Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Choáng với chất lượng mũ bảo hiểm

-Mũ bảo hiểm dán nhãn Duy Tân là hàng giả mạo
(NLĐO)- Ông Trần Duy Hy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Nhựa Duy Tân, cho biết: Thông tin mà một số báo đã đưa về việc “cơ quan chức năng phát hiện mũ bảo hiểm nhãn hiệu Attila của Công ty TNHH TM Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) có gia tốc dội lại tức thời và mức độ đâm xuyên không đạt yêu cầu, vỏ mũ bị vỡ tách rời. Ngoài ra, lớp vải lót trong mũ bảo hiểm có chất formaldehit (chất gây dị ứng, ung thư) với hàm lượng 27mg/kg” là không chính xác.
Thông tin này đã tạo ra những nghi vấn, hoang mang, lo ngại từ phía những khách hàng của Công ty cổ phần Duy Tân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của công ty.
Theo TTXVN, ông Trần Duy Hy khẳng định: Trong ngành công nghiệp nhựa, chỉ có công ty của ông mang tên Duy Tân và nhãn hiệu nhựa Duy Tân đã được đăng ký độc quyền trên cả nước Việt Nam, tại Campuchia và tại Lào. Những mặt hàng mà công ty sản xuất là các sản phẩm nhựa gia dụng, bao bì nhựa cho mỹ phẩm, bao bì nhựa cho thực phẩm, bình sữa em bé. Công ty TNHH Nhựa Duy Tân chưa bao giờ sản xuất hoặc kinh doanh mũ bảo hiểm. Tất cả các loại mũ bảo hiểm có dán nhãn hiệu nhựa Duy Tân đều là hàng giả mạo.
Ông Trần Duy Hy cho rằng thương hiệu của công ty ông đã bị những kẻ làm hàng giả lợi dụng, dán lên các mũ bảo hiểm bị làm giả, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng.
- Kỳ 1: Hàng dỏm bán tràn lan!
TT - Sau hơn hai năm áp dụng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH), PV Tuổi Trẻ làm một cuộc điều tra về chất lượng MBH và ghi nhận thực tế cho thấy có nhiều thông tin gây “choáng”.
Mua bán mũ bảo hiểm kém chất lượng trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG
Thông tin từ bác sĩ: nhiều người đội MBH vẫn bị chấn thương sọ não. Thông tin từ thị trường: mũ dỏm tràn lan. Thông tin từ người bán hàng: dân không quan tâm chất lượng, thích mua MBH giá “bèo” để đối phó với cảnh sát giao thông...
Đội MBH vẫn chấn thương sọ não
Sáng 31-5, tại phòng cấp cứu khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bà cụ D.T.T. (80 tuổi, ngụ Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn còn mê man bất tỉnh do chấn thương sọ não sau một tai nạn giao thông. Chị M.T., con dâu cụ T., kể: “Chồng tui chở mẹ bằng xe máy, cả hai đều có đội MBH. Khi tai nạn xảy ra, MBH của chồng tui không hề hấn gì, còn chiếc mũ của bà cụ thì bị bể nát”. Chị M.T. nói thêm: “MBH của mẹ chồng tui đội mua ở lề đường, có giá chỉ 25.000 đồng”.
Tương tự là trường hợp của anh D., nằm cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy tám ngày mà vẫn lúc tỉnh lúc mê do chấn thương giập não bên trái. Hôm ấy khoảng 20g, anh D. rời nhà từ An Lạc (TP.HCM) đến Khu công nghiệp Phú Mỹ I (Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi tới khu vực Long Thành (Đồng Nai), anh D. bị một chiếc xe máy tông văng vào lề đường. “Bữa đó chồng tôi có đội MBH đàng hoàng nhưng khi gặp tai nạn giao thông, chiếc mũ bể nát, chỉ còn lại miếng mốp” - vợ anh D. thuật lại lời kể của những người chứng kiến tai nạn.
