Tổng lãnh sự Mỹ Lê Thành Ân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
VN như một chai sâm-banh đã mở nắp!
(TNO)-Hôm qua, Tổng lãnh sự người Mỹ gốc Việt Lê Thành Ân, 56 tuổi, đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo giới tại TP.HCM.
Ông chia sẻ những cảm tưởng khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên quay về Việt Nam với tư cách tổng lãnh sự cũng như các mục tiêu hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình.
Ông có thể chia sẻ cảm tưởng đầu tiên của mình khi được chỉ định làm Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM?
Tôi nghĩ mình vô cùng may mắn khi có được cơ hội thế này. Có thể quay lại Việt Nam sau 45 năm, trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, trở về thành phố mà tôi đã trải qua 10 năm đầu đời; và mọi chuyện đã thành hiện thực với vai trò là Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM. Đó thực sự là niềm vinh dự to lớn và một đặc ân đối với tôi. Đây cũng là dịp chứng tỏ quan hệ 2 nước vững chắc như thế nào trong giai đoạn hiện nay.
Có một điều tôi muốn nhấn mạnh là dù lai lịch và hoàn cảnh gia đình của bản thân đã mang lại một khía cạnh mới trong quan hệ Mỹ - Việt, vai trò làm cầu nối giữa 2 quốc gia của tôi không khác biệt so với những người tiền nhiệm. Mỗi tổng lãnh sự Mỹ có thể mang theo các quan tâm cá nhân khác nhau, cũng như những lĩnh vực trọng tâm, tiểu sử và ưu tiên; nhưng vai trò cơ bản không thay đổi. Tôi có mặt ở đây, cũng như các vị tiền nhiệm, là nhằm triển khai những ưu tiên về chính sách ngoại giao của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam. Tôi ở đây để tăng cường quan hệ Mỹ - Việt và sự hiểu biết lẫn nhau. Tôi hoàn toàn nhận thức được áp lực từ sự kỳ vọng to lớn khi tôi là nhà ngoại giao gốc Việt được bổ nhiệm đến Việt Nam. Tôi biết nhiều người ở Mỹ, bao gồm cả cộng đồng Việt kiều, đã hết sức kỳ vọng vào tôi. Tôi sẽ làm hết sức mình để tăng cường sự hiểu biết và quan hệ song phương giữa 2 nước.
Việt Nam như một chai sâm-banh đã mở nắp và không thể đóng lại được - mạnh mẽ, sôi nổi và tràn đầy sinh lực! | ||
Ông Lê Thành Ân | ||
Việt Nam và Mỹ đang tận hưởng quan hệ thân hữu vững mạnh và công việc của tôi hiện nay không quá chú trọng vào việc thiết lập mối quan hệ mới mà là xây dựng và mở rộng những cái sẵn có. Chúng ta ai cũng có vai trò của mình. Tôi mong chờ sẽ được chia sẻ ý kiến với cộng đồng, và báo giới về cách thức có thể giúp tăng cường quan hệ tích cực nhất giữa 2 nước. Tôi tin rằng hình ảnh của Mỹ tại Việt Nam đã được cải thiện rất lớn trong 15 năm qua, và hiện tinh thần Mỹ đồng nghĩa với sự cởi mở và phát triển.
Những sáng kiến đặc biệt mà tôi dự định sẽ tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ của mình bao gồm tăng cường thương mại và đầu tư của Mỹ; củng cố cơ hội học tập tại Mỹ cho những sinh viên, học sinh đủ tiêu chuẩn, cũng như tìm cách khuyến khích Việt kiều trở về góp phần xây dựng nền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi hy vọng sẽ cải thiện quan hệ mạnh mẽ hơn giữa 2 nước. Các mục tiêu cá nhân bao gồm khuyến khích mở rộng phạm vi và chiều sâu của các hoạt động xã hội với cô nhi viện, bệnh viện và trường học.
Thật sự, tôi cho rằng cách tốt nhất để tăng cường quan hệ Mỹ - Việt là thúc đẩy trao đổi kinh tế. Một sáng kiến đặc biệt mà tôi hy vọng sẽ thực hiện là củng cố môi trường dành cho đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam chứng tỏ tỷ lệ tăng trưởng hết sức ấn tượng. Và nỗ lực không ngừng của chính phủ thực thi các cải cách theo định hướng thị trường đã thu hút mối quan tâm ngày càng tăng trong giới đầu tư nước ngoài. Trong thực tế, nhiều người Mỹ đang rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đang vấp phải vô số thách thức khi nghiên cứu những luật lệ đầy phức tạp để kiểm soát giao dịch bất động sản, việc làm, thuế má và cơ sở hạ tầng.
