Nguyên Trường dịch
Văn kiện Đảng Toàn tập (sau đây gọi là Toàn tập) là tuyển tập tài liệu đồ sộ nhất và mới nhất, được thu thập chủ yếu từ văn khố của Đảng Cộng sản Việt Nam.[1] Được xuất bản trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến năm 2007, gồm 45 tập, gần 40 ngàn trang, bao quát cả giai đoạn từ năm 1924 đến năm 1995[2]. Trên diễn đàn này, các nhà nghiên cứu đã từng sử dụng Toàn tập sẽ thảo luận giá trị và những hạn chế của nó, như một phương tiện trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hoá chính trị của Việt Nam. Trong bài dẫn nhập này, tôi khẳng định rằng quyết định cho công bố bộ Toàn tập là chưa từng có tiền lệ, và quyết định này phản ánh những nỗi sợ hãi và lo lắng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm 1990. Tôi cũng thảo luận những đóng góp cho học thuật của Toàn tập và dẫn ra những ví dụ từ một số văn kiện nhằm chứng minh rằng mặc dù có những hạn chế, Toàn tập có nhiều ưu điểm hơn những tài liệu được biên soạn, trên cơ sở văn kiện được lưu trữ, trước đây.
Sợ hãi và lo lắng
Ken MacLean khẳng định trong bài viết rất sâu sắc của ông rằng mỗi khi lãnh đạo Đảng cho phép công bố tài liệu lưu trữ, họ công bố rất hạn chế, và tài liệu được chọn lọc rất kỹ nhằm để phục vụ một ý đồ tuyên truyền nào đó[3]. Vì vậy mà người ta có lí do để hỏi rằng vì sao dự án xuất bản bộ Toàn tập dày cộp này lại được khởi động vào năm 1995. Vì thực ra trước đây Đảng đã cho xuất bản những bộ mỏng hơn rất nhiều và hướng vào những đề tài cụ thể hơn. Đa số được Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng xuất bản và sau đó được các trường và các viện nghiên tái bản dưới dạng rút gọn để phục vụ mục đích giảng dạy và nghiên cứu. Hầu hết các tập đã xuất bản trước đây đều được đóng dấu “mật” hoặc “lưu hành nội bộ”. Trước khi bộ Toàn tập mới này được xuất bản, chúng ta chưa bao giờ thấy Đảng có nỗ lực nhằm công bố quá khứ của mình một cách rộng rãi và hệ thống đến như thế. Đâu là nguyên nhân làm cho Đảng Cộng sản từ bỏ cách làm quen thuộc khi công bố tài liệu lưu trữ?
[Có người cho rằng] thời điểm đưa ra quyết định xuất bản Toàn tập vào năm 1995 trùng hợp với sự phục hồi niềm tin của ban lãnh đạo Đảng sau khi họ vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 1980 và chấm dứt giai đoạn cô lập với thế giới (qua việc bình thường hoá quan hệ với Mĩ, Liên hiệp châu Âu và ASEAN vào năm 1995). Nhưng xin chúng ta đừng quên rằng lãnh đạo Đảng còn tự tin hơn nhiều vào năm 1954 và 1975 sau khi thắng Pháp và Mĩ, nhưng lúc đó họ đã không cho công bố tài liệu mật nào. Tôi khẳng định rằng chính nỗi sợ hãi và lo lắng về những đe doạ đối với tính chính danh của chế độ cộng sản, chứ không phải sự tự tin, đã dẫn đến quyết định xuất bản Toàn tập. Trong những năm đầu 1990, Đảng Cộng sản đã phải đối mặt với một loạt thách thức xuất phát từ nhiều hướng. Sự sụp đổ của khối Xô Viết và sau đó, việc chủ nghĩa cộng sản mất tính chính danh trên toàn thế giới, chẳng khác gì một trận động đất đối với chế độ chính trị ở Việt Nam. Tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam phần nào dựa trên lời hứa hẹn đưa dân chúng tới chủ nghĩa xã hội. Khi các nước cộng sản ở Đông Âu sụp đổ và xe tăng được điều đến để đàn áp sinh viên Trung Quốc chống đối trên quảng trường Thiên An Môn, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tính chính danh cực kì nghiêm trọng.
Những người đối lập trong nước là mối đe doạ thứ hai. Phong trào đối lập bắt đầu vào cuối những năm 1980, khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khuyến khích nói thẳng nói thật. Năm 1990 chứng kiến việc đại tá Bùi Tín – một quan chức chính trị cao cấp, trực ngôn, có nhiều năm hoạt động trong ngành báo chí và thông thạo ngoại ngữ – đào thoát sang phương Tây. Ở nước ngoài, Bùi Tín xuất bản một loạt hồi kí gây dư luận lớn, phơi bày nhiều sai lầm và thất bại của Đảng[4]. Mà không chỉ có Bùi Tín. Một làn sóng bất đồng rộng rãi hơn đã xuất hiện, có thể đây là lần đầu tiên kể từ sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm hồi giữa những năm 1950. Những người bất đồng chính kiến mới – trong đó có Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Trấn, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Kiến Giang, Trần Độ, Vũ Thư Hiên – đều có thành tích yêu nước. Những bài viết của họ kết hợp những phân tích sâu sắc với những điều mắt thấy tai nghe về áp bức và tham nhũng ở miền Bắc Việt Nam không phải mới đây mà từ hồi những năm 1950[5]. Những bài viết này đã hạ thấp tính chính danh của Đảng và uy tín của Hồ Chí Minh – người sáng lập Đảng.
Một mối đe doạ nữa đối với tính chính danh của Đảng xuất phát từ Trung Quốc –đàn anh của Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng lại trở thành kẻ thù ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Từ giữa những năm 1980, Trung Quốc đã công bố hàng loạt tài liệu và hồi kí về quan hệ Trung-Việt. Những tập tài liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc làm người ta nghi ngờ thành tích anh hùng mà Đảng Cộng sản Việt Nam thường khoe khoang, thí dụ như chiến thắng Điện Biên Phủ[6]. Từ những tài liệu của Trung Quốc, người ta mới biết rằng hoá ra Đảng Cộng sản Việt Nam lệ thuộc ngoại bang nhiều hơn là họ từng công nhận.
Trên đây là những lí do quan trọng khiến Đảng quyết định xuất bản Toàn tập. Sự kiện này có thể được coi là một ván bài chính trị mà động cơ của nó chính là nỗi sợ hãi và lo lắng, cùng với mục đích là phục hồi tính chính danh đã bị tổn hại. Động cơ này thể hiện rõ trong Quyết định ngày 3 tháng 2 năm 1997 của Bộ Chính trị phê chuẩn dự án xuất bản bộ Toàn tập. Theo quyết định này, dự án nhằm vào 5 mục tiêu sau đây:
1. “Sưu tầm, xác minh và xuất bản tương đối đầy đủToàn tập Văn kiện Đảng, phản ánh khách quan quá trình hình thành, phát triển của Đảng và tiến trình cách mạng do Đảng lãnh đạo, làm rõ bản chất cách mạng, sáng tạo của Đảng ta, vai trò công lao to lớn của Đảng trong lịch sử cách mạng dân tộc, những bài học kinh nghiệm có thể rút ra qua những thành tựu, thắng lợi và cả sai lầm vấp váp của Đảng qua các chặng đường lịch sử cách mạng.”
2. “Giúp lãnh đạo Đảng đúc rút kinh nghiệm, bài học kế thừa, bổ sung và phát triển đường lối của Đảngphù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.”
3. Cung cấp những tư liệu lịch sử xác thực và có hệ thống cho công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng, tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc.”
4. Góp phần cung cấp chứng cứ tin cậy để thông tin chân thực trong Đảng và trong nhân dân về các sự kiện lịch sử, bác bỏ các thông tin không đúng, sai trái, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc lịch sử,vu khống Đảng.”
5. “Cung cấp tư liệu lịch sử Đảng dùng cho việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử vẻ vang và những bài học kinh nghiệm của Đảng”[7].
Những từ và câu được tôi nhấn mạnh bên trên cho thấy sự khác biệt giữa những động cơ của lần xuất bản Toàn tập này so với những lần xuất bản trước. Động cơ của lần xuất bản này cho thấy rõ tâm trạng lo lắng và bất an của thế hệ lãnh đạo mới của Đảng, tức là thế hệ những người nắm được quyền lực vào đầu những năm 1990. Thí dụ, mục tiêu thứ hai bên trên làm cho người ta hiểu rằng vì sự sụp đổ của khối Xô Viết mà những người lãnh đạo cộng sản thấy bài học của quá khứ ngày càng có giá trị hơn.
Việc Đảng chịu thừa nhận các sai lầm trong quá khứ còn chứng tỏ sự lo lắng và bất an của họ đối với việc đánh mất tính chính danh. Lời giới thiệu cho những lần xuất bản trước chỉ ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng chứ không bao giờ nói đến thất bại. Thí dụ, lời nói đầu cho tuyển tập văn kiện nói về cuộc kháng chiến chống Pháp, xuất bản năm 1986, bắt đầu như sau: “Đây là bộ sách quý trong kho tàng văn kiện lịch sử vô giá thể hiện trí tuệ tập thể của Đảng, giúp ta hiểu được ý nghĩa và cội nguồn thắng lợi trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp và củng cố lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”[8]. Sự khác biệt giữa ngôn từ được sử dụng trong các bộ trước và bộ mới này thật đáng kinh ngạc. Việc nhấn mạnh “thông tin một cách trung thực trong nội bộ đảng và trong nhân dân” cho chúng ta thấy rằng các nhà lãnh đạo Đảng đã nhận thức được sự suy giảm niềm tin vào chế độ. Không thể cứ nói mãi về thắng lợi được nữa, tối thiểu cần phải thừa nhận là đã có một số sai lầm để khôi phục lại niềm tin.
Mục tiêu thứ tư cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Đảng đối với những thiệt hại mà những người bất đồng gây ra đối với uy tín và tính chính danh của chế độ. Những tác phẩm báng bổ của những người đối lập đe dọa xói mòn niềm tin trong “nhân dân” cũng như đảng viên. Uy tín của những người đối lập, nhiều người trong số họ đã từng giữ chức vụ khá cao trong Đảng, làm cho Đảng sợ rằng sẽ có thêm nhiều người bỏ Đảng. Mục tiêu thứ ba nhắc đến thế hệ trẻ cho thấy các nhà lãnh đạo lo lắng đến mức nào về việc mất liên hệ chính trị với quần chúng thanh niên. Việc nhắc đến “bạn bè quốc tế” cho thấy Đảng đã sửa đổi cách làm cũ, tức là chỉ xuất bản cho người trong nước đọc; rất có thể đây là một cố gắng nhằm giảm bớt ảnh hưởng của những tài liệu mới được công bố ở Trung Quốc.
Món hời của các nhà nghiên cứu
Ken MacLean đã chỉ rõ những hạn chế quan trọng của Toàn tập, đồng thời cũng khẳng định giá trị học thuật to lớn của nó, nhất là khi được sử dụng cùng với báo, tạp chí, các công trình chuyên khảo và hồi kí cũng như tài liệu do các quan chức nhà nước viết. Trong quá trình nghiên cứu của mình, tôi nhận thấy Toàn tập có giá trị, ít nhất là ở hai khía cạnh sau đây. Thứ nhất, do bao trùm được một giai đoạn rất dài, Toàn tập giúp các nhà nghiên cứu theo dõi được tiến trình phát triển tư duy cũng như chính sách của lãnh đạo Đảng trong suốt giai đoạn đó. Pierre Asselin chứng minh rằng bộ Toàn tập mới đã giúp ông nghiên cứu sự phát triển của chiến lược cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt mấy thập niên. Nhờ các báo cáo và nghị quyết các kì hội nghị và đại hội Đảng, tôi có thể theo dõi được sự thay đổi thế giới quan của những người lãnh đạo Đảng từ những năm 1930 đến hết những năm 1960[9]. Các văn kiện này đã giúp tôi hiểu được cách thức mà các nhà chiến lược của Đảng, dựa vào những khái niệm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, mường tượng và phân tích nền chính trị thế giới. Phương pháp phân tích của họ không thay đổi trong một thời gian dài, chứng tỏ rằng họ có niềm tin rất vững chắc vào những khái niệm này dù bầu không khí chính trị trong nước và trên toàn thế giới liên tục thay đổi.
Toàn tập không chỉ cho thấy thế giới quan của những người lãnh đạo Đảng mà còn làm sáng tỏ sự phát triển về mặt tổ chức của Đảng, cả ở tầm quốc gia, địa phương và khu vực. Thí dụ, chính sách về thành phần đảng viên đã chuyển từ tương đối cởi mở trong những năm 1940 sang chính sách hạn chế, dựa trên thành phần giai cấp, trong những năm 1960[10]. Toàn tập cho thấy sự thay đổi đáng kể trong chính sách về tổ chức và mô hình phát triển Đảng ở tầm khu vực và tỉnh. Hơn nữa, Toàn tập còn giúp tìm hiểu các cuộc vận động chính trị đặc biệt, thí dụ như “cải cách ruộng đất” và “chỉnh đốn tổ chức Đảng”. Chúng tôi cho in trong số tạp chí này bản dịch một văn kiện trong tập 14, nói rằng Đảng đã ấn định chỉ tiêu xử tử địa chủ trong cải cách ruộng đất là 1/1000 dân ở vùng tự do. Số lượng lớn tài liệu về cuộc cải cách ruộng đất cho phép chúng ta xác định một cách chính xác quyết định thanh trừng đảng viên vì thành phần giai cấp “xấu” trong những năm 1953-1956 được đưa ra và rút lại khi nào và ở cấp lãnh đạo nào.
Giá trị thứ hai của Toàn tập nằm ở chỗ nó bao gồm rất nhiều loại văn kiện khác nhau. Một số loại văn kiện, như chỉ thị về công tác tuyên truyền hay thi hành chính sách là những tiết lộ đặc biệt có giá trị. Trong một số trường hợp, hiện nay có thể chứng minh được mối liên hệ giữa những đòn “tung hỏa mù” của Đảng (cố tình truyền bá những tin tức sai lạc) và những quan điểm sai lạc của các học giả nước ngoài. Thí dụ, hiện nay chúng ta biết rằng đầu năm 1950 Hồ Chí Minh đã bí mật đi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để yêu cầu công nhận về mặt ngoại giao (Mao và Stalin đồng ý) và xin được kí hiệp ước phòng thủ chung với Liên Xô (Stalin không chấp thuận). Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cẩn thận đạo diễn việc Trung Quốc và Liên Xô công nhận về mặt ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để người ta cảm thấy dường như Mao và Stalin tự ý công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau khi Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả các nước công nhận Việt Nam[11]. Mục đích của việc làm này là nhằm tạo ra ấn tượng rằng Việt Nam không tìm cách gia nhập khối Xô Viết, với mục đích cuối cùng là tránh không để Mĩ can thiệp vào Đông Dương. Chiến thuật này, như Toàn tập hé lộ ra, đã không lừa được Mĩ và đồng minh của họ: các nước này đã phản ứng ngay lập tức bằng cách công nhận chính phủ Bảo Đại vào tháng 2 năm 1950. Nhưng đòn tung hỏa mù của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn lừa được nhiều nhà phân tích chính trị Đông Dương có tên tuổi trong hàng chục năm liền[12].
Một thí dụ khác cho thấy làm thế nào mà bộ máy tuyên truyền của Đảng có thể gạt các học giả là trường hợp di cư của gần một triệu người vào Nam sau Hiệp định Giơ-neo. Theo bài của Alec Holcombe trong số tạp chí này, các văn kiện trong Toàn tập cho thấy Đảng đã dàn dựng các sự kiện để lừa những quan sát viên ngoại quốc rằng trong những năm 1954-1955 chính quyền không ngăn cản người miền Bắc di cư vào Nam, dẫn đến nhiều học giả ngoại quốc đã tin đấy là sự thật.
