Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Tại sao người Nga phẫn nộ với cảnh sát

Nhóm Du kích Primorye
Maxim Kirillov (ở giữa) ngồi tù còn Andrei Sukhorada và Aleksandr Sladkikh chết trong vụ đọ súng với cảnh sát
Sáu thanh niên Nga tức giận trước nạn bạo hành của cảnh sát trong vùng đến nỗi tự vũ trang và chống lại.
Phóng viên Lucy Ash đi tìm hiểu động cơ nào họ đã làm như vậy và tại sao lại có rất nhiều người Nga bình thường ủng hộ hành động cực đoan như vậy.
Vladimir Savchenko đưa tôi vào phòng con trai Roman và chỉ cho xem những bức hình thời đi học, cùng bộ sưu tập đồ chơi xếp ngay ngắn trên kệ.
"Nó được nhiều giải thưởng môn điền kinh," ông Savchenko nói và cầm những chiếc huy chương treo trên tường lên.
"Nhưng nó thích nhất là môn võ kick-boxing."
Người thanh niên 17 tuổi này giờ đang ngồi trong trại giam chờ ngày ra tòa.
Anh là thành viên trẻ nhất trong nhóm sáu người tuyên chiến chống lại các nhân viên công lực trong năm.
Nhóm này tự gọi mình là "Du kích Primorye", trở nên nổi tiếng khắp nước Nga.
Trong một băng video thực hiện lúc họ trốn trong rừng có cảnh họ mặc quần áo ngụy trang và cầm súng.
Ở trần, lãnh đạo nhóm Alexander Kovtun nói thẳng với cảnh sát:
"Đây không phải là hành động bột phát," anh nói.
"Không, chúng tôi đã lên kế hoạch và thực hiện có mục tiêu, để giết lũ găng-stơ các người, vì các người mới là tội phạm thực sự."
"Các người che giấu đường dây ma túy, mại dâm và lâm tặc cướp rừng."
Những người thanh niên này xuất thân từ một ngôi làng vùng sâu vùng xa tên là Primorye, có nghĩa là Vùng Biển, là khu vực gần biên giới Trung Quốc.
Vùng này nằm cách Moscow 7 múi giờ về phía đông.
Tôi đến đó gặp thân nhân của họ và cố gắng hiểu tại sao những thanh niên này lại tự tay nắm lấy luật pháp.
Bạo hành của cảnh sát
Gia đình Savchenko sống trong một khu chung cư đổ nát, ban công han gỉ còn cầu thang đầy rác.
Natasha Sukhorada
Natasha Sukhorada nói cảnh sát tra tấn khiến em cô cầm súng
Bên cốc cà phê, cha của anh Roman, một tài xế xe tải, than phiền về số tiền hối lộ rất lớn mà ông phải đóng để cảnh sát khỏi tịch thu bằng lái xe.
Chín năm trước, con trai lớn của ông Valentin chết trong đồn cảnh sát sau khi liên quan tới một vụ đánh nhau ngoài đường.
Và rồi đầu năm nay Roman bị bắt và cáo buộc tội ăn trộm mắy cắt cỏ.
Ông Savchenko phủ nhận chuyện con ông có liên quan và nói cảnh sát đánh anh để buộc nhận tội.
"Họ đối xử tệ hại đến nỗi anh ta tham gia nhóm với những chàng trai trẻ kia để trả thù cảnh sát."
Một trong số họ là bạn cùng trường với Roman, tên là Andrei Sukhorada.
Từ năm 13 tuổi anh ta luôn bị cảnh sát bắt mỗi khi trong làng có chuyện, theo lời kể của chị anh là Natasha.
Natasha Sukhorada cho rằng chuyện cảnh sát tra tấn em cô đã khiến anh ta quyết định cầm súng.
"Cảnh sát sẽ khởi tố họ với bất kỳ tội danh nào," cô nói. "Họ tra tấn bằng cách buộc bao nhựa đen vào đầu và thả khói thuốc vào trong."
Điểm bùng nổ là vào năm 2008 khi có một đám cháy trong vũ trường.
Natasha nói Andrei bị thương và được đem vào bệnh viện như khi xuất viện thì bị cảnh sát địa phương bắt cóc, chở vào rừng và đánh.
Cô nói anh bị lột quần áo và để cho chết trong nhiệt độ dưới không cách làng 10km.
Andrei sống sót, nhưng gia đình nói công tố viện làm ngơ trước yêu cầu của họ.
