Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Một Kế Hoạch Đảo Chánh Tinh Vi - Lữ Giang

-Chuyện Quan Thái Thú - Lữ Giang 
Trong một cuốn băng của Toà Bạch Ốc ghi cuộc nói chuyện giữa Tổng Thống Kennedy và Đại Sứ Henry Cabot Lodge ngày 4.11.1963, Tổng Tổng Kennedy đã tuyên bố ông chịu trách nhiệm cá nhân về cái chết của ông Diệm và nói thêm rằng ông Lodge có khuynh hướng loại bỏ ông Diệm khỏi chức vụ. Ông Lodge đã bênh vực cho vai trò của mình. Ông nói:


“Các hành động của chúng ta không phải là ‘thực dân’ và khi bà Nhu kết án tôi hành động giống Toàn Quyền Đông Dương, điều đó không nói lên sự thật”.

Hồi đó báo chí ở Sài Gòn thường công khai gọi ông là “Quan Thái Thú”.

Sử chép rằng Hán Vũ Đế (156 – 87 trước công nguyên) thấy nước ta chưa biết văn hóa, sai các quan Thái Thú sang cai trị phải dạy bảo. Trong số ấy có ba người nổi tiếng: Tích Quang, Thái Thú quận Giao Chỉ, mở trường học, dậy dân biết lễ nghĩa; Nhâm Diên, Thái Thú quận Cửu Chân, xây trường học, dạy dân luân lý, phép giá thú, sinh con biết họ và nòi giống; và Sĩ Nhiếp, Thái Thú Giao Châu, mở học đường, giảng Kinh truyện, được suy tôn là Nam Bang học tổ. Như vậy là nước ta bắt đầu học chữ Hán và Nho giáo từ thời Bắc thuộc.

Henry Cabot Lodge, có quyền lực vô giới hạn. Ngoài bất chấp lệnh của thổng thống Mỹ, còn lưu manh xảo trá hơn các quan Thái Thú của Tàu ngày xưa nhiều.

MỘT ÂM MƯU THÂM ĐỘC

Để gài Washington vào kế họach giết ông Ngô Đình Cẩn, lúc 9 giờ ngày 3.11.1963, Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế đã gởi về Bộ Ngoại Giao một công điện nói rằng đã tìm thấy mồ chôn tập thể, hầm vũ khí và tài liệu Việt Cộng chôn trong khu nhà ông Cẩn. Hậu quả của chuyện này là có nhiều ngàn người đã đến bao vây nhà ông Cẩn và muốn tấn công. Từ những sự kiện trên, Tòa Lãnh Sự Huế nói rằng việc cấp nơi trú ẩn cho ông Cẩn “là điều thất nhân tâm ở đây, và có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng đe dọa tư thế, tài sản và sinh mạng người Mỹ ở Huế.”

Nghe các báo cáo này, Tướng Harkins, chỉ huy trưởng Viện Trợ Quân Sự tại Việt Nam rất ngạc nhiên. Ông đã hỏi lại Tướng Trần Văn Đôn rồi lúc 5 giờ 17 phút chiều 5.11.1963, ông đã gởi cho Tướng Taylor, tham mưu trưởng Liên Quân, một công điện cho biết ông có hỏi Tướng Đôn về trường hợp ông Ngô Đình Cẩn, Đôn nói rằng các đơn vị Quân Đoàn I đang bảo vệ ông ta và Đôn đang xem xét việc đưa ông ta vào Sài Gòn để bảo vệ an toàn. Tướng Harkin có hỏi Tướng Đôn về các mộ được báo cáo tìm thấy trong vùng nhà ông Cẩn, Tướng Đôn cười và nói nó không liên hệ gì đến việc ông Cẩn làm cả. Tướng Đôn nói ông biết ông Cẩn rất rõ, và khi làm tư lệnh Quân Khu I, ông đã đến thăm ông Cẩn nhiều lần. Ông biết những ngôi mộ đó ở đâu và nó đã có ở đó trong nhiều năm. Những ngôi mộ đó thuộc về những gia đình sống trong vùng xung quanh trước khi khu đó trở thành nơi cư trú của ông Cẩn.

[FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 569 – 570].

Thế nhưng, sau khi ông Johnson mới lên làm tổng thống thay thế Kennedy, ông Lodge đã về trình diện và tiếp tục báo cáo bố lếu bố láo.

Trong cuộc họp lúc 3 giờ chiều ngày 24.11.1963 tại Executive Office Building ở Washington, có sự hiện diện của Tổng Thống Johnson, Đại Sứ Cabot Lodge đã báo cáo về tình hình Việt Nam rất tốt đẹp sau ngày đảo chánh. Tiếp theo, ông nói ông muốn gặp Đức Giáo Hoàng vào ngày thứ tư (bỏ một đoạn không được giải mã) vì ông thấy phong trào chống Kitô Giáo ở Việt Nam đang lên.

Mặc dầu Tướng Harkins đã kiểm chứng và cho biết báo cáo của Tòa Lãnh Sự Huế là báo cáo láo, ông Lodge vẫn nói rằng Giám Mục Ngô Đình Thục đã dính vào những vụ ngược đãi liên quan đến việc giam giữ một số lớn người, trong đó có ba linh mục Công Giáo. Còn ông Cẩn cũng đã dính vào những hoạt động khác nhau trong việc ngược đãi và hành quyết những cá nhân, và trong khu vườn của mình, Cẩn có một khu đất chôn các nạn nhân của mình.

Biên bản ghi rằng những lời của ông Lodge đầy vẽ lạc quan, hy vọng, và tạo cho tổng thống cảm tưởng rằng chúng ta đang trên đường chiến thắng. Tổng Thống Johnson nghe xong đã nói rằng “the Ambassador was the Number One man” (Ông Đại Sứ là Người Số Một)!

[FRUS 1961-1963. Volume IV, tr. 635-637]

Khi trở lại Việt Nam, ông lãnh đạo Tướng Khiêm và Tướng Khánh làm “chỉnh lý” loại nhóm Dương Văn Minh, và ra lệnh cho Tướng Nguyễn Khánh ban hành một đạo luật đặc biệt để giết ông Cẩn!

MUỐN LẬP CHẾ ĐỘ BẢO HỘ!

Mặc dầu báo cáo ngon lành như đã nói trên, khi “giặc thầy chùa” và Đại Việt nổi lên chống đối Nguyễn Khánh gây ra các chính biến liên tục, Đại Sứ Lodge đã nói với Bộ Ngoại Giao rằng phải làm cho Nam Việt Nam từ bỏ độc lập và đặt dưới chế độ bảo hộ của Hoa Kỳ để đem lại sự ổn định của chính phủ. Nếu không thì hoặc là tăng cường sự can thiệp về quân sự của Hoa Kỳ, hoặc là Mỹ bỏ Miền Nam hoàn toàn.

[South Vietnam be made to relinquish its independence, and it be made a protectorate of the United States so as to bring governmental stability. The alternatives, he warned, were either increased military involvement by the U.S., or else total abandonment of South Vietnam by America].

Khi “giặc thầy chùa” lên đến cao điểm, làm cho tình hình bất ổn hoàn toàn, ông nói con đường duy nhất để báo vệ các chương trình bình định của Nam Việt Nam là thành lập một nước theo chế độ cảnh sát trị ở ngoài Nam Việt Nam gióng như chế độ Hồ Chí Minh (a police state out of South Viet Nam similar to the Ho Chi Minh regime).

Nói tóm lại, những gì ông Lodge đưa ra để biện minh cho việc phải lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, đều được ông đòi hỏi phải áp dụng lại sau khi chế độ này sụp đổ và còn đòi hỏi phải làm mạnh hơn.

