Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

"...Ở dưới đường chân trời” Nguyễn Thượng Long

Hình: AP

Bravo! Công an và cuộc rút lui kiểu Fair Play!
Fair Play là chơi kiểu đàng hoàng, là đối xử đứng đắn, mã thượng. Không gian trá, giả dối, không chơi xấu.

Đó là nói về thái độ của Sở Công an Hà Nội mới đây đối với vụ án mang tên “Nguyễn Thượng Long và đồng bọn can tội tham gia làm báo bất hợp pháp và có nội dung chống lại Nhà nước CH XHCN Việt Nam”.

Ông Nguyễn Thượng Long là một nhà giáo quê ở Mỹ Đức–Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội, hơn một năm nay là Phó Tổng biên tập của Bán nguyệt san Tổ Quốc do một số trí thức - nhà báo trong và ngoài nước chung sức thực hiện đã được gần 100 số, theo tinh thần tự do ngôn luận, tự do báo chí được Hiến pháp VN và Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền công nhận và bảo vệ.


Sau 2 tháng điều tra xét hỏi ông Nguyễn Thượng Long - bị cáo trong vụ án – và 2 bị can là ông Lê Tiền Vọng, nhà thơ, bút danh Dân Ngôn, nguyên là Thượng tá QĐND Việt Nam và ông Đào Mộng Lân, cổ động viên của báo Tổ Quốc, nguyên là Trung tá QĐND Việt Nam, sáng ngày 18-10-2010, cơ quan điều tra của Sở Công an Hà Nội đã triệu tập 3 vị trên và chính thức tuyên bố “đình tra” vụ án này.

“Đình tra” theo danh từ chuyên môn của luật học và các tòa án là đình chỉ việc điều tra, không tiến hành điều tra thêm nữa. Quyết định trao cho 3 vị trên đây còn ghi rõ “chấm dứt điều tra, hủy bỏ lệnh khởi tố các bị cáo và bị can trong vụ án này”.

Thế là những lời vu cáo, đe doạ, chụp mũ của một số báo lề phải, chuyên theo đuôi cường quyền, gọi ông Nguyễn Thượng Long và bạn ông là “bọn”, là “chúng nó”, “bị bọn phản động xui giục, mua chuộc”, “sẽ bị đền tội trước vành móng ngựa”… bỗng trở nên trơ trẽn, lố bịch.

Trước mặt cán bộ Sở Công an, ông Nguyễn Thượng Long tỏ ra bình tĩnh, vững vàng, kiên định. Ông tuyên bố rõ: “Tôi tự thấy không phạm luật, không có gì sai trái để phải hối hận cả; tôi yêu cầu sở trả lại tôi những thư từ riêng, những kỷ niệm của bạn bè và máy vi tính riêng là thuộc quyền sở hữu cá nhân bất khả xâm phạm của công dân; tôi luôn khẳng định quyền cầm bút của một nhà báo tự do được Hiến pháp và luật pháp bảo vệ.”

Lời tuyên bố khảng khái của ông Nguyễn Thượng Long được ghi âm rõ ràng.

Thế là Sở Công an Hà Nội đã lùi bước trước lẽ phải. Họ đã tháo lui dù cho đứng trước sự gò ép của lệnh trên, của Bộ Công an, nhiều khả năng là từ Bộ chính trị. Có thể nói họ đã chịu giơ tay đầu hàng trước đối thủ. Nhiều khi lui quân, đầu hàng không có gì là xấu, là nhục.

Đây là một việc làm cực kỳ hiếm có của ngành công an.

Ai cũng biết ngành Công an từ ngày gọi là “đổi mới” đã sa sút đến mức tồi tệ ra sao; công an giao thông chuyên móc túi người lái xe tải, người đi xe máy một cách lộ liễu, trơ trẽn ra sao; công an chống ma túy chuyên tịch thu ma túy rồi bán lén cho dân nghiện ra sao; công an hộ khẩu, cửa khẩu chuyên làm tiền khi đăng ký đi ở, xuất nhập, di chuyển ra sao; và chưa bao giờ công an dở trò dọa nạt dân, chửi bới dân, đánh đập dân, cả giết dân nhiều như mấy năm qua.

Dưới danh hiệu Công an Nhân dân, dưới khẩu hiệu Công an là bạn dân, trong con mắt của đông đảo người dân lương thiện, công an bị đánh giá là bọn kiêu binh tệ hại nhất, dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược, bị nhân dân xa lánh, khinh bỉ nhất.

Tất nhiên có một tỷ lệ người tốt, việc tốt trong ngành, nhưng ngày càng hiếm; các cuộc vận động “làm theo lời bác, học đạo đức của bác”, các cuộc khen thưởng lu bù, bừa bãi chỉ là những tấm bình phong mỏng che đầy những tội lỗi và tội ác chồng chất của toàn ngành công an.

Cho nên việc “đình tra”, hủy bỏ việc truy tố nói trên tuy là tất yếu, nhưng trong hoàn cảnh hư hỏng sa sút của ngành Công an và tuy là hy hữu, cũng nên công nhận là một việc làm tốt, đáng khen ngợi, đáng biểu dương và khuyến khích.

Mong rằng ngành Công an cũng sẽ chơi đàng hoàng, Fair Play trong vụ án dựng chuyện để vu cáo ám hại luật sư Cù Huy Hà Vũ, mở sớm cuộc điều tra lại từ đầu vụ án cưỡng dâm các nữ sinh ở Hà Giang và trả tự do ngay tức thời, không trì hoãn cho 2 em Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy lẽ ra phải được tại ngoại theo luật, nghĩa là hoàn toàn tự do khi vụ án đang được xem xét lại hoàn toàn.

Phải chăng việc hủy bỏ việc khởi tố, đình tra vụ án đối với nhà báo Nguyễn Thượng Long và 2 cựu sỹ quan bạn ông mở ra một thời kỳ hiểu biết, biết điều, tôn trọng luật của ngành Công an, đi dần vào con đường đúng đắn là phục vụ nhân dân, tôn trọng cuộc sống tự do của mọi công dân, chuộc lại biết bao bất công, lộng hành đã quá lâu và quá nhiều, điều mà người dân lương thiện nào cũng nhận rõ và bất bình.

Bravo! Xin chào mừng thắng lợi của đồng nghiệp Nguyễn Thượng Long, cũng là thắng lợi chung của làng báo Việt Nam, của đông đảo cư dân Blog, của thế lực dân chủ đang bừng dậy, của xã hội dân sự đang lừng lững đàng hoàng rảo bước.

