Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Kinh tế Trung Quốc “bén rễ” tại châu Phi

Kinh tế Trung Quốc “bén rễ” tại châu Phi
VIT - Trung Quốc, siêu cường đang nổi có thể trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới trong 15 năm nữa, đang bắt đầu “bén rễ” tại châu Phi, nơi được xem là có tiềm năng phát triển lớn với những nguồn năng lượng khổng lồ chưa được khai phá.

Sự kết hợp giữa Trung Quốc và châu Phi dường như đang trở thành một cuộc “hôn nhân lý tưởng”. Nếu như Trung Quốc có nguồn tài lực vô bờ bến và cơn khát bất tận đối với các nguồn năng lượng để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế thì châu Phi lại là một vùng đất nghèo và có nhu cầu lớn đối với sự chi viện từ bên ngoài.

Năm 2010, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc với toàn châu lục đen này dự kiến vượt 100 tỷ USD, tuy nhiên con số này vẫn chỉ là nhỏ bé nếu so với tiềm năng phát triển trong những năm tới.

Trung Quốc thâm nhập châu Phi ngay sau khi Mỹ và Nga bắt đầu giảm hoạt động sau nhiều thập kỷ sử dụng nơi đây làm “bàn cờ chiến tranh Lạnh”. Sau hai thập kỷ xuất hiện, giờ đây Trung Quốc đã xây dựng được một cơ sở kinh tế đáng nể tại châu lục này.

Tháng 10/2000, Trung Quốc lập Diễn đàn Đối thoại Trung Quốc – châu Phi để tổ chức các cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Trung Quốc với châu Phi, nhằm thảo luận và thắt chặt các mối quan hệ song phương. Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư và cung cấp tín dụng hàng đầu cho châu lục. Từ việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở tại Algeria cho tới việc điều hành tổ hợp khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Ghana và xây dựng đường cao tốc tại Rwanda đều có sự tham gia của Trung Quốc. Dường như dấu chân của Trung Quốc đã xuất hiện ở mọi ngõ ngách của châu lục đen. Trung Quốc cũng thành lập các uỷ ban hỗn hợp tại ít nhất là 43 quốc gia châu Phi để thảo luận việc tăng cường quan hệ kinh tế thương mại song phương.

Sự thâm nhập của Trung Quốc vào châu Phi đã khiến phương Tây lo ngại vì cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng vùng đất này để phát triển kinh tế. Phương Tây cũng chỉ trích Trung Quốc về sự thiếu minh bạch và trách nhiệm đồng thời thiếu thiện chí trong việc đấu tranh làm giảm tình trạng tham nhũng ở đây.

Trong những năm 1970 và 1980, Trung Quốc đã tự phát triển và hiện đại hoá nền kinh tế của mình bằng việc vay các khoản tiền, tín dụng từ các nước giàu trên thế giới và trả lãi bằng dầu lửa và các nguồn khoáng sản khác. Nhưng khi nền kinh tế bắt đầu phát triển mạnh, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu thay vì xuất khẩu nguyên vật liệu thô. Dường như người Trung Quốc đang làm điều tương tự với châu Phi tức là hỗ trợ tài chính để thu về khoáng sản và năng lượng.

Trong cuốn sáng mang tên “Món quà của con rồng: Câu chuyện thật về Trung Quốc tại châu Phi”, tác giả Deborah Brautigam hiện là giáo sư tại Đại học Mỹ và là chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – châu Phi nhận định, mặc dù sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi chủ yếu là mang tính nhân đạo, song mối quan hệ phức tạp này tiềm ẩn nhiều vấn đề. Điều kiện làm việc tại các dự án có vốn của Trung Quốc ở châu Phi rất kém và người Trung Quốc không quan tâm tới việc xây dựng một môi trường sinh thái tại khu vực này.

Tuy vậy, tác giả cuốn sách cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng tại nhiều nước như Rwanda, Kenya và Senegal, những nơi không có nhiều “hàng hoá quan trọng”. Vì vậy nói rằng Trung Quốc chỉ biết “khai thác” châu Phi là không hoàn toàn chính xác.

Trong năm 2007 tổng đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đạt 1,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên tác giả Brautigam khẳng định là Trung Quốc sẽ còn tiếp tục thắt chặt mối quan hệ này trong những năm tới và chỉ có thời gian mới chứng minh được rằng liệu người châu Phi có được lợi ích gì trong mối quan hệ này hay không? Nguồn tin: Ibtimes

Tổng số lượt xem trang