Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Nguyễn Văn Bé: Lược ghi buổi gặp mặt bạn bè, thân hữu nhân kỷ niệm 35 năm ngày 30/4/2010

Nguyễn Văn Bé: Lược ghi buổi gặp mặt bạn bè, thân hữu nhân kỷ niệm 35 năm ngày 30/4/2010
DCVOnline: Nhận thấy trong bài "Hiến pháp Việt Nam: Tốt nhất là tham khảo người dân" của tác giả David Koh đi hôm nay có đề cập đến ông cựu Chủ tịch Quốc Hội và một cựu Ủy viên BCHTƯ đảng CSVN đã đề xướng chuyện tu chính án nhằm cho phép "người dân được quyền được tham khảo ý kiến" đối với việc soạn thảo và thay đổi hiến pháp, DCVOnline cho đi cùng lúc bài này để bạn đọc có thêm thông tin. Rất có thể, bài này liên quan đến vấn đề ông David Koh nêu ra trong bài viết của ông.

DCVOnline trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi bài dưới đây của tác giả Nguyễn Văn Bé, bài này đã được đăng trên mạng doithoaionline.org hôm 10 tháng Sáu trước đây.

Nhân kỷ niệm 35 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2010) ba chúng tôi gồm : vợ chồng anh Lê Hữu Hà, chị Nguyễn Thị Cương và Nguyễn Văn Bé (anh Bé từ Nha Trang mới vào Sài Gòn) được vợ chồng anh Trần Trọng Tân nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đang sinh hoạt Đảng ở chi bộ đường phố, nghỉ hưu ở đường Phổ Quang khu biệt thự Phường 2, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh mời gặp mặt vào lúc 9 giờ sáng ngày 29/4/2010 theo y hẹn trước đó của anh Tân trước mấy ngày rồi. Anh Trần Trọng Tân ra cổng đón chúng tôi vào nhà và có nói thêm : "Anh Nguyễn Văn An, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cũng vừa mới vào để dự lễ đang ngồi ở trong nhà tôi đây".

Vợ chồng anh Hà, chị Cương là bạn đồng chí lâu năm với vợ chồng anh Tân từ trong kháng chiến chống Pháp mà khi anh Tân làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, nên rất thân mật và kính trọng lắm.

Anh Nguyễn Văn An thấy chúng tôi vào liền đứng dậy bắt tay, ba chúng tôi chào nhau rất vui vẻ, thân mật.

Anh Bé vui vẻ lên tiếng trước : "Chào anh Nguyễn Văn An, anh còn nhớ tôi là Nguyễn Văn Bé, cán bộ cách mạng lão thành tiền khởi nghĩa ở Nha Trang thường hay ra Hà Nội làm việc với anh Lê Phước Thọ, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và anh Đỗ Quang Thắng ban bí thư Trung ương, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương. Và anh Phước Thọ có mời anh lúc đó là Phó ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng lên dự với chúng tôi về vấn đề đấu tranh chia rẽ mất đoàn kết nghiêm trọng giữa lãnh đạo Khánh Hòa với Khánh Hòa không ? ".

Anh An : "Tôi nhớ rồi, nhớ ra rồi, cảm ơn anh nhé".

Anh Tân vào chuyện ngay : "Tôi xin giới thiệu với anh An, theo hẹn tôi có gặp mặt thân mật với ba anh chị vợ chồng chị Hà + chị Cương là các nhà cách mạng lão thành ở Hà Nội là người thân thiết nhất của vợ chồng tôi đã từ lâu, nay ở Đống Đa - Hà Nội vào thăm gia đình con cháu có ghé thăm vợ chồng tôi, còn anh Bé ở Nha Trang thì anh An đã biết rồi. Nay anh An vào dự lễ cùng ghé thăm vợ chồng tôi. Tôi cảm ơn các anh chị vô cùng".

