Ngồi lại bên nhau Giao Chỉ
(Chửi nữa đi em…)
Sau cuộc chiến, phe nào cũng có các cựu chiến binh. Trận chiến tranh Nam Bắc Việt Nam thực sự có thể kể từ Genève 1954, đất nước chia đôi cho đến 1975. Trải qua 21 năm từ chuẩn bị cho đến cuộc chiến nổi dậy, du kích chiến, vận động chiến rồi tấn công quy ước. Cuối cùng quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tan hàng theo mệnh nước. Tiếp theo là di tản, tù đày, vượt biên, HO và đoàn tụ. Số phận cựu chiến binh cộng sản sau 75 cũng không khá, ngoại trừ một số cán bộ và đảng viên. Trong khi sĩ quan miền Nam đi tù thì sĩ quan miền Bắc phục viên cũng không có tương lai. “Ðầu đường đại tá vá xe, cuối đường thiếu tá bán chè đậu đen”
Nhưng ở đây, nhân dịp vị đại tướng 85 tuổi Trần Thiện Khiêm lần đầu tiên họp mặt với đại hội Tập thể chiến sĩ tại miền Nam California, tôi xin nói chuyện về cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tại hải ngoại.
Ðây cũng không phải là lần đầu anh em ngồi lại bên nhau.
Ngôi sao Nguyễn Cao Kỳ.
Ðầu thập niên 80, các hội cựu quân nhân với đa số thành phần chiến binh di tản từ 1975 đã kết đoàn. Sau 5 năm lưu vong, đời sống anh em tạm thời ổn định, bắt đầu nhớ về quê hương và nhớ về đồng đội. Ở đâu có đủ một tiểu đội là ngồi lại thành một bàn. Tại San Jose, hội Không quân, Hải quân, Nhảy dù là các tổ chức tiên phong. Ða số xây dựng trên tinh thần tương trợ, quan hôn tương tế. Anh em chạy 75 được người Hoa kỳ bảo trợ, nay quay ra bảo trợ người mới đến.
Một số anh em khắc khoải hờn vong quốc đã không cam chịu cảnh suốt đời đất khách quê người. Thêm một lần, tôi xin nhắc lại con đường về phục quốc đấu tranh võ trang khởi đi từ Trần văn Bá (Âu Châu), Võ đại Tôn (Úc Châu) và Hoàng cơ Minh (Mỹ Châu). Một sự tình cờ lịch sử là ba người anh hùng tìm đường về đại diện cho cả ba miền đất nước.
Tại Hoa kỳ, cựu chiến sĩ Cộng hòa đã cất tiếng gọi đàn, mở rộng vòng tay. Ðại tá thiết
giáp Hà Mai Việt mời anh em về họp mặt tại Texas để chính thức ra mắt một tổng hội cựu chiến sĩ đầu tiên. Thiếu tướng không quân Ðặng đình Linh được bầu làm chủ tịch. Ngôi sao sáng của đại hội là thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ mời được đại tướng Cao văn Viên và trung tướng Trần văn Ðôn về dự. Trong bài nói chuyện, với sự cảm xúc cố hữu, ông Kỳ đã khóc. Ông Viên lên tiếng xin lỗi toàn quân. Ðó là đại hội cựu chiến sĩ đầu tiên của đa số anh em di tản 75. Chứa chan tình cảm với đầy hy vọng nhưng rồi lại không có đoạn kết. Tướng Linh nay đã qua đời. Tướng Nguyễn cao Kỳ, ngôi sao của đại hội toàn quân lần đầu tiên từ thập niên 80 ngày nay ra sao, thiết tưởng chẳng cần nói thêm. Ðời lính già sống lâu, chỉ thấy thêm nhiều chuyện đau lòng.
Tổng Thống Thiệu ra quân.
Mười năm sau, vào đầu thập niên 90, một đại hội toàn quân quy mô được hình thành tại California. Chưa bao giờ San Jose lại có dịp đón tiếp một số lượng đông đảo các tướng lãnh như thế. Có cả Ðại tướng Cao Văn Viên, các trung tướng, các thiếu tướng và quan trọng hơn hết có cả ngôi sao rực rỡ nhất hải ngoại là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu. Các nhà lãnh đạo một thời của miền Nam đang nuôi ảo tưởng có thể đòi hỏi quốc tế và Hoa kỳ đưa Việt Nam trở lại với sự cam kết theo Hiệp định Paris 1973. Nhưng sự kết hợp trong đại hội hoàn toàn chỉ có hình thức. Không phải vì có sự chống đối, mà chính vì nội dung không thực tế nên một lần nữa, anh em lại tan hàng. Sự trăn trở vẫn còn nguyên.
