Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

QE2: Lời khen, tiếng chê (Nguyễn Huy Đức)

QE2: Lời khen, tiếng chê (Nguyễn Huy Đức) (e-ThongLuan)-Nguyễn Huy Đức
“…QE2 cũng cần được ủng hộ vì đây là một hành động can thiệp của FED thông qua thị trường mở. Vì dựa vào cơ chế thị trường, FED có thể nhanh chóng tăng cường mức can thiệp nếu cần. Ngược lại, FED cũng có thể chấm dứt kế hoạch QE2 khi nền kinh tế đã được phục hồi và không cần nâng đỡ thêm…”

Quyết định tiếp tục hỗ trợ kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), được mệnh danh “nới lỏng định lượng” (Quantitative Easing – QE), đã được Thống đốc Ben Bernanke đề cập đến trong bài diễn văn tại Jackson Hole vào cuối tháng 08/2010. Và vào ngày 03/11/2010, chi tiết của chính sách QE đã được FED công bố: Từ đây cho đến tháng 6/2011, FED sẽ huy động 600 tỷ USD để mua về những công phiếu dài hạn.


Đây là đợt “nới lỏng định lượng” thứ hai của FED, được gọi là QE2. Tưởng cũng cần nhắc lại rằng khi cuộc khủng hoảng đã bùng phát, một kế hoạch “nới lỏng định lượng” cũng đã được áp dụng (QE1) và đã góp phần không nhỏ vào việc cứu nguy nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới.

Mục đích của QE2 lần này là kích thích kinh tế bằng cách hạ thấp mức độ lãi suất trung và dài hạn. Nói một cách rõ ràng hơn, FED mong muốn rằng khi mua vào công phiếu dài hạn, Hoa Kỳ sẽ nâng cao giá trị của công phiếu và làm giảm đi tỷ lệ chiết khấu. Hệ luỵ tự nhiên là hạ thấp lãi xuất dài hạn và rút giảm chi phí vay nợ cho các đối tác kinh tế.

Với mức lãi suất dài hạn thấp tại Mỹ, nguồn tư bản sẽ phải đầu tư vào những tài sản khác hầu tăng lợi nhuận. Nguồn tư bản sẽ bỏ rơi thị trường công phiếu và trái phiếu để dồn về thị trường địa ốc, chứng khoán v.v. Hành động này sẽ làm tăng trưởng giá trị của các thị trường đã mất giá khá nhiều trong cuộc khủng hoảng vừa qua. Sự tăng trưởng trên sẽ phục hồi niềm tin của giới đầu tư và góp phần nâng đỡ nền kinh tế.

Nội công, ngoại kích

Tuy nhiên, trái với QE1, kế hoạch QE2 đang trở thành tụ điểm của những chỉ trích đến từ thế giới và ngay tại Hoa Kỳ.

Ở Hội nghị G20-Hán Thành, các quốc gia thành viên đã đưa ra một thông cáo chung khẳng định sự cần thiết của một hệ thống hối đoái dựa trên nguyên tắc thị trường và dựa trên tiêu chuẩn căn bản của kinh tế. Thông cáo G20 cũng cảnh cáo nguy cơ phá giá hầu cạnh tranh thương mại. Cuối cùng, các thành viên G20 cũng phản đối mọi hành vi mang tính bảo hộ.

Một cách gián tiếp và qua thông cáo chung của G20, thế giới đang tỏ ra lo âu trước hành động bơm tiền vào nền kinh tế mà FED đang chủ trương. Thật vậy, các quốc gia vừa trỗi dậy (emmerging countries) quan niệm rằng việc Hoa Kỳ mạnh tay “in tiền” để thu mua công phiếu là một hình thức bóp méo tỷ giá hối đoái. Vì đồng Mỹ kim (USD) là phương tiện thanh toán của thế giới, việc Hoa Kỳ “in tiền” sẽ khiến USD mất giá so với các ngoại tệ và, dĩ nhiên, sẽ tác động đến mậu dịch thế giới. Xung đột kinh tế và thương mại có nhiều xác suất xảy ra nếu các quốc gia khác tìm cách trả đũa. Chính vì vậy, một số nguyên thủ đã lên tiếng cảnh cáo rằng động thái bơm tiền của FED sẽ làm hao mòn tinh thần hợp tác quốc tế mà các thành viên G20 đã cam kết và cố gắng bảo vệ trong hai năm qua.