Mũ “lạ” Tại cửa hàng Hưng Nga trên đường Vạn Tượng (Q.5), chúng tôi mua được một chiếc MBH với thương hiệu rất lạ: Zet, giá 90.000 đồng, do Công ty Đông Dương (Q.Tân Bình) sản xuất năm 2009 và một MBH chỉ độc mỗi chữ AC-E, sản xuất bởi Công ty TNHH Đinh Lập Hưng (Q.Bình Tân) với giá 60.000 đồng. Sau này tìm mỏi mắt trong danh sách MBH cho người đi môtô, xe máy đã được chứng nhận hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng công bố (ngày 2-6-2010), chúng tôi không thấy có tên hai công ty Đông Dương và Đinh Lập Hưng.
Tại sao có đội MBH vẫn bị chấn thương sọ não? PGS.TS, bác sĩ Dương Minh Mẫn - trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy - trả lời: “Chúng tôi đã tìm hiểu và nhận ra rằng các nạn nhân bị tai nạn giao thông hầu hết đều có đội MBH nhưng là hàng dỏm. Khi tai nạn xảy ra, mũ không bảo vệ được cái đầu”.
Bác sĩ Minh Mẫn cho biết thêm trong một vài tháng sau khi quy định bắt buộc đội MBH (tháng 12-2007) có hiệu lực, tình trạng bệnh nhân bị chấn thương sọ não giảm đáng kể. Thế nhưng sau đó và đặc biệt là gần đây, số người gặp tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não tăng trở lại, bằng hoặc chỉ kém hơn chút ít so với trước khi có quy định buộc đội MBH.
Dân ít quan tâm đến chất lượng
Có một thực tế là hiện nhiều người dân mua MBH nhưng lại chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả mà ít để tâm đến chất lượng của mũ.
Bác sĩ Tô Vĩnh Ninh, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Gia Định
(TP.HCM), khuyến cáo: khi mua MBH, người dân cần quan tâm đến chất lượng của mũ. Thà mua một chiếc MBH tốt, tốn vài trăm ngàn đồng còn hơn là để khi xảy ra tai nạn, bị chấn thương sọ não sẽ phải trả chi phí chữa trị rất lớn. Thậm chí người bệnh phải mất thời gian điều trị khá dài và sau đó có khi còn bị di chứng, sống đời thực vật. “Đội MBH chất lượng, đúng cách là để bảo vệ cho chính bản thân mình chứ đừng nghĩ chỉ là cách đối phó với cảnh sát giao thông”.
Thế nào là một chiếc MBH đạt chất lượng? Theo bác sĩ Dương Minh Mẫn, MBH có ba phần: vỏ nhựa, phần mốp và quai mũ đều có chức năng quan trọng trong việc bảo vệ người đi xe gắn máy. Khi mua MBH, người tiêu dùng cần quan tâm đến phần quan trọng nhất là lớp mốp vì chúng hấp thu và triệt tiêu 90% lực tác động vào mũ khi bị té xuống. Lớp mốp tốt phải thật mịn, chắc, không thể dùng ngón tay cái ấn dẹp xuống được.
Ông Lê Đình Tùng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (thuộc văn phòng phía Nam của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN), cũng nói ngoài việc quan tâm lớp mốp, vỏ nhựa bên ngoài của MBH cần phải được kiểm tra, bằng cảm quan có thể thấy lớp vỏ nhựa của MBH dày hay mỏng.
Một vỏ MBH đạt tiêu chuẩn phải có lớp nhựa dày khoảng 2,8 li, mặt nhẵn thì khi va đập mũ mới có thể phân tán lực tác động lên toàn bộ vỏ nhựa được. Từ đó tránh được tình trạng dù bị va đập nhẹ mũ cũng bị vỡ, gây nguy cơ chấn thương cho người sử dụng.
“Đối với những chiếc MBH nước ngoài đúng chuẩn, lớp mốp phải nặng từ 140-150gr. Hiện rất ít loại MBH có mặt trên thị trường đạt được chỉ tiêu này. Trong khi đó, ngày càng có nhiều MBH kém chất lượng được bày bán tràn lan trong cửa hàng, ngoài lề đường...” - ông Tùng nhấn mạnh.
Mua bán mũ bảo hiểm với giá “bèo” từ 30.000-80.000 đồng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG
MBH 18.000 đồng/chiếc
Theo chân một người mua bán MBH, chúng tôi thâm nhập các sạp hàng tại Chợ Lớn, chợ Bình Tây (quận 5 và quận 6, TP.HCM).
