Vận động dân chủ trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung-Việt Đỗ Thành Công
Tình hình chung
Việt Nam đang có những thay đổi quan trọng. Đảng CSVN chuẩn bị Đại Hội 11 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái, và mâu thuẫn an ninh vùng tại Biển Đông đã đẩy vai trò của Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam đến chỗ đối đầu. Công cuộc vận động cho Dân chủ Việt Nam cũng bị tác động trực tiếp từ những biến động trên. Vì vậy, một số chiến lược đấu tranh “Vận động Dân chủ cho Việt Nam” cần khai dụng cho phù hợp với tình thế mới.
Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với Việt Nam. Trong khi Trung Quốc giữ vị trí số 1 về mặt giao dịch thì Hoa Kỳ hiện là quốc gia có nhiều công ty đầu tư nhất tại Việt Nam. Năm 2009, Viêt Nam đã xuất khẩu sang Hoa kỳ 20% tổng sản lượng gồm các mặt hàng tiêu dùng, hải sản, nông nghiệp v.v.. Việt Nam đang đứng trước thử thách vì nền kinh tế dựa hẳn vào xuất khẩu, với các mặt hàng xuất khẩu chiếm 80% GDP của cả nước. Trong khi đó, mậu dịch với Trung Quốc lại mất quân bình, nhập khẩu hơn 11 tỷ dollạrs trong năm 2009. Điều đáng lưu tâm là 30% mặt hàng có liên hệ về dầu hoả đã được Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia Âu Châu và Á Châu. Về lâu dài, nếu VN mất chỗ dựa dầu hỏa, kinh tế VN sẽ bị tác động mạnh. Sự kiện VN bị mất đi hàng tỷ dollars đối với hai hãng dầu như BP và Exxon trước áp lực của Trung Quốc cho thấy trong tương lai, nếu Việt Nam không có chiến lược bảo vệ vùng biển, kinh tế Việt Nam sẽ đi vào chỗ lụn bại.
Việt Nam bị chi phối bởi 3 cơ phận kinh tế gồm 50% công ty quốc doanh, 30% công ty ngoại quốc, 20% gồm các công ty tư nhân. Hiện nay, công ty quốc doanh liên tục làm ăn thua lỗ vì cơ chế đã thất bại. Gần đây công ty đóng tàu Vinashin kinh doanh, đầu tư và lỗ hơn 4 tỷ đollars đã minh chứng vai trò kinh tế quốc doanh trong chế độ CS là hão huyền. Với lợi tức bình quân gần $3000 dollars hàng năm, Việt Nam thuộc hạng quốc gia nghèo, chậm tiến so với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philipine. Hà nội đang cố gắng vận động Hoa Kỳ chấp thuận được hưởng qui chế Generalized System of Preferences (GSP), một qui chế trong đó một số hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ sẽ không bị đánh thuế nhập cảng. Tuy nhiên để đươc Hoa kỳ đồng ý qui chế này, Hà nội cần tuân thủ một số nguyên tắc về minh bạch và dân chủ, trong đó việc tôn trọng các Công Đoàn Lao Động độc lập phải được công nhận. Điều này khó thực hiện, vì hiện nay, các tổ chức Công đoàn đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng. Những tổ chức độc lập, hoạt động Công Đoàn như Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, Công Đoàn Độc Lập, Phong Trào Lao Động Việt v.v.. đều bị Hà Nội trấn áp vì sợ ảnh hưởng của họ đối với giới công nhân.
Áp lực Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Việt
Trước áp lực của Trung Quốc, nhất là tham vọng bành trướng trên biển Đông, Hà nội đã có những động thái đi dây. Gần đây, Hà Nội ra mặt nghiêng về phiá Mỹ, dùng ảnh hưởng Mỹ để cân bằng áp lực của Trung Quốc. Dù sợ Trung Quốc nhưng Hà Nội vẫn dè dặt trong quan hệ chiến lược với Mỹ vì e ngại ảnh hưởng của làn sóng dân chủ. Những áp lực về Nhân quyền, vận động Dân chủ là những trở ngại trong quan hệ Mỹ Việt. Qua các ngõ ngoại giao, Hà Nội luôn bày tỏ mối lo âu trước sức mạnh của Trung Quốc. Các viên chức Bộ ngoại giao Hà Nội luôn đặt vấn đề với Hoa Kỳ về thái độ của Mỹ trước viễn ảnh nếu Trung quốc đánh Việt Nam thì Hoa Kỳ đứng ở đâu?