Bộ Toàn tập mới có lợi không chỉ vì nó chứa nhiều văn kiện hơn, mà còn vì nó công bố những phiên bản văn kiện đầy đủ hơn so với những phiên bản đã bị biên tập quá kĩ lưỡng trước đây. Tôi đã lựa chọn một vài văn kiện được xuất bản trước đây và trong tập này và so sánh từng từ một để thấy cách trình bày (lèo lái) các tài liệu lưu trữ trong những tập này khác nhau như thế nào. Có hai khác biệt đáng chú ý. Thứ nhất, các biên tập viên bộ Toàn tập này tuân thủ ngôn ngữ tài liệu gốc chặt chẽ hơn. Trong những tuyển tập được xuất bản hồi những năm 1970, “Trung Quốc” được dùng để chỉ Trung Hoa cộng sản, trong khi “Tầu Tưởng” được dùng để chỉ chính phủ của Tưởng Giới Thạch. Bộ Toàn tập mới sử dụng từ “Tàu” (một từ bình dân để chỉ “Trung Quốc” hay “người Trung Quốc”) cho cả hai và không tìm cách phân biệt giữa hai chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy chúng ta có thể suy luận từ ngữ cảnh của văn bản để hiểu văn kiện đang nói đến nước Trung Quốc nào. “Tàu” chắc chắn là từ được dùng trong văn bản gốc, nhưng nó đã bị sửa thành “Trung Quốc” hoặc “Tàu Tưởng” trong những tuyển tập được xuất bản trước đây. Có thể có hai lí do. Những người biên tập có thể sợ rằng độc giả bị lầm lẫn giữa Trung Quốc “tốt” và Trung Quốc “xấu”. Để truyền đạt nghĩa Trung Quốc tốt và xấu, người ta dùng từ trang trọng và kính cẩn hơn là Trung Quốc, đối lập với từ “Tàu Tưởng”, tức là gắn từ “Tàu” có tính cách bình dân với từ “Tưởng” (họ của người lãnh đạo chính phủ này) – mặc dù cho đến năm 1949 Tưởng Giới Thạch vẫn là lãnh tụ của cả nước Trung Quốc.
Cách làm tương tự cũng được sử dụng cho từ “Nga” và “Liên Xô”. Cả hai từ “Nga” và “Liên Xô” cùng có mặt trong bộ Toàn tập mới (“Nga” xuất hiện nhiều hơn), nhưng trong những lần xuất bản trước chỉ có từ “Liên Xô” mà thôi. Hơn nữa, trong các văn kiện vừa được xuất bản còn có nhiều chữ viết tắt, như “C.S.” (Cộng Sản), “UBND” (Ủy ban nhân dân), và “VM” (Việt Minh). Trong những phiên bản trước đây những chữ này đều được viết đầy đủ, có thể các biên tập viên không muốn cho người ta hiểu sai.
Thứ hai, các các văn kiện trong Toàn tập chứa nhiều câu, thậm chí nhiều đoạn cực kì quan trọng mà những phiên bản trước đã lược bỏ. Thí dụ, trong mục nói về việc vận động các dân tộc thiểu số trong phiên bản mới của “Nghị quyết Hội nghị cán bộ trung ương, ngày 1 tháng 8 năm 1946”, Đảng chỉ thị cho cán bộ “đánh vào lòng mê tín của họ, cấp cho họ bằng sắc chức tước” để họ đi theo Đảng[13]. Phiên bản cũ, xuất bản năm 1978, đã bỏ câu này, có thể là vì đấy thể hiện sự coi thường của Đảng đối với các dân tộc thiểu số, mặt khác cũng cho thấy Đảng quá thủ đoạn[14].
Một khác biệt nữa được tìm thấy trong hai phiên bản văn kiện “Thông cáo của Thường vụ T.Ư. [về] triển vọng của tình hình chính trị Pháp và công tác tuyên truyền và ngoại giao”, ban hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1947. Phiên bản trước, xuất bản cuối những năm 1970, viết: “Nếu Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam thì mặt trận chống phản động Mỹ và Tưởng của nhân dân Trung Quốc, và mặt trận chống Pháp, Mỹ của nhân dân Việt Nam sẽ hoà làm một. Do đó, một thắng lợi của nhân dân Trung Quốc là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam, và trái lại, một thắng lợi của ta cũng ảnh hưởng tốt cho Trung Quốc”[15]. Trong phiên bản mới, đoạn này còn có thêm một câu như sau: “Gần đây, những thắng lợi của Quân giải phóng Tàu, và phong trào địa phương khởi nghĩa lan đến Hoa Nam là những điều kiện rất lợi cho ta”[16]. Câu này bóng gió đến hi vọng của Đảng về sự giúp đỡ trực tiếp về mặt quân sự của các đồng chí Trung Quốc – sự kiện cần che giấu sau khi quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng vào cuối những năm 1970. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chuyển từ “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm” của Việt Nam trong những năm 1980 thành “đối tác chiến lược” và “đồng chí xã hội chủ nghĩa” trong những năm 1990, việc đưa trở lại câu này vào tài liệu chính thức có thể là để phục vụ cho việc nhen nhóm lại những kỉ niệm về một giai đoạn khi Việt Nam và Trung Quốc còn thân thiết.
Động cơ chính trị tương tự cũng là nguyên nhân của sự khác biệt giữa hai phiên bản của văn kiện “Nghị quyết của Thường vụ Trung ương”, ban hành ngày 9 tháng 2 năm 1950. Phiên bản mới nói rằng sau khi được các nước trong khối Xô Viết công nhận về mặt ngoại giao thì một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng là “tìm hiểu rõ khả năng giúp đỡ của các bạn bên ngoài để sẵn sàng đón tiếp. Đề ra với Đảng [cộng sản] Trung Hoa vấn đề một chiến lược chính trị và quân sự chung ở Đông Nam Á. Đề ra vấn đề phối hợp hành động với Đảng cộng sản Pháp ”[17]. Phiên bản trước, công bố hồi cuối những năm 1970, chỉ có câu cuối cùng về việc phối hợp với những người cộng sản Pháp mà thôi[18]. Một lần nữa, có vẻ như những người biên tập phiên bản cũ muốn che giấu mối liên hệ gần gũi một thời giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong khi những người biên tập phiên bản mới không có mối lo ngại như thế, thậm chí họ còn muốn bộc lộ những mối liên hệ như thế nữa kia.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể tìm được động cơ chính trị trong việc loại bỏ đoạn văn này hay đoạn văn kia. Phiên bản mới của “Thông cáo của Thường vụ T.Ư. …”, ban hành vào ngày 12 tháng 12 năm 1947, đã nói tới bên trên, trong phần nói về công tác tuyên truyền có dẫn một câu mà phiên bản cũ đã lược bỏ như sau: “[Trong công tác tuyên truyền chúng ta phải] vạch rõ tham vọng của Mỹ và nguy cơ. [Chúng ta phải] chống xu hướng thân Mỹ và sợ Mỹ”[19]. Không rõ vì sao phiên bản cũ không có mà phiên bản mới lại đưa câu này vào. Tuy nhiên, trong trường hợp này người ta có thể khẳng định rằng việc đưa câu này vào phiên bản mới là chỉ dấu cho thấy trong những năm cuối 1990 – thời gian công bố phiên bản mới – quan hệ Việt Mĩ phát triển rất chậm. Mặc dù Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Mĩ vào năm 1995, quan hệ giữa hai bên nói chung là lạnh nhạt và lúc đó đang khá căng thẳng vì Việt Nam sợ “âm mưu diễn biến hoà bình” của Mĩ.
Cuối cùng, trong khi các văn kiện được đưa vào bộ Toàn tập mới nói chung là đầy đủ hơn phiên bản cũ, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Phiên bản cũ “Chỉ thị của Ban chấp hành trung ương về kháng chiến kiến quốc”, ban hành ngày 25 tháng 11 năm 1945, tuyên bố rằng nhiệm vụ trước mắt của Đảng liên quan đến chính sách đối nội là “một mặt xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định hiến pháp,bầu chính phủ chính thức, [và mặt khác] xử trí cho xongvới bọn đối lập (Đại Việt, Việt Nam quốc dân đảng, Nguyễn Hải Thần), để thủ tiêu phong trào phân liệt và thống nhất chính quyền nhân dân (chú ý: có thể chia rẽ bọn họ, mua chuộc một bộ phận để ly gián họ, đàn áp những phần tử phản quốc trong hàng ngũ họ”[20]. Phiên bản mới có nhắc tới việc thành lập Quốc hội nhưng lược bỏ đoạn nói về chiến thuật nhằm loại bỏ phe đối lập[21]. Chiến thuật này cho thấy Đảng có nhiều thủ đoạn, nhưng thí dụ bên trên về dân tộc thiểu số chứng tỏ rằng những người biên tập phiên bản mới không quan tâm về việc để lộ bộ mặt thủ đoạn của Đảng. Nhiều khả năng là những người biên tập sợ rằng kẻ thù của Đảng có thể sử dụng chi tiết này cáo buộc Đảng đã dùng bạo lực thủ tiêu đối lập.
Kết luận
Tất cả các tác giả đóng góp bài trong diễn đàn này đều nhận thấy bản chất tuyên truyền của bộ Toàn tập văn kiện vừa được xuất bản. Tuy nhiên, họ cũng đồng ý rằng Toàn tập là công cụ có ích lợi trong việc nghiên cứu lịch sử chính trị và văn hoá chính trị của Việt Nam. Động cơ xuất bản bộ sách này là nỗi sợ hãi và lo lắng sâu sắc về tương lai của Đảng. Như tôi đã khẳng định bên trên, nỗi sợ hãi này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Đảng đánh một ván bài nhằm giảm bớt những mối đe doạ đối với tính chính danh của mình bằng cách công khai hoá một phần tư liệu trong văn khố của Đảng. Hành động này rất khác với thói quen bí mật cố hữu của họ. Cái rủi ro trong ván bài này là việc bộ Toàn tập tiết lộ không chỉ những việc làm tốt của Đảng mà còn cả những thủ đoạn ám muội và chiến thuật bẩn thỉu. Đây đúng là một hành động chỉ được tiến hành khi Đảng cảm thấy đang bị đe doạ nghiêm trọng.
Diễn đàn này hi vọng gợi ý cho các nhà nghiên cứu cách thức sử dụng hữu hiệu bộ Toàn tập này, đồng thời đưa ra hai cảnh báo quan trọng. Thứ nhất, Toàn tập phải được sử dụng cùng với những nguồn thông tin khác. Nếu không, những văn kiện này có thể làm người ta rối trí, thậm chí lầm lẫn nữa. Thứ hai, những người đóng góp bài cho diễn đàn này chủ yếu nghiên cứu giai đoạn từ những năm 1940 đến hết những năm 1960. Trong những thí dụ được đưa ra, các tác giả đã không sử dụng những tập tư liệu của những năm 1930 cũng như những tập tư liệu của những năm sau 1970. Có lí do để tin rằng văn kiện trong các tập về hai giai đoạn này có ít giá trị hơn. Đối với thập niên 1930, văn khố của Pháp và Nga có thể chứa nhiều tài liệu hơn chính văn khố của Đảng. Đối với những thập kỉ gần đây, có thể có quá nhiều vấn đề nhạy cảm, cho nên khó hi vọng là những văn kiện mới được công bố có thể “tương đối đầy đủ”[22]. Đối với những thập kỉ này, có lẽ chúng ta phải đợi đến lúc Đảng quyết định đánh một ván bài mới.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol.5, no.2, Summer 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Nguyên Trường
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Bản dịch đã được tác giả hiệu đính.
[2] Tôi xin cám ơn Peter Zinoman vì ông đã đề nghị tôi tham gia diễn đàn và viết bài tiểu luận này. Tôi cũng xin cám ơn David Marr, người đã gợi ý tôi so sánh bộ Toàn tập này với những bộ đã xuất bản trước đây, cám ơn Trang Cao và Ken MacLean vì đã góp ý cho bài viết.
[3] Tôi đã tham khảo ít nhất là một tập từ những bộ sau đây: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng, 8 tập (1930–1935, 1935–1939, 1939–1945, 1945–1946, 1946–1948, 1948–1950, 1951–1953, 1953–1954) (Hà Nội: Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương [1962–1964, ba tập đầu], 1978–1979); Viện Mác-Lê Nin, Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, 2 vols. (Hà Nội: Sự Thật, 1986–1988); Văn kiện quân sự Đảng (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 1969); và Đảng Cộng Sản Đông Dương, Văn Kiện Toàn quốc Đại biểu Đại hội lần thức hai của Đảng, tháng hai năm 1951 (Hà Nội, 1965).
[4] Bùi Tín, Hoa Xuyên Tuyết (Irvine, CA: Nhân Quyền, 1991).
[5] Xem, thí dụ, Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1996); Hà Sỹ Phu, Tuyển Tập (Irvine, CA: Nhân Quyền, 1996); Nguyễn Kiến Giang, Tuyển Tập (Garden Grove, CA: Trăm Hoa, 1993); Trần Độ, Đổi Mới, niềm vui chưa trọn (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1999); Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày: Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị (Westminster, CA: Văn Nghệ, 1997). Một số tác phẩm này đã được chuyền tay lưu hành ở Việt Nam trước khi được người Việt ở hải ngoại xuất bản.
[6] Thí dụ bao gồm Chen Geng [Trần Canh], Nhật ký Chen Geng, tập 2 (Bắc Kinh:Nhà xuất bản Quân giải phóng Nhân dân, 1984); Luo Guibo [La Quý Ba], “Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ đã gửi tôi tới Việt Nam” trong Tưởng niệm Lưu Thiếu Kỳ, do He Jinxiu chủ biên (Bắc Kinh: Nhà xuất bản tài liệu lịch sử trung ương, 1988); và Nhóm biên tập bộ lịch sử các cố vấn quân sự Trung Quốc ở Việt Nam, [Báo cáo của nhóm cố vấn quân sự trong cuộc đấu tranh giúp Việt Nam chống Pháp] (Bắc Kinh: Nhà xuất bản Quân giải phóng, 1990). Trần Canh là cố vấn của Võ Nguyên Giáp trong những năm 1950-1954, còn La Quý Ba là đại sứ Trung Quốc đầu tiên ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Toàn bộ nguồn Trung Quốc, xin đọc Chen Jian, “Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, 1950–1954,” China Quarterly 133 (March 1993): 2–3.
[7] Quyết định của Bộ Chính Trị về việc xuất bản Văn Kiện Đảng Toàn Tập No. 25/QĐ/TƯ, tháng 2 năm 1997, được in lại trong Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia: 60 năm xây dựng và và phát triển, 1945–2005 (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 200). 246-250.
[8] Viện Mác-Lê Nin, Văn Kiện Đảng Về Kháng Chiến, 1:1.
[9] Xem bài của tôi “From Cheering to Volunteering: Vietnamese Communists and the Arrival of the Cold War 1940–1951,” trong Connecting Histories: The Cold War and Decolonization in Asia (1945–1962), do Christopher Goscha và Christian Ostermann chủ biên (Stanford: Stanford University Press, 2009), 172–204; và “To Be Patriotic Is to Build Socialism: Communist Ideology during Vietnam’s Civil War,” trong Dynamics of the Cold War in Asia: Ideology, Identity, and Culture, do Tuong Vu và Wasana Wongsurawat chủ biên (New York: Palgrave Macmillan, 2010), 33–52.
[10] Xem Tuong Vu, Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia (New York: Cambridge University Press, 2010), chapter 6.
[11] Xem “Quyết nghị của Ban Thường vụ Trung ương”, ngày 15-16 tháng 1 năm 1950, Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 11:11.
[12] Gần 40 năm sau, George Kahin còn khẳng định rằng “chưa được bất kì nước nào công nhận về mặt ngoại giao, những người lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cảm thấy cần phải lập tức thoát ra khỏi tình trạng cô lập và ngày 14 tháng 1 năm 1950 họ đã kêu gọi tất cả các nước trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao. Bốn ngày sau, sau khi Hà Nội công nhận chính phủ của Mao (ngày 15), Bắc Kinh đáp lại bằng hành động tương tự. Và ngày 30 tháng 1, đến lượt Liên Xô”. Xem, George Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam (New York: Knopf, 1986), 35. Bài viết của Kahin đóng góp vào luận điểm cho rằng do hoàn cảnh bắt buộc nên Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới tham gia vào khối Xô Viết. Tôi đã phê phán luận điểm này trong bài “From Cheering to Volunteering” (note
[13] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:107.
[14] . Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 1:78.
[15] Như trên, 2:1, 155.
[16] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:338.
[17] Như trên, 11:223.
[18] Viện Mác-Lê Nin, Văn Kiện Đảng về Kháng Chiến, 1:369.
[19] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:339 [trong nguyên bản tiếng Anh ghi sai là tập 11].
[20] Như trên, 28.
[21] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiện Đảng Toàn Tập, 8:27.
[22] Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1979-1989 là một ví dụ. Trong những văn kiện của những năm 1980 được xuất bản trong Toàn tập, tất cả những lời ám chỉ Trung Quốc là kẻ thù của Việt Nam đều đã bị lược bỏ toàn bộ.
