Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Từ Biết đến Biết Cách

Từ Biết đến Biết Cách

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Thông tin có thể chia thành ba loại tuỳ theo sự tác động của nó lên đối tượng tiếp nhận: tăng kiến thức, tăng ý thức hay tăng tri thức. Ba loại thông tin này phản ảnh tiến trình tư duy thường gồm ba bước: biết, ý thức, hành động, mặc dù không phải lúc nào cũng theo thứ tự đó.

Kiến thức giúp người ta biết. Chẳng hạn tin tức thời sự giúp người ta biết được diễn tiến quanh mình--trong cộng đồng, trong xã hội, hay trên thế giới. Hoặc những bài viết về lịch sử giúp người đọc biết được những gì đã xảy ra trong quá khứ gần, xa. Hoặc, ở mức sâu hơn, kiến thức giúp người tiếp nhận hiểu về nguyên tắc hoạt động của một cỗ máy, nguyên lý trong khoa học tự nhiên hay nhân văn, hay sự vận hành của những mối quan hệ trong xã hội

Ý thức giúp người ta chọn thái độ trong một tình huống hay trước một vấn đề. Chẳng hạn, truyện ngụ ngôn giáo huấn trẻ em và người lớn về tình mẫu tử hay phụ tử, nghĩa vợ chồng. Hoặc bài học luân lý khai trí cho học sinh về trách nhiệm đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Hoặc bài phân tích về một tệ trạng xã hội hay tình trạng kinh tế hướng dẫn cử tri phân định về chính sách quốc gia.



Tri thức là thông tin giúp người ta biết cách. Tri thức hướng dẫn hành động nhằm đạt kết quả. Tri thức lại có thể phân loại theo tầm vóc. Về kỹ năng thì đó có thể là cách nấu một món ăn, sửa một cỗ máy, đối đáp ở nghị trường. Về chiến thuật thì đó có thể là cách ứng xử trong một tình huống khó khăn, cách quản trị một chương trình, cách phân bổ tài nguyên để tăng hiệu năng Về sách lược thì đó là khả năng tìm giải pháp hay quy trình tư duy để chọn đúng việc và làm việc đúng cách, đúng thời. Muốn đạt thành quả thì phải hành động và muốn hành động thì cần tri thức.

Thông tin trong cộng đồng chúng ta và giữa người Việt ở hải ngoại với đồng bào trong nước phần lớn chỉ là thông tin kiến thức. Thông tin ý thức ít hơn, còn thông tin tri thức thì rất ít. Nếu lọc riêng lượng thông tin ít ỏi về tri thức thì tỉ lệ giảm rất nhanh giữa kỹ năng, chiến thuật, và sách lược.

Kỹ thuật liên mạng (internet) làm trầm trọng hơn tình trạng mất quân bình về thông tin. Điều này dễ hiểu. Tin tức thời sự, chẳng hạn, thì đầy dẫy, chỉ cần vào các trang mạng hay tìm qua google thì đọc cả ngày không hết. Ngược lại thông tin ý thức hay tri thức, nhất là về sách lược cho một vấn nạn đặc thù, thì khó tìm hơn nhiều. Kỹ thuật liên mạng khuếch đại sự bất quân bình vốn có này vì người đọc tin chỉ cần nhấn nút “forward” đến các diễn đàn là trong nháy mắt có thể chuyển tin đến cả chục ngàn người. Kết quả là tin tức tràn ngập, át hẳn đi lượng thông tin tri thức vốn đã ít ỏi vì nó đòi hỏi nhiều thời gian để chiêm nghiệm vấn đề, tìm giải pháp, vạch ra sách lược, và thử nghiệm sách lược qua hành động. Cũng như bất kỳ một công cụ nào, kỹ thuật liên mạng là con dao hai lưỡi, có lợi và có hại tuỳ theo cách sử dụng.

Muốn chuyển biến cộng đồng và thay đổi đất nước, chúng ta cần điều chỉnh sự bất quân bình hiện nay về nội dung thông tin bằng cách tăng lượng thông tin ý thức và tri thức.

Ứng dụng quy trình biết-ý thức-hành động thì khi đã biết về tình trạng bất quân bình về nội dung thông tin, mỗi người trong chúng ta cần ý thức trách nhiệm thay đổi tình trạng ấy. Cách thay đổi là luôn luôn tự hỏi và hỏi lẫn nhau, đối với mỗi vấn đề được nêu ra trên diễn đàn: đâu là giải pháp, đâu là mục tiêu, đâu là thành quả, và làm sao để đạt thành quả ấy.

Có vậy, chúng ta sẽ dần dà tạo được nề nếp cho tư duy, mẫu mực cho thảo luận, và tiêu chuẩn cho thông tin để đi từ “biết” đến “biết cách”, từ quan tâm đến thành quả.



Thông Tin và Tri Thức

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Tri thức là loại thông tin đặc biệt. Nó hướng dẫn con người hành động nhằm đạt kết quả. Nó là căn bản để thực hiện công tác, công việc, hay kế hoạch.