Khi biết chúng tôi cần “đánh” lượng hàng lớn, chị G. - chủ cửa hàng TS trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) - đon đả: “Mấy anh cần loại MBH nào em cũng có. Nói thiệt, hàng trưng bên ngoài tương đối xịn, có giá từ 100.000-300.000 đồng/chiếc. Còn những loại không nhãn mác, rẻ bèo, em để trong buồng. Mấy anh đưa mũ về các tỉnh bỏ mối thì nên lấy hàng thường thường bậc trung trở xuống cho dễ bán...”.
Nói chưa hết câu, chị G. quay ngoắt vào trong lôi ra những mẫu mũ được cho là “rẻ bèo” với nhãn mác không rõ nguồn gốc xuất xứ cùng các con tem chứng nhận chất lượng phai mờ được dán cẩu thả. Những chiếc mũ này có giá bỏ sỉ từ 45.000-60.000 đồng/chiếc, thậm chí có loại chỉ hơn 20.000 đồng/chiếc.
“Riêng loại rẻ nhất, em bỏ sỉ làm quen cho mấy anh 18.000 đồng/chiếc” - chị G. vừa bày hàng vừa tiếp thị chúng tôi. Tương tự, các sạp hàng MBH bên chợ Bình Tây cũng mời chào chúng tôi mua MBH đủ loại thượng vàng hạ cám, từ loại 17.000 đến 295.000 đồng/chiếc.
Tại đường Trường Chinh, gần ngã tư An Sương cũng như tại ngã tư Tân Thới Hiệp hay trên xa lộ Hà Nội, những chiếc MBH kém chất lượng được bày bán tràn lan bên vệ đường. Chúng tôi ghé một cửa hàng nằm ngay ngã tư Phan Huy Ích - Trường Chinh mua một cái MBH “ba không”: không tên công ty sản xuất (chỉ ghi SX tại VN), không thương hiệu (chỉ đề Helmet - nghĩa là MBH - PV) và nhãn hợp quy (CR) bong tróc, rất mờ.
Người bạn dắt chúng tôi đi thâm nhập thị trường MBH cầm một chiếc lên xem và giả vờ làm rơi xuống. Bộp! Phần vỏ nhựa của chiếc mũ vỡ toác một mảng lớn.
Mũ dỏm lấn át mũ xịn
Thực tế thị trường cho thấy những loại MBH kém chất lượng, không nhãn mác đang thắng áp đảo những loại mũ có uy tín và chất lượng. Lý giải cho việc này, chị L., bán MBH trên quốc lộ 1A (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), cho rằng: “Đa số người đi đường ghé chọn mua những loại mũ rẻ tiền từ 30.000-45.000 đồng/chiếc. Họ đội nhằm đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông là chính”.
Cũng theo chị L., qua hai đầu mối, những chiếc MBH rẻ tiền này mới tới được tay chị. Cứ mỗi lần qua tay, tùy giá trị của mũ cao hay thấp, người bỏ mối lời từ 5.000-7.000 đồng/chiếc. Riêng chị Lan bán lẻ lề đường nên lời khá hơn, 10.000 đồng/chiếc. Như vậy tính ra một chiếc MBH rẻ tiền hiện đang được bày bán chỉ có giá thành từ 10.000-21.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, theo ông Lê Đình Tùng: “Giá thành để sản xuất được một chiếc MBH đạt chất lượng trung bình phải mất ít nhất 45.000-50.000 đồng”.
Một trong ba chủ cửa hàng bán MBH lớn tại ngã tư Tân Thới Hiệp (quận 12) cũng công nhận: “Với giá MBH rẻ bèo như thế thì đừng trông chờ chúng chất lượng”. Theo chị, đa số khách hàng đều hỏi mua MBH rẻ tiền. “Bày những loại MBH “ba không” này ra phải canh chừng, hễ thấy bóng dáng ai khả nghi quản lý thị trường là chúng tôi phải giấu tiệt chúng đi ngay”.
Anh L., chủ một hệ thống cửa hàng MBH, nói: “Bốn cửa hàng của tôi ở quận Gò Vấp và Phú Nhuận mỗi ngày bán được khoảng 100 cái MBH. Có đến hơn 70% khách hàng chọn mua những loại MBH rẻ tiền, không cần biết chất lượng của mũ ra sao”.
