TT - Đã gần 50 năm, ấy vậy mà những tấm giấy, ảnh chụp, mẩu báo mà ông Huỳnh Ngọc Ẩn lưu giữ vẫn còn sắc nét chữ, đậm màu mực. Những ký ức trong ông còn tươi rỡ và ấm nóng, như là mới xảy ra ngày hôm qua.
50.000 người Thụy Điển mittinh trước đại sứ quán Mỹ ở Stockholm đòi hòa bình cho Việt Nam ngày 1-5-1972 - Ảnh tư liệu |
“Ấy là vì nó thấm đẫm tình cảm chân thành của những người bạn, không phân biệt quốc tịch, màu da, ngôn ngữ, không phân biệt quan điểm, lý tưởng, chỉ có cùng chung một tình yêu: yêu hòa bình” - ông Ẩn hồ hởi kể. Tuổi thanh niên của một cán bộ đối ngoại trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ùa về.
Ký ức ấm
“Hồi đó phía đối phương cứ lên án chúng tôi là mặt trận ma, chính phủ ma, núp bóng Hà Nội. Nhưng hộ chiếu này của tôi được công nhận là hộ chiếu ngoại giao, đi qua cửa khẩu hải quan của bao nhiêu nước. Đặc biệt có lần tôi sang New York (Mỹ) dự họp Liên Hiệp Quốc năm 1972, anh em ở nhà cũng rất ái ngại và dặn tôi phải cẩn trọng. Khi đó an ninh làm rất ngặt, trước cổng hải quan hàng đoàn người xếp hàng chờ. Tôi đến đưa hộ chiếu ngoại giao và được thông qua ngay trước sự ngạc nhiên của nhiều người, kể cả tôi...”, ông Huỳnh Ngọc Ẩn mân mê hai cuốn hộ chiếu mang tên Trịnh Văn Ánh và tấm ảnh của ông thời trai trẻ.
Cuốn thứ nhất cấp năm 1963, bìa bọc vải xanh, còn nguyên hàng chữ nhũ vàng in chìm ghi rõ: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - Hộ chiếu công vụ. Cuốn thứ hai bìa da màu đỏ, cấp tháng 10-1969, hàng chữ nhũ vàng: Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Hộ chiếu ngoại giao, cùng lá cờ hai màu với ngôi sao vàng ở giữa.
Lật những trang trong, dấu mộc nổi đóng ở góc ảnh còn nguyên, những dấu hải quan cửa khẩu các nước Pháp, Canada, Mỹ, Algeria, Đan Mạch, Thụy Điển... kín mít các trang. “Đấy, chính phủ ma thì sao được như thế”, ông Ẩn cười.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn và cuốn hộ chiếu của Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Ảnh: Gia Tiến |
“Công việc đối ngoại của chúng tôi ngày đó cũng giống công tác dân vận bây giờ, nhưng là vận động người nước ngoài, chính phủ nước ngoài để các bạn hiểu rõ mục đích, chính nghĩa của việc giành độc lập, đòi thống nhất của Việt Nam”, ông Ẩn không kể chi tiết những việc ông đã làm mà ông chỉ cho chúng tôi xem những tấm ảnh, bài báo mà ông giữ lại được sau năm năm lập phòng thông tin ở Thụy Điển.
Đây là một loạt tranh hoạt họa trên báo diễn tả phong trào ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng. Hình thứ nhất trống trơn. Hình thứ hai có một người với tấm băngrôn: ủng hộ hòa bình tại Việt Nam. Hình thứ ba xuất hiện thêm một người nữa, một tấm băngrôn nữa: Hòa bình cho Việt Nam, độc lập cho Việt Nam. Hình thứ tư vẽ bốn người. Hình thứ sáu, thứ bảy đã có một đám đông. Hình thứ tám thì đã là một biển người.
Và những tấm ảnh thật: một biển hơn 50.000 người xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Stockholm ngày 1-5-1972 phản đối sự xâm lược Việt Nam, trên bục diễn giả, ông Nguyễn Văn Tiến, phó đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đang vẫy tay cảm ơn sự ủng hộ của người dân Thụy Điển.
