Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

“Công thổ quốc gia” hay sự “sáng tạo” kì quặc về sở hữu?

“Công thổ quốc gia” hay sự “sáng tạo” kì quặc về sở hữu? Tuan Viet Nam Tác giả: Nguyễn Quang A

Không có cái gọi là sở hữu toàn dân. Đó chỉ là một từ được “sáng tạo” ra để duy trì “quyền sở hữu thực” của một nhóm cá nhân. Xét thực tế đó cũng chẳng khác gì quyền của vua chúa xưa kia.

LTS: Sau đề xuất của TS Phạm Duy Nghĩa và nhóm nghiên cứu về việc xóa bỏ sở hữu toàn dân, thay thế bằng các khái niệm khác, Tuần Việt Nam nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận làm rõ thêm về vấn đề sở hữu toàn dân hay sở hữu quốc gia. Xin trân trọng giới thiệu góc nhìn của TS Nguyễn Quang A về vấn đề này tới bạn đọc.

Mọi ý kiến đóng góp, thảo luận về vấn đề này, xin gửi về hòm thư điện tử: tuanvietnam@vietnamnet.vn.

>> Chính phủ nên từ bỏ vai tổng quản với tài sản công

Sở hữu toàn dân: Sự “sáng tạo chết người”

Quyền sở hữu tài sản là một quyền căn bản trong các quyền con người. Quyền sở hữu và hệ thống thông tin về quyền sở hữu là vấn đề cốt lõi của mọi xã hội.

Có quyền sở hữu rạch ròi và có một hệ thống thông tin minh bạch về quyền sở hữu chính là bí ẩn của sự thành công của tất cả các nước đã phát triển và sự thiếu vắng một hệ thống như vậy là nguyên nhân chính của sự thất bại trong phát triển kinh tế-xã hội của tất cả phần còn lại nhiều nước trên thế giới. Đấy là thông điệp chính của cuốn sách nổi tiếng của học giả Peru, Hernando de Soto, cuốn “Sự bí ẩn của tư bản” được xuất bản năm 2000.

Tôi đã dịch cuốn sách ra tiếng Việt và bản dịch đã được gửi cho các nhà hoạch định chính sách với hy vọng giúp các nhà hoạch định chính sách và các đại biểu quốc hội có thông tin tham khảo trong quá trình thảo luận sửa đổi Luật đất đai. Đáng tiếc thông điệp của cuốn sách đã không có tác động gì đến Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua năm 2003.

Năm 2006 Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản cuốn sách đó với cái tên “sự bí ẩn của vốn” và tiêu đề phụ “Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác”, nhưng chỉ là “sách tham khảo nội bộ” không được phát hành rộng rãi qua hệ thống phát hành sách.

Quyền sở hữu có các tác dụng chủ yếu để: (1) xác định tiềm năng kinh tế của tài sản, (2) tích hợp thông tin tản mác (về các tài sản) vào một hệ thống, (3) khiến dân chúng có trách nhiện, (4) làm cho các tài sản có thể chuyển đổi, (5) kết nối dân chúng và (6) bảo vệ các giao dịch.

Ảnh: nongnghiep.vn

Chính việc xóa bỏ hệ thống quyền sở hữu (tư nhân) là một nguyên nhân chính của sự thất bại của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đạt được một số thành tích về phát triển kinh tế trong hơn 20 năm đổi mới chủ yếu là do đã phần nào khôi phục lại quyền sở hữu tư nhân và khôi phục lại hệ thống quyền sở hữu. Đáng tiếc, chúng ta chưa thật triệt để trong vấn đề này và vẫn còn bị vương vấn bởi những giáo điều đã tỏ ra hoàn toàn vô dụng.Quyền sở hữu toàn dân là một khái niệm kỳ quặc trong số những vương vấn như vậy. Đó là một sự “sáng tạo” chết người của những người được dân ủy thác. Không có cái gọi là sở hữu toàn dân. Đó chỉ là một từ được “sáng tạo” ra để duy trì “quyền sở hữu thực” của một nhóm cá nhân. Xét thực tế đó cũng chẳng khác gì quyền của vua chúa xưa kia, nhưng chí ít vua còn công khai tuyên bố rằng là của ông ta và có quyền ban, phát cho các cận thần.

Rất đáng tiếc, chúng ta đã sao chép hay cũng góp phần “sáng tạo” ra những cái như thế và đã thực hành về cơ bản cũng chẳng khác mấy các vua ngày xưa (ngày nay còn có quá nhiều vua dưới một vua “tập thể”).

Không giải quyết rạch ròi vấn đề này khó có thể có sự phát triển lâu bền.

