Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Đừng nhắm mắt nói bừa! (bài này đã bị CAND rút xuống)

Báo Công an Nhân dân xóa bài chỉ trích báo Trung Quốc
Trong bản tin "Xung quanh việc báo Công an Nhân dân đăng bài viết chỉ trích báo Trung Quốc", chúng tôi đã giới thiệu bài "Đừng nhắm mắt nói bừa" của Lưu Nguyễn đăng trên tờ báo này ngày 29/8. Nhưng bài báo đó đã bị rút xuống. Tại địa chỉ gốc chỉ còn thông tin:
Có vấn đề: Không có bài viết nào.
Trang Tiếng nói Tự do Dân chủ cho rằng bài viết của Lưu Nguyễn "hoàn toàn trái ngược với những lời tuyên bố của Nguyễn Chí Vịnh nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc mới đây, và chắc chắn đã làm quan thầy Trung Quốc không vui, cho nên bài "Đừng nhắm mắt nói bừa!" của tác giả Lưu Nguyễn chỉ sống chưa được 2 ngày trên trang báo CAND Online thì bị rút xuống (đăng trưa ngày Chủ Nhật 29/08, bị rút bỏ sáng ngày Thứ Ba 31/08)" và đăng lại toàn văn bài viết này.

Xung quanh việc báo Công an Nhân dân đăng bài viết chỉ trích báo Trung Quốc (talawas)

Theo BBC Tiếng Việt, vào ngày 17/08/2010, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng bài nhận định cá nhân của biên tập viên Li Hongmei khuyên "Việt Nam không nên đùa với lửa" và "Việt Nam nên từ bỏ ảo tưởng rằng nếu có bảo trợ của hải quân Mỹ thì muốn làm gì ở Biển Đông cũng được."
Vào ngày 29/08/2010, tờ Công an Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Công an - đăng bài viết “Đừng nhắm mắt nói bừa!” của tác giả Lưu Nguyễn bình luận về bài viết của Li Hongmei. Với ngôn từ thường gặp trên tờ báo này, dùng cho việc lên án và chỉ trích, tác giả Lưu Nguyễn cho rằng bình luận viên "giống cái" này [Li Hongmei] đã động lòng trước tiến triển của quan hệ Việt - Mỹ gần đây và những nhận định của "bà ta" là hồ đồ, hoàn toàn vô căn cứ, tức là nhắm mắt nói bừa.

Tờ Người Việt đánh giá bài viết được đăng trên báo Công an Nhân dân là một hành động “ăn miếng trả miếng” với tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc.
Blogger Lê Diễn Đức cho biết bài “Đừng nhắm mắt nói bừa!”, đặc biệt tấm hình với lời chú thích “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam” phản ánh một thái độ bất thường của tờ Công an Nhân dân, và đưa ra câu hỏi: phải chăng đây là khởi điểm của sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hà Nội, tỏ ra cứng rắn công khai với Trung Quốc, hay đây chỉ là bài viết mị dân, trấn an dư luận trước Đại hội Đảng XI?

Đừng nhắm mắt nói bừa! <<::: hoan hô CAND , một bài phản bác rất rõ ràng đối với TQ >>
11:46:00 29/08/2010
Lưu Nguyễn
Đài BBC đêm 23/8 vừa qua cho biết, trong một bài đăng trên tờ Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) ra ngày 17/8, Lý Hồng Mai đã "khuyên" Việt Nam "không nên đùa với lửa". Tác giả của lời khuyên ngạo mạn nói trên, theo BBC, là một "biên tập viên kỳ cựu".

Theo trích thuật của BBC, Lý Hồng Mai nói rằng trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn mới, "các quyết định thiếu khôn ngoan của Việt Nam sẽ chỉ làm căng thẳng gia tăng".

Cái "giai đoạn khó khăn mới" trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ mà Lý Hồng Mai đề cập trong bài báo là để ám chỉ sự căng thẳng giữa hai cường quốc này khi Bắc Kinh phản ứng trước một số động thái gần đây của Washington mà họ cho là nhằm vào Trung Quốc, từ việc Mỹ nghiêng hẳn về phía Hàn Quốc trong vụ cáo buộc CHDCND Triều Tiên đánh đắm chiến hạm Cheonan đến cuộc tập trận Mỹ - Hàn trên biển Nhật Bản, và nhất là việc Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tự do hàng hải trên biển Đông; tiếp đó, tàu sân bay USS George Washington trên đường hàng hải quốc tế đã bỏ neo cách Đà Nẵng gần 200 hải lý, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rồi tàu hộ tống USS John S. McCain thăm cảng Đà Nẵng...

Lý Hồng Mai còn viết bừa rằng "có lẽ Việt Nam cần nhận thức rằng bị kẹt giữa hai cường quốc là một trò chơi nguy hiểm... Nếu cứ tiếp tục khích động các nước lớn đối chọi nhau thì không ai khác ngoài Việt Nam sẽ phải hối hận trước", và rằng “giới quan sát quốc tế đang có chung quan điểm Việt Nam đang cố hết sức để quốc tế hóa và đa phương hóa tranh chấp Trung - Việt tại biển Đông, và muốn Mỹ giúp đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc".

Té ra bình luận viên "giống cái" này động lòng trước tiến triển của quan hệ Việt - Mỹ gần đây. Chỉ có điều, những nhận định của bà ta là hồ đồ, hoàn toàn vô căn cứ, tức là nhắm mắt nói bừa.

