Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Khu vực kinh tế tư nhân


Khu vực kinh tế tư nhân
Loạt 3 bài về khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) chứng minh tính năng động, sự hiệu quả, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và cán cân thương mại của những doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thường thuộc qui mô vừa và nhỏ, không được hưởng những đặc quyền đặc lợi về thuế khóa, tài trợ, vay vốn của những ngân hàng nhà nước, và hẳn phải chấp nhận phương thức lót tay trong nền kinh tế mà văn hóa phong bì chi phối. Gồm những doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ở ngoài khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế này vận hành thế nào, với những thành tựu và bất cập ra sao?

Trong số 350,000 doanh nghiệp, DNTN chiếm 95%, một số lượng không phải nhỏ. Trên cơ sở một nền kinh tế nhà nước chủ đạo và là chủ sở hữu, với chính sách đặt trọng tâm trên những tập đoàn kinh tế (TĐKT), những tổng công ty (TCT), và kinh tế tập thể (chủ yếu với những hợp tác xã trong nông-lâm nghiệp và thủy sản), hẳn khu vực DNTN ắt có nhiều ràng buộc và hạn chế. Nhưng thật lạ, khu vực DNTN lại có những đóng góp rất tích cực vào nền kinh tế Việt Nam. Mặc dầu khá giới hạn về mặt thông tin, tôi cố gắng lược lại những nét đáng ghi nhận về thành quả của những DNTN[i].
1-Về cơ cấu vốn và tài sản cố định:
Trong thời kỳ 2000-2006, cơ cấu vốn của doanh nghiệp theo thành phần kinh tế có thay đổi. Tỷ trọng vốn kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm xuống từ khoảng 67% vào năm 2000 xuống còn khoảng 53% năm 2006; tỷ trọng của DNTN và doanh nghiệp FDI tăng từ khoảng 10% và 23% vào năm 2000 lên 28% và 19,7% năm 2006. Tuy nhiên, DNNN vẫn tiếp tục nắm giữ hơn ½ tổng số vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Cơ cấu vốn doanh nghiệp theo thành phần kinh tế có thể tóm gọn với biểu đồ dưới đây:

Về cơ cấu giá trị tài sản cố định (TSCĐ), trong thời kỳ 2000-2006, tỷ trọng của DNNN giảm nhẹ sau đó lại tăng lên nhưng hầu như không thay đổi. Tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng mạnh từ 8,3% năm 2000 lên 20,7% năm 2003 và không thay đổi đáng kể cho đến 2006; và tỷ trọng của doanh nghiệp FDI giảm từ 35,9% xuống còn 23,3% trong cùng thời kỳ. Biểu đồ dưới đây cho phép thấy rõ rằng những DNNN áp đảo, sau là những DNFDI, và cuối cùng mới tới những DNTN về số TSCĐ. Tỷ trọng TSCĐ của khu vực DNTN có tăng so với năm 2003, nhưng khựng lại và có khuynh hướng giảm trong ba năm 2004, 2005, 2006. Hiển nhiên, khu vực DNNN sử dụng một nguồn lực kinh tế (vốn và tài sản cố định) tương đối lớn, ít ra là trên 50%, của toàn bộ nguồn lực trong nền kinh tế Việt Nam.

2 Về đóng góp vào GDP và giá trị công nghệ:
Bảng 1 cho thấy đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước không tương xứng với nguồn lực (vốn đầu tư, vốn kinh doanh, tài sản cố định) mà nó sử dụng. Khu vực tư nhân nói chung (trong nước và FDI), mặc dầu sử dụng chưa đến ½ nguồn lực tạo ra gần 2/3 của GDP. Điều này cho phép nhận địng rằng hiệu quả kinh tế tương đối thấp của những DNNN.

Lưu ý rằng những DNTN, mặc dầu với nguồn lực chỉ khoảng 20%, đóng góp gần được 50% vào GDP. Cũng nên lưu ý, theo chuyên gia Nguyễn Quang A (đã dẫn), rằng đóng góp của “kinh tế nhà nước” cho GDP bao gồm các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng (đóng góp 3,28% năm 1998 và 2,77% năm 2008); giáo dục đào tạo (3,66% năm 1998 và 2,61% năm 2008); y tế cứu trợ, văn hoá thể thao, đảng và đoàn thể (2,11% năm 1998 và 1,8% năm 2008) [tổng cộng là 9,05% năm 1998 và 7,18% năm 2008]. Nếu trừ phần đóng góp này khỏi thành tích của khu vực nhà nước, chúng ta có một ước lượng cho sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp nhà nước vào GDP trong khoảng từ 27% đến 31% về mặt giá trị công nghệ.
Về giá trị đóng góp trong công nghiệp, bảng 2 cho thấy tỷ trọng của DNNN giảm dần từ 34,2% năm 2000 xuống 20% năm 2007, ngược lại với khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đặc biệt, tỷ trọng của khu vực tư nhân tăng từ 24,5% lên 35,4% trong cùng thời kỳ, chứng tỏ sự năng động và hiệu quả của những DNTN.

Chúng ta đều biết T.P HCM có những đóng góp nổi trội vào ngân sách, cán cân mậu dịch, và là địa bàn kinh tế năng động nhất trong nước. Trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) [ii], vai trò của kinh tế tư nhân được đánh giá cao không chỉ về tốc độ phát triển, sự đa dạng mà còn là những đóng góp tích cực vào phát triển công nghệ, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu ngân sách cho thành phố.
Theo số liệu của cục Thống kê thành phố, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP của TP.HCM liên tục tăng từ 11,5% năm 2000 lên 38% năm 2008. Năm 2009, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tiếp tục giữ tỷ trọng cao trong GDP (49,3%) so với khu vực nhà nước (27,4%) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (23,3%). Trong khi nhiều DNNN ì ạch chuyển đổi công nghệ thì sự chuyển dịch của kinh tế tư nhân cứ đều đặn tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học-công nghệ cao. Sự năng động, thích nghi và đáp ứng nhanh nhậy của khu vực kinh tế tư nhân này trước yêu cầu phát triển của thành phố là không phủ nhận được. Dĩ nhiên, điều chúng ta vừa đề cập có khả năng đúng cho nền kinh tế cả nước.