ĐỨC TUYÊN - KIM SƠN (còn tiếp)
Siêu thị cũng bán mũ không có thương hiệu
Ngày 24-5, mẫu MBH Mr.Vui mang số hiệu NBH 003 (do Công ty TNHH TM và SX Trương Vui sản xuất) đã bị Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng công bố “giấy chứng nhận và dấu CR hết hiệu lực kể từ ngày 30-4-2010” nhưng vẫn được bày bán trong siêu thị Văn Lang (nằm ngay đầu đường Quang Trung, Nguyễn Oanh - trung tâm của quận Gò Vấp).
Thậm chí chúng tôi còn mua được chiếc MBH Mr. Vui mang số hiệu 020 vốn không có trong danh sách MBH cho người đi môtô, xe máy đã được chứng nhận hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng công bố.
Riêng tại shop Anh nằm trên đường Hồng Bàng (gần chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh) có ít nhất 9 loại MBH không có thương hiệu hoặc có nhưng không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VN như: Chivatry, Acel, Ajino, Suzuky, Atila Helmet, Takita, Duy Tân... Chúng được bán lẻ cho khách với giá từ 50.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/chiếc.
>> Kỳ 2: Mũ bảo hiểm: Những nhà sản xuất đáng ngờ
TT - Mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng từ đâu ra? Đi tìm đáp án cho câu hỏi này, PV Tuổi Trẻ thấy không ít chuyện bất ngờ và cũng rất đáng ngờ.
Mũ bảo hiểm tại một điểm tập kết bên bờ kênh Nhiêu Lộc, sau khi hoàn thiện được chở đến các điểm bán lẻ - Ảnh: N.Triều
Chọn ngẫu nhiên một vài nhãn hiệu MBH được chứng nhận hợp quy theo danh sách công bố của Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL), chúng tôi tìm đến Công ty TNHH TMSX may mặc và quảng cáo Minh Nghi - chủ nhân loại MBH hiệu Adess đang được bày bán khá nhiều trên thị trường với giá 55.000 đồng/mũ. Công ty này đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert, Hà Nội) cấp giấy chứng nhận chất lượng và dấu hợp quy (CR) cho hai loại sản phẩm MBH A1, A2.
Công ty này đăng ký trong danh sách tại 43/5 khu phố 1, đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM nhưng thực tế lại là ngôi nhà cấp bốn của một người dân tại địa phương đang sinh sống. Ông Nguyễn Thái Học, cảnh sát khu vực, xác nhận: “Tại phường Đông Hưng Thuận có địa chỉ 43/5 khu phố 1, đường Nguyễn Văn Quá... và đây là nhà dân từ trước đến giờ. Tại địa chỉ trên không có Công ty TNHH TMSX may mặc và quảng cáo Minh Nghi hoạt động”.
Địa chỉ “ma”
Theo điều tra của chúng tôi, trường hợp của Công ty TNHH TMSX may mặc và quảng cáo Minh Nghi không phải là cá biệt. Tương tự, trong danh sách MBH đã được chứng nhận hợp quy do Tổng cục TCĐLCL công bố ngày 7-4-2009 có mẫu MBH DL02 sản xuất bởi Công ty TNHH Đức Trụ (81/5 đường ĐHT05, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM). Thế nhưng, khi chúng tôi tìm đến địa chỉ của công ty nơi đây chỉ là một khu nhà kho cũ kỹ với cánh cổng đóng im ỉm.
Công an khu vực - ông Hồ Phương Lâm cho biết công ty này đã ngừng hoạt động vài năm nay. Bảo vệ của Công ty Đức Trụ - ông Trương Đình Hoàng cũng nói: “Công ty ngừng hoạt động gần sáu năm nay. Ông chủ công ty đã đi nước ngoài”!
Những nhà sản xuất “đầu có tóc” đã vậy, các cơ sở “trọc đầu” (không thuộc danh sách được chứng nhận hợp quy) thì lai lịch càng tù mù hơn. Chẳng hạn, MBH có thương hiệu Atila Helmet có kiểu dáng bắt mắt với giá bán chỉ 35.000 đồng/chiếc. Trên những chiếc mũ này dán nhãn ghi nhà sản xuất là Công ty TNHH TM nhựa Duy Tân, 100A Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Tân Bình, kèm theo là chiếc tem CR... giả (rất dễ nhận biết vì không có tên tổ chức chứng nhận).
