DCVOnline: Kể từ chương 5, DCVOnline sẽ chia xẻ bản quyền đăng tải tiểu thuyết Dạ Tiệc Quỷ với trang nhà Dân Làm Báo.
Hy vọng rằng bắt đầu từ thời điểm khó khăn này, sẽ có nhiều bài vở được chúng tôi chia xẻ với nhau trong tương lai
Hy vọng rằng bắt đầu từ thời điểm khó khăn này, sẽ có nhiều bài vở được chúng tôi chia xẻ với nhau trong tương lai
Ông Dậm cởi nút dây thừng, gỡ xác mẹ trẻ Phượng xuống. Ông vác thi thể Phượng ra khỏi chuồng lợn, đặt thịch xuống giống cái kiểu người ta ném bao thóc. Thi thể Phượng như duỗi ra, như vươn vai, nằm dài trên mặt đất vương vãi những mớ rơm đã bị xéo nát dưới mấy chục đôi bàn chân tò mò.
Đám người đứng xem đã tản đi.
Bà Cả, thằng Hai, thằng Ba, con Tư, con Năm, con Sáu, con Bảy và đám hàng xóm đã tản đi, ai lo việc nấy dưới cái trừng mắt của ông Dậm.
Còn lại một mình, ông Dậm lom lom ngắm nhìn thi thể Phượng.
Hôm qua Phượng ở trong tay ông. Tưởng đã bị khoá chặt, như con mồi nhỏ bé bị ngậm trong cái miệng rộng ngoác lởm chởm răng của một con cá sấu, không cách gì thoát ra được. Thế mà hôm nay, Phượng đã nằm đó, xa lạ, thây còn tươi như bó lúa trĩu bông vừa cắt khỏi cây.
Ông Dậm nghĩ: Thật phí của! Lúa đã gặt thì có thể đem phơi khô, cho vào cối xay rồi giã ra thành gạo mà ăn. Nhưng người chết thì thật vô dụng. Cái thây không thể đem đi xay giã dần sàng mà nấu thành cơm được.
Nằm đó. Trĩu ghìm cả chiếc lưng ong, cả bộ ngực cũng như bị hút trĩu xuống mặt đất. Vuột khỏi tay ông. Mắt mở lên trời, trêu chọc, thách thức, chơi vơi bên ngoài.
Xa xăm.
Con người đó đã không còn giật mình thon thót trước mỗi giọng e hèm hoặc tiếng khạc nhổ của ông. Cũng không thèm co rúm lại trước những cái vòng tay ôm quàng bất chợt, bị bất thần vít xuống phản, hoặc đè nghiến xuống mặt đất, bất kể lúc nào ông lên cơn. Cũng không thèm nhăn mặt ghê sợ nữa, như những ngày đầu, khi ông hùng hục ụp lên Phượng cái thân mình nồng nặc mùi bùn già, mùi mồ hôi, mùi tỏi, mùi cá mắm mặn chát, mùi chấy rận, mùi khoai sắn, mùi lưu cữu lại từ cơn mây mưa lần trước của ông.
Ông Dậm dường như không bao giờ chán, không bao giờ nguôi vợi cái ham hố sùng sục đổ sập xuống, bất kể lúc nào, lên tấm thân nõn nà, luôn man man mùi thơm dài dại của lá cỏ mần trầu, hoa nhài buổi sáng, hoa hồng ban đêm và mùi ngọt ngào thảm thương của cánh hoa đỗ trun đã rủ xuống cuối ngày.
Cái thân mình đó, từng nằm bất động, mắt nhắm chặt và răng nghiến chặt, không kêu một tiếng, rung chuyển trước những cái dập xuống liên hồi như đập đất từ cái mông đầy sẹo thâm, sẹo lồi, nồng nặc mùi bùn già.
Ông Dậm luôn vừa mê mệt, vừa căm giận trước vẻ mặt câm lặng, làn môi mím và đôi mắt nhắm nghiền của Phượng. Đôi môi chỉ còn là màu tro của cánh hoa hồng đã tái nhợt vì bị giam hãm dưới tấm thân hộ pháp của ông.
Đó là một gương mặt luôn dè chừng, luôn để chịu đựng tra tấn, không hé một tiếng kêu rên, xin xỏ. Một gương mặt mà mỗi lần bị kéo vào cuộc hành lạc của ông là một lần dọn mình để chết.
