tôi tạm dịch “le monde intelligible” là Thế giới của tri giác.
Thế giới tinh thần là thế giới của Chân Ý có Tinh chất vĩnh hằng (Essence éternelle) không nằm trong không gian và thời gian. Chân Ý tạo ra:
- Những sự vật của Lý lẽ (Raison) như những công thức, những định lý toán học, hình học.
- Những nguyên ý (idées). Lấy thí dụ như nguyên ý “Đẹp” (Beauté): Sở dĩ ta thấy đẹp những vật thể không giống nhau như một bức tranh, một bài thơ, là vì cái “đẹp” đã được truyền vào những vật thể khác nhau đó từ nguyên ý “Đẹp”. Một danh hoạ Nhật có thể vẽ núi Phú Sĩ cả trăm lần chỉ vì đã “thấy” được cái nguyên ý Đẹp (cái thần) của núi Phú Sĩ chứ không phải chỉ vì “trông thấy” những cảnh đẹp của núi Phú Sĩ.
- Và sau cùng theo Platon, cái trên hết trong thế giới của Chân Ý là Ý “Thiện”.
Theo Platon Chân Ý tạo ra vũ trụ. Điều hoà vũ trụ, sắp đặt vạn vật cho có trật tự hài hoà là Lý Lẽ. Tinh thần của mỗi con người cũng từ Chân Ý mà ra.
Thế giới tinh thần là thế giới đời đời bất diệt vì là Tinh chất vĩnh hằng. Trái lại, thế giới vật chất “cảm nhận được” chỉ là ảo ảnh, chỉ là phản ánh sai lầm thế giới của Chân Ý, của Lý Lẽ.
Trong triết lý của Platon có nhiều điểm tương đồng với triết lý Phật:
Cũng theo Platon:
Con người gồm 2 phần: tinh thần và thể xác.Tinh thần bất diệt vì do những nguyên ý tạo thành mà nguyên ý là thành phần của Chân Ý. Nhưng nếu tinh thần quá bám vứu vào thể xác, vào vật chất, thì sẽ không thoát khỏi được thế giới ảo ảnh để tái nhập thế giới của Tinh chất Vĩnh hằng. Con người muốn khi chết trở lại được với Chân Ý thì khi sống phải tu thân, phải học hỏi triết học, khoa học nhất là toán học, mới có thể “hồi ức” (nhớ lại) được (réminiscence) trạng thái khi trước của mình, khi tinh thần mình còn nằm trong Chân Ý và Lý lẽ.
Tất cả mọi thay đổi là đi từ chiều này tới chiều khác cũng có thể đi ngược lại: Đi từ sự sống tới sự chết thì cũng có thể đi từ sự chết tới sự sống.
Cuộc đời đang sống thuộc về thế giới vật chất trong đó con người giống như đang bị xiềng xích trong hang đá: chỉ thấy hình bóng ảo ảnh chiếu trên tường hang và tưởng đó là thật. Hang đá là hình ảnh của xã hội chúng ta đang sống chỉ có những trò giả dối. Phải như người mới được giải thoát khỏi hang đá: Bắt đầu vẫn chỉ thấy vật chất ảo ảnh vì chưa quen với ánh sáng. Sau lần lần chịu khó học hỏi mới quen với ánh sáng đuổi được những ảo ảnh.
Tinh thần mỗi người có 2 phần: Phần thượng và phần hạ (như mình nói hồn và phách). Chỉ có hồn là phần thượng mới có thể hoá thân (réincarnation) để qua kiếp khác. Khi qua kiếp khác, phải biết rời bỏ vật chất, chú trọng vào học hỏi những môn khoa học như toán học, hình học, thiên văn học và triết học. Những môn học này sẽ đưa đến những nguyên ý, thành phần của Chân Ý. Vì vậy muốn “nhớ lại” được những nguyên ý, cần phải học hỏi nhiều và càng học hỏi, tinh thần càng thanh khiết. Chỉ khi nào tinh thần đã hoàn toàn thanh khiết mới tái nhập Chân Ý được.
Để nhớ lại được những nguyên ý và xua đuổi được lần lần các ảo ảnh, Platon đưa ra phương pháp đối thoại (dialogues), tự vấn, tự tranh biện với mình bằng cách tự đặt câu hỏi và tự trả lời. Phương pháp đối thoại đó cũng là một hình thức của phương pháp Đối biện của Héraclite (Dialectique), kể trên.