Từ nhiều năm gần đây, Việt Nam đã gia tăng mua vũ khí để tự vệ. Sách trắng quốc phòng cho biết năm 2009 Việt Nam chi 2% ngân sách quốc gia cho quốc phòng, tương đương 2 tỷ dollars. Tuy nhiên con số này không đáng tin cậy, với những chi tiêu liên tục cho tàu ngầm, máy bay chiến đấu tối tân của Nga, vũ khí phòng thủ của Ấn Độ v.v.., chi phí quốc phòng của Việt Nam cao hơn con số 2 tỷ. Dù vậy, so với số tiền, ước lượng từ 100 tỷ đến 150 tỷ dollars dành cho ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, quân đội Việt Nam không đủ sức cầm cự nếu có xung đột. Nhận rõ điều này nên VN luôn tìm cách kéo Mỹ vào biển Đông để dựa lưng. Việt Nam cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam. Vấn đề đặt ra là bao lâu Việt Nam có thể đi dây trong bối cảnh hiện nay, trước áp lực của Trung quốc.
Thực tế biến động ở biển Đông đẩy Hà nội vào vị trí phải thử nghiệm chiến lược từ “chống Mỹ cứu nước” sang “chống Tàu giữ nước”. Tuy nhiên, bối cảnh từ chống Mỹ sang chống Tàu đã thay đổi, vì chế độ độc đảng CSVN hiện nay đã không che đậy được bản chất tay sai, tham nhũng, bất lực và hèn kém. Vì vậy, việc huy động được sức mạnh toàn dân để chống Tàu giữ nước là một thử thách đối với đảng CSVN. Điều này, cũng là một thử thách đối với lực lượng dân chủ trước viễn ảnh Hà nội đang đến gần với Hoa Kỳ để vừa chống Tàu, vừa giữ cho chế độ độc đảng được tồn tại.
Năm 2009, sau cuộc gặp ở Hoa Thịnh Đốn giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ truởng Quốc phòng Mỹ, đường dây nóng liên lạc trực tiếp đã được thiết lập để nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên hệ quốc phòng. Cũng sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 6 năm 2008, Việt Nam đã đẩy một số tướng lãnh thân Trung quốc ra khỏi quân đội. Một mặt Việt Nam giảm ảnh hưởng giới quân sự thân Trung Quốc, mặt khác gia tăng ngân sách quốc phòng hơn 70% từ năm 2005 đến nay. Trước năm 2005, Quan chức Bộ quốc phòng Việt Nam đã không đồng ý ký thoả ước huấn luyện cho sỹ quan Việt Nam vì sợ Trung Quốc phản đối (IMET Agreement - International Military Education and Training). Tuy nhiên sau đó họ đã thay đổi quan điểm trước tham vọng của Trung Quốc. Số tiền dành cho chi phí này đã tăng từ $300 ngàn năm 2010 đến hơn $500 ngàn cho năm 2011. Trên thực tế, số tiền này chỉ là biểu tượng, quan trọng của thoả ước là về mặt tác động và chuẩn bị tâm lý của giới lãnh đạo quân sự Hà Nội nhằm gây ảnh hưởng thân Mỹ. Từ năm 2008, Bộ quốc phòng Mỹ đã huấn luyện chuyên viên Việt Nam về phương cách bảo quản an toàn năng lượng nguyên tử. Việt Nam bày tỏ ý định nhờ Mỹ xây dựng các nhà máy nguyên tử để thay thế năng lượng cũ, không theo kịp sự phát triển của kinh tế. Việt Nam đã thay thế các cơ phận lò nguyên tử lỗi thời của Nga và đang có khuynh hướng dùng năng lương nguyên tử như một bức màn chắn để mặc cả cho bàn cờ chính trị và quân sự ở Đông Nam Á.
