Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Nước lớn hãy làm gương!

Nước lớn hãy làm gương! (SGTT 16-8-10)

SGTT.VN – “Kinh tế Trung Quốc lớn nhưng không mạnh, giới ưu tuyển Trung Quốc thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu đạo đức và ý thức pháp luật”, Dương Nhuệ, người phát ngôn chương trình nổi tiếng ở đài CCTV9 phê phán.

Hàng chục bài viết trong những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc chủ yếu cảnh báo, đe doạ và khuyến cáo các nước ASEAN: không được quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, nhắc nhở các nước cẩn thận, đừng để Mỹ “dính” vào là bất lợi. Trung Quốc cho rằng nên xử lý ở cấp độ song phương, gói gọn vấn đề trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN, ngăn sự tham gia của Mỹ.

Máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu USS George Washington. Vào ngày 8.8 tàu này đã ghé thăm Việt Nam. Ảnh: Reuters

Không thể lộng giả thành chân!

Trong khi đó trên thực địa, vào lúc 10 giờ sáng ngày 13.8, tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp JingBoHu đã chính thức rời cảng ZhanJiang lên đường xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ. Đây là lần thứ 46 tàu này được hạm đội Nam Hải giao nhiệm vụ tác nghiệp ở Trường Sa; đi theo nó có hơn 50 sĩ quan và nhân viên phục vụ.

Các cuộc tập trận bắn đạn thật tuần trước của quân giải phóng Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đã vi phạm cam kết ký với các nước láng giềng cách đây tám năm. Trung Quốc đang dùng DOC để gạt vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của khu vực, đồng thời tăng cường các tuyên bố về chủ quyền với hầu hết vùng biển khu vực này.

Căng thẳng leo thang trong ba năm qua khi Bắc Kinh đe doạ một số công ty dầu lửa quốc tế hoạt động trong khu vực Biển Đông, Hải quân Trung Quốc quấy rối tàu Mỹ và một số nước khác, đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá và bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam. Cùng lúc đó, hoạt động của nhóm công tác hỗn hợp ASEAN – Trung Quốc được thành lập với mục đích tìm kiếm biện pháp xây dựng lòng tin nhằm mục tiêu xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đã bị đình trệ do phía Trung Quốc bày tỏ sự thiếu nhiệt thành.

Tinh thần thượng tôn pháp luật

Các nước ASEAN, các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á hiểu rất rõ giới hạn tranh chấp cũng như khả năng hợp tác Trung – Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và khu vực. Các nước, trước hết là Trung Quốc biết rằng, nếu làm cho Biển Đông nổi sóng sẽ chẳng ai được hưởng lợi. Nguồn gốc các xung đột Trung – Mỹ sâu xa hơn nhiều so với các tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông.

Nói thế không có ý hạ thấp ý nghĩa và tầm quan trọng của các nỗ lực của các nước trong khu vực khi tìm mọi cách tự chế, cố gắng bằng con đường ngoại giao, từ phòng ngừa, xây dựng lòng tin đến đề xuất các biện pháp cụ thể như DOC hay sau này sẽ tiến lên COC, nhằm giải quyết các tranh chấp ngày một quyết liệt và phức tạp trên Biển Đông.

Các nội dung chủ yếu Mỹ công bố trước 27 quốc gia thành viên ARF bao gồm: coi cuộc tranh chấp hiện nay về chủ quyền của các nước trên Biển Đông có liên quan đến lợi ích quốc gia của Mỹ, tuyên bố việc tranh chấp này có thể giải quyết bằng thương lượng hoà bình (song phương và đa phương), đồng thời yêu cầu phải đảm bảo lưu thông hàng hải, cả dân sự và quân sự trên vùng biển quốc tế tại khu vực Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ còn khẳng định, bất kỳ tranh chấp nào về Biển Đông cũng không được ngăn cản quyền tự do hàng hải của các quốc gia trên vùng biển quốc tế. Mỹ không chấp nhận bất cứ bên tranh chấp nào được độc chiếm lợi ích ở Biển Đông và kiên quyết phản đối các bên sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Thật ra, trước đây Chính phủ Mỹ cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông. Nhưng đây là lần đầu tiên, tại một diễn đàn bàn về các vấn đề an ninh quan trọng nhất trong vùng, thông qua bộ trưởng bộ Ngoại giao, Mỹ trình bày một cách có hệ thống, dựa trên cơ sở khoa học của luật pháp quốc tế hiện hành, khuyến khích tìm giải pháp có tính đến lợi ích của các bên liên quan.

Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không chỉ dành riêng cho khu vực Biển Đông mà được áp dụng đối với mọi khu vực và quốc gia khác trên thế giới. Các nước từng tuân thủ và hưởng lợi từ luật pháp quốc tế này. 28 năm qua, tất cả các tranh chấp quốc tế về biển đều dựa trên UNCLOS để xử lý, không cớ gì Biển Đông lại là ngoại lệ.

Các nước lớn hãy nêu gương về tinh thần thượng tôn pháp luật, nhất là luật quốc tế là một hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận tạo dựng trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia.

Xếp Biển Đông vào vấn đề mang “lợi ích cốt lõi” của mình, Trung Quốc đã va chạm mạnh với các nước khu vực và các cường quốc khác. Điều này đi ngược lại tuyên ngôn “trỗi dậy hoà bình” mà chính Trung Quốc đã ra sức quảng bá nhiều năm qua. Nó cũng trái với các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc, trái với năm nguyên tắc chung sống hoà bình, với Hiến chương Liên hiệp quốc, với DOC.

Chính cách tiếp cận tiêu cực này đang làm tổn hại hình ảnh của một Trung Hoa vĩ đại. Dương Nhuệ nói thêm sau khi phê phán sự thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu đạo đức và ý thức pháp luật của giới ưu tuyển: “Cả tầng lớp trên và dân chúng bên dưới trong đất nước này đều thiếu sự diễm lệ và tư thế mà đáng ra họ phải có với tư cách các công dân của một quốc gia vĩ đại”.

Nguyễn Hoàng

——————

“Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông Nam Á” chỉ có lợi khi… (phần 2)

Lần trước, trong cuộc trò chuyện giữa Trân Văn và Ngọc Trân với ông Đinh Kim Phúc – chuyên nghiên cứu lịch sử Việt Nam, làm việc tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM và ông Lê Xuân Khoa – từng là Viện phó Viện Đại học Sài Gòn, sau đó nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, qúy vị đã nghe ông Phúc và ông Khoa trình bày vì sao cần “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông Nam Á”, cũng như nếu tham gia tiến trình này, Việt Nam có thể được gì và phải đối diện với những thách thức nào.

Ai làm dậy sóng biển Đông? (TBKTSG 14-8-10) -thd- Báo VN nên có nhiều bài như thế này, khách quan và nghiêm khắc, đừng để chỉ báo chí Tàu tru tréo!

(TBKTSG) – Sự kiện hạm đội 7 của hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam trong tuần này bị báo chí Trung Quốc miêu tả với cáo buộc là Việt Nam “thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Kết nối hai sự kiện không liên quan với nhau: việc phái đoàn quan chức Chính phủ và quân đội Việt Nam thăm tàu sân bay USS George Washington ở ngoài khơi Đà Nẵng hôm Chủ nhật 8-8 với việc thứ Năm tuần trước (5-8) người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Nguyễn Phương Nga ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc khảo sát địa chất tại vùng đảo Hoàng Sa từ tháng 5 vừa qua, báo China Daily số ra ngày thứ Hai 9-8 đăng bài xã luận nhận định: “Được Mỹ hậu thuẫn, Việt Nam cố tình dựng lên vấn đề biển Đông, nhắm tới quốc tế hóa vấn đề này để làm một đối trọng mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”. Báo này còn cho rằng “Việt Nam đang bị Mỹ biến thành công cụ để cân bằng lại sự phát triển của Trung Quốc”.

Thực chất lời cáo buộc này như thế nào? Trước tiên cần thấy rằng, cả hai sự kiện này đều không mới, mà diễn ra thường xuyên trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, tên quốc tế là Paracel Islands), tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga không biểu hiện sự thay đổi nào trong chính sách trước sau như một của Chính phủ Việt Nam đối với phần lãnh thổ này.