Tìm đỏ mắt không ra “tổng hành dinh” của công ty nên chúng tôi nhờ ông Nguyễn Văn Thu, cảnh sát khu vực P.7, Q.Tân Bình. Ông Thu giở sổ ra kiểm tra rồi quả quyết: “Trên địa bàn không có địa chỉ này và cũng không có Công ty TNHH TM nhựa Duy Tân nào hoạt động”.
Quy trình làm MBH giá rẻ
Trong khi đó, hầu hết MBH bày bán dọc vỉa hè đều “lập lờ đánh lận con đen” bằng cách dán nhãn hiệu tá lả. Điểm chung của những MBH này là không có địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng mà chỉ ghi “sản xuất tại Việt Nam”. Những chiếc mũ này ở đâu ra?
Chúng tôi lần ra được một địa chỉ tập kết hàng là một căn nhà nằm ven kênh Nhiêu Lộc, quận 1. Từ địa chỉ này, chúng tôi phát hiện thêm một số địa chỉ “khả nghi” ở tận vùng ven thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Nói “khả nghi” vì đây không phải là những cơ sở sản xuất hoành tráng mà chỉ là những căn nhà cấp bốn, trong các khu trọ bình dân. Chúng tôi cũng làm quen được T., một thanh niên từng tham gia sản xuất MBH dỏm, nay đã giải nghệ.
Hỏi về quy trình cho ra đời một chiếc MBH giá rẻ, loại đang chiếm thị phần “mũ vỉa hè”, T. kể: “Làm cái này toàn dân tay ngang hết. Không cần nhà xưởng, chẳng cần máy móc, nếu làm đầu nậu thì cần chút vốn”. Thấy chúng tôi trố mắt, T. giảng giải: “Ông ra tiệm ĐT, KQ ở gần chợ Thiếc mua đồ món, muốn bao nhiêu cái thì mua đủ bao nhiêu bộ rồi phân phát ra cho người quen, bạn bè để ráp lại thành một cái hoàn chỉnh, dán tem, dán nhãn vào, dễ ợt. Họ ráp xong thì thu gom lại đem bán cho mấy sạp vỉa hè”.
Theo chỉ dẫn của T., chúng tôi tìm đến cửa hàng ĐT trên đường Hòa Hảo, quận 11 thì đúng nơi đây bán đầy đủ “đồ món” để sản xuất một chiếc MBH. Tại cửa hàng này, chúng tôi sắm một bộ gồm vỏ nhựa 8.000 đồng, mũ xốp 6.000 đồng, dây đeo và đệm lót cùng ốc vít 3.000 đồng, tổng cộng cả chiếc mũ là 17.000 đồng. Trước khi chúng tôi ra về, chàng trai bán hàng còn dặn với theo: “Anh mua về tỉnh, số lượng nhiều thì em có thể bớt mỗi thứ 1.000 đồng. Anh cứ gọi điện trước đặt số lượng, cho địa chỉ là em giao tới rồi nhận tiền luôn, khỏi lo”!
Kết quả kiểm nghiệm: choáng!
Để “khám tổng quát” chất lượng MBH hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN) mua ngẫu nhiên 31 mẫu MBH đang bán trên thị trường ở tám cửa hàng và một siêu thị tại các quận 3, 5, 11, Bình Thạnh và Gò Vấp để đưa đi kiểm nghiệm chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường và chất lượng 3 (Quatest 3). Đáng lưu ý, trong số này có 18 mẫu MBH của những doanh nghiệp có tên trong danh sách được chứng nhận hợp quy do Tổng cục TCĐLCL VN công bố.
Kết quả thử chất lượng MBH đầu tháng 6-2010 cho thấy có đến 71% số mẫu (22/31 mẫu) được đưa đi kiểm tra không đạt chất lượng theo quy định. Có hai chiếc trong số mẫu thử bị vỡ cả vỏ nhựa sau khi đưa lên máy thử, chiếm 6,5%. Các nhà chuyên môn ở Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng kết quả này so với hai lần thử chất lượng trước đó (tháng 12-2007 và tháng 3-2008) là “không cải thiện hơn”.