Chính phủ Việt Nam đang rất nghiêm túc nhìn nhận những vấn đề đó. Ví dụ, họ đã bắt đầu áp dụng miễn cấp thị thực cho kiều bào, thay đổi các luật lệ cho phép mở rộng hoạt động bất động sản. Đó là những khuynh hướng cần được khuyến khích và tiếp tục triển khai. Tôi thực sự tin tưởng rằng cộng đồng đầu tư người Mỹ, trong đó có Việt kiều, là nguồn lực khổng lồ cần cho Việt Nam để đạt được mục tiêu chuyển thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Nhớ giai điệu bài vọng cổ Rời quê nhà vào năm 10 tuổi, Lê Thành Ân chỉ còn nhớ về những ký ức vui vẻ của thời thơ ấu. Dấu ấn đậm đà nhất về quê hương Việt Nam được khắc sâu trong tâm trí ông Ân là những bài vọng cổ Nam Bộ sau những lần theo cha mẹ xem cải lương. Khi trở lại Việt Nam trong vai trò Tổng lãnh sự Mỹ, ông được mời đến xem chương trình Chuông vàng vọng cổ rồi trở thành khách mời thường xuyên của chương trình này. Ông tâm sự: “Những bài vọng cổ làm tôi nhớ đến ngày tháng còn thơ bé, và giai điệu mượt mà của nó đã theo tôi đến tận bây giờ”. |
Tôi đã có cơ hội làm việc khắp châu Á như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Tôi nghĩ rằng những kinh nghiệm này sẽ trở thành tài sản quý giá cho nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, đặc biệt vào thời điểm Việt Nam tiếp nhận một vai trò lãnh đạo lớn hơn trong khu vực. Trong khi có những điểm tương đồng giữa các nước châu Á, điều quan trọng là phải công nhận và hiểu những khác biệt cũng như văn hóa độc nhất vô nhị của từng nước. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, giống như tôi đã chứng kiến trong thời gian tại Trung Quốc. Nó như một chai sâm- banh đã mở nắp và không thể đóng lại được - mạnh mẽ, sôi nổi và tràn đầy sinh lực!
Việt Nam tiếp tục lớn mạnh với vai trò ngày càng quan trọng như một đối tác kinh tế khu vực. Sản lượng xuất khẩu từ Mỹ đến Việt Nam vẫn duy trì ổn định bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng hơn 11% trong năm 2009. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, với mục tiêu từ 7% - 8% trong giai đoạn 2011 - 2015, với viễn cảnh mậu dịch thương mại song phương sẽ tăng mạnh. Sự cam kết về kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam là hướng đến mục tiêu xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, đủ khả năng đóng góp vào một Đông Nam Á ổn định và hòa bình.
Ông có thể tóm tắt chính sách mới về châu Á của Mỹ. Vai trò của ông như thế nào trong chính sách “triển khai tích cực” mà Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa đề cập mới đây? Chính sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến châu Á và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á?
Tôi cho rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã nhấn mạnh rằng chúng tôi cam kết với Đông Á, và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và chúng tôi muốn đóng góp vai trò tại khu vực này. Trong vòng 3 tháng, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đến Việt Nam 2 lần. Bà cũng tham dự Hội nghị Đông Á (đây cũng là lần đầu tiên đại diện Mỹ có mặt kể từ hội nghị đầu tiên vào năm 2005). Nếu xét về lịch trình vô cùng dày đặc của bà, ta có thể thấy thực tế trên đã phản ánh sự cam kết của chính quyền Obama trong việc làm sâu sắc hơn sự ràng buộc với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Clinton đã đưa ra 4 ưu tiên trong chính sách đối với Việt Nam, trong đó có củng cố quan hệ đối tác, xây dựng sự hợp tác đa phương với Đông Nam Á. Tôi sẽ làm mọi cách có thể để tăng cường thương mại, mậu dịch và đầu tư nước ngoài trực tiếp để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam và Mỹ. Mỹ cam kết sẽ tham dự Hội nghị Đông Á trong dài hạn, vì chúng tôi tin rằng nó sẽ trở thành diễn đàn chính cho các vấn đề chính trị và an ninh của châu Á - Thái Bình Dương.
Xin cảm ơn ông.
1.000 ngày làm đại sứ của ông Mark Kent (SGTT 4-11-10)