William Averell Harriman lúc đầu chỉ là Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao về Viễn Đông Sự Vụ (1961-1963), sau lên làm Thứ Trưởng Ngoại Giao về Chính Trị Sự Vụ (1963-1965), nhưng nhiều người gọi ông là Bộ Trưởng Thuộc Địa, vì ông đã hành xử như Miền Nam Việt Nam là một xứ thuộc địa của Mỹ. Chính ông đã quyết định và chỉ đạo việc lật đổ và giết ông Diệm, vượt lên trên quyền hành của Tổng Thống Kennedy. Đại Sứ Cabot Lodge và Lucien Conein chỉ là cấp thừa hành của ông ta. Tuy nhiên, sau khi lật đổ và giết ông Diệm, nhìn thấy một miền Nam tan nát, ông đã nhìn nhận:

“As you look back on it, Diem was better than the chaotic condition which followed him”.

(Khi bạn nhìn lại nó, Diệm tốt hơn tình trạng hổn loạn theo sau ông ta.)

[Averell Harriman Oral History, JFK1]

ÉM NHẸM PHÚC TRÍNH LHQ

Ngoài việc lật đổ và giết gia đình họ Ngô, Cabot Lodge còn làm một chuyện mờ ám khác là tìm cách ém nhẹm phúc trình của Phái Đoàn LHQ điều tra về vụ Phật Giáo Việt Nam vì nó phô bày những sự dối trá do chính phủ Hoa Kỳ đã toa rập với phong trào đấu tranh của Phật Giáo Việt Nam tạo dựng ra để đánh lừa dư luận thế giới.

Như chúng ta đã biết, chính Đại Sứ Cabot Lodge đã nhờ ông Senerat Gunewardene, Đại Sứ Tích Lan ở Liên Hiệp Quốc, một người bạn thân của Cabot Lodge khi ông còn làm Đại Sứ tại Liên Hiệp Quốc, đứng ra vận động các nước Á Phi đưa ra một bản tuyên bố lên án chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo. Đây là nguyên nhân khiến LHQ phải cử một phái đoàn đến Việt Nam điều tra. Kết quả, phái đoàn đã khám phá ra nhiều sự gian dối do CIA và nhóm Phật Giáo đấu tranh đã tạo dựng ra để đánh gục chế độ Ngô Đình Diệm. Vì thế, Đại Sứ Cabot Lodge và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải tìm cách ém nhẹm bản phúc trình của phái đoàn này.

Cuộc điều tra kéo dài trong hai tuần lễ. Khi phái đoàn đang điều tra thì cuộc đảo chánh xẩy ra, nhưng phái đoàn vẫn làm báo cáo và đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Bản phúc trình đã được phổ biến tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 9.12.1963. Ngày 20.12.1963, Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica đã nói với hãng thông tấn NCWC như sau:

“Cảm tưởng của riêng tôi là không có chính sách kỳ thị, áp bức hay khủng bố đối với Phật Giáo trên căn bản tôn giáo. Những khai báo về phương diện này thường là nghe nói, và trình bày một cách mơ hồ và tổng quát.

“Mỗi khi một nhân chứng cố gắng tìm một bằng chứng cụ thể nào để trình Phái Đoàn, rốt cục sự kiện chỉ là một hành vi lẻ tẻ hay cá nhân. Căn cứ trên bằng chứng, chính quyền không có chủ trương chính sách chống Phật Giáo vì lý do tôn giáo.”

Thấy nội dung bản phúc trình nói lên những sự thật bất lợi, Đại Sứ Cabot Lodge đã vận động để bản phúc trình này đừng được đưa ra thảo luận tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã trình với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng “sự công khai hóa những điều mà phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc phát hiện được sẽ gây lúng túng cho chế độ mới ở Saigon gồm những người đã phục vụ dưới thời ông Diệm. Thêm nữa, một cuộc bàn cãi công khai có thể cho thấy rằng chế độ mới này cũng chẳng kém độc tài hơn chế độ cũ và cho Hà Nội và Bắc Kinh thêm một dịp tố cáo chính phủ Hoa Kỳ đính líu vào cuộc đảo chánh.”

Do sự vận động khéo léo của Cabot Lodge và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Gunewardene, trưởng phái đoàn điều tra, đã đề nghị xếp luôn hồ sơ vụ này.

MỘT NGHỊ SĨ CÓ LƯƠNG TÂM

Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd, Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, cũng đã đọc và khám phá ra những gian dối do CIA phối hợp với nhóm Phật Giáo đấu tranh và báo chí dựng lên để đánh lừa dư luận thế giới. Ông đã hỏi lại một số nhân vật trong phái đoàn điều tra, rồi viết một văn thư dề ngày 17.2.1964 gởi cho ông James Easland, Chủ Tịch Tiểu Ban Nội An của Thượng Viện, yêu cầu in bản phúc trình này ra và gởi cho các nghị sĩ biết. Sau đây là những đoạn chính của văn thư này:

“Vào đầu tháng 9 năm qua, lúc cuộc khủng khoảng Phật Giáo đạt cao điểm, 16 chính phủ chuyển đến Đại Hội Liên Hiệp Quốc một tuyên bố nói rằng Chính Phủ Việt Nam phạm tội “trầm trọng vi phạm nhân quyền”. Đáp lại lời buộc tội này, Chính Phủ Ngô Đình Diệm mời Liên Hiệp Quốc gởi một phái đoàn điều tra đến Việt Nam, và cam kết rằng Chính Phủ ông sẽ hoàn toàn hợp tác với phái đoàn này. Đại Hội quyết định chấp nhận lời mời này và ngày 11 tháng 10 một phái đoàn điều tra đã được lập, gồm có những đại diện của Afghanistan, Brazil, Costa Rica, Dahomey, Morocco, Ceylon, và Nepal.

“Phúc Trình của Phái Đoàn về Việt Nam, tuy được in phát trong Liên Hiệp Quốc ngày 9 tháng 12, chỉ được phổ biến rất hạn chế cho báo chí. Thật ra, nó hầu như không được báo chí biết gì đến trong hơn hai tuần sau ngày nó được công bố, đến khi vài bình luận gia tháo vát nắm được chuyện này.

“Theo tôi, bản phúc trình này hết sức quan trọng nên tôi đề nghị Tiểu Ban Nội An cho ấn hành nó để phân phát cho các Thượng Nghị Sĩ để họ biết về việc này.

“Tuy rằng bản phúc trình này chủ yếu chỉ trình bày dữ kiện - lời khai của nhân chứng và tài liệu, không đưa ra kết luận chính thức của Ủy Ban của Liên Hiệp Quốc, tôi tin rằng bất cứ người khách quan nào có đọc nó cũng phải kết luận rằng những báo cáo về [chính quyền] khủng bố Phật Giáo một cách quy mô, quá lắm chỉ là một sự thổi phồng quá mức, và ít lắm là tuyên truyền bẩn thỉu và gian lận.”

Tiếp đến, ông đã nhắc lại lời của Đại Sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên. Ông viết tiếp:

“Được đích thân đọc bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc, những tuyên bố đó đã làm cho tôi xúc động, và khiến tôi gọi Đại Sứ Volio để thảo luận những lời tuyên bố của ông ta chi tiết hơn...

“Đại sứ nói rằng sau hai tuần điều tra ráo riết tại Việt Nam, ông đi đến kết luận là những lời buộc tội chế độ Diệm tại Liên Hiệp Quốc không có căn bản, không chấp nhận được; ông nghĩ rằng những bằng cớ chất đống không cho thấy rằng có sự kỳ thị về tôn giáo hay xâm phạm tự do tôn giáo...