Đi xa hơn, Trung Quốc và Ba Tây cũng lo sợ rằng số tiền mà Hoa Thịnh Đốn quyết định “in thêm” sẽ đổ ra nước ngoài để tìm cơ hội đầu tư, nhất là khi lãi suất tại Mỹ giảm đi. Hành động này sẽ đem lại hiện tượng bong bóng tài sản tại các quốc gia vừa trỗi dậy. Song song đó, nó cũng góp phần gia tăng tỷ giá đồng tiền của các quốc gia này so với USD. Cuối cùng, luồng vốn đầu tư tuôn ra nước ngoài sẽ đem lại hiện tượng lạm phát mà giới chuyên gia kinh tế vẫn gọi là “lạm phát được Hoa Kỳ xuất khẩu”.

Riêng tại Mỹ, một số nhân vật quan ngại rằng, QE2 sẽ dẫn tới lạm phát cao và một khối nợ khổng lồ mà các thế hệ sau này phải gánh chịu. Một chuyên gia tài chánh có tiếng tăm đã không ngần ngại giễu cợt rằng Thống đốc Ben Bernanke “không hiểu gì về kinh tế và cũng không hiểu về tiền tệ hay tài chính. Ông ta chỉ biết mỗi việc: In tiền. Nếu cho ông ta một máy in tiền, chắc chắn ông ấy sẽ cho chạy… hết ga!”.

Có thể thâu gọn những lời chỉ trích như sau: Lạm dụng một vai trò thanh toán của USD, Hoa Kỳ đang bóp méo tỷ giá hối đoái thông qua việc bơm tiền vào nền kinh tế để hạ giảm lãi suất. Hệ lụy của động tác này là hiện tượng bong bóng tài sản và tệ nạn lạm phát. Nguy cơ xung đột thương mại có nhiều xác suất xảy ra. Vì vậy, phần đông các chuyên gia kinh tế đã kết luận rằng kế hoạch QE2 của FED sẽ không giải quyết những khó khăn hiện nay. Ngược lại, nó mang còn lại nhiều vấn đề hơn.

Khi kinh điển trực diện với thực tế

Nhưng sự thật có diễn ra theo quy luật vừa được trình bày hay không? Nếu không, phải rút ra những bài học nào từ chính sách “nới lỏng định lượng”? Kế hoạch QE2 đáng được ủng hộ hay chỉ trích? Để trả lời cho những câu hỏi trên đây, giới chuyên gia may mắn có được kế hoạch QE1 và những tác động của nó. Dựa vào đó có thể tiên đoán cho những gì có thể xảy ra trong tương lai ngắn hạn và quy xét về tính hữu hiệu của QE2.

Nếu nhìn vào lãi suất USD-Swap (5 năm và 10 năm) – được giới chuyên gia đầu tư xem là lãi suất căn bản – chúng ta có thể dễ dàng rút ra một kết luận: Kế hoạch “nới lỏng định lượng” QE1 đã không làm giảm đi lãi suất. Bằng chứng là vào thời điểm QE1 được ban hành – từ tháng 12.2008 cho đến tháng 04.2010 – lãi suất dài hạn không giảm đi.

Riêng QE2, từ khi bài diễn văn của ông Ben Bernanke tại Jackson Hole được loan tải cho đến nay, lãi suất dài hạn Hoa Kỳ có xu hướng tăng lên chứ không giảm xuống (xem Biểu đồ 1).

Thực tế đang chứng minh một điều: Những tác động mà nhiều người lo ngại đã không xảy ra.

Trong hoàn cảnh này, khó có thể vội vàng kết luận rằng nguồn vốn đầu tư Hoa Kỳ sẽ “bỏ chạy” ra nước ngoài và tràn vào những thị trường đang trỗi dậy để tìm lợi nhuận cao. Chính vì vậy, nguy cơ bong bóng tài sản khó có thể xảy ra. Và cho dù nguy cơ này có xuất đầu lộ diện, thủ phạm của hiện tượng bóng bóng tại các quốc gia như Trung Quốc chưa chắc gì là chính sách QE2 của Hoa Thịnh Đốn.

