Ngân sách cho giáo dục
Đến đây, nói về ngân sách. Vì ngân sách lấy ở đâu để mà ưu tiên cho giáo dục là câu hỏi chúng ta không thể nào bỏ qua.
Như có ai thắc mắc vì sao mỗi người dân từ 6-15 tuổi đều được học miễn phí, chính phủ lấy ở đâu ra số tiền khổng lồ ấy để mà trang trải? Trong hệ thống nếu vận hành đúng, dĩ nhiên là ngân sách ấy chính yếu được rút ra từ thặng dư của quốc gia và tiền thuế của dân. Chỉ nói đến thuế thôi, theo Tổng cục thống kê, năm 2009 có 55,5 % dân số từ 15 tuổi trở lên lao động so với tổng dân số.
Điều đó cho thấy số người lao động nhiều hơn gấp ba số lượng dân số ở độ tuổi đi học trung học (từ lớp 1-9) chỉ chiếm hơn 17%. Nếu tính tuổi lao động từ 20 đến 64 chúng ta vẫn có khoảng 45 % dân số lao động. Việc dùng thuế đưa vào ngân sách giáo dục để người dân có thể đi học miễn phí hết trung học là điều hoàn toàn có thể thực hiện được và là việc nên làm.
Có lẽ vẫn có người cảm thấy kỳ khôi khi một người mới lớn lên chưa thể đi làm và đóng thuế thì sao được cái quyền xài thuế của người khác, có phải của cha mẹ người đó đóng hay không? Nếu như phải thì đâu có phải cha mẹ nào cũng có việc làm, và có cha mẹ này lại đóng thuế cao hơn cha mẹ khác v.v… làm như vậy chẳng phải là bất công hay sao?
Thật ra nếu ngẫm lại thì mỗi người dân đều tự trả tiền học cho mình. Bởi vì tạo điều kiện đi học nghĩa là tạo cơ hội có việc làm dễ dàng hơn, và như vậy nghĩa là sẽ phải đóng thuế. Cách sử dụng tiền thuế vốn là lấy thuế của người trước dùng cho người sau, một người bắt đầu đi làm thì trung bình khoảng 40 năm sau mới nhận tiền hưu, thuế đóng cho hưu trong thời gian 40 năm dùng vào đầu tư cho lớp người mới mà chỉ trong vòng khoảng phân nửa thời gian 40 năm lại có thêm một lớp người lao động mới, lớp người mới lại đóng thuế cho người sau và trả lại cho người trước, như vậy thì ai cũng là tự trả tiền học cho mình, tự đầu tư cho mình.
Vì vậy nói được đi học miễn phí đó không hề là ân huệ của chính phủ, mà đó là quyền lợi của người dân. Nếu người dân không được những quyền lợi đó, thì thực sự xã hội ấy không có công bằng. Mọi lãnh vực khác cũng như thế, y tế, cơ sở hạ tầng v.v…bao nhiêu đồng thuế đóng vào là để được lại những quyền lợi xã hội. Cho đến bây giờ người dân còn thiếu rất nhiều quyền lợi để thấy rằng tiền thuế chưa được sử dụng cho những chính sách mang lại nhiều lợi ích cho đất nước và dân tộc. Ngoài tiền thuế ra, hiện tại chúng ta còn có tiền viện trợ của nước ngoài và những số tiền vay mượn khác, chúng ta thật sự cần thắc mắc chúng đã đi về đâu? Vì không ai được quyền nhân danh đất nước và nhân dân nghèo để nhận viện trợ và vay mượn mà những số tiền ấy bị huênh hoang bòn rút và không được sử dụng đúng cho người dân và cho đất nước. Cho nên để phương pháp sử dụng viện trợ và thuế cũng như các nguồn tài chánh khác đầu tư vào giáo dục thật sự được áp dụng, cả hệ thống chính trị và kinh tế đều cũng cần thay đổi vì hiện tại mọi chính sách quốc gia đều rất thiếu căn bản trên lý thuyết, lỏng lẽo và không công bằng khi chấp hành trên thực tế; chúng ta vẫn thấy hiện trạng về thuế thì kẻ đóng người không, đóng rồi cũng chẳng được quyền lợi gì rõ ràng; thậm chí có sự oán trách trong dân chúng là thuế bị các lãnh đạo bỏ túi riêng. Trong khi chính sách kiểm soát dân và kềm kẹp sự tự do không cho chống đối thì lại rất chặt chẽ. Đáng buồn là như vậy!