Trong một tòa nhà làm từ các viên gạch xi măng trắng xốp, tôi gặp phó trưởng đồn cảnh sát, thiếu tá Vasily Skiba.
Ông ta phủ nhận mọi cáo buộc mà các gia đình đưa ra về chuyện các thành viên trong nhóm bị nhân viên của ông đánh đập, và nói mọi khiếu nại từ công chúng đều được điều tra.
Và ông bật máy tính, bảo tôi đưa thẻ nhớ USB và chép một số đoạn video sang.
Trong đó có vẻ như những người thanh niên lái xe quanh thị trấn, ném tuyết và la hét hăm họa.
Họ cũng kêu la "Allahu Akbar", tức là câu tiếng Ảrập gọi tên "Thánh Allah vĩ đại".
'Hành vi dơ bẩn'
Vladimir Savchenko
Vladimir Savchenko tự hào về thành tích thể thao của con trai
Nhưng nếu Andrei và những người bạn của anh thực sự là băng đảng đầu trọc cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoạn, như một số người cho là như vậy, thì tại sao họ lại hô khẩu hiệu giống như các chiến binh Hồi giáo?
Đó có thể là biểu hiện do họ quá tức trước nạn bạo hành của cảnh sát nên sẵn sàng kết hợp với bất kỳ ai chống lại nhà nước Nga?
Nhóm này hành động lần đầu vào tháng Hai ở thủ phủ Vladivostok, giết một cảnh sát giao thông.
Ba tháng sau họ đâm một cảnh sát đến chết, tấn công các chiếc xe cảnh sát và làm bị thương nhiều sĩ quan.
Chính quyền sau đó săn đuổi bằng xe tăng và trực thăng.
Họ phát hiện ra nhóm này trong một căn hộ gần biên giới Trung Quốc.
Andrei Sukhorada và người bạn Aleksandr Sladkikh chết trong cuộc đấu súng với cảnh sát.
Hai người còn lại bị bắt và có nguy cơ tù chung thân.
Trong văn phòng công tố ở Vladivistok, phát ngôn nhân Avrora Rimskaya lên án nhóm này.
"Họ không thể biện minh cho hành vi chống lại xã hội," bà nói. "Bất kể các khẩu hiệu của họ to như thế nào, có thể là những lời lẽ to lớn nhưng liên can tới các hành vi dơ bẩn."
Công chúng ủng hộ
Nhưng điều khiến cho chính quyền không ưa là nhiều người dân Nga bình thường ủng hộ nhóm "Du kích Prymorye".
Trong thành phố có các vết sơn "Hoan hô những người du kích' và "Sự dũng cảm của những người du kích sẽ không bị quên lãng".
Trên bờ biển, một thủy thủ trẻ nói với tôi rằng cảnh sát đáng bị gánh chịu những gì qua và nói thêm rằng "sáu người đó đã có hành động rất dũng cảm".
Ở chợ bán xe, thêm một thanh niên nữa còn nói thẳng hơn.
"Họ làm đúng, cảnh sát chỉ là một đám cướp được hợp thức hóa," anh ta nói.
Avrora Rimskaya
Avrora Rimskaya nói hành vi của nhóm này không chính đáng
Ở Moscow, 71% cú gọi vào một đài phát thanh nổi tiếng ủng hộ chuyện gọi những người thanh niên đó là "Robin Hoods".
Hai phần ba dân Nga sợ cảnh sát, theo một khảo sát của cơ quan nổi tiếng là Trung tâm Levada.
Nạn bạo lực là phổ biến và tham nhũng là căn bệnh lây lan.
Tổng thống Dmitry Medvedev hứa sẽ làm trong sạch hộ thống cảnh sát với dự luật cải tổ đang được đưa lên quốc hội.
Giới chỉ trích nói luật này ngăn cản người ta cảnh cáo các sai sót hơn là thực sự thay đổi.
Michail Grishankov là chủ tịch ủy ban an ninh quốc hội, thở dài thườn thượt khi nghe nhắc đến vụ này.
"Theo tôi thì họ là quân cướp và tất nhiên là xấu, nhưng quí vị cũng phải đặt câu hỏi tại sao lại xảy ra như vậy," ông nói.
Ngay cả cựu sĩ quan KGB trung thành với Kremlin như vậy mà cũng công nhận sự mất lòng tin của công chúng vào những người lẽ ra là bảo vệ họ.
"Sự ủng hộ dành cho nhóm này cho thấy xã hội đã mất lòng tin vào cảnh sát."

Tổng số lượt xem trang

5181469