Khẩu hiệu “Hòa bình” đã đưa lá cờ nửa đỏ nửa xanh đi khắp thế giới, đến khắp các châu lục. Năm 1965, sau năm năm ra đời, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (lúc này chưa phải là chính phủ) đã có quan hệ ngoại giao rộng rãi, được 20 nước công nhận trên thực tế. Cuối năm 1965 được Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Các chính phủ đều tình nguyện cấp nhà, xe, phương tiện và kinh phí hoạt động cho cơ quan đại diện của Mặt trận vì “biết các bạn đang chiến đấu, còn nghèo”. Tháng 6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, trên 30 nước lập tức tuyên bố công nhận và đi thẳng đến Hội nghị Paris. |
Còn đây là bài hát Giải phóng miền Nam bằng tiếng Thụy Điển in trang trọng trên một trang tạp chí. Là một góc tư trang báo chụp ảnh một người đàn ông khuyết tật đang ngồi trên xe lăn, trên tay ông là một cái hộp và tấm bảng ghi “Ủng hộ Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Ông là Martin Rytterlund, 69 tuổi. Từ năm 1969 đến 1972, ông đã đứng ở ngã tư đường với tấm bảng ấy, kể cả những ngày Stockholm mưa tuyết, quyên góp được hơn 10.000 krona để gửi đến miền Nam Việt Nam. Là một chiếc phong bì gửi đường nội địa Thụy Điển mang con tem của Mặt trận dân tộc giải phóng và tấm decal in hình lá cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh cùng số tài khoản ủng hộ. Là bản cáo phó báo tin buồn kèm ghi chú: “Thay cho hoa viếng, xin hãy gửi tiền đến ủng hộ Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam”...
“Còn nhiều nữa mà tôi không thể giữ hết, công việc bộn bề”, ông Ẩn rưng rưng lật đi lật lại mấy mẩu giấy, tấm ảnh. Những câu chuyện nhỏ chứa trong đó hiển hiện mồn một xuyên qua khoảng thời gian nửa thế kỷ làm chúng tôi hôm nay phải cay mắt.
Ngọn cờ hòa bình
“Ngày ấy phòng thông tin của chúng tôi chỉ có ba người, làm đủ thứ việc, từ nhiệm vụ được giao như cung cấp thông tin về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam cho đến những việc tự sáng tạo như đi diễn thuyết ở các cuộc mittinh... Không lúc nào ngơi nghỉ nhưng chỉ có ba anh em thì cũng không thể nói là làm được nhiều việc. Phòng thông tin của Mặt trận ở các nước khác cũng vậy.
Phong trào ủng hộ Việt Nam ở quốc tế lên mạnh là nhờ ngọn cờ, khẩu hiệu “Hòa bình - Độc lập - Trung lập” giương lên đã đi thẳng được vào lòng người, vào lương tâm nhân loại”, ông Ẩn trầm ngâm.
Ngày hôm nay nhắc đến Hội nghị Paris, những cán bộ ngoại giao của Mặt trận ngày ấy không nhắc nhiều đến bản hiệp định mà ai cũng đã biết. Mọi người đều bật cười thú vị kể lại mãi cuộc tranh cãi kéo dài hơn hai tháng xoay quanh hình thù cái bàn để ngồi họp.
Hai chính phủ cách mạng của Việt Nam đề xuất bàn hình vuông, hình thoi bình đẳng cho bốn bên tham gia nhưng phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn không đồng ý. Tranh cãi mãi, tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, cuối cùng một chiếc bàn tròn thật lớn đã được đóng chỉ trong vòng một ngày. “Hình tròn cũng bình đẳng như hình vuông, và đó cũng là một thắng lợi ngoại giao của Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, ông Ẩn cười hỉ hả.
Những ngày ấy, báo Pháp không ngớt đăng những bài trả lời của phái đoàn miền Nam mà đại diện là Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình. Đôi mắt đen, sâu thẳm ấn tượng của bà hiện diện trên trang nhất các báo, trên đài truyền hình với lời bình luận không kém ấn tượng: “Nhìn đôi mắt Bình là thấy cả bi kịch của miền Nam Việt Nam”.
