Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

"Quyền kêu đau" là một quyền tự nhiên của con người

Phận dân và luật nước Sáu Nghệ
Quốc hội kỳ họp này thảo luận Luật Khiếu nại, một nội dung được dân chúng kỳ vọng. Trước đây, khiếu nại và tố cáo đặt chung trong một luật, qua nhiều lần sửa đổi, nay tách riêng. Người dân kỳ vọng luật được thiết kế sao cho dễ dàng thực thi, giải quyết được tình trạng khiếu nại bức xúc kéo dài nhiều năm qua.


Xấp xỉ bốn năm trước, ngày 1-11-2006, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI, Tổng Thanh tra Chính phủ đã cảnh báo: "Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn cả nước diễn biến không bình thường". Câu nói này đến nay vẫn nóng bỏng tính thời sự.

Năm 2007, tăng đột biến với con số: 240.584 lượt người khiếu nại. Những năm tiếp theo, số lượt người khiếu nại tiếp tục tăng lên. Mới đây, ngày 27-9-2010, báo cáo của Chính phủ tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại tố cáo năm 2010 tăng 23,7% so với năm 2009.

Khó tính hết những thiệt hại về kinh tế khi hàng trăm nghìn người quanh năm đi khiếu nại. Thiệt hại về tinh thần còn lớn hơn. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, sau chuyến thị sát tình hình khiếu nại nhiều nơi, trả lời báo chí tháng 8-2007, đã nói: "Trong số các giải pháp thì đối thoại với dân là cực kỳ quan trọng".

"Quyền kêu đau" là một quyền tự nhiên của con người, phải được tôn trọng. Nên thời gian qua, những quy định hạn chế "quyền kêu đau" của dân chúng không đưa tới kết quả tốt đẹp. Để giải quyết khiếu nại, phải đối thoại và nền móng của đối thoại là sự trung thực và minh bạch.

Triết gia Socrates (khoảng 470 - 399 trước công nguyên) đã chỉ ra, đối thoại muốn thành công phải: "Lắng nghe một cách lễ độ, trả lời một cách rõ ràng, cân nhắc một cách hợp pháp, quyết định một cách vô tư".

Giữa cơ quan đại diện cho Nhà nước giải quyết khiếu nại và người khiếu nại, trong tình hình hiện nay luật cần chú trọng điều chỉnh bên nào nhiều hơn?

Luật pháp nói chung có mục tiêu tối thượng là kiểm soát công quyền. Bản chất của luật pháp, bên cạnh việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, còn nhằm mục tiêu là hạn chế, kiểm soát bằng được quyền lực của Nhà nước.

Theo đó, Luật Khiếu nại muốn giải quyết được tình trạng khiếu nại hiện nay, phải có những quy định kiểm soát được quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trực tiếp làm việc với dân.

Trong bài trả lời phỏng vấn nêu trên, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh trọng đã phân tích: "Về phía người dân khiếu nại, tố cáo họ cũng rất cực, rất vất vả, không phải bà con có ý xấu muốn chống lại chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Cực chẳng đã vì quá bức xúc nên họ phải đội nắng, đội mưa đi khiếu nại".

Dân chúng không muốn nhưng vẫn phải làm, nhiều nơi lại vì quan chức thiếu trách nhiệm, kém năng lực, đặc biệt nhiều người đã mất đi khả năng tôn kính, khiêm nhường với dân.

Rõ ràng vấn đề hiện nay, không phải công dân mà là quan chức, phải tìm hiểu và nghiêm túc thi hành những giá trị cao cả luật pháp: Bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền. Giá trị của luật pháp không nằm trên giấy hay ở lời nói mà đúng bằng giá trị của sự thực hiện luật ấy trong cuộc sống.

Với giá trị hiện thực ấy, luật pháp tạo nên niềm tin của dân chúng và được dân chúng thừa nhận. Niềm tin của dân chúng làm nên sức mạnh của bộ máy chính quyền.

Nguồn: Tiền Phong

Tổng số lượt xem trang