Ken MacLean – Văn kiện Đảng: Những khả năng và giới hạn trong thể hiện chính thức của một chính đảng đương quyền (bài 2)
Hoài Phi dịch
Tiểu luận này đặt câu hỏi về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua việc xem xét ấn phẩm từ cơ quan lưu trữ của đảng. Mặc dù những câu hỏi đặt ra chỉ mang tính chất thăm dò, chúng vẫn giúp nhấn mạnh một tình trạng kỳ lạ. Bất chấp việc có cả kho tài liệu hiện đang tồn tại về Đảng Cộng sản Việt Nam, lại có rất ít thông tin về việc những văn bản này đã được thu thập, hệ thống hóa trong các phòng lưu trữ như thế nào, và sau đó được chọn lọc để công bố trước công chúng qua sách vở, tạp chí, website chính thống ra sao, v.v… Vì những ấn bản này ưu tiên việc tạo lập một số “sự thật” bằng cách hy sinh một số sự thật khác, chúng định hình cho việc những câu hỏi có thể được đặt ra về đảng – không chỉ như một thiết chế mà còn như một tiến trình tư tưởng và thực hành của bộ máy hành chính, quy định việc người Việt cai trị bản thân họ và những người khác như thế nào.[1] Điều này không có nghĩa rằng một số xác nhận [về đảng] không có nguyên nhân, đặc biệt là những khẳng định nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của đảng trong xã hội Việt Nam; ngược lại là đằng khác, như bất kỳ người nào từng bị “đường lối” của đảng trong một lĩnh vực nhất định nào đó ảnh hưởng tới cuộc sống của mình, đều có thể chứng thực điều này. Nhưng ở đây, tôi muốn lập luận là việc chú ý chi tiết tới hình thức cụ thể của những ấn phẩm này, thêm vào đó là những thay đổi trong nội dung, có thể giúp chúng ta hiểu được nhiều vấn đề trước đó ít được chú ý – chẳng hạn như cách thể hiện chính thống về một chính quyền hiện tồn và về những thay đổi cách thể hiện chính quyền ấy qua thời gian; đây là trọng tâm vấn đề mà tôi chú ý.
Ví dụ, Văn Kiện Đảng Toàn Tập từ lâu đã được coi là một nguồn quan trọng đối với những người quan tâm đến những “sự thật” như thế. Giai đoạn đầu tiên của dự án này, do Bộ Chính trị khởi xướng vào buổi đầu thời kỳ đổi mới, đòi hỏi hơn mười hai năm mới hoàn thành xong. Được in từ năm 1998 đến năm 2007, thành quả của dự án này gồm năm mươi bốn tập, chứa đựng khoảng bốn ngàn văn kiện được ban hành trong khoảng thời gian từ năm 1924 đến năm 1995.[2] Gộp lại, nội dung được sắp xếp theo trình tự thời gian trong bộ Văn Kiện Đảng cung cấp cho người đọc một hồ sơ vô cùng hữu ích về các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, nghị định, hướng dẫn… mà nhà cầm quyền ở cấp trung ương đã ban hành trong khoảng thời gian mà bộ văn kiện bao hàm. Nhưng lướt qua mục lục cuối mỗi tập văn kiện, người đọc biết rằng chỉ có một phần của tổng số văn kiện ban hành hàng năm được xuất bản. Do vậy, việc bạch hóa từng phần ở đây trở thành một quy tắc, chứ không phải là ngoại lệ, đặc biệt là khi không có một chuẩn mực và quy trình rõ ràng nào được áp dụng để quyết định tài liệu nào cần được công bố và tài liệu nào không được đưa in.[3]
Việc bỏ thiếu một số văn kiện này gây ra một số vấn đề cho những nhà nghiên cứu thường sử dụng chúng để đưa ra những lập luận hoặc củng cố hoặc bác bỏ tường thuật chính thức [của đảng] về quá khứ. Loại sức nặng chứng cứ nào có thể được đặt ra với những tài liệu xuất hiện trong những tập văn kiện mà về bản chất là chọn lọc thay vì trọn vẹn? Chúng ta có thể xây dựng câu chuyện mình kể như thế nào với khoảng trống giữa những gì đã và chưa được công bố trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập, nhưng chúng ta biết về sự tồn tại của chúng ở đâu đó, thường là dưới hình thức lưu trữ.[4] Và khi nào thì những chỗ thiếu này báo hiệu cho chúng ta biết việc giới thiệu “sự im lặng” trong hồ sơ lịch sử là có chủ ý thay vì tình cờ?[5]
Nỗ lực “đọc ngược dòng với văn bản” và qua đó trả lời cho những câu hỏi này còn trở nên phức tạp hơn do một vài yếu tố. Việc tiếp cận với kho lưu trữ, dù đã tiến bộ nhiều, vẫn còn bị hạn chế và kiểm soát chặt chẽ.[6] Hơn nữa, còn rất nhiều nhân vật, sự kiện và quyết định tiếp tục bị giới hạn đối với các học giả nghiên cứu vì bị coi là gây tranh cãi, hoặc quá gần đây. Tuy vậy, chúng ta không thể quy tất cả những hạn chế đó cho việc kiểm duyệt có tính toán hoặc/và các trở ngại mang tính chất quan liêu, mặc dù cả hai điều này đều có xảy ra. Điều này là bởi vì những gì bị bỏ thiếu, những khoảng cách và những im lặng cũng phản ánh di sản của quá trình đã hình thành không chỉ việc tạo ra phòng lưu trữ tài liệu của đảng/nhà nước, mà cả về hình thức và nội dung của các văn kiện được đưa vào công bố trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập.[7] Phần tiếp theo sẽ cung cấp tổng quan tóm lược về một số tiến trình này, sau đó tôi sẽ đưa ra ba ví dụ ngắn để minh họa việc chúng đã ảnh hưởng tới cách thể hiện chính thống về một chính quyền hiện tồn như thế nào.
Quá trình hình thành lưu trữ
Chính phủ lâm thời, hành động theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục, ban hành nghị định cho phép thành lập cơ quan lưu trữ quốc gia chỉ một vài ngày sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập vào ngày mùng 2 tháng Chín năm 1945.[8] Nhưng cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ nhất (1946-1954) đã làm gián đoạn kế hoạch này. Do bản chất bất đối xứng của xung đột, ủy ban kháng chiến ở từng vùng và đôi khi ở từng tỉnh đã phát triển hệ thống của riêng họ để điều hành những địa hạt thường xuyên thay đổi trong vùng họ kiểm soát hoặc có ảnh hưởng. Mặc dù chính sách yêu cầu việc sao chép lại văn kiện mà các ủy ban này ban hành và chuyển tới khu giải phóng Việt Bắc, nơi Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến đóng trong suốt hầu hết cuộc chiến, nhưng rất nhiều văn kiện đã không được gửi đi hoặc thất lạc không đến nơi.[9] Vì vậy những văn kiện được đưa về Hà Nội sau khi Chiến tranh Đông Dương thứ nhất kết thúc và sau đó được xếp vào các kho đặc biệt xây để bảo quản chỉ bao gồm một phần nhỏ những văn kiện và tài liệu thực sự được ban hành trong cuộc chiến.[10]
Thực vậy, hồ sơ lưu trữ hết sức rời rạc và lộn xộn trong suốt thập niên tiếp theo đó. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả, nếu tính đến quy mô của những vấn đề mà đảng/nhà nước mới thành lập đang phải đối mặt sau khi giành được độc lập, bao gồm cả những vấn đề do chính đảng/nhà nước này gây ra, chẳng hạn như cải cách ruộng đất.[11] Vì những lý do đó, cố gắng lớn đầu tiên trong việc hệ thống hóa, in ấn và lưu hành số thư từ và văn kiện chính thức mãi cho đến tháng Mười Một năm 1957 mới thực sự được bắt đầu, khi chiến dịch Sửa sai đã được áp dụng rộng rãi. Điều thú vị là nghị định này không đổ lỗi tính thiếu hệ thống cho việc thanh trừng hàng loạt diễn ra trong thời cải cách ruộng đất, chỉnh đốn hàng vạn cán bộ thuộc các tổ chức quần chúng và cơ quan hành chính khác nhau dựa trên nền tảng được cho là ý thức hệ.[12] Thay vì vậy, nghị định phê phán cá nhân ở mọi cấp đảng/nhà nước về khuyết điểm lâu dài của họ trong việc hoàn thành các báo cáo được yêu cầu và/hoặc kịp thời nộp báo cáo cho cấp trên. Để cải thiện hiệu suất cả hai lĩnh vực này, nghị định thiết lập hướng dẫn rõ ràng, trong đó quy định cụ thể loại tài liệu nào – tất thảy gồm mười chín thể loại – cần được hoàn thành, và phải được sao chép rồi nộp cho cơ quan hữu quan, kể từ thời điểm đó trở đi.[13]
Nghị định này không chấm dứt được những khuyết điểm nói trên, một phần vì nhiều cán bộ “mới” được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo địa phương sau cải cách ruộng đất đều ít học hoặc không trải qua trường lớp và vì vậy, thường hầu như mù chữ. Nhưng nghị định đánh dấu khởi đầu trong nỗ lực của đảng/nhà nước nhằm biến cuộc sống ở những vùng nông thôn trở thành “dễ đọc” hơn và do đó dễ uốn theo các hình thức kế hoạch tập trung, qua việc sử dụng các mẫu được chuẩn hóa, các chỉ số thống kê và các lịch báo cáo.[14] Những thử nghiệm này tiếp tục mãi đến tận thập niên 1960 và có ảnh hưởng rất lớn, cả tích cực lẫn tiêu cực, đối với khả năng “điều hành từ xa” của lãnh đạo tại Hà Nội, có nghĩa là từ thủ đô giám sát các công việc hành chính ở nông thôn trong những thập niên tiếp theo.[15] Mặc dầu vậy, vào thời điểm đó, ước vọng lưu trữ của giới lãnh đạo chỉ tập trung vào việc củng cố quá khứ thay vì lưu tài liệu về hiện tại.[16]
Năm 1958, đại diện chính phủ yêu cầu và sau đó nhận được tài liệu từ Pháp liên quan đến Hồ Chí Minh và các nhân vật quan trọng khác trong phong trào chống thực dân của thập niên 1920 và 1930 – một số sau đó được in trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập. Năm sau đó, ban Bí thư đảng ban hành Thông tư số 529, một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu cán bộ ở tất cả các cấp hoàn thành báo cáo đúng cách; thông tư này cũng yêu cầu họ thu thập và gửi về Hà Nội toàn bộ tài liệu ban hành trong cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ Nhất còn tồn tại để chúng được phân loại, liệt kê và đưa vào lưu giữ tại một địa điểm tập trung.[17]
Đầu năm 1958, đảng tìm kiếm và nhận được trợ giúp kỹ thuật từ các nước xã hội chủ nghĩa khác, đặc biệt là Liên Xô, để hoàn thành nhiệm vụ lưu trữ. Trong thời kỳ hình thành này, Alexandrov Emelin tới Hà Nội và cố vấn cho Văn phòng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tổ chức lưu trữ như thế nào. Sau đó, văn phòng này gửi năm cán bộ đến Moscow, nơi họ được đào tạo cấp tốc tại Viện Lịch sử và Lưu trữ Nhà nước – trong số này có ba cán bộ người miền Nam được dự định gửi vào Nam để lưu trữ những văn kiện do Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Quân đội Nhân dân Việt Nam ban hành về sau.[18] [Liên Xô] cũng dịch hướng dẫn lưu trữ và các sưu tập đặc biệt sang tiếng Việt, tổ chức các hội thảo tập huấn, giúp nâng số cán bộ cho các cơ quan cấp trung ương lên 179 người và thêm 101 người khác được bổ nhiệm về các ủy ban hành chính cấp tỉnh trên toàn quốc vào cuối năm 1963.[19]
Sự phát triển nhanh chóng về chuyên gia lưu trữ khiến đảng khơi lại nỗ lực củng cố lịch sử của mình giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tiến trình này được bắt đầu thực sự vào năm 1962, do Trần Văn Nguyên, Đào An Thái và Vũ Dương Hoan dẫn đầu.[20] Nhưng do căng thẳng vùng miền gia tăng và các quan ngại về xung đột có vũ trang sắp tái diễn, chỉ hai năm sau đó, thủ tướng ban hành chỉ thị ra lệnh sơ tán toàn bộ các tài liệu quan trọng.[21] Điều này bao gồm việc chuyển toàn bộ các văn kiện do Ủy ban Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ, các cơ quan nhà nước và các tổ chức quần chúng cấp trung ương cũng như của Ủy ban Hành chính Hà Nội về Việt Bắc, nơi một số lượng tài liệu lớn trước đó đã được lưu trữ trong các hang đá và trong kho thời Chiến tranh Đông Dương thứ Nhất. Nhưng lần này, tài liệu được đưa vào những công trình được thiết kế đặc biệt cho mục đích lưu trữ – một kho rộng ba ngàn mét vuông xây bằng xi măng tại một địa điểm bí mật vào cuối năm 1964 dưới sự giám sát trực tiếp của Nguyễn Lương Bằng.[22]
Hiện chúng ta không biết nhiều về bản chất và quy mô tiến trình lưu trữ trong Chiến tranh Đông Dương thứ hai. Tuy vậy, các nguồn chính thức cho thấy việc phân loại và liệt kê các tài liệu hồ sơ xưa cũ nhất của đảng (từ năm 1925-1945) được tiếp tục tại kho lưu trữ ở Việt Bắc trong thời gian chiến tranh, và cũng có nỗ lực lưu trữ tài liệu ở ngoài Việt Bắc về các khía cạnh khác nhau của cuộc chiến khi chúng đang diễn ra.[23] Điều thú vị là quy định và thủ tục được đặt ra trước cuộc chiến phần lớn vẫn không thay đổi gì cho đến mãi sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng hoàn cảnh thay đổi lớn lao trong thập niên 1990, khi một số bộ phận khác nhau của đảng/nhà nước trong vòng một thập niên ban hành hàng loạt nghị định, nghị quyết, thông tư, v.v… có ảnh hưởng tới gần như toàn bộ mọi mặt của thực hành lưu trữ khi đó.[24] Ủy ban Xuất bản Văn Kiện Đảng Toàn tập, đứng đầu là Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang, bắt đầu công việc này trước đổi mới một vài năm, vì vậy ít khả năng là các thay đổi có ảnh hưởng lớn tới quyết định chọn đưa tài liệu nào vào tập văn kiện. Tuy nhiên, tiến trình hình thành cơ cấu tổ chức lưu trữ tài liệu đảng/nhà nước trước thời điểm này có ảnh hưởng tới việc họ có thể sử dụng “sự thật” nào.
Tác động
Trong nhiều thập niên, các quyết định được đưa ra trong môi trường thông tin nghèo nàn do thiếu nhân lực, cơ sở giao liên hạ tầng hạn chế, việc thường xuyên cải tổ bộ máy hành chính đang phát triển nhanh rộng của đảng/nhà nước, và do xung đột vũ trang. Điều kiện khó khăn này đồng nghĩa với việc lãnh đạo ở các cấp thường phải ra quyết định mà không có đủ thông tin họ cần cũng như về các chính sách mới nhất, và trong nhiều trường hợp thì họ thiếu cả hai. Mặc dù tình trạng này đã được cải thiện nhiều trong những thập niên gần đây, nhưng những yếu tố đó đã định hình cách thể hiện chính thức về chính phủ đương quyền – như cách nó xuất hiện trong Văn kiện Đảng Toàn tập – trong nhiều mặt, nhưng điều này không mấy được để ý. Sau đây là ba ví dụ ngắn.
Một, việc kiểm soát thông tin chặt chẽ, một điều kiện cần thiết trong cuộc đấu tranh chống thực dân, sau này được thiết chế hóa thành một phần của nỗ lực “xây dựng” nền kinh tế tập trung. Vì quyền lực trong bối cảnh như vậy dựa vào khả năng của bộ máy hành chính trong việc độc quyền tài nguyên mà sau này có thể được tái phân phối, thông tin có xu hướng được chuyển theo trục dọc giữa các cơ quan nhà nước và hiếm khi được chuyển tải giữa các cơ quan với nhau.[25] Về mặt lý thuyết, điều này có nghĩa là lãnh đạo cấp cao tiếp cận được nhiều thông tin hơn cấp dưới. Tuy nhiên, trên thực tế, khác biệt này thường chỉ là ảo tưởng, vì quan chức mọi cấp nhanh chóng học được việc cần thiết phải giấu cấp trên dữ liệu vào một số thời điểm và phóng đại chúng vào một số thời điểm khác nếu như họ muốn đạt chỉ tiêu, thêm nhân sự, ngân sách lớn hơn và được thăng tiến.[26] Vì vậy, khi báo cáo tổng kết tới được các nhà hoạch định chính sách tại Hà Nội thì thông tin trong đó thường đã lỗi thời, không đầy đủ, và/hoặc không hoàn toàn chính xác.