Bà Võ Việt Hà - chánh thanh tra Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - cho biết trong năm 2009 đơn vị này đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 12 mẫu MBH và cho kết quả có đến chín mẫu (75%) không đạt chất lượng theo quy chuẩn.
Cũng cần nói thêm, trong số 31 mẫu MBH được chúng tôi đưa đi kiểm nghiệm có hơn 16,1% số mẫu dán tem CR giả. “Vấn đề MBH được dán dấu chất lượng “CR” giả vẫn đang là thực trạng đáng lo ngại” - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cảnh báo.
Ai chứng nhận chất lượng?
Hiện có năm tổ chức chứng nhận được Bộ Khoa học và công nghệ chỉ định, gồm: Trung tâm Chứng nhận phù hợp - Quacert (Hà Nội), Văn phòng chứng nhận chất lượng - BQC (Hà Nội), Quatest 1 (Hà Nội), Quatest 2 (Đà Nẵng) và Quatest 3 (TP.HCM). Điều đó đồng nghĩa với việc chỉ những MBH được năm tổ chức này chứng nhận đạt chất lượng và dán tem CR với đúng mã số mới được phép buôn bán trên thị trường.
Quy định là vậy nhưng trong số mười mẫu dán tem CR có tên tổ chức chứng nhận là Quatest 3 được chúng tôi đưa đi kiểm nghiệm chỉ có sáu mẫu (60%) đạt quy chuẩn chất lượng và 2/4 mẫu (50%) dán tem có tên tổ chức chứng nhận Quacert đạt yêu cầu. Riêng bốn mẫu dán tem CR với tên đơn vị chứng nhận là BQC thì kết quả cho tỉ lệ đạt quy chuẩn là... 0%.
Lý giải về những chiếc MBH được sản xuất bởi những doanh nghiệp, cơ sở đã được chứng nhận hợp quy, các cơ quan quản lý - trong đó có các tổ chức chứng nhận - cho rằng lỗi ở nhà sản xuất. “Chúng tôi chứng nhận là chứng nhận trên quy trình sản xuất và mẫu sản phẩm ở thời điểm chứng nhận. Còn sau khi được chứng nhận rồi, doanh nghiệp có tuân thủ quy trình sản xuất, chất lượng nguyên vật liệu hay không thuộc về ý thức của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm”- ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Quatest 3, nói.
Trong khi đó, có một hiện tượng đáng lưu ý là có đến hơn 20 cơ sở sản xuất MBH tại TP.HCM thay vì đăng ký chứng nhận tại Quatest 3 lại “ôm hàng” ra tận Hà Nội để đăng ký chứng nhận và hai điểm đến là Quacert và BQC. Cả hai công ty ở Cần Thơ và một ở Đắk Lắk cũng chọn cách “bay xa” ra đăng ký và được chứng nhận tại BQC.
Đặc biệt, trường hợp Công ty TNHH SX thương mại và kỹ thuật Á Châu (P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) có mười kiểu mũ mang các nhãn hiệu Senco, Evic và Andas thì có đến chín kiểu mũ được chứng nhận bởi BQC, trong đó ba mẫu Senco MT08, Senco MT104 và Evic MT101 giấy chứng nhận và dấu CR đã hết hiệu lực từ ngày 15-2-2010. Riêng mẫu duy nhất của công ty này được chứng nhận tại Quatest 3 là Senco MT105 đã bị tạm đình chỉ từ ngày 20-5-2009.
Giải thích lý do phải ôm hàng ra tận Hà Nội kiểm định, một số chủ doanh nghiệp cho rằng yêu cầu của Quatest 3 quá khắt khe nên những cơ sở đầu tư thiết bị thường thường bậc trung dễ bị đánh rớt, với lại do ở gần cơ quan chức năng nên có thể sẽ bị kiểm tra, giám sát bất cứ lúc nào.
Theo ông Hoàng Lâm, quy trình kiểm định chất lượng do Tổng cục TCĐLCL quy định là thống nhất trong toàn hệ thống. “Quatest 3 làm đúng quy chuẩn yêu cầu và đúng chức trách được giao. Còn về những tổ chức khác tôi xin miễn trả lời” - ông Lâm nói.
