Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

talawas – Lời tạm biệt

- -talawas – Thông báo cuối cùng
Thưa quý vị và các bạn,
Hôm nay, 03/11/2010, lúc 24 giờ Việt Nam, talawas ngừng hoạt động.
Toàn bộ dữ liệu trên tất cả các trang talawas từ ngày 03/11/2001 đến nay vẫn tiếp tục được lưu trữ trên mạng để phục vụ quý vị và các bạn.

Từ ngày 15/3/2009, ngày talawas chuyển sang hình thức mới với talawas blog, chúng tôi đã nhận được 4911 Euro1100 Dollar do quý vị và các bạn hỗ trợ. Trong số đó, chúng tôi đã chi 3663 Euro cho các phí tổn kĩ thuật. Số tiền còn lại, gồm 1248 Euro1100 Dollar sẽ được dùng cho các chi phí kĩ thuật để bảo tồn các trang talawas trong những năm tiếp theo. Cảm ơn sự nhiệt tình của quý vị và các bạn. Chúng tôi sẽ liên lạc với quý vị và các bạn trong những ngày tới để hoàn thiện danh sách hỗ trợ và báo cáo tài chính.
Địa chỉ tòa soạn talawas (red@talawas.orgtoasoantalawas@yahoo.de) sẽ tiếp tục được duy trì. Chúng tôi rất vui lòng làm trung gian liên lạc giúp quý vị và các bạn.
Chúc quý vị và các bạn mọi điều tốt lành!
Xin tạm biệt.
talawas


Hoàng Hưng – talawas và tôi: “Duyên” và “nghiệp”
Phải nói ngay rằng cái gì cũng là kết quả của “nghiệp”, tức những gì chất chứa, tích tụ sẵn qua thời gian, nhưng phải gặp “duyên” mới phát lộ.
Trong hai năm 2008, 2009 tôi có “duyên làm việc” với an ninh mấy lần. Lần nào cũng có riêng một buổi về talawas. Không hiểu sao họ cứ phong cho tôi là “đại diện talawas ở Việt Nam”. Tôi đâu có vinh dự ấy. Có lẽ vì một dạo tôi cứ công khai danh nghĩa thành viên Ban Biên tập khi làm việc với các cây bút trong nước, lại còn hai lần vác vòng hoa talawas đi viếng những nhân vật gai góc như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang. Chỉ vì tôi có nguyên tắc làm gì cũng phải danh chính ngôn thuận, đàng hoàng, chẳng thích úp mở hở kín. Thực ra hai lần mang vòng hoa tôi không còn ở trong Ban Biên tập, nhưng tôi chủ động nói với Phạm Thị Hoài là sẵn sàng thay mặt cô làm việc này nếu cô muốn. Tất nhiên Hoài muốn.

Hoàng Hưng với vòng hoa talawas viếng Nguyễn Hữu Đang
Phải nói ngay cái duyên với talawas trước hết là từ cái duyên với người chủ xị của nó. Các trang mạng thuộc về thế giới ảo, nhưng tôi có thói quen của xã hội tiền-hiện đại là chỉ làm việc với những con người bằng xương bằng thịt, những người mình đã quen biết, ít nhất đã gặp một lần để cảm tính mách bảo đó là người “chơi được”. Tôi gặp Hoài từ khi Hoài chưa nổi tiếng. Rủ Hoài đi ăn ốc luộc vỉa hè rồi đến thăm nhà điêu khắc Lê Công Thành, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, trong một lần ra Hà Nội. Tôi làm báo, Hoài nghiên cứu sử. Nhưng tôi cũng làm thơ và Hoài cũng viết văn. Hoài viết bài báo đầu tiên hình như là bài phỏng vấn Hồ Xuân Hương trên tờ Lao Động Chủ nhật của Tống Văn Công (và bọn tôi), tờ báo phất cờ “đổi mới” trong làng báo quốc nội đầu năm 1990. Coi như hai chúng tôi có duyên báo chí với nhau từ đấy. Rồi tình đồng nghiệp, tình anh em, đồng chí được thử thách qua năm tháng tỏ ra vững bền, tin cậy.
Nếu đúng talawas ra đời từ những cuộc tụ họp của trí thức Việt Nam lập nghiệp ở Đông Đức, từ một bài viết của Hoài về thân phận trí thức Việt Nam, thì tôi có chút duyên ở đấy. Năm 2000, lần đầu tiên được phép qua phương Tây, tôi sang Berlin gặp Hoài và một số bạn viết. Trong cuộc gặp khó quên ấy, tôi kể về các hoạt động của trí thức trong nước, những cuộc hội thảo cởi mở đầu tiên của giới khoa học xã hội, nổi bật là những tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang. Các bạn đặc biệt ấn tượng với khái niệm “trí thức phò chính thống” của ông (Ngẫu nhiên trùng hợp: ở Hải Phòng, người ta gọi gái điếm là “phò”, và những đồ dỏm được gọi là “đồ phò”, thí dụ vải dỏm gọi là “vải phò”. Vậy trí thức “phò chính thống” theo nghĩa đường phố Hải Phòng có thể hiểu là trí thức làm điếm cho chính thống/ trí thức dỏm (nhưng được coi là chính thống). Ít lâu sau, Phạm Thị Hoài viết về đề tài này, và sáng tạo thêm khái niệm “trí thức quan văn”. Tử đó các bạn nảy ra quyết tâm xây dựng một diễn đàn để trí thức Việt có thể tự do phát biểu về những vấn đề của đất nước đối chiếu với hoàn cảnh quốc tế, ngòi bút không bị uốn bởi tư thế “phò”!
talawas tập họp được ngày càng đông đảo các cây bút cả quốc nội lẫn hải ngoại, phần quan trọng nhờ cái “uy” của cô Tổng Biên tập người bé con con (giống như Lê Thị Công Nhân). Ngoài văn tài độc đáo, cô có sức thuyết phục của một trí tuệ sắc sảo, phân minh, lối làm việc nghiêm túc, qui chuẩn Nhật Nhĩ Man, rất quý đối với nghề báo hiện đại – đặc biệt là công tác biên tập tôn trọng tác giả, nghiệp vụ và trách nhiệm đều cao (chỉ riêng đóng góp về nghiệp vụ làm báo cho Việt Nam, talawas cũng đáng được lưu danh). Con người Hoài rất quyết liệt nhưng cũng rất dễ thương. Cô có thể đanh đá với người này, lại thực lòng quý mến người kia. Cô đã “đả” thì khó ai chống đỡ, cô đã “nhờ” thì khó ai từ chối.
talawas ra đời từ cuối năm 2001, nhưng tôi, cũng là một thằng hèn trong trăm ngàn kẻ buộc phải hèn để sống thời buổi này, chỉ gửi mấy bài đã đăng trên báo quốc nội nhưng để nguyên trạng khi chưa bị “biên tập”. Mãi sau khi về hưu mới dám chính thức tham gia (nghĩa là về bản chất tôi chẳng hơn gì các ông Nguyễn Văn An, Nguyễn Đình Lộc… ngoài cái sự: trong ba mươi mấy năm làm việc cho nhà nước tôi chẳng được chút lộc nào, không cả mẩu đất cắm dùi, ngoài đồng lương đủ để không chết đói). Bài ghi nhận bước “dấn thân” của tôi với talawas là “Ngoảnh lại 15 năm” (thơ Việt Nam sau đổi mới) vào giữa tháng 6 năm 2004. Vừa viết xong định gửi cho một tạp chí thân hữu trong nước, thì đúng lúc talawas bị tường lửa (trong khi ông Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói phách là không nên tường lửa, cứ tranh luận để phân phải trái). Đã thế, tôi bèn viết thư công khai tuyên bố ủng hộ talawas, phản đối tường lửa bằng cách gửi thẳng bài viết này sang Đức.
Đầu 2006, talawas mở trang Chủ nhật chuyên đăng sáng tác văn học, tôi nhận lời tham gia BBT (của riêng trang này). Tập thơ Ác mộng có chủ đề những trải nghiệm tù đầy của tôi, bị mấy NXB trong nước từ chối, đã được công bố đầy đủ trên trang này. Không ít nhà văn trong nước vui vẻ góp mặt trên talawas Chủ nhật, trong đó có Tô Hoài với Ba người khác.
Thực tình lúc này nữ Tổng Biên tập đã kiệt sức vì hằng đêm mất ít nhất 6 tiếng cho talawas, lại thêm thôi thúc văn chương phải gác lại đã 5 năm. Một hy sinh không nhỏ. Hoài “gạ” ai thay mình cái việc “cơm nhà vác ngà voi” (vác thánh giá thì đúng hơn), tôi cũng nhiều lần được “gạ”.
Sức mấy! “Tôi già rồi. Tôi không làm gì được quyển lịch” (Đặng Đình Hưng). Nhưng để mặc Hoài thì không nỡ. Thế là sau một tháng, hai vợ chồng ngồi dưới gốc Bồ đề của Phật Tổ, được vợ gật đầu (tôi đã rước quá nhiều tai họa về cho gia đình, nên những việc có tiềm năng nguy hiểm từ nay phải đưa nàng xét duyệt), tôi mail cho Hoài nhận đỡ cho cô một chút trong vai biên tập viên văn nghệ khu vực quốc nội. Quyết định này chẳng dễ dàng với vợ chồng tôi, có lẽ nhờ cây Bồ đề cho được chút đức “vô úy”. Từ đấy talawas càng “chường mặt” công khai trong nước.
Nhưng đúng là sức khỏe không cho phép thật. Giữa năm 2007 thì tôi đành rút khỏi Ban Biên tập. Để rồi lại lãnh cái việc không vất vả bằng nhưng gay cấn hơn nhiều: mở đầu chuyên mục “Bình luận”. Hoài bảo anh chỉ mở đầu, rồi sẽ có những người khác viết. Nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, hầu như chẳng có ai! Tôi bỗng phát hiện mình trở thành cây bút “xã luận”, thật không ngờ! Nhiều người quen chẳng thèm đọc thơ tôi, nhưng rất khoái mục “Bình luận talawas”. Ban Biên tập đã chọn một bài (bài phản ứng tắp lự về sáng tạo “lề bên phải” của ông 4T) để thay mặt talawas tham gia một sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn: Triển lãm nghệ thuật hiện đại documenta 12 tại Kassel.
Một kỷ niệm “vui” về mục “Bình luận”. Sau khi bài “Khát vọng dân chủ lên tiếng trong một đám tang” lên mạng, tôi và một biên tập viên talawas cùng nhận được một email của ai đó hỏi: Tôi rất muốn tham gia Đảng Dân chủ của ông Hoàng Minh Chính. Xin hướng dẫn làm thế nào? Hai chúng tôi cười ngất. Thì ra người ta thăm dò xem có liên kết gì giữa talawas với Đảng Dân chủ. Tôi nào biết Đảng Dân chủ ở đâu? Ông Hoàng Minh Chính tôi cũng chưa hề biết mặt. Đến cả các thành viên Ban Biên tập talawas, tôi cũng chỉ biết vài người có công việc liên quan. Mới biết người ta tối kỵ “tổ chức”. Hai lần tôi khởi xướng/ tham gia khởi xướng kiến nghị tập thể (vụ Thơ Trần Dần, vụ Bát Nhã) là hai lần an ninh truy vai trò của tôi ở talawas. talawas đâu có dính gì đến? Và bản thân nó cũng chưa thể gọi là “tổ chức”.
Một tổ chức nghệ thuật châu Á mời tôi thuyết trình về talawas. Điều tôi minh định với cử tọa đến từ nhiều châu lục: talawas là một diễn đàn “độc lập” chứ không “đối lập” với chính quyền. Với an ninh Việt Nam, tôi cũng khẳng định thế. Nhưng an ninh cứ nhất định kết luận nó là “phản động”, mặc dù tôi nêu cho họ thấy tính mơ hồ, tùy tiện của khái niệm “phản động”. Dẫn chứng: gần 30 năm trước, an ninh cũng khăng khăng bảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm là “phản động” để rồi sau Đổi mới nó được coi là kiệt tác!
talawas cố gắng thêm đến cuối 2008 thì phải chuyển sang hình thức Blog để đỡ vất vả cho Ban Biên tập và cập nhật thời sự nhanh hơn. Tôi lại tham dự như một blogger tích cực. Thời kỳ này điều thú vị nhất là tôi rủ rê được nhà báo lão thành cách mạng Tống Văn Công tái xuất giang hồ trên diễn đàn này, từ chỗ ký bút hiệu Thiện Ý đến chỗ công khai tên thật, làm sôi nổi công luận với bản góp ý cho Đảng để tránh sụp đổ.
Một năm nay tôi xa dần talawas để dành thời gian và sức lực ít ỏi của mình cho một diễn đàn mới: Bauxite Việt Nam. Nó bám sát những chuyện bức thiết, sinh tử với dân tộc trong lúc này. Mà cũng từ cái duyên với mấy người bạn quý: Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn. Thì cũng là thành viên talawas cả chứ gì.
talawas đánh dấu sự đồng thanh “mở miệng” của trí thức “không phò chính thống”. Cái “nghiệp” là tâm huyết với đất nước của người có chút hiểu biết, có lương tri và tự trọng, khát vọng tự do dân chủ. Cơ hội gặp gỡ nhau giữa người trong nước, kẻ ngoài nước, người gốc “cộng” hay “xã”, kẻ gốc “quốc” hay “gia”, người mộng văn chương, kẻ ham chính trị… nhờ thời Internet, là cái “duyên”. talawas với tôi cũng như không ít bạn bè tôi là “duyên” mà cũng là “nghiệp”. Gặp duyên thì tụ, hết duyên thì tán, còn cái “nghiệp” hết kiếp này e chưa dứt!
25/10 – 31/10/2010


-Hoàng Ngọc-Tuấn – Giã từ talawas
Ba câu phỏng vấn cuối cùng của talawas đã được nhiều bạn văn trả lời rất xác đáng, rất sâu sắc. Đúc kết tất cả, chúng ta có một kho ý tưởng phong phú về những vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Tôi tự thấy mình không thể nói thêm một điều gì hay ho hơn nữa. Do đó, thay vì cố gắng trả lời ba câu hỏi ấy, tôi chỉ xin viết ra những tâm tình đơn sơ dưới đây để thay một lời giã từ talawas.
*