Hơn ai hết, Bộ chính trị CSVN hiểu rõ Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam. Các động thái chuẩn bị về mặt quân sự, ngoại giao và chính trị của Việt Nam từ 2005 đến nay đã tiết lộ những chỉ dấu cụ thể. Việt Nam mong muốn Mỹ trở lại Đông Nam Á, có mặt tại Việt Nam thay vì đứng ngoài. Việt Nam đã từng tỏ ý nhờ Mỹ huấn luyện, viện trợ quân sự và kinh tế trong viễn ảnh chiến tranh Việt – Trung. Các tuyên bố 3 không “Việt nam sẽ không bao giờ tham gia một liên minh quân sự nào; Việt nam sẽ không là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào; Việt nam sẽ không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt nam, không dựa vào nước này để chống nước kia” của Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh chỉ là đòn thăm dò và hoả mù của Chính trị bộ để trấn an dư luận từ Trung Quốc. Khuynh hướng ngả theo Hoa Kỳ của CSVN gần đây giống như lúc Việt Nam từng chạy theo Moscow. Trước khi Tổng bí thư Lê Duẩn quyết định bay sang Moscow để ký Hiệp ước song phương quân sự Việt – Sô năm 1978, hàng loạt các Ủy viên Trung ương đảng CSVN thân Trung Quốc đã bị thanh trừng. Ông Hoàng Văn Hoan, Ủy viên Chính trị bộ đã chạy sang Bắc Kinh xin tỵ nạn chính trị. Tuy nhiên Hiệp ước Việt-Nga không cầm chân nổi quân Tàu tiến vào Lạng sơn năm 1979 để Đặng Tiểu Bình dạy cho Chính trị bộ đảng CSVN một bài học đẫm máu.
Hơn 30 năm sau, quan hệ sóng gió Việt – Trung đang lập lại, lần này chưa có tỵ nạn chính trị nhưng có vai trò con thoi. Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, không phải là Ủy viên Chính trị bộ, lại không có chân trong Ban Chấp HànhTrung ương Đảng, không có tư cách nằm trong Đảng ủy Quân sự Trung ương thì làm thế nào có thể tuyên bố qua mặt cả Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng nếu không có sự chấp thuận ngầm của Chính trị bộ? Trong lịch sử của cơ chế độc đảng CSVN, những động thái vượt rào, đi ngược chính sách trung ương có thể xảy ra đối với các lãnh vực kinh tế, nội bộ, điạ phương nhưng không thể xảy ra trong quan hệ chính trị có tầm vóc quốc gia.
Ông Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố cũng giống như tờ báo Thanh Niên viết, không phải tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN. Vấn đề đặt ra là nếu không có sự cho phép của Bộ Thông Tin, tổng biên tập Thanh Niên cho vàng cũng không dám viết ngược chính sách. Có thể nói, đảng CSVN cần tiếng nói bán chinh thức của Chính trị bộ trong mối liên hệ phức tạp Việt- Trung để vừa đu dây, vừa mua thời gian nhằm chuẩn bị lực lượng và cân bằng quyền lực Mỹ-Trung-Việt.
Lực lượng Dân Chủ và những thử thách
Chúng ta sẽ làm gì để có thể cùng toàn dân bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, nhưng vẫn đấu tranh hiệu quả để dành lại được Tự do và Dân chủ cho Việt Nam? Chúng ta phải làm gì để giữ chủ nghĩa dân tộc, giương ngọn cờ yêu nước để đảng CSVN không thể lợi dụng lòng yêu nước cho tham vọng tiếp tục giữ vững chế độ độc tài đảng trị của họ? Chúng ta phải chuẩn bị lực lượng và vận động dân chủ ở trong và ngoài nước thế nào để có thể làm hỏng chiến lược “chống Tàu” không phải “giữ nước” nhưng để “giữ đảng CSVN” được tồn tại.
Đây là những thử thách mà các lực lượng dân chủ trong và ngoài nước cần chuẩn bị sách lược, nhằm đối đầu, khai dụng các biến động và quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ để đẩy mạnh các vận động dân chủ có lợi cho tương lai Việt Nam.