“Lý lẽ về hòa bình thuyết phục được cả những người cầm súng”, ông Ẩn mỉm cười kể lại một nhiệm vụ đặc biệt mà ông được giao khi ở Thụy Điển: đón một người lính Mỹ để đưa trả về gia đình. Đó là một thanh niên chỉ mới 22 tuổi. Anh tham chiến trong lực lượng lính thủy đánh bộ và bị bắt gần vĩ tuyến 17 chỉ sau vài tháng. Được đưa ra Quảng Bình, anh ta đầu hàng Mặt trận và sống ở đó suốt ba năm.
Ông Ẩn bay sang Matxcơva đón, đưa người lính Mỹ đi chơi, xem nhạc kịch, mua sắm vài bộ quần áo rồi cả hai bay sang Stockholm. Tại buổi họp báo, anh kể về những ngày tháng “được sống với các ông bà nông dân, được trẻ con Việt Nam gọi là chú Tom” và nói: “Người Việt Nam cần phải được hưởng hòa bình”.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thế giới như vậy đó.
Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên cáo thành lập, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm chủ tịch. Mặt trận quy tụ nhiều tổ chức đoàn thể, cá nhân yêu nước ở nông thôn, thành thị, rừng núi, người có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng, người Kinh và các dân tộc thiểu số, người tư sản và người lao động, Việt kiều yêu nước ở hải ngoại, sĩ quan và nhân viên chính quyền Sài Gòn kể cả cấp cao, từ Hiền Lương đến mũi Cà Mau... với mục tiêu đấu tranh: hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất Tổ quốc.
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam kiểm soát nhiều vùng nông thôn và rừng núi rộng lớn gồm nhiều triệu dân. Ngay khi vừa thành lập, Mặt trận đã thật sự làm nhiệm vụ quản lý chính quyền với hệ thống từ xã, ấp, buôn làng trên huyện, tỉnh và trung ương. Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng thật sự là một chính phủ ở miền Nam, tồn tại song song với chính quyền Sài Gòn.
Ngày 6-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Chủ tịch Chính phủ là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, chủ tịch Hội đồng cố vấn là luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một trong bốn bên tham gia hòa đàm tại Paris và ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.
Ngày 25-4-1976 tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức, bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ ngày 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xác định thủ đô, bầu chính phủ, đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM.
Từ đây, chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của một quốc gia Việt Nam thống nhất.
Cảnh trong vùng giải phóng ở Mỹ Tho (Tiền Giang) do một nhà báo Thụy Điển chụp, đăng trên Nhật báo Stockholm - Ảnh tư liệu |
(Theo Chung một bóng cờ - NXB Chính Trị Quốc Gia)
"Đạo diễn Matsumoto cuối cùng đã tin rằng với chính sách "bắt nhầm, giết nhầm, còn hơn bỏ sót", chính quyền lúc đó ở miền Nam đã chuốc thêm mối căm thù từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, chứ không phải chỉ từ những người cộng sản, mà họ cho là những kẻ thách thức quyền lực của họ",
"13 năm ngồi tù, chỉ nghĩ đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Thế mà, giải phóng xong, mình vừa đứng dậy được sau bao nhiêu lâu phải bò lê bò lết, tự nhiên thấy Mặt trận Dân tộc Giải phóng mất tiêu. Choáng váng quá. Tuy biết là tất yếu, nhưng giá để miền Nam hiểu miền Bắc hơn, và miền Bắc hiểu miền Nam, rồi hẵng giải tán có phải tốt hơn không?"
"Tôi cho tới giờ vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi là tại sao tổ quốc đã thống nhất mà dân tộc vẫn chưa hòa hợp?"
(Hai câu hỏi và một câu trả lời rưỡiTVN) -Tác giả: Huỳnh PhanCâu hỏi cảm giác khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị biến mất sau chưa đến hai năm, kể từ khi giải phóng, đạo diễn người Nhật Matsumoto đã chỉ tìm thấy một nửa câu trả lời. Quá nửa số người được hỏi đều thể hiện sự nuối tiếc, ngay cả vào thời điểm được hỏi.