Chính thế, nên dễ hiểu là dư luận rất quan tâm đến vấn đề này khi Ts. Phạm Duy Nghĩa thay mặt một nhóm nghiên cứu đặt vấn đề bỏ khái niệm sở hữu toàn dân và thay bằng các khái niệm khác (như sở hữu quốc gia, sở hữu của chính quyền địa phương, sở hữu của một cộng đồng nào đó [của một họ, một làng chẳng hạn]), bên cạnh sở hữu tư nhân. Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Ts. Phạm Duy Nghĩa.

Không phải mọi đất đai đều là “công thổ quốc gia”

Hãy chỉ xem về vấn đề sở hữu đất. Không thể coi tất cả đất trên lãnh thổ Việt Nam đều là “công thổ quốc gia” được. Nguyên từ “công thổ quốc gia” cũng chỉ rõ đất ấy thuộc sở hữu quốc gia. Phải rạch ròi, đất nào là công thổ quốc gia và các mảnh đất ấy (với đường biên, mô tả đặc điểm rõ ràng) phải được đăng ký (nói nôm na phải có sổ đỏ) với cơ quan quản lý. Đất của địa phương cũng vậy. Đó là đất công.

Đất của một cộng đồng hẹp được xác định rõ ràng (như của một dòng họ, của nhà chùa, của nhà thờ, v.v.) là thuộc phạm vi sở hữu tư hệt như sở hữu của một công ty hay của một cá nhân.

Đất đai chiếm trên nửa tổng tài sản của xã hội, nên vấn đề sở hữu đất phải được giải quyết thấu đáo và nhu cầu thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai (của các cá nhân, các pháp nhân ngoài nhà nước) bên cạnh việc phân định rạch ròi đất công (thuộc quốc gia hay thuộc chính quyền địa phương) và, đi liền với nó, việc sửa đổi luật đất đai và các luật liên quan là nhu cầu cấp bách không thể né tránh.

Đối với các tài sản khác (nhà máy, doanh nghiệp vân vân) cũng vậy.

Nói cách khác, sở hữu công (thuộc cấp quốc gia hay cấp địa phương) và sở hữu tư phải được công nhận và phải được quản lý trong một hệ thống thống nhất và chỉ có người chủ sở hữu đích thực (dù là nhà nước trung ương, địa phương hay các tổ chức kinh tế xã hội tôn giáo hoặc các cá nhân) mới được quyền định đoạt. Không thể coi là “sở hữu toàn dân” và tùy tiện quyết định.

Chính sự không rạch ròi này là nguyên nhân của trên 98% của các vụ khiếu kiện trong thời gian vừa qua.

Đã đến lúc phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu, nếu không tình hình khiếu kiện còn tiếp diễn và nhiều hơn có thể dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng và cản trở sự phát triển của đất nước.

“Sở hữu toàn dân”, cơ hội béo bở cho lợi ích nhóm?

Thứ Ba, 14/09/2010 (GMT+7) - Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM), cái mũ sở hữu toàn dân đã tạo cơ hội cho khai thác lợi ích nhóm và tư nhân hóa tài sản quốc gia diễn ra trên diện rộng và khá nhanh. Cần xác lập sở hữu quốc gia và sở hữu của chính quyền địa phương thay cho khái niệm sở hữu toàn dân.

Trao đổi bên lề Diễn đàn Đối tác pháp luật về tăng cường tiếp cận công lý do UNDP tổ chức hôm qua (13/9), ông Nghĩa nói: 20 năm cải cách ở Việt Nam đã bảo hộ tương đối tốt sở hữu tư nhân, nhất là ở các đô thị. Tuy nhiên, những vấn đề khác cần thảo luận, chẳng hạn sở hữu toàn dân với đất đai cần thảo luận từ khía cạnh việc bảo vệ quyền lợi mong manh của người nông dân trước các thế lực nhòm ngó.

Mô tả ảnh.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, khoa Luật & chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ĐH Kinh tế TP.HCM

Thứ hai, sở hữu công cộng bao gồm bờ biển, hầm mỏ, không khí công cộng, là tài sản quốc gia để lại nhưng hiện nay đang được khoanh vùng tư nhân hóa rất nhanh.

Lĩnh vực thứ ba là sở hữu các tập đoàn nhà nước, hiện cũng đang là vấn đề.

Như chúng tôi kiến nghị nhiều lần, phải có khái niệm tốt hơn khái niệm sở hữu toàn dân, chúng tôi muốn chuyển đổi khái niệm sở hữu toàn dân thành sở hữu của chính quyền, của quốc gia, chia hai cấp: chính quyền TƯ và chính quyền địa phương.

Tư hữu hóa

Lý do vì sao, thưa ông?

- Sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị, khi triển khai vào các khái niệm pháp lý, không xác định ai có chủ quyền thực sự.