Hà Nội vẫn liên tục gia tăng đàn áp các lực lượng dân chủ. Mối lo sợ của Hà Nội là sự hình thành công khai các lực lượng, tổ chức, đảng phái và mặt trận nhằm thách thức vai trò lãnh đạo chính trị của đảng CSVN. Từ năm 2006 đến nay, đã có nhiều anh chị em dân chủ bị tuyên án hơn 178 năm tù vì những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam. Cho dù có khác biệt về quan điểm đối nội, đối ngoại, ngoại giao, quân sự v.v… nhưng CSVN đồng quan điểm trong việc trấn áp các lực lượng dân chủ, bảo vệ cơ chế độc tài đảng trị. Theo giới quan sát quốc tế, Hà Nội đã chi ra hàng tỷ dollars để trang bị và trả lương cho hơn 6 triệu nhân viên công an ngầm và công khai đang ngày đêm làm nhiệm vụ theo dõi, kiềm soát, đàn áp nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ chế độ công an trị.
Nhân quyền là yếu điểm của chế độ độc tài, toàn trị. Nhân quyền bao gồm cả quyền về chính trị, trong đó quyền bầu cử, ứng cử và thành lập đảng đối lập. Trong khi nhân quyền là mũi nhọn để lực lượng dân chủ làm bàn đạp tấn công chế độ toàn trị trên mặt trận chính trị thì việc khai dụng chủ nghĩa dân tộc và ngọn cờ “yêu nước” nhằm đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là những chủ điểm mà lực lượng dân chủ cần công khai nắm lấy để lôi kéo và tập hợp nhân dân đứng về phiá mình, cùng bẽ gãy tư thế chính thống của chế độ độc tài đảng trị.
Tại Hải ngoại, phối hợp đấu tranh về Nhân quyền và Ngoại vận, bao gồm vận động chính giới đế áp lực ngoại giao và kêu gọi CĐNVHN yểm trợ tài chánh cho công cuộc đấu tranh dân chủ tại quốc nội là những áp lực hiệu quả và có ảnh hưởng rất tích cực trong công cuộc vận động Dân chủ hoá Việt Nam. Đấu tranh cho Nhân quyền không riêng gì chúng ta mà ngay cả các quốc gia tự do dân chủ cũng tham gia, tiếp tay trong mặt trận này. Tại Hội nghị Cấp cao về Dân chủ ở Ba Lan, tháng 8/2010, có sự hiện diện của Ngoại trưởng Bộ ngoại giao Canada, Lawrence Cannon, đại diện Bộ Ngoại giao Canada đã tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Cũng tại đây, bà ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, đã nêu đích danh Trung Quốc đi đầu trong việc lợi dụng nền dân chủ “giả hiệu” để đàn áp các Tổ chức Nhân sự.
Sự kiện Hà Nội dựa hẳn vào Mỹ để cân bằng lực lượng đối đầu với Trung Quốc không phải là sách lược có chiều sâu. Tuy nhiên vì quyền lợi của độc đảng, Hà Nội đã không có sự chọn lựa nào khác. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Hoa Kỳ chỉ hỗ trợ đồng minh khi phù hợp với chính sách đối ngoại và quyền lợi của nước Mỹ. Vị trí của Việt Nam về nhiều mặt và lâu dài không thể so với Trung Quốc. Do đó, một chiến lược quân sự dựa hẳn vào Mỹ để “chống Tàu giữ nước” không đủ sức cứu Việt Nam thoát khỏi áp lực về chủ quyền, quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc. Với ngân sách quốc phòng thiếu thốn, tổng sản lượng quốc gia $ 92.44 tỷ dollars so với Trung Quốc $ 4.90 ngàn tỷ dollars, với nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu, mất hẳn chỗ dựa viện trợ từ các đồng minh “CS”, với một chánh quyền độc tài bị nhân dân trong và ngoài nước khinh bỉ và tẩy chay. Việt Nam không đủ sức cầm cự trước viễn cảnh kinh tế bị bao vây và kinh phí quốc phòng bị chảy máu vì “chạy đua” vũ trang, chưa nói đến lúc chiến tranh Trung – Việt thực sự xảy ra.
Cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước từ Bắc chí Nam, từ trong ra đến ngoài nước, từ trong đảng CSVN ra đến ngoài đảng. Lo ngại ảnh hưởng lan rộng và sợ bị lực lượng dân chủ lôi kéo, Hà Nội đã trở tay đàn áp, không cho nhân dân bày tỏ lòng yêu nước. Mặc dù trước đó, chính Hà Nội đã cho phép ngầm hai cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn cuối năm 2007 khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đảo Tam Sa.