Ngày tháng của Quốc trưởng.
Qua đến năm 2000, đại tướng Nguyễn Khánh nguyên là quốc trưởng đầu tiên của miền Nam Việt Nam đã có cơ hội ra mắt tại Cali với tổ chức Nguyễn Hữu Chánh.
Trong vai trò tự phong làm thủ tướng, ông Chánh đã đưa đại tướng Nguyễn Khánh trở lại ngôi quốc trưởng tại hải ngoại. Mặc dù đã có nhiều bài báo phanh phui những mánh khóe bịp bợm, nhưng phong trào của chính phủ Nguyễn hữu Chánh vẫn có cả trăm người tin tưởng và đại hội thường quy tụ cả ngàn người. Trong đó gồm cả các chức sắc, tướng lãnh cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa. Sự ngây thơ không phải là độc quyền của tuổi thiếu niên hay anh em cấp dưới. Lúc đó đại tướng Nguyễn Khánh là ngôi sao rực rỡ của phong trào Nguyễn Hữu Chánh. Niên trưởng của tôi dường như cũng biết hết sự tình, nhưng tiếng vỗ tay và ánh đèn sân khấu vẫn còn khả năng hấp dẫn tuổi cao niên. Mỗi lần đại hội hay mỗi lần tập hợp xuống đường, phong trào này đã đạo diễn chụp hình hàng trăm thiếu nữ Việt Nam áo trắng cờ vàng vẫn được thế giới mạng sử dụng trong mọi trường hợp. Giòng đời vẫn trôi qua, lịch sử Việt Nam Cộng Hòa kéo dài tại hải ngoại sẽ còn lưu lại một bức hình đáng giá.
Năm 2010, thủ tướng xuất hiện.
Như vậy là cứ 10 năm một lần, anh em cựu quân nhân lại thấy có một vì sao của thời xưa xuất hiện. Lần này đại tướng Khiêm đến với đại hội Tập thể chiến sĩ Việt nam Cộng Hòa. Ông gặp gỡ báo chí, dự bữa cơm thân mật, nhận lời làm cố vấn. Còn chuyện sau này sẽ ra sao chưa ai biết. Dư luận khá ồn ào, có người thông cảm, có người phê bình chỉ trích thậm tệ, hết sức tàn nhẫn.
Nhưng về cuộc đời và sự nghiệp thực sự của thủ tướng Trần Thiện Khiêm thì những người biết chuyện không nói hết, những người nói ra cũng chưa biết hết chuyện. Cuộc đời chính trị hết sức may mắn của ông vui nhiều hơn buồn. Nhưng để lại những thành tích cho quốc gia thì buồn nhiều hơn vui. Sau cùng, một câu hỏi đặt ra là, ý nghĩa thực sự của việc đại tướng Khiêm xuất hiện là chuyện gì. Phải chăng Mỹ đã tính chuyện với Việt Nam và bây giờ là lúc tìm đến Việt nam Cộng Hòa (?). Thắc mắc này từ ngày xưa, cũng đã được thiên hạ đưa ra cứ 10 năm một lần. Thời kỳ 80 phải chăng CIA tính dùng ông Kỳ qua đại hội Texas (?). Thời kỳ 90 ông Thiệu xuất hiện do Mỹ dự trù trở lại hiệp định Paris (?). Qua 2000, chính phủ của chú Chánh tuyên bố úp mở là có Mỹ đứng sát sau lưng thủ tướng lưu vong để ủng hộ đại tướng quốc trưởng (?). Nếu những chuyện không tưởng như thế đã không xảy ra mấy chục năm trước thì ngày nay người Mỹ dùng các cựu chiến binh cao niên Việt Nam Cộng Hòa với niên trưởng 85 tuổi của anh em ta để làm việc gì. Sao anh em lại có thể tiếp tục ngây thơ vô tội như thế. Sự thực là chẳng hề có yếu tố Hoa Kỳ trong thế giới Việt Nam Cộng Hòa di tản trong suốt 35 năm qua và vĩnh viễn về sau. Sức mạnh của cộng đồng Việt Nam nếu có phải trong khuôn khổ người công dân Mỹ gốc Việt.