Năm 2009, nhân kỷ niệm 55 Tập kết theo tinh thần Hiệp định Hòa bình Geneve 1954, Ban Truyền hình của Báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), do ông Đặng Tâm Chánh làm Tổng Biên tập, đã làm bộ phim nhiều tập "Tập kết năm '54: Những câu chuyện bây giờ mới kể", phát trên Đài Truyền hình TP HCM.
Năm nay, theo lời ông Nguyễn Binh Nguyên, Trưởng ban Truyền hình SGTT, ông Đặng Tâm Chánh cùng anh em ban truyền hình cũng có ý định làm tiếp bộ phim về những sự kiện diễn ra ở miền Nam sau đó, cho đến tận ngày đất nước thống nhất, thông qua sự ra đời và vai trò to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (NLF) trong sự nghiệp thu giang sơn về một mối, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập của tổ chức này. Nhất là sự ra đời của NLF lại gắn với một sự kiện quan trọng diễn ra cùng năm đó - Phong trào Đồng khởi nổ ra từ Bến Tre.
Ngặt nỗi, theo lời ông Binh Nguyên, ban truyền hình SGTT quá bận cho việc ra đời của chương trình hàng ngày "Việt Nam ngày nay", phát trên VTV4 từ 15.7.2010, nên đành ngậm ngùi bỏ qua sự kiện có ý nghĩa này.
Nhưng những người đồng nghiệp từ một quốc gia Đông Bắc Á đã thay ông Tâm Chánh, và cả ông Binh Nguyên, làm việc này. Họ còn lấy quê hương Bến Tre của ông Tâm Chánh làm bối cảnh chính cho bộ phim của mình. Mặc dù, ý tưởng làm phim về NLF của họ đã xuất hiện hoàn toàn độc lập với Truyền hình SGTT.
Và đối tượng khán giả họ phục vụ trước tiên là những người Nhật, đặc biệt là thế hệ đã tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong số đó có những người trở thành các nhà nghiên cứu Việt Nam, như Giáo sư Tsuboi Yoshiharu - nhà Việt Nam học hàng đầu của Nhật bản, không chỉ về lịch sử mà cả chính trị, kinh tế và văn hóa.
Khám phá nửa còn lại của cuộc chiến
Tháng 10.2009, trả lời phỏng vấn của phóng viên Tuần Việt Nam, Tổng Giám đốc của hãng sản xuất truyền hình Nhật Bản Nihon Denpa News (NDN) đã tiết lộ: "Trong năm tới, chúng tôi dự định làm hai bộ phim quan trọng về NLF và Đường mòn Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của cả hai".
Mít-tinh mừng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời ở Bến Bàu - Mỹ Chánh - Ba Tri (Bến Tre). |
TGĐ Ishighaki Misao còn cho biết thêm, ngoài tình cảm to lớn dành cho Việt Nam, năm 2010 cũng là năm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập của NDN - mà tên tuổi của hãng sản xuất truyền hình khá nhỏ về qui mô này đã gắn với cuộc Chiến tranh ở Việt Nam.
"Hơn nữa, NDN phản ánh cuộc Chiến tranh tại Việt Nam chủ yếu ở phía Bắc. Còn phần cuộc chiến ở Miền Nam vẫn là điều mà chúng tôi đang muốn khám phá", Ishighaki, nguyên là một quay phim ở miền Bắc trong giai đoạn 1969-1972, nói, và cho biết thêm rằng cảm nhận duy nhất về cuộc chiến ở miền Nam của ông là một đêm nằm bên bờ Bắc của sông Bến Hải, khi ông nhìn thấy tiếng nổ và những ánh pháo sáng lóe lên ở bờ bên kia.
Từ giữa tháng 1.2010, ông TGĐ Ishighaki đã sang đặt vấn đề với Vụ Thông tin - Báo chí, Bộ Ngoại giao, và, sau khi được cho phép, đã triển khai ngay. Ông Ishighaki cùng đạo diễn Matsumoto Takeaki, đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản về đề tài phim chiến tranh, nhất là bộ phim về Điện Biên Phủ (2004) và hai tập phim về Chiến tranh Việt Nam (2005), đi tiền trạm lần đầu tiên bằng đường bộ từ Hà Nội, trong vòng hai tuần cho cả hai bộ phim. Đầu tháng 2.2010, họ đã có mặt ở Bến Tre.