Thử thách của lực lượng dân chủ trong và ngoài nước là phải chuẩn bị cho vai trò trong bối cảnh sắp tới. Làm thế nào để vận động dân chủ một cách hiệu quả, nhằm đấu tranh và áp lực Hà Nội phải chấp nhận đối lập chính trị để giải quyết vấn nạn Việt Nam trước nguy cơ bị ngoại xâm. Làm thế nào để có thể giành lấy ngọn cờ yêu nước, chuẩn bị tư thế chính trị và khôn khéo khai dụng mối quan hệ Việt-Mỹ, vừa xây dựng lực lượng dân chủ hoạt động hữu hiệu nhằm đấu tranh cho mục tiêu công khai lực chính trị, vừa đặt Hà Nội vào tư thế đối đầu.
Thử thách của lực lượng dân chủ là làm thế nào có thể khai dụng lòng yêu nước để làm điểm tựa cho cuộc đấu tranh chống độc tài, dành dân chủ. Cần phải làm rõ vai trò thiết yếu của lực lượng dân chủ trong bối cảnh giải quyết quan hệ Việt- Mỹ-Trung, vừa đánh đổ tính chính thống, “ngụy” đại diện cho dân tộc Việt Nam của đảng CSVN, vừa khẳng định vai trò của lực lượng dân chủ trong bàn cờ chính trị Việt Nam.
© Đỗ Thành Công
Về chuyện Tổng bí thư sắp tới của ĐCSVN Nguyễn Thanh Giang
Bài viết “Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay” làm dấy lên hai luồng dư luận phản ứng khá sôi nổi:
- Lê Đức Anh trở cờ thật hay Đặng Quốc Bảo và Nguyễn Thanh Giang bị Lê Đức Anh lừa?
- Gạt Nguyễn Phú Trọng để nhận Nguyễn Tấn Dũng thì khác nào tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa!
Về luồng dư luận thứ nhất
Tôi nghĩ ông Lê Đức Anh trở cờ thật. Có ba lý do để tin điều này:
Một là, do xét bản chất con người như đã nêu trong bài “Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay”.
Hai là, có điều kiện để trở cờ. Thực ra, những người lãnh đạo cộng sản nói chung không kém cỏi, dốt nát. Có điều chất quân tử trong họ rất ít, mà bản chất là tiểu nhân. Khi nhìn xa họ dễ bị quáng nhưng ở tầm nhìn ngắn của họ sắc sảo đến mức ma mãnh. Fidel Castro muốn được tôn vinh là ngọn cờ tiên phong chống Mỹ, chống Phương Tây nên mới tìm theo một chủ nghĩa khác chủ nghĩa mà Phương Tây đang theo. Suốt bao năm dìm nhân dân trong đói khổ cơ cực cũng cứ phải làm XHCN, nhưng thực ra XHCN chỉ là phương tiện để giữ cho được cái hào quang của ngọn cờ tiên phong kia, dù rồi đây ông ta có bị phán xử là tội đồ nghìn lần đáng nguyền rủa của dân tộc. Thế nhưng gần đây ông ta đã phải bỏ của chạy lấy người mà thở dài than rằng CNXH không còn thích hợp với Cuba nữa.
Nguyễn Phú Trọng bấu víu Trung Quốc phần chính là để giữ cho được cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được xem là sự sáng tạo lý luận của anh ta. Mặc cho đất nước quằn quại bao lâu trong sự dò dẫm mù lòa, anh ta cứ cố giữ để còn được mê đắm trong cái thứ hào quang hư ảo ấy cho đến ngày bị trừng phạt.
Ông Lê Đức Anh không bị ràng buộc một cách chính danh với những điều kiểu như vậy.
Ba là, tình thế đã đến mức không trở cờ không được.
Khí thế cách mạng dân chủ ngày một dâng cao và tinh thần chống hiểm họa Bắc triều ngày càng sôi sục.
Nếu cách đây trên chục năm chỉ “năm anh em trên một chiếc xe tăng” chúng tôi dám ký tên chung vào các bản kiến nghị thì nay về số lượng đã lên đến con số 38, về chất lượng đã có rất nhiều người từng giữ các chức vụ cao trong Đảng, nhiều vị tướng … cùng ký tên.