Anh Nguyễn Văn Bé tranh thủ bắt đầu vào đề chính ngay, sợ kéo dài lê thê chuyện sang khác : "Tôi thay mặt anh chị Hà + Cương rất cảm ơn anh chị Trần Trọng Tân đã vui lòng bố trí thời gian ngắn từ 9 giờ 30' đến 11 giờ trưa nay 29/4/2010 để anh chị em chúng ta gặp nhau chuyện trò trao đổi. Thời gian quá ngắn ngủi nên tôi xin vào đề ngay, sẵn có anh Nguyễn Văn An ngồi nghe và bàn chuyện luôn thì càng tốt. Mục đích ba chúng tôi "Hà + Cương + Bé" đến thăm vợ chồng anh và chúng tôi được tin vừa rồi anh Tân có gặp anh Nguyễn Tấn Dũng - Thủ trướng Chính phủ và anh Trương Tấn Sang - Thường trực Ban bí thư TW Đảng nên chúng tôi muốn nghe nội dung anh Tân trao đổi với hai vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước hiện nay và thái độ của hai vị đó ra sao về nội dung anh trao đổi. Bây giờ chúng tôi hỏi thật anh Tân nhé ! Vì ở đây chúng ta là nội bộ cả để hiểu biết lẫn nhau mà. Trong nội dung nói với hai vị trên anh Tân có đặt vấn đề với 2 vị trên là : "Nếu các anh không giải quyết các vấn đề chỉnh đốn, xây dựng Đảng một cách triệt để thì anh Tân sẽ đứng ra phục hồi lại Đảng lao động Việt Nam là có hay không ?”.

Anh Trần Trọng Tân vui vẻ nói luôn một lèo hơn 1 tiếng đồng hồ, còn 20 phút thì anh An nói 10 phút và 3 chúng tôi nói 10 phút, dừng đúng lúc so như quy định (9 giờ 30' đến 11 giờ) vì anh Tân và anh An còn đi nơi khác.

Nội dung anh Trần Trọng Tân trao đổi với chúng tôi:

1. Về vấn đề anh Bé hỏi thật thà lắm. Tôi xin nói thẳng là tôi không có nói với anh Nguyễn Tấn Dũng và anh Trương Tấn Sang về chuyện tôi sẽ đứng ra phục hồi Đảng lao động Việt Nam, vì ai dại gì nói với 2 vị đó làm gì. Cũng vì trong dư luận rộng rãi, nguyện vọng của mọi người trong đó có tôi rất bức xúc vì tình hình Đảng ta do Bộ Chính trị hiện nay lãnh đạo đã xuống cấp trầm trọng. Ai cũng muốn thay số lãnh đạo này đi và lấy lại cái tên "Đảng lao động Việt Nam" mà Bác Hồ đã đổi tên ở Đại hội lần thứ 2 của Đảng ta năm 1951. Tôi phê phán rất gay gắt với các anh Dũng và Sang về cái cương lĩnh hiện nay mà Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa cho tôi. Tôi đã nghiên cứu trước thấy cương lĩnh Đảng đưa ra Đại hội XI là trở về cái cương lĩnh của Trần Phú là hoàn toàn sai lầm nghiêm trọng. Nói đến giai cấp công nhân hiện nay rõ ràng là họ đi làm đầy tớ, chớ họ không làm chủ xí nghiệp, công ty, quốc doanh. Họ bị bóc lột, đầy đọa hết sức tàn nhẫn. Họ không làm chủ phương tiện sản xuất vậy mà đi nói là : “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân ư …” ? Đây là sự lừa dối to lớn.