Có lần, sau khi đã thoả mãn, ông nằm vật ra thở hồng hộc. Ông gác bộ mông nặng lên người Phượng. Ông khoá chặt người Phượng bằng cặp đùi và xoắn chặt bằng đôi cẳng chân dẻo như dây chão. Ông không cho Phượng tuồn ra khỏi chỗ nằm. Khi đã yên tâm, ông lập tức ngáy khò khò. Rồi chỉ trong vòng ăn dập miếng trầu, ông đã tỉnh dậy.
Ông cảm thấy bất an, bất giác cau mày, rồi hấp tấp nhổm người lên, nhìn vào mặt mẹ trẻ Phượng.
Đôi mắt Phượng nhắm nghiền. Câm lặng. Thân thể loã lồ không buồn che đậy. Như một người đã chết.
Ông bỗng thấy nhục nhã. Hoá ra, cái con người đó, dù ông đã cướp về, nhốt trong nhà, dù đã dùng trăm phương ngàn kế, vẫn cách biệt, xa vời, một thế giới khác, dù bị hành hạ khổ hình, mà vẫn thuộc về chính cô ta. Không hoà vào ông. Không thuộc về cái thế giới chấy rận, húp soàn soạt và thô bỉ.
Ông hùng hổ vùng dậy, véo mạnh vào đôi má tái nhợt như đã chết.
Một bên má Phượng lập tức đỏ bầm, in hằn vệt ngón tay ông, còn rõ ràng cả cái vệt ngón tay trỏ ngắn ngủn và thô bằng quả cà trên má. Ông nghiến rít qua kẽ răng:
- Sao mày lúc nào cũng câm như hến?
Mẹ trẻ Phượng vẫn nằm im thít.
Một cái véo chết điếng người nữa. Từ bàn tay trái. Ông Dậm cười gằn:
- Mày vẫn câm! Thì tao cho nốt má bên này vều lên nữa cho xứng.
Một dòng máu ứa ra từ đôi môi đẹp, chảy xuống chiếc cằm nhỏ, trông tội nghiệp như cằm trẻ nít và trông càng nhỏ nhắn, lút đi giữa đôi má đã bắt đầu sưng lên:
- Giết tôi đi!
Ông Dậm cười:
- Tao không ngu. Giết mày, tao ngủ với ai. Ngủ với mày sướng lắm!
- Tôi buồn nôn vì ông!
Ông Dậm cười khằng khặc:
- Mày cứ tha hồ buồn nôn. Mày nói gì cũng mặc. Mày càng cưỡng lại, tao càng hứng.
Ông lại lật người lên, ụp xuống Phượng, vục mặt ngoạm vào đôi môi nhoèn máu:
- Sao mày không khóc đi! Tao thích mày khóc. Mày thật ngang ngạnh quá. Mày khóc thì đẹp hơn. Tao thích thấy mày ướt nhoèn những nước là nước. Nhất là những lúc thế này!
Mẹ trẻ Phượng giọng lạc đi vì làn môi đã bắt đầu sưng lên, ngạt trong những bụm máu tụ trong miệng:
- Tôi sẽ giết ông! Đồ chấy rận!
Ông Dậm cười hân hoan:
- Mày mà giết tao ư? Đồ tiểu thư người mỏng như lá, trói gà không chặt!
Bây giờ thì Phượng nằm đó. Không còn thon thót giật bắn mình trước mỗi cử chỉ và lời nói của ông.
Đôi mắt vô hồn Phượng ngửa lên trời, lòng trắng mắt vẫn xanh biếc, tròng đen in hình bầu trời cao rộng. Những đám mây xanh và mây trắng trên bầu trời rực rỡ, non tơ óng chuốt buổi sáng, nối nhau bay trong tròng mắt xanh lơ, bất động, như một tấm gương thanh thản bao dung tất cả bầu trời xa xăm.
Trong tròng mắt này không có ông.
Chưa bao giờ trong tròng mắt ấy có ông cả. Điều đó luôn làm ông nổi điên.
Phượng lúc sống đã không thèm nhìn ông, dù là nhìn khinh miệt hay căm hận. Ông Dậm biết, trước đây Phượng chưa bỏ trốn hoặc chưa tự tử là vì muốn ông để cho cậu em trai không bị bêu đầu trên cọc bắn. Khi người em trai bỏ trốn, thì Phượng cũng không thể chết vì đang mang cái thai trong bụng. Khi Phượng sinh ra con Miên, đứa con gái là kết quả cuộc hãm hiếp của ông, ông Dậm chắc mẩm rằng từ nay thì khỏi phải lo trông coi Phượng, vì Phượng không thể bỏ đứa con còn đỏ hỏn. Con Miên vừa mới đầy một tháng tuổi, thì Phượng đã thoát khỏi tay ông, bằng con đường đi chơi vơi với một sơi thừng trên cổ.