“Phái Đoàn nói rõ rằng họ đã được phỏng vấn một số lãnh đạo và thanh niên Phật Giáo mà người ta đã báo cáo là bị giết. Phái Đoàn không tìm thấy bằng chứng nào xác nhận những báo cáo đã được công bố nói rằng có những vị sư đã bị liệng từ trên các tầng lầu trong vụ Chùa Xá Lợi bị đột kích."

Trong phần kết luận, ông đã lên án báo chí Hoa Kỳ khá nặng nề:

“Tóm tắt, theo ý tôi, một lần nữa nhân dân Hoa Kỳ đã bị một số báo chí của họ lừa dối trầm trọng về một tình hình quốc ngoại có tính chất cốt tử đối với họ...

“Nay chúng ta lại là nạn nhân của một trò lừa dối khác, mà hậu quả là Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã bị tiêu diệt, gây ra một tình trạng hỗn loạn sẽ làm cho cho sự ngăn chận Cọng Sản chiếm quyền khó khăn hơn.

"Quốc Hội, cũng như nhân dân Hoa Kỳ, lệ thuộc báo chí về tin tức. Ngay cả các nhân viên Chính Phủ cũng rất bị ảnh hưởng bởi những gì mà họ đọc trong báo tuy rằng họ có những nguồn tin tức đặc biệt. Cho nên nói rằng báo chí có vai trò đặt ra chính sách là rất đúng nghĩa.

“Tôi tin rằng các nhà báo sẽ làm một việc rất hữu ích nếu họ tự đặt vài câu hỏi về điểm: làm sao mà những tờ báo lớn của nước Mỹ có thể lừa dối chúng ta trầm trọng như thế trong những tình trạng nêu trên.”

Ông mong rằng “tất cả các thành viên của Thượng Viện sẽ tìm được thì giơ để đọc bản phúc trình này và suy ngẫm về về những hàm ý của nó”.

Mặc dầu có lời cảnh cáo của Thượng Nghị sĩ Thomas Dodd, bản phúc trình của phái đoàn Liên Hiệp Quốc vẫn không được in ra và phổ biến cho mọi người biết.

Chúng tôi đã dịch xong bản phúc trình này, dày khoảng 1000 trang, gồm cả bản dịch bằng tiếng Việt lẫn nguyên văn bản chính bằng tiếng Anh, để đưa ra ánh sáng những sự thật đã bị dấu diếm rất kỷ trong suốt 47 năm qua. Chúng tôi mong rằng, nhờ đọc tài liệu này, các thế hệ tới của thế giới, nhất là của Việt Nam và Hoa Kỳ, sẽ biết rõ hơn đâu là sự thật.

PHỊA SỬ ĐÃ BỊ LỘT MẶT NẠ

Trong 47 năm qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và CIA đã nhiều lần vẽ lại lịch sử để tạm thời che đậy những chính sách thô bạo của Hoa Kỳ. Đúng như Thượng Nghị Sĩ Thomas Dodd đã nói, giới truyền thông và một số sử gia cũng đã toa rập với Bộ Ngoại Giao và CIA để làm chuyện đó.

Phía Việt Nam, phe Phật Giáo đấu tranh dĩ nhiên là phải dùng phịa sử để che đậy những sai lầm của họ, đưa Phật Giáo và Miền Nam vào những ngày đen tối và cuối cùng Miền Nam bị mất. Từ những cao tăng như Thích Trí Quang, Thích Đức Nhuận, Thích Nhất Hạnh... đến các thành phần cắc ké như Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Thanh, Đỗ Mậu, Vũ Ngự Chiêu, Nguyễn Mạnh Quang, Lê Cung (Tiến sĩ sử ở Huế!)... đều viết phịa sử hay viết sử “theo lề đường bên phải”.

Cũng có người Mỹ đã viết phịa sử kinh hoàng không khác gì người Việt, chẳng hạn như cuốn “The Deaths of the Cold War Kings: The Assassinations of Diem & JFK” do Bradley S.O’leary & Edward Lee sáng chế, xuất bản năm 2000. Trong cuốn này, hai tác giả đã chứng minh rằng ông Diệm và ông Nhu buôn thuốc phiện lậu nên bị Tổng Thống Kennedy ra lệnh giết, sau đó Mafia Mỹ đã hợp tác với tập đoàn bạch phiến Pháp và chính quyền Nam Việt Nam giết Tổng Thống Kennedy!

Dĩ nhiên, dư luận Mỹ chẳng ai quan tâm gì đến loại sách viết nhảm nhí như vậy, nhưng “phe ta” mừng như vớ được của, vội dịch ra tiếng Việt, in thành sách, phổ biến trên thị trường và trên internet, có Trần Chung Ngọc trình trọng giới thiệu... Nhưng rồi nó cũng chỉ nằm trong thùng rác.

Hiện nay, ngoài những đống tài liệu do văn khố Mỹ tiết lộ, các sử gia và học giả đã khám phá ra nhiều bằng chứng cho thấy Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, CIA và một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã ngụy tạo nhiều sự kiện để thực hiện biến cố ngày 1.11.1963, đưa miền Nam Việt Nam vào những ngày đen tối. Sau đây là một số sách đã công bố những tài liệu này:

“Our Vietnam Nightmare” của Marguerite Higgins; “A Death in November, America in Vietnam 1963” của Ellen J.Hammer; “The Year of the Hare, American in Vietnam, January 25, 1963 February 15, 1964” của Francois Xavier Winters; “Lodge in Vietnam, A Patriot Abroad” của Anne Blair, “The Dark Side of Camelot” của Seymour M. Hersch. Đặc biệt, cuốn “Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954-1965” của Mark Moyar, được Minh Võ dịch là “Chiến thắng bị bỏ lỡ”, còn Giáo Sư Tôn Thất Thiện đề nghị dịch là "Thắng lớn không chịu, để bị bại nhục nhã: Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam, 1954-1965". Đây là một cuốn sách của một giáo sư trẻ (sinh năm 1971), không liên hệ gì đến chiến tranh Việt Nam, đã sưu tầm và cung cấp cho chúng ta rất nhiều tài liệu hữu ích chưa từng biết đến trước đây. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn còn biết quá ít về biến cố Phật Giáo tại Nam Việt Nam, nên các học giả và sử gia Việt Nam phải làm sáng tỏ thêm vấn đề này.

Ngày 24.6.1964, Đại Sứ Cabot Lodge đã mặc áo gấm, chít khăn xếp, rời Việt Nam. Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, hàng ngàn tăng ni Phật tử đã tiển đưa một “người ân nhân” đã “cứu Phật Giáo” trong bùi ngùi và luyến tiếc.

Ngày 25.8.1965, “người ân nhân” này đã quay trở lại Việt Nam, nhưng không phải để “cứu Phật Giáo”, mà để bật đèn xanh cho chính phủ Nguyễn Cao Kỳ thanh toán các cuộc nổi loạn của Phật Giáo. Sau đó, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đứng về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đó là một “thành tích” lớn của Quan Thái Thú Lodge ở Nam Việt Nam.

Ngày 2.11.2010

Lữ Giang


Một Kế Hoạch Đảo Chánh Tinh Vi - Lữ Giang
Trong cuốn “A Death in November. The Struggle for Indochina”, sử gia Ellen J. Hammer cho biết ông Mieczyslaw Maneli, trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, đã tiết lộ rằng hôm 2.9.1963, ông có gặp và hỏi ông Ngô Đình Nhu về lời kêu gọi ngưng bắn của Tướng De Gaulle và ông Nhu đã trả lời như sau:


“Về De Gaulle, trong khi ông ta có quyền có ý kiến của những kẻ không dự phần vào cuộc chiến, ông ta không có quyền can thiệp. Lòng trung thành của chúng tôi đối với người Mỹ không cho phép chúng tôi nhận xét về lời tuyên bố khác. Người Mỹ là người duy nhất trên trái đất dám giúp Nam Việt Nam. Vì thế tôi không có bình luận.”