“Công nghệ” in tem CR
Yếu tố đầu tiên thuyết phục người tiêu dùng là chiếc tem CR bảo chứng chất lượng. Tuy nhiên, quy định hiện hành lại khá dễ dãi khi cho phép nhà sản xuất tự in nên màu sắc, kích thước, nội dung con tem cũng “trăm hoa đua nở”.
Vì quá thoải mái nên có một số người không ngại tham gia thị trường MBH bằng công đoạn in tem gia công. Tự thiết kế một mẫu tem trên giấy trắng, chúng tôi tìm đến hai cửa hàng decal trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10 và quận 11 ngỏ ý đặt hàng in 10.000 bản thì nhận liền những cái gật đầu. “Năm trăm đồng một cái là chỉ lấy công làm lời thôi anh ơi” - chủ một cửa hàng níu kéo khi chúng tôi quay lưng bỏ đi.
Mới đây, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Lương Thanh Liêm - giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Hùng Hậu - kể chuyện hồi mới đưa MBH đi kiểm định tại Quatest 3 đã có vài người tìm tới nhà rao bán tem CR với giá 500 đồng/tem.
Choáng với chất lượng mũ bảo hiểm - Kỳ 3: Trách nhiệm: ai cũng kêu khó
TT - Hiện có nhiều cơ quan được giao trọng trách quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng. Nhưng khi được hỏi thì hầu như cơ quan nào cũng kêu khó và thường đổ cho ý thức của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp sản xuất phải chịu trách nhiệm
* Thưa ông, sau khi cấp chứng nhận hợp quy cho nhà sản xuất MBH, đơn vị cấp chứng nhận - như Trung tâm 3 chẳng hạn - có bắt buộc thực hiện quy trình hậu kiểm?
- Ông Hoàng Lâm (phó giám đốc Trung tâm 3): Việc giám sát MBH sau khi chứng nhận là một nội dung đã được quy định. Thông thường định kỳ sáu tháng thực hiện đánh giá giám sát một lần, kết hợp với việc giám sát đột xuất tại cơ sở hoặc trên thị trường, hoặc bất kỳ lúc nào hay khi có phát hiện vấn đề về chất lượng.
* Nếu doanh nghiệp sản xuất MBH gắn tem CR trên cơ sở giấy chứng nhận hợp quy do Trung tâm 3 cấp mà chất lượng thực tế của sản phẩm đó không đạt, thì Trung tâm 3 chịu trách nhiệm gì trước người tiêu dùng?
- Trước hết cần hiểu nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đưa ra tiêu thụ trên thị trường đúng như đã công bố. Điều này đã được nêu rõ trong pháp luật hiện hành. Đơn vị chứng nhận hợp quy như Trung tâm 3 có trách nhiệm về kết quả đánh giá sự phù hợp của mình trước pháp luật. Dấu chứng nhận hợp quy là bằng chứng xác nhận sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi chứng nhận và được sản xuất tại cơ sở sản xuất có đủ điều kiện, năng lực sản xuất.
Khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hợp quy sẽ được ủy quyền in tem mang dấu hiệu hợp quy CR theo đúng quy định để dán lên MBH, đây là một dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm được sản xuất tại cơ sở có đủ năng lực kiểm soát chất lượng. Nếu cơ sở sản xuất dán tem CR ấy lên MBH không đạt yêu cầu chất lượng hoặc không thuộc phạm vi chứng nhận là vi phạm các quy định liên quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng của mũ. Còn khi cả chiếc mũ lẫn tem CR đều bị làm giả, làm nhái thì việc vi phạm quy định là rõ ràng và đương nhiên phải bị xử lý. Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối đối với cả nhà sản xuất lẫn cơ quan quản lý.
* Nhưng các đơn vị có chức năng cấp chứng nhận hợp quy MBH, trong đó có Trung tâm 3, thật sự có đủ nguồn lực để giám sát sau cấp chứng nhận? Hay chỉ cấp giấy chứng nhận là coi như xong trách nhiệm?