Con đường đó bà Cử - mẹ Phượng đã đi, để thoát khỏi đau đớn và ô nhục.
Để giữ Phượng, ông Dậm đã công phu đóng mọi cổng ngõ. Cổng ngõ kiên cố nhất là đứa con gái mới một tháng tuổi. Nhưng cánh cổng kiên cố nhất đã phải rụng xuống trước một sợi dây thừng.
Ông Dậm chưng hửng, máu trong người như có ai kề kiềng củi vào mà nung sôi lên.
Ông ngắm kỹ cái xác đang nằm sõng sượt dưới đất.
Ông lật đôi chân lên.
Đôi chân này cũng giống hệt đôi chân ông đã cưỡng hiếp lúc trước, đôi chân lồng trong đôi giầy gấm của bà Cử.
“Quân ăn cắp!”
“Nhà nó có máu thắt cổ!”
“Quân lừa đảo!”
Ông gầm lên, vung tay phải, giáng vào mặt người đã chết những cái tát liên hồi kỳ trận.
Gương mặt người đã chết như phù lên trong một cái nhếch cười. Ngạo nghễ.
Những thớ thịt rung động trên mặt. Đất rung chuyển dưới chân, rơm rạ giật mình như bèo dạt trên mặt nước.
Từ khoé miệng Phượng, như mọi lần bị ông tát vào má, lại ứa ra một dòng máu đỏ bầm.
Dòng máu nhuộm sẫm chiếc yếm, nhuộm sẫm chiếc cổ cao hằn vệt dây thừng khía sâu thành rãnh.
Dòng máu đổ xuống đất, bò dần đến chân ông Dậm.
Máu ướm vào bàn chân to bằng bàn cuốc. Thấm vào ngón chân cái ngoạc ra, như một quả cà dái dê, thò ra khỏi chiếc quần lá tọa bằng lụa, đang bấu chặt lấy mặt đất.
Những ngón chân ông Dậm lúc nào cũng bấu chặt lấy mặt đất, như cách người ta bấm chân để khỏi ngã lúc đường trơn.
Ông Dậm giật mình như phải bỏng. Lùi lại, ông đưa chân dụi lấy dụi để vào đống rơm để chùi vệt máu.
Nhưng vệt máu đã ăn vào ngón chân cái của ông, thành một vệt tím đen như miếng da chó.
Đã rất nhiều lần, ông Dậm muốn giấu đôi chân với hai ngón chân cái to dị dạng, khiến ai cũng phải để ý và không thể không nhấm nháy bình phẩm sau lưng ông. Đến khi ông đã vào ở nhà ông Cử, thừa hưởng toàn bộ quần áo và giầy dép của người đã chết, ông cố bới tìm trong đống guốc mộc và giầy dép một đôi cho vừa chân ông. Nhưng không chiếc nào có thể chứa nổi ngón chân cái của ông, cứ xoè ngang ra, to bè như một quả cà dái dê. Bực quá, ông bèn vứt cả đống giày dép vào xó bếp, đi chân đất cho khoẻ.
Thỉnh thoảng, nhìn đôi ngón chân cái của mình, ông Dậm lại thắc mắc. Ông nhớ lại câu chửi của thằng Chai, lúc hai đứa vật nhau dưới bùn để tranh bắt đàn cá diếc đang cuống cuồng lẩn trốn dưới đám rạ mùa vừa gặt:
- Thằng dái dê! Bố mày hiếp mẹ mày dưới gốc cà dái dê đẻ ra cái giống mày!
Ông Dậm chưa bao giờ nhìn thấy bố. Mẹ đã bỏ ông mà đi, khi ông đã cao chạm cái hốc lớn nhất của gốc đa, và ông đã biết cào vào mặt mẹ khi cả hai mẹ con chỉ có ba củ khoai, bà nhường ông ăn hai củ mà ông vẫn chưa no. Ông đã giẫy lên khóc, đòi nốt củ khoai kia và cào vào mặt bà, hét lên: “Mẹ mày!”.
Thường ngày, mỗi khi có điều gì không ưng ý, hoặc vòi vĩnh cái gì không được, ông vẫn chửi mẹ. Ông chửi hồn nhiên, buột miệng. Một câu đầu lưỡi, như nhiều đứa trẻ con và người lớn xung quanh nhà, hễ mở miệng ra là văng tục, và càng chửi bẩn thì càng được tán thưởng.