Không có gì lạ, điều này dẫn đến hiện tượng là các chính sách hình thành ở thủ đô dựa trên cơ sở các báo cáo này thường ít hoặc không có quan hệ gì với thực hành ở nông thôn, như ta đã rõ trong Đợt Bốn và Đợt Năm của cải cách ruộng đất. Sự cách biệt này tồn tại trong nhiều thập kỷ và tạo ra một diễn ngôn đổ lỗi bao quát hơn; diễn ngôn này vạch rõ nguồn gốc những vấn đề đặc trưng cho cuộc sống đời thường trong thời kỳ thực hiện cũng như xóa bỏ chủ nghĩa xã hội nhà nước nằm ngoài tiến trình hoạch định chính sách. Vì vậy, chính sách ở cấp trung ương, một khi đã thiết lập, thường không được phép chỉ trích công khai. Nhưng việc thực thi sau đó thì không phải như vậy. Điều này giúp giải thích tại sao rất nhiều tài liệu, đặc biệt những văn kiện được ban hành trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ Hai, lại đổ “khuyết điểm”, “sai lệch” và “lỗi lầm” xảy ra trong quá khứ gần đó cho cán bộ cấp dưới. Tuy nhiên, phần nào do thứ ngôn ngữ hô hào được sử dụng, các văn kiện này thất bại trong việc cung cấp đủ chi tiết hoặc chỉ dẫn cụ thể để tránh việc cả ba vấn đề đó tái diễn trong tương lai gần.[27]
Thứ hai, những vấn đề này, như tôi đã chỉ ra trước đó, khiến các nhà làm kế hoạch muốn biến nông thôn trở thành “dễ đọc” hơn và do đó dễ uốn theo “chỉ đạo chính phủ từ xa” qua các mẫu được chuẩn hóa, qua việc áp dụng chỉ số thống kê thống nhất, kế hoạch báo cáo cố định, v.v… kể từ cuối thập niên 1950 trở đi. Điều này giúp các nhà hoạch định “thấy” được vấn đề theo nghĩa mà James Scott phát triển, nhưng nó cũng có nghĩa là các khía cạnh xã hội, kinh tế và hành chính khác trong cuộc sống vuột khỏi tầm nhìn hẹp của đảng/nhà nước.[28] Điều này cho phép một số thực hành bất hợp pháp được nở rộ – bao gồm cả những thử nghiệm không được phép, chẳng hạn như việc giao khoán của hợp tác xã nông nghiệp đã điều chỉnh chính sách hiện hành để đáp ứng nhu cầu địa phương.[29] Để đối lại, các nhà hoạch định chính sách giới thiệu một cơ chế kiểm tra mới, nhưng chúng chỉ giúp tinh luyện các thực hành này thay vì xóa bỏ chúng; điều này dẫn đến việc ngày càng nhiều đội kiểm tra từ bên ngoài được sử dụng nhằm xác minh dữ liệu mà cán bộ cấp dưới nộp lên cấp trên, đánh giá xem chúng có phù hợp với chính sách hiện hành hay không.[30]
Thứ ba, những chuyến đi kiểm tra này về bản chất không nhằm mục đích trừng phạt; chúng cũng không bắt đầu với sự nổi lên của nền kinh tế tập trung, mặc dù chúng trở nên thường xuyên hơn kể từ thời điểm này. Nhiều chuyến đi có nhiệm vụ nghiên cứu, và kết quả thu được, thường có ảnh hưởng đáng kể tới chính quyền hiện hành. Chẳng hạn, các đội kiểm tra được gửi về các vùng giải phóng ở tỉnh Nghệ An tiến hành điều tra kinh tế xã hội mở rộng trong năm 1951 và 1952. Dữ liệu thực địa thu được từ những địa điểm này được sử dụng để xây dựng chính sách đồng nhất về thuế nông nghiệp, tiêu chuẩn để phân biệt các giai cấp khác nhau, và các thủ tục cần thiết khác để tiến hành cải cách ruộng đất, bắt đầu vào năm sau đó.[31]
Mặc dù mô hình áp dụng “kiểu mẫu” địa phương lên toàn quốc để các nơi khác bắt chước như một phần của phong trào quần chúng vẫn còn hiển lộ cho đến tận hôm nay, nhưng các tuyên bố về chính sách hiếm khi thừa nhận tiến trình này thực sự đòi hỏi những gì.[32] Việc bỏ sót đó một mặt giúp củng cố các tự sự mô tả đảng như nhân tố chính cho đoàn kết và tiến bộ trong xã hội Việt Nam, mặt khác lại nhấn mạnh sự chi phối của chính trị đời thường trong việc chuyển đổi chính sách.[33] Nhưng, như những nhận xét của tôi ở phần trên đã gợi ý, cả hai cách hiểu này không nhất thiết loại trừ nhau. Điều này có nghĩa là cách lập luận từ lâu nay về vấn đề này và những giả định đưa đến những lập luận đó cần bị từ bỏ để nhường chỗ cho những nghiên cứu tinh tế hơn, xem xét phê bình việc vì sao có nhiều tường thuật về “điều xảy ra” và những tường thuật đó được kể như thế nào, cũng như những tường thuật “kể điều người ta nói lại là đã xảy ra” hội tụ trong một số trường hợp và khác biệt trong những trường hợp khác.[34]
Để kết luận, những thay đổi lớn về chính sách đã từng và vẫn còn là qui tắc, phần nào là vì những thay đổi này cho phép đảng/nhà nước thể hiện nó như một thế lực rõ ràng trong đời sống “tư” cũng như “công”.[35] Vì lý do này, ta không nên xem các văn kiện liên quan đến chính sách được xuất bản trong Văn Kiện Đảng Toàn Tập như những nguồn độc lập có thể hiểu riêng rẽ theo chính chúng. Thay vì vậy, chúng ta nên xem các văn kiện này như can thiệp thời hiệu vào các tranh luận đang diễn ra cả bên trong lẫn bên ngoài đảng/nhà nước về chỉ đạo đúng đắn.[36] Do đó, các văn kiện trong tuyển tập được xuất bản này, cũng như các phòng lưu trữ mà từ đó chúng được rút ra, đã thiết lập những vị thế đặc quyền, nơi “sự thực” liên quan đến chính quyền hiện hành không chỉ đơn giản được tìm thấy, mà còn được chế tạo ra.[37]
Ken MacLean là Assistant Professor tại Viện Phát triển Quốc tế và Thay đổi Xã hội tại Đại học Clark. Ông là tác giả của “In Search of Kilometer Zero: Digital Archives, Technological Revisionism, and the Sino-Vietnamese Border,” được in trong Comparative Studies in Society and History 50, số 4 (208): 862-894. Hiện ông đang hoàn thành cuốn sách nghiên cứu về những đề tài được đề cập tới trong tiểu luận này.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol.5, no.2, Summer 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Hoài Phi
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Cũng có thể đưa ra lập luận tương tự về “nhà nước”. Chẳng hạn, xem Michel-Rolph Trouillot, “Anthropology of the State in the Age of Globalization: Close Encounters of the Deceptive Kind,” Current Anthropology 42, no.1 (2001): 125-138; James Ferguson & Akhil Gupta, “Spatializing States: Toward an Ethnography of Neoliberal Governmentality,” American Ethnologist 29, no.4 (2002): 981-1002; Timothy Mitchell, “Society, Economy, and the State Effect,” trong State/Culture: State-Fomation after the Cultural Turn, ed. George Steinmetz (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1999), 76-97. Giá trị của cách tiếp cận như vậy trong bối cảnh Việt Nam vượt ngoài phạm vi tiểu luận này, nhưng để biết về thảo luận liên quan, xem Nguyễn-võ Thu-hương, The Ironies of Freedom: Sex, Culture, and Neoliberal Governance in Vietnam (Seatle: University of Washington Press, 2008): 65-93.
[2] Phỏng vấn vô danh với Trương Tấn Sang, “Toàn Tập Văn Kiện Đảng là bộ sách vô cùng quý giá”, Vietnam Net, 31 tháng 10, 2007. http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/10/752233/ (truy cập ngày 18 tháng Hai, 2010); Hương Giang, “Ra mắt Văn Kiện Đảng Toàn Tập”, Việt Báo 27 tháng Chín, 2007. http://vietbao.vn/Xa-hoi/Ra-mat-Van-kien-Dang-toan-tap/45255892/157/ (truy cập 18 tháng Hai, 2010).
[3] Cũng có thể nói như vậy với nội dung được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Ví dụ, các tập tài liệu về địa chủ từ mười ba tỉnh khác nhau, là mục tiêu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn 1955-1956 sau này được chuyển về Hà Nội, nhưng lại được bảo quản tại các phòng lưu trữ ở thành phố tách biệt với các tài liệu khác về cải cách ruộng đất của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Xem Hồ Văn Quýnh, Phòng lưu trữ ủy ban hành chính thành phố Hà Nội (1954-1975): Nguồn lịch sử liệu chữ viết nghiên cứu lịch sử thủ đô. (Luận án Tiến sĩ, Viện Sử học, Hà Nội, 1995), 33-49.
[4] Trước năm 2006, các nhà nghiên cứu muốn được xem tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III phụ thuộc vào may mắn, vào sự hợp tác của nhân viên lưư trữ, và vào một danh sách mà Ben Kerkvliet đã tạo ra và cập nhật trong nhiều năm, trong đó bao gồm mục lục và các phông mà các nhà nghiên cứu khác đã được phép tiếp cận. Nhưng thiếu một chỉ dẫn chính thức, rất khó xác định xem tài liệu nào thực sự tồn tại, và việc đoán được nên yêu cầu tài liệu nào lại còn khó hơn. Việc ấn hành chỉ dẫn vào năm 2006 đã cải thiện tình hình này rất nhiều. Xem Sách chỉ dẫn các phông lưu trữ bảo quản tại trung tâm lưu trữ quốc gia III. Hà Nội: École française d’Extremê-Orient và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, 2006).
[5] Michel-Rolph Trouillot, Silencing the Past: Power and the Production of History (Boston: Beacon Press, 1995), 26; Về thảo luận liên quan, xem Ann Stoler, Along the Archival Grain: Epistemic Anxieties and Colonial Common Sense (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2009); Sherry Ortner, “Resistance and the Problem of Ethnographic Refusal” trong The Historic Turn in the Social Sciences, ed.Terence McDonald (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1996), 281-304.
[6] Việc tiếp cận ở các nước (từng là) xã hội chủ nghĩa dễ hơn nhiều, kể cả ở Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Xem Beatrice Barlett, “A World-Class Archival Achievement: the People’s Republic of China Archivists’ Success in Opening the Ming-Qing Central-Government Archives, 1949-1998,” Archival Science 7, no.4 (2007): 369-390; William Kirby, “Archives and Histories in Twentieth Century China,” trong Archives, Documentation and Institution of Social Memory, eds. Francis X. Blouin, Jr., & William G. Rosenberg (Ann Arbor: University of Michigan Press, 2006), 436-489.
[7] Cả “đảng” lẫn “nhà nước” đều không thể được hiểu một cách chính xác như những thực thể mạch lạc có suy nghĩ và hành động như người. Tuy nhiên, tôi vẫn sử dụng thuật ngữ này ở đây, bao gồm cả hình thức kết hợp phi chính thống (đảng/nhà nước) như một bản chất luận mang tính chiến thuật nhằm báo hiệu những trường hợp mà sự thống nhất thể chế của chúng được giả định là tồn tại trên bình diện tu từ. Xem Ken Maclean, “The Arts of Disclosure: Peasant-Bureaucrats, Historiography, and State Socialism in Viet Nam” (Luận án Tiến sĩ, Đại học Michigan, Ann Arbor, 2005), xv-xx.
[8] Để biết về tổng thể, xem Nguyễn Văn Thâm và Nghiêm Kỳ Hồng, Những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn soạn thảo văn bản và công tác văn thư – lưu trữ. (Hà Nội: Chính trị Quốc gia, 2001), 7-9.
[9] Tổng cục Thống kê, Lịch sử ngành thống kê Việt Nam (1946-2006). (Hà Nội: Thống kê, 2006), 250.
[10] Nghiêm Kỳ Hồng, “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác lưu trữ từ năm 1945 đến năm 2000” (Luận án Tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 2004), 40; Dương Văn Khảm, “Lưu trữ Việt Nam: Một thời kỳ đáng nhớ” trong blog cá nhân Lưu trữ, Lịch sử, 13 tháng Tư năm 2009. http://my.opera.com/duongvankham/blog/show.dml/3146312 (truy cập 15 tháng Hai, 2010).
[11] Chẳng hạn, xem Florence Yvon, “The Construction of Socialism in North Vietnam: Reconsidering the Domestic Grain Economy, 1954-1960,” Southeast Asia Research 16, no.1 (2008): 43-84; Balazs Szalontai, “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955-1956,” Cold War History 5, no.4 (2005): 395-426; Edwin Moise, Land Reform in China and North Vietnam (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1983).
[12] Moise, Land Reform in China and North Vietnam, 167-176; Maclean, “The Arts of Disclosure,” 76-186.
[13] “Nghị định số 527-TTG ngày 2 tháng 11 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bản Điều lệ Quy định chế độ chung về công văn giấy tờ ở các cơ quan”
www.archives.gov.vn/content/law/Lists/Document%20Law/Attachments/461/ND527TTg.pdf (truy cập 12 tháng Hai, 2010).
[14] James Scott, Seeing Like a State: How Certain Conditions to Improve the Human Condition Have Failed (New Haven: CT: Yale University Press, 1998), 3, 15.
[15] Nikolas Rose & Peter Miller, “Political Power beyond the States: Problematics of Government,” British Journal of Sociology 43, no.2 (1992): 173-205. Về tổng quan những thay đổi này, xem MacLean, “The Arts of Disclosure,” 199-204.
[16] Patricia Pelley, Postcolonial Vietnam: New Histories of the National Past (Durham, NC: Duke University Press, 2002), 17-69.
[17] “Thông tư số 259-TT/TƯ ngày 8 tháng 9 năm 1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hướng dẫn một số điểm về công tác lưu trữ công văn, tài liệu đã nhấn mạnh”, Trung tâm Lưu trữ Thành phố Hải Phòng. http://luutruhaiphong.ath.cx/trangchu/upload/thongtri.pdf (truy cập 16 tháng Hai, 2010). Cũng xem Nghiêm Kỳ Hồng, “Đảng Cộng sản Việt Nam,” 28.
[18] Ý nghĩa và tác dụng của công tác văn thư – lưu trữ. (Hà Nội: Phòng Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, 1961), 6.
[19] Nghiêm Kỳ Hồng, “Đảng Cộng sản Việt Nam,” 37.
[20] Dương Văn Khảm, “Lưu trữ Việt Nam,” 1. Tiến trình này trùng hợp với nghị quyết của Bộ Chính trị thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử dưới sự chỉ đạo của Trường Chinh. Xem “Nghị quyết số 41 NQ-TƯ ngày 21 tháng 1 năm 1962 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về Ban Nghiên cứu Lịch sử”. Để biết chi tiết, xem Patricia Pelley, “Writing Revolution: The New History in Post-colonical Viet Nam” (Luận án Tiến sĩ, Đại học Cornell, 1993).
[21] “Chỉ thị 24-TTg ngày 2 tháng 4 năm 1964 của Thủ tướng Chính phủ”, được trích dẫn trong Nghiêm Kỳ Hồng, “Đảng Cộng sản Việt Nam,” 52.
[22] Nghiêm Kỳ Hồng, “Đảng Cộng sản Việt Nam,” 41. Nguyễn Lương Bằng có các hoạt động liên quan đến đảng từ thời Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (1925); ông tiếp tục giữ một số chức vụ quan trọng trong đời chức nghiệp của mình, như làm đại sứ ở Liên Xô (1952-1956), tổng thanh tra chính phủ (1956), bộ trưởng tài chính, tổng giám đốc ngân hàng quốc gia, và phó chủ tịch nước (1969-1979).
[23] Nghiêm Kỳ Hồng (2004), 43; Nguyễn Lệ Nhung, “Tài liệu lưu trữ Đảng và công tác nghiên cứu: Biên soạn lịch sử” trêm blog cá nhân Lịch sử và Sử liệu học, ngày 8 tháng Mười năm 2007, http://my.opera.com/tieuboingoan/blog/show.dml/1394194 (truy cập ngày 18 tháng Hai, 2010). Để biết thêm chi tiết về việc này cũng như những nỗ lực khác, xem Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam; ra đời năm 1969, tạp chí này vẫn là một trong những diễn đàn chủ chốt cho những thảo luận như vậy.
[24] Chẳng hạn, xem Nguyễn Văn Thâm và Nghiêm Kỳ Hồng, Những văn bản chỉ đạo, 604-610.
[25] Katherine Verdery, National Ideology under Socialism: Identity and Cultural Politics in Ceausescu’s Romania (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1991), 74-97.