Nếu trước đây chỉ Phạm Thanh Nghiên tọa kháng trong nhà bên khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội … đem những khẩu hiệu ấy treo trên đường phố thì nay những khẩu hiệu như thế xuất hiện cả trên vách núi xa xôi hẻo lánh, trên những tấm áo phông ngang nhiên giữa phố đông. Từ nước ngoài trở về, có đảng viên Viêt Tân dám công khai đứng phân phát áo phông mang khẩu hiệu này cùng với truyền đơn ngay trước tượng đài Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm trong lễ hội ngàn năm Thăng Long….
Rồi hàng nghìn, hàng vạn chữ ký đòi ngăn Trung Quốc vào khai thác Bôxit Tây Nguyên …
Nét mới rất quan trọng là, tinh thần chống Trung Quốc bỗng trở thành quyết liệt hơn trên thế giới. Điều lý thú là, tinh thần ấy được khai hỏa chính từ Việt Nam, tại Diễn đàn Khu vực Asean, khi bà ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố: “Hoa Kỳ xem việc tự do lưu thông, tự do lui tới và sự tôn trọng luật lệ quốc tế trên Biển Đông phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ”, “Tại Hội nghị các Bộ trưởng Asean năm ngoái, tôi đã thông báo Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á và đã cam kết sẽ làm việc với các nước Asean để nâng cao lợi ích và các giá trị mà chúng ta chia sẻ… Hôm nay tôi xin nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với từng nước thành viên Asean để thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các quốc gia”.
Được lời như cởi tấc lòng, Tổng thống Philippines Benigno Aquino, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York tuyên bố: “Asean sẽ hợp thành một khối nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông “.
Trong cuộc nói chuyện với sinh viên Việt Nam nhân kỳ họp các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng sẵn sàng đòi vào cuộc: “ Để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và bảo đảm an ninh, tự do lưu thông trên Biển Đông, thì đàm phán song phương là chưa đủ, cần phải có thể chế đàm phán đa phương”.
Trong khi đó bản thân Trung Quốc rất bất ổn, đến mức tuồng như Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng muốn trở cờ khi ông công khai thừa nhận: “nguyện vọng và đòi hỏi của dân chúng về dân chủ, tự do là một sức mạnh không thể kháng cự”.Trong cuộc phỏng vấn được đài truyền hình CNN trình chiếu hôm chủ nhật mồng 3 tháng 10 vừa qua, ông nói với phái viên Fareed Zakaria rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải hành động theo đúng hiến pháp và pháp luật, chứ không thể đứng trên hiến pháp và pháp luật như trong thời kỳ còn là một đảng cách mạng đang đấu tranh để giành chính quyền. Trước đó, vào ngày 22 tháng 8, nhân dịp kỷ niệm 30 năm đổi mới kinh tế ở thành phố Thẩm Quyến ông cũng từng khuyến cáo rằng chính quyền cần phải tạo điều kiện để người dân có thể giám sát và phê phán những hoạt động chính phủ và giải quyết điều mà ông gọi là “sự tập trung quá độ của những quyền lực không hạn chế”.
Ở Việt Nam, góp ý Đại hội Đảng XI, cựu chủ tịch UBND tỉnh An Giang, em trai chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Mười năm xơ cứng là vậy. Đến khi không thể chịu nổi, đứng trước sự mất còn của chế độ mới tự cởi trói bung ra, tìm đường đổi mới!.
Đổi mới thật sự là trở lại gần như cũ (làm mới cái cũ), như nhà cũ sửa sang, sơn phết cho sáng sủa hơn. Nếu sơn sửa kiểu này thấy không được (hoặc bị chê) thì làm mới kiểu khác, hoặc thậm chí trở lại như chưa đổi mới cũng dễ dàng, không bị cho là “phá cách”, “mất lập trường”. Nhưng phải công nhận rằng nhờ có đổi mới mà kinh tế đời sống có phát triển, chính trị xã hội có cởi mở.