------------
“…Viễn cảnh về một Việt Nam thực sự được hưởng Tự Do Ngôn Luận – Tự Do Báo Chí vẫn còn xa vời lắm. Viễn cảnh đó vẫn còn ở nơi rất xa, rất xa…”
Ngày thứ 9:  "...Ở dưới đường chân trời”
Nguyễn Thượng Long
Kính tặng Làng Sêu – quê hương tôi”(NTL)
…Nhìn tôi tập tễnh bước thấp, bước cao vì cái khớp ngón chân bị gout sưng đỏ, viên thượng tá an ninh ái ngại: Ông bị gout nặng, lại có dấu hiệu tháo đường mà ngày ngày ông cứ đều đặn 2 bữa bia hơi, như thế thì nguy lắm. Tôi bảo: Từ ngày giã từ bục giảng, tôi thấy sức khoẻ tôi sa sút nhanh quá. Trong khi tôi rất dị ứng với câu nói: “ Hãy sống chung với lũ!”. Lúc này câu nói đó đang được nhiều người vận dụng cho một đời sống xã hội mà cái xấu đã chiếm được thế thượng phong, cái xấu đã dồn cái tốt vào chân tường… thì tôi lại dễ dàng và vui vẻ “Sống chung với Gout!”… Và cái không khí lãng đãng khi bước chân vào cái không gian “Gần Mực là Bia Hơi!” có sức hấp dẫn tôi đến là kì lạ. Nhiều ý tưởng, nhiều bài viết của tôi đã chợt loé lên trong cái không gian đặc biệt đó đấy ông ạ. Viên đội trưởng chỉ ừ hử và không tỏ ra tán thưởng hay phản đối tôi về cái thói quen bia bọt của tôi, ông ân cần hỏi han tôi về ngày hôm trước tôi chủ động xin ngừng làm việc để trở về quê nhà chịu tang người anh trưởng tộc của tôi vừa qua đời. Tôi bày tỏ sự ưu tư khi câu “Nghĩa tử là nghĩa tận” vẫn được những người đã bắt giữ tôi tôn trọng.
Tôi buồn bã nói với viên thượng tá: Tôi sẽ có tội và sẽ hối hận suốt đời nếu ngày hôm qua vợ chồng tôi không được về chịu tang anh tôi. Anh tôi là đích tôn của ông nội tôi, cụ Chánh Cố, nguyên Bắc Kỳ Nhân Dân Đại Biểu, người nổi tiếng một thời vì tư tưởng bài Pháp và thương dân nghèo. Anh tôi lìa xa thế gian này ở tuổi 93, anh tôi là một trong những trang lứa giác ngộ cộng sản rất sớm ở vùng bãi bờ Sông Đáy Mĩ Đức Hà Tây. Với 93 tuổi đời và ngót 70 tuổi Đảng, anh tôi đã kinh qua các cương vị lãnh đạo Đảng, Chính Quyền vùng Sêu - Đặng suốt từ những ngày Tổ Đổi Công đến thời Hợp Tác Xã Nông Nghiệp bậc cao bậc thấp… Anh tôi là một chứng nhân, là người chứng kiến và nếm trải đủ cay đắng và ngọt bùi của kỉ nguyên mới trên quê hương tôi trong ngót một thế kỉ đã trôi qua. Không rõ vì lý do gì mà trong Cải Cách Ruộng Đất từ vị trí một đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam, anh tôi bị lôi ra đấu tố là một phần tử Quốc Dân Đảng, bị giam giữ nhiều tháng, bị lăng nhục đến ê chề… Nếu lệnh sửa sai của Hồ Chí Minh về muộn vài ngày, anh tôi chắc đã nằm trong số % mà các cố vấn Trung Quốc chỉ đạo là phải gạt ra khỏi đời sống xã hội sau một phiên toà của bần cố nông trong Cải Cách Ruộng Đất.
Chiều hôm qua, vợ chồng tôi là những người cuối cùng rời khỏi nghĩa trang dòng họ, bên nấm mộ mới đắp, vợ tôi tấm tức khóc cho những đắng cay mà anh tôi đã nếm trải và cũng là khóc cho những gì mà tôi cũng đang nếm trải.
Thấy tôi mỗi lúc như một chìm sâu vào những bi luỵ, viên thượng tá khéo léo an ủi: Tôi nghĩ rằng ở tuổi 93, ông cụ đã có một cuộc vỗ cánh về với tổ tiên thật xúc động, ngày hôm trước là một ngày nắng lửa, ngày ông về chịu tang đất trời trở về dịu mát ! Phải chăng việc ông cụ về trời đã thấu tới cả thiên cơ? Tôi bảo: Nếu ngày hôm qua mà vẫn cứ 40 độ, chắc là tôi cũng thiên thu cách biệt mất rồi… Ơn Trời điều đó đã không xảy ra.
*
Viên thượng tá an ninh chính trị quả là người có biệt tài định hướng các cuộc làm việc, chẳng mấy chốc ông ta đã lái cuộc thẩm vấn vào những bài viết thật cụ thể, những tác giả rất cụ thể. Tôi thật sự bất ngờ khi đã là buổi làm việc thứ 9 rồi mà lại quay về với bài thơ “Rừng Ơi” của nhà thơ Bảo Quốc và về tác giả Dân Ngôn với bài thơ “Trường ca sân gôn” (TQ 89). Tôi cứ tưởng những vấn đề này đã dứt điểm được từ những lần làm việc trước với một nữ điều tra viên rất trẻ có gương mặt dịu dàng như một cô giáo và một nam điều tra viên luống tuổi có dáng dấp như Giáo Thứ trong Sống mòn của Nam Cao. Viên thượng tá phê phán câu Bảo Quốc viết: “Năm 60 Đảng bảo phá rừng/ Lấy gỗ về dựng xây đất nước”, bảo viết thế là không được, là vu khống cho Đảng CSVN. Một lần nữa tôi khẳng định năm 1960 lúc đó tôi đã 13 – 14 tuổi rồi, tôi cổ quàng khăn đỏ đã đứng trước toàn trường nghêu ngao hát “Bài ca người thợ rừng” (Ai bảo rừng xanh là quái ác…). Ca khúc đó được giải nhất trong cuộc thi sáng tác bài hát về thi đua khai thác rừng năm đó. Những người thuộc trang lứa 60 – 70…chưa ai quên những ngày tháng người ta coi khai phá được nhiều rừng để lấy gỗ, lấy đất canh tác… là làm giàu cho đất nước, là lập thành tích để báo cáo lên cấp trên. Thử hỏi, nếu không có chủ trương của Đảng thì làm sao lại có những cuộc thi đua phá rừng như thế! Thi đua sáng tác bài hát về khai thác rừng như thế! Đảng lãnh đạo toàn diện, đảng là đỉnh cao trí tuệ kia mà!
Vì quá thấm đòn việc ngày ngày tôi phải đi đi lại lại làm việc với cơ quan an ninh dưới trời nắng nóng liên tục 40 độ C tôi suýt nổi quạu, may quá tôi vẫn giữ được giọng từ tốn: “Nếu để bảo vệ được rừng thượng nguồn, nếu giữ được môi trường sinh thái cho tất cả mọi người, cho muôn đời con cháu thì hôm nay tôi có phải “dựa cột” tôi cũng cam lòng”.
Về điều gọi là mối quan hệ của tôi với tác giả Dân Ngôn, trước sau tôi vẫn nói: Tôi chỉ gặp anh Dân Ngôn đúng có một lần tại nhà hàng Đức Tín Hà Đông cùng vài anh bạn Giáo Dục. Tôi rất tôn trọng Thượng Tá Dân Ngôn khi anh là một con người thi ca, lúc khác anh là một con người công dân khi anh sống với những bức xúc đời thường và trước sau tôi luôn khẳng định: bài “Việc này có nên” của anh đăng trên TQ từ 2008 là một bài báo hay, một tiếng nói rất dũng cảm. Sau khi tác giả Dân Ngôn kiên trì gõ cửa 7 toà báo lề phải trong nước, không một tờ báo nào dám đăng, bài báo đó đã được TQ 2008 đăng tải, nhờ đó mà nhân dân Việt Nam mới biết được một hiện thực thật đau lòng, khi đời sống nhân dân đa phần còn đói nghèo mà Quốc Hội lại bỏ ra một lượng tiền bạc khổng lồ để làm 500 bức tranh chân dung 500 vị ĐBQH khảm đá quý với giá mỗi bức không dưới 3000 – 4000 USD! Việc làm đó rất cần phải lên án.
Về bài “ Trường Ca Sân Gôn” của anh Dân Ngôn, trước sau tôi vẫn nói: Khi quyết định chọn đăng bài này trên TQ 89 tôi đã đọc rất kĩ bài lục bát đó. Về niêm luật, về nghệ thuật xử lý ngôn từ trong thể thơ lục bát…, tôi luôn coi Dân Ngôn là một tài năng không thua kém Nguyễn Duy và Đồng Đức Bổn, những “ông lớn” trong làng lục bát. Viết “Trường ca sân gôn”, Dân Ngôn phải sử dụng bút pháp chính luận, lại phải khai thác tối đa tính ước lệ và ẩn dụ của thi pháp đa thanh, đa tầng ngữ nghĩa rất dễ tạo ra một phảng phất phóng túng, đó là điều rất nguy hiểm. Giới cầm bút thì thông cảm được, với những người có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ thì đó là điều không thể tha thứ. Trước lối phê phán theo kiểu chiết tự, cắt câu, quy nạp rồi kết tội rất nặng cho tác giả Dân Ngôn, tôi hoàn toàn bất lực và trước cơ quan an ninh tôi cũng đã phải ký nhận phần trách nhiệm của mình trong việc cho phép xuất hiện bài này trên TQ 89, nhưng tôi vẫn thấy bài thơ đó đã phần nào nói được cái nỗi đau của người nông dân bị mất đất, mất ruộng cho các dự án sân gôn . Kết tội nặng nề cho tác giả Dân Ngôn, không biết cơ quan an ninh có thấy áy náy và bất công không khi chính ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải có những điều chỉnh về chuyện này?
Trong lúc tôi hết sức trân trọng những sản phẩm tinh thần mà anh Dân Ngôn đã tặng tôi, thì trong con mắt của các nhân viên an ninh, đó là thứ văn thơ xấu (!?) và trước sức tấn công áp đảo của các nhân viên thẩm vấn rất chuyên nghiệp anh Ngôn đã quá dễ dàng sám hối rồi đi đến quyết định chối bỏ “những đứa con tinh thần” của mình. Về chuyện này, tôi nghĩ tác giả Dân Ngôn là “một người cha” thiếu trách nhiệm trước những đứa con tinh thần của chính mình.
Không một người Việt Nam nào lại không biết Truyện Kiều (Nguyễn Du), một tuyệt tác của thi ca Việt Nam, tác phẩm vĩ đại đó có thể làm rạng danh mọi nền văn học, thế mà còn có người chê Kiều là một dâm thư và họ cấm vợ con trong nhà không được đọc. Học giả Đào Duy Anh năm 1953 đã từng ra một đề luận cho tú tài là: “Anh hay chị hãy chứng minh Kiều là một dâm thư”, thì bài “Trường ca sân gôn” của Dân Ngôn có thể tôi cho là hay, cơ quan an ninh lại cho là dở… điều đó cũng là lẽ thường tình của một đời sống văn học ngày càng cởi mở.
Điều càng đáng đau lòng hơn, vì một lý do nào đó, anh Dân Ngôn lại đưa ra những lời khai không đúng và rất bất lợi cho tôi xung quanh việc bài “Trường ca sân gôn” xuất hiện trên TQ 89. Tôi rất buồn, nhưng tôi không giận anh Ngôn lâu. Tôi mong muốn cơ quan an ninh nên có cái nhìn cảm thông với những con người đã từng vô tư hy sinh những năm tháng đẹp nhất của đời mình trong đội hình: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, những con người đã từng lâng lâng trong cảm hứng hết sức lãng mạn của thứ thi ca cũng hết sức sến: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!”, những con người đã từng mê man trong những xúc cảm hồn nhiên: “Gió ơi gió hãy làm giông làm tố, Cuốn tung bay cờ đỏ máu thắm tươi. Vàng, vàng bay rực rỡ sao,sao bay, Ta ngã vật giữa dòng người cuộn thác”, và hôm nay họ đang vô cùng hẫng hụt và đau khổ trước những gì mà họ đã, đang nhìn thấy. Là người chọn bài, biên tập và đề nghị đăng tải bài “Trường ca sân gôn” trên TQ 89…mọi lỗi lầm là ở nơi tôi, do tôi mọi bề.
*
Tôi chủ động thể tình tiếp: Hôm nay đã là ngày làm việc thứ 9 rồi thưa ông! Tôi nghĩ: Tôi chỉ thực sự bị coi là có tội khi tôi đối diện với sự phán quyết của toà án, vậy mà nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình đã là người mất tự do. Đó là một chỉ dấu không bình thường cho một xã hội được cai quản bằng pháp luật và một xã hội mà quyền con người luôn được tôn trọng.
Thưa ông ! Cuộc làm việc giữa các ông, những người có trách nhiệm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ với tôi, người phê phán những sai lầm của đảng, của chế độ rất khó có thể có một tiếng nói chung. Tôi nghĩ điều mà chúng ta vẫn có thể ôn tồn ngồi với nhau suốt 9 ngày qua chính là cả 2 phía đều muốn thượng tôn những gì mà Hiến Pháp và Pháp Luật đã khẳng định và không thể không nhắc tới cái gọi là Tình Người. Một khi người ta đến với nhau bởi cái Tình Ngưòi, thì Tình Người có thể kết nối mọi chính kiến, có thể hoá giải mọi cừu thù. Nay sức khoẻ của tôi đã đến lúc suy kiệt rồi, tôi rất cần được săn sóc về y tế. Viên thượng tá an ninh cũng rất bất ngờ đi đến quyết định: Chúng ta tạm đình tra vào hôm nay, ông ra về, sau này có làm việc tiếp, chúng tôi sẽ báo sau. Mong rằng ông tiếp tục có tinh thần hợp tác tốt.
Trong khi các nhân viên an ninh hối hả hoàn tất các biên bản ghi lời khai, tôi như bị rơi vào một trạng thái rất lạ như là hiện tượng “nhập đồng”. Không cần biết những người đang ngồi trước tôi có để ý gì đến tôi nữa không, tôi rỉ rả độc thoại cho tôi, cho người thân của tôi và cho tất cả mọi người:
Tôi cũng đã từng bị rơi vào tình cảnh như những gì mà Đỗ Việt Khoa đang phải chịu. Thôi thì buông xả đi cho những người làm giáo dục đã và vẫn đang vẽ râu vẽ ria cho chúng tôi, sau lưng chúng tôi. Hãy thử xem, tôi có mắc chứng “vĩ cuồng” không qua những gì vừa diễn ra. Trong sự cố sẩm chiều 15/6/2010 vừa qua, có ai chê trách gì được tôi, vợ tôi, các con tôi, các cháu nội, cháu ngoại của tôi khi tất cả những đồ đạc tài sản chẳng đáng giá bao nhiêu của gia đình đã bị hất tung và lục soát.
Có ai trách cứ được tôi khi tôi cũng biết VÔ NGÃ đến mức hoàn toàn im lặng và mỉm cười trước những lời cay độc của người đời:
- Ông ta cũng thật là đáng thương!
- Hoá ra ông ta cũng chỉ là thứ “Sĩ” không phải lối!
- Nằm trên đống sách, vở, tài liệu…như thế ông này tránh sao khỏi chứng “Tẩu Hoả Nhập Ma” (Phải chăng là hội chứng Đa Thư Loạn Mục!)
- Ông này đâu có còn là con trẻ mà không hiểu nổi câu: “Hy sinh đời bố để củng cố đời con!”(ý họ chê tôi là không biết tự chế để cho con trai tôi được đề bạt Giám Đốc. Người chê tôi đâu có biết kể cả khi tôi trơn như một con lươn, hoặc điêu toa thớ lợ như một thằng Điếm, một con Điếm bẩn thỉu đứng đường thì con tôi cũng không thể được đề bạt giám đốc“Trung Tâm Dự Báo” được, khi mà cuộc chơi đó chỉ dành cho các Đại Gia, các băng nhóm. Kể cả khi tôi là người có tiền thì tôi cũng không thể làm việc đó, làm việc đó là tôi tự phủ định những giá trị mà tôi đã theo đuổi và tôn thờ).
Tôi nay nếu chưa dám nhận là mình đã già, thì cũng chẳng ai bảo tôi là còn đầu xanh tuổi trẻ nữa. Mọi phẩm chất trong tôi đều đã định hình và xơ cứng. Những việc tôi đã làm là kết quả biện chứng của những giá trị tiềm ẩn trong tôi. Giờ đây nếu tôi đưa ra những lời thú tội trơn tru, những hối hận sướt mướt, những van vỉ để được khoan hồng…là tôi một lần lừa dối cơ quan an ninh đấy.
Tôi luôn ý thức được rằng, tôi đã sống không đến nỗi nào trước cuộc đời này. Trước những gì mà tôi đã làm, tôi không phải cúi mặt trước gia đình, quê hương, người thân, bạn bè và lớp lớp học trò mà tôi đã góp phần đào tạo. Nếu có điều gì đó không ổn là do năng lực của tôi còn hạn chế, bởi tôi cũng chỉ là một thực thể bình thường trong một trần gian chưa bao giờ là hoàn chỉnh và càng chưa bao giờ là toàn mĩ.
Một khi tôi thực sự là kẻ có tội với Tổ Quốc tôi, Nhân Dân tôi thì “Lưới Trời lồng lộng – Chạy đâu cũng không khỏi nắng”. Tôi chấp nhận sự phải trả giá cho những tội lỗi mà tôi đã gây ra và tội tôi đến đâu tôi chịu đến đó.
Là một con người trần gian, đương nhiên trong tôi không thể không được cài đặt cơ chế “Tự Điều Chỉnh”. Hỏi: Để làm gì ? Dạ thưa, chẳng có gì là cao đạo lắm đâu, điều chỉnh để được sống !
Như bất cứ ai, tôi cũng ÁI - Ố - HỈ - NỘ…, cũng hy vọng rồi lại thất vọng, cũng minh triết rồi lại u mê, cũng mong manh như một kẻ lạc loài giữa một đám đông hỗn độn, cũng là đáng thương trong những bi kịch dạng:
“Trong một tập thể toàn những anh “Gù” thì thằng nào “Thẳng Lưng” sẽ bị gọi là thằng “ Tật Nguyền” !
“Trong một đám đông toàn những ông “Câm Lặng” thì thằng nào biết “Nói”, dám “Nói” sẽ bị coi là thằng “Tâm Thần” !
Và để sống sót được thôi cũng đành:
“Cứ tự mình dán băng keo vào miệng
Con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ
Yêu Tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ
” (!?)
( “Lại chào Đất Nước” – Thơ Thanh Thảo)
Đây chính là bi kịch lớn nhất trong các bi kịch của người Việt Nam đương đại. Đó chính là sự toàn thắng của thái độ sống dối trá trước cuộc đời.
Qua 9 ngày làm việc vừa qua, thông điệp mà cơ quan an ninh đặt ra trước tôi là, tôi sẽ phải bàn giao lại cho ông Nguyễn Thanh Giang những gì mà ông Giang đã nhờ cậy tôi, đã tấn phong cho tôi và từ nay tôi không được giữ một vai trò gì với tờ Tổ Quốc nữa (?!). Với tôi, kể cả những lúc lạc quan nhất, tôi luôn nghĩ: “ Một cánh chim cô đơn, không mang lại một Mùa Xuân”, có tôi hay không có tôi thì mặt bằng Đệ Tứ Quyền (Quyền tự do ngôn luận – tự do báo chí) của người Việt Nam vẫn như thế thôi.
Trước áp lực của chính quyền, những người làm báo Tổ Quốc trong nưởc khó mà tránh khỏi một giải pháp tương tự như cuộc “Tuẫn Tiết Tập Thể” của các trí thức trong cơ quan IDS (Viện nghiên cứu phát triển ) mấy tháng vừa qua.
Những ngày qua, ca từ trong một ca khúc về Hà Nội của Lê Vinh: “ Cháy hết mình Hoa Phượng nhẹ nhàng rơi…” cứ luẩn quẩn mãi trong tôi như một điềm gở, một ám ảnh buồn.
Những Cánh Hoa … không ngừng lả tả rơi xuống lòng Đất Mẹ Việt Nam để ngày mai sẽ tái sinh trên mặt đất có quá nhiều đau khổ và nghịch lý này một viễn cảnh huy hoàng: “Trăm Hoa đua nở - Trăm Nhà đua tiếng !”.
Đó là hy vọng. Còn lúc này, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục lỗi hẹn với Nhân Dân Việt Nam. Viễn cảnh về một Việt Nam thực sự được hưởng Tự Do Ngôn Luận – Tự Do Báo Chí vẫn còn xa vời lắm. Viễn cảnh đó vẫn còn ở nơi rất xa, rất xa… nơi đó vẫn còn ở phía dưới Đường Chân Trời. Và đồng bào tôi vẫn tiếp tục, tiếp tục đợi chờ ! Một cuộc đợi chờ mỏi mòn xuyên thế kỷ.
Hồ Núi Cốc 17/7/2010 cùng các đồng môn Địa Lý
Lớp B 1967/1970 gặp mặt sau 40 năm ra trường
Nguyễn Thượng Long
© Thông Luận 2010
-----------