Chân Ý tương đồng với “Chân Như Brahman”, với Niết Bàn.
Hồi ức (Réminiscence) tương đồng với Giác Ngộ.
“Đi từ sự Sống tới sự Chết và từ sự Chết tới sự Sống” là ý niệm thuyết luân hồi trong đạo Phật.
Phật cũng dạy vật chất và dục vọng chỉ là những ảo giác.
“Phải trải qua nhiều đời sống để tinh thần mỗi ngày một thêm thanh khiết” cũng là ý niệm về “kiếp” trong đạo Phật.
Phương pháp “đối thoại nội tâm” (dialogues, dialectique) của Platon cũng là phương pháp Nhập định tự vấn trong đạo Phật.
Giữa Platon và Khổng Tử cũng có rất nhiều điểm tương đồng trong các lãnh vực khác nhau, đi từ sự cấu tạo và điều hành trời đất vạn vật đến quan hệ giữa con người và xã hội.
Những quan niệm giống nhau giữa Khổng Tử và Platon về con người và vũ trụ
- Về khái niệm Ý: Định nghĩa của Platon về Ý gần giống như Tâm của Khổng Tử. Theo Platon, có một phần Chân Ý trong mỗi con người cũng như có một phần Tâm trong mỗi người của Khổng Tử. Người hiền (les sages) của Platon cũng như người quân tử, phải biết vun trồng cái tâm, cái ý, để khi chết có thể tái nhập Chân Ý hay Tâm của Trời được.
- Về sự cấu tạo vũ trụ: Khổng Tử và Platon gần như cùng một ý niệm. Theo kinh Dịch, vũ trụ ban đầu chỉ là một khối mờ mịt hỗn độn gọi là đời hỗn mang. Nhưng nhờ có Lý tuyệt đối gọi là Thái cực nên trở thành điều hoà mà sinh ra trời đất vạn vật. Platon cũng nói gần như vậy: Vũ trụ khởi đầu chỉ là một chất lỏng không có hình thù. Lý Lẽ, với những phương thức toán học đã biến chất vô hình thù đó thành có hình hài và tạo ra vũ trụ. Ý niệm về sự cấu tạo vũ trụ của Platon và Khổng Tử đã được khoa Vật lí vũ trụ học chứng minh: Trước khi có Big bang tạo ra vũ trụ chỉ có những protons, neutrons, électrons ở trong tình trạng hỗn mang (plasma).
Lý Lẽ đã tạo ra trời đất bằng những công thức toán học, nên phải học toán để biết được Ý Trời và trở lại với Trời. Đó cũng là điểm tương đồng với Khổng Tử là phải học kinh Dịch để biết Lý toán tạo ra trời đất và để biết thế nào là thiên lý để trở về với Thiên lý.
Nhiều nhà toán học, vật lý học trứ danh thời nay như Gödel, Penrose, cũng nghĩ toán học là biểu lộ của thế giới tinh thần. Con người chỉ khám phá ra những công thức toán học chứ không phát minh ra nó. Những nhà khoa học này được coi là có tư tưởng Tân Platon.
Platon còn tả vũ trụ như một hình cầu có 12 cạnh. Có thể chỉ là một sự tình cờ: Theo những nhận xét của vệ tinh Mỹ WMAP mới đây, vũ trụ có thể là một trái cầu 12 cạnh (Nature, 10-2003).
Quan niệm một xã hội lý tưởng theo Platon
Trong những tác phẩm về Nền Cộng hoà, về Chính trị, về Luật, Platon đã phác hoạ một Dân-Quốc (État-Nation) lý tưởng, trong đó sự tương giao giữa người công dân và đất nước rất là mật thiết. Điều lo lắng chính của Platon là làm sao có công bằng trong xã hội. Khi có công bằng thì người dân mới ăn ở có đức độ (vertu) và sống có hạnh phúc.
Muốn có công bằng phải có công lý. Khi có công lý thì trong tâm hồn mỗi người dân sẽ có sự hài hoà giữa lý lẽ, thiện tính và lòng can đảm. Lý lẽ cho thấy được tính Thiện và can đảm sẽ kiềm chế được lòng ham muốn trong mỗi con người.