Bà mẹ ông đi khập khiễng. Một con rắn cạp nong đã mổ vào chân bà, trong lúc bà đang loay hoay dò bắt chuột đồng. Đầu tiên bà tưởng hang rắn là hang chuột. May mà bà kịp cúi xuống vết cắn, hút nọc nhổ đi, rồi dùng lưỡi liềm rạch cho máu chảy, trôi hết nọc độc, mới thoát chết. Bà mất một tháng nằm liệt với đôi chân sưng vù.
Không đi bắt cua được nữa, bà lê đôi chân khập khiễng, teo lại vì nọc độc, lang thang xin ăn khắp nơi. Xin được cái gì, bà cũng cắp về dành cho con. Bà chỉ ăn rất ít, đủ để có sức lê chân ra chợ.
Nhưng đến khi thằng con đã lớn, cào vào mặt bà, thì hôm sau bà đi không về.
Thằng Dậm không thấy mẹ về. Nó chờ một hôm hai hôm, đói quá, đành ra chợ đi xin ăn.
Rồi một hôm, nó tìm được một cái dậm.
Cái dậm đó để chỏng chơ trên bờ sông. Không biết của ai. Còn mới. Có lẽ đó là của một người đánh dậm nào đó mới lần hồi đến bờ sông này. Xuống sông để làm gì đó và không thấy lên bờ nữa.
Thằng Dậm không biết tên mẹ. Nó cũng không biết tên bố. Nó không bận tâm lắm về tên bố hay tên mẹ. Chỉ có những lúc đói khổ quá, nó hay nhìn xuống ngón chân cái, rồi ngửa mặt lên trời, chửi bâng quơ:
- Tiên sư thằng dái dê đẻ ra ông làm ông khổ!
Vệt máu làm đen thẫm ngón chân cái của ông Dậm. Ông Dậm vội rụt chân lại.
Ông lại nhớ. Lần này thì nhớ đau đớn. Nỗi oán hận về hai cái người nào đó, đã sinh ra ông. Sinh ra không phải trong một chiếc giường, mà sinh ra trong một gốc đa, để làm cái kiếp ăn mày tứ xứ và kiếp đánh dậm.
Ông đã đổi được kiếp đánh dậm. Đổi kiếp túp lều gốc đa. Lại đã có vợ có con. Như thế là ông đã cật lực lam làm. Bây giờ ông đã có nhà cao cửa rộng. Đã có người đẹp trong tay để tha hồ giày vò.
Thế mà Phượng đã thoát khỏi tay ông.
- Quân kẻ cướp!
Con mẹ này, chính nó - người đã bị ông bắt về làm vợ hai, người đàn bà đêm đêm bị ông hãm hiếp, đã bị ông dằn ngửa trên giường, chịu đựng những cơn thú vật của ông bằng một gương mặt hoá đá và cái nhếch mép khinh miệt, đã tự đánh cắp chính nó ra khỏi tay ông!
Ông nhớ mùi thân thể của Phượng.
Đó là một mùi ngọt, đắng và tươi, như mùi phấn hoa đỗ trun. Phấn của những bông hoa màu tím hồng, mọc thành chùm hình ống, khẽ hé những cánh hoa, đung đưa trong gió như những chiếc chuông nhỏ bị đập vỡ, đến mùa lại rủ xuống thành những đường viền màu hồng hoa mỹ bên cổng nhà ông Cử, phủ một làn hương ngọt ngào mênh mang trong không gian.
Phải trả thù này!
Ông cúi sát xuống, nhìn tận mặt Phượng một lần nữa.
Đôi hoa tai vàng lấp lánh trên tai Phượng.
Ông nghiến răng rứt mạnh hoa tai ra khỏi đôi trái tai tái nhợt, mỏng mảnh như lá.
Đôi tai đứt. Máu chỉ rỉ vài giọt đen bầm nơi tai. Hoa tai nằm gọn trong tay ông.
Ông Dậm run lên. Ông vẫn không kìm được những cơn run bắn mỗi khi chạm tay vào vàng. Ông hối hả ngậm đôi hoa tai vào mồm, không để người khác trông thấy.
Ông cảm thấy vị ngọt lờ lợ của máu người còn dính trên đôi hoa tai. Nhưng vị lờ lợ này không khiến nổi ông nhè đôi hoa tai ra. Ông bậm môi lại.
Nhưng rồi ông sực nhớ, nhìn quanh:
- Việc gì phải giấu ai. Giờ tao là chủ. Đố bố thằng nào làm gì được tao.
Ông hất hàm, gọi bà Cả đang chạy tới chạy lui trong nhà. Bà đang hối thúc người mang chiếu rách tới để bó xác Phượng đem chôn mau cho khuất mắt.
- Cái này cho mày.