Vì sao họ bênh vực ?. “Gần đây, tại Pa-ri, tổ chức “Nhà báo không biên giới” ra thông báo “ủng hộ ban biên tập Tập san Tổ quốc”. Đài RFI và một vài tờ báo mạng ở nước ngoài cũng lên tiếng tỏ thái độ bênh vực cái gọi là “Tập san Tổ quốc”
Leszek Kolakowsi – Chủ nghĩa xã hội còn lại gì
Trn Quc Vit dch
Li người dch: Leszek Kolakowsi (1927-2009) là một triết gia Ba Lan nổi tiếng thế giới, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào phản kháng ở Đông Âu, đặc biệt tại Ba Lan. Ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Ba Lan năm 1966 và bị cấm dạy tại Đại học Warsaw năm 1968, sau khi ông phê phán chủ nghĩa Stalin qua các bài viết được lưu hành bí mật. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời lưu vong, và lần luợt giảng dạy tại các đại học như Berkeley, Yale, Chicago, và cuối cùng Oxford. Trong năm thập niên, ông viết hơn 30 cuốn sách, chủ yếu về triết học, nổi bật nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất là bộ sách 3 tập, Main Currents of Marxism: Its Rise, Growth and Dissolution (1976). Tác phẩm này là “giấy khai tử” về trí thức của tư tưởng Mác-xít viết ra 13 năm trước khi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đi vào nghĩa trang lịch sử năm 1989. Các nhà lãnh đạo phong đoàn Công đoàn Đoàn kết tranh đấu bền bỉ dựa trên các tư tưởng chống Mác-xít của ông. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng lớn, là người đầu tiện nhận Giải thưởng John W. Kluge, trị giá 1 triệu đô-la, được xem như là Giải Nobel cho các ngành nhân văn và xã hội. Ông là “người đánh thức hy vọng của con người” và là một Socrates của Ba Lan trong thế kỷ hai mươi .
_______________
Karl Marx – một khối óc lớn, một người rất thông thái, và là một tác giả Đức có tài – mất cách đây 119 năm. Ông sống trong thời đại hơi nước; trong đời mình ông chưa bao giờ nhìn thấy xe hơi, điện thoại, hay bóng đèn điện chứ đừng nói gì đến những máy móc kỹ thuật sau này. Những người hâm mộ ông và những tín đồ của ông đã thường nói và một số người hiện giờ vẫn hay nói: điều đó không quan trọng, những lời dạy của ông vẫn còn hoàn toàn quan hệ đến thời đại của chúng ta vì hệ thống ông  phân tích và đả kích, tức chủ nghĩa tư bản, vẫn còn hiện diện ở đây. Chắc chắn Marx vẫn đáng đọc. Tuy nhiên, vấn đề là: Phải chăng lý thuyết của ông thực sự giải thích được bất kỳ điều gì trong thế giới của chúng ta và phải chăng lý thuyết ấy tạo ra một cơ sở cho bất kỳ sự tiên đoán nào? Câu trả lời là: Không. Một câu hỏi khác là đã có một thời các lý thuyết của ông có ích lợi hay không. Câu trả lời, rõ ràng là: Có; những lý thuyết này đã hoạt động thành công như là một loạt khẩu hiệu được xem là để biện minh và tôn vinh chủ nghĩa cộng sản cùng với sự nô lệ tất yếu đi kèm với nó.
Khi chúng ta hỏi những lý thuyết đó giải thích được gì hay Marx khám phá được gì, chúng ta có thể chỉ hỏi về những tư tưởng riêng của ông, chứ không phải những chuyện tầm thường thiết tưởng ai cũng hiểu. Chúng ta không nên biến Marx thành trò cười khi gán cho ông sự khám phá rằng trong tất cả các xã hội không nguyên thuỷ có những nhóm xã hội hay giai cấp do có các quyền lợi xung đột nhau nên đấu tranh lẫn nhau; điều này các nhà lịch sử thời cổ đại đã biết đến. Chính Marx cũng không dám tuyên bố đã khám phá ra điều này; như ông viết trong lá thư gởi Joseph Weydemeyer vào năm 1852, ông không khám phá ra đấu tranh giai cấp, mà đúng hơn là đã chứng minh rằng đấu tranh giai cấp dẫn đến chuyên chính vô sản, rồi cuối cùng lại dẫn đến xoá bỏ các giai cấp. Ta thật không thể nào khẳng định được tại đâu và bằng cách nào ông “đã chứng minh” được lời tuyên bố to tát này trong các tác phẩm của ông vào trước năm 1852. Để “giải thích” điều gì là đặt các sự kiện hay các quá trình vào các định luật; nhưng “các quy luật” hiểu theo nghĩa của Marx lại không phải là các định luật trong các môn khoa học tự nhiên, là nơi các định luật được hiểu như là các công thức khẳng định rằng trong các điều kiện được xác định rõ ràng, các hiện tượng được xác định rõ ràng luôn luôn xảy ra. Những gì Marx gọi là “các quy luật” thực ra chỉ là những khuynh hướng có tính lịch sử. Do vậy trong các lý thuyết của ông không có sự phân biệt rạch ròi giữa giải thích và tiên đoán. Ngoài ra, ông tin rằng ta có thể hiểu được ý nghĩa của cả quá khứ lẫn hiện tại nhờ suy ra từ tương lai, mà ông tuyên bố biết trước được. Vì thế, đối với Marx, chỉ những gì không (chưa) tồn tại có thể giải thích những gì hiện đang tồn tại. Nhưng ta nên nói thêm rằng đối với Marx, tương lai hin đang tồn tại, theo cách nhìn biện chứng Hegel kỳ lạ, cho dù tương lai ta chẳng thể nào biết được.
Tuy nhiên, tất cả các tiên đoán quan trọng của Marx hoá ra đều không đúng. Đầu tiên, ông tiên đoán sự phân cực giai cấp ngày càng tăng và sự biến mất của giai cấp trung lưu trong các xã hội dựa trên nền kinh tế thị trường. Karl Kautsky nhấn mạnh đúng rằng nếu sự tiên đoán này sai, toàn bộ lý thuyết của Marx sẽ sụp đổ tan tành. Rõ ràng điều tiên đoán này chứng tỏ là sai, hay ngược lại thì đúng hơn. Giai cấp trung lưu ngày càng phát triển, trái lại giai cấp lao động theo nghĩa Marx muốn nói đã co dần lại trong các xã hội tư bản đang ở giữa thời tiến bộ về kỹ thuật.
Thứ hai, ông tiên đoán sự bần cùng không chỉ tương đối mà còn tuyệt đối của giai cấp lao động. Điều tiên đoán này đã sai ngay chính trong đời ông. Thật ra, ta nên lưu ý rằng tác giả của bộ Tư bn đã cập nhật trong lần tái bản lần thứ hai những số liệu và thống kê, nhưng không phải những số liệu và thống kê liên quan đến tiền lương của công nhân; giá mà được cập nhật, những số liệu đó sẽ mâu thuẫn với lý thuyết của ông. Ngay cả những người theo chủ nghĩa Marx giáo điều nhất trong những thập niên gần đây cũng không cố gắng bấu víu vào điều tiên đoán rõ ràng là sai này.
Thứ ba, và quan trọng nhất, lý thuyết của Marx tiên đoán sự tất yếu của cách mạng vô sản. Một cuộc cách mạng như thế chưa từng bao giờ diễn ra ở bất kỳ đâu. Cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga chẳng liên quan gì đến những lời tiên đoán của Marx. Động lực của cuộc cách mạng ấy không phải là sự xung đột giữa giai cấp lao động công nghiệp và tư bản, mà đúng hơn là được tiến hành theo những khẩu hiệu không có nội dung xã hội chủ nghĩa, chứ đừng nói đến nội dung chủ nghĩa Marx: Hoà bình và rung đt cho nông dân. Thiết tưởng không cần nhắc rằng những khẩu hiệu này về sau đã bị đảo ngược lại. Trong thế kỷ hai mươi, biến động được xem là gần giống nhất cuộc cách mạng của giai cấp lao động là những sự kiện diễn ra ở Ba Lan từ năm 1980 đến 1981: phong trào cách mạng của những công nhân công nghiệp (vốn được giới trí thức ủng hộ rất mạnh) chống lại những kẻ bóc lột, tức là nhà nước. Hơn nữa trường hợp duy nhất này của cuộc cách mạng của giai cấp lao động (thậm chí nếu ta xem đây là cuộc cách mạng) là nhằm chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa, và được tiến hành dưới dấu thánh giá, kèm theo sự ban phúc của Đức Giáo hoàng.
Thứ tư, ta phải nhắc đến điều tiên đoán của Marx về sự suy giảm tất yếu của tỷ suất lợi nhuận, một quá trình được xem là cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế tư bản. Không khác với những tiên đoán khác, tiên đoán này cũng hoàn toàn sai lầm. Ngay cả theo lý thuyết của Marx, đây không thể nào là một tỷ suất cố định bình thường hoạt động tất yếu, vì chính sự phát triển kỹ thuật làm giảm đi một phần tư bản khả biến trong chi phí sản xuất cũng làm giảm đi giá trị của tư bản bất biến. Vì thế tỷ suất lợi nhuận có thể vẫn không thay đổi hay thậm chí còn tăng lên, nếu điều mà Marx gọi là “lao động sống” cho một sản phẩm giảm. Và ngay cho dù “quy luật” này có đúng chăng nữa, cơ chế mà qua đó sự hoạt động của nó sẽ gây ra sự suy yếu và tàn lụi của chủ nghĩa tư bản cũng không thể nào khả thi được, vì sự sụp đổ tỷ suất lợi nhuận có thể xảy ra một cách hợp lý trong những điều kiện mà số lượng tuyệt đối của lợi nhuận đang tăng lên. Tuy có thể không có giá trị, song điều này đã được Rosa Luxemburg lưu ý đến, và bà đã nghĩ ra một lý thuyết của riêng mình về sự sụp đổ không thể nào tránh được của chủ nghĩa tư bản, nhưng rồi lý thuyết ấy cũng chứng tỏ sai không kém.
Khía cạnh thứ năm của chủ nghĩa Marx đã chứng tỏ sai lầm là điều tiên đoán rằng thị trường sẽ cản trở sự tiến bộ về kỹ thuật. Rõ ràng hoàn toàn ngược lại mới đúng. Các nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ cực kỳ hữu hiệu trong việc kích thích sự tiến bộ về kỹ thuật, trái lại “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hoá ra trì trệ về kỹ thuật. Do không thể nào phủ nhận được rằng thị trường đã tạo ra sự dư thừa của cải lớn nhất chưa từng được biết đến trong lịch sử nhân loại, một số người Tân Mác-xít đã buộc lòng thay đổi cách nhìn của họ. Một thời, chủ nghĩa tư bản tưởng chừng đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh bần hàn khốn khổ; về sau, nó cũng lại đáng ghê sợ vì nó tạo ra cảnh dư thừa đến mức giết chết bản sắc văn hoá.
Những người Tân Mác-xít hay than vãn về điều họ gọi là “chủ nghĩa tiêu thụ” hay “xã hội tiêu thụ”. Trong nền văn minh của chúng ta quả thực có nhiều hiện tượng đáng báo động và đáng than phiền liên quan đến mức tiêu thụ gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề là nền văn minh mà chúng ta biết như là một sự lựa chọn khác với nền văn minh này còn cực kỳ xấu xa hơn nhiều. Trong tất cả các xã hội cộng sản, những cải cách kinh tế (nếu may ra có đạt được kết quả gì chăng nữa) đều luôn luôn theo cùng một hướng: khôi phục phần nào thị trường, nghĩa là, thị trường của “chủ nghĩa tư bản”.
Về cái gọi là quan niệm duy vật về lịch sử, cách hiểu này đã cho chúng ta một số gợi ý và thấu hiểu bất ngờ lý thú, nhưng nó không có giá trị giải thích. Theo cách giải thích cứng ngắc, kiên định về quan niệm này, mà ta có thể thấy được đề cao đáng kể trong nhiều tác phẩm kinh điển, quan niệm này ám chỉ rằng sự phát triển xã hội phụ thuộc hoàn toàn vào cuộc đấu tranh giai cấp mà cuối cùng, qua trung gian của những “phương thức sản xuất” thay đổi, được quyết định bởi trình độ kỹ thuật của chính xã hội ấy. Hơn thế nữa, quan niệm này cũng ám chỉ rằng luật pháp, tôn giáo, triết học, và những nhân tố khác của văn hoá hết thảy đều không có lịch sử riêng của mình, vì lịch sử của chúng là lịch sử của các mối quan hệ về sản xuất. Đây là một tuyên bố hoàn toàn vô lý, hoàn toàn thiếu cơ sở lịch sử.
Nếu, mặt khác, lý thuyết ấy được hiểu theo nghĩa hời hợt, hạn hẹp, thì nó chỉ nói lên rằng lịch sử văn hoá phải được nghiên cứu sao cho ta nên xem xét đến các cuộc đấu tranh xã hội và đến các quyền lợi xung đột, rằng các thể chế chính trị, phụ thuộc, một cách ít ra là tiêu cực, phần nào vào sự phát triển kỹ thuật và vào các xung đột xã hội. Tuy nhiên, điều này lại là chuyện tầm thường chẳng đáng tranh cãi mà người ta đã biết trước Marx từ lâu. Và vì thế, quan niệm duy vật về lịch sử hoặc là vô lý hoặc là tầm thường.
Một nội dung khác trong lý thuyết của Marx cũng thiếu khả năng giải thích là lý thuyết lao động của ông. Marx đã thêm hai điều quan trọng vào các lý thuyết của Adam Smith và David Ricardo. Thứ nhất, ông cho rằng trong mối quan hệ giữa công nhân và tư bản, công nhân bán sức lao động, chứ không bán lao động; thứ hai, ông phân biệt giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Cả hai lý luận này đều không có bất kỳ cơ sở thực nghiệm nào, và cả hai cũng không được cần đến để giải thích các cuộc khủng hoảng, sự cạnh tranh, và xung đột quyền lợi. Các cuộc khủng hoảng và các chu kỳ kinh tế có thể hiểu được bằng cách phân tích sự vận động của giá cả, và lý thuyết về giá trị của ông không đóng góp thêm gì vào sự hiểu biết của chúng ta về những điều này. Có vẻ như giả sử Marx không sinh ra đời thì khoa kinh tế thời ông, phân biệt với ý thức hệ kinh tế, cũng sẽ chẳng khác gì nhiều với khoa kinh tế thời nay.
Những khía cạnh mà tôi đề cập đều không được chọn một cách ngẫu nhiên: chúng tạo thành cái sườn của học thuyết Marx. Mà nghĩ lại, trong chủ nghĩa Marx hầu như chẳng có điều gì khả dĩ đưa ra lời giải cho nhiều vấn đề trong thời đại của chúng ta, chủ yếu vì cách đây một thế kỷ các vấn đề này không cấp bách như hiện nay. Về vấn đề sinh thái, ta sẽ tìm thấy ở Marx chỉ một vài điều tầm thường lãng mạn về sự thống nhất giữa con người với tự nhiên. Còn các vấn đề dân số thì hoàn toàn vắng bóng, ngoại trừ việc Marx từ chối tin rằng các vấn đề như bùng nổ dân số theo nghĩa tuyệt đối lại có thể xảy ra. Những vấn đề lớn lao bất ngờ của Thế giới thứ Ba cũng chẳng thể tìm thấy được lợi ích gì từ trong lý thuyết của ông. Marx và Engles rất tôn sùng châu Âu; họ coi thường các nền văn minh khác, họ còn ca ngợi những thành quả tiến bộ của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc (ở Ấn Độ, Algeria, và Mexico). Đối với họ điều quan trọng là sự chiến thắng của nền văn minh phát triển cao hơn đối với các nền văn minh lạc hậu; lý tưởng về quyền tự quyết dân tộc đối với Engels chỉ là trò hề.
Điều chủ nghĩa Marx ít có khả năng giải thích nhất là chủ nghĩa xã hội toàn trị, cái chủ nghĩa đã phong Marx là đấng tiên tri của nó. Nhiều người Mác-xít phương Tây thường nói rằng chủ nghĩa xã hội như đã tồn tại một thời ở Liên Xô chẳng liên quan gì đến lý thuyết của Marx, và dù có thể đáng bị lên án, nhưng nó được giải thích tốt nhất theo những điều kiện cụ thể ở Nga. Nếu điều này đúng, làm sao có chuyện là rất nhiều người trong thế kỷ mười chín, nhất là những người theo trường phái vô chính phủ, đã tiên đoán khá chính xác rằng chủ nghĩa xã hội dựa trên các lý luận của Marx rồi cuối cùng sẽ biến thành – cụ thể, chế độ nô lệ nhà nước. Proudhon qua lý lẽ đã khẳng định rằng lý tưởng của Marx sẽ biến con người thành tài sản của nhà nước. Còn theo Bakunin, chủ nghĩa xã hội của Marx sẽ là sự cai trị của những kẻ phản bội lại chính giai cấp cai trị, và nó sẽ dựa trên sự bóc lột và áp bức còn tàn tệ hơn những gì con người đã từng biết qua. Hay theo nhà công đoàn chủ nghĩa chủ trương vô chính phủ người Ba Lan Edward Abramowski, nếu nhờ phép lạ nào đấy, chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng được trong những điều kiện đạo đức của xã hội đương thời, thì nó sẽ dẫn đến sự phân chia giai cấp và sự bóc lột còn tàn tệ hơn nhiều những gì tồn tại vào thời ấy (vì những thay đổi về thể chế không thay đổi những động cơ con người và hành vi đạo đức.) Benjamin Tucker tuyên bố rằng chủ nghĩa Marx chỉ biết một cách chữa cho các độc quyền, đó là một độc quyền duy nht.
Những tiên đoán này được đưa ra vào thế kỷ mười chín, hàng chục năm trước cuộc Cách mạng Nga. Phải chăng những người này có tài nhìn thấu đến tương lai? Không. Đúng ra, ta có thể đưa ra những lời tiên đoán như thế một cách hợp lý, và từ bao kỳ vọng của Marx ta có thể suy đoán ra được chế độ nô lệ toàn xã hội ấy. Tất nhiên, thật vô lý khi cho rằng đây là ý định của đấng tiên tri này, hay chủ nghĩa Marx là nguyên nhân, tác nhân đã sinh ra chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ hai mươi. Chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản Nga là kết quả của một loạt sự kiện ngẫu nhiên phi thường. Nhưng ta có thể khẳng định rằng lý thuyết của Marx đã góp phần rất lớn vào sự ra đời của chủ nghĩa toàn trị, và đồng thời ban cho nó hình thức ý thức hệ. Lý thuyết ấy đã dự trù trước sự quốc hữu hoá phổ quát tất cả mọi thứ, và như thế quốc hữu hoá luôn cả con người. Chắc chắn, Marx lấy từ những người theo trường phái Saint-Simon khẩu hiệu là trong tương lai sẽ không còn nhà nước, mà chỉ còn quản lý sự vật; tuy nhiên, ông không chợt nghĩ xa hơn rằng ta không thể quản lý sự vật nếu không dùng người cho mục đích đó, vì thế quản lý toàn bộ sự vật có nghĩa là quản lý hoàn toàn con người.