Nghe lời tường thuật này, ông Roger Lalouette, đại sứ Pháp tại VNCH lúc đó đã tỏ ra thất vọng và nói với ông Maneli:

“Nếu ông ta (ông Nhu) không từ bỏ những ảo tưởng này, ông ta sẽ thua. Đó là một sai lầm thê thảm.” (If he does not rid himself of these illusions, he will be lost. It is a tragic mistake.)

Nhận định của Đại Sứ Lalouette đã trở thành sự thật. Chỉ vì tin vào người Mỹ, ông Diệm và ông Nhu đã bị giết, và cả miền Nam đã bị mất!

Khi ông Nhu nói những lời trên với ông Maneli, ông không biết số mệnh của chế độ Ngô Đình Diệm đã được Washington quyết định rồi.

TÁC GIẢ KẾ HOẠCH ĐẢO CHÁNH

Đọc tài liệu và phỏng vấn các nhân chứng, chúng tôi thấy trên thế giới chưa có kế hoạch đảo chánh nào đã được CIA soạn thảo một cách chu đáo và tỉ mỉ như kế hoạch đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trước tiên, kế họach đó đã được đề nghị trong phúc trình ngày 16.8.1962 của Joshep A. Mendenhall, một thành viên trong Toán Việt Nam của Harriman, sau một chuyến viếng thăm Việt Nam. Mendenhall nói “Chúng ta không thể thắng cuộc chiến với phương thức của Diệm – Nhu”, vậy cần phải lật đổ chế độ này. Nhưng ông nói rõ rằng cuộc đảo chánh phải nằm trong tay Hoa Kỳ, nhưng tránh đừng để dân chúng nghĩ rằng tân chính phủ là bù nhìn của chúng ta. Ông viết:

“Các viên chức thích hợp của Hoa Kỳ phải âm thầm chọn lựa một ít người Việt Nam có khả năng làm đảo chánh (như Nguyễn Ngọc Thơ và Dương Văn Minh) và cho biết sẵn sàng ủng hộ một cuộc đảo chánh trong thời gian thích hợp. Chúng ta đứng đàng sau hậu trường làm cố vấn, còn để cho người Việt thực hiện tất cả.”

(FRUS 1961 – 1963, Volume II, tr. 596 – 601).

Đề nghị của Joshep A. Mendenhall đã được thực hiện gần như toàn bộ trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 sau này.

Ông Cao Xuân Vỹ kể lại, sau khi Mendenhall gặp ông Diệm và ra về, ông Diệm đã lầu bầu với các nhân viên trong văn phòng: “Cái thằng con nít này nó sẽ giết mình.” Sự tiên đoán này hoàn toàn đúng!

Việc triển khai kế hoạch của Mendenhall rất phức tạp. Chúng tôi phải tham khảo rất nhiều tài liệu, nhất là hồi ký của các tướng Việt Nam nắm vai trò chủ chốt trong cuộc đảo chánh như Tướng Trần Văn Đôn, Tướng Tôn Thất Đính, v.v, sau đó trong nhiều năm, chúng tôi phải tìm kiếm và phỏng vấn các nhân chứng liên hệ mới có thể khám phá ra được kế hoạch đảo chánh đã thật sự được hoạch định và thực hiện như thế nào.

LỰC LƯỢNG DÙNG ĐẢO CHÁNH

Trước hết, CIA đã biến Tướng Trần Thiện Khiêm và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu thành những người được ông Diệm và ông Nhu tin cậy nhất, cho giữ những chức vụ then chốt bảo vệ chế độ, để thực hiện cuộc đảo chánh khiến hai ông không ngờ được.

CIA thấy rằng không lực lượng nào đang đóng tại Sài Gòn đủ khả năng chống lại Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và Lực Lượng Đặc Biệt của ông Diệm. Vì thế, CIA đã quyết định dùng Sư Đoàn 5 của Đại Tá Thiệu làm lực lượng chính.

Trong công điện ngày 22.10.1963 gởi cho phụ tá trưởng Phòng Tình Báo thuộc Bộ Quốc Phòng, ông Jones, Tùy Viên Quân Sự tại Việt Nam, đã báo cáo rằng có ít nhất 4 tướng lãnh và 6 đại tá tham gia đảo chánh, trong đó có Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5. (FRUSS, 1961 – 1863, Volume IV, tr. 419 – 420).

Lúc 9 giờ 21 phút tối 29.10.1963 Trung Ương CIA ở Washington đã gởi cho Trạm CIA tại Sài Gòn một công điện về tương quan lực chung quanh Sài Gòn đã nói rõ Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, về phía bắc, có 9.200 quân, do Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy, được tướng Đôn xác nhận toàn bộ sư đoàn này theo phe đảo chánh (Don’s claim of whole divison). Báo cáo do Hilsman soạn thảo ngày 29.10.1963 cũng đã xác định về sự tham gia đảo chánh của toàn bộ Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm như sau: “Tất cả theo đảo chánh.” (All with coup).

Ngoài Sư Đoàn 5 của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, nhóm đảo chánh đã quyết định dùng hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên (cháu Đỗ Mậu), Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến chỉ huy làm lực lượng xung kích, Trung Đoàn 1 Thiết Giáp ở Gò Vấp bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu và yểm trợ Thủy Quân Lục Chiến chiếm Dinh Gia Long, và khoảng 16.000 tân binh quân dịch ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung do Tướng Mai Hữu Xuân chỉ huy chiếm một số cơ sở phụ trong đô thành Sài Gòn.

Trung Đoàn 1 Thiết Giáp ở Gò Vấp do Đại Úy Dương Hiếu Nghĩa chỉ huy, được phân công như sau: Chi Đoàn 1/1 Chiến Xa M24 do Đại Úy Bùi Văn Ngãi chỉ huy, yểm trợ chiếm Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long. Hai Chi Đoàn Thiết Vận Xa M113 là 4/1 do Đại Úy Trần Văn Thoàn chỉ huy và 5/1 do Trung Úy Nguyễn Văn Tỷ (thay Đại Úy Hà Mai Việt) chỉ huy, sẽ phối hợp với hai Chi Đoàn Thám Thính M114 là 2/1 và 3/1 bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu.

Lực lượng của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung chiếm phi trường Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng Tham Mưu và Đài Phát Thanh Quân Đội ở Quang Trung.

Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đưa Sư Đoàn 5 bao vây Sài Gòn và sẽ tiến vào thủ đô khi các lực lượng ở bên trong bắt đầu khai chiến.

PHÁ THẾ GỌNG KỀM CỦA ÔNG NHU

Để bảo vệ Thủ Đô, ông Nhu giao cho Quân Đoàn III chỉ huy luôn Sư Đoàn 7 ở Định Tường và cử Đại Tá Lâm Văn Phát làm tư lệnh sư đoàn này thay Đại Tá Bùi Đình Đạm. Ông Nhu nghĩ rằng Sư Đoàn 5 giữ phía Bắc và Sư Đoàn 7 giữ phía Nam sẽ tạo thành một “thế gọng kềm Nam – Bắc” bảo vệ Thủ Đô khi có nguy biến.