Sau lần tiền trạm thứ hai tại Bến Tre, kéo dài suốt hai tuần từ cuối tháng 6.2010, đạo diễn Matsumoto và đoàn làm phim 5 người đã thực hiện công việc quay phim kéo dài 3 tuần lễ. Họ đã phỏng vấn 19 nhân vật, quay hết 30 cuốn phim.
Để có bộ phim dài 50 phút, phát trên Đài NHK vào đầu tháng 12 vừa rồi, ngoài 900 phút tư liệu quay được, các nhà làm phim đã phải mua thêm 16 phút phim tư liệu của Xưởng Phim Quân đội, với giá 600 USD/phút. "Vẫn còn rẻ một nửa so với cái giá mà Trung tâm lưu trữ phim Quốc gia phát ra", ông Trần Huy Công, đại diện NDN tại Việt Nam và là một thành viên của đoàn làm phim, nói.
Ông Công cho biết thêm tư liệu mà NDN mua bao gồm những cảnh lính Mỹ đổ bộ xuống Bến Tre, cảnh càn quét, lục soát nhà dân, hay bắt người, tra tấn, cũng như cảnh nhà tù. Tư liệu này còn bao gồm những hình ảnh về phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, Quân Giải phóng tự chế tạo vũ khí, hay phá Ấp Chiến lược. Đặc biệt là hình ảnh Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuần Việt Nam về lý do NDN lấy Bến Tre làm bối cảnh chính cho bộ phim về FLN, ông Trần Huy Công, người chịu trách nhiệm chính trong việc sưu tầm tư liệu và nhân vật liên quan, và trực tiếp phỏng vấn họ, giải thích:
"Lý do thứ nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ đã diễn ra ở khắp miền Nam, và quay cả miền Nam là một điều không tưởng. trong khi đó, Bến Tre là địa phương rất đặc trưng của miền Nam, và rất đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Lá cờ của MTDT GPMN Việt Nam tung bay tại Dinh Độc lập ngày 30 - 4 - 1975 |
Lý do thứ hai, Bến Tre chính là quê hương của Phong trào Đồng khởi. Lập luận của đạo diễn Matsumoto là nếu không có Đồng khởi vào đầu năm 1960, chưa chắc đã có sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng vào năm cuối năm đó. Tức là từ nhu cầu thực tế của Cách mạng miền Nam mới có Đồng khởi, và từ phong trào này, Mặt trận phải ra đời như một tất yếu để tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước lại.
Hơn nữa, đối với những người nước ngoài quan tâm đến lịch sử và chính trị Việt Nam, Đồng khởi là một sự thể hiện mang tính bước ngoặt trong sự chuyển hướng cách mạng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, thể hiện trong Nghị quyết 15."
Ông Công cũng cho biết thêm rằng điểm khác biệt cơ bản của bộ phim này so với các bộ phim về Mặt trận do các nhà làm phim Việt Nam làm mà ông đã có dịp xem là các nhà làm phim Nhật Bản chọn cách thể hiện thông qua các nhân vật cụ thể, trong quá trình tham gia Mặt trận cũng rất cụ thể và rất riêng của từng người trong số họ.
"Chẳng hạn, đối với bà Nguyễn Thị Khao, tức Út Thắng, là lãnh đạo của mấy xã Đồng khởi đầu tiên ở Bến Tre, sau đó lên làm lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo phụ nữ, chúng tôi quan tâm tới việc bà họp với những ai, ra nghị quyết thế nào, hay chỉ đạo phong trào ra sao. Rồi, qua sự chỉ đạo đó, những người như bà Ca Lê Du đã thực hiện cụ thể thế nào", Trần Huy Công giải thích.
