Nhiều người đặt vấn đề có lẽ phải lấy ý kiến của nhân dân về dự án đường sắt cao tốc. Trưng cầu dân ý là cách làm khá tốn kém. Có thể thăm dò dư luận bằng cách thiết kế các câu hỏi rồi lựa chọn ngẫu nhiên một số người (thí dụ vài ngàn) để hỏi. Rất tiếc không có những cuộc hỏi ý kiến được tiến hành một cách chuyên nghiệp như vậy.
>> Siêu dự án và trách nhiệm của Quốc hội
Tuy nhiên trong thời đại Internet này có thể tiến hành công việc tương tự một cách hết sức dễ dàng. Nếu muốn, Quốc hội có thể làm, Chính phủ có thể làm trên các trang thông tin của mình hay nhờ các tổ chức khác tiến hành (tốt nhất là nhờ các tổ chức khác).
Nếu có chủ trương như vậy và được công bố rộng rãi, tôi nghĩ trong một hai ngày chúng ta có thể có được hàng triệu câu trả lời từ khắp mọi miền đất nước trước ngày 16-6-2010 để có thông tin cho các đại biểu quốc hội tham khảo trước khi bấm nút quyết định.
Nếu Quốc hội muốn, chỉ cần nêu ra câu hỏi (tôi gợi ý ở sau), rồi gửi một email cho tất cả các tòa báo lớn yêu cầu họ lấy ý kiến của bạn đọc (hay tổ chức một cuộc họp báo càng hay). Tất cả các trang điện tử của các báo (kể cả của chính phủ và quốc hội) đều có thể thực hiện tự động việc này (nếu chưa có sẵn thì có thể làm trong vòng nửa giờ). Vấn đề là Quốc hội có muốn (hay có dám) làm hay không.
Tờ Dân trí: Dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam ước tính gần 55 tỷ USD (khoảng 1064 ngàn tỷ VND), theo bạn: nên làm; không nên làm; ý kiến khác. Mỗi người chỉ có thể chọn 1 trong 3 khả năng vừa nêu. Kết quả thăm dò đến 20h33 ngày 9-6-2010 như sau (với 200.945 người nêu ý kiến):
Nên làm | 65201 (32%) |
Không nên làm | 129704 (65%) |
Ý kiến khác | 6040 (3%) |
Báo điện tử Vnexpress:
Ý kiến của bạn về dự án đầu tư đường sắt cao tốc đang trình Quốc hội?
| Đồng ý |
| Không đồng ý |
| Nên để thời điểm khác |
| Ý kiến khác |
Kết quả thăm dò vào lúc 20h39 ngày 9-6-2010
Đồng ý | 14,303 phiếu |
Không đồng ý | 16,115 phiếu |
Nên để thời điểm khác | 17,175 phiếu |
Ý kiến khác | 593 phiếu |
Tổng cộng: 48,186 phiếu |
Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh có các câu hỏi hơi khác một chút và sáng 9-6-2010 có gần 1000 người trả lời: 167 (17%) nên làm; 401 (41%) không nên làm; làm kinh tế đã 408 (42%). Chiều tối 9-6-2010 báo này đã đưa ra các câu hỏi khác (quỹ bảo trì đường bộ) để lấy ý kiến.
Tổng cộng cả ba cuộc lấy ý kiến nêu trên có 250.107 phiếu, một con số không hề nhỏ.
Các câu hỏi tuy có khác nhau nhưng có thể phân ra như sau:
- Số ý kiến đồng ý với đề án (hay nên làm đường sắt cao tốc) là: 79.671 chiếm 31,85%
- Số ý kiến không tán thành (không nên làm, hay để làm việc khác) là: 163.803 chiếm 65,5%
- Số ý kiến khác: 2,65%
Nhìn vào kết quả của cả 3 tờ báo, chúng ta thấy chúng khá giống nhau. Với hơn một phần tư triệu phiếu thăm dò, hơn 65% cho rằng không nên làm dự án này.
Tôi tin, nếu Quốc hội muốn tìm hiểu ý dân, thì có thể nêu ra câu hỏi như sau:
Ý kiến của bạn về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Hồ Chí Minh đang trình Quốc hội:
- Đồng ý
- Không đồng ý
- Ý kiến khác
(hay đại loại thế).
Tổ chức một cuộc họp báo chính thức và yêu cầu các báo lớn (thí dụ 10 báo) đưa đúng yêu cầu thăm dò ý kiến đó lên với thời hạn cho ý kiến đến, thí dụ, 12h trưa ngày 15-6-2010. Sau đó các báo này gửi kết quả đến cho Văn phòng Quốc hội, sau 5 phút làm 30 phép cộng 3 phép chia chúng ta có kết quả và gửi cho các vị đại biểu Quốc hội tham khảo (đồng thời công bố công khai kết quả trên mạng, cũng như yêu cầu 10 tờ báo đó để nguyên kết quả sau 12h trưa ngày 15-6-2010 trong vòng 3 ngày để bất cứ ai có thể kiểm tra). Tôi tin, chỉ cần 24 giờ sẽ có hàng triệu ý kiến của cử tri.
Tôi nghĩ Quốc hội nên làm như vậy vào từ ngày 12 trở đi. Nếu làm thế, sẽ thấy Quốc hội thực sự tin dân, tôn trọng dân. Nếu Quốc Hội ngại, các báo lớn đồng loạt làm như vậy trong 2-3 ngày và tổng hợp kết quả một cách công khai và gửi cho Quốc Hội. Kết quả nêu trên, hay kết quả sẽ có chỉ để cho các vị đại biểu Quốc Hội tham khảo, còn quyền quyết định, quyền bấm nút là quyền của mỗi đại biểu
Lấy ý kiến người dân về đường sắt cao tốc