Xã hội gồm ba thành phần: thành phần những nhà lãnh đạo có nhiệm vụ phải bảo vệ luật pháp và phải gồm những hiền nhân (des sages); thành phần chiến sĩ (guerriers) phải tuân theo những người lãnh đạo và có nhiệm vụ bảo vệ thành phần thứ Ba là thành phần quần chúng, gồm những người làm thủ công và nông dân (công nông được đề cao từ thời đó!). Trong một nước có công bằng, mỗi người sẽ đều làm đúng phận sự mình và không vượt quá quyền hạn mình. Luật lệ làm những người công dân liên đới với nhau và mọi người sẽ có hạnh phúc, sẽ không vị kỷ vì nếu không, sẽ sinh bất hoà và đất nước sẽ lụn bại.
Điểm tương đồng lớn nhất giữa Platon và Khổng Tử là sự tương giao giữa giới cầm quyền và người dân:
Platon muốn tạo một xã hội lý tưởng gồm 3 thành phần. Nhưng thật ra thành phần chiến sĩ không đáng kể vì phải tuân thủ chính quyền và chỉ có nhiệm vụ là bảo vệ dân chứ không có quyền lợi gì. Khổng Tử cũng coi “binh” là một thành phần quan trọng: Sau khi lo cho dân đủ ăn thì phải lo cho nước đủ binh (túc binh).
Thành phần lãnh đạo trong xã hội lý tưởng của Platon là những nhà hiền đức. Quân thần trị nước của Khổng Tử cũng vậy: phải là những bậc hiền tài có nhân có đức biết theo lẽ công bình mà làm và phải biết giữ mình cho ngay chính.
Khổng Tử muốn giáo hoá dân bằng chữ “Nhân”. Platon muốn người dân phải có “Đức độ” (La Vertu). Nghĩa của hai chữ này rất gần nhau.
Platon nghĩ trong một nước có luật lệ công bình mọi người sẽ liên đới với nhau và như vậy sẽ có hạnh phúc. Với Khổng Tử “lễ nghĩa” là “luật lệ”. Nếu mọi người lấy điều lễ nghĩa mà cư xử với nhau thì sẽ “Tứ hải chi nội giai huynh đệ giã” bốn bể đều là anh em cả.
Như ta thấy: Héraclite, Socrate, Platon, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử sinh ra cùng thời cách đây 2500 – 2600 năm và đều cùng có những tư tưởng tương đồng nhau, mặc dầu ở những miền cách xa nhau cả mấy ngàn dặm, lại không cùng một chủng tộc, một tiếng nói, một phong tục, một văn hoá. Tại sao những tư tưởng đó lại có thể nảy sinh ra cùng một lúc và tạo ra những triết lý mà cho tới bây giờ vẫn là nền tảng của triết học?
Theo tôi suy luận: Những triết lý chỉ có thể thành hình được khi tri thức con người đã đạt đến trình độ không còn phụ thuộc vào những nhận thức của ngũ quan và cảm nhận, và con người có thể diễn tả được qua chữ viết những ý tưởng một cách có mạch lạc, có hệ thống trong một ngôn ngữ đã bắt đầu phong phú. Cách đây 2500 năm, tư tưởng của các vị hiền triết đến từ tri thức đã chín muồi của con người nói chung chứ không phải là của một miền nào trên trái đất hay của một dân tộc nào.
© 2010 Phong Uyên
© 2010 talawas

II. Thử tìm hiểu vì sao những tư tưởng tương đồng lại có những diễn tiến khác nhau
Tôi xin nhắc lại, phân biệt phương Đông với phương Tây là theo định kiến đầy ẩn ý chính trị thời bây giờ. Điều không thể chối cãi được là tư tưởng của các nhà hiền triết đều phát xuất từ ba miền trên thế giới là: Điạ Trung Hải Hi Lạp, Bán lục địa Ấn Độ và Lục địa Trung Quốc. Có thể vì ba miền đó, vào thời kỳ đó, đã hội đủ điều kiện để tri thức nhân loại có thể khai triển.
Nhưng lí do nào đã khiến những tư tưởng giống nhau lúc ban đầu lại có những diễn tiến khác nhau?