[26] Trong các cuộc phỏng vấn, những người cung cấp thông tin cho tôi đề cập tới các thực hành này là “chạy theo thành tích”.
[27] Để biết về các thảo luận liên quan, xem Alexei Yurchak, “Soviet Hegemony of Form: Everything Was Forever, Until It Was No More,” Comparative Studies in Society and History 45, no.3 (2003): 480-510. Trong khi Yurchak nhấn mạnh vai trò mà những thực hành này đã đóng trong sự sụp đổ bất ngờ của chủ nghĩa xã hội nhà nước ở Liên Xô, tôi lại muốn lưu ý đến sự nổi lên của chúng tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
[28] Scott, Seeing Like a State.
[29] Benedict Kerkvliet, The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2006).
[30] MacLean, “The Arts of Disclosure,” 240-332. Những thực hành như vậy khá phổ biến tại các nhà nước xã hội chủ nghĩa khác. Chẳng hạn, xem Andrew Kipnis, “Audit Cultures: Neoliberal Governmentality, Socialist Legacy, or Technologies of Governing?” American Ethnologist 35, no. 2 (2008): 275-289.
[31] Tổng cục Thống kê, Lịch sử ngành Thống kê Việt Nam, 56-57.
[32] MacLean, “The Arts of Disclosure,” 359-376.
[33] Benedict Kerkvliet, “Rural Society and State Relations” trong Vietnam’s Rural Transformation, eds Benedict J. Tria Kerkvliet & Douglas J. Porter (Bolder: Westview Press, 1995), 65-96.
[34] Trouillot, Silencing the Past, 2.
[35] Ann Anagnost, “The Politics of Ritual Displacement” trong Asian Visions of Authority: Religion and the Modern States of East and Southeast Asia, do Charles Keyes, Lauren Kendall & Helen Hardacre biên tập (Honolulu: University of Hawai’i Press, 1994), 222-223.
[36] Ken MacLean, “Manifest Socialism: The Labor of Representation in the Democratic Republic of Vietnam (1956-1959),” Journal of Vietnamese Studies 2, no.1 (winter 2007): 27-79.
[37] Ann Stoler, “Colonial Archives and the Arts of Governance,” Archival Science 2, số 1-2: 87.
-------------------
Pierre Asselin – Sử dụng Văn Kiện Đảng để hiểu chiến lược cách mạng của Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, 1954-1975 (bài 3)
Bùi Xuân Bách dịch
Việc tìm hiểu quá trình hoạch định chính sách của Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ được gọi là Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) có thể đưa ta đến chỗ thất vọng kinh khủng. Rất ít chi tiết được biết về cách thức làm việc của Đảng Lao động Việt Nam trong thời kỳ này. Sự thực là cho đến nay, nhiều học giả vẫn còn phân vân, ai là người đã đặt ra đường lối ở Hà Nội và những thế lực nào đã thúc đẩy việc hình thành những chính sách này. Liệu có phải là Hồ Chí Minh đã quyết định những chính sách của Đảng và Chính phủ trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến khi ông mất năm 1969? Có đúng là Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo những nỗ lực quân sự trong thời kỳ chống Mỹ, như ông đã từng làm trong Kháng chiến chống Pháp? Hay là những nhân vật khác ẩn khuất hơn nhưng gần gũi hơn trong việc hình thành và thực hiện chiến lược của Việt Nam? Phải chăng chủ nghĩa dân tộc và ước vọng “giải phóng đất nước” là những động lực duy nhất của giới lãnh đạo Hà Nội, hay những yếu tố khác, như ý thức hệ chẳng hạn, cũng quan trọng như thế hoặc hơn trong việc hình thành các đường nét trong nỗ lực cách mạng của họ?
Khó khăn trong việc giải đáp những câu hỏi như vậy chủ yếu là do những cố gắng của chính quyền Việt Nam nhằm kiểm soát việc “thời chống Mỹ” được ghi nhớ như thế nào ở Việt Nam và những nơi khác sau 1975, và ngăn chặn các học giả điều tra quá trình hình thành quyết định của Đảng Lao động Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu ấy, chính quyền đã quản lý và kiểm soát chặt chẽ những sản phẩm và ấn phẩm về lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, và khước từ phần lớn các học giả – Việt Nam và nước ngoài – việc tiếp cận những kho lưu trữ liên quan (chẳng hạn các kho lưu trữ của Đảng cũng như của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng). Thật mỉa mai thay, sự kết thúc cuộc chiến tranh lạnh hai thập kỷ trước cũng chỉ làm thay đổi chuyện này rất ít. Trong khi Bắc Kinh, từ lúc đó, đã hoan nghênh các học giả đến nghiên cứu tại các Trung tâm lưu trữ của Đảng và nhà nước họ, cho phép công bố những bí mật – và chắc chắn không phương hại về mặt chính trị – về lịch sử hình thành những quyết định trong thời Mao cho đến 1965, Hà Nội lại lựa chọn con đường tiếp tục duy trì tấm màn bí mật, che đậy cả những quyết định chủ chốt lẫn những quyết định không lấy gì làm quan trọng của nhiều thập kỷ trước, cứ như thể là hôm nay các chính phủ và nhân dân thế giới, chứ không phải chỉ một số nhỏ nghiên cứu sinh và các học giả, đang thực sự quan tâm một cách nghiêm chỉnh đến những quyết định đó.
Đã biết như thế về cách hành xử xưa nay của chính quyền Việt Nam trên phương diện đó, những sinh viên nghiên cứu cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có tôi, đã vui mừng, ngạc nhiên khi biết rằng vào đầu những năm 2000, Đảng Cộng sản Việt Nam (kế tục Đảng Lao động Việt Nam thời chiến) đã bắt đầu xuất bản một tuyển tập tài liệu tương đối hoàn chỉnh về những văn kiện của Đảng, ngược lui cho đến tận những năm 1920, và bao trùm cả hai cuộc chiến Đông Dương: loạt sách Văn Kiện Đảng. Tài liệu sưu tập [trong bộ sách này] đã từng xuất hiện ở Việt Nam, nhưng chỉ là những mảnh vụn rải rác và không phải luôn luôn có những tài liệu thực sự đi kèm. (Thật ra, thuật ngữ trong tiếng Việt tương đương với “document” (tài liệu) và “primary source” (nguồn chính) thường được dùng tương đối tự do ở Việt Nam, ngay cả trong giới nghiên cứu. Sự bất nhất này có thể gây ra khó chịu cho những người nước ngoài, những người phải trông cậy vào các mối quen biết ở địa phương để tìm ra các tài liệu đầu tay này). Thú thật, loạt sách Văn Kiện Đảng cũng có vấn đề. Những tài liệu mà nó đưa ra chỉ là một phần (có nghĩa là không đầy đủ). Hơn nữa, các bạn đồng sự ở Việt Nam đã nói với tôi rằng, bởi vì từng tài liệu đã được những người biên tập kiểm duyệt kỹ càng, nên một phần của những tài liệu được tuyển chọn đã bị thiếu và một số thông tin có thể thậm chí bị sửa đổi hay lược bỏ để bảo vệ bất kể những gì mà Đảng muốn giấu. Dẫu sao đi nữa, loạt sách này cũng có những giá trị riêng.
Lần đầu tiên tôi tới Việt Nam vào năm 1996 để làm nghiên cứu, với tư cách là một nghiên cứu sinh đi tìm tài liệu cho luận án của mình với đề tài về sự hình thành Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Tôi tìm thấy những thông tin quý giá trong Thư viện Quốc gia ở Hà Nội cũng như tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III. Từ đó tôi thường xuyên đến Trung tâm này. Mặc dù không bao giờ tôi bị từ chối chuyện vào đây, nhưng để xin được phép thì luôn luôn phải mất từ ba đến bốn tuần. Thêm vào đó, tôi thu thập được một số thông tin có ích và rất thú vị từ những tài liệu tôi được phép đọc, và rất hiếm khi, được sao chụp. Một số trong những tài liệu đó do chính Đảng ban hành. Nhờ vậy, từ đó tôi đã có thể lờ mờ hiểu những lập luận đằng sau các chính sách của Đảng trong thời kỳ 1954-1975.
Đó là lý do tại sao tôi lại đánh giá cao và cho là Văn Kiện Đảng có giá trị. Mặc dù còn nhiều thiếu sót, bộ Văn Kiện Đảng dễ kiếm và đưa ra một số tài liệu có thể giúp ta tìm hiểu những mối quan tâm của lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam trong khi hoạch định đường lối. Những tài liệu này có thể có vấn đề nếu người nghiên cứu chỉ dựa riêng vào chúng để tìm hiểu quá trình ra quyết định của Đảng, nhưng chúng lại có thể giúp ta soi sáng quá trình này nếu sử dụng kết hợp với những tài liệu khác. Chẳng hạn tôi thường dùng chúng cùng với những tài liệu của Chính phủ, nguồn lịch sử chính thức, và các nguồn tài liệu Tây phương, gốc hoặc thứ cấp. Mặc dù nghiên cứu của tôi có những khiếm khuyết của riêng nó, tôi muốn nghĩ rằng ít nhất thì nó cũng có đóng góp chút ít cho sự hiểu biết của phương Tây về “phía bên kia” trong thời chiến tranh Việt Nam. Vì thiếu những bằng cớ “chắc chắn” (có nghĩa là toàn bộ những tài liệu của Đảng), việc tốt nhất chúng ta có thể làm là suy luận trên cơ sở những bằng chứng, tuy chỉ có một phần nhưng đáng tin cậy, về quá trình hình thành những quyết định ở Hà Nội.
Mục đích nghiên cứu hiện thời của tôi bao gồm cả việc tìm dấu vết quá trình tiến triển của chiến lược cách mạng cộng sản ở Việt Nam sau 1954, nhưng chú trọng đến mặt ngoại giao trong chiến lược này. Tài liệu Văn Kiện Đảng đặc biệt hữu ích, giúp tôi đánh giá lại những giai đoạn quan trọng trong tiến triển đó và đưa ra những nhận xét đánh giá lại, khác với những định kiến đã có ảnh hưởng quá nhiều trong giới sử học nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Ví dụ trong một tiểu luận sắp in, tôi đưa ra nhận định – dựa trên cơ sở những tài liệu Văn Kiện Đảng và những nguồn khác – rằng vào năm 1954, Đảng Lao động Việt Nam chấp nhận đàm phán và một giải pháp ngoại giao cho cuộc Kháng chiến chống Pháp, bởi vì điều này phục vụ cho một số những quyền lợi cốt yếu của họ và đáp ứng được với những khả năng có thể xảy ra theo họ phán đoán lúc đó[1]. Một tài liệu tôi tìm thấy trong Văn Kiện Đảng đặc biệt cho thấy rõ điều đó là việc đánh giá tình hình trong nước và trên thế giới, do Bí thư thứ nhất Trường Chinh soạn thảo giữa tháng 7 năm 1954, khi Hội nghị Giơ ne vơ đã bước vào giai đoạn quyết liệt[2]. “Ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng yếu” Trường Chinh nhận định. Không may là, ông tiếp tục, khả năng can thiệp của Mỹ hiện nay cao hơn bao giờ hết. Trong hoàn cảnh đe dọa đó, việc đạt được một thỏa thuận trên bàn đàm phán với những điều kiện tuy không hoàn hảo nhưng hợp lý thì cũng chính là một “cơ hội tốt” để chặn đứng những tham vọng của Mỹ ở Đông Dương. “Tuy còn nhiều khó khăn trước mắt”, ông kết luận, “hòa bình sẽ mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho chúng ta” để “hoàn thành những nhiệm vụ còn dang dở” và “giành thắng lợi mới”. Chắc chắn, khi chấp nhận Hiệp định Giơ ne vơ ban, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam đã đáp ứng tích cực với những quan tâm và áp lực từ các đồng minh xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc, về một số vấn đề. Nhưng họ đã không, như một số học giả phương Tây vẫn khăng khăng, đi ngược lại những yêu cầu chiến lược của chính họ trong khi họ hiểu rõ những yêu cầu đó. Trên thực tế, đã không có những xung đột quan trọng, mà thay vào đó, là một sự phù hợp ở mức độ đáng kể giữa những quyền lợi của Việt Nam về một phía, và quyền lợi của Trung Quốc với Liên Xô về phía kia, như tài liệu trên đã chỉ ra.
Trong một bài trước đây, dựa gần như hoàn toàn vào tài liệu trong Văn Kiện Đảng, tôi đã lập luận rằng Hà Nội chấp nhận Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 và đã hành động đúng theo những tính toán dự phòng của họ, vì họ tin chắc rằng việc thực thi Hiệp định sẽ đem lại hòa bình thống nhất đất nước và phù hợp với lợi ích của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam[3]. Một tài liệu, tôi đã dùng để chứng minh cho phát biểu của mình, là chỉ thị lưu hành nội bộ Đảng ngày 27 tháng 7-1954 có nói rằng “cuộc đấu tranh ái quốc của ta chuyển sang giai đoạn mới” và “đã chuyển sang hình thức đấu tranh chính trị để củng cố hòa bình”. Để thực hiện những mục tiêu này trong hoàn cảnh mới, Đảng ta sẽ tranh đấu “theo đường lối hòa bình”. Trong thời gian này, chỉ thị nói rõ, nhiệm vụ nặng nề của các cán bộ Đảng là “giải thích… rõ tình hình mới” cho toàn thể đảng viên và quần chúng, nhắc nhở họ tầm quan trọng của việc phải tránh những hành động bạo lực và chống lại những khiêu khích của kẻ thù. “Nhân dân ta còn phải tiếp tục đấu tranh lâu dài và gian khổ bằng phương pháp hòa bình,” chỉ thị nhấn mạnh, “để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc”[4]. Sai lầm trong việc tôn trọng văn bản và tinh thần của Hiệp định Giơ ne vơ, một chỉ thị khác được in trong Văn Kiện Đảng nói, sẽ cung cấp cho Mỹ và các đồng minh của chúng, Pháp và Nam Việt Nam, một cái cớ chống lại việc thi hành Hiệp định[5].
Ở những chỗ khác, tôi dùng loạt sách Văn Kiện Đảng để tìm hiểu quá trình hình thành chiến lược cách mạng của Hà Nội trong khoảng thời gian từ giữa phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tháng giêng 1959 đến thời điểm tan vỡ của Hiệp định Giơ ne vơ về Lào vào năm 1962[6]. Tài liệu trong Văn Kiện Đảng cũng nhấn mạnh rằng trong thời kỳ quan trọng này, Hà Nội đã đi những bước hết sức thận trọng bên dưới vĩ tuyến 17, bởi vì họ tìm cách cân bằng những áp lực dị biệt với những nhu cầu khác nhau. Những nhà cách mạng trong Nam thì muốn Hà Nội phê chuẩn đấu tranh võ trang, trong khi Liên Xô và, có một thời gian, cả Trung Quốc đều muốn Hà Nội tập trung vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong khi những sự khác biệt này ngày một gia tăng, Sài Gòn và Washington lại mở rộng “cuộc chiến tranh xâm lược” của họ sang Lào và Căm Bốt, là những khu vực mà ít nhất là trong lúc này Hà Nội muốn giữ thái độ trung lập. Sự tiến thoái lưỡng nan mà Hà Nội gặp phải, những tài liệu tiết lộ, là hoặc đáp ứng phù hợp với hoàn cảnh của những đảng viên trong Nam và có cơ nguy xa rời hai cường quốc cộng sản, hoặc cố trì hoãn để tránh cơ nguy này cho dù phong trào cách mạng trong Nam có thể có những tổn thất.
Trong một tiểu luận khác, tôi sử dụng tài liệu trong Văn Kiện Đảng, để chứng minh rằng, mùa xuân năm 1965, Hà Nội đã miễn cưỡng đưa miền Bắc vào một cuộc chiến rộng lớn hơn với Mỹ.[7] Tuy nhiên, sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bắt đầu thì họ không dừng bước trước bất kể chướng ngại nào để đảm bảo thắng lợi cuối cùng cho những cố gắng của họ. Hiện nay tôi đang nghiên cứu về chiến lược ngoại giao của Hà Nội giữa 1965 và 1973. Tài liệu từ Văn Kiện Đảng và những nguồn khác chỉ ra rằng khi nào những nhân vật quốc tế chính trong cuộc Chiến tranh lạnh sử dụng ngoại giao để ngăn chặn bạo lực, thì những người lập chính sách của Đảng Lao động Việt Nam lại coi ngoại giao như một chức năng của cuộc đấu tranh cách mạng, một vũ khí chiến tranh về thực chất.