[i] Số liệu rút từ bài “Nhìn lại các tập đoàn kinh tế nhà nước” của TS Nguyễn Quang A, trong đó ông dùng báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CICEM), và Trung tâm Thông tin và Dự báo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, mới phổ biến gần đây.
[ii] Đóng góp lớn của kinh tế tư nhân, SGTT.VN, 7-10-2010

-Khu vực kinh tế tư nhân (2)
 Khu vực kinh tế này rất năng động về mặt tạo ra công ăn việc làm cho một xã hội thặng dư lực lượng lao động như trường hợp những nước đang phát triển.

3- Đóng góp công ăn việc làm:

Theo báo cáo đã nhắc tới của CIEM, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp năm 2006 là 6722,2 ngàn người, tăng 3184,7 ngàn người so với năm 2000. Trong đó, số lao động làm việc trong DNNN đã giảm mất 181,5 ngàn người; trong doanh nghiệp tư nhân tăng thêm 2329 ngàn người và trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNFDI) tăng thêm 1037,7 ngàn người. Như vậy, DNNN trong 7 năm qua không tạo thêm công ăn việc làm mới cho người lao động; mà ngược lại, đã mất đi hơn 181 ngàn chỗ làm việc. Ngược lại, số lao động làm việc trong doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng hơn 3 lần trong những năm 2000-2006, từ hơn 1 triệu lên hơn 3 triệu người. Tương tự, số lao động làm việc trong các DNFDI đã tăng hơn 3 lần, từ hơn 407 ngàn người năm 2000 đã tăng lên hơn 1,4 triệu người năm 2006. Số lao động làm việc trong các DNNN chỉ còn chiếm 28% tổng số lao động trong doanh nghiệp; giảm hơn một nửa (59,1%) so với năm 2000.

Trong khi đó, tỷ trọng lao động của DNTN trong nước và DNFDI đã tăng lên tương ứng từ 29,4 và 11,5% năm 2000 lên 50,1 và 21,5% vào năm 2006. Thành quả về tạo công ăn việc làm của các DNNN hoàn toàn không tương xứng với những nguồn lực to lớn mà DNNN sử dụng. Nếu so với tổng số lao động của cả nước là 43,35 triệu lao động, thì số lao động trong các DNNN chỉ chiếm dưới 4,4% trong năm 2006. Tuyệt đại bộ phận người lao động (trên 95,6%) gồm nông dân, những người lao động tự do và những người lao động trong các DNTN và DNFDI sử dụng khoảng ½ tổng đầu tư của xã hội. Biểu đồ dưới đây cho thấy điều này:

4- Về cán cân thương mại:

Tình hình chung là nhập siêu nay ở mức rất đáng quan ngại. Sản xuất kém hiệu quả, khu vực DNNN chắc chắn là một nguyên nhân chính. Những DNFDI xuất siêu, mặc dầu đã thổi phồng giá trị nhập khẩu để chuyển giá với mục đích khai lỗ để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Khu vực DNTN còn lại hẳn là một nhân tố đóng góp tích cực vào cán cân thương mại, nhưng số liệu chính xác không được phổ biến.

5- Đóng góp vào ngân sách nhà nước:

Phần này giành cho chúng ta một sự ngạc nhiên khá thú vị.Trích Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT):

“Theo bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam (V-1000), số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ ngang với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.”

Đây là năm đầu tiên Bảng xếp hạng V-1000 được công bố để ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, tuân thủ luật pháp, chính sách về thuế và đóng góp thuế thu nhập lớn cho ngân sách quốc gia. Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam, được công bố ngày 23-9 cho thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân đã chiếm tỷ lệ khoảng 33%, ngang bằng với các DNNN và DNFDI về đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp tính cho ba năm 2007 - 2008 - 2009.

Hiện nay, Nhà nước vẫn xác định khu vực DNNN giữ vai trò chủ đạo. Điều này gây mối quan ngại là những nguồn lực lớn của đất nước vẫn tập trung để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện vai trò đó, chèn ép khu vực kinh tế tư nhân. Qua Bảng xếp hạng V-1000 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có tính tập trung khá cao và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn. Cụ thể là 200 doanh nghiệp đứng đầu trong Bảng xếp hạng V-1000 đóng góp tới 80% lượng thuế thu được từ 1.000 doanh nghiệp trong bảng.

Cho dù vai trò chủ đạo vẫn cứ được khư khư giữ cho khu vực DNNN, và dù những DNTN còn bị nhiều ràng buộc, bị phân biệt đối xử về chính sách thì khối doanh nghiệp dân doanh vẫn lừng lững đi lên, Những đóng góp của khu vực DNTN là những đóng góp từ năng lực sản xuất, kinh doanh và quản trị chứ không dựa trên ưu đãi nào cả.

Tất cả cho thấy, khu vực DNTN, dù có nhiều khó khăn như nguồn lực kém, bị phân biệt đối xử trong quyền tiếp cận các nguồn lực tài chính, đất đai, khoáng sản…, và trải qua nhiều khó khăn lớn như chịu tác động của đợt lạm phát năm 2007, khủng hoảng tài chính thế giới 2008 – 2009, nhưng có một sức sống mãnh liệt và vẫn đóng góp lớn đến không ngờ cho nền kinh tế Việt Nam.

Tổng số lượt xem trang