Còn đối với nông dân thì các anh đặt ra cái luật là chỉ có "quyền sử dụng ruộng đất". Thế thì trước đây Đảng ta và Bác Hồ luôn đặt đường lối đối với nông dân : "Người cày phải có ruộng đất”, tức là nông dân có quyền sở hữu ruộng đất thì họ mới yên tâm làm ăn nên họ mới quyết tâm theo Đảng. Đường lối với giai cấp công nhân là : "Họ phải làm chủ xí nghiệp, công trường, doanh nghiệp, họ phải làm chủ tư liệu sản xuất để họ trở thành một giai cấp công nhân thực sự ". Do đó, hai giai cấp công nhân, nông dân hiện nay họ rất căm phẫn các anh vì họ bị tước hết mọi quyền lợi chính đáng của mình rồi. Nay thì các anh ra lệnh thu hồi đất, ruộng để làm sân gôn, xây dựng khách sạn cao cấp, bắt họ phải đi nơi khác, tiền đền bù rẻ mạt làm sao họ đủ tiền mua miếng đất để ở, bắt họ lên đồi cao, núi cao, không có ruộng để cày bừa sinh sống… Tất cả đều tư nhân hóa, cổ phần hóa làm cho người công nhân không có chỗ dung thân làm ăn yên ổn, người nông dân thì không có ruộng đất để cấy cầy sinh sống mưu sinh. Tôi nói thật với các anh Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang và cả Bộ chính trị, là nếu tình hình này kéo dài thì sự căm phẫn của hai giai cấp này và có sự đồng tình cao độ của trí thức có văn hoá và nhân dân lao động khác sẽ đứng lên lật đổ cái Đảng, cái chế độ của các anh đang là lãnh đạo họ. Các đối tượng tham nhũng từ các cơ quan Trung ương đến xã, phường ở cơ sở đều là bọn có chức, có quyền trong Đảng thì nhân dân rất căm phẫn tột độ rồi. Nhưng các anh chỉ hô hào chống chung chung : "chúng ta kiên quyết chống tham nhũng", thế nhưng trên thực tế các anh không chống tham nhũng đạt được kết quả nào cả. Ai mà tin được các anh nữa...

2. Đó là vấn đề thứ nhất ở trên, còn vấn đề thứ hai. Anh Trần Trọng Tân nói tiếp: "vừa rồi tôi có xem chỉ thị số 37 của Bộ chính trị về vấn đề làm điểm bầu trực tiếp Bí thư, Phó bí thư ở xã, phường cơ sở, tiến tới lên Thành phố, Huyện, Thị trực thuộc tỉnh và sau Đại hội Đảng toàn quốc sẽ bầu trực tiếp bí thư… Tôi liền viết kiến nghị, gửi Bộ Chính trị, BCH TW và Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ( UBKT TW). Tôi quy kết tội là các vị vi phạm điều lệ Đảng rất nghiêm trọng. Muốn sửa đổi Điều lệ Đảng thì có Đại hội đại biểu Toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng. Các anh cho bầu trực tiếp Bí thư, Phó Bí thư thì sau này các vị này vi phạm pháp luật, vi phạm hình sự, vi phạm đạo đức cách mạng thì ai, tổ chức nào đứng ra tổ chức kiểm điểm, kỷ luật họ đây ? Như vậy, các anh phải tổ chức lại đại hội bất thường mới kiểm điểm kỷ luật Tổng bí thư, vì Trung ương và Bộ Chính trị không bầu Tổng bí thư, vì cấp ủy Xã, Phường, Huyện, Thị không bầu Bí thư, Phó Bí thư thì không có quyền kiểm điểm, xử lý họ được. Nếu các anh không sửa, không đình chỉ việc làm điểm thì tôi sẽ đề nghị với đồng chí Nguyễn Văn Chi, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương họp toàn thể UBKT TW để kiểm điểm toàn thể bộ Bộ Chính trị, kể cả Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, trong số họ ai biểu quyết làm điểm thì với chức danh độc lập của UBKT các cấp ở điều lệ Đảng đã quy định có quyền kiểm tra, kỷ luật cấp ủy cùng cấp của mình.

Đồng chí Nguyễn Văn Chi có cử 2 cán bộ gặp tôi có phân trần : "chú Chi đã nhận đơn kiến nghị của Bác rồi và đều kết luận ý kiến của Bác kiến nghị là hoàn toàn đúng cả. Nhưng kính thưa với Bác là UBKT TW của các cháu không dám kiểm tra, kỷ luật Tổng Bí thư và Bộ Chính trị kể cả ủy viên Trung ương Đảng"… Đó(Do?) đó các anh chị thấy không đã làm sai, vi phạm điều lệ Đảng nghiêm trọng như thế mà chủ nhiệm UBKTTW Nguyễn Văn Chi nói như thế thì hệ thống tổ chức Đảng của ta như thế đấy. Sau đó họ im re luôn không nói gì thêm được nữa.

