Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

‘Chế tạo anh hùng’: -“Anh hùng động đất Trung Quốc” được nhà nước tán dương hóa ra là giả

-“Anh hùng động đất Trung Quốc” được nhà nước tán dương hóa ra là giả
Hậu quả của sự tàn phá: Một ngôi nhà bị phá hủy bởi trận động đất năm 2008 tại Vấn Xuyên. Trận động đất đã giết chết hoặc chôn vùi khoảng 90.000 người. (China Photos/Getty Images)
Một câu chuyện anh hùng được xây dựng công phu từng xuất hiện trên các bài báo của truyền thông nhà nước Trung Quốc trực tiếp nói về trận động đất năm 2008 tại Tứ Xuyên đã bị phát hiện là bịa đặt bởi một điều tra mới đây.

Một giáo viên trung học, Tan Qianqiu, được nói rằng đã ôm bốn học sinh của ông trong tay khi tòa nhà sụp đổ, và cứu sống chúng, nhưng lại mất đi mạng sống của chính mình.
Tuy nhiên, một bài báo của Nhật báo Đô thị Nam Phương ở Quảng Châu, đã chỉ ra rằng ba trong số các học sinh đó không hề tồn tại, và rằng toàn bộ câu chuyện là bịa đặt. Nam phương Nhật báo là một trong số ít các tờ báo ở Trung Quốc theo đuổi những cuộc điều tra nhạy cảm với chính quyền; và các biên tập viên của tờ báo từng bị bỏ tù vì sự quấy rầy đó.
Trận động đất 7,9 độ Richter đã nổ ra ở Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, giết chết hoặc chôn vùi khoảng 90.000 người, theo các báo cáo chính thức. Cơn địa chấn còn trở nên bi thảm hơn khi 10.000 nạn nhân được ước tính là các em học sinh, những người đã bị đè nát khi trường của chúng bị sập.
Ở một số quận huyện, các tòa nhà trường học đã đổ sập thành đống gạch vụn trong khi các tòa nhà của chính quyền ở gần đó vẫn nguyên vẹn. Được gọi là các công trình “bã đậu” bởi những phụ huynh mất con, khắp nơi người ta đều hiểu rằng các công trình kém chất lượng là do nạn biển thủ nghiêm trọng của các quan chức địa phương.
Chế tạo anh hùng’
Câu chuyện về người thầy giáo hy sinh mạng sống vì học sinh đã xuất hiện chỉ ba ngày sau trận động đất. Tan Qianqiu là giáo viên của Trường trung học Dongqi ở thị trấn Hanwang, ngay gần tâm chấn động đất. Ngôi trường này đã bị sụp đổ và nhiều học sinh đã bị chết.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã đăng một câu chuyện mô tả hành động của ông Tan như “một thiên thần từ câu chuyện cổ tích”. Câu chuyện kể rằng khi tòa nhà sụp đổ, ông đã giang tay ra và ôm cả bốn đứa trẻ vào lòng. Cả bốn em đều được cứu, nhưng ông đã chết, bài báo viết.
Chỉ trong thời gian ngắn, bản tin này của Tân Hoa Xã được trích dẫn khắp nơi, và người giáo viên quá cố được gọi là ‘một anh hùng’, và “một đảng viên xuất sắc trong cứu trợ thiên tai và động đất”.
Năm 2009, một bộ phim tựa đề “Bài học cuối cùng” đã được sản xuất dựa trên câu chuyện này, và câu chuyện cũng được đưa vào sách giáo khoa tiểu học lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Giang Tô.
Bịa đặt
Nhật báo Đô thị Nam phương đã đăng một bài báo ngày 21 tháng 10, nói rằng câu chuyện anh hùng của truyền thông nhà nước như Tân Hoa Xã và Nhân Dân Nhật báo, là không có thật.
Theo các cuộc điều tra của Nhật báo Đô thị Nam phương, chỉ một trong bốn em học sinh được cho là được thầy giáo cứu là còn sống. Tên của em là Liu Hongli. Còn ba em học sinh khác được nhắc đến trong câu chuyện, Fu Qiang đã chết trong trận động đất, Tian Gang và Yu Jian thì ‘không hề tồn tại’.