Song nhịp độ tiến bộ vẫn không theo kịp đổi thay như giông bão của thời cuộc trên phạm vi toàn cầu về chánh trị, kinh tế, khoa học công nghệ, quan hệ giữa các cường quốc, các dân tộc, giữa các nền văn minh và thái độ ứng xử với thiên nhiên – biến đổi khí hậu v.v… Chính vì chậm mà bị tụt hậu trên nhiều phương diện, thậm chí có những vấn đề lại trầm trọng hơn như hiệu quả đầu tư ngày một kém, dân chủ còn gò bó và hình thức, đạo đức xã hội và cả tư cách đảng viên cán bộ có bộ phận không nhỏ cứ ngày một sa sút, tham nhũng, lãng phí, nhất là lãng phí không đo đếm được ngày một lan rộng…
Đã đến lúc phải đổi thay để tiếp tục sự nghiệp đổi mới. Vậy đổi thay cái gì? Tất nhiên là toàn diện, có kế thừa thành quả đổi mới, trong đó nền tảng là thiết kế lại thể chế chánh trị”.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư Pháp thì công khai bầy tỏ sự mất lòng tin: “Tình hình như thế này thì không thể đột phá, mọi sinh hoạt vẫn theo cách cũ, hy vọng ngay điều gì là rất khó. Cương lĩnh chẳng sửa nhiều, đúng hơn là có sửa nhưng không cơ bản. Rồi những gương mặt có khả năng thành người đứng đầu, không biết có ai ấp ủ gì không, còn nếu nhìn những gì bộc lộ ra ngoài thì chưa thể kỳ vọng gì lớn ở Đại hội này”.
Cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Nguyễn Trung, không chịu nổi nỗi bức xúc đã phải bộc trực: “Tôi đã nhiều lần cố tình tìm ra những điều tốt đẹp nhất mà các văn kiện và ngôn ngữ chính thống của Đảng lúc này lúc khác nói về đề tài này để làm sáng tỏ cho bản thân mình khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng lần nào tôi cũng chỉ tìm thấy: cái tốt đẹp, chí ít là cái mà Ban Tuyên giáo giải thích hay định áp dụng, thì các nước văn minh đều làm như thế và có không ít cái họ làm tốt hơn ở nước ta rất nhiều, ví dụ vai trò quản lý của nhà nước, vai trò và quyền hạn gắn với trách nhiệm của đảng cầm quyền, các quyền tự do dân chủ của dân… vân vân… Tất cả những điều tốt đẹp mà Ban Tuyên giáo muốn này (tôi cứ giả định là Ban Tuyên giáo muốn như vậy cho đất nước) hầu hết những nước văn minh này đều có rất đậm nét hơn ở nước ta mà họ không cần đến định hướng xã hội chủ nghĩa… Theo tôi, nên bỏ cách nói “định hướng xã hội chủ nghĩa ” chung chung và quá mơ hồ như thế này đi, vì nó chỉ có tác dụng biện hộ cho lạm dụng. Chỉ nên trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật hiện hành nói thẳng ra các việc A, B, C,.. mà Đảng và các đảng viên phải làm, nhà nước, cán bộ và công dân ta phải làm, những cái gì là cấm. Còn ai thích mơ mộng về định hướng xã hội chủ nghĩa, thì đấy là quyền cá nhân riêng tư của người ấy – vì tư duy là tự do mà, phải tôn trọng; nhưng đưa mơ mộng riêng tư của mình vào luật pháp và thể chế của cả nước thì không được”.
Tiếp bước các đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, Trần Quang Cơ, một cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc kỳ cựu, ông Dương Danh Dy cũng đã phải bầy tỏ cái nỗi “nghĩ lại mà kinh” của mình: “…như sau này tôi ngộ ra: bắt đầu tại hội nghị ấy, ban lãnh đạo Trung Quốc đã thấy Việt Nam là một “món hàng có giá” có thể dùng để trao đổi, mua bán với mấy nước lớn khác nhằm phục vụ lợi ích chủ yếu của họ thì sự thể sau này sẽ khác đi rất nhiều. Nhưng tiếc rằng ngoài Hồ Chí Minh ra, hình như ít người thấy được sự lợi dụng tinh tế đó …Còn ai bảo tôi ngu, tôi xin nhận và cám ơn. Xin nói không phải là để bào chữa cho sự kém cỏi của mình, ngay đến Khorutsov, nhân vật nổi tiếng một thời của Liên Xô cũ đã phải cay đắng thốt lên: “chỉ có những thằng ngu mới tin được Trung Quốc” sau khi bị họ lừa một cách vô cùng khôn khéo! Và không ít người Mỹ cũng đã ăn phải quả đắng của Trung Quốc đấy!” …
Trước tình hình như thế, chỉ những kẻ lú lắm mới không trở cờ.