Chuyến thăm viếng tàu sân bay USS George Washington hôm Chủ nhật 8-8 của phái đoàn Chính phủ và quân đội Việt Nam cũng vậy; không phải là sự kiện mới mà từ năm ngoái phái đoàn này đã viếng thăm tàu sân bay USS John C. Stennis. Từ năm 2003 đến nay năm nào cũng có tàu chiến Mỹ ghé thăm các hải cảng Việt Nam, giống như tàu chiến của quân đội nhiều nước khác, kể cả Trung Quốc. Hơn thế nữa, các hoạt động nhân đạo và hợp tác của hải quân Mỹ với hải quân Việt Nam đang diễn ra đều nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Vậy thì tại sao Trung Quốc lại lên án Việt Nam trước những hoạt động có tính “thông lệ” này? Theo giới phân tích, cái gai trong mắt người Trung Quốc không phải là Việt Nam mà là Mỹ và sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Barack Obama đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Sự thay đổi này bộc lộ rõ nhất tại Diễn đàn khu vực châu Á (ARF) lần thứ 17 vừa diễn ra tại Hà Nội hai tuần trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển châu Á và việc tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông. Chúng tôi phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực của mọi bên có tuyên bố chủ quyền”. Bà Clinton cũng đề nghị 10 nước ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận một “bộ quy tắc ứng xử khu vực” có tính ràng buộc và đề xuất thành lập một cơ chế quốc tế để hòa giải những sự chồng lấn về lãnh thổ mà các nước bên bờ biển Đông đưa ra. Hai ngày sau ARF 17, trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì gọi tuyên bố của bà Clinton là “một cuộc tấn công”.

Vậy tại sao Trung Quốc không trực tiếp “đấu tranh” với Mỹ mà nhắm vào Việt Nam? Theo giới phân tích, Trung Quốc muốn đánh lạc hướng dư luận về bản chất cuộc xung đột Mỹ-Trung chung quanh vấn đề biển Đông. Thực tế lịch sử cho thấy, tranh thủ thời gian người Mỹ sa lầy tại các chiến trường Iraq và Afghanistan, nhờ kinh tế phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đã từng bước biến biển Đông thành ao nhà của mình. Những hành động đó của Trung Quốc đe dọa quyền lợi hợp pháp của nhiều nước, kể cả Mỹ, buộc Mỹ phải quay lại bảo vệ các đồng minh lâu đời tại khu vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Giờ đây người Mỹ đã quay lại Đông Nam Á, thách thức trực tiếp những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và đề xuất cơ chế giải quyết xung đột trên vùng biển này. Nếu là một cường quốc có trách nhiệm, muốn giải quyết những bất đồng về chủ quyền trên biển Đông một cách công bằng và hòa bình, Trung Quốc nên ủng hộ một sự tham vấn quốc tế như đề nghị của Mỹ thay vì khăng khăng coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, không thương thảo và không nhân nhượng. Cũng nên lưu ý rằng, khi mới lên cầm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trương chính sách “giao kết” (engagement), muốn Trung Quốc thể hiện trách nhiệm cùng phương Tây giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, cân bằng thương mại, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, Bắc Triều Tiên… nhưng gần hai năm qua kỳ vọng ấy đã không được phía Trung Quốc đáp ứng. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột Trung-Mỹ hiện nay không chỉ ở hồ sơ biển Đông mà trong nhiều lĩnh vực khác.

Lẽ ra phải nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách giải quyết với Mỹ, Trung Quốc lại quy trách nhiệm cho các nước nhỏ như Việt Nam “lôi kéo Mỹ vào biển Đông để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc”. Lối tư duy đó không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.

Việt Nam – Mỹ – Trung Quốc: Hanoi-Washington ties send a signal to Beijing (SCMP 14-8-10) — Good analysis by Greg Torode. Một bản dịch: Quan hệ Hà Nội – Washington gửi tín hiệu tới Bắc Kinh

South China Morning Post Quan hệ Hà Nội – Washington gửi tín hiệu tới Bắc Kinh Greg Torode, Phóng viên trưởng châu Á 14-08-2010

Lời cảnh cáo Việt Nam trong tuần này của một viên tướng hải quân PLA, nói rằng Việt Nam sẽ hối tiếc khi hải quân tham gia với Mỹ và cuối cùng sẽ như là một con tốt, hy sinh cho Washington, [lời nói của ông tướng này] không gây ngạc nhiên cho Hà Nội.