Em Liu nói với Nhật báo Nam phương rằng câu chuyện ấy là không có thật. Em nói em đang ngồi ở hàng ghế thứ hai, cách chỗ thầy giáo đứng khoảng hai mét. “Đơn giản là không đủ thời gian cho thầy Tan chạy từ bục giảng đến để cứu em”, em nói.
“Các học sinh chúng em đều biết rằng nó không có thật. Các thầy cô của chúng em đều nói về câu chuyện của thầy Tan trong mỗi buổi họp, nhưng các học sinh đều cười”, em Liu nói.
Nhật báo cũng đã chỉ ra sự không nhất quán về ngày phỏng vấn em Liu. Tờ báo nói em Liu vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Huaxi ở thành phố Thành Đô một tuần sau trận động đất, khi một kênh truyền thông Hồng Kông tới phỏng vấn em, yêu cầu em nói gì đó trước ống kính máy quay “để cảm ơn thầy Tan”.
Em Liu đã nói với Nhật báo Đô thị Nam phương rằng em không biết gì về mối liên hệ giữa thầy giáo em và việc em sống sót. “Em thực sự không nhớ chính xác em đã nói gì. Em chỉ lẩm nhẩm rất nhiều lời vô nghĩa”, em Liu nói.
Không rõ là Tân Hoa Xã đã viết bài báo 938 từ ấy ba ngày sau trận động đất như thế nào.
Một số nhà bình luận gọi việc vạch trần câu chuyện thời sự bịa đặt này là “Sự sụp đổ của một thiên thần trong chuyện thần thoại”, và viện dẫn nó như một ví dụ nữa của tuyên truyền nhà nước nhằm thao túng công luận ở Trung Quốc.
Các bậc phụ huynh đau khổ bị sách nhiễu
Bịa đặt ra anh hùng có lẽ là muốn xoa dịu sự giận dữ của công chúng trước phản ứng vô lý của các quan chức ngay sau trận động đất, cũng như sự giận dữ của các bậc cha mẹ khi quá nhiều trường học bị sụp đổ.
Các quan chức ban đầu hứa hẹn một cuộc điều tra toàn diện về sự sụp đổ hàng loạt của các tòa nhà trường học, và đưa những người có trách nhiệm ra công lý. Nhưng cuối tháng 5 và đầu tháng 6, họ thay đổi thái độ.
Các nhà báo được yêu cầu xoa dịu những câu chuyện chỉ trích chất lượng các tòa nhà trường học, gián điệp được cử đến để thâm nhập vào các nhóm phụ huynh, và cảnh sát bắt đầu trấn áp các cuộc biểu tình của hàng trăm phụ huynh và những người thân đau khổ mặc áo phông mang dòng chữ “Trừng phạt nghiêm khắc việc xây dựng tham nhũng và kém chất lượng”. Một số bậc cha mẹ, những người cố gắng đưa vụ việc ra tòa, đã bị lôi đi và bắt giữ. Các quan chức cũng gỡ bỏ những vòng hoa còn sót lại ở các trường học.
Số lượng học sinh bị chết vẫn còn chưa rõ. Đàm Tác Nhân, một nhà hoạt động kiêm nhà văn Trung Quốc, người đã đối chiếu thông tin về các học sinh thiệt mạng trong trận động đất, cố gắng đi đến một con số chính xác.
Tháng 2 năm 2009, ông Đàm đã kêu gọi công chúng hành động hưởng ứng cuộc điều tra dân sự của ông về chất lượng xây dựng các tòa nhà trường học. Ông đã bị bắt giữ vào tháng 3 sau đó.
Ngày 9 tháng 2, ông Đàm đã bị kết án 5 năm tù giam với cáo buộc “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”. Những người ủng hộ ông cho rằng các cáo buộc trên nhằm làm câm lặng cuộc điều tra của ông về nạn tham nhũng trong xây dựng các tòa nhà trường học, và nhiều người coi ông như một anh hùng thực sự.
Gisela Sommer
(Theo The Epoch Times)
Bản tiếng Anh có -Chinese Earthquake Hero, Eulogized by State, Revealed As Fraud.

Tổng số lượt xem trang