Riêng phần chiến sĩ cộng hòa đã đành nếu bạn nhập ngũ một ngày cũng là lính. Người lính mặc áo trận năm 75 lúc 18 tuổi ngày nay cũng đã là cựu quân nhân trên 50 tuổi. Nhưng trên thực tế, đa số cựu chiến binh VNCH tại Hoa Kỳ bây giờ đã hưởng tiền già hoặc sắp hưởng tiền già, hoặc tiền hưu bổng vào lớp tuổi lục tuần. Phần lớn các nhà lãnh đạo quân đội, các tướng lãnh ở lớp tuổi bát tuần. Rõ ràng là lực bất tòng tâm. Không phải là lúc ôm mộng lấp bể vá trời. Cũng chẳng ai đòi hỏi những người anh hùng mỏi mệt chúng ta phải thi hành những sứ mạng lớn lao như thế. Nhu cầu hết sức cần thiết và đơn giản là anh em ta ngồi lại bên nhau.Vì vậy sinh hoạt của các hội đoàn quân đội, các khu hội, các tổng hội quân binh chủng, các đơn vị vùng, tại khắp năm châu bốn bể, dù trong hay ngoài tập thể, đều là những sinh hoạt lành mạnh, hợp với hoàn cảnh thực tế. Trong tinh thần xây dựng như thế, tôi xin viết lời bình luận về tổ chức Tập Thể vừa họp xong đại hội bất thường.
Ðường trường xa, muôn vó câu bay…
Cách đây 7 năm, một số niên trưởng trong quân đội đã ngồi lại bàn tính xây dựng một cơ cấu kết đoàn giữa các cựu quân nhân và các khu hội, tổng hội quân binh chủng.
Một trong các nhu cầu then chốt là tìm người lãnh đạo. Bất cứ nhân vật nào thì cũng sẽ bị búa rìu dư luận phê phán, chê bai. Tuy nhiên, sau cùng cũng tìm ra được những nhà lãnh đạo có vẻ đủ điều kiện và điều quan trọng là can đảm nhận lời. Tướng Lê Minh Ðảo, người anh hùng cuối cùng của mặt trận Long Khánh, cựu tù chính trị lâu năm nhận lời làm vai trò then chốt. Ngoài ra còn có giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, khoa bảng nổi danh nhận làm chủ tịch quản trị. Xin coi như ông Ðảo là sĩ quan bộ binh đóng vai chính. Ðại hội mở ra khí thế tưng bừng và được khá nhiều đoàn thể quân đội hưởng ứng. Tập thể ra đời, mở rộng tổ chức và kiện toàn. Họp tới họp lui từ địa phương đến trung ương được vài năm thì tướng Ðảo từ chức vì lý do sức khỏe. Ðại tá không quân Nguyễn Xuân Vinh kiêm nhiệm luôn việc điều hành. Từ bộ binh, lá cờ Tập thể chuyển qua không quân. Ngày xưa các tư lệnh làm việc chỉ tay năm ngón. Tất cả trông cậy cấp dưới chạy việc từ tham mưu đến binh đoàn. Ngày nay tư lệnh chỉ có một mình, đường lối thì đao to búa lớn nhưng lấy phương tiện đâu mà lên đường. Dậm chân tại chỗ để giữ được anh em là may. Rồi đến khi vị chủ tịch không quân từ chức. Từ bên trong, anh em đều biết, các nhà vận động suốt nhiều tháng trường cố gắng tìm người ra thay thế. Lập danh sách năm vị anh hùng của quân lực Việt nam Cộng Hòa trong hàng ngũ đại tá được coi là tương đối trẻ trung. Tuổi từ khoảng 75 hay 76. Tất cả đều từ chối. Tập thể đứng ở ngã ba đường. Hoặc là cứ đại hội rồi bầu ra bất cứ ai, hoặc là tan hàng. Xem như thế vai trò lãnh đạo tương đối gọi là chính thức tại hải ngoại vô cùng khó khăn. Tại sao không ai nhận công tác lãnh đạo? Xin trả lời: Tuổi già sức yếu, phương tiện không có, hoài bão lớn lao, đánh phá tưng bừng và còn gì nữa xin bổ túc cho đầy đủ một danh sách dài…
Nhưng sau cùng dường như một người ít vấn đề nhất trong số anh em cựu chiến sĩ đã nhận lời thử thách. Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại chấp nhận ra làm việc. Trong lá thư ngỏ ông viết rằng ra ngồi với anh em để anh em tiếp tục ngồi lại với nhau. Mục tiêu đơn giản và chân thành. Phải nhìn lại trong hàng ngũ lãnh đạo của tập thể, ta có thể thấy sự cô đơn của những người tâm huyết nhiệt thành. Vị đô đốc hải quân 90 tuổi Trần văn Chơn trong ghế chủ tọa. Tướng Nguyễn khắc Bình, ngôi sao trẻ trung của quân đội ngày xưa, nay cũng đã 80 tuổi. Và thêm phó đề đốc Thoại. Các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa khác đều không có mặt. Nhiều tên tuổi đã ra đi. Không còn ai là cựu tổng thống. Không còn ai là các tư lệnh Vùng của thời kỳ 75. Có vị già yếu, hoặc là đã chán chường. Chỉ cần đến để gặp anh em, nhưng các ngài cũng quản ngại. Trong hoàn cảnh đó tướng Khiêm xuất hiện, gọi là để khích lệ tinh thần. Nào ngờ mang nặng quá khứ với nhiều vấn đề, lại thêm 35 năm tránh né cộng đồng nên đã bị dư luận chỉ trích kịch liệt. Một người anh em đi dự đại hội về đã nói một câu đáng đồng tiền bát gạo. Nói rằng: “Anh em ra ngoài phơi nắng cộng đồng mấy chục năm nay, nghe chửi đã nhiều. Bây giờ cũng là dịp niên trưởng đại tướng ra phơi nắng để nghe chửi với anh em cho biết đá vàng. Gọi là chia ngọt xẻ bùi”. Như vậy phải chăng kỳ này anh em mời niên trưởng ra là để phơi nắng ông Thầy. Cùng vui hưởng những tràng pháo tay và những lời chửi rủa. Anh em sinh hoạt, bị nắng cháy gần thành than, nhờ niên trưởng ra chịu đạn thay cho anh em một thời gian.
Tiếng gọi từ biển Ðông.
Từ khi Tập thể thành hình, có một vị sinh hoạt từ đầu nhưng chẳng mang chức vụ chính thức. Nếu có hỏi đi hỏi lại thì ông chỉ nhận là liên lạc viên. Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình năm nay 80 tuổi, sinh quán Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre. Ông đã kiên trì trong vai trò kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà Tập thể. Ðể có thể gác bỏ ngoài tai những lời phê phán, công việc đầu tiên của vị sĩ quan cao cấp về tình báo an ninh của VNCH là cắt đứt Internet. Tướng Bình yểm trợ ông Lê Minh Ðảo, tư vấn cho đại tá Vinh và ông tình nguyện làm tài xế cho đô đốc Trần Văn Chơn. Mối chân tình sâu đậm với ông cựu tư lệnh hải quân cho đến nỗi trong anh em, ông Chơn cũng gọi luôn ông tài xế Bình là đô đốc. Từ khi ông Vinh từ chức, tướng Bình đôn đáo tìm người ra gánh vác tập thể. Hết sức kiên trì, tận tụy và nhiệt thành, ông đã suy tư đi tìm nhà lãnh đạo cho giai đoạn mới. Thời cơ mới rất thời sự chính là tiếng gọi từ biển Ðông. Thành quả rất đáng kể lần này của tướng Bình có được vị chủ tọa là đô đốc nguyên tư lệnh hải quân. Ðồng thời ông mời được đại tướng Trần thiện Khiêm xuất hiện. Và sau cùng tình thế đưa đẩy phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, quê Gò Công ra nhận công tác. Từ nay tạm thời ông Bình có thể ngủ yên và đến lượt ông Thoại mất ngủ.
Là tướng lãnh trẻ trung của hải quân Việt Nam Cộng Hòa, đề đốc Thoại đã từng có thành tích chỉ huy các chiến dịch biệt kích hải bên kia vỹ tuyến, trước khi làm tư lệnh hải quân Vùng I trong trận Hoàng Sa. Thân phụ là cụ Hồ Văn Kỳ Trân và ông nội là Hồ Biểu Chánh. Trong thời đệ nhất cộng hòa, ông Thoại là sĩ quan tùy viên của tổng thống Ngô Ðình Diệm. Khác với nhiều vị tướng lãnh, suốt 30 năm qua, ông Thoại có cơ hội tiếp tục làm việc trong công tác chỉ huy và quản trị tại các cơ quan Hoa Kỳ. Ông là người của nguyên tắc và hiểu rõ thể thức sinh hoạt chính thức của hội đoàn. Dù vậy, ra nhận trách nhiệm lãnh đạo Tập thể trong tuổi về hưu quả thực là một hành động bất thường. Nguyên do chính vì anh em, nhưng thực sự ông rất nể trọng vị tư lệnh hải quân tóc bạc 90 tuổi. Tướng Trần văn Chơn, người chỉ huy trực tiếp của ông Thoại thời kỳ Hoàng Sa 74 đã nhắc đến 60 chiến sĩ hải quân chết tại biển Ðông. Những tin tức thời sự về biển Ðông ngày nay đã đưa tâm tư người lính biển về với chiến tích oai hùng 36 năm trước. Ông Chơn nói rằng xin đề đốc Thoại hãy vì các chiến binh nằm lại Hoàng Sa mà nhận lời.
Sau bộ binh Lê Minh Ðảo, qua không quân Nguyễn Xuân Vinh, bây giờ đến hải quân Hồ Văn Kỳ Thoại lên phiên. Ông Thoại có bà vợ là giáo sư dạy học nhiều năm tại Mỹ. Bà rất hết lòng yểm trợ phu quân. Thuận vợ, thuận chồng tát biển Ðông cũng cạn. Tát cạn biển Ðông lúc đó thiên hạ cùng thấy rõ, Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền vào Việt Nam ra sao. Nhưng ngay bây giờ, ông bà cùng chuẩn bị đón nhận búa rìu dư luận…
Một cái tóc là một cái tội.
Bất cứ người nào ra nhận trách nhiệm đều có thể lãnh búa tạ. Cuộc đời binh nghiệp cũ được đưa ra bình luận. Ðời sống 35 năm qua cũng là cả vấn đề. Anh làm gì bấy lâu nay. Anh chạy trước thì có tội bỏ anh em. Anh ở tù thì có thể thiếu tư cách, có thể đã khiếp nhược trước kẻ thù. Một cái tóc là một cái tội. Ở cái đất nước tự do này, chửi bới được hiến pháp bảo vệ trong tu chính án dân quyền. Và chửi thượng cấp ngày xưa là một cái thú vô cùng hấp dẫn. Phần lớn các bài báo và tham luận của anh em viết về quân đội thường đề cao chiến binh và mắng chửi tướng tá đã trở thành cái mốt rất thời thượng. Nhưng tôi cũng xin nói một lần để các bạn rõ. Các bạn liệt kê vô tội vạ danh sách tướng bẩn tướng sạch, tướng anh hùng tướng hèn nhát. Kể tội tá xấu tá đẹp, tá hiên ngang ở lại hay tá nhục nhã chạy làng, phần lớn đều không phải như vậy. Thành ngữ thấy vậy mà không phải vậy chính là hình ảnh của quân đội. Khi phải nói lại cho thế hệ tương lai, ta có thể nói rằng, chúng ta đang ở thời đại của người biết chuyện không nói. Kẻ nói nhiều lại là người không biết chuyện. Các bạn có giận thế hệ đàn anh xin vui lòng chửi bới toàn thể hàng tướng tá, để anh em chúng tôi cùng chia sẻ theo tình nghĩa huynh đệ chi binh. Nếu cứ tuyên dương hay lên án theo danh sách lếu láo chính là những lầm lẫn chết người. Quân đội nào cũng thế, có kẻ xấu người tốt. Nhưng đã cùng trong hàng ngũ, nếu không phải chính phạm làm mất nước thì ta cũng là tòng phạm. Nước mất nhà tan, dậu đổ bìm leo. Chửi nữa đi em. Các em chửi là đúng quá. Nhưng cần ghi nhận rằng tội của thế hệ đàn anh làm mất nước là quan trọng nhất. Còn tội chạy trước chạy sau, dốt nát, ăn chơi, ngậm miệng ăn tiền, ba cái lẻ tẻ đó chỉ là thứ yếu. Tập thể ngày nay chẳng qua cũng chỉ là di sản về già của cuộc binh đao. Chẳng khác gì ngày xưa quân đội cũng lẫn lộn cả người xấu kẻ tốt. Trong buổi hoàng hôn, anh em ta đã ngồi lại bên nhau. Nếu không làm nên cơm cháo gì, thì cũng nên ngồi lại cùng nghe thiên hạ chửi, hầu vơi được phần nào trách nhiệm tội lỗi với non sông.
Xin các bạn ngồi lui vào, dành cho tôi một chỗ hàng đầu. Chẳng phải vì tôi nhiều tội hơn anh em, chẳng qua mình đã phơi nắng nghe chửi hơn 30 năm, trở thành điếc không sợ súng. Chửi nữa đi em… May ra giúp các niên trưởng siêu thoát ngay trong cõi trần gian. Chửi nữa đi em…
© Giao Chỉ – San Jose.
© Đàn Chim Việt
- Tháng Mười và những nụ cười hoà bình (Bùi Văn Phú) “…hai tiếng “Thuyền nhân” có thể đã được nhiều người Hoa biết đến hơn là người Việt trong nước. Về nước tôi chỉ nghe người dân gọi mình là “Việt kiều” nhưng không mấy ai biết Việt kiều từ đâu mà ra và sao có nhiều thế”.