Khái niệm chính trị đó không có hại thì không sao. Nhưng dưới cái mũ sở hữu toàn dân nó, đã gây ra nhiều bất công, làm cho tài sản rơi vào tay những người có ảnh hưởng.

Điều bỏ ngỏ trên làm các tài nguyên khoáng sản, tài sản đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập đoàn, không rõ ai là chủ sở hữu thực sự, tạo cơ hội cho khai thác lợi ích nhóm và tư nhân hóa tài sản quốc gia diễn ra trên diện rộng và khá nhanh, khi quyền lực được tản từ chính quyền Trung ương xuống các tập đoàn kinh tế và UBND các tỉnh.

Cơ chế bảo hộ sở hữu tư nhân chưa hiệu quả, chi phí tiền bạc và thời gian để thực quyền tài sản là lớn so với thu nhập của người dân. Chưa minh định rõ sở hữu công cộng với cơ sở hạ tầng.

Lợi ích của việc thay đổi quan niệm chính trị “sở hữu toàn dân” thành một quan niệm pháp lý rạch ròi hơn như ông nói là gì?

- Ở đây chúng tôi hướng đến khái niệm có thể dùng được để bảo vệ lợi ích quốc gia, để phúc lợi được chia công bằng. Nhà nước chỉ là một thành tố trong quốc gia.

Phân quyền rõ, tài sản gì thuộc chính quyền địa phương, tài sản gì thuốc quốc gia. Ví như bờ biển, rừng… là sở hữu quốc gia.

“Sở hữu quốc gia là một hình thức sở hữu công quan trọng, bao gồm vốn của quốc gia đầu tư vào các công ty thương mại và tổ chức cung cấp dịch vụ công, rừng, hầm mỏ, mặt nước và các nguồn tài nguyên khác. Điều 7 Hiến pháp cần được sửa lại để ghi nhận sở hữu quốc gia, sở hữu của chính quyền các tỉnh, huyện, xã”.

Khi đó, toàn bộ tài sản công sẽ thuộc một cơ quan quản lý công sản cụ thể. Một bộ, một sở không thể bán trụ sở của mình, không thể coi công sản là sở hữu của mình. Việc một sở tại địa phương mới đây tư nhân hóa trụ sở của mình là quá lạm quyền bởi sở chỉ là cơ quan giúp việc cho chính quyền địa phương. Chỉ có cơ quan quản lý công sản cấp tỉnh mới có quyền này.

Việc chuyển đổi như vậy sẽ giúp minh định rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ với khối tài sản quốc gia. Nếu Chính phủ không quản lý được thì Quốc hội sẽ chất vấn. Càng không nên để cho Chính phủ có quá nhiều quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản quốc gia.

Nói cách khác, sở hữu toàn dân với cách quản lý của chính phủ, bộ, các ngành đã cho nhiều ông được chia những quyền đó.

Ví dụ, một bộ lại giao cho hai ông làm chủ tịch hai tập đoàn. Hai người đó có quyền biểu quyết khổng lồ với khối tài sản của hàng ngàn năm tích lũy như bờ biển hay hải đảo.

Đó là bi kịch đã diễn ra trong 5 năm vừa qua. Khối lượng công sản đã rơi vào tay tư nhân tăng lên khủng khiếp. Hiện tượng tư hữu hóa khắp nơi với quy mô lan rộng.

Còn đối với tổng công ty và tập đoàn thì sở hữu phải được tách khỏi chính phủ và các bộ.

Luật không bất biến

Nhưng khái niệm sở hữu toàn dân đã được nêu trong Hiến pháp. Để thay đổi thì phải sửa Hiến pháp?

- Luật sinh ra là để phục vụ con người. Luật không phải là những thứ bất biến. Nếu luật pháp không hợp với thời đại nữa thì phải sửa.

Nếu không sửa được Hiến pháp thì phải giải thích Hiến pháp, ban hành đạo luật cắt nghĩa Hiến pháp.

Nếu điều đó khó sửa quá thì đưa ra những công cụ thay thế, cho vào đó những linh hồn mới, rồi lại giải thích theo nghĩa khác. Cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam ngay từ những năm 1988 – 1989 đã xuất hiện khu vực kinh tế tư nhân, nhưng có phải sửa Hiến pháp 1980 ngay đâu. Cho mãi đến 1992 mới sửa Hiến pháp.

Ông có thể dẫn chứng một ví dụ về việc chuyển từ sở hữu toàn dân sang sở hữu quốc gia là thế nào?