Thông tin có hàm lượng tri thức nhiều hay ít tuỳ vào sự hữu ích cho hành động. Chẳng hạn, bài viết chỉ cách nấu ăn có hàm lượng tri thức nhiều hơn là bản tin về một tiệm ăn mới mở; quyển sách về quản trị kinh tế gia đình có hàm lượng tri thức nhiều hơn tuyển tập những mẩu chuyện tiếu lâm.

Tri thức có hai đặc tính. Thứ nhất là càng dùng thì càng tăng trưởng. Chúng ta hãy tưởng tượng một nhóm người. Một người trong đó san sẻ tri thức của mình cho mọi người khác trong nhóm. Ai nấy đều ứng dụng tri thức ấy để thực hiện công tác riêng. Sau một thời gian nhóm họp lại để rút kinh nghiệm thì mẩu tri thức ban đầu nay đã phong phú hơn nhiều vì mỗi người góp thêm những bài học riêng do phải quyền biến khi ứng dụng.



Để so sánh, chúng ta có thể lấy một bản tin thời sự. Dù có truyền đi bao nhiêu người thì khi đón nhận trở lại tin tức ấy vẫn còn y nguyên, vẫn trơ trơ như cũ. Loại thông tin này không tăng trưởng và với thời gian sẽ mất dần đi giá trị, trở thành tin cũ.

Chính bởi đặc tính tăng trưởng này mà tôi xem tri thức là thứ vốn có thể sản xuất, thu hoạch và đầu tư. Tri thức có khả năng tăng trưởng không giới hạn; càng nhiều người dùng càng tăng nhanh. Nếu không được sử dụng, thì tri thức sẽ mất giá trị

Đặc tính thứ hai của tri thức là hướng về tương lai. Đặc tính này là hệ luận của đặc tính thứ nhất. Tri thức hướng dẫn hành động để đạt kết quả mà kết quả thì nằm trong tương lai. Chúng ta có thể hình dung tri thức là mũi tên phóng vào tương lai, có sức đi rất xa và càng đi xa thì càng nở lớn. Ngược lại, lấy ví dụ ở trên, một bản tin thời sự nói về chuyện đã xẩy ra; nó càng ngày càng lùi về quá khứ.

Dựa vào đặc tính trên, chúng ta có thể phân định hàm lượng tri thức trong thông tin. Càng có khả năng tăng trưởng và càng hướng về tương lai thì hàm lượng tri thức càng cao.

Sự phân định này rất quan trọng khi chúng ta muốn tích luỹ và phát triển vốn tri thức. Sinh viên theo học một ngành nghề phải tích luỹ vốn tri thức để còn đem ra sử dụng sau khi ra trường. Và rồi người ấy cứ phải tiếp tục học hỏi, trau giồi để tăng trưởng vốn tri thức. Sinh viên ấy không thể nào chỉ nhặt nhạnh những kiến thức vặt (trivia) hay đọc chuyện tiếu lâm mà kỳ vọng sẽ hữu dụng trong ngành nghề.

Khái niệm vốn tri thức rất quan trọng cho việc phát triển tổ chức, phát triển cộng đồng, phát triển quốc gia, phát triển xã hội. Các thể chế dân chủ tạo mọi thuận tiện cho việc phổ biến tri thức. Họ chấp hành nghiêm chỉnh luật bảo vệ tác quyền để thuyết phục mọi người chia sẻ tri thức mà không sợ mất quyền lợi. Các chế độ độc tài thì ngược lại, chúng muốn kiểm soát sự luân lưu của tri thức vì biết rằng khó thống trị khi người dân tăng khả năng hành động. Sự kiểm soát cản chặn không cho vốn tri thức phát triển; do đó các chế độ độc tài khó bắt kịp sự phát triển của thế giới tự do ngày nay.

Nhiều người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền trong thời gian gần đây đã vận dụng phương tiện truyền thông liên mạng (internet) để chuyển thông tin đến quần chúng sống dưới các chế độ độc tài. Nhưng câu hỏi đặt ra là: thông tin cho người dân biết để biết hay muốn trang bị cho họ tri thức để hướng dẫn hành động và đạt kết quả?

Các tin tức thời sự, các bài xã luận, các bài phân tích thời cuộc, các hồi ký… thuộc nhóm thông tin ít hàm lượng tri thức. Các thông tin này hướng về quá khứ và không hướng dẫn hành động nhằm đạt kết quả. Biết chuyện cũ là điều cần nhưng không đủ. Để thoát khỏi vấn nạn, chúng ta phải vạch ra được giải pháp, vẽ ra được con đường tương lai. Muốn thay đổi đất nước, chúng ta phải chuyển tải đến người dân những thông tin với hàm lượng cao về tri thức.

Trên đây là một vài ứng dụng của khái niệm về tri thức. Một cá nhân hay một tổ chức nếu nắm được những nguyên tắc sản xuất, thu hoạch và đầu tư tri thức thì sẽ tăng triển vọng thành công trong công việc của mình.

Tổng số lượt xem trang