Theo tôi, nguyên do là trong quan hệ giữa tư tưởng và tư duy ở mỗi nơi, mỗi thời, có rất nhiều mâu thuẫn:
Tư tưởng phát tiết từ một cá nhân có suy nghĩ phi thường đi trước mọi người, không phụ thuộc vào không gian, thời gian và xã hội nơi mình đang sống. Tư tưởng của một người siêu phàm thường ngược lại với lối nghĩ của những người đương thời. Trường hợp Socrate là một thí dụ điển hình: Vì nhất quyết giữ vững tư tưởng mình mà Socrate bị bức tử.
Tư duy trái lại là của một tập thể, của một cộng đồng. Tư duy được cấu tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau như địa lý, điều kiện kinh tế, đạo giáo, chính trị, giáo dục… nơi cộng đồng sinh sống, khiến những cá nhân trong cộng đồng đều có lối nghĩ giống nhau hay bắt buộc phải có lối nghĩ giống nhau như bây giờ dưới mái trường XHCN mọi người đều phải lặp lại những gì Ban Khoa giáo mớm cho mình. Tuy tư duy với tư tưởng có mối liên quan mật thiết với nhau và tư tưởng của một nhân vật xuất chúng có thể làm biến đổi tư duy của xã hội nơi nhân vật đó sống. Nhưng tư tưởng cũng có thể, với thời gian, bị chính quyền sở tại, hoặc biến nó thành dụng cụ phục vụ mình, hoặc làm cho nó trở thành cằn cỗi, suy thoái. Đó là trường hợp đạo Phật ở Ấn Độ và Khổng giáo ở Trung Quốc.
Triết lý nhà Phật bị mai một, ở Ấn Độ vì sự khuynh loát của Bà La Môn giáo, ở Trung Quốc vì sự chèn ép của Khổng giáo.
Ở Ấn Độ, các giáo sĩ thuộc đẳng cấp Bà la môn muốn tiếp tục duy trì uy quyền cho riêng đẳng cấp mình, đã phân hoá Khái niệm Nhất Thể tuyệt đối Brahman của các trường phái triết học Ấn Độ thành những vị thần như Visnou và Shiva để lôi kéo các tín đồ theo đạo của mình là Ấn Độ giáo. Đạo Phật, dưới sức ép của đẳng cấp này, cũng lần lần bị ly tán khỏi Ấn Độ và khi tới các nước chung quanh, bị chia làm 2 phái có những giáo lý khác nhau:
- Tiểu thừa được coi là tiếp tục truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Khi truyền tới các nước phía Nam thuộc văn hoá Ấn Độ, vẫn giữ tính cách tôn giáo nhiều hơn là triết học, quan tâm đến sự giải thoát của mỗi con người để cá nhân mỗi con người ra được khỏi vòng luân hồi, tái nhập Niết Bàn.
- Đại thừa tách khỏi Phật giáo Nguyên thủy khoảng 200-300 năm sau khi Phật viên tịch và vào Trung Quốc dưới triều đại nhà Hán. Nhưng nếu kể từ Bồ Đề Đạt Ma (532?) thì Đại Thừa chỉ chính thức vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ VI và luôn luôn bị Khổng giáo trù dập nên lần lần bị Hán hoá, xa rời quần chúng và trở thành không tưởng với ý niệm Bồ Tát tiếp tục phổ độ tìm sự giải thoát cho mọi chúng sinh, không chịu nhập Niết Bàn. Dưới triều đại nhà Đường, Đại thừa lúc đầu được trọng vọng, sau bị coi là ngoại đạo và bị vua Võ Tông (Wuzong) ra lệnh đàn áp tịch thu của cải, sung công 4000 tu viện, 40 ngàn chùa chiền, bắt 260 ngàn 500 sư nam, sư nữ phải hoàn tục (năm 846). Chỉ bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ VIX dưới triều đại nhà Tống, Đại Thừa mới được phục hưng lại dưới hình thức Thiền tông. Trung Quốc từ đó chỉ biết đạo Phật qua phép tu Thiền để mỗi cá nhân tự tìm giải thoát. Thiền đạo, với đặc thái hoàn toàn Trung Quốc, đã trở thành quá xa lạ với Phật giáo Nguyên Thủy khi truyền qua Cao Ly, Nhật Bản và Việt Nam. Dưới chế độ cộng sản,Thiền đạo nói riêng và Đại thừa nói chung, đã gần như biến mất với số tín đồ còn khoảng chừng 70 triệu người, ngang với số đảng viên ĐCSTQ, ngang với số người rửa tội lậu theo đạo Thiên chúa hiện nay mỗi ngày một nhiều. Zen Nhật Bản, Thiền Việt Nam được Tây Phương biết hơn là “Chán” Trung Quốc chỉ còn sót lại trong những cộng đồng người Hoa ở Bắc Mỹ và ở Đài Loan.