Các viên chức Việt Nam đã sẵn sàng hàng tháng để đối mặt với sự bất mãn của Bắc Kinh trong chiến dịch thành công bất ngờ để quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông [nguyên văn: Biển Nam Trung Hoa] – một hành động đã được lên kế hoạch để hạn chế sự gia tăng tính quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Bắc Kinh sẽ hành động như thế nào?

Làm một con tốt thí trong trò chơi quyền lực Trung – Mỹ rộng hơn, đó là nỗi sợ hãi trước đây của các quan chức Việt Nam; chính sách đối ngoại quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây dựa trên mối ngờ vực như thế.

Trỗi dậy từ những năm đầu thập niên 90, sau nhiều năm bị cô lập sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cũng như việc chiếm đóng Campuchia, Hà Nội đã tranh thủ các mối quan hệ xa và rộng [với các nước khác] nhưng đã tránh bị ràng buộc bởi bất kỳ cường quốc lớn nào.

Để đạt được điều đó, mối quan hệ ngày càng phức tạp Việt – Mỹ – Trung chịu sự giám sát chặt chẽ, mối quan hệ này ngày càng xác định những thách thức trong khu vực. Nếu Trung Quốc, như nhiều nhà ngoại giao và các nhà phân tích khắp Đông Nam Á hiện nay tin rằng, đã sớm cho thấy họ đi quá đà trong sự quyết đoán gần đây của mình, thì mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ là thước đo sự quá đà đó.

Nếu hạn chế [về quy mô], những cuộc tập trận hải quân chưa từng có giữa hai kẻ thù cũ hiện đang diễn ra ngoài khơi Đà Nẵng – bến cảng của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa nhất, đã bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng Việt Nam tuyên bố chủ quyền – thì điều này không phải là ngẫu nhiên.

Trong khi thời gian và sự hiện diện của tàu sân bay USS George Washington có vẻ như hướng đến việc gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Bắc Kinh, thì các cuộc tập trận phản ánh mối quan hệ quân sự gia tăng trong vài năm nay, một phần trong mối quan hệ 15 năm bình thường hóa.

Cách đây một năm, các viên chức Việt Nam đã bay ra một tàu sân bay ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam, và đầu năm nay một tàu Hoa Kỳ đã được sửa chữa tại một nhà máy đóng tàu Việt Nam gần [khu vực] chiến lược, vịnh Cam Ranh, cả hai nỗ lực xây dựng lòng tin hướng đến một mối quan hệ đang nảy nở.

Tất cả mọi chuyện từ đây sẽ đi về đâu? Có lẽ là khá xa. Cả sự quan tâm của Hà Nội và Washington được phục vụ bởi các mối quan hệ quân sự gần gũi hơn và những người bên trong Lầu Năm Góc đã đề cập đến như một đối tác chiến lược, ngang hàng với tình bạn cũ [của Mỹ] như Indonesia và Malaysia, và cũng đang tái khởi động.

Nhưng cũng sẽ có các giới hạn. Thật khó có thể tưởng tượng Việt Nam trở thành đồng minh chính thức của Hoa Kỳ vì nhiều lý do, trong đó có cảnh báo đưa ra trong tuần này.

Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã phác thảo chính sách ngoại giao quân sự của Việt Nam trong một bài phát biểu quan trọng tại hội nghị ở Singapore năm ngoái. Ông nói rằng, chính sách ngoại giao đó được tích hợp để Việt Nam “hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế”.

Chúng tôi chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không đứng chung với một quốc gia để chống lại một quốc gia khác, và cũng không cho phép bất kỳ nước nào bên ngoài có căn cứ quân sự tại Việt Nam”, ông nói – câu nói được lặp đi lặp lại một cách rộng rãi trong giới quân sự và ngoại giao ở Hà Nội.

Những lời nói của ông Phùng Quang Thanh là lời nhắc nhở rằng, Hà Nội đã dựa vào các mối quan hệ quân sự, gồm cả nhà cung cấp vũ khí chính như Nga và Ấn Độ, trong khi thúc đẩy các mối quan hệ với Washington.

Nếu vẫn còn con đường nào đó cho mối quan hệ phát triển – hãy xem một thỏa thuận chính thức về việc sửa chữa tàu Mỹ ở cảng Việt Nam – tốc độ và cường độ [của các thỏa thuận] cũng có thể ảnh hưởng bởi sự quyết đoán hơn nữa của Trung Quốc.