Tại Sài Gòn đã có sẵn hai lực lượng có khả năng chống lại bất cứ cuộc đảo chánh nào, đó là Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và Lực Lượn Đặc Biệt. Vì thế, CIA đã bàn với các tướng đảo chánh kế hoạch đưa Lực Lược Đặc Biệt ra khỏi Thủ Đô và chuyển Sư Đoàn 5 vào mà không bị nghi ngờ gì cả. Do đó, một tuần trước ngày đảo chánh, Tướng Trần Văn Đôn đã vào trình Tổng Thống Diệm rằng các tin tình báo cho biết một số đơn vị Việt Cộng đã xâm nhập vào vùng ven đô. Đặc biệt tại khu Hố Bò ở Củ Chi, Gia Định, phía Tây và Tây Bắc Sài Gòn. Tại đây, Việt Cộng đã thiết lập một vùng Tam Giác Sắt với hệ thống mật khu vòng đai như Hố Bò, Bời Lời và Long Nguyên. Việt Cộng đã xử dụng Hố Bò làm địa bàn liên lạc. Tướng Đôn xin Tổng Thống cho xử dụng Lực Lượng Đặc Biệt và Sư Đoàn 5 để mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng. Tổng Thống đồng ý.

Được sự chấp thuận của Tổng Thống Diệm, Tướng Đôn đã ra lệnh Đại Tá Lê Quang Tung cho lập kế hoạch hành quân đưa Lực Lượng Đặc Biệt đi tảo thanh vùng Hố Bò, còn Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu lập kế hoạch hành quân vùng ven đô.

Được lệnh, Đại Tá Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tá Lộ Công Danh, Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn 5, lập kế hoạch hành quân. Kế hoạch này được đặt tên là “Kế Hoạch Hành Quân Rừng Sát”. Theo kế hoạch, Trung Đoàn 7 sẽ về đóng tại Hàng Xanh, Trung Đoàn 8 đóng tại cầu Bình Lợi và Trung Đoàn 9 đóng ở cầu Bến Lức. Đây là lực lượng chính của quân đảo chánh.

Ngày 31.10.1963, Tổng Thống Diệm đã ký Sự Vụ Lệnh cho phép mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng ở khu Hố Bò. Ông Diệm đã trúng kế CIA!

Có Sự Vụ Lệnh của Tổng Thống, Tướng Đính đã ra lệnh cho Đại Tá Lê Quang Tung xử dụng Lực Lượng Đặc Biệt mở cuộc hành quân giải tỏa khu Hồ Bò, đưa Lực Lượng này ra khỏi Thủ Đô. Mật lệnh giữa Quân Đoàn III và Lực Lượng Đặc Biệt là Bravo I. Trong khi đó Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được lệnh đưa Sư Đoàn 5 về Sài Gòn để mở “cuộc hành quân ven đô”â. Nhưng Đại Tá Thiệu chỉ được đem quân vào Thủ Đô để tấn công Dinh Gia Long khi có mật lệnh Bravo II.

(Tôn Thất Đính, 20 Năm Binh Nghiệp, tuần báo Chánh Đạo, San Jose, 1998, tr. 437)

Đại Tá Phát được lệnh của Tổng Thống Điệm phải đến trình diện Quân Đoàn III vào ngày 30 hay 31.10.1963 và đến nhận chức ở Mỹ Tho vào ngày 1.11.1963. Nhưng khi đến trình diện ở Quân Đoàn III, Đại Tá Phát đã bị nhóm thuộc đơn vị tham mưu do Đại Tá Nguyễn Hữu Có chỉ huy, bí mật giữ lại tại Quân Đoàn III trước khi Trung Tá Nguyễn Khắc Bình tố cáo với ông Nhu rằng Đại Tá Có rủ rê ông tham gia đảo chánh.

Tướng Trần Văn Đôn cho biết thêm:

Tối ngày 31 tháng 10, sau khi dùng cơm ở nhà hàng Trung Hoa với Tướng Weede, Tham Mưu Trưởng của Tướng Hatkins, ông có ghé thăm Tướng Đính tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III vào lúc 11 giờ 30 và nói quyết định của ông đưa Đại Tá Nguyễn Hữu Có xuống làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 kể từ ngày 1.11.1963. Trưa 1.11.1963, Tướng Đính gọi điện yêu cầu Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Đạm bàn giao Sư Đoàn 7 cho Đại Tá Có. Tướng Đôn đã ra lệnh ngay.

Như vậy, cái “thế gọng kìm Nam – Bắc” mà ông Nhu quyết định thành lập để bảo vệ Thủ Đô đã bị biến thành cái gọng kìm đánh sập chế độ. Ông Nhu không hề hay biết gì về chuyện này.

MỞ CUỘC HÀNH QUÂN

Trước ngày đảo chánh, hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên chỉ huy gồm có Tiểu Đoàn 1 của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 4 của Đại Úy Lê Minh Hằng, được lệnh mở cuộc hành quân giả đánh vào núi Thị Vãi ở Ba Rịa, rồi bất thần quay về chiếm Tổng Nha Công An Cảnh Sát, đài Phát Thanh Sài Gòn và tấn công vào Dinh Gia Long.

Đúng 1 giờ trưa, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho một số đơn vị của cả ba trung đoàn thuộc Sư Đoàn 5 di chuyển về Saigon, một phần đóng ở ngã tư Hàng Xanh, một phần đóng ở cầu Bình Lợi và một phần đóng ở Phú Lâm để ngăn chận quân cứu viện từ ngoài tiến về giải cứu Sài Gòn.

Ông Cao Xuân Vỹ, tổng giám đốc Nha Thanh Niên, cho biết lúc 1 giờ 30, khi nghe tiếng súng bắt đầu nổ ran tại một vài nơi ở Sài Gòn, ông đã gọi cho ông Ngô Đình Nhu tại Dinh Gia Long để hỏi thăm tin tức. Ông Nhu bảo ông Vỹ đi quanh một vòng xem tình hình như thế nào. Ông Vỹ lái xe đi một vòng rồi vào báo tin cho ông Nhu biết tình hình vẫn yên tĩnh. Ông Nhu hỏi: “Chúng nó lấy lực lượng mô mà đảo chánh?” Ông Nhu nhắc lại sáng nay Đại Tá Thiệu mới đến đây nói chuyện và báo cáo tình hình vẫn yên tĩnh!

Vì thành Cộng Hòa được phòng thủ khá kiên cố nên Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp không thể chọc thủng được, Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Thiệu đưa Sư Đoàn 5 tấn công vào Thành Cộng Hòa, nhưng Đại Tá Thiệu trả lời chưa chuyển quân tới Sài Gòn được, mặc dầu lúc đó Trung Đoàn 7 đang có mặt trên xa lộ Biên Hòa. Đại Tá Thiệu muốn xem tình hình như thế nào rồi mới quyết định hành động.

Buổi chiều, bản doanh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 và một bộ phận chỉ huy của Trung Đoàn 7 đã được đưa vào đặt tại Trường Đại Học Sư Phạm ở đường Cộng Hòa. Một phần của lực lượng Trung Đoàn 7 đã tiến vào chiếm giữ một số vị trí đã định ở thủ đô.

Cho đến giữa đêm mồng 1 rạng ngày 2.11.1963, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù từ Trung Tâm Vạn Kiếp đến, vẫn không phá vỡ được Thành Cộng Hòa. Đại Úy Bùi Ngươn Ngãi chỉ huy Chi đoàn 1/1 Chiến Xa M24 tiến lên khai chiến với Liên Binh Phòng Vệ ở Thành Cộng Hoà thì bị bắn tử thương ngay trong chiến xa. Cái chết của Đại Úy Ngãi ngay trong chiến xa đã khiến các chi đoàn chiến xa tham gia đảo chánh phải chùng lại.