Trở lại việc được đi học miễn phí, có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc thêm rằng, nếu mọi người ở lứa tuổi đi học đều được đi học để sau đó đi làm đóng thuế ,nhưng có một số người được đi học cũng không thể đi làm thì sao? Lý do có thể vì bệnh tật, hoặc không tìm ra việc làm ...hay họ chọn con đường cống hiến khác như là trở thành tu sĩ hay làm những công việc thiện nguyện v.v... Lý do thứ ba không có gì để bàn, còn hai lý do trước chúng ta không thể vì đó mà không đầu tư như đã trình bày vào giáo dục để mất những lợi ích đáng kể khác. Mà hiện tại trong tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động chỉ có 13% là không đi làm. Trong số 13% đó, tất nhiên có tu sĩ và những người bệnh tật. Điều đó cho thấy ở trong xã hội của chúng ta đa số ai ai cũng đi làm kiếm sống, nhưng sự điều hành của chính phủ chưa hiệu quả để nâng cao đời sống của người dân lẫn tình trạng xã hội và cấp bực của quốc gia.
Đầu tư vào giáo dục, chính là đầu tư vào tất cả mọi lãnh vực, bởi vì dân trí cao thì cống hiến mới nhiều, và mọi ngành nghề mới mau tiến bộ làm cho kinh tế được phát triển. Xã hội vì vậy được xây dựng tốt đẹp hơn với giá trị cũ được làm cho thăng hoa, và khai sáng nhiều giá trị mới góp phần làm quốc gia được cường thịnh. Kho tàng và khối óc của quốc gia nằm ở nền giáo dục, nếu không đầu tư vào một cách ưu tiên thì không làm sao thấy tương lai đất nước được hùng mạnh.
Trong giai đoạn bắt đầu để có nguồn vốn đầu tư đào tạo thế hệ mới người dân được trang bị ít nhất những kiến thức căn bản làm bước đệm tạo điều kiện được học cao hơn, tiền thuế phải được sử dụng đúng và hiệu quả. Sau nữa là chúng ta phải đành tiếp tục chịu nhận viện trợ và vay mượn để không phải thiếu hụt cho một bắt đầu mới cải cách nền giáo dục thực sự phục vụ cho người dân và lấy dân làm gốc. Chúng ta sẽ mất một thời gian khá dài để hệ thống mới được đâu vào đó, khi có thể tự lực rồi, chúng ta giúp đỡ lại thế giới để trả món nợ ân tình và vật chất. Bởi vì người có được sự giáo dục đúng đắn không thể nào là kẻ vong ân, thiếu trách nhiệm với thế hệ trước cùng thế hệ sau và không nghĩ đến đóng góp. Đạo đức sẽ ở đâu khi mọi cái chung quanh chỉ là phương tiện cho chúng ta tìm lợi lạc, lợi dụng hả hê mà không có tâm muốn báo ân hay phục vụ cho một ai khác ngoài bản thân?
Dù thế nào đi nữa, dứt khoát đầu tư vào giáo dục là việc không thể nào đắn đo, mà phải thực hiện. Ngân sách cho giáo dục cũng không thể nào hà tiện chứ đừng nói là bòn rút ăn bớt. Đó cũng như ta ngại mua xẻng hay dụng cụ để khai thác một kho tàng vô giá xài không bao giờ hết. Kho tàng giáo dục cần phải biết khai thác vậy.
__________
Tổng cục thống kê: http://www.gso.gov.vn
Bảng thống kê dân số theo nhóm tuổi từ 1979 - 2007 để những ai muốn tham khảo đều có thể tham khảo. Ngoài ra những số liệu khác có thể vào Tổng cục thống kê tìm hiểu.