Trong mối quan tâm đó, mối quan hệ riêng của Hà Nội với Bắc Kinh là một nhân tố then chốt và các viên chức Việt Nam mô tả đó là mối quan hệ quan trọng và phức tạp nhất của họ.

Mặc dù thiếu tin tưởng và ngờ vực lâu đời, các mối quan hệ đã được cải thiện một cách vững chắc trong vài năm.

Số lượng các phái đoàn chính trị, kinh tế, an ninh và văn hóa gia tăng hàng năm.

Là hai trong số các chính phủ cuối cùng do Đảng Cộng sản cai trị trong lịch sử, Bắc Kinh và Hà Nội có rất nhiều điều để nói, với Việt Nam là học hỏi từ cải cách kinh tế của Trung Quốc và cải cách chính trị xã hội của Việt Nam đang được một số nơi tại Bắc Kinh quan sát.

Tranh chấp sôi nổi kéo dài liên quan đến 1.400 km biên giới và Vịnh Bắc Bộ đã được giải quyết. Nhưng các sự kiện gần đây cho thấy, bất kỳ sự gần gũi nào cũng sẽ cho thấy, họ vẫn còn có những tranh chấp.

Hành động tung hứng đó đã thấy rõ khi Việt Nam đăng cai tổ chức diễn đàn an ninh Asean hàng năm hồi tháng trước.

Cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nông Đức Mạnh đã đưa ra thông tin quan trọng qua các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam, dưới tiêu đề: “Người đứng đầu của Đảng khẳng định ưu tiên của VN về các mối quan hệ với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, bên trong là câu chuyện nói về Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Rodham Clinton đã họp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng nói rằng, Asean cùng với Hoa Kỳ sẽ “làm việc để bảo đảm an ninh trong khu vực”.

Ngọc Thu dịch

Dương Danh Huy: Hoàng Sa, Trường Sa có bao nhiêu biển và thềm lục địa? (Thời Đại Mới 7/10) — – Nếu vào Thời Đại Mới không được thì đọc ở đây

- Đà Nẵng đặt tên đường “Hoàng Sa, Trường Sa” (RFA). Nhiều báo đài trong nước vừa đưa tin cho hay, Đà Nẵng chính thức dựng bảng tên đường “Hoàng Sa, Trường Sa” cho toàn bộ tuyến đường ven biển, từ bán đảo Sơn Trà đến Điện Ngọc, giáp tỉnh Quảng Nam.
QĐND – Thứ Bẩy, 14/08/2010, 9:38 (GMT+7)

LTS: Nhiều bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân đã viết thư hoặc gọi điện về Tòa soạn bày tỏ sự quan tâm và đề nghị thông tin cụ thể hơn về đoàn liên ngành của Việt Nam thăm tàu sân bay Hoa Kỳ USS George Washington vừa qua, cũng như chuyến thăm của tàu hộ tống USS John S. McCain tới Đà Nẵng sau đó. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc.

PV: Ngày 10-8 vừa qua tàu hộ tống USS John S. McCain đã có chuyến thăm Đà Nẵng và trước đó một đoàn liên ngành Việt Nam thăm tàu sân bay Hoa Kỳ USS George Washington. Xin Thứ trưởng cho biết thông tin chi tiết về các hoạt động này?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Theo quy định của pháp luật Việt Nam và chủ trương đối ngoại Quốc phòng của Đảng và Nhà nước, hằng năm chúng ta đón các đoàn tàu quân sự nước ngoài đến thăm Việt Nam. Việc đón tiếp này do chính quyền địa phương chủ trì, các bộ, ngành có liên quan và các đơn vị quân đội ở địa phương tham gia và phối hợp.

Từ đầu năm nay, Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn cử một đoàn tàu quân sự vào thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và chúng ta đã chấp thuận ý kiến này. Từ chủ trương đó, đầu tháng 8 vừa qua, tàu USS John S. McCain đã đến thăm cảng Đà Nẵng, chuyến thăm và các hoạt động của thủy thủ đoàn Hoa Kỳ được tiến hành theo thông lệ và chương trình đã được hai bên thỏa thuận từ trước – nhằm mục đích tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa hai bên, thông qua các hoạt động giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ, nấu ăn giữa sĩ quan Việt Nam và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, trong chuyến thăm, hai bên cũng trao đổi kinh nghiệm, trong đó chủ yếu phía Hoa Kỳ giới thiệu về kinh nghiệm đối phó với những sự cố trên tàu như hỏa hoạn và tìm kiếm cứu nạn. Nhân dịp tàu thăm Đà Nẵng, Hải quân Hoa Kỳ cũng khám, chữa bệnh nhân đạo cho hơn 400 trường hợp tại bệnh xá ở bán đảo Sơn Trà.