Sau cái chết của Đại Úy Ngãi, Tướng Đôn lại ra lệnh cho Đại Tá Thiệu phải cho Sư Đoàn 5 tấn công ngay. Không thể trì hoãn được nữa, Đại Tá Thiệu đã ra lệnh cho Trung Đoàn 7 do Thiếu Tá Vũ Ngọc Tuấn chỉ huy, Đại Đội 5 Thám Báo và một pháo đội hổn hợp mở cuộc tấn công yểm trợ. Với sự yểm trợ của Sư Đoàn 5, lực lượng đảo chánh vẫn không chiếm được Thành Cộng Hòa.

Tướng Tôn Thất Đính cho Tướng Đôn biết Đại Tá Lâm Văn Phát tình nguyện chỉ huy cuộc tấn công vào Thành Cộng Hoà. Tướng Đôn hứa sẽ thăng Đại Tá Lâm Văn Phát lên Thiếu Tướng nếu Đại Tá Phát thanh toán xong Thành Cộng Hoà. Nhưng sau đó không nghe tin gì về việc Đại Tá Phát tấn công vào Thành Cộng Hoà. Có lẽ Đại Tá Thiệu không chịu trao quân.

Tướng Đôn ra lệnh Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Lê Hằng Minh bao vây Dinh Gia Long, và hứa sẽ cho lực lượng của Sư Đoàn 5 và chiến xa đến yểm trợ sau khi chiếm xong Thành Cộng Hoà.

Lúc 3 giờ sáng ngày 2.11.1963, sau khi vừa chiếm xong Thành Cộng Hoà, Tướng Đôn ra lệnh cho Đại Tá Thiệu tấn công vào Dinh Gia Long.

Mặc dầu trong Dinh Gia Long chỉ có một đại đội Cận Vệ do Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc chỉ huy, nhưng việc tấn công Dinh Gia Long không dễ dàng vì tại đây có những công sự chiến đấu rất vững chắc. Vã lại, còn nhiều đại đội bộ binh và chi đội thiết giáp của Liên Binh Phòng Vệ đang đóng tại Dinh Độc Lập, Vườn Tao Đàn và Sở Thú. Họ chưa có hành động nào vì phải chờ lệnh của Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn ra lệnh cho Tướng Đính phải thanh toán Dinh Gia Long trước khi hừng sáng, nhưng đến 4 giờ 30 sáng 2.11.1963, Tướng Đính cho biết Thiết Giáp của quân đảo chánh ở ngoài và Thiết Giáp bảo vệ Dinh Gia Long không muốn đánh nhau. Tướng Đính ra lệnh cho Đại Tá Thiệu phải chiếm được Dinh Gia Long trước 6 giờ sáng.

Bỗng nhiên, lúc 5 giờ 15 sáng 2.11.1963, Tổng Thống Diệm đã ra lệnh cho Liên Binh Phòng Vệ buông súng, sau đó ông và ông Nhu rời khỏi nhà Mã Tuyên để đi vào nhà thờ Cha Tam.

Chiều 3.2.1963, chính Tướng Trần Thiện Khiêm đã đích thân đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ở Biên Hoà gắn lon Thiếu Tướng cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu.

CHẾT VÌ “QUÂN TỬ TÀU”

Bây giờ các bí mật lịch sử đã được tiết lộ gần hết, nên những nỗ lực biện minh hay bôi bác “lãnh tụ” hay sự kiện lịch sử mà “người Việt Quốc gia” đã thực hiện không ngừng nghỉ trong 47 năm qua, đang trở thành vô giá trị. Thế hệ tới sẽ không đọc những tài liệu nhảm nhí đó mà chỉ đọc những tài liệu có căn bản sử học.

Đã đến giai đoạn PHẢI TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ: Ai có công sẽ được tổ quốc ghi ơn, ai làm sai sẽ bị lịch sử lên án. BIỆN MINH HAY BÔI BÁC KHÔNG THỂ SỬA LẠI LỊCH SỬ ĐƯỢC.

Mặc dầu CIA đã phối hợp với một số tướng lãnh thảo ra một kế hoạch đảo chánh rất tinh vi, nhưng ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh Gia Long mà chẳng ai biết. Tướng Đôn cho biết khi nghe tin này, Lucien Conein, người chỉ đạo cuộc đảo chánh, đã điên lên và thét lớn:

- Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt lại cho kỳ được vì rất quan trọng.

Ông ta nói bằng tiếng Pháp:

- On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs. (Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những cái trứng).

Nhưng rồi chính ông Diệm đã quyết định số mạng của mình và số mạng của đất nước.

Ngày 26.9.1963, Bộ Trưởng McNamara cho biết ông có nói chuyện với ông Smith, giáo sư một trường đại học hàng đầu ở Mỹ, nói tiếng Việt rất trôi chảy. Khi nói về tương quan giữa ông Diệm và ông Nhu, ông Smith có nhận định như sau:

“Ông Diệm không thể tồn tại quá 24 giờ nếu không có ông Nhu nắm vững dây cương và điều hành căn bản quyền hành cần thiết cho sự sinh tồn của ông ta. Nhu không thể tồn tại quá 24 giờ nều không có chiếc áo khoác uy tín của ông Diệm. Mỗi người biết rằng họ cần nhau.”

Nhưng quyết định tối hậu vẫn nằm trong tay ông Diệm. Vì thế CIA đã dùng Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần để tách ông Nhu ra khỏi ông Diệm. Trong những ngày cuối, ông Diệm không còn tin ông Nhu nữa.

Tuy chịu ảnh hưởng khá nhiều của Tây học, ông Diệm đã hành xử theo bản chất của một Quân Tử Tàu khi đối phó với một biến cố quyết định số phận của chính mình và của đất nước.

Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có 2 tiểu đoàn gồm khoảng 1500 quân, chia ra thành 6 đại đội, đang đóng rãi rác ở Sở Thú, Thành Cộng Hòa, Dinh Độc Lập (đang xây) và vườn Tao Đàn, có thêm Tiểu Đoàn 41 Biệt Động Quân do Đại Úy Sơn Thương làm tiểu đoàn trưởng đến tăng cường. Ngoài ra, liên binh còn có một liên chi đoàn Thiết Giáp, một đại đội Phòng Không và một đại đội Truyền Tin. Nếu quyết chiến, quân đảo chánh khó thắng được.

Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ, tư Llệnh phó Liên Binh Phòng Vệ cho biết khi quân đảo chánh bắt đầu mở cuộc tấn công, ông đã thăm dò và biết được bộ tham mưu của nhóm đảo chánh đang đóng ở Bộ Tổng Tham Mưu với một lực lượng bảo vệ khá sơ sài, ông đã xin phép Tổng Thống Diệm cho bỏ Thành Cộng Hòa và dùng 3 đại đội của lữ đoàn phối hợp với liên chi đoàn Thiết Giáp mở cuộc tấn công chiếm Bộ Tổng Tham Mưu. Nhưng tổng thống không đồng ý và ra lệnh qua sĩ quan tùy viên: “Bảo Duệ đừng nóng nảy, tổng thống đang liên lạc với các nhóm tướng lãnh để tránh đổ máu.”

Đại Úy Đỗ Thọ, tuỳ viên của ông Diệm, đã kể lại rằng lúc đang ở nhà Mã Tuyên, khi nghe tin quân đảo chánh và quân trong dinh Gia Long đang giao tranh, Tổng Thống Diệm nói: “Vậy đổ nát, chết chóc, không lợi chi cả!” Sau đó, ông đã quyết định ra lệnh cho Liên Binh Phòng Vệ buông súng, rồi đi vào nhà thờ Cha Tam xưng tội và rước lễ trước khi ra trình diện quân đảo chánh. Ông vẫn tin rằng với tư thế của ông, chẳng ai dám làm hại ông và các tướng lãnh đảo chánh sẽ để cho ông và ông Nhu ra đi. Nhưng ông đã lầm.