Trong số 19 người được chọn phỏng vấn, các nhà làm phim NDN đã chia ra từng nhóm nhỏ, mang tính đại diện cho Mặt trận. Từ nhóm lãnh đạo phong trào, du kích và bộ đội đia phương, hay đội quân tóc dài, đến những người nông dân bình thường bị đưa vào Ấp Chiến lược, đại diện cho giới trí thức - văn nghệ sĩ, hay đại diện cho Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.
"Chẳng hạn như ni sư Như Chơn (tên tục là Thái Thị Kiều), sinh năm 1943, là người ủng hộ Cách mạng rất nhiệt tình. Khi chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phập Giáo, thì trong hàng ngũ Phật Giáo bà đã xuống đường biểu tình chống đàn áp, chống cả bắt lính nữa. Với tư cách một ni sư đi hành đạo đi từ Sài Gòn, về tỉnh lỵ Bến Tre, rồi xuống huyện, xuống xã, bà mua rất nhiều thuốc men cung cấp cho bộ đội giải phóng và du kích", Trần Huy Công dẫn chứng.
"Nhưng chúng tôi tập trung nhiều nhất vào 4 nhân vật, bởi câu chuyện của họ rất hay, rất cảm động, và cũng rất lạ đối với người nước ngoài như người Nhật", Trần Huy Công nói tiếp.
Hai Lúa tự làm mìn diệt trực thăng
Đó là anh nông dân - du kích Nguyễn Văn Chồn, sinh năm 1941, một người tham gia Mặt trận vì thù ghét chính quyền Ngô Đình Diệm, sau khi chứng kiến cảnh quân đội Sài Gòn đàn áp, chém giết người cộng sản và cả những người bị nghi là Cộng sản.
Từ năm 1960, ông đã tự mình đi tìm bom nổ chậm, hay đạn thối để về cưa ra lấy thuốc nổ. Ba năm sau, ông Chồn đã vào một công binh xưởng ở huyện Giồng Trôm để sản xuất vũ khí cho quân giải phóng và du kích. Không qua một khóa huấn luyện về thuốc nổ nào cả, nhưng vì khéo tay, trong 15 năm trời ông đã cưa những quả bom nổ chậm, đạn thối, tổng cộng lên tới 3500 kg để làm ra làm ra 8.000 quả lựu đạn, 1.200 quả thủ pháo và 200 quả mìn định hướng. Ông có biệt tài mò bom, đạn dưới kênh rạch, hay sông ngòi rất giỏi.
Chính nhờ những quả mìn định hướng tự tạo đó, ông Chồn đã tham gia đánh ba máy bay trực thăng của Mỹ, khi chúng chở quân đổ bộ xuống quê hương ông. Biết trước rằng Mỹ sẽ đổ quân ở khu vực đó, ông đã gài trước mìn định hướng trên cành cây, và khi trực thăng sà xuống là cho phát nổ. Với thành tích diệt gần một trăm lính Mỹ mấy chục lính Mỹ, ông được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ Diệt Mỹ, và nhiều huân chương, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang vào 15.1.1976.
Chiến tranh kết thúc, Anh hùng Nguyễn Văn Chồn lại trở lại với nghề cầm cày, cầm cuốc, làm ruộng, làm vườn nuôi gia đình.
Ném quả lựu đạn thối - đi Côn Đảo 13 năm
Sáng sớm ngày 26.10.1961, trên quảng trường An Hội, thị xã Bến Tre, chính quyền tỉnh Kiến Hoà tập trung hàng ngàn người, trong đó có nhiều học sinh, tổ chức mittinh nhân ngày quốc khánh chế độ Ngô Đình Diệm. Trong đoàn học sinh của trường Công lập Kiến Hoà, có 2 học sinh là Đặng Quốc Tuấn và Ngô Văn Thiều, cùng học lớp 10A2, có hành vi khác lạ.
Khi đến quảng trường, hai cậu tách khỏi đoàn học sinh để trà trộn vào đoàn "lao động cần lao" đứng gần lễ đài. Phần lễ kết thúc, đến phần diễu hành, toàn bộ quan chức trên khán đài tiến về phía trước, đứng xúm lại, vẫy chào các đoàn diễu hành. Tỉnh trưởng Kiến Hoà tươi cười, vẫy tay chào. Bất ngờ, hai vệt khói trắng từ phía dưới bay về khán đài, rồi nhiều tiếng hô to "lựu đạn"...