Tư tưởng của Khổng Tử bị bá quyền Trung Quốc chiếm hữu và biến thành dụng cụ phục vụ bá quyền
Tư tưởng Khổng Tử có thể thích hợp với thời Xuân Thu khi Trung Hoa còn gồm nhiều nước giống như những Thành-quốc Hi Lạp: Trong một nước nhỏ tương giao giữa nhà cầm quyền với người dân còn có thể thực hiện theo lý tưởng Khổng Tử như trong một gia đình. Nếu vì lí do gì người dân bị áp bức, có thể dễ dàng bỏ đi nước khác. Ba trăm năm sau, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu, tư tưởng Khổng Tử đã gần bị triệt tiêu. Nhà Hán khôn ngoan tái phục lại những điểm trong lý thuyết của Khổng Tử có lợi cho sự củng cố bá quyền của mình và biến nó thành giáo lý bắt mọi người phải học. Tư tưởng được gọi là của Khổng Tử (chưa chắc, vì Tần Thủy Hoàng đã đốt hết sách) đã trở thành xơ cứng từ 2000 năm nay nhưng vẫn kiến hiệu trong việc bảo vệ bá quyền Trung Quốc vì đã tạo trong tư duy người dân Trung Quốc ý tưởng phải luôn luôn phục tòng: Trong gia đình thì phục tòng cha. Ngoài nước thì phục tòng vua (bây giờ là Đảng). Các nước chư hầu (như Việt Nam bây giờ) thì phải phục tòng Thiên quốc. Chế độ Cộng sản Trung Quốc hiện nay cũng chỉ là chế độ Tôn quân quyền của các triều đại Trung Quốc trước. Các viện Khổng Tử sẽ không như các viện Goethe, hay Alliance Française, mà chỉ là những cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ.
Tư tưởng Hi Lạp không bị chi phối bởi những quyền hành và được nhiều thuận tiện khiến luôn luôn có những diễn tiến tích cực
Giới cầm quyền chính trị không chi phối được vì:
1. Tư tưởng Hi Lạp không phải chỉ phát sinh ở chính đất Hi Lạp mà còn ở những thành quốc Hi Lạp rải rác quanh Địa Trung Hải. Tất cả có đến 1500 thành quốc Hi Lạp độc lập với nhau, cạnh tranh nhau về thương mại, về quân sự về văn hoá. Cũng đúng vào thời Alexandre Đại đế (326.TCN) chinh phục Tiểu Á, Trung Á tới tận Ấn Độ, một tôn phái Đại thừa đầu tiên tách khỏi đạo Phật Nguyên thủy, theo gót chân Alexandre, mang theo dấu ấn Hi Lạp, lan truyền qua Afghanistan (Gandhara), qua Ba Tư, tới tận Hi Lạp. Phương Tây được biết đạo Phật trước cả đạo Thiên Chúa! Cũng từ Gandhara (dịch là Càn Đà La), các nhà sư mang kinh Phật, tượng Phật Hi Lạp (Gréco-Bouddhiques) qua Trung Quốc nhà Hán truyền đạo. Tượng Phật đầu tiên mà người Tàu biết là tượng Phật Gandhara Hi Lạp! Thế giới Hi Lạp đi từ Âu qua Phi qua Á, đã giúp Phật giáo, khi bị đuổi khỏi Ấn Độ, lan truyền hệt như Ki Tô giáo với Đế quốc La Mã sau này.
2. Về đời sống kinh tế, người dân cũng không phụ thuộc vào chính quyền như ở Trung Quốc mà căn bản kinh tế là nông nghiệp với chính sách công điền. Người dân có thể có những hoạt động kinh tế khác nhau để bảo đảm đời sống của mình như thương mại, công nghệ v.v… và nếu bị ức hiếp quá thì lấy thuyền đi nơi khác (boat people có từ thời ấy). Người công dân có truyền thống tụ họp nhau ở quảng trường (Agora) để tranh luận hay để nghe các diễn giả, các triết nhân nói về bất cứ vấn đề gì. Tinh thần xã hội công dân và nền dân chủ Tây phương cũng từ đấy mà ra.