Có hai lần anh Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được sự ủy nhiệm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Tấn Sang đến gặp tôi có thanh mình về hai vấn đề trên. Tôi kiên quyết tỏ thái độ trực diện không đồng tình về quan điểm, tư tưởng lãnh đạo của các vị trong Bộ Chính trị. Anh Thanh Hải về nói lại với các vị đó biết về quan điểm, tư tưởng của tôi là luôn luôn giữ vững nguyên tắc Đảng, điều lệ Đảng và không khoan nhượng về việc làm sai trái của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay.

Đó là vấn đề thứ hai ở trên, còn vấn đề thứ ba anh Trần Trọng Tân nói tiếp vấn đề thứ ba: "Tôi có viết bản kiến nghị gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói vấn đề dân chủ ở cơ sở, tuy già ốm yếu được miễn sinh hoạt Đảng nhưng tôii vấn cố gắng để gặp các Đảng viên già cả, nhưng trẻ thì nhiều. Tôi nói với các vị là nói có dân chủ, chứ thật sự không có dân chủ vì Đảng viên ở chi bộ họ sợ nhất là 19 điều cấm đảng viên nên không ai muốn phát biểu gì khác. Đảng viên nói chung, kể cả tôi không được biết thông tin gì về tình hình trong nước, trong thành phố, kể cả thế giới, ngay cả chỉ thị số 37 của Bộ Chính trị họ cũng không biết, kể cả tôi cũng không biết… Sự độc đoán, chuyên quyền của lãnh đạo từ Trung ương đến các tỉnh, thành, huyện, thị càng nghiệm trọng hơn nữa. Ngay cả các lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các vị về các vấn đề đối với tổ quốc, đối với Đảng, với dân tộc và quốc tế như vụ đập phá Hội trường Ba Đình cũ, vấn đề để Trung Quốc vào khai thác Bô xít ở các tỉnh Tây Nguyên, vấn đề Lê Đức Anh, Tổng cục II, Nguyễn Chí Vịnh, Vụ T4, vụ Sáu Sứ…v.v... mà các vị Bộ Chính trị không hề trả lời cho một bậc công thần khai quốc còn sống sót lại đến nay của thời đại Hồ Chí Minh. Như thế mà là dân chủ ư ? Kể cả các lá đơn tố giác, khiếu nại của các bậc lão thành cách mạng, Cựu chiến binh, các tướng tá khác ở khắp toàn quốc về vấn đề tham nhũng, cho thuê rừng đầu nguồn, vụ Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam nhưng các vị vẫn im lặng đáng sợ như thế mà là có dân chủ ư ? Trong Đảng không có dân chủ, không có công bằng làm sao ngoài xã hội có dân chủ, công bằng xã hội được. Phân biệt kẻ nghèo người giầu ở Việt Nam rõ ràng khoảng cách rất xa thì kẻ giầu là bọn nào, người nghèo thì thấy rất rõ là giai cấp công nhân, nông dân và nhân dân lao động …v.v… Thế thì những cái đó mà là dân chủ, công bằng ư ?

Thế thì Đảng ta sẽ đi đến đâu ? Chế độ ta sẽ đến đâu ? Nhân dân tha oán trong lòng mà họ không dám nói ra vì họ sợ các vị có chức quyền của nhà nước gán ghép cho cái tội chống Đảng, chống phá Nhà nước.