Nói tóm lại, mặc dầu đã ở vào cuối thế kỷ 20, ông Diệm vẫn còn dùng đạo Nho để ứng phó với tình thế. Do đó, khi ông vừa bị giết, tạp chí Time số ra ngày 8.11.1963, đã viết bài “Last of the Mandarins” (Vị Quan Lại cuối cùng) nói rằng “Vị quan lại ở trong dinh, xem ra đã không tiếp xúc với thực tế”.

Cổ nhân nói: “Sư trúc tâm hư nhi hữu tiết; hiệu mai cốt thiết khả sinh xuân” (Học theo trúc, rỗng lòng nhưng mắt cứng; Bắt chước mai, xương sắt nảy mầm xuân) và coi đó như đạo đức của người quân tử.

Ông Diệm lấy khẩu hiệu là "Tiết trực tâm hư" (đốt thẳng, ruột rỗng) và cứ sống như thế nên bị CIA giết.


Lữ Giang
--------------
“…Hoa Kỳ đang cố gắng vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam để xóa dần những ấn tượng không đẹp về nước Mỹ và mở đường quay trở lại Đông Nam Á…”

Tiếp tục vẽ lại lịch sử! (Lữ Giang)

Một cuộc hội thảo về lịch sử với đề tài “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á từ 1946 đến 1975” (The American Experience in Southeast Asia, 1946-1975) vừa được tổ chức tại East Auditorium, George C. Marshall Conference Center của Bộ Ngoại Giao ở Washington DC trong hai ngày 29 và 30.9.2010. Hà Nội đã theo dõi rất kỹ cuộc hội thảo này vì họ muốn biết người Mỹ muốn nói gì với họ. Trong khi đó, người Việt chống cộng ở hải ngoại vốn có truyền thống “chống cộng theo cảm tính” , không cần biết Đồng Minh và Địch làm gì, nên ít ai chú ý.

Cuộc hội thảo đã quy tụ các học giả, sử gia, các nhà ngoại giao và những người có nhiều hiểu biết về vấn đề được thảo luận... Đặc biệt, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, một trong những người quyết định số mạng của miền Nam Việt Nam trước đây, đã đến thuyết trình và phát biểu ý kiến.

Cố gắng vẽ lại lịch sử

Cứ mỗi lần muốn thực hiện một chính sách mới, Hoa Kỳ thường tìm cách giải thích lại lịch sử theo một chiều hướng mới để biện minh cho những chính sách thô bạo đã từng bị lên án trong quá khứ. Hiện nay, Hoa Kỳ đang cố gắng vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam để xóa dần những ấn tượng không đẹp về nước Mỹ và mở đường quay trở lại Đông Nam Á.

Trong quá khứ, Hoa Kỳ cũng đã cố gắng vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam nhiều lần, nhưng lần này xem ra ít trắng trợn hơn, vì có quá nhiều sự kiện lịch sử đã được tiết lộ không còn có thể cãi chày cãi cối hay bóp méo được.

Có thể nói, với chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã có hai quyết định rất tai hại đã làm thế giới mất niềm tin vào Hoa Kỳ: Quyết định thứ nhất là thuê một số tướng lãnh thiếu tư cách và khả năng của miền Nam làm đảo chánh lật đổ và giết Tổng thống Ngô Đình Diệm, đổ quân vào miền Nam Việt Nam và giành quyền lãnh đạo cuộc chiến, đưa miền Nam vào những ngày đen tối. Quyết định thứ hai là bán đứng miền Nam cho Mao Trạch Đông để rút quân ra. Lịch sử tham dự vào cuộc chiến Việt Nam của Hoa Kỳ đã được thu gọn vào trong hai biến cố đó. Nhưng biến cố thứ nhất gây nhiều nhức nhối cho Hoa Kỳ hơn, vì nó quá tàn bạo, sai lầm và không thể biện minh được.

Thiên bất dung gian!

Năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam bị mất, dư luận cho rằng nguyên nhân của sự thất bại này là do Mỹ lật đổ ông Diệm để đổ quân vào, do đó Hoa Kỳ đã tìm cách sửa lại lịch sử để biện minh rằng việc lật đổ đó là do các tướng lãnh Việt Nam chủ động chứ không do chủ trương của Hoa Kỳ.

Vào tháng 12/1975, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thành lập một ủy ban đặc biệt điều tra cơ quan CIA về các âm mưu ám sát các lãnh tụ ngoại quốc gồm có các nhân vật sau đây: Patrice Lumumba (Congo), Fidel Castro (Cuba), Rafael Trujillo (Dominican Republic), Ngô Đình Diệm (Vietnam) và Rene Schneider (Chile). Ủy Ban này do Thượng Nghị Sĩ Franck Church làm chủ tịch nên thường được gọi là “Church Committee”. Tuy cuộc điều tra liên hệ đến 5 nhân vật, nhưng mục tiêu chính là nhắm vào vụ giết Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Tổng thống Ngô Đình Diệm
Tổng thống Ngô Đình Diệm

Bản “Phúc Trình về Cuộc Đảo Chánh ông Diệm” (Church Committee Report on Diem Coup) của Ủy Ban đã soạn rất cẩu thả và cố tình dựa vào những sự kiện hoàn toàn bịa đặt để biện minh và “giải tội” cho CIA.

Về biến cố trước đài phát thanh Huế ngày 8.5.1963, bản phúc trình viết: “Quân Đội Nam Việt Nam ở thành phố Huế đã bắn vào các Phật tử đang cử hành Lễ Phật Đản, giết chết 8 người và làm bị thương 14 người”. Trong khi đó Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn báo cáo rằng các nạn nhân bị tử thương trước đài phát thanh Huế là do chấn động của một chất nổ chứ không phải do mảnh lựu đạn (FRUS, 1961 – 1963, III, tr. 366 – 369). Bản cáo trạng truy tố Đặng Sỹ (hiện được giữ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ) cho rằng đó là lựu đại khói MK3, còn các chuyên viên tin rằng đó là chất nổ plastic. Sau này phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc cũng kết luận như thế. Nhưng cuộc tra không khám phá ra được ai đã đặt hay ném trái chất nổ đó. Làm gì có chuyện “Quân Đội Nam Việt Nam ở thành phố Huế đã bắn vào các Phật tử đang cử hành Lễ Phật Đản” ?

Về cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Ủy Ban lấy lời khai bố lếu bố láo của Lucien Conein rồi kết luận CIA không dính líu gì đến vụ đảo chánh và giết ông Diệm. Trong khi đó, có một nhân chứng quan trọng đã được Tổng thống Kennedy ra lệnh điều tra xem chuyện gì đã xảy ra sau cái chết của ông Diệm, nhưng lại không được Ủy Ban hỏi đến, đó là ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963. Đặc biệt, các tướng lãnh Việt Nam thực hiện cuộc đảo chánh 1963 theo lệnh của CIA đang có mặt tại Hoa Kỳ hay ở hải ngoại như Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, v.v., cũng không hề được Ủy Ban kêu ra làm nhân chứng.

Nhưng “Trời bất dung gian”! Ngày 28.2.2003, văn khố Mỹ đã công bố đoạn băng ghi lại cuộc nói chuyện giữa Tổng Thống Johnson với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthay trong đó có đoạn như sau:
“Ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và xử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa để hạ sát ông ta...”

Ít phút sau, ông lại nói với Tướng Maxwell D. Taylor như sau:

“Họ khởi đầu và nói: "Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.”

Còn ông William R. Corson xác nhận:

“Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện”.
Ngày nay, chính Tướng Trần Thiện Khiêm cũng đã thú nhận ông làm theo lệnh của CIA.