Cũng đầu tháng 8, nhân dịp tàu sân bay USS George Washington đi trên đường hàng hải quốc tế cách Đà Nẵng gần 200 hải lý, trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã mời đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng và các đơn vị quân đội đóng quân ở địa phương ra thăm tàu. Do chuyến thăm tàu chủ yếu vì mục đích giao lưu, tham quan nên một đồng chí lãnh đạo Sở Ngoại vụ Đà Nẵng làm Trưởng đoàn, Bộ Quốc phòng giao cho đại diện các đơn vị Hải quân và Không quân đóng quân ở Đà Nẵng tham gia.

Đây là hoạt động theo thông lệ của phía Hoa Kỳ, mỗi lần đi qua vùng biển gần các quốc gia có liên quan, phía Hoa Kỳ thường mời các đoàn đại biểu các nước đó thăm tàu để bày tỏ thiện chí, và cũng là dịp để họ phô diễn các kỹ thuật quân sự tiên tiến. Nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan và một số nước ASEAN khác đã cử các đoàn đại biểu thăm tàu ở cấp độ khác nhau. Tháng 4-2009, Việt Nam cũng đã cử đoàn đại biểu thăm tàu sân bay Nimitz khi tàu này qua vùng biển gần Việt Nam. Chúng ta chấp nhận lời mời của phía Hoa Kỳ vì mong muốn thể hiện thiện chí trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của luật pháp quốc tế. Mặt khác đây cũng là dịp để cán bộ, sĩ quan ta nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật quân sự tiên tiến của hải quân Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ đã dành cho đoàn đại biểu ta sự đón tiếp trọng thị, giới thiệu về các tính năng kỹ, chiến thuật của tàu và bay biểu diễn cất hạ cánh trên tàu sân bay…

Những hoạt động nêu trên được tiến hành theo thông lệ giữa các quốc gia có chủ quyền, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước.

PV: Thứ trưởng nói rằng Việt Nam có hoạt động giao lưu hải quân với nhiều nước. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đã có quan hệ hải quân tốt đẹp với các nước láng giềng như: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan… Các hoạt động hợp tác như tuần tra chung, lập đường dây nóng, hợp tác cứu hộ, cứu nạn… đã đạt được nhiều thành tựu, đem lại lợi ích thiết thực cho hải quân và nhân dân các nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

Phát triển quan hệ hải quân với Trung Quốc là một hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại Quốc phòng của Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hiện nay mối quan hệ đó đã đạt được nhiều thành tựu, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao, tiến hành giao lưu sĩ quan hải quân, tuần tra chung, lập đường dây nóng và gần đây nhất đã tiến hành diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển. Có thể nói, quan hệ hải quân giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được phát triển theo đúng tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết.

Chúng ta chủ trương phát triển quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ trên cơ sở hai bên cùng có lợi và những nguyên tắc của chính sách đối ngoại. Ngoài các chuyến thăm của tàu Hải quân Hoa Kỳ như đã nêu trên, chúng ta cũng đón tàu hải quân của các nước khác như: Ấn Độ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản… Việc phát triển quan hệ hải quân nằm trong chính sách phát triển quan hệ đối ngoại Quốc phòng với tất cả các nước nói chung và quan hệ hải quân với các nước nói riêng.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về các thông tin và bình luận của một số báo chí trong và ngoài nước xung quanh quan hệ hải quân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian vừa qua?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Như trên tôi đã nói, các hoạt động vừa qua của tàu Hải quân Hoa Kỳ tại Việt Nam là hết sức bình thường, có sự chuẩn bị thống nhất từ trước và đã diễn ra hằng năm. Tuy nhiên, thông tin và bình luận trên một số báo chí trong và ngoài nước về vấn đề này có một số điểm chưa chính xác, đôi khi thiếu khách quan làm cho người đọc có thể hiểu sai lệch.