Tôi đọc talawas không chỉ như một thói quen, mà như một nhu cầu thường xuyên, gần giống với sự ghiền thuốc lá (tôi không thể bỏ thuốc lá, dù đã từng cố gắng!). Hầu như ngày nào tôi cũng đọc talawas, thậm chí có ngày tôi đọc nhiều lần nếu trên talawas đang diễn ra những đề tài quan trọng. Không chỉ đọc các bài viết, tôi đọc cả những ý kiến của độc giả, và đôi khi tôi cũng tham gia góp ý. Công việc hàng ngày của tôi rất bận rộn, nên ít khi tôi có thì giờ để đọc một hơi hết cả các bài mới, mà talawas lại cập nhật bài mới mỗi ngày vài lần, vì thế tôi thường phải trở lại hơn một lần để tiếp tục đọc. Trong những chuyến du lịch hay làm việc ở những nơi không thuận tiện truy cập internet, mỗi khi có cơ hội, tôi vào copy các bài mới trên talawas, giữ trong một cái USB để đọc dần trong những lúc có thì giờ.
Bạn bè và các em tôi ở Sydney dường như ai cũng đọc talawas hàng ngày, và talawas chiếm một phần nhất định trong ý nghĩ của họ. Mỗi năm, chúng tôi có rất nhiều dịp để quây quần gặp gỡ với nhau, và hầu hết những gì chúng tôi đem ra bàn bạc bao giờ cũng xoay quanh các đề tài về văn học, nghệ thuật và chính trị, đặc biệt là chính trị; và hiển nhiên các bài viết và ý kiến trên talawas đã cung ứng phần lớn chất liệu cho những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Đó là chưa kể rằng trong những cuộc trao đổi qua điện thoại, những buổi cà phê giữa đôi ba người,… talawas cũng thường xuyên được nhắc đến. Chín năm hiện diện của talawas nhất định đã mang đến cho khả năng suy luận và nhận định chính trị xã hội của chúng tôi thêm những chiều sâu và những bề rộng đáng kể. talawas là nơi chúng tôi hàng ngày tiếp cận để thu nhận thông tin và có cơ hội cọ xát với những vấn đề nhức nhối của cuộc sống Việt Nam. Bởi thế, sự hoá thạch của talawas sau ngày 3/11/2010 chắc chắn sẽ làm chúng tôi cảm thấy hụt hẫng.
Nhớ lại hồi đầu năm 2010, lúc talawas và một loạt trang web khác bị tin tặc đánh sập, bạn bè chúng tôi ở Úc đã gọi điện thoại cho nhau và đến gặp nhau để trò chuyện trong một tâm trạng căm giận đối với những thế lực đang ra sức ngăn chặn tiếng nói tự do dân chủ. Trong thời gian talawas ngưng sinh hoạt, mỗi ngày tôi vẫn gõ talawas.org vào browser dăm ba lần, với hy vọng thấy talawas sống lại. Thế rồi, một hôm, sau nhiều ngày chờ đợi trong sự thất vọng, tôi đã liên lạc với nhà văn Phạm Thị Hoài để hỏi thăm khả năng hồi sinh của talawas. Được biết tình trạng của talawas lúc ấy rất khó khăn, tôi đề nghị với Hoài để cho em trai của tôi (tức là Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia về internet) giúp khôi phục lại talawas và thiết lập một hệ thống kỹ thuật tốt hơn để bảo quản an ninh. Sau đó, Hoài và Diêu đã liên lạc với nhau, và Diêu đã nhiệt tình góp tay vào công việc. Thế rồi, talawas sống lại. Chúng tôi rất đỗi vui mừng. Kể từ đó, Diêu tình nguyện theo dõi và bảo quản an ninh cho talawas, liên tục đối phó với những đợt tấn công đủ cỡ, đủ kiểu của tin tặc…
Một hôm, cuối tháng 9/2010, Diêu nói với tôi: “Chị Hoài cho em biết rằng từ đầu tháng 11 sắp tới talawas sẽ ngưng sinh hoạt…” Tôi nói với Diêu: “Hãy hy vọng là talawas tạm ngưng một thời gian để cải tiến, cũng như hồi đầu tháng 11/2008 talawas đã dừng lại khoảng vài tháng, trước khi biến thành talawas blog sinh động hơn… Nhưng cũng có thể lần này talawas sẽ thật sự giã từ, vì có lẽ Hoài muốn trở lại với công việc sáng tác. Kể từ lúc talawas chào đời cho đến nay, Hoài đã quá bận rộn điều khiển diễn đàn, không còn thời gian để viết tiểu thuyết. Hoài mà ngưng viết tiểu thuyết thì quá uổng cho tài năng của Hoài, nhưng talawas mà ngưng sinh hoạt thì chúng ta lại mất đi một diễn đàn quan trọng của những đối thoại tự do và dân chủ về mọi phương diện của đất nước Việt Nam. Thật ra, vài năm trở lại đây, Hoài đôi lúc đã có ý muốn ngưng talawas đúng vào sinh nhật 3/11 để có một kết thúc tròn trịa, nhưng rồi Hoài vẫn cho talawas tiếp tục triển hạn thêm một năm nữa, rồi một năm nữa… vì các vấn đề của đất nước cứ dồn dập xảy ra không ngớt… Lần này chúng ta hãy hy vọng rằng Hoài sẽ có một giải pháp nào đó để vừa có thể trở lại với văn chương, nhưng vừa có thể tiếp tục duy trì talawas…”
Thế rồi, vào sáng sớm ngày 21/10/1020, tôi nhận được từ nhà văn Phạm Thị Hoài một email kèm 3 câu phỏng vấn cuối cùng của talawas. Trong email có câu: “Quyết định đã được bỏ phiếu từ mấy tháng trước rồi…” Tôi thẫn thờ một lát, muốn gửi Hoài một email để nói “khoan đã…”, nhưng tôi biết rằng mọi sự đã được quyết định.
Để tự trấn an, tôi pha một tách café, và giở sách ra, tìm lại một đoạn văn của Mario Vargas Llosa trong tiểu luận “Literatura y exilio”:[1]
“Để phục vụ cho đất nước, nhà văn không có cách nào tốt hơn là viết văn với sự nghiêm túc và lòng thành thật tối đa. Nhà văn chứng tỏ sự nghiêm túc và lòng thành thật của mình bằng cách đặt thiên chức của mình vào vị trí ưu tiên và bằng cách tổ chức cuộc sống của mình sao cho phù hợp với công việc sáng tạo. Văn chương là sự trung thành đầu tiên, trách nhiệm đầu tiên, nghĩa vụ đầu tiên của nhà văn.”
Trong tiểu luận ấy, Mario Vargas Llosa còn đưa ra một so sánh rất sâu sắc. Theo ông, đôi khi một nhà văn cũng có thể phục vụ đất nước bằng cách gác việc sáng tác sang một bên để làm “một nhà báo giỏi, một nhà giáo tốt hay một nhà vận động văn hoá hữu hiệu”, nhưng chính sự chọn lựa này lại tước đoạt mất một nhà văn của đất nước. Mario Vargas Llosa cho rằng một người có tài năng văn chương thì tốt nhất nên làm một nhà văn, vì:
“Đây không phải vấn đề nhận biết cái gì quan trọng hơn, hữu ích hơn; một thiên chức (đặc biệt là thiên chức của nhà văn) thì không thể được quyết định một cách chính xác trên những tiêu chuẩn mang tính thương mại, lịch sử, xã hội hay đạo đức.”
Tôi cảm thấy vui trở lại sau khi ngẫm nghĩ về những lời của Mario Vargas Llosa.
*
Tôi tin rằng nhà văn Phạm Thị Hoài quyết định ngưng sinh hoạt talawas để tiếp tục viết tiểu thuyết. Tất nhiên tôi buồn vì không còn được đọc talawas mỗi ngày, nhưng tôi cảm thấy vui vì nhà văn tài hoa của chúng ta lại trở về với công việc sáng tạo văn chương. Chín năm điều khiển diễn đàn talawas đã là một hy sinh lớn của nhà văn. Bây giờ Hoài có quyền trở lại với nghệ thuật của mình. Tôi tin chắc rằng sớm muộn gì rồi cũng sẽ có một (hay những) diễn đàn khác ra đời để tiếp nối những gì talawas đã làm, vì chín năm tồn tại của talawas đã để lại một con đường rõ nét cho những người có nhiệt tâm, có khả năng, theo đó mà tiếp tục thực hiện và khai triển mỗi lúc một hữu hiệu hơn.
Hôm nay là ngày cuối cùng của talawas. Tôi không biết nói gì hơn là trân trọng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự cống hiến to lớn của nhà văn Phạm Thị Hoài và tất cả các anh chị em trong ban biên tập talawas trong những năm qua. Xin chân thành cầu chúc các bạn một tương lai đầy thành công trong sự nghiệp của mình
Sydney, 01 giờ, 3/11/2010
© 2010 Hoàng Ngọc-Tuấn
© 2010 talawas

[1] Mario Vargas Llosa, “Literatura y exilio”, Contra viento y marea, I (1962-1972), Barcelona: Seix Barral, 1986, 111-138.
-talawas – Lời tạm biệt

Chín năm qua, talawas đã góp phần khiêm tốn của mình vào sự hình thành và phát triển một công luận độc lập, một ý thức tự do tư tưởng, một tập quán sinh hoạt tinh thần đa nguyên cho người Việt trong và ngoài nước.

talawas 2001-2003
talawas 2003-2005
talawas chủ nhật
talawas 2005-2008
tạp chí talawas
talawas blog 2009-2010
Hoàn cảnh đặc thù của những tờ báo và diễn đàn Internet tiếng Việt điều hành tại hải ngoại như talawas luôn đặt những người chủ trương trước câu hỏi: “Làm thế nào để tồn tại?” Câu hỏi ấy đương nhiên đi liền với câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mình. Hơn ai hết, chúng tôi mong đến ngày talawas không còn cần thiết nữa. Ngày ấy, nền báo chí tự do của Việt Nam sẽ do những nhà báo chuyên nghiệp, sống với nghề báo và sống bằng nghề báo, đảm nhiệm.
Ngày ấy tuy còn chưa đến, chính quyền Việt Nam hiện thời vẫn tiếp tục áp dụng chính sách kiểm duyệt báo chí và trấn áp tự do ngôn luận như một trong những công cụ then chốt để duy trì quyền lực toàn trị trong chế độ hậu cộng sản, nhưng quang cảnh báo chí và truyền thông Việt Nam trong những năm gần đây đã có những thay đổi quan trọng.
Bất chấp tham vọng cũng như các cơ chế kiểm soát và chỉ đạo tư tưởng của chính quyền, báo chí chính thống tại Việt Nam, đặc biệt là các tờ báo mạng, đã ngày càng tự mở rộng giới hạn cho phép. Nhiều bài, nhiều tác giả dăm năm trước chỉ có thể xuất hiện trên báo chí hải ngoại, nay có thể công khai hiện diện trên những tờ báo trong nước có đông đảo độc giả. Đáng kể hơn nữa là sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng blogger Việt Nam mà chủ lực là những tác giả, học giả, những nhà báo và nhà hoạt động văn hóa, chính trị có tên tuổi trong công luận. Trong một thời gian ngắn, cộng đồng này đã chứng tỏ sức mạnh của mình và trở thành một quyền lực ngày càng độc lập với guồng máy tuyên truyền chính thống, có khả năng phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những sự kiện thời sự nóng bỏng. Và đặc biệt là sự ra đời đầy ấn tượng của một số trang mạng độc lập do các trí thức trong nước chủ trì, mà tiêu biểu là trang Bauxite Việt Nam. Như thế, không gian phản biện của những người quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam đã được mở rộng hơn rất nhiều so với thời điểm mà talawas bước vào hoạt động và một số năm sau đó.
Xu thế này là khó có thể đảo ngược, song đường tiến tới một nền báo chí tự do cho Việt Nam còn rất dài.
Hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời, với những thành tích đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến bất đồng trong quá khứ và ngay cả trong những ngày này, chắc chắn không thay đổi qua đêm. Kinh nghiệm của giai đoạn “Trăm hoa đua nở” đầu những năm 50, của giai đoạn “Đổi mới” cuối những năm 80, cho thấy khoảng không gian tự do ngôn luận vừa giành được đó có thể bị rút lại bất kì lúc nào, bịt miệng những tiếng nói độc lập là điều kiện sống còn của chế độ độc tài tư tưởng. Song ngay cả trong trường hợp chế độ ấy tan rã thì hậu quả và di tích của nó cũng đặt những người làm báo trước những nhiệm vụ khổng lồ.
Chúng tôi cho rằng bối cảnh hiện tại này đòi hỏi một mô hình hoạt động khác, dựa trên những nền tảng khác, mà talawas – xuất phát từ điều kiện và nhu cầu của những năm qua – không còn phù hợp.
Nói lời chia tay sau 9 năm tồn tại, chúng tôi thiết tha hi vọng vào sự ra đời của những mô hình báo chí và truyền thông mới, thực hiện bởi những người được trang bị những khả năng và phương tiện mà chúng tôi đã không thể có, với cùng một nhiệt thành phấn đấu cho một nền báo chí tự do cho Việt Nam.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự cộng tác bền bỉ, chí tình của hàng trăm tác giả, dịch giả suốt 9 năm qua cũng như tình cảm, sự gắn bó và sự hỗ trợ tài chính của các độc giả và thân hữu. Chúng tôi đặc biệt tri ân những đóng góp tận tụy thầm lặng của các chuyên viên kĩ thuật đã giúp talawas đứng vững sau nhiều đợt tấn công của tin tặc.
Quý vị và các bạn là những người làm nên talawas. Toàn bộ kho lưu trữ bài vở của Diễn đàn talawas 2001-2008, talawas blog 2009-2010, talawas chủ nhậttạp chí talawas, được bảo quản và duy trì trên mạng, là tài sản chung của cộng đồng mạng chúng ta.
Chào tạm biệt.
Ban biên tập talawas 2001-2010
Bùi Duy Dzy, Cao Việt Dũng, Cổ Ngư, Dietmar Erdmann, Đào Tuấn, Đinh Bá Anh, Đỗ Kh., Hà Vũ Trọng, Hòa An, Hoài Phi, Hoàng Hưng, Hương Trà, La Thành, Lê An, Lê Trọng Phương, Lý Đợi, Mai Chi, Ngô Hải, Nguyễn Khánh Hưng, Nguyễn Phú Thịnh, Patrick Raszelenberg, Phạm Thị Hoài, Tiểu Hằng Ngôn, Trịnh Hữu Tuệ, Trương Hồng Quang, Vy Huyền
Nguyễn Hoàng Văn trả lời phỏng vấn của talawas
talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________
Nguyễn Hoàng Văn
1.

i. Vấn đề hệ trọng hàng đầu của Việt Nam hiện tại và trong tương lai lâu dài, theo tôi, vẫn là vị trí “địa lý chính trị” của Việt Nam.
Trước đây, trong một bài viết trên talawas, tôi đã từng dẫn lời ông José de la Cruz Porfirio Díaz Mori, Tổng thống Mexico từ 1876 đến 1880, “Poor Mexico, so far from God, so close to The United States“. Câu nói ấy có thể áp dụng vào trường hợp Việt Nam: “Trời” hay “Thượng đế” hầu như không có, và nếu có thì quá xa trong khi nước Trung Quốc / Đại Hán thì gần quá.
Hiện tại – khi chính phủ Obama tỏ rõ quyết tâm trở lại Biển Đông – nhiều người Việt khấp khởi hy vọng rằng Mỹ sẽ là một thứ “Trời”, một thứ “Thưọng Đế” trên mặt đất. Có người như ông Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên là thiếu tướng, đại sứ CHXHCNVN tại Trung Quốc), cho rằng Mỹ cần phải “làm mạnh hơn nữa”.
Dĩ nhiên đây là một yếu tố tích cực nhưng cần phải nghĩ rằng Mỹ chỉ hành động theo quyền lợi của mình, và nếu đã “quyết tâm đến” thì sẽ có lúc họ sẽ “quyết tâm đi”.  Mỹ đã từng làm thế ở Việt Nam vào thập niên 70, đang làm ở Iraq và sắp sửa làm tại tại Afghanistan. Như để “chuẩn bị” cho việc này, báo chí Mỹ đang đều đặn báo động về “đế chế” tham nhũng và ma túy của những thân nhân quanh gia đình Tổng thống Kazai, không khác về những ông tướng tham nhũng và thuốc phiện của Việt Nam Cộng hòa vào thập niên 70 là mấy.
Cuộc cờ đã khác nhưng nước cờ có lẽ vẫn vậy. Trước kia ông John Kennedy chủ trương đưa quân sang Đông Nam Á để đánh nhau với cộng sản thay vì chờ cộng sản thâm nhập đến lãnh thổ Mỹ rồi mới ra tay. Nay thì đến lượt Obama chủ trương nghênh chiến với Trung Quốc ngoài khơi Đà Nẵng thay vì đợi Trung Quốc đưa tàu tới ngoài khơi Hawaii.
Như thế thì vấn đề đặt ra là: nếu chúng ta không đủ bản lĩnh để chống lại một siêu cường, chúng ta đã đủ khôn ngoan và tỉnh tảo để len lỏi giữa hai siêu cường chưa, hay là vẫn hay cứ lặp lại cái chu kỳ cũ.
Đến đây tôi chợt nhớ đến nhân vật Phi Lạc của Hồ Hữu Tường. Theo nhân vật này thì cách hay nhất để chống lại dã tâm xâm lược của  một cường quốc là bám vào một cường quốc khác mạnh hơn: trở thành con nợ của nó và nó sẽ bảo vệ con nợ của mình tới cùng.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang biến Việt Nam trở thành con nợ của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ bảo vệ con nợ Việt-Nam-Cộng-Sản này đến cùng chăng?