Ông nhổ đôi hoa tai còn dính chút máu đông của người chết vào tay bà Cả:
- Của nó đấy. Cho mày, đeo đi!
Bà vợ già nhìn đôi hoa tai. Gương mặt nhăn nheo đầy sẹo để lại từ những trận đòn của ông Dậm sáng lên trong phút chốc.
Bà lại nhìn xuống gương mặt người chết.
Bà nhìn thấy đôi trái tai bị rứt đứt. Lẫn trong mớ nước bọt của ông Dậm đang lều phều trong lòng bàn tay bà. Bà hiểu ra.
Mặt tối sầm lại, bà lắc đầu ghê sợ:
- Không!
Ông Dậm lại gầm lên, giật phắt lấy đôi hoa tai:
- Mày chê hả? Chó lại còn chê cứt.
Ông tức tối bước vào nhà, gói đôi hoa tai bằng một chiếc khăn lụa cũng để lại từ thời ông Cử, cất kỹ vào hộc tủ khảm trai, khoá lại.
Mãi đến chiều muộn, xác mẹ trẻ Phượng mới được bó chiếu rách, buộc lại sơ sài bằng lạt tre.
Một chiếc đòn đám ma đẽo vội từ cây xoan còn nham nhở vỏ.
Bốn người đàn ông hàng xóm khiêng thi thể bó chiếu của Phượng ra đồng.
Họ đào một chiếc hố nông choèn ở góc Cồn Nhà, cạnh Bụi Thằng Quỷ, chuẩn bị vùi đất.
Trời đã sắp tối. Mặt trời le lói hấp hối sau rặng cây.
Lúc đó, ông Dậm mới thủng thỉnh đi đến.
Ông thản nhiên ra lệnh cho bốn người đàn ông đang chực hất những xẻng đất xuống huyệt:
- Để đó tao làm cho. Chúng mày về.
Mấy người hàng xóm mừng rỡ, phủi tay vào quần rồi rảo bước, rời khỏi Bụi Thằng Quỷ.
Trời gần sập tối.
Xác mẹ trẻ Phượng bó chiếu nằm bơ vơ dưới huyệt.
Ông Dậm đứng trên miệng huyệt, nhìn xuống, ngần ngừ một chút, rồi cả quyết bước xuống.
Ông cởi bỏ chiếc quần lụa nõn.
Thân hình ông lại tồng ngồng phơi ra. Lần thứ hai trong ngày, như buổi sáng nay.
Ông giật bỏ những nút lạt tre đang bó tròn bên ngoài chiếc chiếu.
Ông cởi bỏ lớp vải liệm. Chỉ là thứ vải trắng nhợt, cứng quèo, đầy nút chắp vá do bàn tay vụng về nào đó dệt nên, phơi nắng lem nhem bán cho người người nghèo mua làm vải liệm.
Bộ váy áo đẹp đẽ của Phượng không biết ai đã lột mất. Có lẽ là bà Cả lột cất đi vì tiếc của.
Dưới lớp vải liệm, là Phượng.
Thân hình Phượng đã chết, cứng ngắc, trần mình phơi ra, dưới sự giằng giật không thương xót của đôi tay ông Dậm.
Một thân hình nuột nà, tái nhợt, vẫn đẹp mê hồn, tội nghiệp đến nao lòng dưới những tia sáng mờ cuối cùng của ban ngày.
Ông Dậm điên cuồng phục xuống, cưỡng hiếp như điên dại.
Những cú đạp chân của ông Dậm khiến đất trên miệng huyệt đổ xuống, trộn lẫn mồ hôi, thành những đám nhão, tuột xuống khỏi lưng sau những rung giật, để lại những vệt vằn vện trên lưng.
Có tiếng chim cô hồn kêu từng chuỗi như tiếng nấc nghẹn, dội lên từng hồi từ rặng ổi xanh um trong Bụi Thằng Quỷ.
Ông Dậm chợt nhìn thấy đôi mắt không nhắm nổi của người chết. Không ai vuốt mắt cho Phượng.
Đôi mắt mở trừng làm ông Dậm xìu xuống.
Ông hậm hực vì chưa đã cơn.
Ông nghĩ ra một cách.
Ông lấy chiếc chiếu rách phủ lên mặt người chết.
Đôi mắt mở trừng trừng bị che phủ. Chỉ còn thân hình người đã chết phơi ra dưới huyệt.
Giờ thì ông Dậm đã lại nổi hứng.
Ông lại phủ sấp mình lên cái thây và cưỡng hiếp điên dại, rồi kết thúc trong một tiếng rú như tiếng tru của chó sói.
Nguồn © DCVOnline