- Ví dụ một vị lãnh đạo được nhận quà. Khi xem đó là sở hữu quốc gia thì trong khi đương nhiệm, ông cứ treo món quà đó ở nhà mình. Nhưng khi hết nhiệm kỳ thì phải để lại món quà đó ở phòng lưu niệm. Tương tự với nhà công vụ. Khi tại chức thì ở, khi hết chức là phải trả lại.

Khi thảo luận về Luật đất đai sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nói “quyền sở hữu toàn dân là một hư quyền” nhưng dường như chúng ta vẫn ngại thay đổi khái niệm này?

- Luật pháp phản ánh ý chí người cầm quyền, phản ánh nhận thức xã hội và sức ép của người dân lao động, những người mất đất, sức ép của những nhà tư tưởng muốn cải cách đất nước.

Nếu dân không hiểu, quan không có trách nhiệm, học giả không nghiên cứu thì không dám sửa.

“Minh bạch hóa quy hoạch đất, xác lập công bằng cho nông dân đối với đất nông nghiệp. Nhà nước chỉ thu hồi đất của nông dân vì mục đích công cộng (an ninh quốc phòng, giao thông). Trong tất cả các dự án có tính thương mại khác (chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, kinh doanh, xây trường học, bệnh viện) thì chủ đầu tư phải thương lượng để mua lại quyền sử dụng đất của nông dân theo giá thỏa thuận”.

60% dân chúng sẵn sàng tố giác tội phạm

(VietNamNet) – Có đến 60% người dân khi được hỏi cho biết sẵn sàng tố giác hành vi tội phạm được chứng kiến, cao hơn so với năm 2003.

- 61% người dân sẵn sàng kiện “quan” (PLTP)–Người dân muốn xã hội công bằng và sẵn sàng đấu tranh cho lợi ích chung.Các vụ khiếu nại nên có luật sư theo từ đầu

“Luật nên khuyến khích đưa vụ việc khiếu nại ra tòa sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Tại diễn đàn về đối tác pháp luật ở Hà Nội hôm qua đã công bố những kết quả khá độc đáo về một cuộc khảo sát.

Theo đó, có tới 61% số người dân tham gia khảo sát nói rằng rất sẵn sàng khiếu nại hay kiện viên chức (hay cơ quan nhà nước) ra tòa khi quyền lợi hợp pháp của mình bị viên chức hoặc cơ quan nhà nước đó xâm hại. Cũng nội dung này, năm 2003 chỉ có 45% người dân nói rằng sẽ làm như vậy. Đáng chú ý hơn là có đến 44,7% số này tin rằng chắc chắn họ sẽ thắng kiện (trong khi tỉ lệ này năm 2003 là 27%).

Mặt khác, có tới 90,4% số người được hỏi sẵn sàng kháng cáo đối với một bản án sai và không công bằng, 86,7% trong số đó muốn tiếp tục kháng cáo lên TAND Tối cao trong trường hợp tòa phúc thẩm phán quyết sai và không công bằng.

Hơn thế, một con số khác cũng thể hiện sự chủ động cao hơn của người dân khi có đến 60% số người được hỏi khẳng định sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi họ chứng kiến hành vi phạm tội (năm 2003 chỉ có 48,1% cho rằng sẵn sàng thông báo một hành vi phạm tội).

Như vậy kết quả khảo sát cho thấy người dân đã tự tin hơn chứ không còn e ngại, co cụm vì “thấp cổ bé họng” hay “con kiến mà kiện củ khoai” như trước đây. Đáng mừng hơn là số người biết cách sử dụng chính những công cụ pháp lý hợp pháp (như khiếu nại, kiện ra tòa) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tăng lên. Điều đó có thể giải thích là nhờ hiểu biết pháp luật, người dân đã ý thức rõ hơn về quyền của mình.

Thậm chí số liệu về việc chủ động thông báo hành vi phạm tội tăng lên còn thể hiện rõ những tiến bộ rõ rệt về ý thức công dân. Trong một xã hội công bằng thì người dân còn có thể sẵn sàng đấu tranh cho lợi ích chung chứ không chỉ vì quyền lợi của chính mình nữa.

Tại diễn đàn hôm qua, các tác giả nghiên cứu đề xuất cần có thêm những khảo sát quy mô, chi tiết hơn nhằm đánh giá toàn diện lĩnh vực này. Dường như ngay chính những công bố và đề xuất đó cũng đã cho thấy một thái độ tự tin hơn từ chính các tác giả nghiên cứu, không còn những lo ngại “mất ổn định” hay “tự diễn biến” như một vài quan điểm cực đoan hay quy chụp về chuyện “dân kiện quan” nữa.

Bởi thực chất chính việc phát huy dân chủ, giải tỏa những bức xúc của dân thông qua những công cụ pháp lý hợp pháp mới là cách giữ ổn định hữu hiệu.

Tổng số lượt xem trang