- Đương nhiên đơn vị cấp chứng nhận hợp quy phải có trách nhiệm giám sát nhà sản xuất về chất lượng. Tuy nhiên, phải hiểu rõ là giám sát thực hiện theo quy định của luật pháp chứ không phải là thay thế cho trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất. Tổ chức chứng nhận cũng không có chức năng và quyền hạn kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Với số lượng quá đông đảo các cơ sở sản xuất MBH tại VN hiện nay cùng với thực trạng hàng giả, tem giả và ý thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, còn nhiều vấn đề trong kiểm soát thị trường thì việc thực hiện hoạt động giám sát sau chứng nhận là hết sức khó khăn không chỉ đối với một đơn vị có năng lực như Trung tâm 3.
* Thời gian qua, Trung tâm 3 có nhận được thông tin từ cơ quan chức năng hoặc người tiêu dùng phản ánh MBH được Trung tâm 3 cấp chứng nhận hợp quy nhưng chất lượng không đảm bảo?
- Chúng tôi có nhận được những thông tin này dù không nhiều. Khi nhận được thông tin, Trung tâm 3 đều xử lý nghiêm túc.
Rất khó kiểm soát
PGS.TS Phan Minh Tân - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM: Mặt hàng MBH rất khó kiểm soát, đặc biệt là kiểm soát chất lượng. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được phải mua mũ bảo đảm chất lượng để dùng, mà chỉ quan tâm mua mũ rẻ tiền đội lên để khỏi bị công an phạt. Khi có cầu sẽ có cung và người ta sẵn sàng bán MBH không đảm bảo chất lượng. MBH như vậy bán đầy đường, kiểm soát chất lượng như thế nào là bài toán khó. TP.HCM rộng lớn, trong khi thanh tra Sở KH&CN TP chỉ có năm người và còn quản lý rất nhiều mặt hàng khác nữa. Do vậy, cần phối hợp giữa các ngành, trong đó quan trọng nhất là quản lý thị trường.
Thời gian qua việc phối hợp vẫn làm nhưng theo đợt kiểm tra, chủ yếu tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất MBH trong nước, MBH nhập khẩu, còn hàng trôi nổi thì khỏi kiểm tra cũng biết chất lượng thế nào.
Những cơ sở sản xuất kinh doanh có đăng ký, đã được công nhận, có giấy phép thì kiểm soát được. Còn những loại làm lậu, làm chui... thật sự rất khó kiểm soát. Theo tôi, nếu lực lượng mình có tăng lên gấp nhiều lần cũng không thể kiểm soát được loại này. Vấn đề ở chỗ cần kết hợp đồng thời giữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ở cơ sở và nâng cao ý thức người tiêu dùng.
Có xử phạt nhưng hiệu quả cũng hạn chế Ông Đặng Văn Đức -  chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM: Các hành vi vi phạm liên quan đến MBH chủ yếu gồm: không có hóa đơn chứng từ, chất lượng không phù hợp quy chuẩn, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, không đăng ký kinh doanh, hàng giả... Qua kiểm tra, Chi cục QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính gần 301 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy toàn bộ hàng giả, hàng kém chất lượng. QLTT cũng đã kiểm tra, xử lý một số cơ sở mua linh kiện rời về lắp ráp thành MBH mà không tiến hành thủ tục chứng nhận và công bố hợp quy. Tuy nhiên, các đối tượng này thường chọn địa điểm lắp ráp ở các khu vực ngoại thành và hoạt động hết sức lén lút, nên cũng gây khó khăn, làm hạn chế hiệu quả xử lý của cơ quan chức năng.
Đối với MBH không rõ nơi sản xuất, không có giấy chứng nhận hợp quy, khi kiểm tra sẽ xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể là phạt tiền và tạm đình chỉ lưu thông, buộc khắc phục vi phạm về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, để xử lý được sản phẩm MBH cần phải lấy mẫu kiểm định chất lượng, trong khi các nơi bày bán MBH giá rẻ thường trưng bày nhiều chủng loại, nhãn hiệu khác nhau, mỗi loại vài cái không đủ số lượng lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định. Thời gian qua, đội QLTT 3A phải thực hiện giải pháp lấy mẫu linh động, chỉ cho kiểm nghiệm một số chỉ tiêu chủ yếu có tính quyết định chất lượng của MBH như độ bền va đập, độ bền đâm xuyên.
NGUYỄN TRIỀU - QUỐC THANH

Tổng số lượt xem trang