Thứ nhất, một số thông tin không chính xác như nói “Việt Nam và Hoa Kỳ diễn tập hải quân chung”, “tàu sân bay của Hoa Kỳ thăm Việt Nam”… hoặc các thông tin không cụ thể về hoạt động của tàu Hải quân Hoa Kỳ làm cho người đọc hiểu sai về mức độ quan hệ hải quân hai nước.

Thứ hai, việc tàu Hải quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam và đoàn đại biểu Việt Nam thăm tàu sân bay Hoa Kỳ là theo thông lệ quốc tế, có kế hoạch từ trước nhưng diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều tranh cãi về vấn đề Biển Đông giữa các nước lớn. Do vậy, một số phương tiện thông tin phương Tây tăng cường bình luận theo hướng này, cho rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ hải quân với Hoa Kỳ để “cân bằng sức mạnh” trên Biển Đông. Đây là bình luận không có căn cứ và thiếu hiểu biết về chính sách Quốc phòng Việt Nam. Chúng ta luôn thực hiện chính sách Quốc phòng dựa vào sức mình là chính để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta luôn giữ vững quan điểm độc lập tự chủ, chủ trương không tham gia liên minh quân sự, không dựa vào nước này để chống nước kia. Hơn nữa, những bài học trong quá khứ cho thấy, chỉ có thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình và tự vệ, độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì mới bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích quốc gia khác.

Thứ ba, một số báo chí nước ngoài do thiếu thiện chí về quan hệ Việt – Trung, mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi, không thấy được tình hữu nghị và sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là tài sản vô giá của hai dân tộc nên đã đưa các thông tin một chiều, thiếu khách quan, chưa tôn trọng Việt Nam – hồ đồ nhận định rằng “Việt Nam theo đuôi Mỹ”… Những thông tin này không giúp ích gì cho việc phát triển quan hệ hai nước, đi ngược lại lợi ích chiến lược của hai dân tộc Việt – Trung và tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình ổn định trong khu vực. Đây là cách thông tin thiếu trách nhiệm, làm cho vấn đề trở nên phức tạp.

Thứ tư, do thiếu thông tin nên một số báo chí Việt Nam cũng đưa chưa thật chính xác về vấn đề này. Rất tiếc là giới truyền thông không tìm đến địa chỉ cần thiết là Bộ Quốc phòng để tìm hiểu thông tin chính xác về sự kiện này cũng như các vấn đề tương tự. Về phía Bộ Quốc phòng, trong các hoạt động đối ngoại Quốc phòng nói chung và giao lưu hải quân nói riêng sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận, tìm hiểu thông tin vì không có gì là bí mật. Chúng tôi mong muốn báo chí đưa các thông tin kịp thời, chính xác, rộng rãi để tuyên truyền cho chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta nói chung và đối ngoại Quốc phòng nói riêng.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Cây ngay không sợ chết đứng”, việc chúng ta làm là công khai và minh bạch. Tuy nhiên, cần phải thông tin nhiều chiều, chính xác, kịp thời, khách quan và rất thiện chí để bạn đọc và những người quan tâm có một cái nhìn đúng với bản chất vốn có của sự việc.

PV: Chúng tôi được biết vào ngày 17-8 sắp tới, Thứ trưởng sẽ chủ trì Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam – Hoa Kỳ. Để mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và trung thực nhất, xin Thứ trưởng cho biết chủ đề của cuộc Đối thoại này?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đã xúc tiến và nâng cấp đối thoại chiến lược Quốc phòng với nhiều nước, như với Ấn Độ, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Nga… và sắp có đối thoại cấp Thứ trưởng Quốc phòng với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sắp tới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiến hành Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng lần đầu tiên tại Hà Nội. Đây là cuộc đối thoại nằm trong thỏa thuận của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước từ cuối năm ngoái. Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên sẽ nêu các vấn đề liên quan đến chính sách Quốc phòng, quan hệ quốc phòng song phương và bàn các biện pháp để tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Cũng như các cuộc đối thoại khác, hai bên có thể tham khảo lập trường của nhau về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Tôi mong rằng, dư luận và báo chí sẽ quan tâm và đưa tin đầy đủ, chính xác về sự kiện này.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng.

KIM TÔN VÀ BẢO TRUNG (thực hiện)

Tổng số lượt xem trang