Hơn nữa, có thể quả quyết rằng, hiện nay, Hoa Kỳ mới là nơi mà các nguồn vốn đang cố tìm về để đầu tư vì thị trường Mỹ vẫn là nơi an toàn nhất. Bằng chứng là Hoa Thịnh Đốn vừa phát hành thành công loại trái phiếu với lãi suất… âm! Hiện tượng này cho thấy rằng Mỹ vẫn là nơi mà giới đầu tư ưa chuộng vì tính minh bạch và độ an toàn. Đừng quên rằng, tư bản có lô-gíc và mức thông minh của nó. Chưa chắc gì những thị trường vừa trỗi dậy có đủ khả năng để khuyến rủ nguồn vốn nhất là khi những thị trường này chứa đựng nhiều rủi ro và vẫn lệ thuộc vào sự tùy tiện của giới chức trách. Hơn nữa, lợi nhuận không phải là tiêu chuẩn duy nhất để quyết định đầu tư vào một thị trường. Luật pháp rõ ràng, thuế thặng dư thấp, mức độ thanh khoản, thời gian để triệu hồi nguồn vốn cũng là những tiêu chuẩn quan trọng cần duyệt qua trước khi đầu tư.

Vì lãi suất Hoa Kỳ chưa có xu hướng giảm mạnh, không thể quả quyết rằng QE2 sẽ có tác động xấu cho thế giới. Vậy thì tỉ lệ hối đoái của USD có thể nào bóp méo mậu dịch quốc tế không?

Một lần nữa, nếu nhìn vào thực thế, có thể dễ dàng khẳng định rằng USD không mất giá nhiều như mọi người lầm tưởng. Ngược lại, trong thời gian khủng hoảng, đồng bạc Mỹ thường được tìm mua vì doanh nhân cho rằng đây là tài sản an toàn nhất. Biểu đồ 2 chứng minh rằng khi chương trình QE1 được áp dụng, USD đã phần nào mất giá. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn – khi giới đầu tư nhận thức được rằng tình hình kinh tế tại các khu vực khác không sáng sủa hơn Hoa Kỳ – đồng USD đã liên tục phá kỷ lục vì đây là đồng bạc mà mọi người đều tìm mua để phòng hờ bất trắc.

Kịch bản tương tự đang diễn ra cho QE2: USD đã thực sự mất giá khi kế hoạch “nới lỏng định lượng” QE2 được công bố. Như ngay sau khi vấn đề nợ công tại châu Âu tái phát (trường hợp Ái Nhĩ Lan) và ngay sau khi mức độ lạm phát ở Trung Quốc đã lên đến 4.4% trong tháng 10/2010, giá trị đồng USD lại có giá. Mọi người đồng ý rằng USD vẫn là tài sản tiền tệ an toàn nhất.

Hoa Thịnh Đốn có thật sự muốn thao tác tỷ lệ hối đoái và làm cho USD yếu đi? Khó có thể trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng, cho dù chính quyền Mỹ có muốn đi chăng nữa, Hoa Thịnh Đốn cũng không có đủ khả năng bóp méo hối đoái trong dài hạn. Không nên quên rằng, USD là một đồng bạc được thả nổi. Giá trị của nó được thị trường tiền tệ định lượng nhiều hơn là chính quyền Liên Bang.


Biểu đồ 1
Không thấy lãi suất giảm nhiệt
Biểu đồ 2
Sau khi trượt giá, USD lại tăng


Rủi ro lạm phát?

Đối với lập luận cho rằng chính sách mới lỏng định lượng của Hoa Kỳ sẽ đem lại lạm phát (CPI) trong dài hạn, cần có những nhận định sau: Vào thời điểm mà tăng trưởng vẫn còn ở mức độ khiêm tốn (3,0%), lạm phát không phải là mối lo chính. Với mức tiêu thụ vẫn còn trong tình trạng u ám và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn quá cao (9,6%), giảm phát mới là mối quan ngại hàng đầu.

Như Biểu đồ 3 cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Hoa Kỳ đã tụt xuống mức độ nguy ngập (Core CPI ở tỷ lệ 0.6%). Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng Hoa Thịnh Đốn không mong mõi gì hơn là lạm phát tái xuất hiện. Thật vậy trong tình hình hiện nay, lạm phát là dấu hiệu của sự phục hồi bền vững của kinh tế. Nó chứng minh rằng người dân bắt đầu tiêu thụ như bình thường vì đã có công ăn việc làm và vì đã thoát khỏi được tình trạng vỡ nợ.