Anh Trần Trọng Tân thẳng thắn nói với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước là : "Đảng ta ngày càng mất uy tín vì có các vị lãnh đạo không xứng tầm, chế độ ta do các vị nắm quyền rồi không sớm thì chày họ cũng lật thuyền các vị thôi…". Đây là tôi nói thẳng thắn với các vị biết, nếu các vị không quyết tâm sửa chữa sớm và sửa chữa có kết quả thì trước mắt là uy tín các Đảng viên với nhân dân lao động nói chung ngày càng xuống thấp thì đến lúc các vị về nghỉ an toàn nhưng chắc chắn các vị không nghỉ vui sướng gì đâu, toàn dân xa lánh, căm ghét các vị đến đời sau vẫn còn nhớ trong tâm trí họ đấy...

Vấn đề thứ tư là vấn đề đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh Trần Trọng Tân nghiêm nghị nói : "Tôi rất buồn tại sao các vị đối xử với 1 Đại tướng, Tổng tư lệnh, một bậc khai quốc công thần của thời đại Hồ Chí Minh mà vô lễ đến thế, từ một vị tướng sang làm Phó thủ tướng, phải ra khỏi Bộ Chính trị, phụ trách công tác khoa học, công nghệ lại thêm cái “kế hoạch sinh đẻ” nữa. Sức khỏe Đại tướng nghe đâu đã yếu lắm rồi mà Phan Văn Khải còn làm thủ tướng ra quyết định làm lễ quốc tang chỉ có dành cho 4 vị có chức danh : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thôi.

Tôi liền viết kiến nghị phê phán quyết định đó, tôi nói thẳng với họ là bốn vị trên hiện nay còn đương chức và số về nghỉ hưu hãy xem lại mình có công lao gì to lớn mà để toàn Đảng, toàn thể nhân dân, toàn dân tộc phải tổ chức lễ quốc tang khi qua đời. Tôi hoàn toàn phản đối kịch liệt, tôi chỉ rõ quốc tang là giành cho những người có công lao to lớn với Đảng, Nhà nước, dân tộc, kể cả quốc tế như Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại sao không tổ chức lễ quốc tang ? Các vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội và Thủ tướng mà tham ô, tham nhũng, độc đoán, độc quyền, không có dân chủ, gia đình con cháu, vợ núp bóng đi buôn lậu, lưu manh, tham ô, tham nhũng thì làm lễ quốc tang, nếu quốc tang làm ô nhục Đảng, Nhà nước và dân tộc ta thì nhất định quốc tế họ cũng phản đối chê cười.

Trường hợp một nhạc sĩ Pốp gì đó ở một nước ngoài đã có công lao to lớn về âm nhạc, tiếng hát vang cả trong nước của họ và quốc tế thì tổng thống ở nước đó tổ chức lễ quốc tang 3 ngày, treo cờ rủ khi ca sĩ này mất thì đó mới là quốc tang cho một nhạc sĩ có uy tín với nhân dân trong nước và thế giới. Như thế họ làm đúng về quan điểm của họ đối với người có công lớn chớ đâu có phải cao thấp, Thủ tướng Phan Văn Khải quy định 4 chức danh trên là hoàn toàn không đúng chút nào. Ví dụ nhân dân bị thiên tai, bị hy sinh chiến tranh thì cũng phải làm lễ quốc tang cho họ có phải không các anh. Tôi kiến nghị rất căng là nếu Đại tướng Giáp qua đời mà quý vị không làm lễ quốc tang thì sẽ thấy chuyện xẩy ra không lường trước được. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ tự tổ chức quốc tang cho Đại tướng bằng trái tìm của mình chứ không phải bằng hình thức.

Tôi rất hoan nghênh các tướng tá, Cựu chiến binh, Lão thành cách mạng và nhân dân ở khắp cả đất nước đều có văn bản lên tiếng yêu cầu quốc tang, phong nguyên soái và giữ nguyên ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu hiện nay làm nhà bảo tàng cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Anh Trần Trọng Tân nói bốn vấn đề ở trên khá dài tôi ghi sơ lược, sau này tôi gặp các anh sẽ trao đổi chi tiết thêm.

Anh Nguyễn Văn An nói theo ngay : "Cảm ơn anh Trần Trọng Tân đã cho biết thời sự rất tốt, còn tôi thì đã nhiều lần gặp đ/c Tổng Bí thư, các vị trong Bộ Chính trị cũng thẳng thắn góp ý về mất dân chủ trong Đảng, về đường lối, chính sách nhưng không biết họ có nghe không ?".

Anh An nói tiếp : “Tôi cũng thấy mình cũng có khuyết điểm khi còn nhậm chức, thật ra không có dân chủ đâu, vì bầu tôi làm ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chỉ giới thiệu có một mình tôi thôi, nên khi đại biểu bỏ phiếu buộc phải bỏ cho tôi chứ sao nữa ? Như thế thì đâu có dân chủ phải không các anh, tôi suy nghĩ và đặt vấn đề với các anh lãnh đạo cần cải tổ chính trị về bầu bán trong Đảng, trong Quốc hội và các tổ chức xã hội chính trị khác... Các vấn đề xuống cấp trong Đảng thì rõ quá rồi, nhưng ngoài xã hội còn nhiều nhức nhối hơn nữa, không dẹp cái nạn loạn tham nhũng, hối lộ, không dẹp các loại chạy chức, chạy quyền, không dẹp các loại tệ nạn xã hội khác thì lòng tin của nhân dân sẽ mất hết, mất hết…

Tôi cũng như các anh, các chị cũng có những tâm sự lắm, nói làm sao để họ tiếp thu, sửa chữa là một vấn đề hết sức khó khăn…”.

Anh Nguyễn Văn An còn nói nhiều vấn đề bức xúc khác, việc hội ngộ thấy đã quá trưa nên anh nói với chị Hà, chị Cương xin tôi địa chỉ, điện thoại để khi anh về Hà Nội sẽ tiếp tục gặp anh Nguyễn Văn Chi trao đổi thêm. Anh An cho tôi số nhà là số 2 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội và số điện thoại để bàn mời anh Nguyễn Văn Bé ra Hà Nội đến nhà anh trò chuyện nhiều hơn nữa.

Anh Bé liền đáp với anh An : "Tôi xin hỏi anh An nhé ! Vừa rồi anh đã nhận lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về vụ Vũ Minh Trí tố cáo Nguyễn Chí Vịnh và Tổng cục II đã gửi cho các anh thì anh đã nhận được chưa ?".

Anh An : "Tôi nhận được rồi".

Anh Bé hỏi tiếp anh An luôn : "Thái độ, quan điểm của anh trong vấn đề này như thế nào ?".

Anh An chưa kịp trả lời thì anh Hà chen ngang : "Thôi hết giờ rồi để các anh còn đi nơi khác cho kịp ".

Thế là tiếc quá có phải không các anh.

Trên đây là sơ lược nội dung cuộc gặp anh Trần Trọng Tân và anh Nguyễn Văn An chứ anh Hà và chị Cương hơi bị điếc khó nghe được hết, lúc đó chị Cương cũng không còn thời gian nói nữa nên cuối cùng chị ấy chèn một câu : "Cái Đảng này phải ...".

Mọi người cùng cười vang rồi chào tạm biệt nhau.

Ngày 1 tháng 5 năm 2010



Chú thích (của doithoaionline.org) về các nhân vật liên quan có tên trong bài viết này như sau :

1/ Ông Lê Hữu Hà, 64 năm tuổi đảng CSVN, 85 tuổi đời, nguyên trước đây là Tư lệnh chiến dịch Tây Bắc trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

2/ Bà Nguyễn Thị Cương đảng viên CSVN lão thành, 64 năm tuổi đảng, cán bộ tiền khởi nghĩa trước cách mạng tháng 8 năm 1945, được thưởng huân chương Độc lập hạng Ba.