ii. Việt Nam đang quay trở lại với chu kỳ suy tàn và yếu kém trong lịch sử của mình.
Nếu lịch sử là một chu kỳ xoay chuyển theo hình trôn ốc thì Việt Nam hiện đang trở lại cái chu kỳ suy nhược và yếu hèn, tương tự thời Nam – Bắc Triều khi ở mạn Bắc thì nhà Mạc cát cứ, ở Thăng Long có cung vua và phủ Chúa, ở phía Nam thì nhà Nguyễn.
Nói theo ngôn ngữ mà giới lãnh đạo hiện tại ở Hà Nội ưa dùng thì “nguyên khí quốc gia” đã suy kiệt. Sự tồi kém và bất lực của hệ thống cầm quyền hiện tại là chuyện rành rành, tuy nhiên cả thế lực đối kháng trong và ngoài nước cũng không khá gì. Lẽ đơn giản là nếu khá hơn thì đã lay chuyển được tình thế hay ít ra cũng được mời vào bàn đàm phán rồi chứ? (Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn / Cho nên chúng nó lại làm quan).
Ví von một cách thô thiển thì “nguyên khí quốc gia” này chính là những software vận hành còn đất nước với lãnh thổ, sông biển và những nguồn tài nguyên của nó chính là hardware. Phần mềm không chỉ chậm rì, ì ạch, kém hiệu năng mà còn đầy mã độc, trong khi đó thì phần cứng ngày càng mọt ruỗng.
Nhìn vào những gì đang xảy ra – từ rừng đầu nguồn đến Tây Nguyên đất đỏ hay các chương trình trình truyền hình, thông tin trên báo v.v… – chúng ta có thể hình dung cái software đang vận hành đất nước chứa đầy mã độc, đầy những virus hoạt động cho lợi ích của láng giềng. Đất nước ngày càng mọt ruỗng khi vài năm nữa sẽ phải nhập than, nhưng than lậu vẫn ồ ạt chuyển sang Trung Quốc với giá rẻ mạt.
Như thế thì đến đây chúng ta cần cần nhìn kỹ hơn vào hệ thống cầm quyền.
iii. Vận mạng dân tộc đang nằm trong trong tay một hệ thống cầm quyền máy móc, nô lệ và một chiều, không đủ trình độ để đối phó với sự phức tạp của một thế giới đa cực và biến chuyển nhanh.
Trong Giờ thứ hai mươi lăm (lấy bối cảnh Đệ Nhị Thế chiến) nhà văn Virgil Gheorghiu đã đề cập đến sự hình thành của những “nô lệ kỹ thuật” thể hiện qua hình tượng của các “ủy viên chính trị người Nga”. Theo dõi cách hành xử và phản hứng của nhà cầm quyền hiện tại chúng ta có thể thấy rằng họ cũng là những bằng chứng sống động cho thứ “nô lệ kỹ thuật” này. Chẳng hạn như phản ứng của họ trong đợt lũ vừa rồi.
Theo báo chí Việt Nam thì mưa bắt đầu từ ngày 30 tháng 9 và đến ngày 4.10.2010 đã có tới 44 người chết và mất tích. Thế nhưng mãi đến ngày 5.10 thì Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng mới gởi “công điện khẩn” đến các chính quyền địa phương và cơ quan hữu trách yêu cầu họ khẩn trương chuẩn bị cho công tác “phòng chống bão lụt”. Cùng lúc ấy ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có “công điện khẩn” căn dặn địa phương “không để cho dân đói”. Quả là một chuyện khôi hài. Giả như lúc đó họ gởi công điện khẩn yêu cầu chính quyền địa phương xuất tiền mua quan tài cho các nạn nhân thì nghe còn hợp lý hơn.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Chỉ cần tra cụm từ “công điện khẩn” và “bão lụt” trên Internet chúng ta có thể thấy ngay rằng đó là phản ứng máy móc đã thành… công thức của giới lãnh đạo cộng sản kể từ khi Việt Nam có… Internet. Trận lụt nào cũng vậy, đợi khi số người chết và mất tích đã lên đến 50, 78, 80 hay 100 thì họ sẽ máy móc gởi những công điện khẩn, với toàn những nội dung “khẩn” nực cười như vậy.
Trận lụt nói trên xảy ra trong thời gian tổ chức “Đại lễ Ngàn năm Thăng Long”, kỷ niệm sự kiện vua Lý Thái Tổ dời kinh từ vùng núi Hoa Lư chật hẹp ra Thăng Long của đồng bằng rộng lớn. Thăng Long nằm sát sông Hồng, hàng năm phải oằn mình ra đối phó với lũ lụt, và khi dời đô như thế thì vua Lý Thái Tổ đã thách thức thiên nhiên để từ đó mở ra “ngàn năm văn hiến”.
Trong trận lụt vừa qua qua báo chí đã nói nhiều đến trường hợp hy sinh của cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tỉnh).  Anh Lê Trọng Thống đã kể với các phóng viên câu chuyện của cô Hoa (Dân Trí 7.10.2010):  “7h sáng ngày 3/10, khi biết nước lũ dâng cao, Trường Mầm non Hương Thuỷ sắp bị ngập trong lũ, cô Hoa đã nhờ tôi và chồng là anh Trung ra để cứu trường. Ra đến đường sắt thấy nước lũ quá cao, tôi và anh Trung bảo cô Hoa đưa chìa khoá phòng đây để bọn anh ra cứu trường còn em về lo dọn dẹp nhà cửa mà chạy lũ. Cô Hoa không chịu cứ một hai để em đi cùng các anh chứ việc nhà để sau giờ lo việc tập thể đã. Trường có hai người giữ chìa khóa tầng một, em cầm một cái còn cô kia thì ở xa không thể đến được, trường lại sắp ngập, nên đây là trách nhiệm của em. Em phải ra dọn trường đưa toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập lên tầng hai chứ giao cho các anh em không yên tâm chút nào.[…] Vừa vượt qua được chỗ sâu nhất sắp lên phía bờ bên kia thì bất ngờ nước lũ đổ về quá mạnh cuốn trôi cả ba người. Tôi tìm cách vẫy vùng bám vào bụi cây rồi gắng sức bơi lên bờ. Sau khi quan sát thấy anh Trung đang hấp hối cố bơi vào bờ tôi đã lao ra cứu. Còn cô Hoa mất tăm mất tích. Anh Trung gào thét định lao ra tìm vợ nhưng tôi đã ngăn cản lại. Nếu giờ anh ra đó sẽ chết, biết tìm vợ đâu giữa biển nước thế này, hai người phải có một người sống để nuôi con”.
Theo tôi thì không có thí dụ sống nào hay và đúng với ý nghĩa của “đại lễ” hơn thế. Cô giáo đã thách thức lại sự cuồng nộ của thiên nhiên để cứu trường, để bảo toàn sự học của các em nhỏ. Đây chính là hành động mang ý nghĩa “mở mang văn hiến”. Trong một “đại lễ” như thế thì một nhà lãnh đạo sáng suốt và có tầm nhìn sẽ ngay lập tức sử dụng tấm gương cô giáo Trần Thị Hoa để gây sinh khí, để tạo một niềm “cảm hứng” cho đất nước.
Tôi nghĩ đến những hình ảnh chiếu trên truyền hình ngày 14.10.2010 khi ông Luis Alberto Urzua, trưởng kíp của 33 thợ mỏ, được cứu lên mặt đất. Lúc đó Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã bước đến bắt tay chào đón trong tiếng nhạc của bản quốc ca Chile và nói: “You are not the same, and the country is not the same after this. You were an inspiration. Go hug your wife and your daughter.” (Anh sẽ không còn là anh của trước đây nữa và đất nước của chúng ta không còn là Chile trước đây nữa. Chính anh là nguồn cảm hứng. Hãy tới ôm vợ và con gái đi anh.)
Ông Urzua, trong vai trò trưởng kíp thợ, đã ở lại đến giây phút cuối cùng, khi toàn bộ công nhân của ông đã được đưa lên mặt đất an toàn. Và ông Pinera, trong vai trò người đứng đầu đất nước Chile, đã ở lại cho đến giây phút cuối khi người thợ cuối cùng được đưa lên mặt đất an toàn. Không chỉ là người thợ trưởng kíp mà tự thân hành động của ông Tổng thống Pinera cũng là một niềm “cảm hứng”.
So sánh với ông ông Chủ tịch của Việt Nam chúng ta thấy gì? Ông Chủ tịch của chúng ta đã không có lời nào về các nạn nhân của trận lụt. Ông không đả động gì đến sự hy sinh đầy ý nghĩa của cô giáo, cho dù trong các ngày 6, 7 và 8 báo chí liên tiếp đưa tin về cô, diễn tả đám tang thương tâm của cô. Tại lễ bế mạc đại lễ ông ta chỉ máy móc đọc bài diễn văn soạn sẵn nhưng ông ta cũng lập cập, cà lăm. “Lý Thái Tổ” là cái tên lẽ ra học trò tiểu học phải thuộc làu nhưng ông cũng lập bập “Lấy… Lý Thái Tổ”.
Chính vì cách tư duy và cách làm việc máy móc, nô lệ và một chiều đó nên hệ thống cầm quyền này chỉ thích hợp với cái gì đơn giản, một chiều. Từ đó họ đâm ra sợ hãi và đố kỵ với những gì phức tạp. Tâm lý này đã dẫn đến tình trạng đồng hoá khái niệm phức tạp thành khái niệm “xấu”, “tiêu cực”, “ác độc và thậm chí “ngoài vòng pháp luật”.
Trong thời Nhân Văn – Giai Phẩm thì từ “phức tạp” đã được sử dụng để chỉ những nhà văn nhà thơ hay tác phẩm “có vấn đề”. Một khu phố có nhiều đĩ điếm và băng đảng thì được mệnh danh là khu phố “phức tạp”. Thậm chí chính quyền còn sử dụng khái niệm “phức tạp” để che giấu sự bất lực của mình: nếu một cơn bão đổ bộ vào bờ biển Việt Nam trái với dự báo của cơ quan khí tượng, cơn bão đó sẽ được gọi là “diễn biến phức tạp”.
Nhưng thế giới này là một thế giới đa cực và phức tạp. Lịch sử của nền văn minh, thực chất, là tiến trình lịch sử ở đó nhân loại từng bước “phức tạp hoá” những cái mà họ từng tưởng là đơn giản. Ngày nay đa số chúng ta ai cũng cho rằng vật thể ở trên cây rơi xuống đất là chuyện tự nhiên, nhưng chính vì “phức tạp hoá” điều tưởng là đơn giản này, Issac Newton đã đưa ra định luật vạn vật hấp dẫn, nền tảng của cơ học cổ điển và văn minh cơ khí, và cùng với thuyến tương đối rộng của Albert Einstein làm nên hai dấu mốc lớn nhất trong lịch sử khoa học.
Đố kỵ cái phức tạp có nghĩa là đố kỵ với xu thế tiến bộ. Ngày nào cái chính quyền sợ hãi sự phức tạp này còn cầm quyền, ngày đó dân tộc còn tụt hậu.
iv. “Văn hoá đầu hàng” và sự tha hoá của đạo đức và ý chí sinh tồn

Sự áp chế của của bộ máy toàn trị và sự suy tàn của “nguyên khí quốc gia”, nếu có thể gọi như thế, đang hình thành nên cái “văn hoá đầu hàng”.
“Văn hoá” đó đang thể hiện qua nhân sinh quan “sống chung với”. Chỉ cần google cái cụm từ “sống chung với” chúng ta sẽ thấy cả một đất nước chăm chăm đầu hàng: “sống chung với rác”, “sống chung với ô nhiễm”, “sống chung với tiêu cực”, “sống chung với kiểm duyệt” v.v… Khi thái độ cam chịu đã thẩm thấu vào mọi ngóc ngách của đời sống nó đã là một nhân sinh quan. Khi nhân sinh quan ấy được cả cộng đồng chia sẻ thì nó đã là một… văn hoá.
Trong cuộc tranh luận trên talawas về vấn đề kiểm duyệt (Thơ đến từ đâu), nhà thơ kiêm dịch giả Dương Tường đã lên tiếng về áp lực của chế độ kiểm rồi tuyên bố: thôi thì “sống chung”, cũng giống như là “sống chung với lũ”.
Nhưng hãy nhìn sang các nước Đông Âu và Nga. Không chấp nhận “sống chung với kiểm duyệt” nhưng những nhà văn bất đồng chính kiến đã viết chui, viết không cần xuất bản, viết không cần làm đẹp lòng cán bộ biên tập. Chính vì thế nên sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, người đọc mới có cơ hội thưởng thức những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm làm phong phú nền văn học quốc gia của họ.
Sống chung với kiểm duyệt thì chúng sẽ trở thành bồi bút. Sống chung với “rác”, “ô nhiễm” mãi thì những phẩm chất sinh học của chúng ta, như là con người, có nguy cơ bị thoái hoá và nhích lại gần với loài ruồi nhặng. Sống chung với tiêu cực thì, nếu làm quan chúng ta sẽ trở thành những thứ sâu dân mọt nước hay nịnh thần, và làm dân thì chúng ta mãi mãi là kẻ tôi đòi.
Cứ như thế chúng ta sống chung và trở nên dửng dưng với cái ác, với cái vô liêm, vô đạo và dần dà chấp nhận chúng, thậm chí thân thiện với chúng.
v. Tuổi trẻ trước nguy cơ trụy lạc hoá, phù phiếm hoá và ngu đần hoá
Tương lai đất nước thuộc về thế hệ trẻ, về ý thức của thế hệ này với những vấn đề chính trị và xã hội. Thế nhưng thế hệ này đang trở thành đối tượng của chủ trương trụy lạc hoá, phù phiếm hoá hay ngu đần hoá về chính trị qua những chính sách thành văn hay bất thành văn.
Theo dõi nội dung truyền thông, theo dõi chính sách kiểm duyệt của chính quyền chúng ta thấy gì? Rõ ràng, tuổi trẻ Việt Nam có thể thoải mái làm một người hưởng nhưng không được quyền làm người yêu nước, họ được quyền học hỏi đến nơi đến chốn các ngón ăn chơi trác táng nhưng không được quyền tìm hiểu những quyền lợi căn bản của một con người hay một công dân. Họ tha hồ tìm hiểu những chuyện “nhạy cảm” trong chỗ kín của cơ thể đàn ông hay đàn bà nhưng không được tìm hiểu những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội và đất nước.
Mộ “ca/văn sĩ” như Lê Kiều Như mà cũng được thổi lên thành một “hiện tượng”. Một ca sĩ đàn ông không ra đàn ông đàn bà không ra đàn bà như Đàm Vĩnh Hưng mà trở thành thần tượng của bao lớp trẻ. Tình trạng phù phiếm hoá tuổi trẻ đang lan tràn một cách đáng ngại.
2.
Nhưng sau 24 tiếng đồng hồ, sau khi tôi về hưu non hay bị… đảo chính, nhà cầm quyền kế tục tôi sẽ làm gì? Nếu tôi xoá điều 4 Hiến pháp hôm nay thì hôm sau họ có thể khôi phục lại. Nếu tôi ký sắc lệnh cho phép tư nhân ra báo hôm trước, hôm sau họ có thể thu hồi ngay lệnh này. Nếu tôi ra lệnh trả tự do cho các tù nhân chính trị hôm trước, hôm sau họ có thể bắt giam trở lại. Nếu tôi ra lệnh giải tán những cơ quan, những ngành, những đoàn thể vô dụng, chỉ có tác dụng duy nhất là tăng sản lượng… phân bắc như Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc v.v… để dồn ngân sách cho ngành giáo dục vào hôm trước, hôm sau họ ký lệnh phục hồi thì sao?
Như vậy thì vấn đề cần đặt ra tôi là phải tiến hành những biện pháp mà sau đó kẻ kế tục không thể đảo ngược.
Nếu mục tiêu của chúng ta là xây dựng một xã hội dân chủ pháp quyền thì cái cần đả phá là những nền tảng tinh thần của hệ thống toàn trị. Không kể guồng máy công an và mật vụ, hệ thống toàn trị nào cũng tồn tại nhờ vào sự bưng bít thông tin và những huyền thoại giả tạo. Như thế, nếu được cầm quyền tuyệt đối chỉ trong 24 tiếng đồng hồ thì tôi sẽ tận dụng từng phút, từng giây, từng sát na của 24 tiếng đồng hồ ấy để bạch hoá những gì mà hệ thống toàn trị hằng che đậy cũng như mặt sau của những huyền thoại.
Từ cuộc đời riêng của từng lãnh tụ cho đến các vấn đề hay vụ án mập mờ từ Cải cách Ruộng đất, Nhân Văn – Giai Phẩm, Xét lại chống Đảng, các tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam, về vụ “xuất cảng Hoa kiều” năm 1979 v.v…, tôi sẽ cho bạch hoá toàn bộ, sao chép hoàn toàn miễn phí, kể các các hồ sơ đóng dấu “Tối mật”. Tôi cũng sẽ ra lệnh bạch hoá và phổ biến rộng rãi toàn bộ các đơn thư khiếu nại của công dân, toàn bộ hồ sơ của các vụ án.
Tôi sẽ cho công chúng nhận ra tính vô dụng và “phí cơm” của những cơ quan như Tuyên giáo và sự bất tài của của những kẻ lãnh đạo hay vận hành chúng. Tôi sẽ ra lệnh cho các viên chức của các cơ quan này ở cấp trung ương và địa phương phải tổ chức ngay những cuộc tranh luận công khai với công chúng và học sinh – sinh viên, qua đó sẽ lật tẩy bản chất lếu láo và vai trò vô dụng của họ.
Tôi cũng sẽ tiến hành ngay một hành động nhân đạo mà kẻ kế tục không thể đảo ngược được và những kẻ phản đối cũng không thể nào chê trách được. Đó là triệt để áp dụng phong trào “Học và làm theo di chúc bác Hồ: hoả táng thi hài Hồ Chí Minh rồi cho mang tro rải ở ba miền theo di chúc của ông.
Chúng ta có thể bàn cãi về di sản của Hồ Chí Minh nhưng là một con người đã chết, ông ta xứng đáng được đối xử nhân đạo là được phép an nghỉ theo sở nguyện của mình. Việc đánh giá ông ta thì đã có những hồ sơ bạch hoá, tôi chỉ đơn giản làm đúng di chúc của ông, và làm đúng với tập tục cha ông: dân tộc Việt không có tục ướp lạnh xác người. Có đọc cuốn hồi ký của Lý Chí Tuy, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, chúng ta mới thấy sự tàn nhẫn trong việc ướp lạnh kẻ chết để mang xác ra triển lãm!
Còn lại thì chúng ta sẽ làm gì với cái lăng xấu xí mô phỏng kiến trúc Nga ấy? Phá ra ngay để cải tạo thành một vườn hoa, hay là đào sâu xuống, biến thành một cái hồ? Khi xây lăng vào thập niên 70, người ta đã phát hiện dấu vết hoàng thành cổ nhưng bất chấp, Hồ Chí Minh là trên hết. Biến nó thành một cái hồ, chúng ta vừa có thể tìm kiếm những dấu vết khác thêm vào pho lịch sử mù mờ của chúng ta, vừa góp phần giải quyết nạn lụt cho thủ đô. Theo nhiều ý kiến thì một trong những lý do khiến Hà Nội ngập úng khi mưa là tình trạng san lấp, xâm lấn các ao đầm để xây nhà.
3.
Trong Next, một bộ phim sản xuất tại Hollywood năm 2007, tài tử Nicolas Cage đóng vai một ảo thuật gia có tài đoán trước những gì sẽ xảy ra trong vòng 2 phút tới. Năng lực thiên bẩm của nhân vật này đuợc FBI phát hiện và, sau nhiều diễn biến gay cấn với sự xuất hiện của một bóng hồng, anh ta đã trở thành vị cứu tinh của nước Mỹ truớc thảm hoạ khủng bố bằng vũ khí nguyên tử.
Chỉ biết trước 2 phút thôi mà đã như vậy, nói gì là biết trước cả mấy tháng, một hay hai thập niên? Tuy nhiên công việc dự báo không phải là khả năng tiên nghiệm như câu chuyện trên mà một công việc khoa học, duy lý. Hồi còn sinh viên tôi đã ghi danh môn học nhiệm ý Business Forcasting và khám phá rằng, chủ yếu, đó là môn toán thống kê áp dụng với kinh tế học.
Trong môn học này sinh viên phải biết phân tích sự thay đổi đột ngột trong mối quan hệ toán học của các yếu tố kinh tế – tài chính thông qua các biến cố kinh tế, xã hội và chính trị. Nếu gọi y là một chỉ số thị trường cần dự đoán trong tương lai, chẳng hạn như tỷ số lạm phát thì chúng phải xác định rằng hiện tại và trong quá khứ y đã có biến thiên như thế nào trong mối quan hệ với các biến số khác như dân số, giá trị đồng tiền, cán cân mậu dịch, tỷ lệ thất nghiệp, GDP bình quân đầu người v.v…
Nói theo ngôn ngữ toán học thì nếu gọi các biến số trên là a, b, c, d, e thì phải làm sao để xác định được hàm số y = f[a, b, c, d, e..] và  quan hệ toán học “f” này có là quan hệ bậc hai, bậc ba, hàm số mũ v.v… Đó là những mối quan hệ phi tuyến, hoàn toàn bất khả đoán  nếu chúng ta chỉ suy diễn bằng logic thông thường và, quan trọng hơn, luôn luôn là những quan hệ gián đoạn.
Trong nửa đầu thập niên 60 thì có thể quan hệ sẽ là y = f[a, b, c, d, e] nhưng sau đó sẽ khác đi vì những biến cố mới hay sự xuất hiện của các “biến số” mới, tỷ như một cuộc cách mạng kỹ thuật, những quan hệ thương mại mới, những nguồn tài nguyên mới khám phá hay chính phủ thiên hữu hơn hay thiên tả hơn. Như thế, theo thời gian quan hệ không còn là y = f[a, b, c, d, e] mà là y = g [a, b, c, d, e] hay y = g [a, b, c, d, e, f, i, j, k] v.v…
Tạm gọi tình hình Việt Nam năm 2010 là y 2010 thì để xác định y 2020 hay y 2030 một cách khoa học việc trước tiên chúng ta cần xác định quan hệ giữa những y 2000, y 2005 , y 2009 đó với các “biến số”.
Nhưng các “biến số” đó là gì? Tình trạng kinh tế Việt Nam? GDP bình quân đầu người? Áp lực ngoại giao về các vấn đề nhân quyền? Trình độ quan trí và trình độ trí? Tỷ lệ tiến sĩ và thạc sĩ giả trên tiến sĩ và thạc sĩ thật? Mức đầu tư ngoại quốc? Ngân sách dành cho ngành tuyên huấn và công an? Ngân sách mà chính quyền đổ ra để mua vui cho công chúng theo “tinh thần văn nghệ” và “tinh thần thể thao? Và chúng ta còn phải chú ý đến cả sự hình thành và sức thu hút của…  diễn đàn talawas nữa chứ.
Với tôi việc xác định những “biến số” gây tác động và thiết lập mối quan hệ định lượng giữa chúng với tình hình Việt Nam trong hiện tại đã là khó, nói gì là khai triển cho 10 hay 20 năm tới.
Nhưng rõ ràng là để có một sự thay đổi, để tạo ra sự thay đổi cho tình hình thì chúng ta cần có những diễn đàn có sức thu hút như talawas và tôi dài dòng văn tự như thế này là để nhấn mạnh vai trò và di sản của talawas, như một lời chia tay và lời cám ơn đến với BBT talawas.
Xin cám ơn.
© 2010 Nguyễn Hoàng Văn
© 2010 talawas
Trịnh Lữ trả lời phỏng vấn của talawasChia tay với talawas, bỗng nhớ đến câu Nothing gold can stay… Mùa sang mùa, sự sống có đồng nghĩa với tiến hóa chăng? Nói gì ư, chi bằng mượn một vài lời của một bậc tiền bối để bộc bạch những gì đang tự nhiên chợt đến trong lòng, tự nhủ hãy một lần đừng làm dịch giả:
Freedom had been hunted round the globe; reason was considered as rebellion; and the slavery of fear had made men afraid to think. But such is the irresistible nature of truth, that all it asks, and all it wants, is the liberty of appearing.
(Thomas Paine, Rights of Man, 1791)
A little matter will move a party, but it must be something great that moves a nation.
(Thomas Paine, Rights of Man, 1792)