Những người quan tâm đến thời kỳ 1965-1975 sẽ tìm thấy những viên ngọc thực sự trong Văn Kiện Đảng. Nó bao gồm cả nghị quyết của Ủy ban Trung ương vào tháng giêng năm 1968, về vấn đề thực hiện và dự đoán kết quả của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân; bức điện của Bộ Chính trị vào tháng 3-1972, gửi các lãnh đạo cách mạng trong Nam nói về những quan tâm của Hà Nội và chiến lược đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon; một bức điện khác của Tổng bí thư Lê Duẩn, tháng 9-1972, gửi Trung ương cục miền Nam, cơ quan chỉ đạo cao nhất của Đảng trong Nam, thông báo về việc sắp sửa ký hiệp định lập lại hòa bình với Mỹ và những nét đại cương về trách nhiệm của Trung ương Cục sau khi ký hiệp định; và một loạt những bức điện của Bộ Chính trị gửi các chỉ huy quân sự trong Nam, tháng 3 và 4-1975, nêu những nét chính trong chiến lược của Đảng để hoàn thành công cuộc “giải phóng” miền Nam.
Dù cho có những khiếm khuyết, loạt sách Văn Kiện Đảng là vô giá, đặc biệt trong hoàn cảnh khan hiếm những tài liệu lưu trữ từ phía Việt Nam, và khi tính đến quãng đường mà các nghiên cứu sinh và học giả phải trải qua để có được thậm chí chỉ một chút xíu những tài liệu chứng cứ ở đất nước này.
_______
Pierre Asselin là Phó Giáo sư Lịch sử tại Viện đại học Hawaii Thái bình dương. Ông là tác giả cuốn sách: Một nền hòa bình cay đắng: Washington, Hà Nội và việc ký kết Hiệp định Paris (Chapel Hill: Nhà xuất bản Viện đại học North Carolina, 2002). Hiện ông đang đang viết cuốn sách sắp tới về chiến lược cách mạng của Hà Nội trong giai đoạn 1954 đến 1965.
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Summer 2010, vol. 5, no. 2, Summer 2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Bùi Xuân Bách
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Pierre Asselin, “Việt nam Dân chủ Cộng hòa và Hội nghị Giơ ne vơ 1954: một cách nhìn lại” trong Lịch sử Chiến tranh lạnh, sắp ra.
[2] Đảng Cộng Sản Việt Nam, “Để hoàn thành nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác trước mắt”, Văn Kiện Đảng Toàn Tập – tập 15: 1954 (dưới đây viết tắt Văn Kiện Đảng: 1954) (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2001), 179–222.
[3] Pierre Asselin, “Chọn lựa hòa bình: Hà Nội và Hiệp định Giơ ne vơ về Việt Nam, 1954–1955,” Tạp chí Nghiên cứu Chiến tranh lạnh 9, số 2 (Xuân 2007): 95–126.
[4] “Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 27 tháng 7 năm 1954: Tuyên truyền về những Hiệp định của Hội nghị Giơnevơ—Tình hình và nhiệm vụ mới”, Văn Kiện Đảng: 1954, 238–241.
[5] “Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 30 tháng 7 năm 1954: Về việc chấp hành lệnh đình chiến”, Văn Kiện Đảng: 1954, 248–250.
[6] Pierre Asselin, “Hà Nội giữa hai Hội nghị Giơ ne vơ: Sự tiến triển của chiến lược cách mạng Việt Nam, 1959-1962,” trong Hòa bình không đến, Đông dương giữa hai Hội nghị Giơ ne vơ, 1954-1962, do Christopher Goscha và Karine Laplante biên tập (Paris: Les Indes Savantes, 2010).
[7] Pierre Asselin, “Hà Nội và việc Mỹ hóa cuộc chiến ở Việt Nam: Bằng chứng mới từ Việt Nam,” Tạp chí lịch sử Thái Bình Dương 74, số 3 (tháng 8-2005): 427–431.
---------
Alec Holcombe – Văn kiện Đảng toàn tập: Lắng nghe tiếng nói nội bộ chính thức của Đảng (bài cuối)
Hoài Phi dịch
Văn kiện Đảng toàn tập là món quà quý giá cho các học giả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại. Với giá tiền khoảng 2 đô la Mỹ (35 ngàn đồng Việt Nam) một tập, chỉ cần bỏ ra một số tiền khiêm tốn 50 đô la là có thể có hàng trăm văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tác phẩm của những người sáng lập ra nhà nước mà chín mươi triệu dân Việt đang sống dưới quyền ngày hôm nay: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, và những người khác. Phải cần làm việc nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, thì một học giả mới có thể thu thập được khối tài liệu khổng lồ này tại các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam. Từ khía cạnh nghiên cứu, điều gây hứng thú nhất về Văn kiện Đảng là vô vàn các chỉ thị, thông tri, điện, thông cáo, cương lĩnh, bài nói và diễn văn được đưa vào toàn tập. Cách tốt nhất để diễn tả về những tài liệu trước đây chưa được công bố này là chúng phản ánh tiếng nói “nội bộ chính thức” của đảng. Tài liệu thuộc loại “nội bộ” vì giới lãnh đạo đảng nói chung thường viết chúng cho lãnh đạo cấp trung và cấp cao, chứ không phải cho công chúng rộng hơn. Điều này có nghĩa là nhu cầu tuyên truyền chi phối văn kiện ít hơn nhiều so với các thông báo về chính sách được đăng trên báo chí của đảng. Văn kiện mang tính “chính thức” vì tác giả của chúng đã bỏ công phân tích sự kiện, khái niệm hóa vấn đề, và giải thích chính sách theo cách vừa khẳng định ý thức hệ Marxist-Leninist lẫn quan niệm của họ rằng đảng là đại diện chân chính duy nhất cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Nhưng không hẳn lúc nào những người như Hồ Chí Minh và Trường Chinh cũng trình bày vấn đề với các đảng viên như cách họ sử dụng khi họp kín với nhau. Lãnh đạo đảng có thể thực dụng và thực tế hơn so với cách họ đôi khi xuất hiện trong Văn kiện Đảng.
Mặc dù nhiều tài liệu được viết với mục đích lưu hành nội bộ, toàn tập văn kiện là một loại tuyên truyền của đảng, tương tự như đặc tính cơ bản của nó trong viện bảo tàng, trong sách và giáo trình về lịch sử ở Việt Nam. Các nhà sản xuất bộ Văn kiện Đảng là nhân viên ăn lương của đảng; nhiệm vụ chính của họ là lựa chọn tài liệu nói chung nhằm tán dương và hợp pháp hóa vai trò lãnh đạo của đảng ở Việt Nam. Tuy các tập văn kiện dày dặn và phong phú, tài liệu trong đó chỉ thể hiện một phần khối văn kiện do giới lãnh đạo đảng ban hành hàng năm. Ngoài việc lọc tài liệu nào có thể đưa vào tuyển tập, biên tập viên đôi khi cũng chặt bỏ bớt một số đoạn nhất định trong những văn kiện được chọn, những đoạn mà theo họ chệch quá xa so với mục đích tuyên truyền tổng thể trong toàn tập (việc cắt xén này thường được đánh dấu bằng dấu tỉnh lược). Mặc dầu vậy, cơ hội so sánh một vài tài liệu trong bộ Văn kiện Đảng với bản gốc của chúng trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III khiến tôi tin rằng hiếm có trường hợp nào các nhà biên tập viết lại một số đoạn thay vì cắt bỏ. Theo tôi, cách tiếp cận bộ Văn kiện Đảng tốt nhất là nắm chắc về những gì xảy ra trong một giai đoạn nhất định, sau đó sử dụng văn kiện để tìm hiểu xem lãnh đạo đảng thảo luận về những điều xảy ra như thế nào. Đọc Văn kiện Đảng mà hoàn toàn mù tịt về một chủ đề nhất định nào đó, trong khi không có nguồn thông tin nào khác và lại chỉ có ít kinh nghiệm đọc tài liệu do các đảng Marxist-Leninist chế tạo, là một việc đầy nguy hiểm.
Vì nghiên cứu về cải tạo xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi đặc biệt chú ý tới những phần trong Văn kiện Đảng liên quan đến phong trào phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, được thực thi ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian từ năm 1953 đến 1956. Đảng Lao động Việt Nam tiến hành chiến dịch này với một số mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cơ bản nhất là để chuẩn bị cho nông thôn cuối cùng sẽ chuyển sang tập thể hóa nông nghiệp. Kể từ cuối thập niên 1920, các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đã kết luận (như Stalin và Mao từng kết luận) là thay đổi gốc rễ này đòi hỏi việc đánh đổ những người đầu tư nhiều nhất vào trật tự kinh tế cũ – giới tinh hoa nông thôn.[1] Quyền lực chính trị mà đảng tước bỏ từ giới tinh hoa này sẽ được đặt vào tay những người khổ nhất dưới chế độ cũ, và trên lý thuyết, do vậy dễ tiếp nhận nhất sự thay đổi gốc rễ – giai cấp bần cố nông. Để thực hiện điều này, từ năm 1953 đến năm 1956, đảng gửi khoảng 48,007 cán bộ tới các làng xã khắp nông thôn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khơi dậy lòng căm thù đối với giới tinh hoa địa phương (gọi là địa chủ).[2] Nhiệm vụ phát động quần chúng của cán bộ là dạy cho đa số nghèo biết cách thể hiện lòng căm thù bằng thuật ngữ Marxist-Leninist và hướng lòng căm thù ấy vào công cuộc lật đổ mạnh mẽ giới tinh hoa địa phương, trong đó có cả nhiều đảng viên địa phương. Như người dân miền bắc còn nhớ rõ, tiến trình khoảng ba tháng này bao gồm việc đưa những người bị cáo buộc là địa chủ ra đấu công khai, xét xử họ tại các tòa án nhân dân đặc biệt, và trong hàng ngàn trường hợp, họ bị xử bắn công khai. Sau các phiên xử này, giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam muốn cán bộ giành được trái tim giai cấp cách mạng nhất ở nông thôn bằng cách chia tài sản và của cải của người bị kết án cho bần cố nông.
Xét việc đây tiếp tục là một đề tài nhạy cảm đối với lãnh đạo Việt Nam hôm nay, việc bộ Văn kiện Đảng cho đăng hơn một ngàn trang tài liệu về phong trào phát động quần chúng quả thực đặc biệt. Đương nhiên là những tài liệu này đã được hiệu đính rất cẩn thận nhằm loại bỏ bất kỳ “thùng thuốc súng” nào có thể giúp các nhà sử học xác định được bao nhiêu người đã bị đảng xử bắn trong chiến dịch này, bao nhiêu người đã tự tử, bao nhiêu người đã chết trong nhà tù tạm bợ, bao nhiêu người đã chết đói tại nhà họ, v.v… Tuy nhiên, tài liệu vẫn còn nhiều giá trị khác cho chúng ta biết về công cuộc phát động quần chúng, giúp giới sử gia nghiên cứu về chiến dịch này ở vào một vị thế thuận lợi hơn rất nhiều so với Edwin Moise khi ông tiến hành nghiên cứu cho cuốn sách đặt dấu mốc mới về đề tài này, Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc và ở miền Bắc Việt Nam.[3]
Vì cuốn sách của Moise vẫn tiếp tục là tường thuật chuẩn mực về chiến dịch cải cách ruộng đất, những phần mà Văn kiện Đảng giúp bổ sung hay xét lại tự sự của Moise đáng chú ý hơn rất nhiều so với những lập luận của ông mà bộ sách giúp củng cố. Những phần Văn kiện Đảng giúp củng cố lập luận của Moise bao gồm sức phá hoại nói chung của phong trào phát động quần chúng, kết cấu của các đợt cải cách, cách thức vội vàng mà nó được thực hiện, vấn đề tiền lệ Trung Quốc, v.v… Mặc dù làm việc với nguồn tài liệu hạn chế vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, chính Moise là người có công nhiều nhất trong việc khiến chúng ta chú ý đến những đặc điểm nói trên và các khía cạnh then chốt khác của chiến dịch cải cách ruộng đất.
Chức năng của báo Đảng
Một vấn đề quan trọng liên quan đến phát động quần chúng là bộ máy tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (báo chí, đài và các cuộc mít-tinh quần chúng) đã hoạt động như thế nào trong chiến dịch này. Thiếu điều kiện tiếp cận các chỉ thị cấp cao của đảng như chúng ta thấy trong Văn kiện Đảng hoặc những người từng làm việc cho bộ máy báo chí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ phát động quần chúng, Moise khó có thể làm gì hơn ngoài việc suy luận. Moise hiểu rằng các bài viết về chiến dịch này trên Nhân Dân, tờ báo chính của đảng và là một trong những nguồn tài liệu quan trọng của ông – không phản ánh những gì đang thực sự diễn ra lúc đó.[4] Tương tự, Moise hiểu rằng có sự khác biệt đáng kể giữa chính sách phát động quần chúng của đảng được in trên báo chí với những gì mà cán bộ tham gia cải cách tuân theo.[5] Để giải thích, Moise đưa ra một vài luận thuyết khác nhau. Ở một đoạn trong sách, ông đổ lỗi sự khác biệt này cho yếu tố ngẫu nhiên:
“Hai tờ Nhân Dân và Thời Mới ở Hà Nội là nguồn quan trọng nhất cho việc nghiên cứu cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai tờ này không tốt như báo chí Trung Quốc trong thời gian giữa năm 1950 và 1953. Việt Nam là một nước nhỏ hơn và có một hệ thống truyền tin kín phát triển hơn; lãnh đạo không bắt buộc phải mô tả chính sách của họ một cách chính xác trên báo chí nhằm truyền đạt ý tưởng tới những người sẽ thực thi chúng. Hơn nữa, trong cải cách ruộng đất, cả lãnh đạo của Đảng lẫn người viết báo đều không thực sự nắm được điều gì đang xảy ra ở nông thôn. Thông tin tốt nhất mà chúng ta có được là những phân tích hồi tưởng của họ, được viết vài tháng sau khi cải cách ruộng đất đã kết thúc.”[6]
Ở đoạn sau trong cuốn sách của mình, Moise đưa ra luận thuyết thứ hai, trong đó ông cho rằng khác biệt này không phải do các yếu tố ngẫu nhiên, mà do nỗ lực có ý thức của đảng nhằm kiểm soát việc bộ máy tuyên truyền mô tả về chiến dịch cải cách như thế nào. Ví dụ, khi bàn về nguyên nhân tại sao báo chí không đưa ra một thống kê nào về số người chết trong cải cách, ông viết, “(M)ột lý do của việc im lặng này có thể do Đảng muốn tránh khơi ngòi cho quá nhiều vụ xử tử [do cán bộ phát động quần chúng gây ra].” Nói cách khác, đảng sử dụng bộ máy tuyên truyền để tác động tới việc thực thi chiến dịch. Trong phần tiếp theo, Moise chỉ ra rằng sau tháng Một năm 1956 (khoảng năm tháng trước khi chiến dịch cải cách kết thúc), Nhân Dân và Thời Mới chấm dứt việc đăng các bài viết có đề cập đến địa chủ bị xử bắn. Để giải thích điều này, Moise giả thuyết là giới lãnh đạo Đảng Lao động hẳn lo ngại bạo lực trong phát động quần chúng có thể đi ngược lại tinh thần chống Stalin tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 (vào 25 tháng Hai năm 1956). Cũng theo Moise, một khả năng khác là “Đảng có thể đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục người dân thành thị là cải cách ruộng đất ở nông thôn không dẫn đến sự quá đà quá khích, và vì vậy quyết định ngừng việc công bố ngay cả những trường hợp quá tay lẻ tẻ.”[7] Nói cách khác, đảng sử dụng bộ máy tuyên truyền nhằm điều khiển nhận thức của cả người dân trong nước lẫn nước ngoài về chiến dịch này.
Trong bộ Văn kiện Đảng, có một số tài liệu giúp soi sáng vấn đề quan trọng này. Về tổng thể, các văn kiện có vẻ củng cố cho luận thuyết thứ hai của Moise, nhấn mạnh vai trò tác động của đảng. Ví dụ, thông tri “Về vấn đề tuyên truyền phát động quần chúng”, ban hành ngày 29 tháng Sáu năm 1953, quy định công tác tuyên truyền cho “giảm tô”, giai đoạn ban đầu của phong trào phát động quần chúng, phải như thế nào. Thông tri bắt đầu bằng việc mô tả động lực cho chiến lược tuyên truyền của đảng:
“Căn cứ tình hình các nơi, Trung ương nhận thấy cán bộ và quần chúng bên dưới chưa được tuyên truyền và giải thích kỹ về các sắc lệnh, nghị định ruộng đất và chỉ thị phát động quần chúng của Trung ương. Ngay một số cán bộ lãnh đạo cũng chưa thật thấm nhuần chủ trương, đường lối phát động quần chúng của Đảng và Chính phủ. Vì vậy đã xảy ra nhiều vụ đấu tranh tự động, tự phát. Có nơi đánh đập, tra khảo địa chủ, đấu cả với trung bần nông, viên chức, học sinh, v.v… Ở những nơi đó, luôn luôn xảy ra những vụ địa chủ tự tử, phú nông, trung nông, bần nông cũng có người sợ bị đấu mà tự tử. Đó là hiện tượng loạn đấu, loạn đả, không có trật tự, không có sách lược, không có lãnh đạo, không nhằm đúng mục đích và đối tượng đấu tranh.”