Chơi trò đánh lận con đen

Vào đầu năm 2009, hai tập sách được nói là “tài liệu tối mật” của CIA được công bố, một mang tên là “CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963" (gồm 228 trang, 15 chương) và một mang tên “CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam” (gồm 245 trang, 10 chương). Trên mỗi tập đều có ghi rõ “SECRET” (Bí Mật). Hai tập sách này được phổ biến rộng rãi trên internet, bất cứ ai cũng có thể lấy xuống để đọc, không cần phải mua như các tài liệu được giải mã trước đây.

Đọc hai cái đầu đề nảy lửa của hai tập sách nói trên, Luật sư Trịnh Quốc Thiên đã vội chụp lấy và hô to: “Chúng tôi hiện có trong tay nhiều tài liệu TOP SECRET (đã giải mật) của cơ quan CIA để kính tường quý vị độc giả gần xa...”! Một số “bình luận gia ta” cũng đã hô to lên như vậy. Sau đó họ trích dẫn búa xua để phản bác những bài viết về chiến tranh Việt Nam của nhiều người.

Nhưng đọc kỹ lại hai “tài liệu” đó thì thấy đây chỉ là trò đánh lận con đen của CIA. Hai tập này không phài là hai tập “tài liệu tối mật” của CIA mà chỉ là hai tập sách của của Thomas L. Abern, Jr tóm lược những tài liệu mật (classified) và không mật (unclassified) liên quan đến việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam đã được công bố từ trước, chỉ có một số nhỏ mới được công bố ngày 23.3.1999. Luật sư Trịnh Quốc Thiên ít khảo cứu các tài liệu lịch sử, không đọc 24.500 trang tài liệu (mật và không mật) đã được công bố trước đó liên quan đến chiến tranh Việt Nam, nên tưởng “bắt được của” và đưa ra cãi chày cãi cối!

Nói xuôi nói ngược

Trong hai tập sách nói trên, Thomas L. Abern, Jr. chỉ lượm ra một số chuyện lặt vặt để “hoá giải” một phần trách nhiệm của Hoa Kỳ chứ không tóm lược tiến trình Hoa Kỳ đã can thiệp vào miền Nam, nên người đọc không thể có một cái nhìn tổng quát về vai trò của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tiến trình đó có thể được tóm gọn như sau:

Ngày 7.7.1954 ông Diệm bắt đầu chấp chánh. Lập tức ngày 20.8.1954 Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra nghị quyết số NSC 5429/2 và thúc ép chính quyền Ngô Đình Diệm đi theo. Nghị quyết đó như sau:
“Pháp phải trao trả hoàn toàn độc lập (kể cả quyền rút lui khỏi Liên Hiệp Pháp) cho Việt Nam và ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh. Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử quốc hội, soạn thảo hiến pháp và truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp”.
Để miền Nam có “một chính phủ bản xứ mạnh”, Hoa Kỳ đã hướng dẫn chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập một chế độ độc đảng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Đài Loan. Chủ trương này đã bị một số viên chức Hoa Kỳ đang hành sự tại Việt Nam phản đối, Nhưng Đại sứ Reinhardt nói rằng “một quyết định về chính sách của Hoa Kỳ đã được được định rồi (a U.S. policy decision had been made). Người Mỹ chúng ta phải giúp đỡ những gì chúng ta có thể giúp được vào việc xây dựng một đảng quốc gia mạnh để ủng hộ ông Diệm. Vì ông Diệm nay là Tổng thống được bầu, ông ấy cần có một đảng riêng của ông”.

Tuy nhiên, khi muốn lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm để đổ quân vào và quyết định số mệnh của miền Nam, Hoa Kỳ đã thay đổi luận điệu, đòi giải tán Đảng Cần Lao và “thực hiện dân chủ để được lòng dân và thắng Cộng Sản”! Những đòi hỏi này và sự khai thác phong trào đấu tranh của Phật Giáo đã làm cho chính phủ Ngô Đình Diệm bị suy yếu rồi lật đổ.

Sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã đưa những thành phần thiếu khả năng về cả chính trị lẫn quân sự lên lãnh đạo miền Nam để dễ sai khiến. Nhưng khi muốn bỏ miền Nam, Kissinger lại lập luận rằng miền Nam không thể tồn tại vì sự bất tài của người miền Nam (it's the result of South Vietnamese incompetence)!

Đưa ra luận điệu mới

Trong bài thuyết trình tại cuộc hội thảo về “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á từ 1946 đến 1975” đã nói trên, Kissinger không còn biện minh rằng Hoa Kỳ phải bỏ miền Nam vì sự bất tài của những người miền Nam mà họ đã đưa lên cầm quyền nữa, mà dùng một luận điệu khác. Kissinger giải thích đại khái như sau:

Khi mà có sự liên kết giữa vụ Watergate với những sự chia rẻ ở quốc nội, Hoa Kỳ phải cắt viện trợ cho Việt Nam 2 phần 3, trong khi đó giá dầu tăng cao, đã ngăn chận bất cứ viện trợ quân sự nào cho Việt Nam... Đó là sự cảm nhận của tôi về những gì đã xẩy ra.(!!!)

Chắc chắn không quốc gia nào ở Đông Nam Á tin vào lời giải thích này của Kissinger. Họ chỉ coi đó như một tín hiệu cho biết Hoa Kỳ muốn tiến sâu hơn vào Đông Nam Á về cả kinh tế lẫn quân sự.

Vì phải đối phó với sự bành trướng của Trung Cộng ở Đông Nam Á, và vì nước Mỹ là một thị trường tiêu thụ lớn nhất và vững chắc nhất, các nước Đông Nam Á đang đón Mỹ một cách khá nồng nhiệt, nhưng nước nào cũng muốn giữ “một khoản cách vừa phải” để tránh những thiệt hại nặng khi Mỹ trở mặt.

Bài học lịch sử khó quên

Mặc dầu Mỹ đã vẽ lại lịch sử, nhưng chúng tôi tin rằng lời cảnh cáo của Tổng thống Ayub Khan về việc ông Diệm bị lật đổ và bị hạ sát, và lời của Thủ tướng Sirak Matak khi nước Cambodia bị Mỹ bỏ rơi, vẫn là những bài học lịch sử có giá trị đối với các quốc gia muốn có quan hệ với Mỹ.
The memoirs of Richard Nixon
Cuốn hồi ký
The memoirs of Richard Nixon

Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon”, Tổng thống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông gặp lại người bạn cũ là Tổng thống Ayub Khan. Tổng thống Khan đã nói một cách đau buồn về việc hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm như sau:
“Tôi không thể nói – lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu. Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó, họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta – và ông Diệm đã bị giết”. Ông ta lắc đầu và kết luận: “Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại”.
(Richard Nixon, The memoirs of Richard Nixon, Touchstone, New York 1990, tr. 256 – 257)

Ngày 12.4.1975, Thủ tướng Sirak Matak đã gởi cho ông John Gunther Dean, Đại sứ Mỹ ở Cambodia một lá thư từ chối ra đi với kết luận như sau: “Tôi đã mắc một sai lầm duy nhất là tin vào những người Mỹ!”

Sau kinh nghiệm này, không một nhà lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới còn dám “trao linh hồn và xác” cho Mỹ như các tướng lãnh đạo miền Nam Việt Nam đã làm trước đây.

Mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ thường vẽ lại lịch sử mỗi khi muốn đưa ra một chính sách mới, các sử gia và các học giả Mỹ vẫn nỗ lực không ngừng trong việc trả lại sự thật cho lịch sử.
Lữ Giang
Ngày 19/10/2010
© Thông Luận 2010

Tổng số lượt xem trang