Điều này không có nghĩa là tác phẩm của Marx không đáng đọc; tác phẩm của ông là một phần văn hoá châu Âu mà ta nên đọc như ta đọc nhiều tác phẩm cổ điển khác. Ta nên đọc các tác phẩm bàn về vật lý của Descartes, nhưng quả là phi lý khi đọc các tác phẩm này như là sách hướng dẫn có giá trị về cách nghiên cứu vật lý thời nay. Tuy hiện giờ ở các nước cộng sản cũ, người ta ghét cay ghét đắng Marx và các sách vở Mác-xít, nhưng sự ghét này theo thời gian rồi cũng có thể qua đi; thậm chí cuối cùng những tác phẩm của Marx vẫn sẽ có người đọc như tàn tích của một thời quá khứ. Một trong những nguyên nhân khiến chủ nghĩa Marx được ưa chuộng nhiều trong giới có học là ở chỗ rằng chủ nghĩa Marx, dưới một hình thức đơn giản, lại rất dễ hiểu; đến cả Sartre cũng nhận thấy rằng những người Mác-xít là lười biếng. Đúng vậy, họ thích có một chiếc chìa khoá mở tung ra tất cả cánh cửa; một sự giải thích có thể áp dụng phổ quát cho tất cả mọi thứ, một công cụ giúp họ có thể nắm vững toàn bộ lịch sử và kinh tế mà chẳng thật sự phải nhọc công học môn nào.
Phải chăng cái chết của chủ nghĩa Marx mặc nhiên đồng nghĩa với sự cáo chung của truyền thống chủ nghĩa xã hội? Không nhất thiết như vậy. Mọi sự, dĩ nhiên, đều phụ thuộc vào ý nghĩa của từ “chủ nghĩa xã hội”, và những ai vẫn còn dùng đến từ ấy để bày tỏ tín ngưỡng của mình đều miễn cưỡng nói lên điều họ muốn nói, ngoại trừ những điều chung chung trống rỗng. Do thế ta cần có một số phân biệt. Cái khó là niềm ao ước phát hiện ra “những quy luật lịch sử” đã làm cho nhiều người tưởng tượng “chủ nghĩa tư bản” và “chủ nghĩa xã hội” là hai “hệ thống” toàn cầu, hoàn toàn đối chọi lấn nhau. Nhưng chẳng có gì so sánh. Chủ nghĩa tư bản đã phát triển một cách tự nhiên và hữu cơ từ sự mở mang thương mại. Chẳng ai đặt kế hoạch cho nó và nó cũng chẳng cần đến một ý thức hệ bao trùm lên tất cả, ngược lại chủ nghĩa xã hội là một sự kiến tạo ý thức hệ. Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản là bản chất con người đang phát tác, tức là lòng tham của con người được cho phép đi đến tận cùng con đường của nó, trái lại chủ nghĩa xã hội là một cố gắng thể chế hoá và áp đặt tình huynh đệ. Đến giờ đây, tưởng chừng như hiển nhiên rằng một xã hội mà trong đó lòng tham, bất chấp tất cả các khía cạnh ghê tởm và đáng lên án của nó, là động cơ chính của những hành vi của con người, thì vẫn cực kỳ tốt hơn một xã hội dựa trên tình huynh đệ cưỡng bức, dù trong chủ nghĩa xã hội dân tộc hay trong chủ nghĩa xã hội quốc tế.
Quan niệm về chủ nghĩa xã hội như là một “xã hội thay thế” cho chủ nghĩa tư bản chung quy vẫn là quan niệm về chế độ nô lệ toàn trị; việc xoá bỏ thị trường và quốc hữu hoá toàn diện không thể tạo ra bất kỳ kết quả nào khác đi được. Niềm tin rằng ta có thể tạo dựng nên sự bình đẳng hoàn toàn trong xã hội bằng biện pháp thể chế cũng độc hại không kém. Thế giới từng biết đến nhiều nơi có sự bình đẳng tự nguyện, được duy trì ở trong những tu viện nào đó và ở trong một số các hợp tác xã thế tục. Tuy nhiên, bình đẳng dưới sự cưỡng bách tất yếu phải dùng đến phương cách toàn trị, mà chủ nghĩa toàn trị lại hàm nghĩa sự bất bình đẳng cực độ vì nó đưa đến sự bất bình đẳng về quyền được có thông tin và quyền được có quyền lực. Thực tế mà nói, bình đẳng trong việc phân phối hàng hoá vật chất cũng không thể nào có được khi mà quyền lực chỉ được tập trung vào tay của một thiểu số nắm quyền đứng trên luật pháp. Vì vậy bình đẳng là điều xa vời chưa từng bao giờ tồn tại trong các nước xã hội chủ nghĩa. Lý tưởng này vì thế tự chuốc lấy thất bại. Chúng ta biết rõ tại sao nguyên tắc kế hoạch toàn diện là thảm hoạ về mặt kinh tế, và có quá đủ các bằng chứng từ kinh nghiệm của tất cả các quốc gia cộng sản không có ngoại lệ để khẳng định những chỉ trích của Friedrich von Hayek về điểm này. Chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa này có nghĩa rằng sự trấn áp ngăn cản nhân dân tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có ích lợi cho xã hội trừ phi theo lệnh của nhà nước.
Tuy nhiên, truyền thống chủ nghĩa xã hội phong phú và đa dạng, và truyền thống này bao gồm nhiều chủ nghĩa khác nhau ngoài chủ nghĩa Marx. Một số các tư tưởng xã hội chủ nghĩa quả thực đã có khuynh hướng toàn trị cố hữu. Điều này áp dụng cho phần lớn chủ nghĩa xã hội không tưởng thời Phục hưng và Khai sáng, và cho cả Saint-Simon. Song một số tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã ủng hộ các giá trị tự do. Ngay khi chủ nghĩa xã hội, vốn khởi đầu như là một ảo tưởng ngây thơ, trở thành một phong trào chính trị thực sự, không phải tất cả các biến thể nào của nó cũng đều có quan niệm về một “xã hội thay thế”, và trong số những biến thể có quan niệm như thế, nhiều biến thể lại không xem trọng quan niệm ấy.
Mọi sự rõ ràng hơn vào trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Những người theo chủ nghĩa xã hội và cánh tả thời ấy nói chung không những muốn một nền giáo dục phổ cập, bắt buộc, bình đẳng, dịch vụ y tế xã hội, thuế luỹ tiến, và tự do tín ngưỡng, mà còn muốn một nền giáo dục thế tục, xoá bỏ kỳ thị chủng tộc và quốc gia, phụ nữ được bình đẳng, tự do báo chí và tự do hội họp, quy định pháp lý về các điều kiện lao động, và hệ thống bảo hiểm xã hội. Họ đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa Sô-vanh. Những nhà lãnh đạo chủ nghĩa xã hội châu Âu trong thời kỳ Đệ Nhị Quốc tế, những người như Jaurès, Babel, Turati, Vandervelle, và Martov, là hiện thân những gì tốt đẹp nhất trong đời sống chính trị châu Âu.
Nhưng mọi sự đã thay đổi sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, khi cái từ “chủ nghĩa xã hội” (và phần lớn nghĩa của từ “cánh tả”) bắt đầu hầu như bị chủ nghĩa xã hội Leninist-Stalinist độc chiếm hoàn toàn, qua đó đã bóp méo đa số những đòi hỏi và những khẩu hiệu này theo nghĩa ngược lại. Đồng thời, đa số những lý tưởng “xã hội chủ nghĩa” trên thực tế đã lại trở thành hiện thực ở các nước dân chủ hoạt động trong khuôn khổ nền kinh tế thị trường. Than ôi, các phong trào chủ nghĩa xã hội phi toàn trị trong nhiều thập niên đã bị bế tắc về ý thức hệ và thiếu can đảm để tố cáo và đấu tranh kiên trì chống lại hệ thống chính trị sát nhân nhất và tàn bạo nhất trên thế giới (ngoài chủ nghĩa Quốc xã). Chủ nghĩa cộng sản Xô-viết, dù sao, vẫn được coi là một dạng của chủ nghĩa xã hội, nhưng nó tự tô điểm bằng văn phong nhân văn và quốc tế thừa hưởng từ truyền thống chủ nghĩa xã hội. Thế là chế độ chuyên chế Leninist đã ăn cắp được cái từ “chủ nghĩa xã hội”, và những kẻ theo chủ nghĩa xã hội phi toàn trị là tòng phạm trong vụ trộm này. Đành rằng có một vài ngoại lệ cho lẽ thường này, nhưng không nhiều.
Dù thế nào đi nữa, các phong trào chủ nghĩa xã hội đã đóng góp rất nhiều cho việc thay đổi cảnh quan chính trị theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Các phong trào này đã tạo ra một số các cải cách xã hội mà nếu không có chúng thì nhà nước phúc lợi đương thời, mà đa số chúng ta coi là dĩ nhiên, sẽ là điều không tưởng. Do thế thật đáng tiếc nếu chủ nghĩa cộng sản sụp đổ dẫn đến sự cáo chung của truyền thống chủ nghĩa xã hội nói chung và sự lên ngôi của chủ nghĩa Darwin Xã hội như là ý thức hệ chủ đạo.
Dù thừa nhận rằng một xã hội hoàn thiện chắc chắn sẽ không bao giờ hiện hữu trong tầm tay với của con người và rằng con người sẽ luôn luôn tìm ra đủ mọi lý do để đối xử tàn nhẫn với nhau, chúng ta không nên vì thế mà vất bỏ đi khái niệm “công bằng xã hội”, cho dù nó có thể bị Hayek và những tín đồ của ông chê cười. Chắc chắn khái niệm này không thể nào được định nghĩa theo thuật ngữ kinh tế. Ta không thể nào suy ra từ lời diễn đạt “công bằng xã hội” ấy câu trả lời cho những câu hỏi như trong những điều kiện có sẵn hệ thống thuế cụ thể nào là tốt về phương diện kinh tế và đáng nên áp dụng, những phúc lợi xã hội nào là chính đáng, hay cách nào là tốt nhất để các nước giàu trợ giúp cho những vùng nghèo nàn hơn trên thế giới. “Công bằng xã hội” chỉ diễn đạt một thái độ đối với các vấn đề xã hội. Đúng là khái niệm “công bằng xã hội” hay được sử dụng bởi những cá nhân hay toàn thể các xã hội từ chối nhận lấy trách nhiệm về cuộc đời của mình. Nhưng, như lời người xưa dạy, đừng vì sự lạm dụng mà từ bỏ sự hữu dụng.
Với tất cả sự mơ hồ của nó, “công bằng xã hội” giống khái niệm “nhân phẩm”. Thật khó định nghĩa nhân phẩm là gì. Nhân phẩm không phải là nội tạng mà ta khám phá bên trong cơ thể, nhân phẩm không phải là ý niệm thực thể nhưng nếu không có nhân phẩm chúng ta không thể nào trả lời nổi một câu hỏi đơn giản: tại sao chế độ chiếm hữu nô lệ là sai? Tương tự như thế, khái niệm công bằng xã hội là mơ hồ và nó có thể được dùng để làm công cụ ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội toàn trị. Tuy nhiên khái niệm này là trung gian hữu ích giữa sự khích lệ với từ thiện, với phát chẩn, và với khái niệm công bằng phân phối; công bằng xã hội không giống như công bằng phân phối vì nó không nhất thiết bao hàm sự thừa nhận lẫn nhau. Công bằng xã hội cũng không đơn thuần là  kêu gọi lòng từ thiện, vì nó bao hàm, dù không chính xác, những yêu cầu giúp đỡ nào đấy có thể xứng đáng. Khái niệm công bằng xã hội không hàm nghĩa là có một điều như số phận chung của nhân loại, trong đó tất cả mọi người đều dự phần, nhưng nó gợi ý rằng khái niệm nhân loại là phạm trù rõ ràng dễ hiểu – không phải là phạm trù động vật mà đúng hơn là phạm trù đạo đức.
Không có thị trường, nền kinh chắc chắn sụp đổ (thực ra, trong “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hoàn toàn không có nền kinh tế, chỉ có chính sách kinh tế). Nhưng người ta cũng thường thừa nhận là thị trường không tự nhiên giải quyết được hết tất cả các vấn đề thúc bách của con người. Khái niệm công bằng xã hội được cần đến để biện minh cho niềm tin rằng có một “nhân loại” – và rằng chúng ta phải xem những cá nhân khác là thuộc về tập thể này, và đối với tập thể này chúng ta có những bổn phận đạo đức nhất định.
Là triết học về xã hội hay về đạo đức, chủ nghĩa xã hội đã dựa trên lý tưởng về tình huynh đệ con người, mà có thể không bao giờ thực hiện được bằng biện pháp thể chế. Chưa từng bao giờ có, và sẽ không bao giờ có một biện pháp thể chế nào bắt buộc con người phải trở thành anh em với nhau. Tình huynh đệ bị ép buộc ấy là ý tưởng độc hại nhất mà con người đã nghĩ ra trong thời hiện đại; nó là con đường tất yếu dẫn tới chế độ chuyên chế toàn trị. Chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa này chẳng khác gì toàn là dối trá lọc lừa. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để ta từ bỏ ý tưởng về tình huynh đệ con người. Nếu ý tưởng này là điều trong thực tế chúng ta không thể đạt được qua con đường xây dựng xã hội, thì nó vẫn hữu ích như là lời tuyên bố về các mục tiêu. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa như ta biết qua kế hoạch cho một “xã hội thay thế” đã chết. Nhưng như là lời tuyên bố đoàn kết với những nạn nhân cô thế của bất công và những phận người bị áp bức, như là sự thôi thúc chống lại chủ nghĩa Darwin Xã hội, như là ánh sáng luôn soi cho chúng ta thấy một điều gì đấy cao quý hơn sự cạnh tranh và lòng tham, chính vì tất cả những lý do này, chủ nghĩa xã hội, về lý tưởng chứ không phải hệ thống, vẫn còn có ích.
Ngun: “What is left of socialism”, tạp chí First Things, số tháng Mười năm 2002
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
Lưu Hiểu Ba – Hai tiếng “cách mạng” thiêng liêng ấy Trần Quốc Việt dịch
Ở Trung Quốc cộng sản, không có từ nào thiêng liêng hơn hay phong phú hơn về sự phẫn nộ chính đáng và sức mạnh đạo đức cho bằng từ “cách mạng”. Nhân danh cách mạng, chế độ chuyên chế độc đảng và nền độc tài cá nhân được xác lập. Thường xuyên, nhân danh cách mạng, các phong trào chính trị vô nhân đạo được phát động. Nhân danh cách mạng, cá nhân bị tước đi tất cả các quyền họ đáng lẽ được hưởng. Nhân danh cách mạng, nền kinh tế bị huỷ diệt và nền văn hoá lịch sử bị lụi tàn. Tên của cách mạng thậm chí còn được dùng trong dịch vụ vệ sinh – trong việc diệt trừ ” bốn sinh vật có hại”, qua đó cúng ruồi và chim sẻ trên bàn thờ cách mạng. Người Trung Quốc đương thời quá say mê cách mạng, quá tôn sùng cách mạng. Mỗi người và mọi người đều vừa là nạn nhân vừa là người truyền bá của từ này – cách mạng: “Cách mạng công xã Paris”; “Cách mạng Tháng Mười”; “Cách mạng năm 1911″; “Cách mạng dân chủ cũ”; “Cách mạng dân chủ mới”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”; “Cách mạng cộng sản”; “Trường kỳ cách mạng dưới chuyên chính vô sản”; “Đại cách mạng văn hoá”; “Cải cách là một cuộc cách mạng sâu sắc.” Người Trung Quốc đương thời gọi mỗi sự thay đổi trong xã hội hoặc là “cách mạng” hay là “phản cách mạng”. (Ví dụ, phong trào phản kháng năm 1989 được sinh viên nói đến như là “Đại cách mạng ủng hộ dân chủ và chống độc tài”; còn chính quyền lại xem đấy là “cuộc bạo loạn phản cách mạng”). Dù bày tỏ lòng biết ơn hay bất mãn, mọi người đều mượn tên của cách mạng để tăng thêm sức mạnh chính nghĩa cho lời nói của mình. Sự vay mượn này thậm chí đạt đến mức độ là người ta sẵn sàng nói: “cách mạng gia đình”, “cách mạng hôn nhân”, “cách mạng bùng nổ trong hồn người”, cũng như “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”, “chủ nghĩa hiện thực cách mạng”, “văn học cách mạng”, “vợ chồng cách mạng”, “con cháu cách mạng”, “người thừa kế cách mạng”. Chính nghĩa cách mạng tự thân nó không cần đến điều kiện tiên quyết nào; trái lại, cách mạng là điều kiện tiên quyết cho chính nghĩa của bất kỳ sự gì khác. Bất kỳ ai hay bất kỳ chuyện gì, ta chỉ cần gán cho nó cái tên “cách mạng” là nó tự nhiên thành tiến bộ và thành chan chứa tình cảm chính đáng. Không ai nghi ngờ hay thậm chí hỏi: Thực ra cách mạng là gì? Hỏi cũng chả có lợi mà cũng chẳng cần phải hỏi. Tất cả những gì chúng ta làm và tất cả những gì chúng ta suy nghĩ đều là vì “tiến hành cách mạng đến cùng”!
Bất luận dù ta xét đến gốc từ nguyên và ý nghĩa hiện nay của từ hay mối liên quan về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể của sự áp dụng cụ thể, thực tế của từ này, từ cách mạng không thể nào dịch, như một từ hoàn toàn tương đương, ra tiếng Anh “revolution.” Trong tiếng Anh, từ “revolution” có ba nghĩa rạch ròi: (1) quay tròn; (2) Sự thay đổi lớn, cơ bản trong xã hội; và (3) việc sử dụng bạo lực để tạo ra sự chuyển giao quyền lực chính trị.[1] Đáng chú ý là, trong tiếng Anh, từ “cách mạng” không hàm chứa nhiều liên tưởng về chính nghĩa thiêng liêng như từ cùng nghĩa trong tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tiếng Trung Quốc, nghĩa xưa nguyên thuỷ của từ “cách mạng” là mệnh trời mà các hoàng đế vay mượn hay chấp nhận để mở đầu một triều đại mới; từ này mang một ý nghĩa thiêng liêng và là sự biện minh liên quan đến việc thực hiện ý trời. Trong thời hiện đại, dù trong “cuộc cách mạng chưa hoàn tất” của Tôn Trung Sơn hay trong “tiến hành cách mạng đến cùng” của Mao Trạch Đông, từ cách mạng gợi lên một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và một chính nghĩa thái quá. Đặc biệt kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, “cách mạng” đã trở nên một từ thiêng liêng, thuần tuý. Ví dụ, “cách mạng vô sản là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa công bằng nhất, sâu sắc nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”. “Cách mạng” có sự công bằng cố hữu, bất khả xâm phạm như “các quyền tự nhiên” trong lịch sử gần đây của phương Tây. Khi chúng ta xem xét cấu tạo của từ này, chúng ta thấy rằng cách mạng là sự kết hợp động từ và túc từ. “Cách” là động từ, nghĩa là “thay đổi, loại trừ, hủy bỏ, tước đi.” Còn từ “mạng,” nghĩa là “mệnh trời, mệnh lệnh, sinh mạng.” Hợp chung lại với nhau, “cách mạng” có nghĩa là “thay đổi xã hội” hay “cách cái mạng của ai đó.” Chẳng hạn, “cách chức” ám chỉ đến “huỷ bỏ một chức vụ” hay “tước đi các quyền hành”. Như thế, ngay cả khi ta chỉ xem xét các từ hợp thành không thôi, từ “cách mạng” trong tiếng Trung Quốc luôn có một giá trị về chính nghĩa không-thể -nào-bị -hoài – nghi và một giá trị về sự thiêng liêng không-thể -nào-bị -báng -bổ. Đây là một trong những từ được dùng thường xuyên nhất trong kho từ vựng của Đảng Cộng sản.