Con Đường việt Nam (tt) Chương 2 - GIÁO DỤC, Phần 2
CHƯƠNG 2
GIÁO DỤC
Phần 2.
Canh tân cả hệ thống
Phần này nói về thay đổi toàn diện hệ thống giáo dục. Trong tất cả loại tài nguyên, có thể nói con người là “tài nguyên” quý giá nhất. Nếu như có một nền giáo dục đúng đắn, thì đất nước sẽ sở hữu một kho tàng xài không bao giờ hết. Và điều hiển nhiên dân trí cao hay thấp là kết quả của giáo dục. Dân trí cao thì mới có thể làm cho quốc gia được hùng mạnh, vậy nên cần tạo điều kiện cho người dân được đi học. Song được học cái gì là điều quan trọng hơn. Vì nếu được đi học mà bị nhồi vào đầu những cái không hữu dụng thì cũng bằng không, vừa phí thời gian lại thêm tốn công tốn của mà bất cập xã hội ngày càng chất chồng. Trong hệ thống giáo dục hiện tại, đi học chẳng phải là quyền lợi của mỗi công dân, giáo trình dạy những gì chẳng phải là ý kiến chung của người dân. Và trường học được điều hành ra sao cũng không do người dân quyết định. Cả ba việc vừa nêu rất đáng lưu ý để thay đổi bởi không thể cứ để như thế thì xã hội sụp đổ, đất nước nguy ngập vì chẳng phải ai ai cũng có thể đi tỵ nạn giáo dục, (hiện tại có thể nói ngay những con cháu đảng viên đều đi tỵ nạn giáo dục). Trong những thập niên qua, đất nước chúng ta thực sự có thể nói chưa hề theo kịp đà phát triển của các nước trung bình chứ nói đến chi những cường quốc, và chúng ta chưa thể nói Việt Nam là một trong những nước văn minh vì một nước văn minh hiện tại trên thế giới là nơi ai ai cũng được đi học, được học những điều đáng học, có tự do dân chủ và có cống hiến. Một đất nước văn minh là nơi đạo đức và trí huệ thăng hoa [1] mà Việt Nam đang là một nước nơi đạo đức suy đồi, trí huệ không cơ hội đâm chồi phát triển. Ấy là lỗi của chúng ta không chịu thay đổi nền giáo dục. Để biến nền giáo dục Việt trở thành kho tàng của đất nước, và để đất nước trở nên văn minh, ba điều nêu trên (quyền lợi, giáo trình, đường lối điều hành) trong hệ thống giáo dục cần thay đổi thế nào sẽ trình bày sau đây.
Đi học là quyền lợi
Đi học là cơ hội tiếp thu kiến thức, là được trao lại sự hiểu biết từ trí huệ của dân tộc và của nhân loại. Đó là chìa khoá mở ra muôn ngàn cánh cửa trong đời sống, là căn bản cho một xã hội, một đất nước phát triển.
Việc cắp sách đến trường vì thế không chỉ là trách nhiệm riêng của ba mẹ lo cho con cái mà nên còn là trách nhiệm của chính phủ. Khi nói là trách nhiệm của chính phủ có nghĩa là được đi học là quyền lợi của người dân cần được ghi rõ ràng trong hiến pháp. Khi nói là quyền lợi thì điều đó đồng nghĩa với được đi học miễn phí từ lớp 1 đến lớp 9. Số năm học đó thật sự chỉ thu thập được những kiến thức căn bản chứ chưa chuyên sâu. Mà thật ra nói được đi học miễn phí nhưng đó là từ tiền thuế của người dân; nên đi học miễn phí là một quyền lợi của người dân, và đó cũng là một cách khiến tiền thuế của dân bớt đi một chỗ hở để bị thất thoát. Tiền thuế người dân đóng vào là để dùng trở lại cho dân, và dùng vào đâu cũng không thể sánh với việc dùng vào giáo dục.