Viên tỉnh trưởng đã phản ứng bất ngờ bằng cách nhoài người tóm quả lựu đạn. Rồi sau một thoáng chần chừ, vị trung tá tỉnh trưởng như nhận ra quả lựu đạn lép, nên giữ chặt trong tay. Rồi cả quả lựu đạn thứ hai, rơi cách ông gần 10 mét, cũng không nổ. Ngô Văn Thiều bị bắt tại chỗ, còn Đặng Quốc Tuấn, tuy lợi dụng cảnh hỗn loạn đã chạy thoát, nhưng cũng bị bắt sau đó.
Theo báo chí thời ấy, phiên toà xét xử "hai học sinh Việt Cộng" diễn ra ở thị xã Bến Tre vào đầu năm 1962, kéo dài suốt 1 ngày với sự bào chữa của "luật sư thân cộng" Trịnh Đình Thảo. Còn ông Đặng Quốc Tuấn kể lại rằng, tại phiên toà, luật sư Trịnh Đình Thảo đã rất khéo léo viện dẫn lý lẽ "tuổi vị thành niên", để cứu họ khỏi án tử. Bản án "20 năm khổ sai" đã được tuyên vào khoảng 5 giờ chiều.
Các nhà làm phim phỏng vấn ông Đặng Quốc Tuấn ở chính phòng giam trước đây của ông. |
Khi Đặng Quốc Tuấn được tàu Hải quân đón về từ Côn Đảo, ông phải nằm trên cáng, rồi ngồi trên xe lăn. Hơn 13 năm ở Côn Đảo với biết nhiêu đòn tra tấn của cai tù đã biến một chàng trai mặt còn búng ra sữa thành một ông già. Một đồng đội cũ của Đặng Quốc Tuấn trong đội biệt động Bến Tre là Nguyễn Thị Nhi, sau này trở thành vợ ông, đã đến hỏi ông ở Bệnh viện Bến Tre một cách kính cẩn: "Thưa bác, bác ở Côn Đảo về, bác có biết anh Sáu Tuấn không ạ?"
Có một chi tiết thú vị là cái rủi của chiến sĩ biệt động "nhí" Đặng Quốc Tuấn lại là cái "hên" của nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo - viên Trung tá tỉnh trưởng Kiến Hòa lúc đó. Ông Phạm Ngọc Thảo kéo dài cuộc đời hoạt động của mình thêm gần 4 năm nữa, sau khi bị an ninh quân đội Sài Gòn bắt và tra tấn đến chết sau đó gần 4 năm, do tham gia vào một âm mưu đảo chính bất thành.
Để sau này, nhà cách mạng, nhà văn và nhà báo Trần Bạch Đằng (dưới bút danh Nguyễn Trường Thiên Lý), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, có cơ hội viết được cuốn tiểu thuyết tình báo nổi tiếng một thời "X30 phá lưới". Và bộ phim dài tập "Ván bài lật ngửa", do chính ông viết kịch bản, đã làm nên tên tuổi Nguyễn Chánh Tín trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với vai diễn để đời "Trung tá Nguyễn Thành Luân".
Chỉ có điều đáng tiếc, ông Đặng Quốc Tuấn đã không xem bộ phim này. Tuy ông có đến viếng mộ Anh hùng Phạm Ngọc Thảo.
Khi được các nhà làm phim NDN hỏi, về cảm nghĩ khi biết tin viên tỉnh trưởng đó chính là "người mình" cài vào, ông Đặng Quốc Tuấn, người sau ngày đất nước thống nhất đã trở thành một cán bộ văn hóa, làm đến Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bến tre, trước khi nghỉ hưu, đã nói: "Đến cả lãnh đạo mặt trận tỉnh còn chưa được biết nữa là cỡ chúng tôi. Rủi lựu đạn thối thì chịu thôi."