Ở Trung Quốc sau năm 1949, khi được xét đến từ các góc độ về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể, từ “cách mạng” đã ám chỉ đến sự công bằng, đúng đắn, đức hạnh, vận may, và thiêng liêng. Nó cũng ám chỉ đến quyền lực cao nhất; sở hữu được cuộc cách mạng là đã giành được điều mà Tony Saich (trong Chương 12) gọi là “vốn biểu tượng.” Thật không thể nào bày tỏ sự nghi ngờ hay chống đối lại “cách mạng” được. “Cách mạng” ám chỉ đến sự tận tụy, hy sinh, can đảm, không ngại hiểm nguy, lý tưởng, và cảm tình lãng mạn. Nó ám chỉ đến sự trường tồn và sức sống tràn trề. Tất cả những gì ta phải làm là chỉ cần nói “vì cách mạng…” Nó luôn luôn chứng tỏ một ý chí sắt đá, một sự sẵn sàng “chết chín lần không tiếc”. “Cách mạng” ám chỉ đến công bằng và lẽ phải của “đau khổ quá tất sinh ra căm thù sâu sắc”, của đổ máu bạo lực, và của cuộc đấu tranh tàn nhẫn. “Cách mạng” thôi thúc căm thù và bần hàn. Nếu có cách mạng, tất phải có căm thù. Hễ ai nghèo nhất thì cũng cách mạng nhất. Vì thế Mao Trạch Đông gọi cuộc cách mạng do ông lãnh đạo là “một phong trào của những kẻ khốn cùng”. “Cách mạng” ám chỉ đến tính chất không nhân nhượng, không thoả hiệp, không khoan dung, không hợp tác – công lý cực đoan không biểu lộ lòng vị tha; càng cực đoan, càng quá khích, càng chuyên chế thì lại càng cách mạng. Lòng trung thành của ta không thể nào dao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào. “Cách mạng” ám chỉ rằng nổi dậy là chính đáng; rằng hành động cá nhân rất mờ nhạt trước vầng thái dương là hành động được thực hiện nhân danh cách mạng. Cho dù cách hành xử có tàn bạo đến đâu, hành động có mù quáng và thiếu cân nhắc đến đâu, phong trào có vô lý đến đâu -nếu nó có thể được gán cho tên “cách mạng”, thì nó trở nên hợp lý và có thể được thực hiện một cách lạnh lùng.
Trong hệ thống giáo dục của Đảng Cộng sản, nỗi ám ảnh về “cách mạng” đã khiến ta đánh mất lòng nhân đạo và lý trí của mình, đánh mất đi lương tâm xã hội và lòng độ lượng của mình, đánh mất đi những tiêu chuẩn cơ bản nhất về phải và trái, và ngay cả đánh mất đi sự phân biệt giữa thiện và ác. “Cách mạng” đã khiến chúng ta phát điên. “Cách mạng” đã khiến chúng ta ngột ngạt. “Cách mạng” đã khiến chúng ta  hư hỏng đến nỗi chúng ta mất đi khả năng cảm thấy tôn kính, sợ hãi, hay khiêm nhường. Phong trào phản đối năm 1989 lại một lần nữa đã chứng tỏ rằng “cách mạng” vẫn thắng thế. Nọc độc của “cách mạng” ngấm quá sâu trong lòng chúng ta, do đó chúng ta thường xuyên trở thành  những vật hy sinh vô thức cho sự nghiệp công bằng cách mạng. Chúng ta vẫn còn say đắm với “cách mạng”.
Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột
Mặc dù chúng ta đã trải qua sự tàn ác chưa từng có của “Phong trào chống hữu khuynh” và “Đại cách mạng văn hoá”, chúng ta vẫn còn không thật sự ý thức về sự rùng rợn và tàn độc của “cách mạng”. Dù mười năm cải cách đã làm dịu đi tính chất thiêng liêng của “cách mạng” và làm suy yếu nền văn hoá chính trị đã được xây dựng trên nền tảng của cuộc đấu tranh giai cấp, chúng ta vẫn còn tôn thờ “cách mạng” trong tận xương tuỷ. Chúng ta vẫn là “những người thừa kế cách mạng”. Ngay khi chúng ta nhập vào một phong trào chính trị lớn, lòng say mê “cách mạng” của chúng ta chợt dâng cao; ngay khi lửa cách mạng được thắp lên, nó cháy bùng lên thành ngọn lửa cao ngất trời thiêu tan mọi thứ. Bất luận là phong trào thuộc về cực hữu hay cực tả, chuyên chế hay dân chủ, tiến bộ hay phản động, “cách mạng” đều thay thế tất cả. Từ trong bất kỳ khuynh hướng nào cũng đều có thể khích động lòng tôn thờ “cách mạng” cuồng nhiệt của chúng ta. Phong trào năm 1989 một lần nữa là cuộc “cách mạng vĩ đại” của quần chúng tiến bước tới dân chủ. Cho dù kết cục của nó có bi kịch, đẫm máu, nhiệt tình cách mạng vốn nằm im lìm trong gần mười năm lại một lần nữa trỗi dậy làm chủ chúng ta; cuối cùng, nó lại bộc lộ sinh lực và năng động của nó. Đây là một cơ hội làm lay động đất trời. Tất cả mọi người đều muốn lợi dụng cơ hội này để tạo nên kỳ tích, một thành tựu thật lớn để gây ấn tượng cho bao thế hệ đến sau.
Các sự kiện trong tháng Năm năm 1989 khiến ta nhớ đến lời tuyên bố nổi tiếng của Lenin: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột”.[2] Các đám đông kéo đến Quảng trường Thiên An Môn để biểu tình và diễu hành thoạt đầu đi bộ đến; rồi sau đến từng nhóm đi xe đạp, xe ba bánh, và sau cùng đến bằng xe máy và ô tô. Tiếng máy xe nổ ầm ĩ, cờ phướn phất phới, biểu ngữ giăng đầy, hết khẩu hiệu này đến khẩu hiệu khác được đua nhau hô vang trời, đâu đâu cũng thấy dấu hiệu chữ “V” (tượng trưng cho “chiến thắng”), và những nụ cười nở rộng trên khuôn mặt mọi người – tất cả những yếu tố này đã tạo nên bầu không khí hân hoan như thể đây là một cuộc trình diễn nghệ thuật ngoài trời. Một biểu ngữ khổng lồ, dài hàng chục mét, căng ngang Viện Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, hiển hiện chỉ một từ “Thức tỉnh”. Những sinh viên tuyệt thực tiếp tục đổ vật xuống; các bác sĩ trong áo choàng trắng chạy lui chạy tới như con thoi, và tiếng còi hụ của các xe cứu thương rú lên liên hồi. Cảm giác bi kịch về cái chết cho chính nghĩa đang đến gần càng tăng thêm bầu không khí phấn khích như trong cuộc trình diễn của Quảng trường. Các sự kiện liên hoan trên Quảng trường, trong đó sinh viên đại học là các diễn viên chính, đã thu hút các nông dân, công nhân, binh lính, cán bộ, thương gia, nhà doanh nghiệp, trí thức, và có cả một vị giáo sư tóc bạc chống gậy đi lần bước qua những hàng người đang bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho sinh viên. Một phụ nữ về hưu luống tuổi, mặt in hằn những vết nhăn, ngồi trên chiếc xe ba bánh do con trai kéo. Bà cũng làm dấu hiệu chữ “V” tượng trưng cho chiến thắng. Những em học sinh trung học và tiểu học mang biểu ngữ và giơ cao nắm đấm ủng hộ các anh chị của mình. Những cháu bé học mẫu giáo, theo sự hướng dẫn của các cô giáo họ gọi là “các cô”, vẫy những lá cờ ba cạnh rực rỡ, cũng hòa mình vào niềm vui chung. Rồi đến những vị tu hành đầu cạo trọc, mình mặc áo sòng, vừa tụng kinh vừa gõ “cá gỗ”. Tất cả các nhân tố đa dạng này đan quyện vào nhau khiến cho người ta có cảm tưởng sai lầm rằng đây là một cuộc cách mạng sắp sửa thành công. Tất cả điều này làm đậm đà thêm bầu không khí hân hoan. Quảng trường tưng bừng như trong những ngày lễ Quốc khánh hay trong ngày lễ Quốc tế Lao động hằng năm, lại càng giống như một quảng trường nơi các đám đông mừng vui đổ xô về ngay giữa khi một “cuộc cách mạng” đang diễn ra. Quả thật phong trào phản kháng năm 1989 đã làm cho mỗi người tham gia đều hân hoan nhảy múa trong niềm hoan hỷ phấn chấn. Khởi đầu vào ngày 1 tháng Mười năm 1949, khi Mao Trạch Đông dẫn đầu buổi lễ thành lập nhà nước, từ đấy hằng năm những lễ hội tương tự đều diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn. Cách đây bốn mươi năm, Mao Trạch Đông, lòng đầy tự tin, tuyên bố cách mạng thành công; bốn mươi năm sau, những nhà lãnh đạo trẻ của sinh viên đại học và các trí thức nổi tiếng, lòng cũng ngập tràn tự tin, đang nôn nao chờ đợi thời khắc thành công của cuộc cách mạng “mới nhất”. Chúng ta tưởng rằng chế độ độc tài của Đặng Tiểu Bình thật sự có thể đến hồi cáo chung ở ngay giữa lòng cuộc cách mạng long trời lở đất này; chính quyền của chế độ chuyên chế độc đảng thật sự có thể sụp đổ giữa “rừng” cánh tay đưa lên. Có bao nhiêu bậc anh hùng trong thời điểm đó mơ tưởng đến những vai trò họ muốn đóng sau khi họ đạt danh tiếng? Bầu không khí cách mạng hân hoan ấy khiến ta không thể nào nhìn thẳng vào hiện thực chính trị của Trung Quốc và vào sự ổn định của chế độ cai trị của Đảng Cộng sản. Không chỉ đơn thuần là Đảng Cộng sản nắm chặt trong tay toàn bộ guồng máy chính quyền cũng như nắm quân đội mấy triệu người; mà cũng đúng là, qua mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã giành được sự ủng hộ của nhân dân. Chúng ta lại lầm tưởng sự bất mãn trong nhân dân về một số vấn đề liên quan đến cải cách là sự mất hy vọng hoàn toàn vào chế độ Đặng Tiểu Bình. Chúng ta nghiêng về ý kiến cho rằng, với sự ủng hộ của quần chúng, Triệu Tử Dương sẽ thay thế Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào đánh giá hợp lý những thành công và những thất bại của mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế. Chúng ta những nhà trí thức nổi tiếng, xuất phát từ quyền lợi riêng của mình (từ sự xuống giá của tri thức trước cơn thuỷ triều đang lên của hàng hoá đến mức sống tương đối sút kém của giới trí thức, vân vân), đã hưởng ứng sự hoài nghi trong nhân dân về các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” rồi phóng đại ý nghĩa của nó lên thành sự hoài nghi chung cho tất cả các chính sách quản lý của Đặng Tiểu Bình. Thực tế cho thấy, mặc dù nhân dân có bất mãn về một số vấn đề liên quan đến cải cách và mặc dù các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” đã hơi làm sút giảm uy tín của Đặng Tiểu Bình, nhưng nhân dân vẫn thừa nhận rằng trong thời của Đặng Tiểu Bình (ngược lại với thời đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông) toàn bộ mọi nỗ lực đều được tập trung vào việc phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Điều này đã tạo ra sự ủng hộ sâu rộng trong nhân dân và tạo ra một tính chính danh vững chắc và thực tế. Sự suy giảm lòng dân và tính chính danh thực tế do các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” chủ yếu giới hạn trong giới trí thức. Còn quần chúng chỉ đòi hỏi là họ làm ra tiền và mức sống của họ được tăng dần lên. Khi những yêu cầu này được đáp ứng, quần chúng không muốn từ bỏ hoàn toàn chính quyền hiện nay, hay bác bỏ hoàn toàn các chính sách cai trị của Đặng Tiểu Bình. Khách quan mà nói, so với thời Mao Trạch Đông, những thay đổi ở Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình – sự tiến bộ của chính đảng cai trị và sự thức tỉnh trong ý thức của quần chúng – đã làm kinh ngạc thế giới. Những thay đổi và tiến bộ to tát mà mười năm cầm quyền của Đặng Tiểu Bình đã mang đến cho Trung Quốc lớn lao hơn những thay đổi và tiến bộ mà mười năm của Mao Trạch Đông có thể tạo ra. Chúng ta không thể, chỉ vì sự độc tài của Đặng Tiểu Bình, mà phủ nhận sạch trơn những thành quả của cải cách. Chế độ cai trị chuyên chế của Đảng, việc bắn chết dân, sự chuyên chính – tất cả những cái này đều là những cái ác cần phải sửa đổi, nhưng khi chúng ta đối diện với những thực tế của Trung Quốc, chúng ta thừa nhận rằng sự sửa đổi này phải từ từ, ôn hoà, và lâu dài. Chúng ta không chỉ phải dựa vào áp lực chính trị từ nhân dân mà thậm chí cũng phải dựa nhiều vào sự tự cải cách của Đảng Cộng sản. Nếu áp lực chính trị trong nhân dân vượt quá khả năng thật sự của những kẻ đang nắm quyền để chịu đựng được áp lực này, phản ứng nó gây ra sẽ không đẩy nhanh sự tự cải cách của Đảng Cộng sản và quá trình dân chủ hóa. Ngược lại, nó sẽ làm gián đoạn hay làm trì hoãn quá trình này. Bài học từ cuộc đổ máu của ngày 4 tháng Sáu rõ ràng đã nói lên điều này. Hơn nữa, sau ngày 4 tháng Sáu, Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng khôi phục lại trật tự xã hội. Đảng Cộng sản một lần nữa giành lại sự kiểm soát chặt chẽ về tình thế. Điều này chứng tỏ quyền lực của Đặng Tiểu Bình không chỉ dựa vào trấn áp bạo lực và khủng bố đẫm máu. Quyền lực này cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân tích luỹ được trong mười năm cải cách. Máu của ngày 4 tháng Sáu hoàn toàn không đảo ngược sự ủng hộ này trong nhân dân. Đặng Tiểu Bình chỉ cần tiếp tục kiên trì cải cách và phát triển kinh tế. Nếu Đảng Cộng sản kiên trì hoàn thiện chính mình, chế độ cai trị của Đặng Tiểu Bình chắc chắn không đổ nhào bất ngờ được. Hiện thực trước ngày 4 tháng Sáu, sự kiện về cuộc Thảm sát ngày Bốn tháng Sáu, và thực tế về sự thực hiện cương quyết các cải cách sau ngày 4 tháng Sáu tất cả đều bộc lộ một sự thật, mà chúng ta, những người tham gia trong phong trào ngày Bốn tháng Sáu, về mặt cảm tính không muốn chấp nhận, nhưng về mặt trí thức chúng ta phải chấp nhận, đó là ở Trung Quốc ngày nay con đường ít tổn thất nhất để tiến tới dân chủ hóa và hiện đại hóa là con đường tự cải cách của Đảng Cộng sản. Áp lực chính trị từ xã hội dân sự chỉ có thể đẩy mạnh một cách chừng mực sự tự cải cách loại này. Một chút bất cẩn thậm chí cũng có thể dẫn tới một bi kịch còn lớn hơn bi kịch của ngày Bốn tháng Sáu. Vì chúng ta đã nhìn thấy được hiện thực chính trị Trung Quốc đúng như thực trạng của nó hiện nay, chúng ta hãy quay trở lại phong trào phản kháng năm 1989. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng, do bị chính nghĩa cách mạng quyến rũ, chúng ta đã từ bỏ lý trí của chúng ta. Chúng ta không có cách nào biết được một cách khách quan là trong gần một triệu người tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn thời ấy có bao nhiêu người hoàn toàn bất mãn với các cải cách. Có bao nhiêu người biết rằng bốn mươi năm bi kịch ở Trung Quốc đã xảy ra là do những thái quá điên cuồng của chế độ chuyên chế? Có bao nhiêu người tham gia được hướng dẫn bởi một khái niệm dân chủ rõ ràng và chắc chắn? Ảo vọng được tạo ra từ sức sống của phong trào trong thời điểm đó đã khiến chúng ta không để tâm đến những hậu quả kinh khủng phát sinh từ sự leo thang liên tục của phong trào và cũng đã khiến lòng tin của chúng ta vào chính nghĩa dân chủ ngày càng trở nên xa cách với hiện thực chính trị và lòng tin ấy trở thành sự suy đoán vô lý rằng dân chủ sắp sửa ngự trị ở Trung Quốc.
Do được sinh ra từ mười năm cải cách, Phong trào ngày Bốn tháng Sáu thấy mình trong một môi trường tự do nhất kể từ năm 1949, và môi trường này vừa được khích lệ bởi khuynh hướng dân chủ hoá toàn cầu, vừa lại xem mình được bảo vệ bởi những yêu cầu về nhân quyền của các nước dân chủ phương Tây; phong trào chống lại chế độ chuyên chế và kêu gọi dân chủ một cách chính nghĩa quá đáng. Bi kịch là ở chỗ chúng ta chỉ ý thức theo đuổi dân chủ, ý thức sự thật là dân chủ hoá là một khuynh hướng toàn cầu và là chiều hướng tương lai của Trung Quốc, ý thức đến công luận như được diễn tả qua các đám đông ồn ào ở Quảng trường, ý thức rằng cả thế giới đồng lòng ủng hộ chúng ta như được chứng tỏ qua cảnh vô số các phóng viên nước ngoài xúm xít quanh chúng ta; chúng ta một lần nữa lại bị choáng ngợp bởi chính nghĩa của chủ nghĩa lý tưởng lãng mạn. Chúng ta quá chính nghĩa, quá táo bạo, và quá tự tin. Chúng ta quá say sưa. Vì thế, chúng ta quên hẳn một điều là hiện thực Trung Quốc thiếu những điều kiện cho sự hình thành bất ngờ một xã hội dân chủ. Chúng ta không ý thức rằng, mặc dù dân chủ hoá chính trị là điều cần phải có trước tiên cho công cuộc hiện đại hoá của Trung Quốc, nhưng nó hoàn toàn không phải là điều kiện trước tiên duy nhất. Nếu không có dân chủ hoá về chính trị, các cải cách hiện nay ở Trung Quốc không thể nào lâu dài và sâu sắc được. Nhưng nếu trọng tâm cải cách chỉ nghiêng quá nhiều sang tự do hoá về chính trị, thì không thể nào tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng dẫn đến cải cách và hiện đại hoá. Ở Trung Quốc ngày này, dân chủ hoá không phải là liều thuốc tiên, vì Trung Quốc thiếu những điều kiện thích hợp. Không những chỉ đúng là do nắm chắc quyền lực chính trị, Đảng Cộng sản không thể chấp nhận một hệ thống chính trị thực thi quyền hành đa đảng (hay đa nguyên về chính trị); mà còn đúng là quần chúng vẫn chưa hiểu đủ thấu đáo các quyền dân chủ nên không thể sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ mình trong cuộc đấu tranh cho quyền cá nhân. Qua sự thất bại của phong trào, chúng ta càng thấy rõ một điều là chúng ta những sinh viên đại học và trí thức, những người được gọi là “những người lính dân chủ”, và “các ngôi sao dân chủ”, chỉ hiểu dân chủ trên giấy tờ và trên lý thuyết mà không có kiến thức “khả thi” về dân chủ hành động, thật sự. Chúng ta không hiểu cách thiết lập và thực thi dân chủ như một hệ thống chính trị hay như một tập hợp tổng quát các thủ tục pháp lý. Giáo sư Phương Lệ Chi, người được xem là Sakharov của Trung Quốc, đã từ bỏ một cơ hội rất lớn để sử dụng các biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ nhân quyền cơ bản của ông ngay cả trước phong trào phản kháng năm 1989. Vụ ông bị công an ngăn cản không cho đến tham dự bữa tiệc do tổng thống Mỹ Bush mời đã trôi qua gần như hoàn toàn không ai hay biết. Lưu Tân Nhạn, người được mệnh danh là lương tâm của Trung Quốc, có những quan điểm chính trị khác với quan điểm chính trị của phong trào. Trong thời gian trước phong trào phản đối năm 1989, ông vẫn nhất mực bảo vệ chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội và ủng hộ khái niệm “Loại Trung thành thứ Hai”.[3] Vì lẽ ấy, khả năng xuất hiện một lực lượng đối lập nổi tiếng, từ tập thể các trí thức vẫn chưa học xong bài học vỡ lòng về dân chủ này, là cực kỳ thấp. Phong trào phản kháng năm 1989 được sinh ra từ những nhân tố tổng hợp này chỉ có thể là sự thể hiện tượng trưng cho một ý thức đã định hình. Dân chủ chúng ta theo đuổi trong suốt phong trào lại quá trống rỗng, quá cảm tính, và không vượt qua được giai đoạn phấn khích, lãng mạn của những khẩu hiệu sáo rỗng và chủ nghĩa lý tưởng của ý thức mới thành hình của chúng ta. Phần lớn những phương tiện và cách thức chúng ta sử dụng để động viên quần chúng đều là những thứ đã được chính Đảng Cộng sản dùng đến nhiều lần trước đây. Chúng ta theo đuổi sự thay đổi trên phạm vi lớn, song lại sáo rỗng, giật gân, và chúng ta  không muốn đưa ra những yêu cầu từng điểm một, cụ thể, cũng như không sẵn sàng thật sự thực hiện tầm nhìn của mình. Điều này khẳng định là chúng ta vẫn còn không hiểu rằng dân chủ hoá không chỉ là một lý tưởng, không chỉ là một cảnh tượng hoành tráng; nó còn là một quá trình thật sự, cụ thể, rất chi tiết, thậm chí đến cả tẻ nhạt để xây dựng và áp dụng những thủ tục dân chủ. Về nhiệm vụ cụ thể để thực sự tạo ra một xã hội được điều hành một cách dân chủ và hoạt động tốt, chúng ta cũng giống như Đảng Cộng sản: cả hai ta đều phải bắt đầu từ đầu.