Sau đó, thông tri giải thích rằng tuy một số hiện tượng là “tất nhiên” và khó tránh được trong đấu tranh giai cấp, một chiến dịch tuyên truyền có hiệu quả có thể giảm bớt những vụ việc này. Để làm yên lòng những người đang sợ bị trở thành mục tiêu của chiến dịch, thông tư tuyên bố, “Phải tuyên truyền giải thích chính sách cho cả địa chủ, phú nông, nói rõ cho họ biết rằng: người nào thi hành chính sách thì không có gì phải lo lắng; Chính phủ và nông dân chỉ trừng trị những kẻ nào không chịu tuân theo pháp luật và không chịu hối cải mà thôi.”
Sau khi giải thích động lực cho chiến lược tuyên truyền của đảng, thông tri đặt ra một số nguyên tắc nền tảng cho việc mô tả công cuộc phát động quần chúng. Về “quả thực” của cuộc tranh đấu (của cải lấy được từ những người bị dán nhãn địa chủ), báo chí chỉ được đề cập đến “ruộng đất, trâu bò, thóc lúa tịch thu hay đòi được của địa chủ phản động và gian ác;” và không được đề cập đến “vàng bạc, châu báu, quần áo, v.v…” Về vấn đề then chốt là xử bắn địa chủ như thế nào, thông tư chỉ dẫn, “Chỉ tuyên truyền những vụ xử tử hình những tên đại gian, đại ác cực độ. Những vụ xử tử hình thường không nên tuyên truyền. Chỉ tuyên truyền những vụ xử tử hình trên báo chí hoặc bằng hình thức khác như nói chuyện, v.v… Song đài phát thanh không nên tuyên bố những vụ đó.”
Một đoạn khác trong thông tri cảnh cáo là “Có trường hợp địa chủ đại gian đại ác là đàn bà bị xử tử hình, cũng không nên tuyên truyền, vì cần đề phòng địch có thể lợi dụng phản tuyên truyền ta.” Tuyên truyền về xử tử hình trên báo chí hay tại các buổi mít-tinh “Không nên gây ra sự hoang mang một cách không cần thiết trong xã hội, trái lại phải tranh thủ sự đồng tình của xã hội.” Về thủ tục tuyên truyền xử tử hình, thông tri nêu rõ, “Tóm lại, việc tuyên truyền những vụ xử tử hình nên thận trọng. Các đoàn cần gửi cho Ban Tuyên huấn Trung ương những tài liệu về những vụ đấu lớn và những vụ xử tử hình để Ban Tuyên huấn gửi cho các báo.”[8]
Những trích đoạn trên cho thấy mục đích then chốt của chiến lược tuyên truyền là trấn an nỗi lo sợ của người dân, giảm bớt tỷ lệ “đấu tranh tự phát” và việc chống cự do hoảng sợ. Hơn nữa, rõ ràng lãnh đạo đảng coi báo chí là bộ máy tuyên truyền để sử dụng trong quá trình phát động quần chúng tổng thể, chứ không phải là một tổ chức đứng ngoài. Do vậy, việc những người viết cho tờ Nhân Dân (một trong những nguồn quan trọng nhất của Moise) “có hiểu nhiều về những gì đang diễn ra ở nông thôn” hay không, thật ra không quan trọng. Nhiệm vụ của họ là mô tả theo cách các nhà lãnh đạo đảng nghĩ rằng có thể giúp cho việc thi hành chiến dịch này một cách trôi chảy – chẳng hạn như hứa hẹn với người dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang lo sợ rằng nếu tuân thủ chính sách thì “không có gì phải lo lắng.”
Tuy vậy, nếu giới tinh hoa nông thôn khi đó đọc được chỉ thị của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ban hành vào ngày 4 tháng Năm năm 1953, hẳn họ sẽ cảm thấy có rất nhiều điều khiến họ phải lo lắng, ngược lại với những gì họ được biết qua bộ máy tuyên truyền của chế độ. Chỉ thị này cho biết Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam định mức xử tử hình một phần nghìn trong thời kỳ giảm tô – giai đoạn ôn hòa hơn của cuộc phát động quần chúng.[9] Nói cách khác, giới lãnh đạo đảng đã quyết định khoảng chừng bao nhiêu người cần bị xử tử trong giai đoạn giảm tô, trước khi cán bộ thậm chí về tới làng họ được giao, và trước khi họ có điều kiện xác định xem liệu những người bị gọi là địa chủ có tuân thủ luật pháp, và có “biết hối cải” hay không. Suy từ con số khoảng tám triệu người tham gia chiến dịch giảm tô ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỷ lệ xử tử trong chỉ thị ngày 4 tháng Năm năm 1953 cho thấy Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam muốn bộ máy phát động quần chúng xử bắn khoảng tám ngàn người trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch này.[10]
Vì Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ấn định tỷ lệ xử bắn trong giai đoạn giảm tô, và biện minh cho tỷ lệ này trong chỉ thị ngày 4 tháng 5 năm 1953, không có lý do gì để không nghĩ rằng Bộ Chính trị cũng ấn định tỷ lệ xử tử cho giai đoạn cải cách ruộng đất. Và có thể kết luận một cách hợp lý rằng bất kỳ một tỷ lệ xử tử nào cho giai đoạn quyết liệt hơn của chiến dịch, khi giai cấp địa chủ cần phải bị “triệt để đánh đổ”, cũng phải cao hơn nhiều so với tỷ lệ một phần nghìn. Với mười triệu người trải qua cải cách ruộng đất, dù có thay đổi theo thời gian và nơi chốn thì tỷ lệ xử tử và việc Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã ấn định con số này như thế nào, vẫn còn là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Trong bộ Văn kiện Đảng, có nhiều tài liệu cho thấy việc lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam muốn che giấu quy mô và bản chất cuộc phát động quần chúng với người dân miền bắc, các đảng viên cấp thấp và giới quan sát ngoại quốc. Chẳng hạn, trong diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất (từ 14 đến 23 tháng 11, 1953), Hồ Chí Minh căn dặn đại biểu có mặt nhiệm vụ về cải cách ruộng đất sắp tới (đã được thảo luận tại hội nghị):
“Bây giờ về, các chú, các cô, không được nói lung tung vì đây là một bí mật trong chiến lược đánh phong kiến, cải cách ruộng đất. Nếu các chú nói lung tung, mình chưa sắp sửa gì, địch đã sắp sửa rồi, địa chủ đã sắp sửa rồi. Vì vậy, Trung ương sẽ có một chỉ thị về cách tuyên truyền chung cho các vùng và riêng các vùng chưa phát động.”[11]
Trong đoạn sau của diễn văn, Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh việc cần thiết phải giữ bí mật,
“Vùng chưa phát động và chung các vùng khác không được nói lung tung, phải giữ bí mật. Các đại biểu về, chỉ báo cáo cho Khu ủy, không được nói ra ngoài. Rồi do khu ủy xem xét kỹ, quy định phổ biến chính sách đến ai, đến chừng nào. Không phải ‘tương’ hết báo cáo này, ‘tương’ hết chính sách này ra. Các chú hiểu chưa, cái này phải nhớ cho sâu.”[12]
Như Hồ Chí Minh đã hứa, mười chín ngày sau đó, vào 12 tháng Mười Hai năm 1953, Ban Bí thư ban hành chỉ thị “Về việc tuyên truyền chính sách cải cách ruộng đất”. Do Trường Chinh thảo, chỉ thị này gồm hai phần chính: phần thứ nhất bàn về “nhiệm vụ và nội dung tuyên truyền cải cách ruộng đất”, và phần thứ hai về “cách thức tiến hành.” Với giai cấp có nhiều cái để mất nhất trong chiến dịch phát động quần chúng này – những người bị gọi là địa chủ, Trường Chinh giải thích rằng tuyên truyền cần “làm cho họ thấy chính sách cải cách ruộng đất là chính nghĩa, là hợp lý, hợp pháp; ruộng đất do nông dân làm ra đương nhiên phải trả về cho nông dân.” Để trấn an những người đang sợ trở thành đối tượng bị đấu tố, Trường Chinh chỉ thị người làm công tác tuyên truyền nhấn mạnh việc “chính phủ đối xử có phân biệt với từng hạng địa chủ tùy theo thái độ của họ đối với kháng chiến, đối với nhân dân, chứ không vơ đũa cả nắm, đặng cô lập bọn địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác, ổn định tinh thần những địa chủ kháng chiến và địa chủ thường, và ngăn ngừa những hành động chống chính sách, phá hoại sản xuất của giai cấp địa chủ.[13]
Trong phần chỉ thị việc lãnh đạo đảng muốn phong trào được tuyên truyền như thế nào tại những vùng sắp tiến hành cải cách ruộng đất (đã phát động quần chúng giảm tô), Trường Chinh viết, “Việc tuyên truyền, giáo dục chính sách cải cách ruộng đất ở những nơi này không cần phải tổ chức học tập chính sách như trước đây thường làm. Khi nào có đội công tác xuống xã phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, việc tổ chức học tập chính sách cải cách ruộng đất sẽ do các đội phụ trách.”[14] Vì vậy, dường như các làng xã nông thôn được biết những chi tiết quan trọng của chiến dịch cải cách ruộng đất chỉ sau khi đội cải cách đã về làng. Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của đội cải cách khi về đến làng là cho chặn hết mọi ngả đường và canh gác những người bị tình nghi là địa chủ 24/24 giờ.
Tài liệu trong Văn Kiện Đảng cho thấy lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam có chính sách che giấu những chi tiết quan trọng về chiến dịch cải cách không chỉ với công chúng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn cả với đảng viên cấp thấp. Trong chỉ thị “Về kế hoạch học tập chính sách cải cách ruộng đất”, Ủy viên Bộ Chính trị Lê Duẩn tuyên bố “Để đảm bảo việc thực hiện cải cách ruộng đất thắng lợi, Trung ương quyết định cần tổ chức việc học tập chính sách cải cách ruộng đất cho cán bộ các cấp một cách sâu rộng.” Việc học tập này tập trung vào “ý nghĩa” và “mục đích”, cũng như “tính chất chính nghĩa” và “triệt để” của cải cách ruộng đất. Tuy nhiên, khi đề cập về nội dung chính sách, Lê Duẩn chỉ thị rằng học tập “cốt nắm những điều chủ yếu, không nên đi vào những điều khoản chi tiết.” Tương tự, Lê Duẩn viết, “Về phương pháp thực hiện cũng không cần thiết học tỉ mỉ quá…” Đối với cán bộ được chọn đi cải cách, Lê Duẩn giải thích rằng việc huấn luyện công việc cụ thể gồm những gì sẽ do đoàn ủy đoàn cải cách phụ trách. Chỉ thị cũng hướng dẫn tỉnh ủy và huyện ủy không tổ chức lớp huấn luyện cho các chi bộ xã, mà “chỉ cần phổ biến [tài liệu] kỹ.”[15] Vậy thì khi nào đảng viên địa phương được huấn luyện chi tiết về chính sách? Lê Duẩn giải thích, “[N]ơi nào tiến hành cải cách ruộng đất sẽ do đội công tác phụ trách hướng dẫn học tập kỹ.”[16]
Ngày 10 tháng Một năm 1955, hai tháng sau khi giới lãnh đạo chóp bu chính thức giành được những vùng ở miền bắc Việt Nam do Pháp kiểm soát cho tới tận khi chiến tranh [Đông Dương lần thứ nhất] kết thúc, ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Duy Trinh ban hành thông tri “Về việc giải thích chính sách cải cách ruộng đất cho các công chức, nhân viên mới ở cơ quan, công sở trong các thành thị mới giải phóng.” Theo thông tri này, việc giải thích chính sách cải cách ruộng đất cho công chức và nhân viên thành thị đang có thắc mắc có thể dựa trên nội dung cơ bản trong bài nói chuyện của ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Quốc Việt tại Nhà hát Lớn ở Hà Nội hai tuần trước đó. (Lãnh đạo đảng cho in trích đoạn cuộc nói chuyện này với “giới công thương nghiệp, trí thức và viên chức” Hà Nội trên báo Nhân Dân các số ngày 28, 29 và 30 tháng Mười Hai năm 1954.)[17] Như Trường Chinh đã hướng dẫn trong chỉ thị ngày 12 tháng Mười Hai năm 1953, Nguyễn Duy Trinh tuyên bố với đảng viên có nhiệm vụ tuyên truyền về chính sách rằng họ cần giải thích rõ Đảng Lao động “phân biệt đối đãi các hạng địa chủ, phân biệt địa chủ với phú nông.” Về các buổi đấu tố trước quần chúng, thông tri hướng dẫn “[đảng viên] cần nói rõ tính chất hợp lý, hợp tình của các cuộc đấu địa chủ cường hào gian ác đầu sỏ trước đây và chủ trương thành lập tòa án để xét xử bọn đó hiện nay cho họ [công chức và nhân viên mới] hiểu để họ yên tâm.” Sau đó Nguyễn Duy Trinh chỉ thị,
“Đối với những vấn đề mà họ [công chức và nhân viên mới] không cần biết hoặc vì trình độ chính trị của họ còn kém mà không hiểu được hoặc có thể hiểu sai thì không cần đưa ra giải thích. (Ví dụ: về đường lối chính sách chung của Đảng ở nông thôn; vấn đề chỉnh đốn tổ chức, phương pháp phát động tố khổ, v.v…) Đối với những vấn đề thuộc chính sách cụ thể có tính chất hướng dẫn cho các cấp ủy thi hành chính sách như xử trí địa chủ phản động cường hào gian ác đầu sỏ, phân biết xét xử nặng nhẹ thế nào và những vấn đề thuộc cách vận dụng sách lược cụ thể trong khi đấu tranh với địch, v.v… đều không được đem ra giải thích.”[18]
Mười một ngày sau, 21 tháng Một năm 1955, ban bí thư ban hành một chỉ thị khác: “Về việc học tập chính sách cải cách ruộng đất.” Do ủy viên Bộ Chính trị Lê Văn Lương soạn thảo, chỉ thị tuyên bố, “Trung ương nhận thấy cần phải tổ chức cho cán bộ học tập thêm về chính sách cải cách ruộng đất để chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ tích cực tham gia và lãnh đạo cải cách ruộng đất.” Như Lê Duẩn đã hướng dẫn trong chỉ thị ngày 10 tháng Hai năm 1954, Lê Văn Lương tuyên bố, “Việc học tập cần chú trọng nắm được tinh thần chính sách, tránh đi miên man vào các vấn đề quá chi tiết.” Giống như Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương gợi ý các buổi học tập nên theo bài nói chuyện trước đó của Hoàng Quốc Việt, đã được báo Nhân Dân đăng cho công chúng tiêu thụ.
Vì vậy, tài liệu trong Văn kiện Đảng cho thấy sự khác biệt giữa hình ảnh phong trào phát động quần chúng được mô tả trên báo chí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những gì đang thực sự diễn ra tại các làng xã miền bắc Việt Nam không bắt nguồn từ việc lãnh đạo đảng hay báo chí thiếu hiểu biết về chiến dịch. Thay vì vậy, khác biệt này là kết quả từ một loạt chính sách cụ thể của giới lãnh đạo đảng nhằm giữ kín quy mô thực sự và bản chất của chiến dịch cải cách. Dường như lãnh đạo đảng hy vọng việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện phát động quần chúng, giảm bớt tỷ lệ “đấu tranh tự phát” và “địa chủ phá hoại”. Trong mắt giới lãnh đạo đảng, hiện tượng địa chủ phá hoại có vẻ bao gồm những việc như phát tán ruộng đất, của cải, bỏ trốn, hoặc thậm chí chọn cách tự tử như giải pháp cuối cùng. Về khác biệt giữa chính sách cải cách ruộng đất được công bố với việc cán bộ thực hành như thế nào, Văn kiện Đảng gợi cho thấy rằng ngay cả điều này cũng có thể là một chính sách có chủ tâm mà đảng sử dụng để giữ bí mật về bản chất của chiến dịch. Giới lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam có vẻ không muốn cán bộ biết rõ nhiệm vụ chi tiết cụ thể của một cán bộ phát động quần chúng là gì cho đến khi họ đã tham gia đội giảm tô hoặc đoàn ủy cải cách – nói cách khác, sau khi họ đã được gửi xuống bộ máy phát động quần chúng, xa cách gia đình, bạn bè và công chúng.