Society in every state is a blessing, but government, even in its best state, is but a necessary evil; in its worst state an intolerable one; for when we suffer or are exposed to the same miseries by a government, which we might expect in a country without government, our calamity is heightened by reflecting that we furnish the means by which we suffer.
The Sun never shined on a cause of greater worth.
(Thomas Paine, Common Sense, 1776)
Được cầm quyền tuyệt đối trong 24 giờ ư? Tôi sẽ lệnh cho tất cả các kênh truyền thông đại chúng đăng truyền trực tiếp không ngừng nghỉ những lời nói thật của mọi người, chỉ những lời nói thật mà thôi…
Ngôi Lời vẫn là khởi thủy và bất tử. Cảm ơn talawas đã cho chúng ta được cất Lời. Cũng như mọi hình hài khác, talawas sẽ thôi hiện hữu, nhưng Ta Là Gì đã thành một Lời tự vấn nảy mầm bắt rễ trong những tấm lòng tử tế.
© 2010 Trịnh Lữ
© 2010 talawas
-Hà Sĩ Phu – Một lá ngô đồng, một lá nho!
Cổ thi Trung Hoa có câu thơ nổi tiếng:
Ngô đồng nhất diệp lạc ,
Thiên hạ cộng (tận) tri thu (盡)
Thấy một lá ngô đồng rụng, mọi người đều biết mùa thu đã về.

Không chỉ bởi nét đẹp “mùa thu lá rụng”, câu thơ cổ chinh phục các nghệ sĩ và thức giả muôn đời chính bởi nét đẹp triết lý. Ở đây có quan hệ giữa cái cụ thể là chiếc lá rụng với cái trừu tượng là mùa thu, tình thu, hơi thu…! Lại có quan hệ giữa cái “một” đơn chiếc và cái tổng thể, “thiên hạ”, “cộng” hoặc “tận” là yếu tố rộng lớn, bao trùm. Lại có quan hệ giữa cảm giác nhìn thấy lá rụng trước mắt, với “tri” tức tri giác, là bước phân tích và tổng hợp của tư duy trừu tượng bên trong não bộ.
Sở dĩ chỉ nhìn qua mà biết, nhìn vật nhỏ mà biết điều lớn, nhìn hiện tượng bên ngoài mà biết bản chất bên trong là bởi thiên nhiên vốn có quy luật, mọi thứ đều ràng buộc với nhau chặt chẽ, cái nọ là kết quả của cái kia, cái này là tín hiệu của cái khác.
Trời sinh vạn vật nhưng ràng buộc chúng với nhau như vậy, vạn vật tương quan, nên dẫu “thiên ngôn” mà vạn vật vẫn cứ hữu duyên, hữu lý, hữu tình, một vài tín hiệu cũng tự nói thay tất cả.
Dẫu là một thi nhân đa cảm hay một thức giả  túc trí, bằng những kênh riêng đều “ngộ” được lẽ huyền diệu ấy, nên họ thường kiệm lời. Hội họa cũng vậy, tranh thủy mặc, nhất là tranh Tề Bạch Thạch chỉ khắc họa vài nét đơn sơ, tưởng như rời rạc mà dưới mắt người thưởng ngoạn những nét chấm phá ấy cứ nối vào nhau, tạo nên những chỉnh thể sinh động, lấp lánh. Người thưởng ngoạn sẽ tự lấp đầy những khoảng trống mà họa sĩ hay thi nhân kia chẳng cần mô tả, nên tự cảm thấy mình được ủy nhiệm hoàn thành nốt quá trình sáng tác như một đồng tác giả. Trong khung cảnh ấy con người như thấy mình được đắm trong một thiên nhiên khoáng đạt, thanh cao, được chủ động khám phá, được tôn trọng, thì đáp lại, anh ta tự nhiên thấy mình cũng phải đáp ứng một cách nhạy cảm, trí tuệ, thanh cao, phải tự nâng mình lên cho xứng. Ta thấy trong lòng yên ả, cuộc sống sao mà đẹp!

Thơ như thế, họa như thế, biết lắng nghe những tín hiệu từ lúc còn thầm kín, manh nha, mà đã hiểu nhau và đáp ứng nhau tương xứng, phải chăng đó chính là nét đẹp truyền thống của phép ứng xử phương Đông, văn hóa phương Đông?
*
Tiếc thay nét đẹp văn hóa truyền thống ấy dường như đã biến mất khỏi xã hội ta hôm nay.
Chưa cần tìm đâu xa, chưa cần cọ xát trực tiếp với phố phường kẹt xe, ẩu đả, văng tục, chẳng thèm để ý đến ai, soi đuốc khó tìm một cử chỉ tế nhị, thanh lịch; chỉ cần ngồi trong nhà, nhắp chú chuột vi tính, đọc những tin cả “lề phải – lề trái” về những vấn đề lớn đang chi phối bầu khí quyển xã hội, ta sẽ thấy một cơn bất an, vẩn đục, náo loạn nổi dậy trong lòng.
Từ những dự án khổng lồ như khai thác Bô-xít Tây Nguyên, dự án tàu cao tốc xẻ dọc Bắc Nam, đại chương trình Lễ hội Thăng Long nghìn tuổi, chương trình mở rộng thủ đô, thái độ giữ gìn biên cương tổ quốc… đến những chương trình nhỏ hơn như cải cách giáo dục, đào tạo tiến sĩ và dựng bia tiến sĩ, làm thế nào để chống tham nhũng, chống nạn cướp đất của dân…, tất cả đều khiến ta đồng cảm ngay với những từ ngữ tả sự trơ lỳ đến cực độ của nhân tình thế thái: này đui điếc, cố tình, ngụy biện, này nước đổ lá khoai, nước đổ đầu vịt, này cố đấm ăn xôi, cãi chày cãi cối…!
Những thông tin đập vào tai vào mắt đã không còn là những tín hiệu, những dự báo, mà đã thành những sự thật rành rành, thậm chí dù đui mù cũng phải biết, mà những người có trách nhiệm vẫn làm như không có gì xảy ra, như “không có gì mới” hết. Trước những lẽ phải tưởng đến “củ cải” cũng phải nghe, mà xem chừng người ta còn lỳ hơn củ cải. Có blogger phải bực mình thốt lên: Ừ thì có gì mới, nếu thành nô lệ của Tàu thì cũng đã bị Bắc thuộc 1000 năm rồi chứ mới gì đâu? Điều ngược đời là những phong cách trơ lỳ này lại ở những người thường lấy đặc điểm văn hóa phương Đông để phản bác những người không cùng chính kiến. Người phương Đông nhìn chiếc lá rơi đã biết cả một một thu đã về, nay thấy cả một làn sóng của giới trí thức và nhân sĩ lên tiếng ầm ầm như vậy mà những người có bổn phận phải lắng nghe lại không hề giật mình rằng thời thế đã biến đổi, nước đã đến chân, rằng niềm tin của dân đã rụng vèo vèo hơn lá rừng mùa thu hay sao?
Nhân bài thơ về chiếc lá ngô đồng, kẻ văn nhân không khỏi lan man nghĩ về những chiếc lá như một mô-típ giàu biểu cảm trong văn học: chiếc lá cuối cùng, chiếc lá đầu tiên, chiếc lá tình yêu, chiếc lá cô đơn, chiếc lá vô tình, chiếc lá thu phai, lá rụng trong vườn… và cả chiếc lá đa nữa. Nhưng liên quan đến câu chuyện về sự tế nhị và thô thiển, về sự thanh lịch và trơ tráo thì độc chiếm văn đàn là chiếc lá nho.