Dư luận đều rõ là tại một diễn đàn đa phương như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được tổ chức tại Hà Nội hồi hạ tuần tháng 7 vừa rồi, các bên tham dự đều có quyền phát biểu, bày tỏ quan điểm của mình đối với những vấn đề liên quan đến an ninh khu vực mà họ quan tâm. Chuyện bà Hillary Clinton tuyên bố tại diễn đàn này rằng Mỹ "có lợi ích quốc gia" trong việc bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông cũng vậy. Tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton là xuất phát từ chủ trương của chính quyền Mỹ, thể hiện quan điểm của họ, chứ nguyên cớ đâu phải là vì "Việt Nam đang cố hết sức để quốc tế hóa và đa phương hóa tranh chấp Trung - Việt tại biển Đông, và muốn Mỹ giúp đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc" mà bà Lý mượn danh "giới quan sát quốc tế" để "gắp lửa bỏ vào tay” Việt Nam.

Cũng cần nói thêm rằng tranh chấp tại biển Đông là chuyện xảy ra giữa nhiều nước chứ không phải là "tranh chấp Trung - Việt" như lời bà Lý viết, còn việc giải quyết những tranh chấp giữa nhiều quốc gia ấy trên cơ sở song phương hay đa phương là đòi hỏi của thực tế khách quan mà không một quốc gia nào có thể áp đặt ý muốn chủ quan của mình.

Sự kiện tàu sân bay USS George Washington bỏ neo ngoài khơi Đà Nẵng và tàu hộ tống USS John S. McCain thăm cảng Đà Nẵng hồi đầu tháng 8 này cũng không phải là do Việt Nam "muốn Mỹ giúp đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc" như lời tố điêu của bà Lý.

Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 14/8 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã nêu rõ: "Từ đầu năm nay, Mỹ bày tỏ mong muốn cử một đoàn tàu quân sự vào thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và chúng ta chấp thuận ý kiến này".

Trung tá Jeffrey Kim, Chỉ huy tàu USS John S.McCain, khi trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (TNHK), cũng nói rõ: "Chúng tôi tới đây (Đà Nẵng) nhân dịp đánh dấu 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt". Về việc một số hãng đưa tin rằng thủy thủ tàu USS John S.McCain tham gia diễn tập hải quân với phía Việt Nam, Trung tá Jeffrey Kim cho rằng việc miêu tả như vậy là "không đúng với bản chất những gì chúng tôi thực hiện ở đây".

Ông giải thích: "Đó không phải là các cuộc diễn tập hải quân, mà là các cuộc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cũng như các bí quyết liên quan tới các chủ đề như tìm kiếm, cứu nạn hay kiểm soát thiệt hại, như làm sao để ngăn chặn ngập nước hay dập lửa trên tàu", và nhấn mạnh: "Các hoạt động chúng tôi thực hiện ở đây cho tới nay là phi tác chiến về bản chất" (TNHK đêm 12/8/2010).

Còn về chuyện tàu sân bay USS George Washington, nhân dịp đi trên đường hàng hải quốc tế cách Đà Nẵng gần 200 hải lý, trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mời đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng và các đơn vị quân đội đóng quân ở địa phương ra thăm tàu, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Đây là hoạt động theo thông lệ của phía Mỹ, mỗi lần đi qua vùng biển gần các quốc gia có liên quan, phía Mỹ thường mời đoàn đại biểu các nước đó thăm tàu để bày tỏ thiện chí, và cũng là dịp để họ phô diễn các kỹ thuật quân sự tiên tiến. Nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan và một số nước ASEAN khác đã cử các đoàn đại biểu thăm tàu ở cấp độ khác nhau...".

Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nêu rõ rằng Việt Nam đã có quan hệ hải quân tốt đẹp với nhiều nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Philippines, Singapore, Thái Lan..., đồng thời nhấn mạnh rằng "phát triển quan hệ hải quân với Trung Quốc là một hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước", và rằng "quan hệ hải quân giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được phát triển theo đúng tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết" (QĐND 14/8/2010).

Rõ ràng là bà Lý đã nhắm mắt trước thực tế nói trên.

Nhân đây, cũng xin lưu ý rằng thời gian qua, không ít nhà nghiên cứu, tướng lĩnh và báo chí của Trung Quốc đã có những nhận định, bình luận không đúng về các sự kiện kể trên, với những lời lẽ rất thiếu thiện chí (nếu không nói là thù địch) đối với Việt Nam, làm cho dư luận, nhất là dư luận Trung Quốc, hiểu sai bản chất của các sự kiện đó, dẫn đến hiểu sai về Việt Nam, làm tổn hại tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Đài BBC nhận xét rằng mặc dù tờ Nhân dân nhật báo viết đây chỉ là ý kiến riêng của tác giả, chứ không phải của bản báo, việc bài của Lý Hồng Mai được đăng trên Nhân dân nhật báo cho thấy "tầm quan trọng của quan điểm" mà gần đây nhiều nhà quan sát và học giả Trung Quốc cùng chia sẻ.

Nhân dân nhật báo là tờ báo chính thức của Trung Quốc.

Cứ cho bài viết trên Nhân dân nhật báo của bà Lý là thể hiện ý kiến riêng của bà ta, như lời thanh minh của bản báo, thì người ta vẫn hiểu rằng nếu "ý kiến riêng" đó không phù hợp với quan điểm của Nhân dân nhật báo thì có "các vàng", tờ báo này cũng không đăng.

Cá nhân tác giả Lý Hồng Mai có thể nhầm lẫn; một tờ báo chính thức của Trung Quốc lẽ nào lại như thế?

Thật tiếc!


L.N. (Chuyên đề ANTG 988)

Tổng số lượt xem trang