3/ Cụ Nguyễn Văn Bé năm nay 86 tuổi, đảng viên lão thành cách mạng CSVN thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945, cụ nguyên là tiền bối ngành công an tỉnh Khánh Hòa, chiến sĩ 23/10 mặt trận Nha Trang trong kháng chiến chống Pháp. Cụ đã được thưởng nhiều huân huy chương trong 2 cuộc chiến tranh và sau thời kỳ hòa bình lập lại, như :

- Chiến sỹ thi đua “ Dũng sỹ diệt Mỹ” năm 1965-1968.

- “Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” do Mặt trận tổ quốc Việt Nam – Trung ương trao tặng.

Hiện cụ đang cư trú tại số 9 đường Phan Bội Châu, thành phố Nha Trang. Điện thoại số : 058-381-5267


DCVOnline



Nguồn:

(1) Lược ghi buổi gặp mặt bạn bè, thân hữu nhân kỷ niệm 35 năm ngày 30/4/2010. Bài này đã được đăng trên doithoaionline.org, ngày 10 tháng Sáu năm 2010
--
David KohCathy Lâm lược dịch


Hiến pháp Việt Nam: Tốt nhất là tham khảo người dân


Bộ Tư pháp Việt Nam gợi ý là người dân “được cho quyền được tham khảo ý kiến” trước khi Quốc hội thông qua những thay đổi hiến pháp (tu chính án). Sự đề nghị này, tự nó là một tu chính án, giờ đang được Đảng Cộng sản đương quyền cứu xét.

Rất nhiều chi tiết mấu chốt chưa sẵn sàng. Nhưng chuyện này cần được khen ngợi vì hai lý do.

Trước hết, nhà nước cộng sản Việt Nam đã có chính sách xem xét lại luật ảnh hưởng, tác động đến vấn đề nhân quyền và dân chủ sau khi cân nhắc đến vấn đề an ninh quốc gia. Sự chuyển hướng đến vấn đề tham khảo hiến pháp có thể được xem như là một phần của chính sách đó.

Thứ nhì, sự thay đổi hiến pháp - nếu dùng chữ chính xác – sẽ phải có khả năng bảo vệ quyền con người ở trong những trường hợp mà nền chính trị độc đảng có thể đưa đến tình trạng lạm dụng quyền lực.

Theo Hiến pháp Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất được phép hiện hữu (Điều 4). Nhu cầu tham khảo người dân trước khi tu chính án được chấp thuận không nên là sự hăm dọa đến nền cai trị độc đảng. Bởi, việc xét duyệt lại Điều 4 này khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn.

Rốt cuộc rồi, thì đảng vẫn nắm quyền kiểm soát Quốc Hội. Đây là lý do chính yếu cho thấy tại sao tu chính án (cho người dân có quyền được tham khảo) này đã được đề cập đến; mặc dù trên lý thuyết, điều này có thể làm giảm quyền lực của Đảng Cộng sản.

Tu chính án có lẽ nhắm vào việc ngăn chận những vấn đề không tốt đẹp phát sinh từ hệ thống chính trị độc đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là một, nhưng không phải vậy. Quyền lực quốc gia được tập trung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị (Ban Chấp hành TƯ Đảng bầu BCT theo thủ tục đảng).

Nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng bao gồm đại biểu từ các tỉnh cũng như các cơ quan quyền lực quan trọng nhất của các cơ quan và ban ngành của đảng. Tỉnh ủy vẫn nắm quyền đáng kể đối với nhà cầm quyền địa phương (UBND). Trong thời tiền Đổi Mới 1986, lãnh đạo đảng ở cấp địa phương hành xử không khác gì những lãnh chúa trong địa phương của họ.

Cả hai hiến pháp Việt Nam 1946 và 1992, người dân Việt Nam không "được có quyền được tham khảo ý kiến". Hiến pháp hay hiếp pháp đây? Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Điều thú vị là ý tưởng cho người dân được quyền có ý kiến trước khi tu chính án được chấp thuận này lại được gợi ra bởi ông cựu Chủ tịch Quốc hội và một cựu ủy viên Bộ Chính trị. Những nhân vật này có một sự hấp dẫn chính trị và không là những gợi ý cho có, hoài của. Rất có thể họ đã thảo luận ý tưởng này với đồng nghiệp của họ, với những nhà lãnh đạo trong quá khứ cũng như hiện tại, trước khi tiết lộ ra ngoài.