Tất cả các quyền lợi hoặc cải cách trong giáo dục, sẽ không có ý nghĩa là bao nếu người dân không có điều kiện đi học. Vì không đi học thì làm sao hưởng được những quyền lợi khác thuộc giáo dục hoặc những thay đổi tốt trong giáo dục. Nếu có sự hô hào sẽ đổi thế này, sẽ đổi thế kia mà cái cần đổi lại không đổi thì phỏng có lợi ích gì? Vậy nên đi học là quyền lợi đầu tiên cần trao cho người dân ở lứa tuổi đi học, ít nhất là 9 năm đầu từ lớp một trở đi để mỗi công dân có thể có được kiến thức căn bản trước khi bàn đến những thay đổi khác.
Quyền lợi đi học của công dân đã có rồi vẫn còn chưa đủ, vì quyền lợi đó cần được đảm bảo bằng nhiều phương cách như là mỗi mật độ dân cư trong bao nhiêu thì cần có 1 trường học, phương tiện cầu đò, đường xá cũng phải quan tâm. Và sau hết là quyền lợi ấy nên được bảo vệ bằng luật pháp là tất cả cha mẹ có trách nhiệm cho con đi học, nếu không cho đó là xâm phạm quyền lợi công dân của người con; sẽ bị phạt theo pháp luật nếu không có những lý do đủ để cảm thông. Thật ra, hầu như các bậc cha mẹ đều muốn cho con cái mình được đi học, nếu vì hoàn cảnh phải phụ giúp mưu sinh thì sau giờ học vẫn có thể. Đi học là quyền lợi người dân cần có, đó là mục đích phải thực hiện được dù đó là một tiến trình cần một thời gian.
Ngoài quyền lợi nêu trên ra, mỗi học sinh, sinh viên còn phải có quyền được đối xử công bằng như nhau không lệ thuộc vào thân thế, và không bị đối xử bằng bạo lực đánh đập và chửi mắng. Học đường phải là nơi học sinh cảm thấy an toàn và muốn đi học. Bị đối xử bất công cũng khiến học sinh không cảm thấy an toàn hoặc bất mãn. Đánh đập là gieo mầm thiếu tự tin và nhút nhát vào trái tim trẻ thơ, và cũng là gieo mầm bạo lực vào con người ấy mãi đến khi trưởng thành, em cũng sẽ sẵn sàng dùng bạo lực vì cho việc thấy người khác làm sai theo nhận định của mình thì đánh đập là việc bình thường, đó cũng chính là nguyên nhân cho xã hội đầy bạo lực, chồng đánh vợ, cha đánh con, anh đánh em v.v... Con người không phải là con vật để phải dùng đòn roi trừng trị. Hình thức phạt có muôn vàn cách không chỉ có đánh đập; như là làm thêm bài tập, hoặc ở lại sau giờ học v.v... Vì nếu lỡ nói sai hay làm sai mà bị phạt bằng bạo lực thì lần sau có nghĩ đúng em lại cũng không dám phát biểu hoặc thể hiện, đâu có mấy ai chưa học mà đã biết, nên không thể dùng bạo lực để phạt, ấy là ngăn cản sự phát triển tự nhiên và hạn chế sự tự do. Những người bị dùng bạo lực dù nhẹ hay nặng cũng bị ảnh hưởng tâm lý, kết quả là nhút nhát, giao tiếp không giỏi bằng những người hoàn toàn không bị. Hệ thống giáo dục Việt Nam đã khiến đa số người Việt Nam dở giao tiếp hơn so với nhiều nước không dùng bạo lực học đường. Họ tự nhiên, tự tin và hoạt bát hơn.
Sau cùng là quyền lợi được phản hồi hay góp ý với nhà trường mà sẽ được nói rõ hơn ở phần điều hành. Ở lớp nhỏ cha mẹ có thể thay thế, lên đại học thì tự mình góp ý. Ấy là những quyền lợi lấy sự công bằng, tự do và dân chủ làm nền tảng.
Đến đây, nói về ngân sách. Vì ngân sách lấy ở đâu để mà ưu tiên cho giáo dục là câu hỏi chúng ta không thể nào bỏ qua.
(Còn tiếp…..)
1. Fukuzawa Yukichi (1835–1901), Bunmeiron no gairyaku (1875; 文明論之概略 – Văn minh luận khái lược)