Không biết tự bao giờ chiếc lá nho đã được chọn làm tấm bình phong, làm vật trung gian hòa giải cho cái tục trước cái thanh, cái thô trước cái tinh, cái giả trước cái thật, cái xấu trước cái đẹp, cái ác trước cái thiện…, để những mặt đối lập ấy có thể cùng chung sống? Lá nho, tức lá bồ đào 葡萄, vì thế đã thành thứ lá ngụy trang, che mắt người đời.
Chiếc lá nho tuy thuộc loại lá có diện tích vào loại lớn nên được dùng làm vật che đậy, song nó chỉ có tác dụng ngắn hạn. Những vật liệu khác kiên cố hơn nhiều, như “mo” như “thớt” mà còn bị lật ra, hỏi chiếc lá nho bền được bao lâu?
Xứ sở của những câu thơ, những bức họa kết tinh của triết lý, tinh tế, nhạy cảm, phong nhã như bài về chiếc lá ngô đồng, như tranh Tề Bạch Thạch, là xứ Trung Hoa. Nhưng có mấy ai biết đây cũng chính là xứ sở thiên tài về sử dụng chiếc lá nho che sự chai lỳ? “Mười sáu chữ vàng” và “chiêu bài bốn tốt” chẳng phải là chiếc lá nho một thời hiệu nghiệm, từng che được bộ mặt khả ố của cả kẻ bán lẫn kẻ mua đối với giang sơn gấm vóc và văn hóa kiêu hùng của ta đấy ư? Nhưng dân Việt là dân Phù Đổng, bình thường thì như đứa trẻ thơ, mà khi có giặc là vụt lớn lên trăm trượng, có thiên lý nhãn, biến tre trúc thành gươm đao, biến sắt thành ngựa chiến, biến  hơi thở thành cuồng phong rực lửa, thì một chiếc lá nho kia chịu được mấy nả mà lo? Thắng bại chưa nói, nhưng chiếc lá nho đã rụng.
Vậy xin “update” câu thơ cổ tuyệt diệu kia thành:
BỒ ĐÀO nhất diệp lạc 葡萄,
Thiên hạ cộng tri… THÙ! (盡)…讎
(một chiếc lá nho rớt xuống, cả thiên hạ trông rõ mặt kẻ thù)
Và câu thơ Việt ứng tác:
Biển Đông rụng một lá nho
Tái tê “ba vạn”, tô hô… cửu trùng.
Đà Lạt ngày 1-11-2010
© 2010 Hà Sĩ Phu
© 2010 talawas
-Bùi Xuân Bách trả lời phỏng vấn của talawas
Theo tôi nghĩ thì đây là một trò chơi ảo, một truyện khoa học viễn tưởng, nhưng được phép tham gia thì cũng nên tham gia. Phát biểu của mọi người đúng ra thì cũng chỉ là những mong ước trước một thực tế không lấy gì làm hay ho lắm (còn nói trắng phớ ra là quá tệ) của nước mình. Với góc nhìn hạn hẹp của mình tôi chỉ xin phát biểu về một vấn đề thôi.
1.
Giáo dục, giáo dục và giáo dục (có lẽ cái nhìn của tôi là do bệnh nghề nghiệp). Biết bao nhà trí thức nổi tiếng đã lên tiếng rồi nhưng vẫn “đàn gẩy tai trâu”. Giải quyết được vấn đề gốc rễ này rồi thì mỗi con người sẽ hành xử khá hơn, phải đạo hơn và những chuyện từ nhỏ (như nữ sinh đánh nhau, rác vứt bừa bài…) cho đến lớn (như tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình…) sẽ tự tiêu. Nhưng dù có bắt đầu ngay từ bây giờ (từ lớp 1) thì cũng phải 16 năm sau (12 năm phổ thông + 4 năm đại học) mới bắt đầu gặt hái được kết quả. Thà muộn còn hơn không.
2.
- Thực hiện ngay những điều các bác, các chú, các anh chị em đã phát biểu trong loạt phỏng vấn này. Mời chính những người ấy chỉ đạo các projects này, có toàn quyền chọn người, lấy người cũng như mời các chuyên viên trong ngoài nước để cùng thực hiện thành công những dự án này.
- Mời tất cả trí thức người Việt ở hải ngoại mỗi năm 3 tháng về nước tham gia giảng dạy, xây dựng các đề án v.v… Trả lương ít nhất bằng một nửa lương thực tế của họ (tuy/dù ta còn nghèo) và chi phí đi lại. Không phải trong nước không có người tài nhưng chưa đủ để làm một cú sốc điện. Ta cần một cú sốc điện để bật dậy chứ tiến độ như hiện nay thì càng ngày càng tụt lại so với các nước khác. (Tiếc thay đây chỉ là một giấc mơ.)
3.
Năm 2010 thì gần hết rồi và mọi người đều đã biết hiện tình ra sao.
Năm 2020: Nguyễn Y Vân
Năm 2030: Có thay đổi nhiều vì giàn lãnh đạo trẻ trung hơn, hiểu biết cao và rộng hơn (tức là có tầm nhưng tâm thì chưa biết được). Thế nhưng chúng ta đã chậm mất 20 năm rồi còn gì. Than ôi!
© 2010 Bùi Xuân Bách
© 2010 talawas
-Nam Dao trả lời phỏng vấn của talawas
Phỏng vấn cuối cùng? Sao hai chữ cuối cùng nghe như có gì xót xa? Và thật có là cuối cùng không?
Câu hỏi thứ nhất
Đọc talawas 9 năm ròng, tôi thấy diễn đàn quan trọng này đã đặt ra 4 vấn đề, tất cả đồng qui về vấn đề thứ 5 như một tất yếu lịch sử. Ngắn gọn, 4 vấn đề đó là:
1. Vai trò của tầng lớp trí thức trong vận động của mọi xã hội mà Việt Nam là một trường hợp âm ỉ những mâu thuẫn văn hóa và lịch sử khá gay gắt;
2. Vạch trần sự cướp đoạt dân quyền và nhân quyền của một chính thể chuyên chính độc trị; điển hình là hồ sơ Nhân văn-Giai phẩm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, đến vụ án Xét lại, rồi hồ sơ Học tập Cải tạo sau “giải phóng”, và mới gần đây là cuộc đàn áp những người lên tiếng bảo vệ cương thổ và lĩnh hải (đường biên giới, Hoàng Sa-Trường Sa);
3. Sự cần thiết tái lập một xã hội dân sự trong hoàn cảnh Việt Nam, trong đó đạo lý xã hội suy thoái trầm trọng, tính vô cảm giữa con người với nhau tăng theo cấp số nhân, và tâm thế bất lực của cá thể trước định mệnh “an bài” của cả xã hội. Sự thụ động này được khéo léo vận động và nuôi nấng nhằm giữ quyền lực như mục đích tối hậu của chế độ;
4. Tính quanh co mâu thuẫn trên lý thuyết và sự bất khả thi trong thực tế của cái được định danh là “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính cái đuôi của cụm từ này đã tạo ra căn ung thư toàn bộ từ não trạng đến mọi bộ phận xã hội: qua văn hóa phong bì, tham nhũng hàng dọc từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, tham nhũng hàng ngang giữa những ban, bộ trong mọi ngành, mọi cấp. Chồng chéo như một bàn cờ thiên la địa võng vạch vẽ lung tung, tham nhũng “bao la” được biện minh bằng chuyện quân không ra quân tướng chẳng ra tướng, trên bảo dưới không nghe, bào chữa bằng cách nhai lại “chính sách đúng nhưng thực hiện chưa tốt”. Khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là một cụm sáo ngữ. Thực tế, Đảng kiêm hết, cả lãnh đạo, quản lý và nhất là làm chủ. Chủ thì muốn làm gì cứ làm, mafia hóa, cướp đêm thành chân tay bọn cướp ngày. Nếu tính toán thì chí ít đám cướp ngày cướp được 30-40% tổng số nợ công của Việt Nam vay mượn để đầu tư, và số nợ này theo Quốc hội mới chính thức công bố là khoảng 60 tỉ USD. Nhân dân Việt Nam, sau một cuộc chiến đằng đẵng 30 năm với hơn 5  triệu người hy sinh trên mọi miền, vừa bảnh mắt trong buổi sáng của hy vọng đã bị ngay một quả lừa mất từ 12 đến 16 tỉ USD vào tay khoảng trên dưới hai, ba ngàn người nắm chốt quyền lực từ hai chục năm nay.
Bây giờ, tôi xin phép lưu ý một điểm. Quả talawas đã đẩy trình độ nhận thức những vấn đề xã hội của Việt Nam lên một mức cao, trong một diễn đàn truyền thông tôn trọng những giá trị đích thực như tự do, dân chủ, cầu thị và khiêm cung. Thông tin trong diễn đàn này đa dạng, nghiêm túc, tạo ra những tranh luận từ lý thuyết đến nghiệm sinh thực tiễn rất phong phú dành cho tầng lớp có ăn có học. Bởi Việt Nam đối mặt với vô số vấn nạn nên có rất nhiều “hồ sơ” giá trị, nhưng cũng vì số nhiều  mà tản mạn khiến người đọc khó có thể đạt đến một ý thức chính trị tổng thể. Chính ý thức này mới có khả năng động viên không chỉ trí thức mà còn mọi tầng lớp xã hội để tiến đến những hành động cụ thể. Không có hành động, mọi ý thức đều “suông”, và dẫu tự thân là điểm khởi đi, nhưng đi mà không có điểm đến nên cuộc hành trình bơ vơ này chỉ có thể kết thúc bằng sự vong thân tha hóa, tâm thế bất lực, sự phục tòng quyền uy, và ảo vọng chỉ mình mới “cứu” được mình mà bất cần đến môi trường xã hội. Con người xã hội chết như thế, và lịch sử vậy là đã đèo lên mình bản án tử hình trong khi đợi giờ hành quyết? Nhưng nếu lịch sử sống – tức những con người  chủ thể có khả năng hành động – không thúc thủ đợi giờ cáo chung, thì sao?
Ý thức, hòn đá giẫm chân lên để chúng ta cùng nhau vận động lịch sử chưa cáo chung, là đòn bẩy hành động. Đây là vấn đề hệ trọng thứ 5 mà talawas đã hỏi. Nói ngay, tôi xin thưa thốt dăm tiêu đề về những ý thức này như một cố gắng trình bày những gợi ý sơ bộ để tham khảo, lòng tha thiết mong muốn có khả năng khơi dậy những đóng góp của các bạn cùng tâm nguyện cho một Việt Nam vững mạnh, Việt Nam của chúng ta chứ không phải Việt Nam mà vận mệnh chỉ tùy thuộc vào một nhóm người tự ban phát độc quyền lãnh đạo. Những ý thức đó là gì?
Thứ nhất, đó là tinh thần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải cha ông ta để lại. Chúng ta tuân thủ những qui ước quốc tế, giải quyết mọi khác biệt trong đối thoại, nhưng không thể ép mình trước những áp lực bành trướng như những  kẻ bán nước  đổi lấy sự ổn định quyền lực cá nhân và phe nhóm.
Thứ nhì, trước tình hình suy thoái con người đến mức độ vong thân, chúng ta chủ trương đẩy mạnh triển khai xã hội dân sự, hầu tái vũ trang tinh thần và đạo lý xã hội. Trên cơ sở này, phải thực sự tôn trọng quyền tự do tư tưởng và quyền tự do tôn giáo.
Thứ ba, công cuộc tạo dựng một xã hội dân sự này chỉ có cơ thành hiện thực nếu nền chính trị Việt Nam thực sự dựa trên căn bản dân chủ pháp trị trong đó dân quyền và nhân quyền cơ bản mà Việt Nam đã từng ký kết trong khuôn khổ quốc tế  phải được tôn trọng. Đặc biệt, Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp tối cao thể hiện lòng dân trên cơ sở dân biết, dân kiểm tra. Để dân biết, phải tôn trọng tự do ngôn luận và báo chí, chấm dứt ngay mọi đàn áp của chính quyền đối với những người làm việc  trong ngành truyền thông có chính kiến khác. Những thành viên của Quốc hội không  bắt buộc là đảng viên ĐCSVN, cần chuyên nghiệp, mang trách nhiệm lập pháp, nhiệm vụ trước toàn dân là đề ra những chính sách và kiểm tra việc nước, không cần và không được kiêm nhiệm những chức năng khác như lãnh đạo và quản lý chủ yếu thuộc khu vực hành pháp.
Thứ tư, chống tham nhũng phải coi như chính sách hàng đầu để giữ nước trước nạn bá quyền đế quốc, và để phát triển xã hội Việt Nam một cách hài hoà trên bước đường hội nhập vào thế giới. Muốn chống tham nhũng, phải tránh chuyện vừa đá bóng vừa huýt còi: Quốc hội trách nhiệm chính sách, và phải có những phương tiện kiểm tra mới có thể hoàn thành nhiệm vụ giám sát. Đồng thời, để nghiêm minh, hệ thống tư pháp phải tách bạch khỏi hành pháp như một quyền lực độc lập.
Thứ năm, nền kinh tế hiện hành với kinh tế nhà nước là chủ đạo với những tập đoàn kinh tế và tổng công ty được hưởng đặc quyền đặc lợi do quyền lực chính trị ban phát phần lớn kém hiệu quả, lãng phí, và là nơi tham nhũng hoành hành đến mức không tưởng tượng nổi. Tham nhũng cũng tác động đáng kể đến sự thất thoát thuế, tiến độ công trình trong những dự án có vốn nước ngoài, và những dự án đấu thầu (mà Trung Quốc trúng thầu đến 90%). Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân dẫu  bị o ép bất lợi nhưng vẫn chứng tỏ có khả năng làm ăn có hiệu quả, đóng góp khả quan vào ngân sách và cán cân thương mại quốc tế. Hệ luận tất nhiên của những nhận định trên là phải bóp nhỏ lại nền kinh tế quốc doanh hiện phình quá mức và thôi không phân biệt đối xử với khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực sản xuất nào, với tỷ trọng bao nhiêu, và với chiến lược phát triển kinh tế ra sao để nâng cấp công nghệ Việt Nam trên con đường hiện đại hóa là những nhân tố quyết định tầm mức của cơ sở nền kinh tế quốc dân chứ không tùy tiện tràn lan như hiện nay. Trong trường hợp cần giữ những đơn vị kinh tế nhà nước do chức năng chiến lược và hiệu quả tốt thì phải nhắm đến niêm yết những đơn vị này trên thị trường chứng khoán quốc tế, nghĩa là phải được kiểm tra tài chính và kết toán một cách minh bạch.
Thứ sáu, phải đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững, trong đó khai thác tài nguyên có tác động xấu trên môi trường thiên nhiên cần được soi xét dưới góc độ an  ninh quốc phòng, góc độ khoa học, xã hội cũng như văn hóa. Trường hợp hiện tạo nhiều xung động trong dư luận là khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên với thảm họa bùn đỏ đe dọa. Khai thác, cho thuê rừng đầu nguồn, biến đất nông nghiệp thành sân golf và khu du lịch, hoặc bán rẻ than rồi nay đi mua về để chạy nhà máy nhiệt điện là những thí dụ chứng minh tầm nhìn ngắn và hời hợt của những quan chức có trách nhiệm… Cũng xin lưu ý, những khâu này sở dĩ thế cũng là vì văn hóa phong bì và nạn cướp ngày trên toàn cõi. Trong chiến lược kinh tế, xin chớ đi tắt và đón đầu tếu táo. Trên cơ sở tiệm tiến, nông nghiệp còn giữ một vai trò quan trọng. Và thế thì hãy trả đất cho nông dân, đúng chính sách người cầy có ruộng, từng là yếu tố đánh thắng giặc ngoại xâm.
Thứ bảy, hãy trả lại chức năng và bổn phận cao quí của quân đội và lực lượng công an là trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân. Bảo vệ đất nước để toàn vẹn lãnh thổ – lãnh hải, và “thức cho dân ngủ” không nhất thiết là phải “làm kinh tế” để mang lợi nhuận nhét vào túi quan tham.
Thứ tám là vấn đề dân sinh. Trong hai lãnh vực y tế và giáo dục, khó có trường hợp nào xuống cấp như hiện tình Việt Nam. Đi học, thì nay phải đóng tiền. Trẻ em học thêm đến mờ mắt, người lớn thì trưng bằng cấp (giả) tràn lan, ra ngõ là gặp thạc sĩ với tiến sĩ lông nhông đầy đường. Bệnh vào nhà thương thì bông băng cũng phải mua, và đến đâu mà không lót tay thì thôi nhé, xin chào, lý do là “ta xã hội hóa” những dịch vụ này rồi. Thật mỉa mai, và thật trơ trẽn, cho những kẻ mạo danh xã hội  chủ nghĩa mà để khâu dân sinh này còn kém cả những xã hội tư bản hoang dã! Vậy, phải tập trung cố gắng cải cách hai khâu y tế và giáo dục, chí ít thì cũng nên bắt  đuôi Indonesia hay Philippines!
Chúng ta đã được thưởng thức “Cương lĩnh của ĐCSVN” chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI sắp tới. Áng văn này nhai lại những điểm chính đã ghi trong cái Cương lĩnh cũng của Đảng này năm 1990. Đối đầu và trực diện, cần có một Cương lĩnh khác làm cơ sở vận động dư luận. Theo thiển kiến, điều này quan trọng hơn những cái ta đã nói đi nói lại về chuyện ý thức hệ này nọ ở trong nước đang lộng giả (cộng sản, xã hội chủ nghĩa) thành chân (tư bản hoang dã dạng 100% hiện thực), hoặc nhân sự Đại hội XI như ai sẽ là Tổng Bí thư, ai Chủ tịch Quốc hội, ai Thủ tướng…
Đánh liều, tôi vừa mạo muội vài lời gợi ý cho một vấn đề hệ trọng có tính quyết định: lịch sử vận chuyển một cách biện chứng từ ý thức đến hành động, mang khả năng kết tinh thành hiện thực vì tự thân là tất yếu. Và tôi mong có âm vọng hồi đáp.
Câu hỏi thứ hai
Nếu có quyền tuyệt đối (như Thượng đế) trong một ngày, thì phải làm gì? Thưa, tôi  tuyệt đối không bắt ai làm gì, chỉ xin mọi người Việt Nam còn tâm huyết với tiền đồ dân tộc cùng nhau tạo cơ sở ý thức cho những hành động thực tiễn mong gấp gáp tránh vết xe lăn vào một ngàn năm Bắc thuộc.
Câu hỏi thứ ba
Gần hết 2010, nhưng tôi  dùng “ngoại cảm” thấy một chuyện xẩy ra đầu năm 2011. Trước khi nói đến chuyện này, tôi  mạn phép nhắc lại một chút tư riêng. Cách đây 9 năm, trước  khi talawas ra đời, chị Phạm Thị Hoài có trao đổi với tôi, và khi đó tôi đã “dám” thưa rằng tôi sợ nền văn hoá Việt Nam có thêm một nhà báo nhưng mất đi một nhà văn mà tôi rất trìu mến. Nhà báo đã có đấy, từng chèo chống trong phong ba, tạo được một diễn đàn phong phú và vô cùng ích lợi cho những ai tìm một tập hợp những ý thức cần thiết tạo cơ sở cho những thay đổi tất yếu.
Và nhà văn, thì vẫn còn đó. Tôi biết chị còn một cuốn sách chị bảo phải viết. Chắc chắn tôi sẽ được đọc thôi.
Tôi chỉ còn một thắc mắc: từ nay cho đến tháng 2 năm 2011 chẳng lâu, cớ gì phải vội vã đóng cửa talawas? Trước Đại hội  XI mà thiếu talawas thì có khác gì chúng ta phải ăn một bát phở “không người lái” ở thời hội nhập này? Xin chị Hoài và BBT  talawas nghĩ lại!
Không, bằng “ngoại cảm” tôi tin đây không phải là bài phỏng vấn cuối cùng. Và xin đợi một gia hạn cho lời chia tay.
© 2010 Nam Dao
© 2010 talawas
Nguyễn Đức Tùng – Chín bài thơ giã biệt talawas
1. TRƯỜNG HỢP BẤT NGỜ
Sau lời khai nhận tội
Anh sớm được thả ra
Anh đi thẳng một mạch
Nhưng không về nhà
Mưa đang rơi trên đường phố Sài Gòn
Nơi anh đi qua
Trước những người phụ nữ cầm hoa đứng chờ anh bên cửa
Họ giấu chúng sau lưng, lặng lẽ
Thả xuống mặt đường ròng ròng mưa
Anh đi qua
Những người ném đá
Đi thẳng một mạch, không bao giờ
Quay lại. Ngay khi mưa
Đã tạnh. Ngay cả trong bóng tối
Nơi anh có thể trở về
Ngồi khóc một mình
Cho tất cả chúng ta. Những sĩ quan
thời Ngụy. Những Việt cộng
nằm vùng. Những anh hùng chống Mỹ
Những trí thức trong sạch
Anh đi thẳng một mạch
Vào sâu trong gương
Đặt ở cuối đường
Mang theo anh
Địa chỉ, gia tài, hồ sơ, nhân thân, lý tưởng
Để mặc tất cả chúng ta
Chết cha nó trong địa ngục.
2. CÁNH ĐỒNG
Sau ba năm chung thủy
Với người chồng đi xa
Chị đã thất tiết
Một cách lạ kỳ
Với người đàn ông xanh mét
Lùn hơn chị rất nhiều
Trong một buổi chiều bão tố
Khi chúng tôi đến đó
Người đàn ông đã đi rồi
Chỉ còn vết xước trên đồng lúa
Của đĩa bay mà thôi
3. CHIM ÉN
Chị tham gia cách mạng
Trả thù cho gia đình
Bị bắt và tra tấn
Chị một lòng kiên trinh
Tình cảm còn ướt át
Yếu mềm như tiểu thư
Chị đã không bóp cò
Để thằng địch chạy thoát
Tên ác ôn chiêu hồi
Cuối cùng cũng bị diệt
Để lại vợ và con
Chị về sau giải phóng
Làm cán bộ tuyên truyền
Mặc áo vá sờn rách
Lội ruộng cùng bà con
Cũng có khi nhầm lẫn
Được góp ý chân thành
Chị lại sửa sai ngay
Vợ của tên chiêu hồi
Bỗng uống thuốc tự vẫn
Chắc vì quá hối hận
Để lại đứa con út
Còn vô tội ngây thơ
Chị đùm bọc hết mình
Thoát khỏi vòng định kiến
Thằng con đầu hư hỏng
Mang mối thù vượt biên
Sang đến tận New York
Tuyên truyền chống dân tộc
Thằng thứ hai lao đầu
Vào ô tô chết quách
Đáng thương nhưng đáng kiếp
Chẳng ai hiểu vì sao?
4. THẦY TỬ VI NÓI VỚI MẸ TÔI
Cô sẽ gặp một chàng trai mà cô yêu bằng nước mắt
Sau đám cưới, chồng cô sẽ bị bắt
Đừng lo, anh ấy sẽ được thả ra
Sau ba mươi ngày, nhưng phải trốn đi xa
Cô cẩn thận coi chừng nhà cửa
Nhà sẽ cháy ba lần, dựng lại ba lần nữa
Cô sẽ có năm đứa con rất xinh
Đứa đẹp nhất sẽ chết vì chiến tranh
Cô sẽ đi qua cánh đồng có nhiều xác chết
Sẽ khóc người thân ba lần nhưng không được cho ai biết
Nếu trên đường cô gặp một lão già áo đen
Đừng sợ hãi, cứ chơi đùa vui vẻ
Với trẻ con hắn chỉ đến nhìn mặt thôi mà
Nhưng cô sẽ gặp lại hắn bên kia sa mạc Sahara
5. MẸ CỦA CHÚNG TA LÀ MỘT NGÀY
Mẹ của chúng ta là một ngày
Khi về nhà buổi trưa nóng nực
Anh nằm lăn ra ngủ một giấc
Trên tấm phản bóng như gương
Như một người đã làm xong bổn phận
Không nghe cột kèo răng rắc
Mối mọt thời gian
Cái còn lại của một ngày
Không phải là tro bụi
Tỉnh dậy, mặt trời sắp lặn
Ánh sáng gỡ xong tấm mạng che mặt
Ra khỏi tâm hồn anh
Ngoài hiên con ong bay rì rào rì rào
Đó là một ngày
Anh có thể làm bất cứ điều gì
Đi thăm mối tình đầu
Gõ cửa phòng chị anh và hỏi
Đôi giày của em đâu?
Đó là ngày anh gặp lại
Kẻ thù xưa trong ngõ hẻm
Kẻ cướp đi của anh: nhà cửa, bạn bè, mẹ cha, tuổi trẻ
Một tên cướp đã già, lưng cong, má hóp, mắt mờ
Đi bán ve chai, rao khản giọng
Anh chửi thề một chặp
Rồi phá lên cười
Rồi lại khóc
Rồi quay mặt đi
Rồi lại cười
Đó là một ngày
Anh mở toang các cánh cửa của dòng sông
Quét sạch mạng nhện trên mặt hồ sen hồng
Nằm ngửa trước sân đình
Mơ màng nhớ người con gái
Hôn anh đánh chụt một cái
Năm 13 tuổi
Đó là ngày
Anh đứng
Ngắm một người tòng teng miệng vực
Trên đầu: con cọp, dưới chân: hang núi
Hai con chuột : trắng, đen
Sắp cắn đứt dây leo. Một ngày giếng trong leo lẻo
Anh về đầu làng gặp một cây đa
Thấy con chim phượng hoàng bay qua hòn núi bạc
Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi
Trong quán hớt tóc có cây đàn ghi-ta
Và cuối xóm: một nàng thiếu nữ
Đó là một ngày
Anh đã làm xong bổn phận
Khi về nhà
Anh đi thẳng xuống bếp
Như mẹ anh vẫn còn ở đó
Anh đi thẳng tới cái chết
Hỏi thăm tin tức của người thân
Như chưa bao giờ có cuộc chiến tranh
6. SÁNG THỨ HAI
Giận dữ qua mặt một chiếc xe
Ngoảnh lại
Mái tóc
7. NGÀY DÀI
tặng bạn bè thân thiết của tôi
Sáng sớm ra đi
Đèn quên tắt
Đến lúc đêm về
Nỗi quên lại nhắc
8. BÊN ĐƯỜNG
Mọi người dừng lại
Lắng nghe
Một con chim đang hót trên cành
Cho một con chim khác
9. NGỌN LỬA
Bị gọi đi lính
Anh về nhà
Đặt một tay lên bàn
Chặt đứt ngón trỏ
Anh gói nó lại trong tờ giấy báo cũ
Đưa cho mẹ anh
Bây giờ anh về làng
Bạn bè cũ không còn
Anh lang thang một mình thổi sáo
Bằng ba ngón tay
Ngón tay trỏ mẹ anh vẫn giữ
Trong tờ giấy tiền vàng gió thổi rung phần phật.
© 2010 Nguyễn Đức Tùng
© 2010 talawas
Phan Nhiên Hạo – Ta la was
talawas sắp đóng cửa. “Ta là gì” rồi cũng phải đến lúc trở thành quá khứ [was]. Cảm ơn talawas, và xin có vài quan sát sau:
1. talawas sẽ được lịch sử ghi nhận như một diễn đàn quan trọng của người Việt trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21: talawas tập hợp được đông đảo trí thức trong và ngoài nước, có những tác động tích cực lên nhận thức của họ. Những người thiên tả, những nhà văn chủ trương nghệ thuật phi chính trị, gần đây cũng ít nhiều thay đổi quan điểm. Điều này một phần vì sự tồi tệ ngày càng tăng của nhà cầm quyền trong nước, nhưng một phần cũng do những dư luận trên các diễn đàn như talawas.
talawas gắn liền với những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước trong các lãnh vực chính trị, xã hội, văn hoá. Chín năm qua, talawas là diễn đàn có uy tín và có tiếng vang nhất trong việc xiển dương dân chủ, phê phán chế độ độc tài Việt Nam.
talawas góp phần phát triển văn chương qua các thông tin, tranh luận văn học (đặc biệt trên talawas bộ cũ) và các sáng tác có giá trị trên talawas Chủ nhật.
talawas là một trong vài diễn đàn đặt nền móng cho sự phát triển của truyền thông điện tử Việt Nam. Trong hoàn cảnh chính trị Việt Nam, truyền thông điện tử có vai trò quan trọng hơn so với các nước phương Tây. Không chỉ phổ biến thông tin nhanh rộng, nó còn là phương tiện vận động dân chủ hiệu quả.
2. talawas thành công do những yếu tố sau:
Ban biên tập và kỹ thuật của talawas gồm những người có khả năng, bất vụ lợi.
Phạm Thị Hoài, người chủ trương và trực tiếp lo công việc hàng ngày của talawas chín năm qua, là một tổng hợp của hai yếu tố: tính nhẫn nại của người Việt và tinh thần kỷ luật của người Đức.
Phạm Thị Hoài là người có kiến thức rộng, làm việc với sự cẩn trọng, công bằng.
Phạm Thị Hoài không dùng talawas để đánh bóng cá nhân, thái độ rất “cool” này chiếm được cảm tình của nhiều người, đặc biệt giới nhà văn.
3. talawas cũng cho thấy một số vấn đề:
talawas đã tạo ra một diễn đàn mở, đa chiều, nhưng đồng thời cũng là mảnh đất cho một số kẻ cơ hộ múa may. Những kẻ này, có vẻ như càng bị phê phán, chỉ trích, càng lấy làm sướng. Điều này đôi khi làm nản lòng những người nghiêm túc. Dân chủ không có nghĩa là phải thọc chung đũa vào bát canh với những kẻ hôi miệng. Tôi đồng ý với ý kiến sau của dịch giả Nguyễn Ước: “Có lẽ đã qua rồi giai đoạn làm một trang web theo kiểu diễn đàn mở, đã mất quá nhiều công sức lại tạo cơ hội cho thế lực phản động (vừa sợ hãi dân chủ tại quốc nội, vừa trục lợi sinh hoạt dân chủ tại quốc ngoại) có thể khai thác và đánh phá đủ mọi hình thức như thời gian vừa qua. Nay cần một phương thức mới…”
talawas tồn tại chín năm qua nhờ vào sự hy sinh cá nhân của Phạm Thị Hoài và Ban biên tập. Nay talawas sắp đóng cửa, nhiều người vẫn mong sẽ có ai đó đứng ra tiếp tục “vác ngà voi” cho một diễn đàn khác. Tôi nghĩ điều này sẽ khó, và nếu có cũng không bền. Vấn đề là nên nghĩ cách thành lập những quỹ tài trợ (grant). Những quỹ tài trợ này giúp đỡ các cơ quan truyền thông dân chủ trên tinh thần tôn trọng, không áp đặt. Người Việt hải ngoại vẫn thường tự hào về số tiền nhiều tỷ Mỹ kim gởi về trong nước hàng năm, nhưng đến nay vẫn không có những grant giúp đỡ giới truyền thông, nghệ sĩ, và học giả trong cộng đồng. Có lẽ nên bắt đầu với một grant có tên talawas.
© 2010 Phan Nhiên Hạo
© 2010 talawas
-Dũng Vũ trả lời phỏng vấn của talawas