Những ngày vui cách mạng ấy, tuy làm lay động cả thế giới song do được nâng đỡ bởi chính nghĩa dân chủ lớn lao nhưng lại trống rỗng của chúng ta, đã dẫn chúng ta đi sai đường. Đối với chúng ta, những trí thức nổi tiếng, lúc nào hai tiếng dân chủ cũng ở trên đầu môi, dân chủ hoá ra là một nỗ lực phức tạp hơn chúng ta tưởng.
(còn tiếp)
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Những cắt nghĩa rất tường tận nhưng rất khác về mặt cấu trúc đối với sự hiểu biết của Tây phương về từ “cách mạng”, và những cách hiểu này đã thay đổi theo thời gian. Xem Raymond Williams, Keywords: A Vocabulary of Culture and Society (Oxford: Oxford University Press, 1983), revised edition, pp. 270-274; Mona Ozouf, “Revolution,” trong François Furet and Mona Ozouf, eds., A Critical Dictionary of the French Revolution (Cambridge: Harvard University Press, 1989), pp. 806-817; và John Dunn, “Revolution,” trong Terrence Ball et al., eds., Political Innovation and Conceptual Change (Cambridge: Cambridge University Press, 1989), pp. 333-351. Ed.
[2] Stephan T. Possony, ed., The Lenin Reader (Chicago: Henry Regnery, 1966), p. 349. Ed.
[3] Xem Jonathan D. Spence, The Search for Modern China (New York: Norton, 1990), p. 726, mô tả ngắn gọn ý niệm về sự trung thành của Lưu Tân Nhạn. Đặc điểm chính của loại trung thành này là niềm tin rằng những người ủng hộ Đảng có thể nên chỉ trích những hành động sai trái cụ thể của các quan chức mà họ không bị xem là không trung thành; những sự chỉ trích như vậy, nhà báo này cho rằng, thực sự củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì làm Đảng suy yếu.
Lưu Hiểu Ba – Hai tiếng “cách mạng” thiêng liêng ấy
---
Lưu Hiểu Ba – Hai tiếng “cách mạng” thiêng liêng ấy (phần cuối)
Xem phần 1.
Trần Quốc Việt dịch
Hy sinh trước bàn thờ chính nghĩa
Theo đuổi những thay đổi ngoạn mục, đáng kinh ngạc tất dẫn đến sự khuấy động tình cảm quá khích. Đỉnh cao của sự sôi nổi tình cảm quá khích là sự từ bỏ tập thể sinh mệnh của mình cho các hành động anh hùng. Vì cuộc đua tài, vì dân chủ, vì tự do, chúng ta sẵn sàng tiến đến bàn thờ của chính nghĩa – rồi đến của hy sinh. Trong tháng Năm năm 1989, sinh viên tổ chức một đợt tuyệt thực tập thể với hơn một ngàn người tham dự. Phong trào không được hướng dẫn bởi lý tưởng của bất kỳ cá nhân nào mà bởi chủ nghĩa quá khích tình cảm. Bất kỳ ai quá khích đều trở thành đối tượng chú ý của mọi người. Khắp nơi -trong những lời tuyên bố của các sinh viên tuyệt thực và trong những lời tuyên bố của mỗi nhóm ủng hộ những người tuyệt thực, trong “rừng” biểu ngữ và trong các khẩu hiệu, trên những áo thun của các sinh viên tuyệt thực đeo khăn tang trắng trên đầu -ta có thể thấy những dòng chữ này: “Chúng ta làm nên lịch sử bằng sinh mệnh của mình”; “Chúng ta dùng chính dòng máu tươi của ta để mở đầu một kỷ nguyên mới cho nhân dân Trung Quốc”; “Vì thế hệ tương lai ta nhất định không tiếc gì cả”; “Máu rơi trên cổng thành của tổ quốc là lệ tưới cho đất màu mỡ”; “Thà chết còn hơn không có tự do”. Tại những trung tâm chỉ huy của sinh viên ở Quảng trường, họ liên tục phát thanh lời thề: “Đầu có thể rơi, máu có thể đổ, nhưng tự do dân chủ bất diệt”. Nhạc điệu buồn bã của bài hát chính thức, “Quốc tế ca”, của Đảng Cộng sản Trung Quốc; bầu không khí tử vì đạo càng lúc càng nặng nề; và tinh thần hy sinh tất cả quyện lẫn vào nhau hoàn toàn. Từ viết thư bằng chính máu mình rồi đến viết di chúc, các sinh viên qua đó đo lòng quyết tâm của mình cho sự nghiệp bằng những cái chết được thêu dệt ra. Hình ảnh xả thân vì chính nghĩa này làm xúc động mọi người ở Quảng trường. Tiếng hú còi sầu thảm của các xe cứu thương tưởng như xé trời xanh báo hiệu trước cái chết có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Các xe cứu thương, đèn đỏ loé sáng, chạy hối hả trên con đường “huyết mạch” do các sinh viên trong các đội trật tự công cộng (giăng tay nối nhau) tạo ra. Vẻ mặt của những người gần chết nằm trên cáng, cảnh các bác sĩ trong áo choàng trắng, cảnh các y tá la to và ra dấu cho đám đông “tránh ra” – hết thảy đều chứng minh tấn bi kịch của sự hy sinh sinh mệnh tập thể. Tình cảnh cảm động của mười hai sinh viên Trường Kịch Trung ương nhịn uống nước vượt trội hơn cả tình cảnh của những người tuyệt thực, do thế, mười hai sinh viên này trở thành những thần tượng trên Quảng trường. Qua mọi phương tiện tuyên truyền, và nhờ đám đông chứng kiến, họ được nâng cao lên và rồi được đặt lên trên bàn thờ của sự hy sinh vì chính nghĩa để nhấn mạnh đến cảnh chết cho chính nghĩa này. Hình ảnh đẹp nhất và xúc động nhất này của Trung Quốc ở cuối thế kỷ hai mươi đã thoả mãn mặc cảm chết cho chính nghĩa tiềm tàng quá lâu trong lòng người dân. Nếu như một vài sinh viên đòi tự thiêu không được thuyết phục từ bỏ hành động như thế, những ngọn đuốc sống chết cho chính nghĩa sẽ thật sự thắp sáng trên Quảng trường, và lời dạy đạo đức thánh hiền từ xưa, “huỷ mình để giữ trọn khí tiết”, ngày nay ắt vẫn còn có ý nghĩa.
Hành vi hiến thân cuồng tín này và tinh thần hy sinh này xuất phát từ ý nghĩa sứ mệnh cao cả mà xã hội ban cho sinh viên. Những sinh viên trẻ này, cảm nhận mình được toàn xã hội ủng hộ, cảm thấy mình là hiện thân của chính nghĩa. Hơn nữa, những người dân trong mọi tầng lớp xã hội cũng đều tôn kính họ như hiện thân của chính nghĩa. Khi ý thức chính nghĩa này càng ngày càng trở nên cực đoan hơn, ngoại trừ chính quyền lòng dạ sắt đá, không có ai còn đủ tỉnh táo để tự hỏi: kết cục của những biểu hiện cực đoan này rồi sẽ đi về đâu? Như thể toàn bộ xã hội đã khẳng định, qua các hành động của họ, những sinh viên trẻ nên đứng ra gánh vác trên đôi vai tập thể của họ trách nhiệm thiên định, to tát là hãy cứu Trung Quốc ra khỏi nanh vuốt của bạo quyền. Ý nghĩa sứ mệnh bị phóng đại và ý nghĩa hùng tráng về cảnh mình đang-làm-nên lịch sử đã khiến sinh viên mất khả năng tự kiềm chế và tự biết mình. Họ không biết là đôi vai non của họ hoàn toàn không thể gánh vác một trách nhiệm nặng nề đến như thế. Bị lôi cuốn trước sức quyến rũ chính nghĩa càng lúc càng mạnh, các sinh viên, qua việc thế chấp sinh mệnh của mình, đã khai chiến một cuộc kháng cự liên tục leo thang và vô ích chống lại chính quyền. Tưởng chừng như chỉ qua hy sinh tính mạng của mình ta mới làm cho chính quyền động lòng, chỉ qua hành động xả thân ta mới có thể làm cho quần chúng thức tỉnh, và chỉ qua cái chết ta mới đạt được chính nghĩa hay mới có đủ tư cách để tượng trưng cho chính nghĩa. Cho nên không lạ gì là sau khi nghe một số người chỉ trích các sinh viên là đã quá hăng và quá dũng cảm khiến lý trí và phán xét bị lu mờ, Sài Linh, thủ lãnh cao nhất ở Quảng trường và sau này đã trốn thoát được ra nước ngoài, đáp lại với vẻ bình thường: “Tại Quảng trường vào thời điểm đó dũng cảm đơn thuần là tiêu chuẩn”. Điều đó có nghĩa là, hãy đừng màng đến hiện thực, hãy từ bỏ lý trí, chúng ta chỉ cần dũng cảm, chỉ cần sẵn sàng hy sinh quên mình; chúng ta là những hào kiệt của phong trào phản đối năm 1989. Điều đáng tiếc là, sau khi phong trào phản đối năm 1989 bị trấn áp bằng lưỡi lê và xe tăng, người ta đọc lướt qua danh sách những người lãnh đạo trong phong trào ngày Bốn tháng Sáu nhưng chẳng tìm thấy dù chỉ một Đàm Tự Đồng đương thời. Những ai được tôn là anh hùng trong những khoảnh khắc hồi hộp nhất của phong trào cũng như những ai lãnh đạo xem mình là anh hùng, sau ngày Bốn tháng Sáu, đều lần lượt bị xử ở toà án của đạo lý và lẽ phải. Nhân dân không thể nào chịu đựng nổi sự thật là cả nước đã chờ đợi một bậc anh hùng chết cho chính nghĩa thế mà chẳng thấy xuất hiện một ai. Nhiệt tình của chúng ta đã hoài phí. Máu của chúng ta đã đổ ra vô ích.
Trong sự theo đuổi xả thân này và trong tâm lý tập thể của sự chờ đợi một đấng anh hùng hy sinh vì chính nghĩa, ta có thể thấy sự thành công to lớn về xã hội hoá Đảng Cộng sản. Thấy được phong thái của những người nối gót theo những tiền nhân chết cho chính nghĩa, người ta không thể nào không nghĩ đến những đảng viên Đảng Cộng sản, những người, vì sự ra đời của nước Trung Quốc mới, đã hoạt động bí mật trong những thời kỳ dài. Lời bào chữa được viết ra từ trong tù của Vương Đào Quân và Trần Tử Minh, trong đó cả hai đều đề cập đến những hành động đáng khâm phục trong sự nghiệp chân chính mà thế hệ trước của Đảng Cộng sản đã thực hiện trước ánh dao của đao phủ thủ có thể  được coi là các tấm gương cho thế hệ sau này. Bắt đầu từ lúc chúng ta vào trường tiểu học, chúng ta đã nghe những câu chuyện về Lưu Hồ Lan và Đổng Tồn Thụy[1]; chúng ta đã biết lời tuyên bố của Mao Trạch Đông: “Sinh cao cả, tử vinh quang”. Bài ca đội thiếu niên tiền phong có tên là “Luôn luôn sẵn sàng”. Sẵn sàng cho cái gì? Sẵn sàng dâng hiến đời mình cho Đảng Cộng sản. Nói chung, do ở trường hay dạy là bầu máu nóng trong người nên sẵn sàng tuôn trào ra cho cách mạng, nên chúng ta tin rằng ta chỉ cần cống hiến đời mình và dũng cảm hy sinh mình là đủ để mang lại lẽ phải và công bằng cho mọi ngưòi (và chính lẽ phải này có thể đảm bảo cho ta lưu danh muôn thuở). Chúng ta chỉ không xem xét rằng tất cả những gì mà máu tươi và cái chết này đã thiết lập là một chính quyền chuyên chế, dã man. Mao Trạch Đông, hô hào tinh thần hy sinh và kêu gọi mọi người “thứ nhất, không sợ gian khổ, thứ hai không sợ chết”, thì cũng chẳng khác gì hơn là một tay bạo chúa giết người. Chúng ta đã không nhận thức ra rằng chính nghĩa này – được hình thành chính từ sự dại dột cống hiến đời mình và hy sinh đời mình- đã khiến chúng ta tin rằng để thực hiện một cuộc cách mạng, tất cả những gì chúng ta cần là can đảm chứ không phải phán xét; tất cả những gì chúng ta cần là nhiệt tình chứ không phải lý trí; quá khích chứ không phải thoả hiệp; cảnh tượng đẹp đẽ huy hoàng chứ không phải lưu tâm đến những sự việc đời thường. Nhận xét của Sài Linh “can đảm là tiêu chuẩn” có thể được hiểu ở nghĩa rằng dũng cảm là chính nghĩa hay, chính xác hơn, đó là chính nghĩa tự cho mình đúng làm ta tin chúng ta có thể tiến tới dân chủ mà không hiểu những trách nhiệm kèm theo của dân chủ, chúng ta có thể đòi hỏi tự do mà không hiểu trách nhiệm của tự do. Hay nói cách khác, chính nghĩa ấy khiến chúng ta hiểu dân chủ là nhiệt tình dâng hiến đời mình và dũng cảm hy sinh; hiểu dân chủ là nhiệt tình cao ngất, là cảnh tượng hùng tráng của các đám đông lớn, là vô vàn những khẩu hiệu. Đơn thuần là chúng ta không quen biết rằng dân chủ là sự thiết kế, thực hiện, vận hành của một hệ thống hợp lý. Dân chủ có mặt trái của nó. Dân chủ hoàn toàn không lãng mạn như lý tưởng chúng ta tán dương; dân chủ là đời thường, thậm chí tầm thường. Có lẽ chỉ qua học phí trả bằng máu chúng ta mới có thể ý thức được rằng can đảm không phải là chính nghĩa và kháng cự không phải là dân chủ.
Chính nghĩa của chuyện ta muốn làm gì thì làm
Trong bốn mươi năm, chúng ta đã không có bất kỳ trải nghiệm chính trị dân chủ nào; mắt và tai chúng ta chỉ nghe thấy toàn quá nhiều những cuộc đấu tranh tàn ác và những mưu chước thâm độc của chính quyền chuyên chế. Ngay khi chúng ta bắt đầu cuộc cách mạng của mình, chúng ta trở nên cực kỳ tự phụ – như thể chúng ta đã quay trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hoá là khi chúng ta cảm thấy mình là những người cách mạng nhất. Rồi ngay khi chúng ta gia nhập vào phong trào phản kháng năm 1989, chúng ta lại tự xem mình là những người dân chủ nhất. Dù sao, phải chăng chúng ta đã không tuyệt thực vì dân chủ, hết mình vì dân chủ và hy sinh cho dân chủ? Điều này làm cho chúng ta càng chắc chắn hơn rằng hành vi của chúng ta có chính nghĩa cao nhất. Tiếng nói của chúng ta trở thành chân lý duy nhất. Chúng ta cảm thấy như thể chúng ta sở hữu quyền lực tuyệt đối. Chân lý trở thành điều tuyệt đối đúng mà không chấp nhận sự chất vấn; chính nghĩa trở thành chuyện ta muốn làm gì thì làm; dân chủ trở thành đặc quyền; Quảng trường trở thành một nơi kỳ diệu mà tại đấy chân lý được phán xét, quyết tâm được thử thách, tình cảm được tôi luyện, công lý được mở rộng, và các quyền con người được thực thi. Những kẻ không đến Quảng trường hay chỉ trích Quảng trường đều là lũ hèn nhát bất lương, chống dân chủ. Phong trào đã biến Quảng trường thành một tiêu chuẩn để phán xét mọi người. “Tôi đã ở Quảng trường một thời gian” và “Tôi đã từng đến Quảng trường” trở thành những mật khẩu của ý thức dân chủ và của lương tâm xã hội.
“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ chúng ta có thể làm những gì chúng ta thích. Quản lý sinh viên thay thế trật tự xã hội của đảng chính trị. Các đội trật tự công cộng trở thành công an giao thông. Thẻ sinh viên trở thành thẻ đa dụng – với thẻ này, chúng ta có thể đi xe không cần mua vé, đi ăn chẳng cần trả tiền, chặn xe lại tuỳ hứng, lục xét hay tra hỏi bất kỳ người đi bộ nào có vẻ khả nghi, tuỳ tiện phung phí tiền bạc do các công dân đóng góp, bất cần vệ sinh, khạc nhổ lung tung, xả rác tuỳ thích, đại tiện và tiểu tiện khắp nơi, thậm chí  cả trét phân người lên trên các cửa sổ của xe buýt công cộng và chả thèm quan tâm gì đến các thủ tục pháp lý. Chỉ cần con dấu của bộ chỉ huy Quảng trường, chúng ta có thể tuyên bố mình đã kết hôn- đây được gọi là “đám cưới dân chủ ở Quảng trường”. Chúng ta có thể tự ý phá hoại tài sản công cộng, xì hơi các lốp xe buýt công cộng, rồi tuyên bố một cách tự tin rằng làm như thế để đập tan âm mưu của chính quyền. Quảng trường Dân chủ thành Quảng trường nơi ta muốn làm gì thì làm. Đó là một Quảng trường mà mùi phân và nước tiểu bốc lên và lan ra nồng nặc; đó là Quảng trường nơi rác chất cao như núi.
“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ chúng ta không thể thoả hiệp hay hợp tác mà có thể thích thì tạo bè phái, lập ra các tổ chức, tự phong vương, thi nhau đặt tên các nhóm của chúng ta là Liên hiệp Tự trị Tối cao, Nhóm Tuyệt thực, Nhóm Đối thoại, Liên hiệp Tối cao Ngoại vụ, Liên minh các Nhà báo, Đội Quyết tử, Đội Phi hổ, Đội quân Tây lộ, Đội quân Thiếu nhi vân vân. Không ai chịu nhường ai, và không ai quản lý ai. Lời người xưa, “ai cũng có thể trở thành Nghiêu Thuấn” đã trở thành “ai cũng có thể trở thành chính khách”. Ai cũng có một triết lý chính trị riêng. Quảng trường, nơi nhìn vào ta tưởng chừng các đám đông đoàn kết như một, thực ra là nơi có nhiều chia rẽ, nơi ai cũng xem mình là một chính quyền có chủ quyền riêng biệt. Cho dù nếu có đạt đến thoả thuận, song nếu muốn ta chẳng cần phải tôn trọng thoả thuận ấy. Cho dù ta có đưa tay lên để bỏ phiếu tán thành một quyết định về đường lối, ta có thể bác bỏ quyết định ấy ngay khi ta rời khỏi nơi họp và rồi, nhân danh chính nghĩa, cuối cùng ta lại thực hiện quyết định ấy. Giữa các trường và giữa các tổ chức, có những bức tường không thể vượt qua được. Tâm trạng xem mình là người thông thái nhất này làm mọi người trong phong trào cực kỳ tự phụ. Giấy phép ưu tiên đường (right-of-way) trở thành dấu ấn đặc quyền. Những ai có quyền phân phát giấy phép ưu tiên đường dường như có quyền quyết định ai có thể gia nhập cách mạng và ai có đủ tư cách tham gia dân chủ. Phong trào của chúng ta tập hợp được rất nhiều người và đã khơi dậy nhiệt tình rất cao, song chúng ta không thể nào có những quyết định hợp lý về đường lối; chúng ta thấy mình rơi vào tình trạng mơ hồ về quyết định đường lối. Giá không phải vì chính quyền thường xuyên có những quyết định sai lầm, từ đó ta có cơ hội đoàn kết lại với nhau, chúng ta có lẽ thật sự trở thành một đám đông mù quáng không có phương hướng.