FED đã có lý khi nhận định rằng rủi ro lạm phát không phải là nguy cơ hàng đầu của Hoa Kỳ, nhất là khi nó vẫn ở dưới mức độ chấp nhận được. Vấn đề phải giải quyết một cách triệt để là tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm cho người dân. Nguy cơ lớn nhất hiện nay là hiện tượng “giảm suy” (suy thoái kèm với giảm phát) của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Biểu đồ 3
Giảm phát mới đáng quan ngại
Biểu đồ 4
Thị trường chứng khoán tăng tốc


Chính vì vậy, chính sách “nới lỏng định lượng” QE2, cần được ủng hộ.

- Cần được ủng hộ vì không có gì chứng tỏ rằng QE2 đang gây ra nhiều tác hại xấu cho thế giới.

- Cần ủng được hộ vì QE2 đang hồi phục giá trị cho một số thị trường. Thật vậy, mặc dù lãi suất dài hạn không hạ nhiệt, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng tăng trưởng khi chính sách “nới lỏng định lược” được ban hành. Căn cứ vào Biểu đồ 4: có thể kết luận rằng cả QE1 lẫn QE2 đều đã hỗ trợ thị trường chứng khoán một cách hữu hiệu. Khi bài báo này đến tay độc giả, chỉ số Dow Jones (Mỹ) và FTSE (Anh) đã trở lại mức độ đã đạt được trước cơn khủng hoảng tiền tệ. Như vậy, có thể khẳng định rằng, mặc dù chưa được áp dụng, kế hoạch QE2 của FED đã gặt hái được thành quả mong muốn ngay khi nó mới được công bố. Dị nhiên, thị trường chứng khoán có tiếp tục phục hồi hay không còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng cần nhìn nhận rằng QE2 đã vực dậy thị trường chứng khoán và góp phần gầy dựng niềm tin cho giới đầu tư.

- Cuối cùng, QE2 cũng cần được ủng hộ vì đây là một hành động can thiệp của FED thông qua thị trường mở. Vì dựa vào cơ chế thị trường, FED có thể nhanh chóng tăng cường mức can thiệp nếu cần. Ngược lại, FED cũng có thể chấm dứt kế hoạch QE2 khi nền kinh tế đã được phục hồi và không cần nâng đỡ thêm. Không ai bắt buộc Hoa Thinh Đốn phải dùng hết 600 tỷ USD trong vòng 6 tháng.

Trái với một số nhận định, bài viết này quan niệm rằng kế hoạch “nới lỏng định lượng” QE2 đã có tác động tích cực của nó.

Đi xa hơn, mọi chính quyền cũng cần rút ra một bài học về khiêm tốn. Thật vậy, trong một không gian tự do mà nền tảng là sáng kiến và cố gắng cá nhân, nhà nước chỉ có một vai trò định hướng. Hơn nữa, mọi can thiệp mang tính cách định hướng của chính quyền chắc chắn sẽ gặp nhiều giới hạn. Kế hoạch QE2 là một bằng chứng điển hình. Thật vậy, QE2 chưa và có thể sẽ không đạt được kết quả hạ giảm lãi suất như FED mong muốn. Tuy nhiên đây không là một thất bại (như một số chuyên gia lầm tưởng). Ngược lại, nó chứng minh một điều: Nhờ vào quyết tâm của chính quyền, giới doanh nhân và giới đầu tư đang tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Niềm tin này khiến họ dự tính rằng lạm phát sẽ phải xảy ra trong tương lai một khi kinh tế phục hồi. Vì có dự tính như vậy, họ đang bán ra trái phiếu (không ai muốn đóng vai chủ nợ trong tình hình lạm phát gia tăng!). Động thái này khiến trái phiếu mất giá, làm tăng lên đi tỷ lệ chiết khấu và lãi suất thị trường… ngay trong lúc mà FED mong muốn lãi suất giảm xuống.
Nguyễn Huy Đức
© Thông Luận 2010

Tổng số lượt xem trang