1.
Theo tôi, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là:
  • Lãnh đạo thiếu tài đức, độc đoán, còn mê muội chủ nghĩa.
  • Xã hội thoái hóa (giàu nghèo chênh lệch, đạo đức suy đồi, dân trí xuống dốc).
  • Người Việt chủ quan, không biết mình còn yếu.
  • Thiếu nhân tài xây dựng đất nước.
  • Hiểm họa Trung Quốc xâm lăng.
2.
Tôi không phải là người làm chính trị và cũng không có tham vọng cầm quyền. Tôi chỉ có một suy nghĩ nhỏ sau đây muốn chia sẻ với mọi người:
Xưa nay chúng ta chém giết nhau chỉ vì chủ thuyết cộng sản vốn được cho là nhân đạo. Chiến tranh đã qua nhưng hận thù vẫn còn, xung đột ý thức hệ vẫn còn kéo dài cho đến giờ này. Người lãnh đạo vẫn chuyên chính, cuồng tín, mặt khác đạo đức lại tha hóa, mâu thuẫn với lý tưởng. Không riêng người lãnh đạo mà toàn xã hội cũng xuống cấp, con người trở nên tàn nhẫn, sống thiếu tử tế với nhau, dân tộc thiếu đoàn kết, thiếu thực lực trong khi kẻ thù Trung Quốc ngày càng mạnh và đang muốn nuốt chửng chúng ta.
Hơn nửa thế kỷ đánh nhau, thù hận nhau chỉ vì các thứ ngoại lai đã đủ rồi. Kể từ nay, chúng ta phải trở về con người Việt của mình. Người Việt không cần chủ thuyết cộng sản dạy tính nhân đạo bởi vì tính người Việt đã nhân đạo, sống biết để ý đến mọi người. Người Việt không cần chủ thuyết cộng sản dạy chủ nghĩa xã hội bởi vì người Việt đã là xã hội chủ nghĩa.
Kể từ nay, chúng ta hãy từ bỏ những gì đã làm hại mình, hãy quên đi quá khứ xấu xí. Chúng ta sẽ bắt tay xây lại một Việt Nam mới đúng theo văn hóa, bản tính của mình: Một Việt Nam mới hòa bình, nhân bản, thân thiện với thế giới. Một Việt Nam mới trung lập, hạnh phúc, giàu mạnh, hiện đại hài hòa với con người và thiên nhiên.
3.
Đến năm 2020: Chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc bùng nổ. Việt Nam mất Trường Sa. Rừng Tây nguyên, nơi khai thác bauxite, bị phá hủy hoàn toàn. Hằng năm lũ lụt, bùn đỏ tràn về tàn phá, làm ô nhiễm toàn vùng duyên hải miền Trung. Dân chúng lánh nạn về miền Nam. Miền Trung biến thành đất hoang.
Đến năm 2030: Trung Quốc trở thành cường quốc, thành lập phe “tân Xã hội chủ nghĩa”. Đảng Cộng sản Việt Nam ngả theo Trung Quốc. Việt Nam thành Tây Tạng thứ hai, làm vựa lúa và quặng mỏ cho Trung Quốc. Một cộng đồng lai giống Việt-Hoa trên Tây nguyên nổi lên đòi tự trị.
© 2010 Dũng Vũ
© 2010 talawas
Đoàn Tiểu Long trả lời phỏng vấn của talawas
1. 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì ư? Trước hết, có thể hiểu “vấn đề” ở đây theo nghĩa tiêu cực, tức là một vấn nạn cần giải quyết. Ui chao, thế thì nhiều lắm! Lại cũng có một số người hiểu theo nghĩa “trạng thái cần sáng tạo ra”, ví dụ như phải kiến lập một chế độ dân chủ, pháp quyền, một nền giáo dục tiên tiến chẳng hạn.
Tôi thì hiểu theo cách thứ nhất. Vấn nạn thì cứ gọi là vô thiên lủng, nhưng cái nào mới đáng gọi là hệ trọng nhất? Theo tôi, đó là vấn nạn liên quan đến sự tồn vong của cả dân tộc.
Nếu vậy thì những vấn đề như chế độ độc đảng, đạo đức xuống cấp, sự bất cập của đủ mọi thứ, kể cả nguy cơ ngoại xâm, chiến tranh v.v… như nhiều người đưa ra, vẫn chưa đáng gọi là hệ trọng nhất. Độc đảng ư, tôi không nghĩ là dân tộc Việt Nam này sẽ tiêu vong vì chế độ độc đảng. Chế độ độc đảng có thể khiến đất nước trì trệ, thiếu dân chủ, tự do; nó có thể đẻ ra, nuôi dưỡng tình trạng tham nhũng nặng nề v.v…, nhưng tiêu vong thì không. Thì đấy, các nước mang danh xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu từng có chế độ độc đảng, nhưng có dân tộc nào tiêu vong đâu! Trung Hoa hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế, Việt Nam cũng gần nghìn năm, khác gì độc đảng, nhưng dân tộc Trung Hoa hay Việt Nam đâu có tiêu vong, kể cả trong những thời kỳ tệ hại nhất.
Thôi không dài dòng vòng vo nữa, đối với tôi vấn đề thảm họa môi trường là hệ trọng nhất. Nó không còn là một nguy cơ, mà là một hiện thực, và ngày càng trở nên khốc liệt. Nói theo kiểu Hegel thì “thảm họa môi trường” đã không còn ở cấp độ “khái niệm – Begriff”, mà đã dần thống nhất với “thực tại” để chuyển lên cấp độ “ý niệm – Idee”. Bão lũ, nước biển dâng, tầng ozon thủng, ô nhiễm môi trường v.v… ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nghèo cũng chết mà giàu cũng chết, dân chủ cũng chết mà độc tài cũng chết. Gay go nhất là việc xử lý nó không chỉ phụ thuộc vào riêng chúng ta, mà còn phụ thuộc vào các quốc gia khác. Ấy là nếu mọi người đều ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề đó nha! Còn trong tình hình hiện nay ý thức của dân tình ra sao, chúng ta đều biết. Dân các nước giàu như Mỹ thì nhất định không chịu dùng ít xe hơi hơn, tiêu thụ ít điện hơn, sản xuất ít hàng hóa hơn, tiêu dùng ít hơn. Dân các nước nghèo như Việt Nam tìm đủ mọi cách chặt phá nốt số rừng hiếm hoi còn lại, đổ chất độc xuống sông cho cá và cho nhau uống. Vì quyền lợi ích kỷ của mình, Trung Quốc sẵn sàng làm đủ trò ở thượng nguồn các con sông. Vân vân và vân vân. Thế mới càng nguy!
Không khéo, chúng ta theo đuôi đám khủng long thì toi! Tôi chả muốn thấy cảnh vài triệu năm sau có một loài sinh vật nào đó đào bới các bộ xương đã hóa đá của chúng ta, và tìm hiểu nguyên nhân tuyệt chủng của một loài sinh vật cổ đại đứng thẳng trên hai chân, có rất ít lông trên người.
So với thảm họa môi trường thì mọi thứ khác chỉ là chuyện vặt vãnh, từ từ rồi sẽ giải quyết được hết. Con người đúng là điên khi trêu vào thiên nhiên!
2. Hầu như bất kỳ cái gì được làm ra trong 24h đều có thể bị hủy bỏ, làm lại trong 24h tiếp theo. Nếu thế thì làm làm gì cho phí công? Rắc rối ở chỗ người đặt câu hỏi không nói rõ, tình trạng sau 24h đó sẽ thế nào: có thể quay trở về tình trạng trước 24h đó, hay chỉ tiếp tục trạng thái đã được lập ra trong 24h đó?
Đã vậy thì, để cho chắc, tôi chọn những việc mà kết quả của nó không thể bị hủy bỏ. Ví dụ những việc thế này:
- Công bố các tài liệu, thông tin bị che giấu (ví dụ như các tài liệu liên quan tới cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm trong quá khứ, các vụ tham nhũng trong thời gian qua đã được “xử lý nội bộ” hoặc bị ỉm đi, danh mục tài sản, bồ bịch của quan chức v.v…), miễn sao các tài liệu, thông tin đó không xâm phạm an ninh quốc gia đúng nghĩa (không để cho ngoại bang lợi dụng gây hại cho đất nước, dân tộc ta);
- Lệnh cho vợ tôi im mồm trong suốt 24h đó. Thế vẫn hơi ít thì phải. Tôi sẽ nhốt vợ tôi và đám bạn gái của cô ấy vào trong một shop thời trang có đủ quần áo, giày dép, mũ mão hàng hiệu bậc nhất, nhưng không có một chiếc gương soi nào hết. Và cũng cấm mở mồm nói dù chỉ một lời trong suốt thời gian ở đó. Tôi biết đó là một hành vi hết sức độc ác, vô nhân đạo, nhưng… tôi đã mơ ước được làm điều đó suốt bao năm nay rồi!
3. Là người theo quan điểm duy vật marxist, tôi ít quy trách nhiệm cho các cá nhân, và cũng không trông chờ quá nhiều vào sự tự thay đổi ý thức của các cá nhân để đưa đến các thay đổi xã hội. Trái lại, tôi thường cố gắng xem xét các điều kiện kinh tế-xã hội, để từ đó lý giải sự biến chuyển trong ý thức xã hội, và suy đoán về tương lai.
Ví dụ thế này. Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hiện nay là đất nước không có pháp luật, tôi cho rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay đã đạt được một bước tiến lớn lao so với hai chục năm trước đây, và đang trong quá trình ngày một hoàn thiện.
Tại sao lại có sự biến chuyển đó? Theo quan điểm duy vật thì đó là đòi hỏi bức bách của xã hội đang chuyển mình, và các lực lượng vật chất xã hội đã buộc chính sách phải thay đổi.
Giả dụ, nếu nền kinh tế không chuyển sang kinh tế thị trường, các nguồn vốn nước ngoài không đổ vào Việt Nam, các khu công nghiệp không mọc lên, người dân tiếp tục loanh quanh ở quê nhà, hoặc sống dựa vào chế độ do Nhà nước phân phối, thì nhu cầu thay đổi chính sách đi lại, cư trú, đăng ký kinh doanh v.v… theo hướng tự do, thông thoáng hơn đã không trở nên bức xúc đến độ không thể không đáp ứng. Chứ không phải vì các công chức được đi học dăm ba tháng ở Mỹ và chợt nhận ra rằng nên làm như thế để đảm bảo quyền tự do đi lại, cư trú, kinh doanh của người dân như Hiến pháp quy định.
Từ quan điểm đó mà xét thì hình dung của tôi về Việt Nam trong các năm 2010, 2020 và 2030 như sau.
2010: Việt Nam vẫn tiếp tục con đường đổi mới và phát triển, dù trên con đường này liên tục diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các lực lượng đối lập. Bất chấp nhiều ý kiến tiêu cực, tôi vẫn cho rằng năm 2010 Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Đáng chú nhất là sự kiện Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc, Vinashin bị phanh phui, dự án bauxite bị mổ xẻ tùm lum và bị kiến nghị dừng thực hiện. Rồi thì việc người dân kiện chính quyền (và đôi khi thắng) trở nên ngày một phổ biến. Vân vân. Nó cho thấy xã hội Việt Nam không còn thụ động nữa, chính quyền không còn tự tung tự tác tùy ý nữa, mà đã phải lắng nghe dư luận, và nhiều khi phải chấp nhận ý kiến của dư luận. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Việt Nam năm 2010 đã khác rất nhiều so với năm 2000, và gần như là không tưởng đối với người sống ở thời kỳ trước 1980.
2020 – 2030: cứ đà này tiếp tục, thì ngoại trừ vấn đề môi trường luôn làm tôi lo ngay ngáy, năm 2020 Việt Nam sẽ phát triển hơn rất nhiều so với năm 2010, còn năm 2030 sẽ khá hơn năm 2020 nhiều nữa. Tôi luôn lạc quan tin như thế khi nhìn lại quá trình thay đổi của Việt Nam từ năm 1978 (tạm coi là thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, theo phân tích của Gs Đặng Phong) cho tới nay. Xu hướng cải cách mọi mặt – trước hết là kinh tế, rồi kéo theo nó là chính trị, văn hóa, giáo dục v.v…, đã trở thành một quá trình không thể đảo ngược, bất kể cá nhân hay nhóm người nào cầm quyền. Nếu những năm đầu tiên của quá trình đổi mới trở ngại lớn nhất là tư duy bảo thủ, giáo điều, thì hiện nay lực cản đó đã yếu đi rất nhiều. Việc ai trở thành Tổng Bí thư, Thủ tướng, ai vào Bộ chính trị  còn ai về quê đuổi gà, đối với tôi không thực sự có nhiều ý nghĩa, nhất là trong tình hình hiện nay, khi không có cá nhân nào tỏ ra xuất sắc vượt trội  kiểu như Napoleon Bonaparte hay Nguyễn Huệ, để có thể đè bẹp các lực lượng đối lập. Đất nước như một cái xe bò có rất nhiều người xúm vào, mỗi chú kéo một hướng nhằm mục đích riêng, nhưng hợp lực của chúng vẫn đưa chiếc xe tiến lên phía trước, dù có lúc nhanh lúc chậm, lúc ngả nghiêng.
Hết.
© 2010 Đoàn Tiểu Long
© 2010 talawas
-Nguyễn Ước trả lời phỏng vấn của talawas
Sau gần 50 ngày sống ở Sài Gòn và Long Khánh, tôi trở về Toronto với thể xác ngầy ngật và tâm hồn nặng trĩu thì nhận được e-mail của Phạm Thị Hoài thông báo điều tôi thoạt trả lời là “hung tin” về talawas. Sau đó, cảm thấy nguôi ngoai vì e-mail tiếp theo, cô Hoài nói với tôi theo tinh thần tái ông thất mã rằng “chưa biết đó là tin lành hay tin dữ”.Xét thế nào thì mọi sự “rồi cũng qua đi” nhưng talawas theo đánh giá của riêng tôi, cho tới nay, có thể rút ra được ít nhất ba điều: (1) Trong sinh hoạt văn học và báo chí trên internet, talawas đã đi tiên phong và đặt được một “dấu nhấn” quan trọng về tính đa nguyên của các đề tài, nâng cấp ngôn ngữ và phong cách hàn lâm, có lẽ không kém các tạp chí in trên giấy trước đây như Gia Định báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Phong hóa, Ngày nay, Sáng tạo, Văn, Hợp Lưu, v.v… (2) Cá nhân tôi đã được “bồi dưỡng” và tiến bộ rất nhiều nhờ sự hợp tác trong thời gian qua với talawas, đặc biệt, công lao biên tập của talawas trong các bài viết của tôi; xin thành thật cám ơn Ban biên tập talawas. (3) Trong quá trình chiến đấu cam go nhằm phát triển toàn diện Việt Nam, có lẽ đã qua rồi giai đoạn làm một trang web theo kiểu diễn đàn mở, đã mất quá nhiều công sức lại tạo cơ hội cho thế lực phản động (vừa sợ hãi dân chủ tại quốc nội, vừa trục lợi sinh hoạt dân chủ tại quốc ngoại) có thể khai thác và đánh phá đủ mọi hình thức như thời gian vừa qua. Nay cần một phương thức mới, như thế nào thì tôi chưa thấy rõ, nhưng chắc chắn sẽ tìm ra.
Sau đây là phần trả lời phỏng vấn.
5 vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay

  1. Làm sinh động quốc hồn. Tôi tạm dùng định nghĩa về quốc hồn của Lê Ngọc Trụ và Lê Văn Đức trong Việt Nam Tự Điển (Nxb Khai Trí, Sàigòn 1970) như sau: “Hồn nước, tinh thần đặc biệt của nước. do lịch sử oai hùng của tổ tiên nhiều đời kết tinh lại: Tiếng gọi của quốc hồn“. Dĩ nhiên định nghĩa nào cũng không nói hết nội hàm của từ ngữ, nhưng chắc chắn chúng ta đều cảm nhận và thấm thía ý nghĩa của hai tiếng “quốc hồn”, nhất là vào lúc nó bị lay lắt vật vờ như hiện nay. Và nếu kéo dài tình trạng này, Việt Nam chắc chắn sẽ là một loại thuộc địa và làm phên dậu cho một nước Trung Hoa hàng ngàn năm nay vẫn ra sức bành trướng, nhất là trong giai đoạn không ngần ngại xâm lấn phương nam bằng tác phong sơn tặc và hải tặc như hiện nay.
  2. Chắt lọc và xiển dương quốc túy. Tôi cũng tạm dùng định nghĩa của hai nhà tự điển trên: “Vẻ đẹp tinh túy và thật xưa của nước nhà: Quốc hồn, quốc túy“. Nội dung của quốc túy tạo nên một số tranh luận, nhưng chúng ta vẫn có thể “thấy” nó ẩn hiện trong truyền thống, phong tục, tập quán, lễ nghĩa, văn học nghệ thuật, v.v… và cả trong lương tri của mỗi người, cho dù bạn là người Kinh hay người của một trong hơn 50 sắc tộc sống dọc chiều dài đất nước. Bảo tồn và sống với quốc túy tức là tạo được một môi trường sống ung dung cho bản thân, hòa thuận trong gia đình và cộng đoàn, hòa hợp dân tộc và giữ được bản sắc của con người Việt Nam, cả kinh lẫn sắc tộc, cả tiếng trống mõ lẫn tiếng cồng chiêng… trước sự bành trướng thô bạo mang tính bóc lột kinh tế và thôn tính văn hóa của giai đoạn man rợ hiện nay trong quá trình toàn cầu hóa tất yếu. Và dĩ nhiên không chút nào nên làm theo kiểu Ngàn năm Thăng Long vừa qua hay Festival Huế, hay các hội hè đình đám hiện nay, v.v…
  3. Tôn trọng hiến pháp và luật pháp đã và sẽ ban hành. Khái niệm dùng hiến pháp để bảo an nhà nước và luật pháp để trị dân đã bị vất vào sọt rác, nhất là kể từ lúc luật pháp mang khái niệm định chế hóa các chuẩn mực đạo đức, luân lý của xã hội và đồng thời ngăn chặn ác tính của kẻ cầm quyền. Tại Việt Nam, vì hiến pháp bị vi phạm thô bạo và luật pháp bị bất tuân trắng trợn, nên quả thật đang có một “chính quyền vô chính phủ”. Các quan chức từ chóp bu xuống dưới đều hoạt động trơ tráo, phi kỷ cương, vô chính sách, hoàn toàn vô trách nhiệm. Chính quyền làm tay sai cho các tập đoàn và là phương tiện để các quan chức các cấp vừa đục khoét vừa trấn áp hiểm độc và thô bạo, đồng thời để cho các nhóm lợi ích vệ tinh của đảng điều động trục lợi. Đất nước Việt Nam không có bạo loạn nhưng xã hội Việt Nam không có an ninh, trật tự, cả ngày lẫn đêm, cả trong thôn xóm lẫn trên đường sá đi lại, v.v… Thậm chí cửa sổ của mỗi tư gia ở thành phố hầu hết đều làm song sắt, gài thành ô bé hơn cuốn tập vở và còn hơn xà-lim nhà tù!                                                                                                                                                                                                                                Việc tôn trọng mọi điều khoản trong hiến pháp cùng tất cả luật pháp đã và sẽ ban hành có thể đưa tới thời điểm Đảng Cộng sản bị mất quyền lực nhưng chắc chắn nó sẽ tạo thành một quá trình chuyển đổi ôn hoà và bất bạo động, trong đó tiêu trừ dần sự mâu thuẫn gay gắt giữa nhân dân và chính quyền, và mọi thành phần của dân tộc sẽ ngày càng chấp nhận nhau, sống chung với nhau, tìm cách giải quyết mọi xung khắc trên căn bản ý thức hữu trách, biết quí trọng con người và tinh thần thượng tôn luật pháp. Bên cạnh đó, một chế độ pháp trị thành nếp còn góp phần bảo đảm một tương lai khá an toàn cho các đảng viên cộng sản và hậu duệ của họ. Vì nếu tình trạng chính quyền trấn áp phi pháp và xã hội mất trật tự hiện nay kéo dài, nồi áp suất của xã hội không tránh khỏi sẽ bùng vỡ, và lúc đó chắc chắn đất nước lâm vào tình trạng tan vỡ chính quyền mọi cấp (vì nó bị nhập một thể với chế độ) và loạn lạc kinh hồn, máu đổ ghê gớm, làm chết lây những người vô tội và tạo thêm oan nghiệt truyền kiếp. Ai dám bảo đảm lúc đó, những hành động hung hãn nhất, cướp phá tài sản và tính mạng của kẻ khác, sẽ không đến từ hàng trăm ngàn đảng viên cộng sản trở cờ lập công và các phần tử nay đang được sử dụng làm dân quân, dân phòng, tai mắt, cùng với những kẻ xã hội đen, đầu gấu, đang được chính quyền sử dụng làm nắm đấm.
  4. Hình thành xã hội dân sự. Chính quyền cần biết tới giá trị của xã hội dân sự, tôn trọng nó và để yên cho nó xuất hiện, trong đó đặc biệt vai trò văn hóa và xã hội của các tôn giáo, độc lập của báo chí, vai trò của các tổ chức phi chính phủ trên các lãnh vực từ thiện, văn học nghệ thuật, phát triển xã hội, v.v… Chính xã hội dân sự này mới đóng được vai trò chính trong việc làm sinh động quốc hồn, chắt lọc và xiển dương quốc túy, chấn hưng dân khí và đạo lý, làm lộ rõ những nhu cầu và nguyện vọng của dân chúng cũng như tự phát góp phần và thúc đẩy chính quyền hòa giải với dân chúng, v.v… Cụ thể, nên chấm dứt tình trạng “công báo” bưng bít và dối trá của báo chí; nên để cho báo chí chủ động làm tin (dù có bị kiểm duyệt đục bỏ ít nhiều đi nữa rồi sẽ có lúc không còn kiểm duyệt, và tự thân hành động kiểm duyệt công khai ấy cũng tạo nên phản kiểm duyệt).
  5. Chấm dứt việc quảng bá các chủ nghĩa độc tôn. Việc xem chủ nghĩa duy vật, kể cả chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin là độc tôn và quảng bá chúng trong trường học cũng như trên sách báo từ hơn 50 năm nay đã đem lại các hậu quả tai hại khôn lường khiến kiệt quệ tâm linh, suy đồi đạo lý, bại hoại chính trị và xung khắc xã hội. Có lẽ ngày nay, trên thực tế, Đảng và chính quyền chỉ còn sử dụng chủ nghĩa Lenin để độc quyền cai trị, trấn áp quần chúng, còn hai thứ chủ nghĩa kia chỉ là chiêu bài rêu rao, vì Đảng nay là kẻ làm thiệt hại nhất cho nông dân và công nhân, và các đảng viên “thành đạt” lại là kẻ mê tín nhất và phù hoa nhất. Quan trọng hơn cả, để tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội thì không thể chỉ sử dụng chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Marx, lại càng không chỗ đứng cho chủ nghĩa Lenin. Thực tế, việc thụ động hoặc chủ động ngăn cản học sinh, sinh viên hay thanh niên tiếp nhận các trào lưu tư tưởng mới vừa bất khả thi, vừa vô tình tạo nên một tình trạng tiêm nhiễm què quặt, phi hệ thống, hiểu sai lạc tới độ “tẩu hỏa nhập ma” hay làm dáng trí thức rởm. Sự tích cực tiếp nhận với một thái độ minh bạch và chững chạc để các trào lưu tư tưởng khác được đưa vào giảng dạy một cách có hệ thống và hàn lâm trong học đường hay quảng bá trên các phương tiện truyền thông mới mang lại lợi ích hấp thu tối đa cho học viên và đại chúng.
Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ
Nếu như giả định này xảy ra cho một người hoạt động văn hóa, tôi sẽ tận dụng để có những quyết định thích đáng nhằm bắt đầu một quá trình thanh luyện dân tộc, đặc biệt bằng các chính sách về văn hóa, với hi vọng rằng qua sáng mai và về sau, nó được tiếp tục. Nếu dân tộc Việt Nam, cách riêng thanh niên Việt Nam, ngay từ lúc này không được khẩn trương thanh luyện về đạo đức để phục hồi nhân cách, có cuộc sống tâm linh và dũng cảm chiến đấu với sự sợ hãi, thờ ơ và thói hư tật xấu (nhất là thói ăn nhậu, bạo hành), sẽ đánh mất tất cả, kể cả cái cao quí nhất trong bản thân mỗi người, tình nghĩa vợ con và nghĩa vụ với cha mẹ anh em và quan hệ hữu trách với xã hội.
Năm vấn đề tôi trình bày ở Câu hỏi 1 thuộc phần quá trình thanh luyện này. Thanh luyện là nỗ lực bất bạo động nhằm khôi phục nhân phẩm, sống có nhân cách, phát huy bản lĩnh, để tích cực cải tạo môi trường trong đó mọi thành phần của dân tộc biết sống chung với nhau, cùng bắt tay nhau vươn lên khỏi vực sâu kinh khiếp hiện nay, tiến về một Việt Nam thật sự có độc lập, tự do và hạnh phúc. Tôi cố ý không dùng chữ thanh lọc hay thanh tẩy, vì theo tôi, hai từ ngữ này phi nhân, mang ý nghĩa phân biệt chủ nghĩa “bạn hay thù” và mang ý định chặt đứt lìa một chi thể nào đó của dân tộc; thanh lọc nhân dân hay thanh tẩy chủng tộc, làm ta liên tưởng tới Khmer Đỏ, Đức Quốc xã, Phát xít, Cộng sản, đấu tranh giai cấp, cải cách ruộng đất, rèn cán chỉnh quân, Kosovo, các trại lao cải, tàn sát nhau của các bộ tộc ở châu Phi, v.v…
Tiên đoán về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030
Tôi không biết trả lời như thế nào vì mọi sự đều tùy thuộc phản ứng của người Việt đang sống hiện nay ở trong nước. Mọi tiên đoán chỉ là vấn đề sở hữu thông tin, nhận biết chuyển động của thực tại và hoàn toàn giả định. Nếu cứ để cái ác ngự trị khắp Việt Nam như thế này, nơi tôi có cảm tưởng người Việt Nam đối xử với nhau thô bạo và ác, còn xử sự với chính quyền thì nhịn nhục và hiền, sẽ tới lúc không còn gì đáng tiếc hoặc đáng ngậm ngùi.
Tôi chỉ là “Việt kiều”, kẻ hơn 20 năm nay rời khỏi “trần gian Việt Nam” sang sống ở “Tây phương cực lạc”, thỉnh thoảng có “đi về” đôi chút nơi mình từng sinh sống chỉ vì chốn ấy còn có cha mẹ anh em và bè bạn. Và thông thường, điều tốt nhất một “hồn ma” may ra có thể làm cho “trần gian” là “phù hộ” chút nào hay chút nấy.
Thuận trả lời phỏng vấn của talawas
1.
5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam, các anh các chị khác đã có những trả lời thỏa đáng. Tôi chỉ xin góp một ý nhỏ:
Dân chủ là nền tảng của xã hội văn minh. Thiếu dân chủ ở mức trầm trọng, xã hội Việt Nam như túp lều ọp ẹp, động tới góc nào cũng có vấn đề, vấn đề nào cũng đã trở thành vấn nạn.
Thế nên việc cấp bách nhất của Việt Nam hiện nay là xóa bỏ chế độ độc đảng, thành lập nhà nước pháp quyền. Từ đó mới có thể giải quyết các vấn nạn.
2.
Hai mươi tư giờ cầm quyền tuyệt đối?
Câu hỏi có vẻ siêu thực quá. Xin đổi một chút cho dễ trả lời: Trong trường hợp chính phủ mới muốn trưng cầu ý dân, tôi sẽ gửi đến, ngay trong hai mươi tư giờ đầu tiên, những đề nghị thế này:
- Xóa vĩnh viễn án tử hình.
- Thả hết tù chính trị.
- Tư nhân hóa các nhà xuất bản, các kênh vô tuyến truyền hình, báo chí và các cơ quan truyền thông. Tư nhân hóa các hiệp hội (Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ Tạo hình…). Thải hồi bộ phận Công an Văn hóa, bảo đảm tự do ngôn luận và tự do sáng tác.
- Duyệt ngân sách xây dựng cấp tốc một trăm bệnh viện đa khoa và một trăm trường phổ thông trên toàn quốc.
- Mời các lãnh đạo đảng viên Đảng Cộng sản về vườn, cho hưởng lương hưu ở mức cao nhất, không bắt đi cải tạo nhưng công khai kiểm kê tài sản, mỗi vị và gia đình được hưởng tối đa hai bất động sản, tài sản còn lại góp vào công quĩ. Đảng Cộng sản không bị giải tán nhưng chỉ là một trong những đảng độc lập, hoạt động trong chế độ đa đảng.
- Qui định tham ô, hối lộ là những tội có hình phạt nặng nhất.
- Lập công quĩ trợ giúp các gia đình có thu nhập thấp và các nạn nhân của chế độ cộng sản, bảo đảm các trẻ em đều được tới trường và các người bệnh đều được chăm sóc.
- Trong hiến pháp mới, có bộ luật riêng về bảo vệ cây xanh, thiên nhiên và môi trường.
3.
Việt Nam 10 năm nữa và 20 năm nữa?
Việt Nam có thể sẽ lọt vào top 5 của Miss World hay nhảy từ thứ 50 lên thứ 40 của Toán học thế giới, nhưng nhìn chung hiện thực Việt Nam trong hai thập kỷ nữa vẫn âm u, phi lý, khó tin ngay cả với những người trong cuộc.
Cuối cùng, tôi xin được bày tỏ lòng cám ơn tới chị Phạm Thị Hoài và ban biên tập talawas đã kiên trì trong chín năm qua, tạo ra nơi gặp gỡ cho nhiều người Việt yêu tự do, dân chủ. Tôi tin rằng, một cá tính, một tài năng như chị Hoài sẽ làm được những việc khác, hậu talawas, không kém phần thú vị.
Chào tạm biệt các anh các chị.
© 2010 Thuận
© 2010 talawas
-Trịnh Hữu Tuệ trả lời phỏng vấn của talawas
1. Tiền viện trợ (làm người Việt Nam mất độc lập), khách du lịch (làm người Việt Nam mất nhân phẩm), xe máy (làm người Việt Nam mất không khí để thở), mì chính (làm người Việt Nam mất lý trí), nhan sắc các lãnh đạo (làm người Việt Nam mất tự tin).