Về luồng dư luận thứ hai
So với cái vỏ dưa Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng có thể cũng chỉ là cái vỏ dừa. Tuy nhiên, liệu có thể kỳ vọng tại Đại hội XI này sẽ xuất hiện một Tổng Bí thư không từ ủy viên Bộ Chính trị hiện nay chăng? Chắc chắn không. Giả sử ngay ngày hôm nay có đấng tối cao nào ra được cái lệnh buộc Đảng phải dân chủ hóa thật sự thì may ra mới bầu được một người ngoài Bộ Chính trị làm Tổng Bí thư, nhưng không hẳn người đó sẽ là người xứng đáng (dù chỉ là đối với ĐCSVN). Cái thể chế chính trị triệt tiêu cá nhân, buộc mọi người làm nô lệ cho Đảng thì làm gì có ai mở mặt ra để mọi người nhìn thấy được. Nếu thực thi dân chủ thực sự thì cái cơ chế ấy cũng phải vận hành một thời gian khá lâu mới đủ để các ngôi sao xuất hiện, từ đấy đảng viên hoặc nhân dân có thể bầu chọn.
Ở bài ‘Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay’, tôi chỉ đặt một yêu cầu vô cùng bức thiết là gạt cho được cái vỏ dưa kia – kẻ tội đồ hăng hái nhất trong việc đẩy đất nước trượt dài trên con đường xã hội chủ nghĩa lăng nhăng và chui tọt vào thòng lọng Trung Quốc. Ngoài ra, vì không có dân chủ thì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa cũng tạm đành chứ sao bây giờ! (vỏ dưa tệ hại hơn vỏ dừa).
Vả chăng, hình như người ta cũng không công bằng lắm với Nguyễn Tấn Dũng. Mấy ngày gần đây tôi có nhận được nhiều thư gửi qua bưu điện, nhiều email, nhiều cú điện thoại… kể rất nhiều tội của ông Dũng. Thực ra, đâu chỉ có Vinashin, để không bị quy chụp chệch hướng XHCN phải thực hiện chủ trương kinh tế nhà nước làm chủ đạo cho nên phải có rất nhiều “vinashin”. Hồi mới lên, ông Dũng từng tuyên bố sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ đấy chứ. Nhưng rồi… Dưới quyền Đảng này lãnh đạo, với chủ trương đường lối này thì có đưa Lý Quang Diệu, Putin vào đây làm thủ tướng rồi cũng sẽ vào tù cả thôi.
Ông Dũng cũng không phải là người đưa Trung Quốc vào khai thác Bôxit Tây Nguyên. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ký lệnh này trước rồi, Thủ tướng sao không thực hiện cho được.
Thủ tướng nào phá nổi Hội trường Ba Đình, mở rộng nổi Thủ đô. Có những việc quýt làm cam chịu. Ai cũng biết cha đẻ Tổng cục 2 là Lê Đức Anh nhưng bắt được tay, giay được mặt lại chỉ thấy thủ tướng Võ văn Kiệt và chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh là những người có trách nhiệm ký các văn bản.
Khi mới lên làm thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng không đi Trung Quốc trước như Nguyễn Phú Trọng mà đi Nhật. Trong khi đó, ông tiếp Tổng thống Bush rất nhiệt tình. Ông đi Vatican rồi về gặp Ngô Quang Kiệt hứa giải quyết tốt đẹp vụ Tòa khâm sứ ở Hà Nội…
Hãy nhớ lại, Nguyễn Văn Linh khi mới lên, tỏ ra rất khá. Nào là “Tự cởi trói” nào “Việc cần làm ngay” … Thế mà, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông cũng tịt, cũng hỏng dần.
Có đa nguyên đa đảng để rồi có được một đảng mới lãnh đạo đất nước thì chắc là hơn. Trước mắt, chưa thể nào khác thì đành mong sao các vị dự Đại hội XI bầu được những người không phải là vỏ dưa. Có thể là như sau:
- Tổng Bí thư: Phạm Quang Nghị hoặc Trương Tấn Sang
- Chủ tịch nước: Nguyễn thị Doan hoặc Hồ Đức Việt
- Thủ tướng: Nguyễn Bá Thanh
- Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Tấn Dũng
Hà Nội 24 tháng 10 năm 2010
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt