Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Lý Do Lật Đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Minh Cảnh

Dụ số 10 hay “tính suy diễn tôn giáo” (DCVOnline)- Nguyễn Văn Lục

Sau loạt bài về bản phúc trình của LHQ và nhất là bài viết về Dụ số 10 của người viết có nhắc đến một người viết sử chuyên nghiệp, ông Trần Gia Phụng. Ông Trần Gia Phụng đã có bài phản biện và DCVOnline.net đã đăng tải trong tinh thần tự do phát biểu, có thể ngoài cả sự dự đoán của người gửi bài.

Tuy nhiên qua ý kiến của nhiều bạn đọc phản hồi trong phần góp ý kiến, một lằn ranh rõ ràng phân làm hai bên: Người đứng về phía chế độ ông Diệm, người biện hộ cuộc khủng hoảng Phật giáo 1963 qua Dụ số 10.

Tự thân một cuộc tranh cãi như thế là không lành mạnh mang cảm tính, suy diễn thiếu bằng cớ và rơi vào tình trạng thiếu lương thiện trí thức.

Dụ số 10 trở thành cái cớ cho những “suy diễn tôn giáo” mà sự tôn trọng sự thật và lương thiện trí thức chỉ còn đóng vai trò thứ yếu. Nếu cứ như thế thì cuộc tranh luận sẽ kéo dài vô tận cho tròn một thế kỷ vị tất đã xong.

Và cái thiệt thòi là cả hai tôn giáo ấy và nhất là giới trẻ trên dưới 40 tuổi hiện nay.

Sau khi suy nghĩ lẽ hơn thiệt người viết nay tiếp tục bằng một bài khác đăng lại nguyên văn Dụ số 10 bằng văn bản chính thức tiếng Việt cũng như bản dịch tiếng Anh. Bản pdf ở cuối bài.

Và để tránh tất cả những suy diễn bất cứ từ phía nào, việc trình bày lại Dụ số 10 chỉ đặt trên văn bản pháp quy của Dụ ấy và cuối cùng tìm hiểu mục đích của Dụ ấy là gì?

• Vấn đề thứ nhất: tính cách pháp lý và chính trị của Dụ số 10

Lùi lại trước đó một năm, trước tình thế nguy ngập về quân sự nay phải đối đầu với cộng sản quốc tế mà kẻ đại diện là Hồ Chí Minh, chính phủ Pháp buộc lòng phải lùi một bước ký Hiệp định Élysées vào ngày 8 tháng 3, năm 1949 giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol và cự hoàng Bảo Đại. Nội dung bản Hiệp định này là thống nhất Việt Nam và trao trả nền độc lập cho Việt Nam để chính quyền quốc gia có cái thế “chính thức” đương đầu với cộng sản. Trong nội dung bản Hiệp định có chương về Chủ quyền nội bộ được ghi nhận như sau:


“Chính phủ Việt Nam sẽ triệt để xử dụng các quyền năng thuộc về chủ quyền nội bộ . Chính phủ ấy sẽ điều đình và ký kết với Thượng sứ Pháp tại Đông Dương, những thỏa hiệp riêng biệt hoặc tạm thời, để ấn định tùy theo tình thế các phương thức chuyển giao cho chính phủ Việt Nam những quyền hành trước kia do nhà chức trách Pháp xử dụng.”

Trích bài viết cùng tác giả: Kỷ niệm 59 năm ngày ký Hiệp Định Élysées ký kết giữa Pháp và Bảo Đại, tạp chí Tân Văn, số 11, trang 28.

Cho nên sau này việc Quốc Trưởng Bảo Đại ký Dụ số 10 hoàn toàn độc lập và có hiệu lực pháp lý, có chủ quyền vì Nam Kỳ không còn là thuộc địa của Pháp nữa.

Dụ số 10 vì thế không có liên quan và chịu bất cứ áp lực nào của phía người Pháp nhằm “ưu đãi” cho Thiên Chúa giáo ở Việt Nam và chèn ép các giáo hội Phật giáo, Cao Đài giáo, ngay cả Hồi giáo, v.v...

Những ai suy diễn rằng Dụ số 10 do bàn tay Pháp nhúng vào thì xin đưa ra bằng cớ, Người Pháp là ai, can thiệp vào điều mấy của Dụ số 10, can thiệp ở đâu, thời gian nào? Người can thiệp có phải là Tổng thống Vincent Auriol, Thủ tướng Henri Queille hay Tổng trưởng Coste Floret, hay là Cao Ủy Pignon hay thấp nữa là vị đại tướng nào của Pháp làm áp lực với chính phủ Trần Văn Hữu hay với chính Bảo Đại?

Không thể nào nói khơi khơi Dụ số 10 do Pháp ép buộc Bảo Đại ký và dành ưu thế đặc quyền cho giáo hội Thiên Chúa giáo được.

Riêng cá nhân ông Bảo Đại, dư luận thường cho rằng ông “nhu nhược” hèn yếu, nhưng khi viết bài về Hiệp Định Élysées ở trên, người viết thấy rằng ông thông minh và cứng rắn, biết cái thế của mình, “làm khó dễ” người Pháp đủ điều trước khi chịu đặt bút ký. Cho nên dễ dầu gì người Pháp can thiệp vào Dụ số 10.
Hơn nữa, bản thân Bảo Đại là người gốc Phật giáo, cái nhãn hiệu Thiên Chúa giáo bất quá chỉ là “đạo theo” cho có lệ và chính thức ông chưa hề bao giờ là người Thiên Chúa giáo. Vì thế, không có lý do chính đáng gì bảo ông kỳ thị Phật giáo và ưu đãi Thiên Chúa giáo và nhất là Hoa Kiều Lý sự.

Ưu đãi Thiên Chúa giáo may ra còn nghe được, nhưng ưu đãi Hoa Kiều Lý sự thì kỳ cục quá! ([Người viết cũng suy diễn phải chăng vì nể tình mấy cô nhân tình gốc người Hoa lúc ông ra Hà Nội làm cố vấn cho Hồ Chí Minh nên ưu đãi Hoa kiều? Hay dám Trung Quốc cài đặt mấy cô vũ nữ để ly gián chia rẽ các tôn giáo VN ngay từ thời đó.)

Và nếu quả thực ông có “trót dại” Ký dụ số 10 đem đến bất lợi cho Phật giáo thì trách nhiệm là ở ông, tại sao lại đổ lên đầu ông Ngô Đình Diệm? Tại sao quýt làm mà cam chịu? Đã không có một tiếng nói chính thức nào phê phán tác giả Dụ số 10. Thật là điều kỳ lạ!

• Vấn đề thứ hai: Điều 1 và điều 44 của Dụ số 10

Dụ số 10 gồm 45 điều thì chỉ có hai điều đã gây tranh cãi nhiều nhất là điều 1 và điều 44. Dụ này đã hẳn do những chuyên viên về luật pháp soạn nên từng câu, từng chữ đều phải chính xác và chuẩn mực để tránh suy diễn và bẻ quẹo của luật sư.

- Về Điều 1


Dụ Số 10
Nguồn: University of Michigan
Tài liệu của đại học Michigan lưu trữ cho thấy tựa đề của Dụ số 10 có nhan đề là “Thể lệ lập hội: [Dụ số 10 và 23 (lỗi typo đúng ra là 24) ngày 6/8/1950 và 16/10.1952]. Trong đó còn ghi chính xác hơn nữa: thành lập nghiệp đoàn.

Đây là thể lệ để thành lập các hội đoàn, trong đó có việc thành lập các nghiệp đoàn.

Nội dung điều luật ghi rõ Thể lệ lập hội như giấy trắng mực đen. Có chỗ nào coi các tôn giáo lớn của VN chỉ là một hội?


Điều 1, Dụ Số 10
Nguồn: Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, 2003
Và theo Dụ số 10 chỉ cần hai người trở lên là có thể thành lập hội.

Những tôn giáo lớn có hằng 10 triệu tín đồ phải chăng qua Dụ này cũng được xếp ngang hàng với một hội có hai hội viên?

Các hội này thuộc nhiều loại như Hội đua ngựa, Hội Thể thao bơi lội, Hội Ái hữu Chu Văn An, Hội Các bà mẹ, Hội Hướng đạo.

Ngoài ra còn bao gồm cả các hội có tính cách tôn giáo-xã hội. Như Hội Bác ái thánh Vinh Sơn, Hội Thiếu nhi thánh thể, Hội Dòng Ba Phan Sinh, Hội sinh viên Phật tử, v.v...

Các hội trên dù mang tính chất tôn giáo, nhưng vẫn có tính cách xã hội, tính đơn vị, tính thành phần trong tổ chức tôn giáo và vì thế không thể coi Hội Sinh viên Phật tử Huế, Hội Dòng ba Phan Sinh là Gíao Hội Phật giáo hay giáo hội Thiên Chúa giáo.

Vì thế, những hội này bị quy định bởi Dụ số 10.

Mặc dầu vậy, theo phát ngôn viên chính phủ trên thực tế, chẳng có hội nào thành lập mà làm đơn xin phép chính phủ cũng như bá cáo về số hội viên gia nhập như luật định.

Và theo ông Ngô Đình Nhu, số chùa hiện có là 4.766 trên toàn quốc, trong đó có 1275 chùa mới được xây cất và 1295 chùa đã được trùng tu. (Trích tài liệu “Report of the United Nations Fact-finding Misssion to South Vietnam,”Bản dịch sang tiếng Việt “Vi phạm nhân quyền tại miền Nam Việt Nam. Bản bá cáo của phái đoàn điều tra LHQ về vụ đàn áp Phật giáo, 1966”, Võ Đình Cường, trang 48.)

Vì thế, tất cả thể lệ thành lập các hội trên không có một liên hệ ý tưởng nào (association des idées) để gián tiếp hay trực tiếp hiểu ngầm là các hội đó là Giáo hội Phật giáo hay Lão giáo?

Thiếu tướng Trần Tử Oai cũng đã phân định rõ ràng như sau:

“Trong thực tế, từ khi ban hành Dụ số 10, chính phủ chỉ áp dụng những điều khoản trong văn kiện ấy đối với những hội tôn giáo mà những hội tôn giáo có một tánh cách xã hội, như những hoạt động của “ Phật giáo xã hội” chẳng hạn. Chính phủ chưa bao giờ dùng Dụ ấy để nhằm mục đích kỳ thị tôn giáo nào hết”.

Trích như trên, trang 41

Và trong toàn bộ nội dung Dụ số 10, không hề có một chữ nào nói về giáo hội Phật giáo, giáo Hội Cao Đài, Hòa Hảo, v.v... Sự gán ghép các đạo giáo vừa kể trên vào Đạo dụ số 10 là một “suy đoán ngoài văn bản”.
Có thể nghĩ rằng các tôn giáo này đã có từ hơn ngàn năm đến 500 năm hay 100 năm có mặt ở VN. Ai có thể có tư cách pháp nhân gì để làm luật cho họ? Nó đã trở thành một sự kiện xã hội và văn hóa tự nhiên mà sự có mặt của nó trong đời sống con người cần thiết như nhu cầu cơm ăn, áo mặc đến nỗi không ai nghĩ cần thành lập một đạo luật riêng cho nó.

Người ta đi nhà thờ, đi lễ chùa là truyền thống đạo giáo, có luật lệ “ác ôn” nào dám hạn chế chuyện đạo giáo như thế. Chỉ cần có một nửa con mắt và một trí khôn bình thường đủ cho thấy trên thực tế, trên khắp các vùng lãnh thổ VN, chưa hề có một viên cảnh sát ngăn chặn cấm cản, dọa nạt hay bắt giam một người vì cái tội đi chùa hay đi nhà thờ.

Chế độ miền Nam có tàn độc mấy đi nữa cũng không thể so bì với chế độ cộng sản hiện nay đối với các tôn giáo.

Rồi từ một Dụ số 10, rất rõ ràng về văn bản tự tại [en soi] đã có thể suy đoán ra là, “có hạn chế sự tự do lập hội và sự bành trướng của Phật giáo, nhưng lại thiết lập nhiều ngoại lệ cho Thiên Chúa giáo, hay tăng cường sự hạ giá và kiềm chế đối với Phật giáo.”

Đi xa hơn nữa khẳng định “Chính sách tôn giáo của chính phủ Diệm dựa trên Dụ số 10”. Rồi “Quy định các tôn giáo và Hội đoàn chỉ được treo cờ ở trong khuôn viên nơi thờ phượng hoặc trụ sở Hội đoàn mà thôi” là những khẳng định vô bằng.

Đọc toàn văn nội dung 45 điều của Dụ số 10. Không có điều lệ nào liên quan đến thể thức treo cờ cả.
Chỉ khẳng định ở thể xác định quyết đoán mà không đưa ra một bằng cớ chính thức nào đi kèm theo với sự quyết đoán đó.

Một người cầm bút có chút trách nhiệm tinh thần, có lương thiện trí thức không viết như thế.

Quy định các thể lệ treo cờ là do chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra. Và điều đó hiển nhiên là đúng. Cờ Quốc gia phải được tôn trọng đứng trên tất cả các hiệu kỳ của các tôn giáo. Nguyên do về việc treo cờ được tướng Trần Tử Oai giải thích như sau cho phái đoàn Điều tra LHQ:

“Trước đây hơn một năm, trong lúc đi kinh lý tại một vùng phụ cận Sài Gòn, Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận thấy, tại một buổi lễ Phật giáo, giữa một rừng cờ Phật giáo, chỉ có độc một quốc kỳ rách rưới và bạc mầu, và ở một mơi khác, đang phất phới một quốc kỳ bằng giấy. Mặt khác Tổng thống cũng nhận thấy rằng trong những buổi lễ công giáo, cờ tòa thánh Vatican cũng đã được đem ra dùng một cách quá đáng. Tổng thống quyết định chỉnh đốn lại lại tình trạng nói trên, nghĩa là muốn quốc kỳ, tượng trưng cho dân tộc và quốc gia Việt Nam, phải được đặt vào chỗ danh dự. Những chỉ thị trong tinh thần ấy đã được Tổng thống ban cho ông Bộ trưởng nội vụ, và ông Bộ trưởng nội vụ đã quy định, từ năm 1962, thể thức treo cờ tại những nơi thờ tự trong những buổi lễ tôn giáo.”

“Như thế, sự quy định của chính phủ về vấn đề treo cờ là chung cho tất cả các tôn giáo không có thiên vị tôn giáo nào”

Trích Vi phạm nhân quyền tại VN, dịch giả Vũ Đình Cường, trang 38.

Luật lệ quy định về thể thức treo cờ hẳn là không sai. Nhưng khi thì hành có thể áp dụng nặng hay nhẹ xảy ra va chạm không tránh được. Nặng nhẹ tùy trách nhiệm người lãnh đạo tôn giáo, tùy người thi hành, tùy phản ứng của quần chúng, tùy trường hợp và nhất là tùy theo sự “xách động quần chúng”.

Và nếu đặt ngược vấn đề là giả dụ cảnh sát đến yêu cầu cha xứ dẹp những lá cờ Thiên chúa giáo treo không đúng quy luật và bị dẹp, câu chuyện đó có thể trở thành câu chuyện đối đầu giữa Thiên Chúa giáo và chính quyền vì dẹp cờ không như một sự kiện đàn áp tôn giáo chăng?

Đã thế, người ta chỉ nói cảnh sát đã đàn áp tôn giáo, đến dẹp các lá cờ mà quên nói thêm đầy đủ rằng: những lá cờ ấy đã không treo đúng theo quy định.

Câu chuyện một lá cờ ai có thể ngờ rằng nó là nguyên cớ cho một biến cố bi kịch liên quan đến cả sự sống còn của một chế độ.

Câu chuyện này làm người viết nhớ lại câu chuyện người đi đường và con chó dại trong sách giáo khoa thư, lớp Đồng ấu thuở nào.

- Về điều 44 ghi như sau, “Chế độ đặc biệt cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô và các Hoa Kiều Lý sự.”


Điều 44, Dụ Số 10
Nguồn: Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, 2003
Điều 44 nếu để tách rời ra khỏi cái đuôi Hoa Kiêu Lý sự thì sự suy diễn có sự kỳ thị đối với các tôn giáo tạm còn hiểu được. Nhưng chính nhóm chữ Hoa Kiều Lý sự cho thấy một cách minh nhiên rằng: Điều 44 dành cho các ngoại kiều không phải là người có quốc tịch Việt Nam. Họ là những người ngoại kiều như các nhà truyền giáo quen được gọi là các thừa sai Ba Lê (MEP) gồm những người có quốc tịch Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hoa kiều nên khi họ lập hội thì phải có quy chế riêng cho họ.

Muốn hiểu rõ điều luật này, thiết tưởng cần trở lại sự liên hệ ràng buộc pháp lý giữa điều 44 và vấn đề tư pháp trong Hiệp Định Élysées năm 1949. Trong Hiệp định này có quy định là việc xét sử các người có quốc tịch Pháp theo quy định sau:

- Các bản án sẽ áp dụng phương thức thi hành như sau: Nhơn danh Liên Hiệp Pháp và Quốc Gia Việt Nam, Việt Nam Hoàng Đế truyền và phán rằng: Sẽ có những thỏa hiệp riêng định rõ một thủ tục giản dị để thi hành các bản án ngoài lãnh thổ Việt Nam.

- Khi nào đương sự là một người Pháp thì luật Pháp sẽ được áp dụng.

- Khi nào trong những kẻ đương sự không có người Pháp thì luật đem thi hành sẽ là luật Việt Nam, nếu xét có thể kết định vụ án bằng luật đó. Gặp trường hợp không kết định được bằng luật Việt Nam, thì luật Pháp sẽ được áp dụng.”

Trích bài Kỷ niệm 59 năm Ngày ký Hiệp Định Élysées ký kết giữa Pháp và Bảo Đại, Nguyễn Văn Lục, tạp chí Tân Văn, số 11, trang 29.

Trong lời giải thích của chính phủ đã làm sáng tỏ điều luật này qua phần trình bày rất rõ ràng của tướng Trần Tử Oai trước phái đoàn Điều tra LHQ như sau:

“Trong Điều 44 của Dụ ấy có nói đến một chế độ đặc biệt sẽ được quy định sau cho những phái đoàn truyền giáo Công giáo và Tin Lành cũng như cho những Lý-sự-hội Trung Hoa (nghĩa là những hội có tính cách tôn giáo hay không của ngoại quốc hay quốc tế).

Có quy chế riêng cho các Hội truyền giáo Thiên Chúa giáo và Hoa Kiều Lý sự hội không có nghĩa là họ được hưởng đặc quyền. Trái lại lại có mục đích giới hạn sự thủ đắc những bất động sản của ngoại kiều và bảo tồn độc lập cho xứ sở.”

Trích như trên, trang 41

Như trình bày trên, điều 44 hoàn toàn không có liên quan gi đến giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam. Các giám mục, linh mục, mục sư, tu sĩ giáo dân không có tư cách pháp nhân như các thừa sai ngoại quốc nên không thể bị chi phối bởi điều 44 như trong Dụ số 10 ghi.

Sự gán ghép “ác ý” các thừa sai ngoại quốc và hàng giáo sĩ Việt Nam làm một để coi là có sự ưu đãi đặc biệt giáo hội Thiên Chúa giáo VN là một “lạm dụng danh từ” và chứng tỏ cố tình bóp méo một điều luật.
Kể từ sau 1954, giáo hội Thiên Chúa VN đã thừa hưởng sự độc lập và nắm giữ vai trò chủ chốt trong việc điều hành giáo hội thay thế các vị thừa sai ngoại quốc.

Điều đó cũng chỉ ra rằng giáo hội Phật giáo, Cao Đài giáo và Thiên Chúa giáo đều không bị chi phối trực tiếp bởi Dụ số 10 và không có sự ưu đãi đặc biệt gì cho giáo hội Thiên Chúa giáo thông qua Dụ số 10.

Mặc dầu vậy, theo thiếu tướng Trần Tử Oai, chính phủ đã hứa giải quyết cả 5 nguyện vọng của Phật giáo, trong đó có Dụ số 10. Ông nói

“Mặc dù thế, để đáp lại nguyện vọng của phái đoàn Phật giáo, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đã chỉ thị cho ông Bộ trưởng Nội vụ tiếp xúc với cơ quan lập pháp để nghiên cứu những sửa đổi Dụ số 10, và Quốc hội đã thành lập một ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ xem xét toàn diện vấn đề liên quan đến các hội truyền giáo.

Qua việc trình bày dựa trên văn bản Dụ số 10 cũng như tài liệu phúc trình của chính phủ, hy vọng các bạn trẻ lứa tuổi từ 40 trở xuống hiểu được rõ ràng hơn tính chất cuộc khủng hoảng Phật giáo nằm 1963 là gì.

Phần người viết nghĩ rằng hy vọng sự thật và sự lương thiện trí thức sẽ giải thoát chúng ta ra khỏi những đám mây mù quá khứ 1963.

Hy vọng là như vậy.

© DCVOnline


Văn bản Dụ Số 10
(1) Dụ Số 10 ‒ Bản pdf (tiếng Việt).
(2) The ordinance no. 10 on rules and regulations governing the establisment of associations ‒ Bản pdf.
  Nguyễn Quang Duy – Quanh chuyện cành đào Hồ Chí Minh gởi vào Nam
Ông Quách Tòng Đức, Đổng lý Văn phòng Tổng thống Ngô Đình Diệm xác nhận một Tết Nguyên Ðán, một cành đào đỏ lộng lẫy được trưng bày nơi phòng khánh tiết Dinh Ðộc lập với tấm thiệp in tặng của “Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội miền Bắc” (Lâm Lệ Trinh, trang 89). Một số người đã gắn liền câu chuyện cành đào và một vài tin đồn khác để lý luận ông Diệm và ông Nhu đã đi đêm, hoà giải, ve vãn, bắt tay, đầu hàng,… hay mắc lừa phe cộng sản. Đến đánh mất tín nhiệm và hậu thuẫn cuả Hoa Kỳ, để dẫn đến đảo chánh 1-11-1963. Nhiều người khác lại cho rằng miền Nam mất đi một cơ hội hòa bình, trung lập, không cộng sản,…

Gần 50 năm qua, không ít người đã tranh luận về đề tài này. Tháng 3-2003, trên diễn đàn Giao Điểm, nhà sử học Vũ Ngự Chiêu chứng minh việc hai ông Diệm và Nhu ve vãn nhằm bắt tay với Việt cộng. Thì chỉ đến tháng 7, cùng trên diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Giao lại chứng minh điều trên không đúng sự thật. Cần phải nói là cả hai lập luận cùng chủ yếu dựa trên hồi ký của Mieczyslaw Maneli, nguyên Trưởng đoàn Kiểm soát Đình chiến Ba Lan.
Sự mâu thuẫn này không phải chỉ xảy ra riêng với các nhà nghiên cứu gốc Việt. Hầu hết các học giả Tây phương cũng chung hoàn cảnh. Một phần vì nhãn quan mỗi người mỗi khác, Maneli chỉ viết lại công việc của mình, không đề cập đến một số việc chung quanh, sinh ra nhiều câu hỏi để tùy người đọc diễn giải.
Bài viết này dựa trên một số tài liệu mới từ Đảng Cộng sản và từ Bộ Ngoại giao Ba Lan và Liên Sô, cũng như từ phía Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề như: Có thật hai ông Diệm – Nhu muốn thương lượng với cộng sản hay không? Chuyện cành đào có thực hay không? Hồ Chí Minh có muốn thương lượng với miền Nam hay không?
Thế giới những năm đầu 1960
Khi đã củng cố được quyền hành, Khrushchev đề xướng một chiến lược mới cho toàn khối cộng sản. Chiến lược này chủ trương chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau. Theo đó, Liên Sô tập trung vào việc xây dựng kinh tế cho khối cộng sản, áp dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật mới nhất vào sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng sản lượng sản xuất. Thông qua tăng trưởng kinh tế, Liên Sô kỳ vọng đủ khả năng để ủng hộ các nước đang phát triển và ủng hộ các phong trào cộng sản trên toàn thế giới, mở rộng ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản.
Phía Trung cộng không chấp nhận chiến lược trên. Họ cho rằng Liên Sô sợ chiến tranh với Mỹ, sợ bom nguyên tử của Mỹ, đầu hàng đế quốc Mỹ. Theo quan niệm của họ, có chiến tranh cách mạng quốc tế càng mau thắng lợi, càng sớm tiến đến thế giới đại đồng.
Phía Hoa Kỳ, tổng thống Kennedy khi ấy vừa đắc cử đã phải đương đầu với tranh chấp ở Tây Bá Linh (Tây Đức), thất bại trong cuộc đổ bộ Vịnh Con Heo (Cu Ba), và tính sai trong việc trung lập hoá Lào. Những thất bại liên tục này đã dẫn đến một chiến lược chống cộng thiếu tích cực “vừa dọa vừa đàm”.
Toà thánh Vatican cũng thay đổi chiến lược chấp nhận chung sống hòa bình với những người cộng sản.
Pháp thì muốn tạo lại ảnh hưởng ở các quốc gia cựu thuộc địa, vận động cho giải pháp trung lập hoá Đông Dương. Tranh chấp giữa Liên Sô và Trung cộng càng ngày càng căng thẳng. Bắc Việt càng ngày càng nghiêng về phía Trung cộng, chủ trương sử dụng vũ trang để chiếm miền Nam. Phe Liên Sô đánh giá một Việt Nam trung lập theo đề nghị của Pháp sẽ có lợi hơn một Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung cộng. (G. K. Magaret tài liệu số 2 trang 38)
Ấn Độ khi ấy lại có chiến tranh biên giới với Trung cộng. Theo Hiệp định đình chiến Genève, Ấn Độ và Ba Lan là hai quốc gia trong Phái đoàn Kiểm soát Đình chiến tại Việt Nam. Ngoại trưởng Ấn M.J. Desai cũng đương kim chủ tịch Phái đoàn.
Theo những tài liệu mới từ phía Ba Lan, vào tháng 1-1963, Ngoại trưởng Ba Lan Adam Rapacki sang thăm Ấn Độ. Ông đã được Thủ tướng Ấn Jawaharal Nehru và Ngoại trưởng Ấn M.J. Desai tiếp đón. Trong cuộc gặp, Rapacki bàn đến một giải pháp trung lập hoá cả hai miền Nam Bắc và tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ Nehru cho biết Hoa Kỳ cũng muốn giải quyết những mâu thuẫn ở Việt Nam bằng giải pháp trung lập.
Từ cuộc gặp trên, Rapacki đã tiếp xúc với Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, ông John Kenneth Galbraith, để tìm giải pháp trung lập Việt Nam. Trong cuộc họp từ ý kiến riêng, ông Galbraith đề nghị trước tiên hai phía cùng tiến hành việc ngừng bắn trong vòng sáu tháng. (G. K. Magaret tài liệu số 1 trang 37). Trong nhật ký công tác ngày 21-1-1963, ông Galbraith xác nhận việc này. Sau đó đã báo về cho Tổng thống Kennedy đề nghị của mình. (G. K. Magaret tài liệu số 2 trang 38)
Như vậy, tám tháng trước ngày hai ông Nhu và Maneli gặp nhau, phía Hoa kỳ và Ba Lan đã thảo luận về một giải pháp cho Việt Nam. Nhưng không biết vì lý do gì, đề nghị cuả Đại sứ Mỹ Galbraith đã không được tiến hành. Cũng như không hiểu giữa Mỹ và Ba Lan sau này còn có các cuộc gặp gỡ khác hay không?
Maneli và các cuộc gặp gỡ hai phía Bắc Nam
Cũng theo những tài liệu mới từ phía Ba Lan, trong trường hợp của Maneli, Ba Lan hoàn toàn không có ý định xen vào nội tình Việt Nam. Thượng cấp Maneli đã chính thức cấm ông ta làm trung gian hay gặp riêng ông Nhu, ngay cả nếu ông bị áp lực từ phía Bắc Việt. Họ chỉ cho phép ông ta thực hiện vai trò giám sát quốc tế. Phía Ba Lan đã thấy được Maneli chỉ là một chuyên viên luật, không kinh nghiệm ngoại giao, thiếu kiến thức và kinh nghiệm chính trị, dễ bị vướng những bẫy ngầm làm ảnh hưởng đến phía Ba Lan. (xem G. K. Magaret)
Tuy vậy, Maneli với bản tính tính cực và phấn đấu, công việc giám sát quốc tế thì lại rất nhàm chán, chủ yếu chỉ viết báo cáo, lại tò mò, mới xảy ra câu chuyện gặp gỡ với ông Nhu. Maneli cho biết các Đại sứ Roger Lalouette (Pháp), d’Orlandi (Ý), Ram Goburdhun (Ấn độ) và Salvatore d’Asta (Tòa thánh Vatican) là những người trực tiếp thúc đẩy việc ông gặp gỡ ông Nhu. Gián tiếp thì có Đại sứ Anh Hohler.
Do những thúc đẩy từ nhiều phía như đã kể, Maneli bay ra Hà Nội để xin ý kiến của phía Liên Sô và được Đại sứ Liên Sô tại Hà Nội đồng ý. Lúc này, Ba Lan đang là một chư hầu của Liên Sô, sự đồng ý của Liên Sô đủ bảo kê cho cuộc gặp gỡ.
Những tài liệu mới phát hiện cũng cho biết Liên Sô không mấy quan tâm đến việc Maneli muốn làm. Có lẽ cả Ba Lan lẫn Liên Sô đều đã rõ khi ấy Bắc Việt đã ngả hẳn về phiá Trung cộng. Liên Sô chấp nhận cuộc gặp chẳng qua chỉ muốn thu thập thêm tin tức của cả hai phía Bắc và Nam Việt.
Vào tháng 5-1963, ngay khi kế hoạch liên lạc với ông Nhu được chuyển cho phía Hà Nội, Maneli đã nhận ngay hồi đáp như sau: “Phạm Văn Đồng xác quyết đề nghị (ngừng bắn và trung lập) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên bố của chính phủ (VNDCCH) vẫn còn hiệu lực: Chính phủ nhân dân (VNDCCH) đã sẵn sàng bắt tay thương lượng vào bất cứ lúc nào, bí mật hay công khai.” (M. Maneli, trang 121). Sau đó, trong lần gặp gỡ, Phạm Văn Đồng còn khéo miệng tuyên bố: “Ông Nhu chắc chắn có khả năng suy nghĩ thực tế, vì ông đã tốt nghiệp cao đẳng (lycée) ở Chartres”. Khi Maneli kể lại chuyện này cho Đại sứ Pháp, ông ta đã phải thốt lên “quá thú vị, quá quan trọng.” (M. Maneli, trang 122).
Ngay sau đó Maneli đã gặp, và được Xuân Thủy cho biết: “… đầu tiên là trao đổi văn hóa và buôn bán (gạo đổi than) trước khi bàn đến chuyện chính trị.” (G. K. Magaret tài liệu số 16 trang 59).
Vài ngày sau, Maneli nhận được một lời nhắn của phái đoàn Ba Lan từ Hà Nội: “Các đồng chí Vịêt Nam rất mong tất cả chi tiết liên hệ đến việc thu xếp cho cuộc gặp với Nhu và chi tiết về cuộc gặp gỡ này.” (M. Maneli, trang 123). Trưởng đoàn Kiểm soát Đình chiến Bắc Việt Hà Văn Lâu còn gởi cho Maneli một điện tín: “Các đồng chí lãnh đạo đòi hỏi thông báo ngay tức thì những bước tiếp và mong rằng mọi việc sẽ tiến hành tốt đẹp, trước khi gặp Nhu, đồng chí cần ghé Hà Nội để thảo luận.” (M. Maneli, trang 123).
Đầu tháng 7-1963, Maneli trở lại Hà Nội. Lần này, Maneli được gặp Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy và Ung Văn Khiêm. Trong hồi ký, Maneli cho biết: “Tôi hỏi Phạm Văn Đồng và Xuân Thuỷ nên làm gì nếu Ngô Đình Nhu mời tới nói chuyện. Họ trả lời ngay lập tức: nhận gặp và lắng nghe. Tôi lại hỏi họ có muốn tôi nói gì (với Nhu). Họ trả lời: ‘Tất cả những gì đồng chí biết về lập trường của chúng tôi trong sự trao đổi và hợp tác kinh tế và văn hoá (giữa hai miền). Một điều chắc chắc là: Mỹ phải rút đi. Trên cơ sở chính trị ấy, chúng tôi có thể thương lượng bất cứ điều gì’ ”. Maneli hỏi thêm về khả năng một chính phủ liên hiệp ở miền Nam hay một hình thức liên bang Bắc Nam, Phạm Văn Đồng trả lời: “Trên cơ sở độc lập và chủ quyền của Việt Nam, mọi điều đều có thể thương lượng. Hiệp định Genève đã đặt ra nền tảng pháp lý và chính trị: không có căn cứ hay quân đội nước ngoài trên lãnh thổ đất nước chúng tôi. Như thế, chúng tôi có thể đi tới thoả thuận với bất luận người Việt Nam nào.” (M. Maneli, trang 127-28).
Khi nhận được dấu hiệu khuyến khích từ Đại sứ Liên Sô và biết được sự phấn khởi từ phía Hà Nội, trở vào Sài Gòn, Maneli báo cho Lalouette và d’Asta biết để thu xếp cuộc gặp với Ngô Đình Nhu. Trong cuộc tiếp tân chiều ngày 25-8 của Quyền Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Trương Công Cừu, các ông Lalouette, d’Orlandi, Goburdhun and d’Asta đã giới thiệu Maneli với ông Nhu. Ông Nhu vui vẻ ngỏ lời mời Maneli thu xếp gặp riêng. Ngay ngày hôm sau, văn phòng của ông Nhu đã liên lạc và hẹn cuộc gặp vào sáng ngày 2-9-1963.
Trong cuộc gặp gỡ tại dinh Độc Lập, Maneli cho biết ông Nhu dành cả hai tiếng đồng hồ nói về chủ nghĩa cần lao nhân vị, chính sách ấp chiến lược, thành quả của Việt Nam Cộng hoà v.v… Riêng về vấn đề hiệp thương giữa hai miền Nam-Bắc, Maneli cho biết ông Nhu chỉ có ý như sau: “…Tôi không chống lại việc đàm phán và hợp tác với miền Bắc, và như ông biết, nhiều nhà ngoại giao phương Tây đã đề nghị với tôi. Ngay trong những trận giao tranh tàn ác nhất, người Việt Nam cũng không quên ai là người Việt, ai là ngoại quốc. Nếu có bắt đầu đối thoại trực tiếp, thì có thể tiến tới xích lại gần. Và Ủy hội quốc tế – cũng như bản thân ông – sẽ đóng vai trò tích cực ở đâyTrong tương lai gần, tôi không dự liệu điều gì dẫn tới nói chuyện trực tiếp, nhưng sớm muộn có thể sẽ hé ra khả năng…” (M. Maneli, trang 146) Như vậy ông Nhu chưa có một ý để đi xa hơn nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo cộng sản Bắc Việt.
Ngay sau cuộc họp, Maneli đã báo cáo về Ba Lan với kết luận như sau “Những tuyên bố thiếu vững chắc của ông Nhu chính là kết qủa của sự bất ổn và kỳ vọng cây cầu với người Mỹ vẫn chưa bị đốt cháy”. (Magaret K. G. tài liệu số 21, trang 67)
Phần vì tò mò, phần vì muốn thâu nhặt tin tức, Maneli đã đặt câu hỏi về mối liên lạc hay đàm phán trực tiếp giữa hai miền Nam-Bắc với ba ông Nhu, Thủy và Đồng. Xuân Thủy vừa giỡn vừa trả lời: “Có phải ông thực sự tưởng tượng rằng chúng tôi thương lượng hay đồng ý với ông Nhu?” (M.K. Gnoinska, trang 147) Ông Nhu và ông Đồng thì cho biết đây chỉ là những lời đồn đại: “Ông Nhu hỏi lại, có phải ông đã chịu thua dư luận? đó chỉ là chuyện đùa” (Maneli, trang 147) và ông Đồng có cùng chung phản ứng đã hỏi lại “Có phải đồng chí đã tin vào những câu chuyện như vậy hay không?” (Maneli, trang 147) Sau 1/11/1963, Phạm Văn Đồng giải thích cho Maneli các nguồn tin từ tướng đảo chánh về các cuộc đàm phán Bắc Nam như sau: “Đó chỉ là giả dối, phe đảo chánh thông báo tin này chỉ để giải thích lý do phản lại Diệm”. (G. K. Magaret tài liệu số 21, trang 67)
Ngay chiều hôm đó, ông Nhu đã tiếp Đại sứ Hoa kỳ Lodge, Đại sứ Ý d’Orlandi và Khâm sứ tòa thánh Vatican d’Asta. Ông Nhu cho biết về cuộc gặp gỡ với Maneli vào ban sáng. Ông Nhu nói Maneli đã yêu cầu ông chú ý đến tuyên bố của De Gaulle và Hồ Chí Minh về giải pháp trung lập Việt Nam và tiến hành tổng tuyển cử, rồi hỏi ông Nhu muốn chuyển lời gì cho Phạm Văn Đồng. Ông Nhu trả lời “Chẳng có gì cả.”
Không một dấu hiệu nào cho thấy ông Nhu muốn tiếp tục quan hệ với Maneli trong vai trò “đi đêm” với Hà Nội. Cuộc gặp gỡ tại Dinh Độc lập cho thấy ông Nhu chỉ muốn chứng minh với Hoa Kỳ rằng nếu bị Hoa Kỳ bỏ rơi, ông ta có khả năng thương lượng trực tiếp với Bắc Việt. Không như ông tính, đây lại chính là bằng chứng duy nhất để phía Hoa Kỳ lập luận ông Nhu muốn thay đổi chiến lược chống cộng của Hoa Kỳ.
Ngược lại, phía Bắc Việt lại rất mong Maneli đứng ra làm trung gian. Trước khi xem xét về phía Bắc Việt thật giả ra sao, người viết sẽ phân tích một vài tin đồn khác có liên quan.
Chuyện đồn Ngô Đình Nhu gặp Phạm Hùng
Ông Cao Văn Vỹ cho biết, trong một chuyến đi săn với ông Nhu và trung tá Bường (tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận) tại khu rừng Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, ông Nhu đã bí mật tiếp xúc với hai người. Ông Vỹ và trung tá Bường cả hai đều không được tham dự buổi họp. Họ chỉ quan sát từ phía ngoài, ông Vỹ chỉ biết ông Nhu ngồi trong lều săn nói chuyện với hai người, nhưng không biết là ai, vì lúc đó là ban đêm. Theo ông, có lẽ trung tá Bường biết vì chịu trách nhiệm an ninh và tổ chức cuộc gặp gỡ. (Vĩnh Phúc, trang 336)
Ông Quách Tòng Đức cho biết: “Chính ông Nhu có nhắc đến chuyện này trong vài phiên nhóm với tướng lãnh tại Bộ Quốc phòng và ngày 23.7.1963 tại suối Lồ Ồ khi nóí chuyện với các cán bộ xây dựng Ấp Chiến lược khóa 13.” (Lâm Lệ Trinh trang 98.) Ông Trần văn Đôn tìm hiểu và biết rõ nhân vật ông Nhu gặp trong rừng Tánh Linh chính là Phạm Hùng. (Trần văn Đôn trang 183)
Thực ra vào năm 1963, Phạm Hùng là uỷ viên Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam, phó thủ tướng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Do đó, ông hoạt động tại miền Bắc. Trong khi ấy, người lãnh đạo Trung ương cục miền Nam là ông Nguyễn Văn Linh. Năm 1964, tướng Cộng sản Nguyễn Chí Thanh lên thay. Tháng 7 năm 1967, tướng Thanh trên đường về Bắc nhận chỉ thị tổng tấn công Mậu Thân bị bom chết dọc đường. Phía cộng sản đưa tin ông Thanh đột ngột qua đời ở Hà Nội do bị đau tim. Tháng 10 năm 1967, Phạm Hùng mới vào Nam thay thế tướng Thanh. Phạm Hùng thuộc phe cánh của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, chủ chiến không chấp nhận thương thuyết với miền Nam. Tin đồn Ngô Đình Nhu gặp Phạm Hùng được cựu đại sứ William Colby ghi trong hồi ký của ông. Colby còn cẩn thận ghi thêm “Giai thoại này có thể là chuyện bịa.” (xem Nguyễn Ngọc Giao)
Chiếu theo bản tóm lược về Mục tiêu của Hoa kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam của Hội đồng An ninh Quốc gia, tháng 9 năm 1963, nhiệm vụ cuả các nhân viên Hoa Kỳ là phải: “… Ngụy tạo những tài liệu liên kết Nhu với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hà Nội) làm cho Nhu mất tín nhiệm với các tướng lãnh…” (Phạm Văn Lưu, trang 246). Ở thời điểm này, ông William Colby đang làm vụ trưởng Vụ Viễn Đông của Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA). Câu chuyện biết đâu lại do chính Colby bịa rồi cho CIA tung ra trước ngày đảo chánh.
Sau hơn 35 năm, cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn không chấp nhận mọi liên lạc với nhà cầm quyền cộng sản. Người miền Nam lúc ấy so ra chỉ chưa đầy 9 năm thoát khỏi Việt Minh. Cá nhân ông Nhu lại xác nhận có liên lạc với cộng sản. Hiểu được như vậy, mới thấy Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ quá sức thâm độc khi đề ra nhiệm vụ nói trên. Đây chính là ngòi nổ cho cuộc đảo chính 1/11/1963 và dẫn đến sự hy sinh của anh em ông Diệm.
Trở lại câu chuyện ở rừng Tánh Linh, không thấy ông Vỹ nhắc đến việc bảo vệ ở phía bên kia, như vậy chỉ có 3 người họp và 2 người bảo vệ vòng ngoài. Một cuộc họp như vậy, chỉ có thể xảy ra khi hai bên cùng một phía và phải hết sức tin tưởng nhau. Như vậy có thể hai người được ông Nhu gặp là gián điệp Quốc gia về trực tiếp báo cáo tình hình với ông Nhu.
Chuyện đồn từ những người đi từ miền Bắc
Ông Trần Hùng Văn một nhà báo đi từ miền Bắc cho biết ông Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Bắc Việt, được lệnh vào Nam để thu xếp cuộc gặp giữa hai ông Ngô đình Nhu và Phạm Hùng. (Vĩnh Phúc, trang 339-340) Nguyễn Tài sau khi vào Nam bị quân đội Quốc gia bắt. Sau năm 1975 ông lại bị Lê Đức Thọ giam lỏng để điều tra.
Ông Tài có viết hồi ký cho biết Lê Đức Thọ từng nói thẳng với ông bị bắt sao không chịu chết đi. Xuyên suốt hồi ký, hình như Nguyễn Tài vẫn thắc mắc không biết tại sao Lê Đức Thọ lại đối xử quá nghiệt với mình (một đồng chí trung kiên) như vậy. Câu trả lời có thể là chính Lê Đức Thọ tung tin Nguyễn Tài làm trung gian giữa hai ông Nhu và Phạm Hùng. Lê Đức Thọ không ngờ ông Tài còn sống để cho chúng ta biết rằng ông đã được điều động vào Nam năm 1964. Khi ấy ông Nhu đã về đất Chúa.
Liên lạc để kêu gọi chiêu hồi
Tháng 4-1963, Việt Nam Cộng hoà ban hành chính sách chiêu hồi. Ông Nhu cũng nhiều lần xác nhận có liên lạc với Việt cộng để thuyết phục họ mang quân về hàng. (Chính Đạo, trang 309)
Ông Nguyễn Văn Chức, một nhân sỹ tại Canberra, đã kể cho người viết và rất nhiều đồng hương câu chuyện Mặt trận Giải phóng miền Nam đã có ý định xin hàng. Ông Chức trước đây ngoài làm cho Đài Gươm Thiêng Ái Quốc, ông còn dịch và thẩm định những tài liệu của cộng sản. Ông Chức cho biết sau biến cố Mậu Thân, trong một trận phục kích, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bắn chết 1 cán bộ, 2 giao liên và thâu được một tài liệu quan trọng. Theo tài liệu này, một số cán bộ cao cấp của Mặt trận Giải phóng miền Nam đã họp bàn với ý định mang toàn thể Mặt trận Giải phóng miền Nam ra hàng. Nhiệm vụ của người cán bộ bị phục kích là mang tài liệu nói trên đến một số cán bộ cao cấp khác cũng có ý định ra hàng. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho dịch tài liệu này ra Anh ngữ. Ông Chức được giao trách nhiệm thẩm định tài liệu. Ông Chức đã kết luận đây là một tài liệu thực, nhưng không biết Hoa kỳ có sử dụng tài liệu này hay không?
Xem chủ trương của Hồ Chí Minh về Mặt trận Giải phóng miền Nam: “Mình phải đưa Mặt trận Dân tộc Giải Phóng ra. Phải chú ý đến bọn leo nheo, theo đóm ăn tàn…” (HCM, BNTS, tập 8, trang 368) Rồi mới thấy ông Nhu đã nhìn ra tổ chức này để đề ra chính sách Hồi chánh. Đến năm 1974, sau 10 năm chính sách Hồi chánh được ban hành, đã có trên 200.000 hồi chánh viên. Nhiều đơn vị cộng sản cấp đại đội, tiểu đoàn đã ra hồi chánh tập thể. Hồi chánh là một chính sách nhân đạo và thành công nhất của chính quyền Quốc gia, nhưng lại ít hay không được giới sử gia để ý tới.
Sau 1968, Bắc Việt đã công khai điều động chiến tranh xâm lược miền Nam. Năm 1975, họ cho quân chính quy trực tiếp vượt vĩ tuyến 17, đánh chiếm miền Nam, rồi vội vàng giải thể Mặt trận Giải phóng miền Nam. Nhiều cán bộ Mặt trận cao cấp đã bị bắt, bị quản thúc hay phải trốn tránh ra hải ngoại. Hà Nội phải mang cả một guồng máy cầm quyền từ miền Bắc vào áp đặt lên miền Nam. Hy vọng tài liệu về Mặt trận Giải phóng miền Nam xin hàng sẽ được tìm thấy trong núi hồ sơ của CIA để chúng ta hiểu rõ hơn về tổ chức này.
Hoa kỳ quyết định đảo chánh ngày 24-8-1963
Song song với việc bổ nhiệm Đại sứ Henry Cabot Lodge, phe chủ chiến Hoa kỳ M – W. Averell Harriman, Roger Hilsman, Ball, Getsinger và V. Forrestal, đã đồng ký một công điện mang số 243 chỉ thị cho ông Lodge thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Đây là loại công điện tối mật cần hành động lập tức (top secret and operation immediate). Đô đốc Harry Felt, Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, cũng đã góp ý kiến vào việc soạn công điện này. Công điện đã được đánh đi khẩn cấp vào tối thứ bảy 24-8-1993. Công điện ghi rõ: “Chính phủ Hoa Kỳ không thể để cho Nhu nắm quyền hành trong tay. Chúng ta sẽ cho Diệm cơ hội để tách rời ra khỏi Nhu và bè đảng của Nhu và thay vào đó bằng những nhân vật có khả năng trong giới quân nhân và chính trị có thể tìm được. Tuy nhiên, sau khi dùng mọi nỗ lực mà Diệm vẫn khước từ và đối kháng, chúng ta sẽ phải đối diện với một khả thể: chính ông Diệm cũng không thể nào được để tồn tại.” (Nguyễn kỳ Phong, hình công điện bìa sau sách)
Như vậy, việc lật đổ Chính phủ Ngô đình Diệm đã được quyết định trước ngày Maneli gặp ông Nhu. Tất cả những tin đồn, tin chính thức, báo cáo chỉ được dựng lên hay thêm bớt nhằm thực hiện chỉ thị trên.
Tranh chấp giữa hai phe lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt
Từ những năm đầu 1950, Trung cộng đã trực tiếp chỉ đạo chiến tranh, chỉ đạo cuộc chỉnh huấn (một hình thức thanh trừng nội bộ) và cuộc cải cách ruộng đất. Mao Trạch Đông không hề che giấu ý đồ dùng Đông Dương làm bàn đạp và Đảng Cộng sản Việt Nam làm công cụ để bành trướng phong trào Cộng sản xuống các nước Đông Nam Á. Do đó, không lạ gì khi thành phần công khai thân Trung cộng như Lê Duẩn (bí thư), Lê Đức Thọ (tổ chức Đảng), Trần Quốc Hoàn (công an), Nguyễn Chí Thanh (quân đội),… nắm đa số lãnh đạo miền Bắc. Phe thân Nga chỉ là thiểu số, họ lại còn bị mang tiếng là thiếu tích cực thống nhất đất nước, không cổ vũ việc “giải phóng” miền Nam.
Về mặt chìm, phe thân Trung cộng luôn luôn thắng thế, như Hội nghị lần thứ 15 cuả Trung ương tháng 1-1959, bí mật ra quyết định điều động bộ đội miền Bắc chuyển vũ khí vào Nam, để tiến hành võ trang thống nhất đất nước. Hay Nghị quyết 49/NQ/TVQH, được Quốc hội Cộng sản ban hành ngày 20-6-1961, cho phép bắt giam công dân 3 năm không cần thủ tục tố tụng. Chiếu theo Nghị quyết này, hàng trăm, cán bộ lãnh đạo thân Liên Sô sau này đã bị bắt giam không cần xét xử và nhiều người đã chết trong tù.
Qua báo Nhân Dân, có thể thấy nhiều xung đột xảy ra công khai giữa hai phe nhóm kể trên. Qua những tài liệu có được, việc nghiên cứu quá trình xung đột giữa hai nhóm này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về giai đọan lịch sử này.
Ngày 7-1-1959, trên báo Tin Tức (Liên Sô), Hồ Chí Minh chính thức xác nhận bản chất đánh thuê của tập đoàn cộng sản Bắc Việt, (tự ví là “bộ đội biên phòng”): “Như vậy là ở Đông Nam Châu Á, chúng tôi đã đứng ở tiền đồn của mặt trận dân chủ và hoà bình toàn thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh.” (HCMTT, tập 8, trang 258)
Tháng 11-1960, Hồ Chí Minh tham dự “Đại hội Mạc Tư Khoa”, đồng ý ký vào Tuyên bố chung, đồng thuận với chiến lược thi đua hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau do Liên Sô đề xướng.
Ngày 2-10-1961, dự phiên họp Bộ Chính trị, Hồ Chí Minh giải thích lý do theo Liên Sô như sau: “… Miền Nam đối với Mỹ rất quan trọng. Trước nó nói “Bắc tiến”, nay nó nói “Nam trị”, nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu Bắc Tiến. Nó sợ mình đánh nó. Địch quân sự mạnh nhưng chính trị yếu. Ta, chính trị mạnh nhưng quân sự yếu. Nếu lấy sức độ sức để tiêu hao thì không lợi. Ta không lấy đấm chọi đấm mà lấy mưu mẹo diệt nó, trừ bọn ác đi bảo vệ cơ sở, phong trào dân sẽ lên…” (HCM, BNTS, tập 8, trang 150) Chủ trương này được các phe nhóm trong Đảng Lao động chấp nhận cho đến khoảng đầu năm 1963.
Ngày 1-1-1962, trên báo Nhân Dân có đăng “Lời chúc tết đồng bào cả nước”, trong đó Hồ Chí Minh nhận xét, “… lực lượng xã hội chủ nghĩa hơn hẳn lực lượng đế quốc, lực lượng hoà bình hơn hẳn lực lượng chiến tranh.” Và công khai đề nghị: “Chúng ta luôn luôn chủ trương rằng: Thống nhất Việt Nam là sự kiện thiêng liêng cuả toàn dân Việt Nam. Đại diện của hai miền có thể gặp nhau, cùng nhau bàn bạc, tìm con đường tốt nhất để hoà bình thống nhất Tổ quốc, trên cơ sở độc lập, dân chủ như Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định.” (HCMTT, tập 9, trang 272)
Ngày 28-3-1962, để trả lời phóng viên báo Tin Nhanh Hàng Ngày ở Luân Đôn (bài này đã được đăng trên báo Nhân Dân), Hồ Chí Minh thống thiết kêu gọi: “Chính phủ nước VNDCCH đã nhiều lần đề nghị với chính quyền miền Nam, hai bên phái đại diện gặp nhau để bàn bạc cách giải quyết theo phương pháp hòa bình, và vưà rồi, trong bản Tuyên bố ngày 18-2-1962, chính phủ nước VNDCCH lại một lần nữa yêu cầu hai chủ tịch và các nước tham gia Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương nghiên cứu gấp những biện pháp có hiệu quả để chấm dứt cuộc vũ trang xâm lược của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, nhằm bảo vệ hòa bình cuả Đông Dương và Đông Nam Á. Việc miền Nam theo chế độ trung lập hay một chế độ nào khác là do nhân dân miền Nam quyết địnhChính phủ nước VNDCCH đã từng đề nghị (Công hàm ngày 22-12-1958) với chính quyền miền Nam bình thường hoá quan hệ giữa hai miền về mặt kinh tế và văn hóa, về việc đi lại và thư tín giữa hai miền, v.v…” (HCMTT, tập 9, trang 319-320)
Ngày 22-7-1962, trả lời phóng viên báo Tin Tức và Sự Thật Thanh Niên (Liên Sô) về đường lối và biện pháp, Hồ tuyên bố: “Chúng tôi luôn luôn chủ trương thống nhất tổ quốc bằng đường lối hòa bình, luôn luôn đòi phải thực hiện đúng đắn Hiệp định Giơ-ne-vờ, đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào chuyện nội bộ Việt Nam”. (HCM, BNTS, tập 8, trang 267)
Ngày 6-11-1962, kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng 10 Liên Sô, Hồ đã gởi điện tới Bí thư Đảng Cộng sản Liên Sô trong đó nhấn mạnh: “Từ ngày thành lập Liên Sô luôn luôn thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình và kiên trì đấu tranh cho chính sách chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau.” (HCM, BNTS, tập 8, trang 317)
Ngày 22-1-1963, chủ tịch Novotny của Tiệp Khắc thăm Hà Nội. Ngày 26-1, Hồ Chí Minh và Novotny đã ký một Tuyên bố Chung phản ánh quan điểm của Liên Sô và ca ngợi chung sống hòa bình là “chính sách đúng đắn nhất.” Ngay sau khi Novotny về nước, xung đột giữa hai phe trong Đảng Lao động căng thẳng hơn.
Ngày 17-2-1963, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, Hồ Chí Minh đã phải yêu cầu “đoàn kết nhất trí trong đảng” trước tình hình hiện nay. Về vấn đề trung lập, Hồ đã phải giải thích như sau: “Mỹ bối rối, mình đề xướng trung lập. Đó là thắng lợi của mình. Nói hai bên đình chiến, mình không đánh, đình chiến gì?” (HCM, BNTS, tập 8, trang 367)
Kết quả, Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị quy trách nhiệm vì đã soạn thảo Tuyên bố Chung và bị thay bằng Xuân Thủy. Nguyễn Văn Trấn cho biết Hồ Chí Minh đã đọc và sửa lại bản nháp của bản Tuyên bố nhưng làm ngơ, tránh trách nhiệm (NVT, trang 328). Đây là lần đầu Hồ Chí Minh bán phe thân Liên Sô để nhập vào hàng ngũ thân Trung cộng.
Nhờ đó mới dẫn đến thắng thế đầu tiên của phe chủ chiến chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội vào tháng 5-1963 của Chủ tịch Trung cộng, Lưu Thiếu Kỳ. Chuyến thăm này đưa Bắc Việt đứng hẳn về phía Trung cộng. Hồ và Lưu Thiếu Kỳ ký một Tuyên bố Chung gọi “chủ nghĩa xét lại” và “cơ hội hữu khuynh” là đe dọa chính cho phong trào Cộng sản Quốc tế. Trong vòng chưa đầy 4 tháng, hai Tuyên bố Chung phản ảnh hai quan điểm trái ngược, Hồ đã chuyển hẳn từ nhóm thân Nga sang nhóm thân Tàu.
Cần nhắc lại vào tháng 7, Maneli gặp Phạm Văn Đồng và Xuân Thủy có cả sự hiện diện của Hồ Chí Minh. Theo Hồi ký của Maneli, Hồ chỉ lắng nghe hai phía và không có ý kiến gì. Trong khi Maneli gặp ông Nhu thì Hồ Chí Minh đang nghỉ mát tại Quảng Đông, Trung Quốc. Hồ họp riêng với Thủ tướng Trung cộng Chu Ân Lai và đã tuyên bố như sau: “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn!” (HCM, BNTS, tập 8, trang 457) Câu tuyên bố trên chỉ nhái lại khẩu hiệu: “Đánh đế quốc, đánh, đánh, đánh, đánh cho đến thắng lợi” do Mao Trạch Đông đề ra, nhằm biểu lộ chủ trương hiếu chiến và lòng trung thành cuả Hồ với Mao.
Cùng lúc ấy, một bài báo của Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, được in trên báo Nhân Dân. Trong bài, nói một số đảng viên bị ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại” và vì thế nghi ngờ chiến lược thống nhất đất nước của đảng. Bài báo là một bước trong sự chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 9 tiến hành vào tháng 11 cùng năm.
Ngày 20-10-1963, Hồ Chí Minh tiếp đoàn Đại biểu Viện Kiểm soát Tối cao Liên Sô do ông R.A.Rutencô làm trưởng đoàn. Hồ tuyên bố: “Để hoà bình giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam hiện nay, chỉ có một cách là: Đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, vấn đề miền Nam Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự gỉai quyết lấy, như hiệp định Giơnevơ đã quy định”. (HCM, BNTS, trang 471) Tuyên bố này được đăng báo Nhân Dân 24-10-1993, như vậy Hồ đã chính thức từ bỏ chủ trương chung sống hoà bình cuả Liên Sô.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phê phán chủ trương chung sống hòa bình và hội nghị kết thúc với nghị quyết đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam.
Bùi Công Trừng kể lại cho Nguyễn Văn Trấn như sau: “Cái thằng Lê Đức Thọ trước giờ họp, nó đi đi, lại lại trong phòng, như thể đội trưởng một tổ pháo đi kiểm tra đốc thúc pháo binh chuẩn bịTao đếm lão Hồ, đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn: ‘Bác hãy để cho anh em nói mà’…” (NVT, trang 328) Phe thân Liên Sô chưa biết họ đã bị Hồ Chí Minh bán sống nên Lê Đức Thọ mới dám lộng quyền như trên.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 9, nhóm Lê Duẩn tăng cường phê phán “chủ nghĩa xét lại hiện đại” (ám chỉ chủ trương thi đua hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, mà Liên Sô, Khrushchev, cổ vũ). Trong loạt bài “Tăng cường mặt trận tư tưởng để củng cố Đảng” của Lê Đức Thọ, được đăng trên báo Nhân Dân, đã thừa nhận một thiểu số trong đảng không đi theo đường lối đã ra. Mặc dù bài báo không nêu tên cụ thể, nhưng theo các quan sát viên, sự ám chỉ nhắm đến những người như Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm… những người đã phát biểu phản đối nhóm của ông Lê Duẩn – Lê Đức Thọ trong Hội nghị 9. Lê Đức Thọ cũng loan báo các đảng viên sẽ phải dự các lớp học tập và chỉnh huấn để thấm nhuần nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9.
Tại hội trường Ba Đình, tháng 1-1964, trước các cán bộ cao và trung cấp học tập nghị quyết 9, Trường Chinh tuyên bố: “Đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng ta và Nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc.” (Nguyễn Minh Cần, trang 129)
Chiến lược kinh tế của Liên Sô cũng hoàn toàn thất bại ở miền Bắc Việt Nam. Qua tuyên truyền trên báo chí, miền Bắc luôn luôn đạt kế hoạch đảng giao. Qua biên bản Hội nghị Bộ Chính trị và qua lời Hồ Chí Minh thực tế khác xa: “Từ ngày hòa bình lập lại năm nào cũng thấy có thuận lợi, có khó khăn và năm nào cũng không đạt kế hoạch. Tình hình mỗi ngày một căng thẳng. Ta phải tính cách nào, nếu cần có thể phải giảm bớt một phần xây dựng để giải quyết vấn đề ăn và mặc cho quần chúng được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá.” (HCMBNTS, tập 8, trang 272). Sau 1975, sự nghèo đói cả tinh thần lẫn vật chất được giải thích là để miền Bắc tập trung giải phóng miền Nam. Chẳng qua chiến tranh chỉ là cái cớ để Đảng Cộng sản che giấu thất bại về xây dựng kinh tế.
Trở lại chuyện cành đào
Ông Cao Xuân Vỹ cũng nhớ là vào tết nguyên đán năm 1963, Hồ Chí Minh đã nhờ Đại sứ Ấn Độ trong Ủy hội Kiểm soát Quốc tế Ðình chiến chuyển tết ông Diệm một cành đào. Tổng thống Ngô đình Diệm chỉ biết khi món quà xuân đã về đến Dinh Độc Lập. Ông Diệm cho lệnh mở ra thấy có cành đào, một tấm thiệp chúc tết đề đại khái “Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà kính tặng, chúc tết Tổng thống Việt Nam Cộng hoà” và một lá thơ ông Hồ gởi cho ông Diệm. (Vĩnh Phúc, trang 336)
Trên báo Con Ong Tỵ Nạn tại Paris, vào năm 1981, có phổ biến “Bức chúc thư của Hồ Chí Minh” trong đó có đoạn: “Đầu năm 1963, hồi đó tôi còn chưa bị bọn quanh tôi bao vây chặt chẽ quá, tôi có nhờ mấy nhân viên Ủy hội Kiểm soát Quốc tế Ðình chiến chuyển vào Nam bộ hai cành đào lớn rất đẹp để tặng cụ Ngô đình Diệm, kèm theo một bức thư, trong thư đó, tôi có chân tình yêu cầu cụ Ngô cùng tôi thảo luận trong tình anh em, để hai bên cùng lo cho dân chúng hai miền, trên căn bản thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, theo đường lối riêng của từng người. Truyện này lộ ra, làm cụ Ngô bị giết trong Nam .” Rất nhiều người tin đây là chúc thư thật với thủ bút cuả Hồ Chí Minh. Bài viết này không đánh giá bức chúc thư là thật hay giả. Nhân vật Hồ Chí Minh đã tự viết sách tự ca ngợi là cha già dân tộc thì còn việc gì không dám làm. Nếu là thật, Hồ Chí Minh nên dành nỗi thương tiếc “cụ Ngô” cho hằng trăm “đồng chí” tin Hồ và thân Liên Sô đã bị Hồ bỏ rơi chết trong tù hay trong đọa đày lao khổ.
Kết
Qua bài có thể thấy câu chuyện hai ông Diệm và Nhu muốn thương lượng với miền Bắc chỉ là một thế cờ (dọa Mỹ) tính sai nước. Người Mỹ đã phản phé nước cờ một cách tàn nhẫn lấy lý do trên.
Ngược lại trong cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức vào cuối tháng 9/2010 vừa qua, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger lần đầu tiên thú nhận “… Hoa Kỳ thất bại ở Việt Nam là do chính người Mỹ làm ra,Nước Mỹ muốn thỏa hiệp, Hà Nội muốn chiến thắng.” Người Mỹ đổ quân vào Việt Nam sau khi ông Diệm đã chết cũng chỉ muốn thảo hiệp trong thế mạnh nào ngờ đã sa lầy tại Việt Nam.
Trong khi đó, Hồ Chí Minh và đảng cộng sản công khai chấp nhận làm “tiền đồn” đánh thuê cho phe cộng sản và xung đột để chọn giữa hai ông chủ Liên Sô và Trung cộng. Cả hai phe đều chủ trương thống nhất Việt Nam. Phe Liên Sô, muốn dùng giải pháp chính trị thương lượng với miền Nam. Nếu bắt tay được với miền Nam là một thắng lợi lớn của phe này. Phe Trung Quốc thì chủ trương đánh để giải phóng miền Nam và thực hiện chiến lược bành trướng phong trào cộng sản xuống các nước Đông Nam Á.
Cuối bài, xin dùng một hình ảnh dễ nhớ làm kết luận. Ở miền Nam, anh em ông Ngô Đình Diệm bị người Mỹ trói tay chỉ biết la làng. Từ miền Bắc, Hồ Chí Minh một tay đưa tặng cành đào, tay khác giấu đằng sau con dao nhọn. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thì đằng đằng sát khí “cầm gươm ôm súng xông tới” vượt sang miền Nam. Ông chủ Liên Sô, Khrushchev, buồn rầu không biết sao giúp đàn em. Ông chủ Trung cộng, Mao Trạch Đông cười toe toét miệng la lớn “hẩu hẩu” khen thưởng đàn em. Hình ảnh trên cũng bộc lộ toàn bộ cuộc chiến Bắc – Nam 1954-75.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
Chánh Đạo, 2004, Cuộc thánh chiến chống cộng, Văn Hoá, Houston, Hoa Kỳ.
Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, 1996, Tập 8, Đặng Xuân Kỳ chủ biên, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
Hồ Chí Minh toàn tập, 1989, Tập 8 và Tập 9, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội.
Gnoinska K. Magaret, 2005, Poland and Vietnam , 1963: New Evidence on Secret Communist Diplomacy and the “Maneli Affair”, Working Paper No 45, Cold War International History Project, Woodrow Wilson International Center for Scholar.
Lâm Lệ Trinh, 2006, Về nguồn sinh lộ cho quê hương, Thủy Hoa Trang, California, Hoa Kỳ.
Mieczyslaw Maneli, War of the Vanquished, translated from the Polish by Maria de Gorgey, Harper & Row, New York, 1971.
Nguyễn Ngọc Giao, “1963: Tìm hiểu cuộc ‘đi đêm’ giữa Sài Gòn và Hà Nội”, Diễn Đàn số 131 tháng 7.2003.
Nguyễn Minh Cần, 2001, Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Quốc tế Cộng sản, Tuổi Xanh xuất bản.
Nguyễn Kỳ Phong, 2006, Vũng lầy Bạch Ốc: Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam 1945-1975, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ.
Nguyễn Văn Trấn, 1995, Viết cho Mẹ Việt Nam, Văn Nghệ, Hoa Kỳ.
Phạm Văn Lưu, 1994, Biến cố chính trị Việt Nam hiện đại: Ngô Đình Diệm và bang giao Việt Mỹ 1945-1963, Centre for Vietnamse Studies.
Vĩnh Phúc, 1998, Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ.
Vũ Ngự Chiêu, “Tướng Dương Văn Minh và Đệ Nhất Cộng hoà”, Diễn Đàn số 127 tháng 3.2003.
Melbourne, Úc Đại Lợi
29/10/2010
© 2010 Nguyễn Quang Duy
© 2010 talawas
Lý Do Lật Đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Minh Cảnh
(TVTC) -Mỗi năm, cứ gần đến ngày 1-11 thì người ta lại thấy có nhiều bài viết nói về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Người khen cũng lắm mà kẻ chê cũng nhiều. Đã 47 năm qua đi kể từ khi cố TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị bọn tướng phản loạn giết chết ngày 1-11-1963, các tài liệu lịch sử liên quan đến chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa dần dần được giải mật và công bố. Vì thế cái nhìn và sự đánh giá về Đệ Nhất Cộng Hòa cũng như về vị cố Tổng Thống có tính công bằng hơn; số người khen mỗi ngày mỗi tăng trong khi số người chê giảm dần theo thời gian.


Nói về một nhân vật lịch sử, tầm cỡ như Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thì cần phải nhiều cuốn sách mới đủ. Người viết bài này không có khả năng làm chuyện đó. Ở đây, người viết chỉ nêu lên một số bằng chứng để bác bỏ những luận điệu mà bọn tướng phản loạn đưa ra để làm đảo chính mà thôi.

Những lý do mà Mỹ và bọn tướng lãnh tay sai cùng các đảng phái đối lập đưa ra để lật đổ chính quyền gồm có:
1) Gia đình trị,
2) Độc tài, độc đoán,
3) Không chấp nhận đảng phái và đàn áp đối lập,
4) Bắt tay với Cộng Sản, và
5) Kỳ thị tôn giáo.

Ta thử xét từng lý do nêu trên, xem có hợp lý không.


Về lý do thứ nhất (gia đình trị).


Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm về chấp chánh, Tổng Thống có 4 anh em, đó là Giám Mục Ngô Đình Thục, Đại Sứ Ngô Đình Luyện, ông Ngô Đình Cẩn và ông Ngô Đình Nhu.

Giám Mục Ngô Đình Thục là một chức sắc tôn giáo do Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm. Ông không thể tham chính được.

Ông Ngô Đình Luyện làm Đại Sứ Việt Nam tại Anh Quốc do Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm trước khi Cụ Ngô về chấp chánh. Thử hỏi, khi TT Kennedy đắc cử tổng thống thì em ruột của ông được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, có ai nói là TT Kennedy gia đình trị đâu.

Ông Ngô Đình Cẩn ở nhà chăm sóc mẹ già, người ta gọi ông là “Cố vấn các đoàn thể Miền Trung”. Chức vị này không do chính phủ bổ nhiệm, không ăn lương chính phủ, không có văn phòng làm việc. Như vậy tại sao lại bảo là Tổng Thống Ngô Đình Diệm “gia đình trị”?

Chỉ có ông Ngô Đình Nhu là người sát cánh với TT Ngô Đình Diệm, giúp Cụ trong việc soạn thảo chính sách. Người ta gọi ông là Cố Vấn nhưng thực sự ông cũng chẳng có văn thư nào bổ nhiệm ông làm cố vấn. Mà, nếu có văn thư chính thức bổ nhiệm ông thì có sao đâu. Một con người uyên bác như ông mà ngay cả những kẻ chống đối nhà Ngô cũng phải công nhận như thế, thì việc ông tham chính cũng là điều hợp lý. Chẳng lẽ chỉ vì sợ bị gán ghép là “gia đình trị” mà TT Ngô Đình Diệm loại bỏ một người em có tài hay sao?

Nếu quả thật có “gia đình trị” thì ai là người đã tạo ra nó?
Có nhiều người thường đến chầu hầu, nịnh bợ Giám Mục Ngô Đình Thục hoặc ông Ngô Đình Cẩn để nhờ vả việc này việc nọ; chẳng hạn ngày sinh nhật của Giám Mục Ngô Đình Thục, mặc dù không được mời nhưng họ vẫn đến với những lý do như học trò cũ của Giám Mục, hoặc là một tín hữu Công Giáo đến mừng chủ chiên… Còn đối với ông Ngô Đình Cẩn thì, các vị Đại Biểu Chính Phủ như Nguyễn Đôn Duyến, Hồ Đắc Khương …, các tướng tá như Trần Văn Đôn, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Văn Chuân… tự mình đến quỵ lụy trước ông Ngô Đình Cẩn khi đáo nhậm đơn vị mặc dù họ không là thuộc cấp của ông Cẩn. Mục đích của những người này là muốn nịnh bợ để dựa lưng núp bóng ông Cẩn. Vậy thì chính những người này đã tạo ra “gia đình trị”, chứ TT Ngô Đình Diệm đâu có lỗi gì.


Về lý do độc tài, độc đoán.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm có phải là người độc tài, độc đoán không? Thưa không. Dưới đây là một vài dẫn chứng:

Đại Sứ Hoa Kỳ, ông Frederick Nolting, đến Việt Nam từ tháng 5 năm 1961. Hai tháng sau khi đến Việt Nam, ông báo cáo về Hoa Thịnh Đốn rằng: “Tổng Thống Ngô Đình Diệm không phải là một nhà độc tài. “Ông nhận xét rằng TT Ngô Đình Diệm là người hy sinh tận tụy cho những lý tưởng cao đẹp của dân tộc ông (NĐD). Vị Đại Sứ này đã khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ nên tận lực ủng hộ ông Diệm. (Trích dẫn “A Death in November, American in Vietnam,” 1963, New York 1987, nguyên tác của Ellen J. Hammer, bản dịch của Vũ Văn Ninh và Trần Ngọc Dung, Bàn Tay Hoa Kỳ, Cái Chết Ông Diệm, trang 9).

Cụ Lê Nguyên Phu, khi giữ chức Giám Đốc Hiến Binh Quốc Gia, vì để giữ lời hứa với thuộc cấp từ hai năm trước, đã ký lệnh thuyên chuyển Đại Úy Hiến Binh Lê Minh Bá từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn. Đại Úy Bá lúc này lại không thích đi khỏi Ban Mê Thuột nữa vì vợ ông có cơ sở làm ăn đang thịnh vượng ở đó; và chính ông cũng đang có mối giao tình tốt đẹp với Đại Biểu Chính Phủ Miền Tây Nguyên, Thân Trọng Thận. Đại Úy Bá xin hủy bỏ lệnh thuyên chuyển nhưng cụ Lê Nguyên Phu không thỏa mãn yêu cầu của đương sự vì lệnh đã ký rồi không làm khác được. Đại Úy Bá cầu cứu ông Thân Trọng Thuận, xin can thiệp nhưng cụ vẫn không thay đổi lệnh.

Sau hai lần thất bại, ông Thân Trọng Thuận vào yết kiến Tổng Thống để xin hủy bỏ lệnh thuyên chuyển vì “lý do công vụ”. Tối hôm đó, vào khoảng 10 giờ đêm, Tổng Thống cho người mời cụ Lê Nguyên Phu vào dinh gấp. Tổng Thống và Cụ ngồi nói chuyện về đủ mọi vấn đề như thường lệ. Đến khi thấy đã gần nửa đêm, Cụ đứng lên xin phép ra về để Tổng Thống đi nghỉ, nhưng Tổng Thống lại bảo Cụ ngồi xuống, và đến lúc này Tổng Thống mới nói điều cần nói: “Ông Đại Biểu Chính Phủ Tây Nguyên có vào xin tôi lưu giữ Đại Úy Hiến Binh ở Ban Mê Thuột vì lý do công vụ. Vậy ông liệu có thể giúp ông Đại Biểu được không?” Cụ LN Phu biết ngay là ông Đại Biểu đã đến xin Tổng Thống nên Cụ trả lời rằng: “Tôi là Giám Đốc Hiến Binh, công vụ ngành hiến binh tôi phải biết rõ hơn ông Đại Biểu. Tổng Thống đã hỏi thì tôi xin thưa rõ. Ông Đại Úy của tôi có hai biệt tài ngoài công vụ: Đánh quần vợt là một tay cao thủ, đánh mã chược cũng là người sành điệu. Ông Đại Úy thường huấn luyện quần vợt và hầu bàn mã chược với ông Đại Biểu khi nhàn rỗi. Nếu ông Đại Biểu muốn lưu giữ ông Đại Úy vì lý do này thì tôi xin vâng, mà lưu giữ với lý do công vụ thì là chuyện thất thiệt.”

Tổng Thống vừa cười vừa nói: “Ông làm Giám Đốc Hiến Binh, quyền điều động nhân viên là trách nhiệm của ông, tôi không can thiệp vào, để ông tự do quyết đinh. Chẳng qua ông Đại Biểu nói với tôi, thì tôi kể lại cho ông nghe đó thôi.” (Lê Nguyên Phu, Trong Bóng Tối Lịch Sử, Canada, 2009, trang 246-249)


Về lý do không dung nạp đảng phái và đàn áp đối lập.


Nếu không dung nạp đảng phái thì cũng là một hình thức độc tài rồi. Có thực Tổng Thống Ngô Đình Diệm không dung nạp đảng phái không?

Tháng 7 năm 1954, khi trở về nước chấp chính, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã thực hiện ước muốn đoàn kết các đảng phái quốc gia chân chính để xây dựng một nước Việt Nam tự lực tự cường bằng cách mời các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo tham chính. Theo Nguyễn Văn Minh, tác giả quyển “Dòng Họ Ngô Đình, Ước Mơ Chưa Đạt”, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2003, thì Việt Nam Quốc Dân Đảng được trao quyền quản trị hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi; còn đảng Đại Việt được trao quyền quản trị tỉnh Quảng Trị. Bởi vậy cho rằng TT Ngô Đình Diệm không dung nạp đảng phái thì thật là vô lý.

Đây chỉ là luận điệu cộng sản tung ra để dân chúng quên đi chuyện cộng sản độc đảng; thêm vào đó, các đảng phái chính trị miền Nam và các nhân vật kém tài đức, có quá khứ chẳng ra gì, lại phụ họa thêm để đả kích chính quyền không mời họ tham chính. Về phía Mỹ, họ cũng lập lại luận điệu này như là một lý do để lật đổ chính quyền vì những nhân vật thân Mỹ, chịu làm tay sai cho Mỹ, được Mỹ đề bạt mà không được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp nhận.

Việt Nam là một nước nhỏ bé nhưng lại có nhiều đảng phái hơn nhiều nước lớn khác. Trong Thế kỷ 20, chỉ kể những đảng lớn thì cũng có hàng chục đảng phái rồi.

Trong thời gian TT Ngô Đình Diệm cầm quyền, chỉ có những đảng hoặc những cá nhân sau đây còn đang hoạt động:

1) Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam, chỉ xuất hiện một lần trong vụ binh biến ngày 11-11-1960. Ông Nguyễn Tường Tam không hề bị giam giữ một ngày nào sau khi thẩm vấn xong vì ông hoàn toàn chối rằng không chỉ thị cho đàn em của mình tham dự vào vụ binh biến. Sau này, đến ngày tòa đăng đường xét xử vụ binh biến, ông Nguyễn Tường Tam được mời ra tòa. Nhưng nếu phải ra tòa để đối chất với đàn em thì ông sẽ ở vào thế kẹt, mất hết uy tín, và có thể bị kết án tù nếu bị các đàn em đưa ra bằng chứng ông là người chủ mưu. Vì thế, ông chỉ còn cách chọn cái chết để giữ thể diện với đời. Trước khi chết, ông đã rất khôn lanh, đánh lạc hướng dư luận bằng cách viết một mẩu giấy, đại ý nói rằng ông tự tử vì không muốn bị xét xử bởi tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm và xin để lịch sử xét ông về sau. Chuyện này chỉ có cụ Lê Nguyên Phu, người gửi thư mời ông Nguyễn Tường Tam đến nói chuyện và thông báo ngày ra hầu tòa, biết mà thôi. Gia đình ông Nguyễn Tường Tam cũng không thể biết được điều bí ẩn này.(Lê Nguyên Phu, Trong Bóng Tối Lịch Sử, Canada, 2009, trang 188-191).

2) Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), Lê Ngọc Chấn là người đại diện cho đảng, tham dự nội các đầu tiên với chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng. Nhưng sau này hồ sơ lưu trữ tại Nha Công An và Cảnh Sát Trung Ương đã cho thấy Lê Ngọc Chấn bị án 5 năm cấm cố vì dính líu đến một vụ tham nhũng khổng lồ khi ông làm Tri Huyện ở Thanh Hóa vào năm 1942-1943. Lại nữa, khi mới làm Bộ Trưởng Quốc Phòng được hai tháng, ông đã liên can vào vụ mua bán bất hợp pháp của sở Quân Nhu Biệt khu Thủ Đô. Vì vậy, các nội các kế tiếp, ông không được tham gia nữa. Như vậy, Lê Ngọc Chấn không được tham chính vì kém tài thất đức chứ đâu phải TT Ngô Đình Diệm không dung nạp đảng phái.

3) Đại Việt Quốc Dân Đảng
(ĐVQDĐ). Đảng này có ba người đã từng tham chính thời Quốc Trưởng Bảo Đại với các chức vụ bộ trưởng. Họ là Phan Huy Quát, Lê Thăng và Nguyễn Tôn Hoàn. Ba người này chẳng lập được thành tích gì trong thời gian tham chính. Vì thế, TT Ngô Đình Diệm đâu còn tin tưởng họ để trao trách nhiệm. Thêm vào đó, trong hàng ngũ Đại Việt Quốc Dân Đảng đã có tay sai của thực dân Pháp nằm vùng, như đã thấy trong vụ phiến loạn Ba Lòng (*). Một đảng phái có những đảng viên nòng cốt theo Pháp thì làm sao mà TT Diệm tin tưởng, mời họ tham gia nội các với mục đích giữ vững chủ quyền Quốc Gia.

Ba lòng thuộc tỉnh Quảng Trị. Theo tác giả Nguyễn Văn Minh, “Dòng Họ Ngô Đình, Ước Mơ Chưa Đạt”, Hoa kỳ, 2003, trang 53, thì Việt Nam Quốc Dân Đảng được trao quyền quản trị hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi; còn đảng Đại Việt chịu trách nhiệm về tỉnh Quảng Trị. Có lẽ đây là một cuộc thử thách tài năng của hai đảng này mà phần lớn nhân tài đã bị cộng sản tiêu diệt hết rồi. Cai trị một hai tỉnh còn không xong thì làm sao mà có thể cai trị cả một quốc gia?

Thực ra thì vẫn còn một nhân vật của Đại Việt QDĐ, ông Trần Trung Dung, được TT Ngô Đình Diệm tin tưởng, giao cho trọng trách điều khiển Bộ Quốc Phòng liên tục nhiều năm. Ông Dung chỉ từ chức sau khi đã kết hôn với cháu gái của Tổng Thống để tránh tiếng “gia đình trị” (Phạm Văn Lưu, Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt Mỹ 1954-1963, trang 215).

Những nhân tài của Đại Việt đã tham chính (thời QT Bảo Đại) mà chẳng làm nên trò trống gì. Còn những đảng viên kế tiếp thì hoặc thiếu tài hoặc khuyết đức hoặc bị phát hiện làm tay sai cho Pháp. TT Ngô Đình Diệm không dùng họ vì những lý do trên, chứ đâu phải là không dung nạp đảng phái.

Cũng cần kể thêm ở đây, ông Phan Khắc Sửu, người miền Nam, thuộc đảng Đại Việt vẫn được TT Ngô Đình Diệm mời tham gia nội các đầu tiên, thành lập do sắc lệnh 43/CP ngày ngày 6-7-1954, với chức vụ Tổng Trưởng Canh Nông. Nhưng đến những nội các kế tiếp thì không có tên của ông. Lý do được cụ Lê Nguyên Phu lập lại lời Tổng Thống khi trả lời câu hỏi của Cụ như sau: “Ông không biết đó thôi, tôi (Tổng Thống, mc) đã làm hết sức tôi. Trước khi cải tổ nội các, tôi đã mời ông ta (Phan Khắc Sửu, mc) ở lại và ông ta đã nhận lời với tôi vào buổi sáng. Nhưng tối đến, người Pháp do Bình Xuyên đại diện đến nhà tìm ông ta, vừa hăm dọa vừa mua chuộc, cho ông ta một số tiền lớn để không tham gia chính phủ. Ông ta không có đảm lược, không có lập trường kiên quyết, nên sáng hôm sau đã tìm tôi và từ chối chức vị Tổng Trưởng Canh Nông.” (Lê Nguyên Phu, Trong Bóng Tối Lịch Sử, Canada, 2009, trang 58).

(*) Người Pháp xúi giục tay sai nằm vùng trong đảng Đại Việt lập chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), phối hợp cùng lúc với Bình Xuyên (Saigon), để chống phá Thủ Tướng Diệm. Một trong hai lý do mà đảng Đại Việt đưa ra để biện minh cho việc lập chiến khu là tạo áp lực ngõ hầu ngăn chặn việc Ngô Đình Diệm thiết lập chế độ độc tài gia đình trị [sic]
Lý do này thật là vô lý vì chiến khu Ba Lòng chỉ xuất hiện từ tháng 2-1955, tức là 7 tháng sau khi Thủ Tướng Diệm chấp chính. Thời gian này TT Ngô Đình Diệm đang bận túi bụi giải quyết nhiều vấn đề khẩn cấp, như lo việc định cư cho cả triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam để tránh nạn cộng sản, di chuyển quân nhân công chức và gia đình của họ vào Nam, giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho những người mới tới… Và, còn rất nhiều chuyện phải lo khác, nên vấn đề dân chủ hay độc tài, gia đình trị hay không, chưa có ai nghĩ tới hoặc đặt ra. Vấn đề này chỉ được đặt ra trong những năm sau khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã trở thành Tổng Thống, tức là sau khi chiến khu Ba Lòng bị quân chính phủ dẹp tan rất lâu. Vậy thì chiến khu Ba Lòng lập ra với mục đích gì nếu không phải là để phá rối, gây khó khăn cho TT Ngô Đình Diệm khi mới chấp chánh?Thử hỏi nếu quí vị là TT Ngô Đình Diệm, sau khi ổn định tình hình, quí vị có mời đảng Đại Việt tham chính nữa không? Lỗi tại ai, đảng Đại Việt hay TT Ngô Đình Diệm?
4) Giáo phái Cao Đài có một thờ gian ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, chống Pháp nhưng sau tháng 10-1945, thì trở lại theo Pháp chống Việt Minh. Từ đó, Cao Đài được Pháp tài trợ, cung cấp vũ khí và quân dụng để thành lập quân đội riêng hoạt động tại Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam Việt theo kế hoạch “chia để trị” của người Pháp.

Mặc dù Cao Đài chịu sự chi phối của Pháp trong khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chủ trương đuổi Pháp, nhưng trong nội các cải tổ ngày 24-9-1954, TT Ngô Đình Diệm đã mời 4 nhân vật của Cao Đài tham gia chính phủ: a) Thiếu Tướng Nguyễn Thành Phương giữ chức Quốc Vụ Khanh, đồng Ủy Viên Quốc Phòng với Trần Văn Soái; b) Phạm Xuân Thái giữ chức Tổng Trưởng Thông Tin- Chiến Tranh Tâm Lý; c) Nguyễn Mạnh Bảo, Tổng Trưởng Xã Hội; và d) Nguyễn Văn Cát, Thứ Trưởng Nội Vụ. Bốn vị này bị áp lực của Pháp và Bình Xuyên, đã từ chức ngày 31-3-1955 trước khi Bình Xuyên nổ súng tại Saigon. Có lẽ họ sợ bị liên lụy nếu Bình Xuyên thành công trong việc lật đổ TT Ngô Đình Diệm.


5) Giáo Phái Hòa Hảo triệt để chống lại Việt Minh, nhất là từ sau ngày Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh ám hại. Đại diện cho Hòa Hảo cũng có bốn vị tham chính trong nội các cải tổ này: a) Trung Tướng Trần Văn Soái giữ chức Quốc Vụ Khanh Ủy Viên Quốc Phòng; b) Lương Trọng Tường, Tổng Trưởng Kinh Tế; c) Nguyễn Công Hầu, Tổng Trưởng Canh Nông; và d) Huỳnh Văn Nhiệm, Bộ Trưởng Nội Vụ.


6) Bình Xuyên
không phải là một giáo phái, mà chỉ là một bọn thảo khấu do Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn cầm đầu. Người Pháp xúi giục và yểm trợ cho Bình Xuyên chống đối Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vào đầu năm 1955. Bảy Viễn thành lập cái gọi là Mặt Trận Quốc Gia Liện Hiệp (còn gọi là Quốc Gia Thống Nhất) trong đó gồm có lực lượng Bình Xuyên, một phần của Cao Đài, và một phần của Hòa Hảo. Mặt Trận này do Bình Xuyên lèo lái; còn Cao Đài và Hòa Hảo chỉ có vai trò thứ yếu.

Mặt Trận QGLH (Bình Xuyên) hoàn toàn bị tan rã vào tháng 5-1955. Bảy Viễn được Pháp đưa qua Paris ẩn trốn; còn Cao Đài và Hòa Hảo gồm toàn những cán bộ võ biền, đâu còn nhân tài để tham chính sau này. Chính họ đã tự loại mình ra khỏi sân khấu chính trị, sao lại chỉ trích TT Ngô Đình Diệm là độc tài độc đoán?


7) Nhóm Tinh Thần – Họ là một nhóm ít ỏi gồm những nhân sĩ trí thức hợp lại với nhau vì cùng chung chí hướng, chứ không phải là một đảng phái, không có cương lĩnh đảng. Nhóm này có một tờ báo định kỳ mang tên Tinh Thần; vì thế được gọi là nhóm Tinh Thần. Nhóm này có ba vị đại diện tham chính: a) Trần Văn Đỗ giữ chức Tổng Trưởng Ngoại Giao; b) Huỳnh Kim Hữu, Tổng Trưởng Y Tế; và c) Nguyễn Tăng Nguyên, Tổng Trưởng Lao Động và Thanh Niên. Ngoài ra, còn có Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên không có tên trong nội các nhưng được chỉ định vào chức vụ tối quan trong khi đó là Phó Tổng Ủy Di Cư và Tị Nạn. Cả bốn vị này cũng bị áp lực của Pháp và Bình Xuyên cho nên cũng từ chức mặc dù từ nhiều năm qua, họ đã ủng hộ TT Ngô Đình Diệm.


8) Nhóm Caravelle
là hậu thân của nhóm Tinh Thần. Nhóm này, sau khi không còn được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trọng dụng nữa, thường tụ tập ăn nhậu ở nhà hàng Caravelle đồng thời dùng nơi này bàn chuyện chính trị. Vì thế mới có tên là nhóm Caravelle.

Một số người thuộc các phe nhóm khác, không được mời tham chính, cũng tới tham dự vào chuyện ăn nhậu này, như các ông Phan Khắc Sửu, Lê Ngọc Chấn, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát. Lẽ ra những vị này nên tự trách mình đã làm mất lòng tin nơi TT Ngô Đình Diệm thì mới đúng. Trái lại, họ đã chỉ trích TT Ngô Đình Diệm là độc tài độc đoán. Xin được kể ra vài vị dưới đây.


Ông Trần Văn Hương
được bổ nhiệm làm Đô Thành Saigon-Chợ Lớn ngày 27-10-1954 và từ chức ngày 7-4-1955 giữa lúc Bình Xuyên đang gây rối loạn khắp Đô Thành.

Ra làm việc giúp dân giúp nước mà khi đất nước hữu sự thì ông Hương tìm đường rút lui để bảo toàn mạng sống của mình và gia đình mình. Ông không dám đâu lưng sát cánh với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chèo chống con thuyền quốc gia trong cơn nguy biến. Thử hỏi, thái độ và hành động ấy có đáng được gọi là chính nhân quân tử của kẻ sĩ không? Chính ông đã phụ rẫy TT Ngô Đình Diệm trong cơn phong ba bão táp, sao lại trách Thủ Tướng không mời ông tham chính nữa? Nếu là TT Ngô Đình Diệm, sau khi dẹp được Bình Xuyên, vãn hồi an ninh trật tự quốc gia, quí vị có mời những kẻ đã bỏ chạy – một hành vi phản chủ - trở lại tham chính không?

Ông Phan Khắc Sửu, ông Trần Văn Hương, Bác Sĩ Phan Huy Quát, Trung Tướng Dương Văn Minh… đều nghĩ rằng mình có tài kinh bang tế thế mà không được TT Ngô Đình Diệm trọng dụng, sinh ra ghen ghét, chê bai ông đủ thứ. Đến khi cờ đến tay các vị này, người thì làm Quốc Trưởng, người thì làm Tổng Thống, người thì làm Thủ Tướng, thì các vị này có ai phất cờ được đâu; người nào cũng thất bại thê thảm. Thế mới biết, nói thì dễ mà làm thì khó gấp bội. TT Ngô Đình Diệm đã rõ chân tướng của những vị này và không dùng họ là điều dễ hiểu.

Tóm lại, cái lý do “không dung nạp đảng phái và đối lập” chỉ là một cái cớ giả tạo để kết hợp với những cái cớ khác, do người Mỹ làm đạo diễn, nhằm mục đích lật đổ chế độ Đệ I Cộng Hòa.


Về lý do bắt tay với cộng sản.


Theo tác giả Lê Nguyên Phu, Trong Bóng Tối Lịch Sử, Canada, 2009, thì không có sự bắt tay với cộng sản như lời đồn đoán. Tác giả dựa vào câu trả lời của ông Ngô Đình Nhu khi có một cộng sự viên thân tín hỏi ông về tin đồn này, rằng ông (NĐ Nhu) không thể bắt tay với cộng sản được, rằng ông đang đánh “poker” và đang tố bọn Mỹ, và rằng ông chỉ muốn cho bọn Mỹ biết là đừng có làm khó dễ chính quyền Việt Nam; không đi với Mỹ thì ông vẫn có phương thế khác
(sđd, trang 282).

Cho dù đây chính là lời của ông Ngô Đình Nhu, thì đã chắc gì đó đã là sự thật chứ. Chuyện quốc gia đại sự, cần phải giữ bí mật tuyệt đối chứ, nói ra để mà chết à? Vậy sự thật ở đâu?

Theo tác giả Minh Võ, Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc, Hoa Kỳ, 2009, thì quả là có chuyện móc nối, dàn xếp với cộng sản Bắc Việt. Cụ Minh Võ đã dựa vào những chứng cớ khả tín mới được đưa ra bởi Tiến Sĩ Ellen Hammer, tác giả cuốn A Death In November - America In Vietnam, 1963, xuất bản năm 1987. Sau đây là những lý do biện minh cho việc dàn xếp đôi bên Nam-Bắc:

1) Hai miền Nam-Bắc đánh nhau; miền Nam được khối Tự Do viện trợ; miền Bắc được các nước cộng sản viện trợ. Bên này tăng viện thì bên kia cũng tăng viện; mức độ chiến tranh sẽ lớn dần, trở thành khốc liệt thì chỉ có nước Việt Nam và dân Việt Nam phải chịu thiệt hại, chứ các nước viện trợ có thiệt thòi gì đâu.
2) Hai anh em TT Ngô Đình Diệm không muốn lệ thuộc quá nhiều vào viện trợ Mỹ, và nhất là không muốn cho Mỹ đưa quân tác chiến vào miền Nam. Vì làm như thế là miền Nam sẽ mất chính nghĩa; tạo cho Bắc Việt có chính nghĩa khi đem quân vào “đánh cho Mỹ cút”. Khi chưa có Quốc Sách Ấp Chiến Lược ra đời; mới chỉ có chính sách Chiêu Hồi, Tố Cộng và Diệt Cộng mà từ 1955-1958, đã gây cho cộng sản thiệt hại nặng nề. Nhà báo Neil Sheehan, sau một chuyến viếng thăm Việt Nam năm 1989, đã viết cuốn After The War Was Over, dầy 130 trang, nói tốt đủ điều cho chế độ Hà Nội. Ở trang 77 ông đã thuật lại lời của nguyên Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, đã thú nhận rằng thời Đệ I Cộng Hòa, số cán binh CS để lại ở miền Nam là 10.000 người thì đã bị mất đi 75%. Nguyễn Văn Linh đã dấu bớt đi một phần thiệt hại. Vì theo đại tướng Việt Cộng Văn Tiến Dũng, trong cuốn Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, (phần cước chú, trang 16) thì chỉ trong vòng 3 năm từ 1955-1958, con số thiệt hại lên đến 90%, từ 60.000 cán binh CS, xuống còn 5.000 mà thôi. Do đó, TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu tin rằng, với Quốc Sách Ấp Chiến Lược, miền Nam nắm chắc phần thắng mà không cần Mỹ đem quân tác chiến vào Việt Nam.
3) Trước đây, năm 1956, ông Hồ kêu gọi hiệp thương hai miền và tổng tuyển cử nhưng bị TT Ngô Đình Diệm từ chối vì khi đó miền Nam chưa sẵn sàng vì còn đang ở thế yếu, nếu hiệp thương lúc này thì miền Nam bị lép vế. Nhưng ở những năm 1962-1963, miền Bắc ở vào thế yếu, các cơ sở nằm vùng hầu như là tê liệt hoàn toàn, người dân miền Bắc thì chán ngán chế độ cộng sản rồi. Nếu hiệp thương hoặc tổng tuyển cử lúc này, miền Nam ở thế thượng phong và chắc chắn sẽ thắng.

Có người cho rằng Hồ Chí Minh là con người xảo quyệt; khi ở thế yếu, ông sẽ dùng chiêu bài hòa hợp đoàn kết dân tộc để cứu vãn đảng cộng sản nhưng sau đó ông ta sẽ tìm mọi cách để tiêu diệt đối thủ của ông. Liệu TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu có sa vào bẫy của Hồ Chí Minh không?

Lịch sử cho thấy rằng năm 1946, Hồ Chí Minh đã thành công trong việc lừa gạt các đảng phái Quốc Gia, kêu gọi họ tham gia vào một chính phủ liên hiệp do ông lèo lái, để rồi sau đó ông đã tìm cách tiêu diệt hoặc loại trừ họ không thương tiếc. Lúc đó chỉ có một mình ông Ngô Đình Diệm là người không bị mắc mưu của Hồ Chí Minh. Ông Ngô Đình Diệm mặc dù đang bị Hồ Chí Minh giam giữ, mạng sống nằm trong tay ông Hồ, mà đã dám từ chối lời mời tham chính với chức vụ Bộ Trưởng Nội Vụ vì ông Diệm thừa biết mưu mô của Hồ Chí Minh. Bây giờ, với tư cách là Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa với cả triệu quân trong tay và một nền kinh tế vững vàng, thì làm gì có chuyện TT Ngô Đình Diệm bị mắc mưu Hồ Chí Minh chứ.

Khi tình báo Mỹ biết rằng TT Ngô Đình Diệm và ông Nhu đang bí mật điều đình với miền Bắc thì tỏ ra rất bực bội vì đã bị “đàn em” qua mặt. Do đó người Mỹ đã tung cái tin này ra và đồng thời dùng tiền bạc mua chuộc một số tướng lãnh ham danh và kém hiểu biết để thúc đẩy họ làm một cuộc đảo chánh càng sớm càng tốt dưới sự điều động của Đại Sứ Hoa Kỳ, Cabot Lodge.

Có một điều trớ trêu là chính Mỹ lại có ý đồ tiếp xúc với Bắc Việt ngay từ năm 1962, trước cả hai anh em TT Ngô Đình Diệm. Trong quyển Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt Mỹ 1954-1963, Tiến Sĩ Sử Học Phạm Văn Lưu cho biết vào tháng 7 năm 1962, TT Kennedy đã chỉ thị cho Harriman, trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội Nghị Genève về Ai Lao phải bí mật gặp ngoại trưởng Bắc Việt, Ung Văn Khiêm, để thảo luận về vấn đề Việt Nam, kể cả việc mở một hội nghị khác bàn về trung lập hóa Việt Nam để có lý do rút chân ra khỏi vùng đất này; nhưng Harriman đã hoàn toàn bị thất bại. Điều này cho thấy, Mỹ muốn đóng vai chính trong vấn đề thương thảo với Bắc Việt.