Phát động quần chúng và Hiệp định Geneva
Như nghiên cứu của Pierre Asselin đã chỉ ra, bộ Văn kiện Đảng có nhiều tài liệu thú vị liên quan đến Hiệp định Geneva ký kết vào tháng Bảy năm 1954.[19] Một số văn kiện cung cấp thông tin về việc lãnh đạo đảng đã làm gì để giảm bớt mối đe dọa công cuộc phát động quần chúng do điều 14c và 14d của hiệp định gây ra. Những điều khoản này quy định việc không được trả thù hoặc kỳ thị đối với các đối thủ chính trị trước đây, và cần tôn trọng đi lại tự do giữa miền Bắc và miền Nam giai đoạn 300 ngày (từ tháng Bảy 1954 đến tháng Năm 1955). Điều này có nghĩa là các vụ đấu tố địa chủ trong phong trào phát động quần chúng vi phạm tinh thần điều khoản 14c, điều khoản hiển nhiên được đưa ra nhằm bảo vệ mọi người dân Việt khỏi những bạo lực do nhà nước đỡ đầu, dù ở Sài Gòn hay Hà Nội. Hơn nữa, việc đi lại tự do trong ba trăm ngày có nghĩa là những ai lo sợ trở thành mục tiêu trả thù của một trong hai chế độ có được sự lựa chọn di cư nơi khác. Để bảo đảm việc tuân thủ những điều khoản này, các bên ký kết Hiệp định Geneva đồng ý cho phép Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến bao gồm đại biểu của Canada, Ba Lan và Ấn Độ đi lại tự do khắp nước và tiến hành kiểm tra. Cả hai chế độ ở Hà Nội và Sài Gòn đều cam kết giúp Ủy hội thực hiện nhiệm vụ. Về những vấn đề này, Moise viết,
“Điều đáng ngạc nhiên là các báo cáo của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đưa ra rất ít bằng chứng về sự khủng bố nhằm vào các nhân vật quan trọng từng cộng tác với Pháp. Ủy hội được phép đi lại khá tự do ở miền Bắc –tự do hơn là ở miền Nam – và họ hẳn sẽ thấy được bất kỳ sự vi phạm hiệp định nào trên diện rộng…
… Giới lãnh đạo chóp bu của đảng miễn cưỡng tuân thủ hiệp định và cho phép nông dân ra đi. Họ chịu áp lực của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến; chừng nào còn nuôi hy vọng thống nhất Việt Nam trong hòa bình, chừng đó họ sẽ không thách thức áp lực đó. Nhưng thậm chí ngay cả sau khi Hà Nội có quyết định như vậy, thì nhiều lãnh đạo địa phương từ chối không thi hành. Họ tiếp tục cản trở việc di cư, hoặc vì tin rằng những người muốn vào Nam cần bị trì hoãn trong một thời gian đủ để họ nghĩ lại, hoặc do sự miễn cưỡng theo phản xạ không muốn hợp tác bất cứ cách nào với những người đang bộc lộ tình cảm phản động qua việc muốn rời bỏ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
…Một vài tháng sau, tình trạng này chấm dứt, và vào thời hạn 18 tháng Năm năm 1955, phần lớn những người muốn vào Nam đã đi được.”[20]
Trong bộ Văn kiện Đảng, có một số lệnh và chỉ thị của giới lãnh đạo đảng về những vấn đề cụ thể mà Moise đề cập. Về việc nhà cầm quyền tuân thủ điều khoản 14c, cấm trả thù các đối thủ chính trị, nghị quyết của Bộ Chính trị ra ngày 7 tháng Chín năm 1954 có đoạn,
“Cách đấu địa chủ trong phát động quần chúng trước đã quy định, nay có thể đổi là: tăng cường tác dụng của chính quyền và pháp luật, dùng phương thức tòa án để đối phó với sự chống lại của địa chủ. Với điều kiện thỏa mãn được yêu cầu căn bản của nông dân, gây được ưu thế chính trị của nông dân ở nông thôn, thì hành động trực tiếp của nông dân đấu địa chủ cần mềm dẻo hơn trước để tránh đối phương mượn cớ là ta khủng bố những người đã hợp tác với họ, đồng thời cũng để tránh tình trạng những địa chủ bị đấu chạy vào Nam nhiều, có hại đến việc thực hiện thống nhất nước nhà.”[21]
Về vấn đề liên quan đến Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến có khả năng biết được những điều gì đang xảy ra tại nông thôn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ thị của Ban Bí thư ra ngày 26 tháng Chín năm 1954 hướng dẫn việc các đảng viên cần chuẩn bị nếu Ủy hội Quốc tế đến thăm: “Thường thường Ủy ban quốc tế tới địa phương là để điều tra, kiểm soát. Ngoài việc kiểm soát từng vấn đề nhất định, họ sẽ tìm cách thăm dò tình hình mọi mặt của ta. Họ có thể đi đến các nơi, hỏi han dân chúng, v.v… Vì vậy, cần chuẩn bị cho nhân dân biết cách trả lời khéo léo các câu hỏi của Ủy ban quốc tế, không để dân ta nói lung tung.”[22]
Hai tháng sau, vào tháng Mười Một năm 1954, Trường Chinh ra chỉ thị của Bộ Chính trị “Về việc gây một phong trào rộng lớn và mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân toàn quốc chống các hành động trắng trợn của đối phương vi phạm Hiệp định Giơnevơ.” Trong phần cuối chỉ thị, Trường Chinh khẳng định rằng “vì ta là chính nghĩa, ta tôn trọng Hiệp định đình chiến, nên dư luận chính đáng ủng hộ ta.”[23]
Một chỉ thị khác của Bộ Chính trị ra ngày 16 tháng Hai năm 1955 (khoảng ba tháng trước khi thời hạn ba trăm ngày kết thúc) cảnh cáo rằng vẫn có một số đông dân chúng chuẩn bị đi Nam. Để đối phó tình thế này, Bộ Chính trị đề xuất những hành động sau:
“- Chọn một vài địa điểm điển hình để tổ chức cho đồng bào đi (khi chọn rồi đề nghị với Trung ương). Nên mời cả Ủy ban quốc tế đến để chứng kiến việc đó. Những nơi này phải là nơi có cơ sở quần chúng của ta, khi tổ chức cho quần chúng đi thì chỉ có số ít xin đi, như thế mới có lợi cho ta. Khi làm việc này phải chuẩn bị chu đáo, giải quyết thật nhanh.
- Phải có kế hoạch trấn áp phản động, tăng cường canh gác, kiểm soát, đề phòng địch lợi dụng dịp này thúc đẩy quần chúng tập trung, gây khó khăn cho ta.”[24]
Một tháng sau, vào ngày 20 tháng Ba năm 1955 (hai tháng trước khi thời hạn di chuyển tự do kết thúc), điện từ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi các liên khu ủy đánh giá tình hình như sau:
“Ở trong tổ quốc tế, bọn phản động tích cực hoạt động, hiện nay tổ quốc tế lại cử ba tổ về điều tra ở các tỉnh vùng duyên hải: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mục đích của phản động trong tổ quốc tế đi lần này là tìm kiếm sơ hở của ta, lấy chứng cứ để kết luận ta vi phạm hiệp định rồi nhân đó đòi đưa ra 9 nước dự Hội nghị Giơnevơ, trì hoãn việc rút Hải Phòng, kéo dài thời gian di cư, đi đến phá hiệp định và gấp rút tổ chức cưỡng ép đưa quần chúng đi một lúc có quy mô rộng lớn.”[25]
Vào tháng Tư năm 1955, một tháng trước khi biên giới vĩ tuyến đóng cửa, Trường Chinh viết về việc liệu có cho phép những đối tượng bị xếp loại địa chủ đi Nam không:
“Đối với địa chủ nói chung là không cho đi và phải tạo đủ lý do về pháp lý để giữ chúng lại, nhất là giữ bọn gian ác, đợi lúc phát động quần chúng thì xử chí. Gặp trường hợp cá biệt có tổ quốc tế về điều tra mà có địa chủ xin đi thì phải xin chỉ thị của Tỉnh ủy và nếu ở địa phương đang phát động quần chúng thì phải xin chỉ thị của Đoàn ủy, không được tự tiện giải quyết cho đi, làm mất đối tượng đấu tranh của quần chúng nông dân.”[26]
Và cuối cùng, mười bảy ngày trước khi kết thúc giai đoạn đi lại tự do, “Điện của Trung ương” ngày 1 tháng Năm năm 1955 cảnh cáo,
“Qua tình hình của Nam Định và một số tỉnh khác, Trung ương nhận thấy sở dĩ tình hình “di cư” ở một số nơi trở thành nghiêm trọng là do:
- Chỉ đạo của Tỉnh ủy lỏng lẻo.
- Trấn áp phản động quá yếu.
- Một số cán bộ sợ vi phạm hiệp định có tư tưởng mở toang cửa cho dân đi.
Các địa phương cần sửa chữa gấp những khuyết điểm trên.”[27]
Các đoạn trích trên đây từ bộ Văn kiện Đảng chỉ ra rằng giới lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng những biện pháp cụ thể nhằm cản trở việc Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến phát hiện những gì đang thực sự diễn ra ở nông thôn. Các tài liệu này cũng gợi cho ta thấy động lực ngăn cản người dân di cư chủ yếu xuất phát từ giới lãnh đạo đảng, chứ không phải từ giới cán bộ địa phương (như Moise phỏng đoán). Thực vậy, các nhà lãnh đạo đảng tỏ ra thất vọng vì cán bộ địa phương đã không làm hơn nữa trong việc cản trở người dân ra đi. Và cuối cùng, những tài liệu này làm nảy sinh câu hỏi về cách đánh giá của Moise về việc giai đoạn tự do di cư này đã kết thúc như thế nào. Lúc đầu Moise viết, “Một vài tháng sau, tình trạng này chấm dứt, và vào thời hạn 18 tháng Năm năm 1955, phần lớn những người muốn vào Nam đã đi được.” Chỉ mấy dòng sau đó, ông phần nào điều chỉnh nhận định này và tuyên bố, “[n]hững khối đông dân muốn đi nam duy nhất nhưng không đi được là ở các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, Liên khu IV.” Trích dẫn cuối từ Văn kiện Đảng ở phần trên cho thấy rằng giới lãnh đạo, sau khi xem xét tình hình ở Nam Định (một tỉnh phía bắc Thanh Hóa, thuộc Liên khu III) và các tỉnh khác, vẫn coi tình hình di cư là “nghiêm trọng” dù chỉ còn mười bảy ngày trước khi thời hạn tự do thông thương giữa hai miền Bắc Nam chấm dứt.
Kết luận
Mặc dù Văn kiện Đảng có những hạn chế, tôi hy vọng rằng trích dẫn trong bài viết ngắn này cho ta thấy các nhà biên tập bộ sách đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều tài liệu hấp dẫn. Ta cần nhớ rằng họ được đào tạo trong chế độ cộng sản ở Việt Nam và chia sẻ nhiều giá trị với các nhà lãnh đạo đảng, tác giả của những tài liệu trong bộ sách. Những điều mà phần lớn chúng ta hẳn muốn cắt bỏ khỏi hồ sơ của chính chúng ta (chẳng hạn việc hết lời ca tụng Stalin đáng tởm), thì các nhà biên tập bộ sách lại cho rằng hoàn toàn chấp nhận được. Đối với những độc giả mà tiếng Việt không phải là bản ngữ, tài liệu trong Văn kiện Đảng quả thực là một thách thức về ngôn ngữ; nhưng theo kinh nghiệm của tôi, thách thức này không đến nỗi khó nhằn như thoạt đầu mới đọc. Sau khi đánh vật với tập văn kiện thứ nhất, tập thứ hai bớt khó hẳn, và sang đến tập thứ ba, người đọc có thể thấy mình đã thuộc lòng ngôn từ cơ bản của chế độ. Các thuật ngữ và lập luận được lặp đi lặp lại; lãnh đạo đảng áp dụng lăng kính Marxist-Leninist vào hết vấn đề này đến vấn đề khác, khiến các tập Văn kiện Đảng trở nên dễ đọc. Những ý tưởng mới đòi hỏi việc mở rộng kho từ vựng của chế độ và cách sử dụng tiếng Việt phong phú hơn và tinh tế hơn hầu như không xuất hiện trong bộ sách này.
__________
Alec Holcombe là nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ về Lịch sử tại Đại học California, Berkeley. Hiện anh đang viết luận án về cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, vol. 5, no. 2 (Summer 2010).
Bản tiếng Việt © 2010 Hoài Phi
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương”, Văn kiện Đảng toàn tập. (Hà Nội:Chính trị Quốc gia, 2001), tập 1: trang 213.
[2] Nguyễn Duy Trinh, “Báo cáo bổ sung của chính phủ về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức (báo cáo đọc trước khóa họp Quốc hội lần thứ 6, ngày 4/1/1957)”, Hà Nội, Sự Thật, 28 tháng Hai năm 1957, 4.
[3] Edwin Moise, Land Reform in China and North Vietnam: Consolidating the Revolution at the Village Level (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 1983).
[4] Như trên, trang 219.
[5] Như trên, trang 197-198, 213.
[6] Như trên, trang 182.
[7] Như trên, trang 222.
[8] Ban Bí thư, “Thông tri của Ban Bí thư, ngày 29 tháng 6 năm 1953: về vấn đề tuyên truyền phát động quần chúng”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 246-250.
[9] Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, “Chỉ thị của Bộ Chính trị về mấy vấn đề đặc biệt trong phát động quần chúng, 4/5/1953”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 201-206. Xem bản dịch văn kiện này trong Tạp chí Việt học, tập 5, số 2 (mùa Hè 2010): trang 243-247.
[10] Moise, Land Reform in China and North Vietnam, trang 176. Theo Moise, con số này “vào khoảng 7,800.”
[11] Hồ Chí Minh, “Diễn văn bế mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 23/11/1953”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 504-511.
[12] Như trên.
[13] Trường Chinh, “Chỉ thị của ban bí thư về việc tuyên truyền chính sách cải cách ruộng đất”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 14: trang 537-549.
[14] Như trên.
[15] Lê Duẩn, “Chỉ thị của ban bí thư, 10/2/1954: Về kế hoạch học tập chính sách cải cách ruộng đất”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 17-20. Lê Duẩn không cung cấp thông tin cụ thể về việc tài liệu học tập được phát cho đảng viên địa phương sẽ gồm những gì; ông chỉ viết, “lấy tài liệu học tập cải cách ruộng đất do Ban Tuyên huấn Trung ương soạn làm tài liệu chính.”
[16] Như trên.
[17] Hoàng Quốc Việt, “Vì sao nước ta phải cải cách ruộng đất”, Nhân Dân, số 302-304, từ 28 đến 30 tháng Mười Hai, 1954.
[18] Nguyễn Duy Trinh, “Thông tri của Ban bí thư số 2 – TT/TW, 10/1/1955: Về việc giải thích chính sách cải cách ruộng đất cho các công chức, nhân viên mới ở cơ quan, công sở trong các thành thị mới giải phóng”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 8-11.
[19] Pierre Asselin, “Choosing Peach: Hanoi and the Geneva Agreement on Vietnam, 1954-1955,” Journal of Cold War Studies 9, no.2 (Spring 2007): trang 95-126.
[20] Moise, Land Reform in China and North Vietnam, trang 192-195.
[21] Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam, “Nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng,” Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 298.
[22] Trường Chinh, “Chỉ thị của ban bí thư 26/9/1954: Về nhiệm vụ của các cấp Đảng ở các địa phương thuộc bắc vĩ tuyến 17 đối với Ủy ban quốc tế”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 318-324.
[23] Trường Chinh, “Chỉ thị của Bộ Chính trị 26/11/1954: Về việc gây một phong trào rộng lớn và mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân toàn quốc chống các hành động trắng trợn của đối phương vi phạm Hiệp định Geneva”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15: trang 385.
[24] Lê Văn Lương, “Chỉ thị của Bộ Chính trị số 07-CT/TW ngày 16 tháng 2 năm 1955: Đẩy mạnh đấu tranh phá âm mưu mới của địch trong việc dụ dỗ và cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam,” Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 74.
[25] “Trung ương gửi các liên khu ủy, 20/3/1955”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 232.
[26] Trường Chinh, “Chỉ thị của Ban Bí thư số 16-CT/TW, 21/4/1955: Tăng cường chỉ đạo, tích cực đấu tranh âm mưu địch cưỡng ép và dụ dỗ giáo dân di cư”, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 273.
[27] “Điện của Trung ương, 1/5/1955,” Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 16: trang 282.