2. Câu hỏi này làm tôi nghĩ ngay đến Klemperer, và Hồ Thu Hồng… Nhưng có lẽ tôi sẽ chọn một việc có ý nghĩa hơn: hợp pháp hóa mại dâm. Mục đích của tôi là (i) đưa những phụ nữ lao động chân chính vào vòng pháp luật, và (ii) làm tình dục ngoài hôn nhân trở nên nhàm chán.
3. Với mức độ uống bia, hát karaoke, đi xe máy và bấm còi như hiện nay, tôi tin rằng cho đến năm 2030, đàn ông Việt Nam sẽ bụng to, chân nhỏ, giọng sang sảng và tai nghễnh ngãng. Việt Nam sẽ có chế độ đa phu, vì đàn bà sẽ đi lấy Tây hết. Ngoài ra, chúng ta sẽ có đa đảng, với một Đảng Phật giáo. Một cuộc chiến dữ dội tranh giành vị trí lãnh đạo đảng này sẽ nổ ra giữa Nguyễn Hữu Liêm và một bức tượng ngọc của Thích Nhất Hạnh.
© 2010 Trịnh Hữu Tuệ
-Lề Trái – Chống lại mọi chia ly
Where is the “good” in goodbye?
(Anonymous)
Lần đầu tiên đọc thông báo về talawas sắp ngừng hoạt động, tôi dụi mắt mấy lần vì không thật sự tin những gì mình đọc. Lại nhớ mang máng lần cuối cảm xúc mạnh thế này là lúc báo Việt ra mắt. Lúc đó nhìn ra ngoài cửa sổ nhủ thầm “Cuối cùng cũng có cái đáng đọc”. Bây giờ cũng nhìn ra cửa sổ nhủ thầm “Một phần những gì đáng đọc đang biến mất”.

Không, đây không phải là cuộc chơi, cũng không phải là bữa tiệc để có thể và có lúc tàn. Đây là những nỗ lực, những cố gắng phi thường từ những con người “bất” bình thường. Đầu tiên, talawas tạo được một nơi để những tiếng nói “khác” được lên tiếng, và các tiếng nói “khác” đã tạo ra một tiếng nói chung rất đáng kể. Nếu có thể định nghĩa trí thức đúng như nó là – tức không “phò chính thống”, talawas, trong suốt 9 năm qua, đã là cái bàn tròn mà qua đó giới trí thức hiện đại Việt tìm lại và định hình được chính mình. Kế đến, đúng như tiêu chỉ của mình, talawas là nơi cọ xát của những tư tưởng khác nhau mặc dù vẫn còn nằm trong giới hạn văn hóa tạo ra bởi những người tham gia, nhưng tính đa dạng của vấn đề đã bảo đảm cho nó một thẩm quyền nhất định đối với những vấn đề còn tồn đọng trong văn hóa Việt nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Vì vậy, đôi lúc talawas trở thành một nơi lịch sử gần như diễn ra hàng ngày ở tất cả các cấp độ. Lấy ví dụ cuộc thảo luận về Marxism ở bộ cũ, có lẽ chưa ở đâu và lúc nào trong không gian tiếng Việt lại có một cuộc thảo luận thẳng thắn về một đề tài (cấm kỵ trong nước) như vậy. Cuộc thảo luận đã làm sáng tỏ một loạt những vấn đề tạo tiền đề cho rất nhiều điều ảnh hưởng tới hiện tại và cả tương lai. Cũng vì vậy, talawas trở thành một tiếng nói đối lập có ảnh hưởng nhất về hầu hết mọi vấn đề, nhất là vấn đề tự do tư tưởng. talawas là một bằng chứng rõ rệt nhất về lợi ích tối hậu của tự do tư tưởng, tất nhiên không phải tự do tư tưởng kiểu Trường Chinh. Chính vì vậy, talawas xứng đáng trở thành mục tiêu đầu tiên của những kẻ quan niệm về tự do tư tưởng kiểu Trường Chinh. Họ có thể xem tuyên cáo dừng hoạt động của talawas là một thành công, một thắng lợi, là huy chương, là cơ hội thăng tiến. Ôi những kẻ đòi hỏi dân chủ ở các diễn đàn hải ngoại nhưng lại cổ vũ cho việc đánh sập những nơi duy nhất họ có thể đòi hỏi thứ dân chủ “xịn”, không phải loại dân chủ “triệu lần hơn” mà họ đang hưởng!
Đối mặt với những kẻ như vậy, tôi biết quá rõ lòng nhiệt tình và trí tuệ hoàn toàn không đủ, và với những nỗ lực manh mún từ hai phần tử vốn bản chất là manh mún – trí thức và lưu vong – tuyên cáo sắp ngừng hoạt động của talawas chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy vậy, cũng như câu giả định về việc cầm quyền trong 24 tiếng, tôi vẫn mong một phép lạ mầu nhiệm xảy ra, rằng cái đúng bao giờ cũng thắng cái tồi tệ, và talawas sẽ kéo dài mãi cho tới lúc Việt Nam thay đổi để talawas và ban chủ nhiệm được vinh danh xứng đáng với những nỗ lực phi thường suốt bao nhiêu năm qua. Nhưng có lẽ Unamuno đúng khi nhận định “Các người sẽ thắng vì các người có đủ bạo lực”. Tôi thêm, có nhiều tiền hơn, vì vậy, có thể mua được lòng trung thành của những Tôn Ngộ Không dù thiên biến vạn hóa nhưng vẫn không thoát được bản chất thú vật của mình. Có thể xem tuyên cáo ngừng hoạt động của talawas là một sự thất bại chăng. Một phần đúng, một phần không.
Đúng vì dù muốn dù không, talawas đã trở thành một thứ đầu tàu, một định hướng đúng và thành công cho những diễn đàn tương tự sau này. Đúng vì tiêu chí tự do tư tưởng của talawas đã tự động đặt mình vào vị trí đối lập đối với đường lối “chính thống” trong nước. Việc talawas ngừng hoạt động, tương tự như mất một đầu tàu, sẽ dẫn tới, có thể, một khủng hoảng phương hướng cho các diễn đàn theo sau, mất đi một năng lực tập trung, tiếng nói độc lập, có uy tín và chất lượng trong việc cổ động tự do tư tưởng ở trong nước. Liệu những toa tàu còn lại có theo quán tính do talawas tạo ra để đi tới đích hay không, chắc sẽ phải mất ít nhất một thời gian.
Không, vì talawas là một thử nghiệm thành công của tự do tư tưởng. Không phải thử nghiệm mà là sự chứng thực rằng nếu có tự do tư tưởng, kết quả sẽ phải là những gì tương tự như talawas. Trong một chừng mực nào đó, talawas mở cánh cửa để mọi người có thể hình dung một viễn tượng về dân chủ, và cũng là một chứng thực rằng dân chủ không chỉ là lời nói suông, mà là thành quả từ những cố gắng phi thường của những người (bất) bình thường.
Cái còn lại là tiếc. Tiếc nhiều và đủ thứ. Tiếc vì phép lạ ít khi nào xảy ra – nếu xảy ra thường xuyên thì nó đã không “lạ”. Có lẽ tiếc nhất là một khoảng trống sẽ được tạo ra, nhưng thay vì có sức hút mãnh liệt như các lỗ đen (black holes), nó lại tĩnh lặng như một thư viện. Ngày xưa, tất cả bi hài của một dân tộc hiện ra từng ngày theo lượng bài vở, bây giờ cuốn sách chỉ còn vài tờ lưa thưa và cũng sắp đến ngày trả sách. Cuối cùng cũng đến lúc đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Ở đây, trời sắp vào đông.
*
Về câu hỏi đầu của talawas, tôi nghĩ vấn đề mấu chốt, là causa finalis của mọi vấn đề đang hiện diện ở Việt Nam hiện nay, là sự độc quyền của một chủ thuyết đưa đến độc quyền chính trị của duy nhất một đảng đang bám chắc lấy chủ thuyết. Gỡ được vấn đề này có thể giải quyết tới 60% những bài toán của Việt Nam, 40% còn lại là di chứng cần thời gian để giải quyết.
Trước khi trả lời câu hỏi 2, tôi muốn nêu trước, tự xét mình không có tư chất lãnh đạo, vì vậy 24 tiếng có lẽ là thời gian hoàn hảo nhất mình có thể đóng góp một cái gì đó. Lâu hơn, chắc tôi kiếm đường “tẩu vi thượng sách”. Đặt ra hai trường hợp: 1- Sự thay đổi chưa diễn ra và mình là một thứ bản lề, hay đúng hơn, thảm chùi chân. Đề nghị đầu tiên của tôi là tuyệt đối từ bỏ các hình thức độc tài về tư tưởng và chính trị. Mọi lý thuyết đều phải trở về đúng vị trí của chúng tức là trên bàn thảo luận, không phải trên bàn thờ. Việc thứ nhì là nhìn nhận thế giới luôn luôn thay đổi, từ đó dẫn tới việc lập ra những thể chế để khuyến khích thay đổi và để đổi thay diễn ra có trật tự và không đổ máu. Việc cuối cùng là lập ra một ủy ban bầu cử để chọn người lãnh đạo xứng đáng hơn tôi. Chắc nội bao nhiêu đó cũng hết ngày hết giờ. Trường hợp 2 là sự thay đổi đã diễn ra. Lúc đó chắc tôi hoàn toàn vô tích sự. Chỉ mong hết ngày hết giờ và ráng đừng để xảy ra chuyện gì trong 24 tiếng là đã mừng lắm rồi.
Về tương lai của Việt Nam, từ giờ đến cuối năm chắc “vũ như cẩn”. Tuy vậy tôi không mong 10-15 năm nữa sẽ “nguyễn y vân”, vì hiểm họa phương Bắc là có thật. Nếu không có sự thay đổi nào đáng kể, tôi sẽ phải mua sách học tiếng Trung. Điểm nổ sẽ là nợ quốc gia của Việt Nam. Cho tới bây giờ tôi hoàn toàn chưa thấy Việt Nam có một chiến lược nào để giải quyết các món nợ của mình. Nhưng nếu tham chiếu qua lý tưởng, có lẽ đang có người hí ha hí hửng vì nghĩ đang lấy tiền chùa của tư bản, tức đang làm hắn yếu đi, và tư bản sẽ mau chết hơn. Điều này cũng có thể lý giải cách xài tiền kiểu chơi ngông của chính phủ. Cùng lắm ta lại “đằng sau, quay”, “trở về mái nhà xưa” với 10 điều răn của bản Tuyên ngôn Cộng sản. Khi “bốn phương vô sản đều là anh em”, các nước nhỏ hơn sẽ hòa tan vào nước lớn và mang căn cước của họ chứ không phải ngược lại. Vì vậy, về mặt biện chứng, tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Mác không gì khác hơn là chủ nghĩa thực dân mới, được ngụy trang tinh vi gấp ngàn lần thực dân nguyên thủy (có lẽ vì vậy mà Marx nhìn không ra). Đó là một trong những khả thể. OK, bí mật đã bật mí. Sẽ tiếp nếu có dịp. Còn nếu đã xảy ra thay đổi có lẽ tôi cũng mua sách học tiếng Trung, nhưng không phải điều kiện bắt buộc. Chuyện tiên đoán có xảy ra thay đổi hay không, thường thì dữ liệu tự hiển hiện. Tôi chưa có đủ dữ liệu. Ở Việt Nam phép mầu không xảy ra.
Tôi muốn đặt một câu hỏi với tất cả mọi người, đảng viên hay không đảng viên, đang ủng hộ chính quyền đương nhiệm tại Việt Nam. Nếu phải chọn lựa một bên là Đảng Cộng sản Việt Nam và một bên là đất nước và con người Việt Nam, quý vị sẽ chọn bên nào?
© 2010 Lề Trái
© 2010 talawas
-Trang Talawas sắp đóng cửa gây nhiều tiếc nuối Nguoi-Viet OnlineMột thông báo ngắn ngủi đang làm rất nhiều người tiếc nuối một trang web từng là tiếng nói độc lập về văn hóa, chính trị Việt Nam trong nhiều năm qua.
Cổ Ngư trả lời phỏng vấn của talawas

1.
  • Sự lãnh đạo độc tài, độc đảng và tư lợi của nhóm cầm quyền, nguyên nhân chính của tệ nạn tham nhũng, lũng đoạn trong giới lãnh đạo và việc mất niềm tin trầm trọng của người dân đối với chính quyền;
  • Mối đe doạ chính trị, kinh tế, quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam;
  • Hệ thống giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, từ chất lượng đến tinh thần và trách nhiệm của người thi hành;
  • Ô nhiễm môi sinh, phá hoại thiên nhiên, lãng phí tài nguyên, năng lượng;
  • Quy hoạch – cân bằng sự phát triển giữa thành phố và nông thôn, giữa hạ tầng và thượng tầng cơ sở, giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.
2.
  • Tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Việt Nam, tạm giữ lại chính phủ hiện thời để chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử trong tinh thần tự do dân chủ;
  • Trả tự do cho các tù nhân chính trị và tôn giáo;
  • Mở cuộc thăm dò dư luận quần chúng, khuyến khích người dân phát biểu ý kiến để chuẩn bị cho việc soạn thảo hiến pháp mới;
  • Chỉnh đốn chính phủ, quân đội, công an ở cấp lãnh đạo;
  • Thắt chặt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Âu Châu, Nga, Nhật, các nước Đông Nam Á. Bình thường hoá mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
3.
Sự thay đổi triệt để cách lãnh đạo đất nước (lãnh đạo theo kiểu Đảng-Nhà nước tuy-hai-mà-một như hiện nay) là điểm then chốt để có thể đưa ra dự phóng cho một nước Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, dân chủ trong vòng 10, 20 năm sắp tới.
© 2010 Cổ Ngư
© 2010 talawas

Tổng số lượt xem trang