Thêm một điều trớ trêu nữa là Hồ Chí Minh đã tỏ thiện chí muốn điều đình bằng cách gửi tặng TT Ngô Đình Diệm một cành đào nhân dịp Tết Quí Mão (1963), qua trung gian Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. Năm 2006, cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc, khi đó còn là tùy viên của TT Ngô Đình Diệm, đã cho cụ Minh Võ biết rằng chính ông là người được cử đi nhận cành đào này. Còn đối với Mỹ thì sao? Vì muốn rút chân ra khỏi Việt Nam mà phải chật vật, bị Bắc Việt làm khó dễ đủ điều, mới ký được Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973.

Nếu như anh em TT Ngô Đình Diệm thành công trong việc hiệp thương với Bắc Việt thì đây đúng là một cơ hội tốt cho Mỹ, Việt Nam đã mở cửa sẵn cho Mỹ rút quân trong danh dự; nhưng Mỹ đã giết người mở cửa để rồi 12 năm sau phải chật vật tự phá cửa mà chạy tháo thân một cách nhục nhã, kèm theo là “Hội chứng Việt Nam”.

Tóm lại, cái lý do “bắt tay với cộng sản” mà Mỹ tung ra đã làm cho một số tướng lãnh thiếu hiểu biết và những chính khách “salon” qui kết cho TT Ngô Đình Diệm là phản bội dân tộc, để rồi cùng đứng lên lật đổ một chế độ hợp hiến, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của miền Nam ngày 30-4-1975.


Về lý do kỳ thị Phật Giáo.

Phải nói ngay rằng không có vấn đề kỳ thị Phật Giáo thời Đệ I Cộng Hòa, mà chỉ có vấn đề Phật Giáo bị Mỹ và cộng sản lợi dụng mà thôi.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm ý thức rằng tôn giáo không thể nào đi đôi với cộng sản. Nơi nào tôn giáo phát triển mạnh thì nơi đó cộng sản khó có đất sống. Phật Giáo chưa bao giờ được đối đãi tốt như thời Đệ I Cộng Hòa. Học bổng được cấp dễ dãi cho các tăng sĩ du học, chẳng hạn như Thích Quảng Liên, Thích Nhất Hạnh và nhiều tăng sĩ khác. Ông Mai Thọ Truyền nhận được hai triệu bạc của phủ Tổng Thống để xây cất các cơ sở Phật Giáo và chùa Xá Lợi. Khu đất rộng rãi mà chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc hiện nay là do Tổng Thống Ngô Đình Diệm hạ lệnh cho Bộ Tài Chánh bán cho Phật giáo với giá tượng trưng một đồng bạc Việt Nam (hình như thời đó 1USD bằng 35 đồng bạc VN?). Sự việc này đã được tác giả Nguyễn Văn Minh đưa ra bằng chứng và nhân chứng trong tác phẩm của ông, “Dòng Họ Ngô Đình: Giấc Mơ Chưa Đạt”. Ngoài ra, cũng nên nói thêm rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã tặng toàn bộ món tiền thưởng 15.000 Mỹ Kim của giải Leadership Magsaysay cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Theo Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua, 1945-1964, Việc Từng Ngày, trang 350, thì từ 1954 đến đầu năm 1963, toàn quốc có 4.766 ngôi chùa mà trong đó có 1275 chùa mới xây cất và 1295 chùa được trùng tu. Con số này so với nhà thờ Thiên Chúa Giáo thì nó lớn hơn rất nhiều. Lễ Phật Đản năm 1960 được tổ chức rất trọng thể, có xe hoa rước đuốc. Lễ Phật Thích Ca thành đạo, được tổ chức khắp nước năm 1961. Lễ Phật Đản được tổ chức trọng thể tại chùa Xá Lợi năm 1962. Trong các buổi lễ này phật tử được tự do tham dự, cờ xí treo khắp nơi. Đối với Phật Giáo thì như vậy; còn đối với những phật tử thì sao?

Tổng Thống Ngô Đình Diệm không phân biệt đối xử khi chọn người cộng tác với mình. Sau đây xin liệt kê một số trường hợp dùng phật tử cộng tác của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

- Ông Quách Tòng Đức, Đổng Lý Văn Phòng;
- Ông Đoàn Thêm, Phó Đổng Lý Văn Phòng;
- Ông Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng;
- Trung Tá Cao Văn Viên, Chánh Võ Phòng;
- Ông Nguyễn Thành Cung, Tổng Thư Ký; và
- Ông Trần Sử, Bí Thư.
Nghĩa là toàn bộ bộ tham mưu của Tổng Thống đều là phật tử. Ngoài ra, ta còn thấy:

- Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Phó Tổng Thống ;
- Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng ;
- Thiếu Tướng Tôn Thất Đính, Tổng Trấn Saigon-Gia Định ;
- Ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống, kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng ; và
- Ông Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao.
Bên ngành lập pháp, ta thấy có 75 trong số 123 Dân Biểu Quốc Hội là phật tử.
Trong số 18 Tổng Bộ Trưởng, chỉ có 5 người là Công Giáo.
Bên quân đội, trong số 19 tướng lãnh có quyền hành nhất, thì đã có 16 tướng là phật tử v.v...

Như vậy có phải là Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã kỳ thị Phật Giáo không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG. Thế còn đàn áp Phật Giáo thì sao ?

Đàn áp Phật Giáo chỉ là điều giả tưởng do cộng sản ngụy tạo với sự đồng lõa của Mỹ để lật đổ Đệ I Cộng Hòa.

Người khởi xướng phong trào chống kỳ thị và đàn áp Phật Giáo là TT Thích Trí Quang.

TT Thích Trí Quang, tục danh là Phạm Văn Bồng, thực chất là một đảng viên cộng sản đội lốt nhà tu để hoạt động chống phá chính quyền miền Nam. Ông lợi dụng Phật Giáo để mưu cầu danh vọng cho riêng mình và để thi hành sách lược chống phá miền Nam của Bắc Việt. Thượng Tọa Thích Trí Quang gặp thời cơ là đúng lúc người Mỹ muốn loại bỏ hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tình báo CIA thừa biết TT Trí Quang là cộng sản nhưng vẫn hậu thuẫn cho ông chống phá chính quyền miền Nam để Mỹ đạt được mục đích.

Cơ hội quí giá đã đến với TT Trí Quang. Đó là việc phổ biến chỉ thị của Tổng Thống về việc treo quốc kỳ và cờ của tất cả (xin lập lại là “tất cả”) các tôn giáo. Chỉ thị này dưới dạng một công điện mang số 9159, ngày 6-5-1963 (*). Đáng lẽ công điện này phải được thảo ra và gửi đi vài tháng trước ngày Phật Đản nhưng không hiểu vì lý do gì mà người phụ trách (ông Quách Tòng Đức) lại để đến gần ngày Phật Đản mới soạn thảo và gửi đi. Vì thế đã gây hiểu lầm rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày Phật Đản.

(*)Trong cuộc mạn đàm giữa LS Lâm Lễ Trinh và ông Quách Tòng Đức (năm 2005), ông Quách Tòng Đức cho biết rằng ông hoàn toàn không biết gì về cái công điện số 9159 này. Vậy thì ai là người soạn thảo công điện? Cơ quan tình báo CIA? Việt Cộng? Ai mà biết được!


Việc treo cờ các tôn giáo (nhắm vào Công Giáo nhiều hơn) đã được qui định bởi Nghị Định số 78 (năm 1957) và Nghị Định số 189 (năm 1958) của Bộ Nội Vụ; lại thêm một sắc lệnh đầu năm 1962 của Phủ Tổng Thống nhắc nhở quần chúng tôn trọng Quốc Kỳ.

Thượng Tọa Trí Quang lợi dụng việc phổ biến công điện số 9159 này để phát động phong trào chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông hô hào phật tử đi biểu tình phản đối. Và, một bi kịch xảy ra tại đài phát thanh Huế vào chiều ngày 8-5-1963, một tiếng nổ lớn làm cho 9 người chết, trong đó có một phụ nữ và 8 trẻ em. TT Trí Quang khẳng định rằng những người chết là do xe tăng cán hoặc do lựu đạn của binh sĩ dưới quyền Thiếu Tá Đặng Sĩ.

Theo Tiến Sĩ Cao Thế Dung, trong cuốn “Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống” (viết chung với Lương Khải Minh, tức Bác Sĩ Trần Kim Tuyến), thì cho rằng do một chất nổ cực mạnh mà lúc đó chỉ có CIA sở hữu. TS Dung còn nêu rõ tên người cung cấp thứ chất nổ đó là Đại Úy Scott.

Theo Ellen Hammer, A Death In November, EP. Duton, 1987, trang 115, thì một giới chức CIA, George A. Carver, từng hoạt động ở Việt Nam và có liên hệ với nhóm đảo chính nên đã bị trục xuất về Mỹ, đã viết rằng: “Tia lửa châm ngòi thuốc nổ ở Huế ngày 8-5-1963 đã được phát động dưới những hoàn cảnh mà chi tiết của chúng sẽ mãi mãi là những vấn đề tranh cãi.”

Tổng Thống Richard M. Nixon, trong tác phẩm No More Vietnams, 1985, trang 10 và trang 65,đã viết: “Vấn đề đàn áp tôn giáo là hoàn toàn bịa đăt… Trong đầu của những kẻ đứng đằng sau khủng hoảng là chính trị chứ không phải tôn giáo.”

Cựu hoàng Bảo Đại cũng viết trong cuốn Dragon d’Annam (Con Rồng Việt Nam, bản dịch Việt Ngữ, Nguyễn Phước Tộc, Cali, 1990, trang 543 và 545) như sau: “Tất cả đang tiến tới thì chính phủ (Ngô Đình Diệm, mc) gặp phải sự chống đối của các nhà sư. Các nhà sư được CS giật dây và mật vụ Mỹ tiếp tay, liền bắt đầu hành động. Chính quyền phải đối phó lại. Vô hình chung như mang mặc cảm kỳ thị tôn giáo… Ai đã xúi giục họ gây loạn, ai? Họ ở đâu tới? Làm sao biết được họ từ Hà Nội vào, hay từ Bắc Kinh tới?”

Sau vụ nổ ở đài phát thanh Huế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thỏa mãn lời yêu cầu của phe đấu tranh, cho thành lập một Ủy Ban Liên Bộ đại diện cho chính quyền để cùng với Ủy Ban Liên Phái của Phật Giáo giải quyết toàn bộ các vấn đề do phe Phật Giáo đấu tranh nêu ra. Hai bên đã đi đến một thỏa hiệp và đưa ra một thông cáo chung mà Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đã tỏ ra rất hoan hỷ về kết quả này. Theo Ellen J. Hammer trong quyển “A Death in November- American in Vietnam, 1963,” thì chính HT Thích Tịnh Khiết đã viết thư cám ơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đồng thời kêu gọi phật tử trở về với sinh hoạt bình thường và cầu nguyện cho việc thi hành nghiêm chỉnh bản thông cáo chung. Hòa Thượng tuyên bố chấm dứt phong trào đấu tranh từ đây.(bản dịch của Vũ Văn Ninh và Trần Ngọc Dung, trang 145).

Nhưng mục đích của TT Trí Quang không phải là tranh đấu cho Phật Giáo. Ông chỉ mượn danh nghĩa Phật Giáo để tranh đấu cho cộng sản và cho quyền lợi của Mỹ. Vì thế ông đã không chấp hành tờ tuyên cáo, tiếp tục phá hoại và gây rối trong nước. Tình hình do đó mỗi ngày thêm hỗn loạn, dẫn đến cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 của bọn tướng tay sai cho Mỹ.

Nếu như thực sự mục đích của TT Trí Quang là tranh đấu để bảo vệ Phật Giáo thì sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu bị giết, và chế độ Đệ I Cộng Hòa đã sụp đổ, thì TT Trí Quang phải ngưng các hành động chống phá chính quyền để lo cho Phật Giáo ổn định và phát triển chứ. Đàng này, ông vẫn tiếp tục tranh đấu với những lý do khác, cốt để cho miền Nam tiếp tục rối loạn thêm, tạo lợi thế cho cộng sản lấn chiếm miền Nam, dẫn đến biến động miền Trung (mượn chữ của TT Liên Thành) năm 1966. TT Trí Quang không biết rằng người Mỹ chỉ sử dụng ông trong việc lật đổ TT Ngô Đình Diệm mà thôi. Bây giờ ông không phải là con bài có giá trị trong con mắt của người Mỹ nữa. Vì thế họ không che chở cho ông khi quân của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ ra dẹp loạn, ông bị tóm cổ dễ như người ta bắt con ngóe bỏ vào rọ. Sau 30-4-1975, Phật Giáo bị làm khó dễ trăm điều, và nhiều tăng sĩ đã bị bắt giam hoặc bị quản chế tại gia; TT Trí Quang ở đâu mà sao không dám lên tiếng chống đối chính quyền cộng sản để bảo vệ Phật pháp?


Kết luận

Trong 5 lý do đưa ra, thì có bốn cái đã được chứng minh là bịa đặt và vu khống. Chỉ còn một lý do nói rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đang có những dàn xếp bí mật để đi đến hiệp thương với miền Bắc.

Như đã trình bày ở trên rằng khi mới nghe qua, người ta hơi ngỡ ngàng nếu thực sự nó là như vậy. Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược của TT Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu thì đó là một đường lối đứng đắn, có lợi cho Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Chỉ tiếc một điều là người Mỹ không muốn cho anh em TT Ngô Đình Diệm hành động sau lưng họ, và đi trước họ. Người Mỹ phải đóng vai chính trong việc điều đình với Bắc Việt, hai chữ “America First” rất đúng trong trường hợp này.

Arlington, TX, ngày 21 tháng 10 năm 2010
Minh Cảnh


Tham khảo:
Mai Thạch Lê Nguyên Phu, Trong Bóng Tối Lịch Sử, Canada, 2009.
Minh Võ, Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc, Hoa Kỳ, 2009.
Bài viết này nguyên thủy được đăng tại diễn đàn: Lý do lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Tổng số lượt xem trang