Chưa thấy bản phác thảo nào cho chuyện này bằng văn bản. Nhưng chi tiết sẽ là điều then chốt cho sự hiệu qủa của tu chính án này.

Trước hết, chuyện tham khảo hiến pháp được tiến hành như thế nào đây? Liệu ta có sẽ thấy một cuộc trưng cầu dân ý, lần đầu tiên kể từ ngày đất nước thống nhất từ năm 1975? Hay quyền lực tham vấn quốc dân này sẽ được ủy quyền cho Quốc Hội? Hay quyền này sẽ được dành cho một nhóm lớn hơn Quốc Hội (500), gồm hằng ngàn người?

Thứ nhì, ai sẽ là người khởi xướng chuyện tham khảo này? Nếu tham khảo trở thành chuyện đương nhiên cho mỗi một tu chính án được đề ra, thế thì một cơ chế thường trực nên được thành lập để theo dõi luật, bảo đảm tính hợp hiến, và đề xuất những tu chính án có ý nghĩa, hợp thời.

Quốc hội hiện đã có Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, nếu những nhà lập pháp cân nhắc để bổ nhiệm một Hội đồng Tham khảo bao gồm những người khác nữa, ngoài những đại biểu Quốc Hội hay thành viên của Ủy ban Pháp luật thì điều này cũng rất xứng đáng để nghĩ đến. Hội đồng Tham khảo này cũng có thể bao gồm những người được xã hội kính trọng và những chuyên gia về luật và hiến pháp trong những lãnh vực liên quan đến. Điều này sẽ gia tăng trình độ chuyên môn và tránh những chỉ trích như “ Quốc Hội chỉ thuần là một công cụ của Đảng Cộng sản”. Hội đồng Tham khảo này có thể dùng đến khi có một tu chính án được đệ trình để xét duyệt.

Thứ ba, bằng phương cách nào mà Hội đồng Tham khảo này có thể ghi nhận những ý kiến có tính cách đại chúng và thoáng, rộng rãi hơn? Liệu sẽ có một tiến trình đại loại như trưng cầu dân ý bán phần, khi ý kiến của người dân đủ mọi tầng lớp trong xã hội được Hội đồng Tham khảo ghi nhận và cân nhắc đến?

Ai cũng biết việc thay đổi hiến pháp không là chuyện xảy ra hằng năm, tổ chức những cuộc ghi nhận ý kiến người dân như thế mất thời gian và công sức, tiền bạc. Nhưng nhất thiết cần có một sự cân bằng quan điểm của những người được chỉ định làm việc cho Hội đồng Tham khảo hay ngay trong Quốc Hội, và nỗ lực cần thiết để mở rộng quyền hành xử này cho tất cả ngõ hầu những sự thay đổi hiến pháp có thể thực sự phản ảnh nguyện vọng của người dân.

Sự đề nghị cho người dân quyền được tham khảo về những gì liên quan đến hiến pháp được đặt trên căn bản hiểu biết của người dân Việt, rằng chính họ là chủ nhân của đất nước và vì thế, người dân Việt Nam nên được phép có tiếng nói của họ trong việc soạn thảo và thay đổi Hiến pháp.

Sự thay đổi được gợi ý trên sẽ không hăm dọa gì đến sự cai trị độc đảng của nhà nước cộng sản hiện nay. Nhưng điều này sẽ giúp ngăn chận sự lạm dụng quyền lực bằng cách bảo vệ những quyền hợp hiến, hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, ai và cái gì đây cấu thành cái gọi là “người dân” này; vẫn cần được xác định.


© DCVOnline



Nguồn:

(1) Viet Constitution: Best to consult the people. By David Koh, For The Straits Times, 24 July 2010. Tác gỉa là một nghiên cứu gia thâm niên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á châu, Singapore

Tổng số lượt xem trang