3. Vì có tự do ngôn luận nên có nhiều trường phái triết học khác nhau. Nghệ thuật tranh luận được đặt lên hàng đầu. Ngay trong cùng một trường phái, ngay cả giữa thày với trò cũng có tự do tranh luận có thể đi đến đối nghịch nhau như giữa Platon và học trò là Aristote 20 năm trời cùng trong một viện Hàn Lâm. Thử hỏi môn đệ khổng Tử có ai dám cãi lại với Khổng Tử không? Cả mấy ngàn năm sau cũng vậy. Trần Đức Thảo chỉ vì muốn trở lại học thuyết nhân bản (Persönliches Individuum) của Marx khác với Mácxít-Lêninít của Đảng mà bị đọa đày.
4. Vì có tự do tư tưởng mà ngay từ khởi đầu trong triết học Hi Lạp đã có 2 xu hướng khác nhau là Duy tâm và Duy vật. Duy tâm như Platon và Duy vật như Démocrite (468 TCN.) đối biện nhau cho tới ngày nay. Theo thuyết duy vật của Démocrite, những “nguyên tử” (bây giờ trong cơ học lượng tử gọi là những “hạt sơ đẳng”) đã tạo ra mọi sự, vật chất cũng như tinh thần. Duy vật, duy tâm vẫn được bàn cãi bất phân thắng bại cho tới ngày nay qua những triết gia thừa kế triết học Hi Lạp như Kant, Hegel, Marx, Husserl, Heidegger, Kierkegaard, Sartre, Derrida…
5. Cũng cần nên biết là khoa học ở Âu Tây chỉ là sự tiếp tục của triết học: Khoa học tìm cách chứng minh những suy luận của Triết học. Ngay từ thượng cổ, đa số các triết nhân cũng là những nhà toán học hay vật lý học như Démocrite, Thalès, Pythagore mà những định lý cho tới ngày nay chúng ta vẫn học… Các triết gia thế kỷ thứ XVII như Descartes, Pascal, Spinoza, Leibniz v.v… chỉ là tiếp tục truyền thống Hi Lạp nối liền triết học với khoa học, tách khỏi đạo giáo và chính trị hay đi cùng với nhau. Các nhà Vật lí như Newton và sau này Einstein, Planck, Shröringer, Heisenberg chỉ là tiếp tục truyền thống Hi Lạp: triết học cũng là khoa học. Vì vậy mà triết học Hi Lạp có những tiến triển khác với khác với triết lí của Khổng Tử, Lão Tử, trở thành những khoa bói toán trong kinh Dịch hay trong Đạo đức kinh.
Từ những nhận định trên ta có thể khẳng định là những tiến bộ về tư tưởng, về học thuật, về chính trị cũng như về khoa học ở Tây phương sở dĩ có được là nhờ Tây phương biết thừa hưởng những tư tưởng của các nhà hiền triết Hi Lạp, trái với Ấn Độ và Trung Hoa bị chi phối bởi giới cầm quyền
Kết luận
Những siêu nhân ở cùng một thời đại hay ở cùng một hoàn cảnh đều có những tư tưởng giống nhau không phân biệt chủng tộc hay địa lí. Nếu với thời gian những tư tưởng này có những diễn tiến khác nhau là vì những người nắm quyền chính trị, tôn giáo, đã biến nó thành công cụ phục vụ triều đại mình, đẳng cấp mình. Không cần phải trở lại mấy ngàn năm về trước, mà chỉ cần lấy thí dụ gần đây nhất: Từ khi Marx mất tới khi Lénine cướp quyền chưa đầy 25 năm mà lí thuyết Biện chứng lịch sử của Marx đã bị thay đổi bao nhiêu lần dưới cái tên mỹ miều triết học Marxiste? Macxít-Lêninít của Staline, của Mao, của đảng Ta, có dây mơ rễ má gì với lý thuyết Nhân bản của Marx gọi là duy vật phi vật chất thuần tính cách triết học không?
© 2010 Phong Uyên
© 2010 talawas

Tổng số lượt xem trang