“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ lòng chúng ta có thể chất đầy căm thù, như ta cầm chiếc áo sơ mi đẫm máu mà tố cáo Đảng Cộng sản tàn ác; ta nghiến răng chửi mắng họ; ta chế giễu tính cách của kẻ khác; ta tham gia vào những cuộc đả kích cá nhân đầy ác ý. Chúng ta có thể nhiếc mắng ai đó là đồ ngu, ai đó là kẻ lùn tịt, ai đó là thứ ngốc nghếch. Chúng ta có thể tuyên bố xử bắn ai đó, luộc ai đó trong vạc dầu, chôn sống ai đó, bắt ai đó phải tự tử, bắt ai đó phải trở về nhà với gia đình; chúng ta còn nói xấu những ai không thuộc giống nòi của chúng ta. Thái độ của chúng ta là thô lỗ và vô lý, thậm chí đến mức chúng ta phải choảng lẫn nhau; chúng ta có thể mượn tên của chính nghĩa để bày tỏ những phàn nàn cá nhân không đáng; chúng ta có thể không thích chấp nhận bất kỳ những ai đứng ra làm trung gian bất kể địa vị hay cá nhân của họ, chúng ta có thể theo một đường lối cứng rắn không thoả hiệp, không khoan nhượng, và không hợp tác – quá khích mù quáng, hận thù mù quáng- đến nỗi phong trào phản kháng đã leo thang từ những yêu cầu sửa sai cụ thể, đến sự hận thù muốn lật đổ chính quyền và tống cổ Đặng Tiểu Bình đi. Đồng thời chúng ta tự đẩy mình vào một tình thế không có lối thoát, chúng ta buộc chính quyền, mà lập trường ban đầu của họ là đối thoại và thoả hiệp, vào hoàn cảnh chẳng đặng đừng là dùng quân đội đàn áp phong trào ôn hoà. Cùng với chính quyền, mà chịu trách nhiệm về tội ác bắn giết nhân dân, phải chăng chúng ta, “những chiến sĩ dân chủ”, những người rất tự tin về chính nghĩa của mình, những người góp phần tạo ra bi kịch đẫm máu cuối cùng ấy lại chẳng chịu trách nhiệm đạo đức nào hay sao? Căm thù, quá khích, không khoan nhượng – đây chính xác là những phẩm chất cách mạng Mao Trạch Đông đã kêu gọi một cách rất tự tin; đây chính xác là nơi tập trung toàn bộ cốt lõi của văn hoá chính trị đấu tranh giai cấp. Cách mạng phải được tiến hành một cách không giao động đến cùng. Bất kỳ ai ủng hộ triệt tiêu căm thù hay muốn đạt đến thoả thuận thông qua thoả hiệp và nhân nhượng là kẻ hèn nhát, là tên phản bội, hay là tên cướp có học vị. Kết quả là lời thề của chúng ta quyết tử để bảo vệ Thiên An Môn -quyết tâm của chúng ta để sống hay chết với Quảng trường -trở thành sự thương lượng, thoả hiệp, và rút lui ôn hoà lần cuối cùng khi mối đe doạ của tử thần thật sự đến.
“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Bây giờ, chúng ta nói láo thản nhiên, tung tin đồn ngay giữa thanh thiên bạch nhật; gặp những ai quan tâm liền khẳng định việc nói láo của mình là đúng; tuyên bố một cách vô trách nhiệm: “Đặng Tiểu Bình đã chết”; “Lý Bằng đã bỏ chạy”; “Dương Thượng Côn bị thương”;”Triệu Tử Dương đã trở lại”; “Vạn Lý đã lập chính phủ mới ở Canada”; “Mười hai cán bộ của Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố rút lui ra khỏi chính phủ hiện nay”; “Quảng Đông và các khu tự trị thiểu số đã tuyên bố Độc lập”; “Binh đoàn Hai Mươi Bảy và Ba Mươi Tám bắt đầu giao chiến”; vân vân. Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của phong trào dân chủ, trở thành nơi hội tụ và phát tán các lời nói láo và các tin đồn. Lời nói láo càng láo thì càng được nói đến, còn tin đồn có nguồn gốc càng không chắc chắn thì bất ngờ trở thành lực đẩy của phong trào. Chúng làm cho những hành động quá khích dường như hợp lý hơn, nâng cao hy vọng chiến thắng hão huyền của nhân dân, và khiến chúng ta không tài nào biết được chuyện gì thực sự đang diễn ra ở Trung Quốc. Sau ngày 4 tháng Sáu, các “chiến sĩ dân chủ” chạy thoát ra nước ngoài đã cố ý bóp méo các sự việc để phóng đại lên sự tàn bạo và độc ác của Đảng Cộng sản và qua đó tạo cho mình hình ảnh anh hùng của những con người đã vượt thoát ra được cơn tắm máu; họ đã làm hoen ố bề mặt nhuộm máu của Quảng trường Thiên An Môn và lừa dối dư luận quốc tế. Dòng thời gian thăng trầm dần dần đã trả sân khấu ban đầu này lại cho lịch sử, và sau khi nhân dân có thể hiểu đúng phong trào phản đối năm 1989, những hậu quả tàn nhẫn cùng bi kịch do các lời nói láo và các tin đồn năm xưa tạo ra sẽ tan dần đi.
“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Chúng ta có thể coi trọng chỉ tự do ngôn luận của riêng mình thôi, trong khi đó tước đi ở những người khác quyền tự do ngôn luận này. Chúng ta chẳng khác gì Mao Trạch Đông trước đây, không cho phép tồn tại bất kỳ ý kiến nào khác với mình. Còn về các hành động của chúng ta, chúng ta chỉ có thể hình dung ra sự ủng hộ của những kẻ khác dành cho cho các hành động của chúng ta thôi; ngoài ra không ai có thể được chỉ trích các hành động của chúng ta. Về điểm này, giống công an Đảng Cộng sản, chúng ta buộc các nhà báo không được chụp những hình nào không có lợi cho chúng ta hay có thể tổn hại đến hình ảnh của chúng ta. Khi các nhà báo la to lên “tự do báo chí” và vẫn chụp hình, chúng ta liền giật phăng một cách thô bạo các máy ảnh từ tay các nhà báo, rồi mở máy ảnh rút phim đưa ra ngoài ánh sáng. Chúng ta đôi lúc còn đập tan tành các dụng cụ chụp hình của các nhà báo. Chúng ta chỉ nghĩ đến các quyền và sự an toàn riêng của mình. Bất kỳ hành vi nào đe dọa đến sự an toàn và các quyền của chúng ta, cho dù hành vi ấy có chính đáng hay hợp pháp, chúng ta đều quyết tâm chấm dứt nó. Để chính quyền không thể lợi dụng một hành động phá hoại tài sản công cộng như là cái cớ để đè bẹp phong trào, chúng ta đã áp giải ba người đã làm bẩn bức chân dung của Mao Trạch Đông treo tại Quảng trường đến sở công an, kết quả là họ bị Đảng Cộng sản kết án tù 20 năm, 18 năm, và 15 năm. Phải chăng họ đã không thực thi chính các quyền của họ? Phải chăng họ thật sự đáng ở tù?
Thậm chí điều bi kịch hơn cả là chính nghĩa tự cho mình đúng của phong trào phản kháng năm 1989 đã gần như là mối đe dọa cho mọi người. Những người có ý khiến khác biệt đều trở nên im lặng dưới áp lực của chính nghĩa tự cho mình đúng này. Những ai không dám nói khác và không muốn tham gia vào phong trào cuối cùng cũng xuống đường vì họ sợ bị xem là tên hèn nhát hay kẻ phá bĩnh. Cuộc tuyệt thực biến các sinh viên đại học thành các vị thánh cách mạng không ai có thể chỉ trích được. Ở mức độ nào đó, ta có thể nói rằng cuộc tuyệt thực của sinh viên không chỉ đặt cho chính quyền vào một tình thế khó xử; mà cũng đặt cho xã hội một vấn đề khó xử. Khi người ta nhìn thấy cảnh các sinh viên trẻ trả giá bằng chính sinh mệnh của mình để chống lại chính quyền chuyên chế, thử hỏi có ai đành lòng nói “không”? Những ai có thể nói “không”, hay những ai mà cõi lòng họ không bị xúc động trước quyết tâm như thế, đều không có lương tâm. Những ai nghi ngờ tấm lòng thành thật tuyệt đối của sinh viên đều là kẻ đồng loã với chính quyền. Cuộc tuyệt thực đã khiến cho đa số mọi người tạm thời bỏ quên lý trí và đã khiến một thiểu số rất nhỏ tuy vẫn còn giữ được lý trí nhưng lại trở nên im lặng. Ngay cả đến một vài người còn tỉnh táo cũng băn khoăn phải chăng sự bình thản của mình biết đâu là biểu hiện của sự thiếu lòng trắc ẩn cơ bản.
Dân chủ được ca tụng trong suốt phong trào phản kháng năm 1989 chỉ có một lượng rất nhỏ chính nghĩa hợp lý, thực tế. Trong suốt phong trào, chúng ta đã điên cuồng theo đuổi chính nghĩa trừu tượng, mù quáng mà bỏ rơi chính nghĩa hợp lý, đích thực.
Ước gì ngày Bốn tháng Sáu là “chính nghĩa” mù quáng cuối cùng
Thất bại của phong trào phản kháng năm 1989 không chỉ ở đổ máu, ở những cái chết sau đó, và ở đợt trấn áp dữ dội phong trào quần chúng tự phát, mức độ lớn; thất bại cũng ở sự thù nghịch mãnh liệt phát sinh từ sự leo thang liên tục của phong trào. Sự leo thang này dẫn tới việc trì hoãn quá trình cải cách và làm suy yếu lòng tin tưởng của nhân dân vào chế độ Đặng Tiểu Bình. Đồng thời nó cũng làm gián đoạn quá trình mà qua đó Đảng cai trị dần dần dân chủ hoá và cải cách chính mình, vì thế Trung Quốc phải chịu sự đảo ngược toàn bộ sự tự cải cách của Đảng. Bầu không khí thư giãn vào đầu năm 1989 không còn nữa, thay thế vào đó là bầu không khí thù nghịch, căng thẳng, và khủng bố. Sau ngày 4 tháng Sáu, năm 1989, việc tái tổ chức kiểm soát chính trị đã khiến nền kinh tế trì trệ. Khái niệm đấu tranh giai cấp được đề cao trở lại đã làm cho cải cách chính trị trở thành một vấn đề rất nhạy cảm. Tử khí dưới thời Mao Trạch Đông lại bay lơ lửng trên mặt đất bao la của Trung Quốc. Mối căm thù chôn vùi trong lòng của quần chúng từ sự kiện đẫm máu này sẽ bộc phát ra ngay khi cơ hội đến. Mặc dù Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì đường lối cải cách và Chuyến Công du miền Nam của ông đã kích thích sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế, nhưng sự kiểm soát chính trị chặt chẽ theo sau các sự kiện ngày 4 tháng Sáu đã dẫn đến sự phát triển không bình thường trong quá trình hiện đại hoá Trung Quốc, và việc Triệu Tử Dương bị tước quyền bảo đảm rằng cuộc đấu đá quyền lực theo sau cái chết của Đặng Tiểu Bình sẽ rất nguy hiểm. Do Triệu Tử Dương, một người có lương tâm mạnh mẽ, bị tước quyền, khủng hoảng đã xuất hiện xung quanh cuộc chuyển giao quyền lực mà đáng lẽ ra nên êm thắm và ổn định. Tâm lý “tận cùng thế kỷ” hơi hoang tưởng đã khiến người dân chỉ nghĩ đến chuyện thu vén càng thật nhiều (từ cuộc cải cách vẫn đang còn) trước khi tai ương giáng xuống. Quần chúng ý thức sâu sắc rằng cơ may cuối cùng gắn liền với sức khoẻ của Đặng Tiểu Bình. Nếu cơ may này bị bỏ lỡ, họ sẽ trở thành những con tốt hy sinh vô nghĩa trong thế giới hỗn loạn sẽ theo sau cái chết của Đặng Tiểu Bình. Cái sợ hoang tưởng ám ảnh “tận cùng thế kỷ” này không thể biến mất đơn thuần chỉ qua phát triển kinh tế. Đồng thời, các nỗi sợ về chính trị của chính Đảng cầm quyền không thể biến mất và mối căm thù của quần chúng cũng không thể dịu đi qua ổn định xã hội hay qua kinh tế phồn thịnh hay nâng cao mức sống. Các nỗi sợ về chính trị của Đảng cầm quyền và cái sợ hoang tưởng “tận cùng thế kỷ” của quần chúng đã làm cho viễn cảnh Trung Quốc có thể tiến bước êm thắm và không ngừng tới một xã hội dân chủ và hiện đại hoá là chuyện rất không tưởng. Nếu Đảng cầm quyền và toàn thể nhân dân không chấm dứt sự căm thù lẫn nhau của họ ngay từ bây giờ để đạt đến hợp tác xã hội,[2] lòng căm thù và nỗi sợ hãi của hai bên sẽ không thể nào tan biến được. Khi ngày mất của Đặng Tiểu Bình cận kề, những căm thù và sợ hãi này sẽ trở nên càng ngày càng không đội trời chung hơn, từ đấy đưa đến những biến động xã hội nhanh hơn thay vì chậm hơn.
Vì vậy, chấm dứt thù địch, từ bỏ sợ hãi, đạt đến hợp tác xã hội, và đưa Trung Quốc tiến êm thắm và không ngừng đến xã hội hiện đại, dân chủ không thể chỉ phụ thuộc vào việc Đảng cầm quyền quyết tâm thực hiện tự cải cách và thay đổi hình ảnh của Đảng trong lòng dân; thực hiện những mục tiêu này cũng còn phụ thuộc vào hợp tác của các nhóm đối lập trong nhân dân. Nhờ sự hợp tác này, tự cải cách có thể dần dần thành công. Ổn định hiện nay ở Trung Quốc có lẽ là cơ hộ cuối cùng của chúng ta. Đảng cầm quyền phải thừa nhận rằng (1) dân chủ hoá chính trị của chính Đảng không chỉ là chiều hướng được lương tâm nhân dân tán đồng mà đó cũng là khuynh hướng chung của các sự kiện trên thế giới và rằng (2) tốt nhất là Đảng nên tự ý thức mà thay đổi mình còn hơn là buộc phải thay đổi do tác động từ các yếu tố bên ngoài. Người duy nhất có thể cứu Đảng Cộng sản là chính Đảng Cộng sản. Nếu Đảng dần dần, từng bước một, cải cách mình và tiến đến dân chủ hoá, Đảng Cộng sản sẽ tồn tại. Nhưng nếu Đảng tiếp tục duy trì chế độ chuyên chế độc đảng, Đảng Cộng sản sẽ lụi tàn. Đồng thời, các nhóm đối lập trong nhân dân không nên đẩy Đảng ra khỏi vị trí cầm quyền; ngược lại, trong khi Đảng Cộng sản đang thực hiện tự cải cách, những nhóm này nên khuyến khích những thay đổi dưới sự cầm quyền của Đảng. Đối với Đảng cầm quyền và đối với quần chúng, đây là sự chọn lựa chín chắn nhất trong giai đoạn đổi thay toàn diện và mau lẹ.
Trong suốt quá trình này, Đảng cầm quyền nên nghiêm túc cân nhắc việc đi lá bài chính trị – lá bài ngày Bốn tháng Sáu. Không ai có thể né tránh mãi sự đánh giá lại vụ Thảm sát ngày Bốn tháng Sáu. Lá bài ngày Bốn tháng Sáu phải được đưa ra. Vấn đề rất quan trọng là – lá bài này được đi như như thế nào? Và khi nào ta nên trình bài ra? Như một sửa sai bất ngờ sau cái chết của Đặng Tiểu Bình? Hay ngay từ bây giờ Đảng cầm quyền từ từ giảm bớt niềm bất mãn và oán hận tích tụ trong lòng dân về vụ ngày Bốn tháng Sáu? Nên chăng cho tiến hành điều tra khẩn cấp vụ đổ máu này để truy cứu trách nhiệm hình sự? Hay nên chăng cứ hoãn cuộc điều tra lại? Tôi cho rằng chọn lựa khôn ngoan nhất là cách sau cùng. Không cần thiết phải có các bình luận xã hội, không cần tổ chức họp hành to tát, và không cần công bố trước dân chúng. Tất cả những gì cần làm là hãy bồi thường kín đáo cho thân nhân của các nạn nhân ngày Bốn tháng Sáu; thả tất cả những tù nhân chính trị ngày Bốn tháng Sáu; hồi phục các chức vụ cũ cho những người bị đối xử bất công vì ngày Bốn tháng Sáu; dần dần thuyên chuyển công tác rồi xuống chức những kẻ đã ngoi lên quyền lực từ máu của ngày Bốn tháng Sáu; và cho phép những người trốn ra nước ngoài vì ngày Bốn tháng Sáu an toàn trở về nước. Tất cả điều này, tôi tin, là phần cần thiết cho sự thay đổi hình ảnh của Đảng cầm quyền, là phần của sự dân chủ hoá của Đảng, là phần của những gì sẽ thu phục được lòng dân. Nếu Đảng cầm quyền không bắt đầu ngay từ bây giờ, nếu sau cái chết của Đặng Tiểu Bình có nhà chính trị nào đấy dựa vào sự sửa sai bất ngờ về những sai lầm ngày Bốn tháng Sáu để tranh đoạt quyền lực, thì tai hoạ không chỉ có thể sẽ xảy đến cho nhà chính trị này, mà còn cho cả Trung Quốc. Những hậu quả bùng phát từ sự sửa sai bất ngờ nằm ở ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai. Cơn lũ thù hận sẽ dìm chết tất cả những kẻ nào muốn dự phần trong bữa tiệc máu ngày Bốn tháng Sáu. Ở Trung Quốc tương lai, nói cách khác, những ai ra trận với ánh đao gươm sáng lạnh, vì muốn dẹp tan bao bất bình oan trái của ngày Bốn tháng Sáu, biết đâu có thể gây ra một cơn đổ máu khác còn lớn hơn, còn tàn nhẫn hơn nhiều. Biết đâu lại là một lần tắm máu.
Ở Trung Quốc ngày nay, năm năm sau vụ đổ máu ngày Bốn tháng Sáu…, trong một Trung Quốc đang đầy lo sợ thời điểm tận cùng của thế kỷ- có nhiều việc cần phải được hòa giải. Tôi không biết liệu chúng ta những sinh viên đại học và trí thức, những người đã nhập vai những bậc thánh cách mạng và vai các ngôi sao dân chủ trong hai tháng trời có thể đánh giá lại một cách hợp lý, bình tâm, công bằng và thực tế những gì chúng ta đã làm và đã suy nghĩ trong năm 1989; tôi không biết liệu chúng ta có thể đối diện với hiện thực Trung Quốc đang có nhiều cuộc khủng hoảng xuất hiện từ khắp mọi phía mà thấy lòng mình còn đủ can đảm để theo đuổi kiên trì kế hoạch khả thi cho cải cách lâu dài bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất. Nếu được như vậy, thì cho dù sức ta có tàn kiệt, máu của ngày Bốn tháng Sáu sẽ không chảy đi hoài phí – máu vẫn còn đặc hơn nước lã. Còn không được như vậy, thì cao nhất máu của ngày Bốn tháng Sáu sẽ có thể nuôi béo những kẻ hút máu chẳng còn biết xấu hổ.
Uớc gì ngày Bốn tháng Sáu là chính quyền cuối cùng của Trung Quốc trong đó mỗi người đều tự xem mình là chính khách.
Uớc gì ngày Bốn tháng Sáu là cảnh tượng hoành tráng của chính nghĩa mù quáng tự cho mình đúng cuối cùng của Trung Quốc.
Nguồn: Trích từ Popular Protest and Political Culture in Modern China, Second Edition, edited by Jeffrey N. Wasserstrom anf Elizabeth J. Perry. Westview Press, 1994.
Bài viết được lưu hành trên mạng ở địa chỉ: http://tsquare.tv/links/LiuXiaobo.html
Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas

[1] Lưu Hồ Lan là em bé gái 14 tuổi. Quốc Dân Đảng hành hình em trước năm 1949. Em chết khá anh hùng. Mao Trạch Đông nói về em, “Sống vĩ đại, chết vinh quang”, sau đó kêu gọi cả nước học tập tinh thần cách mạng của em. Đổng Tồn Thuỵ là một người lính trẻ trong Quân đội Giải phóng. Trong cuộc chiến tranh Giải phóng, anh dùng thân mình làm khung đỡ cho chất nổ trong một vụ tấn công vào nơi đóng quân Quốc Dân Đảng. Anh phá được lô cốt của quân đội Quốc Dân Đảng nhưng đã hy sinh. Sau năm 1949, có bộ phim tuyên dương chủ nghĩa anh hùng cách mạng Đổng Tồn Thuỵ. [2] Người kêu gọi hợp tác xã hội là người bạn tôi tên Chu Đạo. Năm 1989, khi chúng tôi cùng phác thảo “Tuyên ngôn Tuyệt thực ngày Hai tháng Sáu”, ông chỉ ra rằng một trong những điểm chính của tuyên ngôn là lời kêu gọi chấm dứt thù địch và kêu gọi hoàn toàn ủng hộ sự hợp tác xã hội.

Tổng số lượt xem trang