Hết chỗ lành lặn trên người mới chịu rời quân ngũ
Cuối năm 1967, trên sông Hàm Luông ở Bến Tre có hai tổn thất lớn liên tiếp xảy ra với quân đội Mỹ. Đó là trong vòng hơn một tháng hai chiến hạm lớn của Mỹ mang số hiệu 833 (dài 110 mét, rộng 25 mét) và 821 (dài 110 mét, rộng 12 mét) bị đánh chìm.
Cùng bị cháy với chiếc đầu tiên - một cơ xưởng hạm - vào đêm 23.11.1967, tại địa phận xã Mỹ Thạch An còn có hai trực thăng, 10 tàu chiến chờ sửa chữa đi cùng, 4 tàu tuần tiễu, 24 khẩu pháo 155 ly và 105 ly, và 350 lính Mỹ, Úc Tân Tây Lan và Nam Hàn bị chết. Cùng chung số phận với chiếc tiểu chiến hạm thứ hai, vào đêm 29.12.1967, tại Cù Lao Đất, ngã ba sông Đốc, có hai chi đội xe tăng M113, 24 khẩu pháo, 2 trực thăng, 12 tàu chiến xung quanh và 2 tàu tuần tiễu.
Trong hai chiến công lớn công binh thủy Bến Tre năm đó, có hai tổ 4 người được ghi danh. Người duy nhất có mặt ở cả hai trận đánh nói trên là Phan Văn Xệ, tức Minh Xệ, một chuyên gia "đường dây", có nhiệm vụ gắn dây vào hai khối thuốc nổ mà đồng đội đã gắn vào hai bên tàu, và thả dây dẫn vào bờ.
Ông Phan Văn Xệ, tức Minh Xệ chỉ cho đoàn làm phim nơi tổ 4 người của ông bắt đầu xuống nước để đánh tàu 833. |
Theo những người làm phim của NDN, cho đến nay người Mỹ vẫn còn ngỡ ngàng, không hiểu vì sao hai chiến hạm của họ, được canh phòng rất cẩn mật như vậy, lại bị đánh dễ dàng đến thế. "Minh Xệ nói ông biết có những sĩ quan Mỹ muốn tìm gặp ông, người duy nhất còn sống, nhưng không hiểu vì sao bên phía mình không cho họ gặp", Trần Huy Công kể lại.
Trước đó 4 năm, Minh Xệ bắt đầu tham gia Quân Giải phóng, khi đi theo một người anh là giáo viên một trường công binh thủy của tỉnh. Toàn bộ kỹ năng của một đặc công nước Minh Xệ đã được học từ đó. Cho tới thời điểm đó, ông tham gia nhiều trận đánh lớn, lập nhiều chiến công, và đều thoát hiểm ngoạn mục.
Nhưng đến chiến dịch Mậu Thân, vận may không còn mỉm cười với "Kình Ngư" của đất Đồng Khởi khi tham gia đánh trên bộ. Khi đột kích vào tỉnh lỵ Bến Tre, Minh Xệ bị bắt vào giữa trưa mông Một Tết. Ông bị đưa ra Phú Quốc, và sau 5 năm bị giam giữ, ông được trao trả vào ngày 1.2.1973 tại Thạch Hãn.
Sau khi điều trị ở Quảng Ninh, đến 1.1974, ông lại xin trở lại miền Nam. Tháng 5.1974, trong đội ngũ của trung đoàn 261 thuộc quân khu 9, Minh Xệ tham gia đánh bốt Băng Tra, xã Nhuận Phú Tân, Mỏ Cày Bắc. Lại bị thương vào mặt, đùi, thái dương, đầu và phổi. Sau một tháng điều trị ở quân y viện của huyện Mỏ Cày Bắc, Minh Xệ lại tham gia đánh tiếp các đồn bốt ở xã Hòa Lộc...
Vào đêm 28.4.1975, Trung đoàn 261 có nhiệm vụ đánh chặn Sư đoàn bảy, Quân đoàn 12, Vùng 4 Chiến thuật của Quân đội Sài Gòn, không cho chúng về tiếp viện cho Sài Gòn, tại ngã tư Đồng Tâm (tên gọi bây giờ) thuộc quốc lộ 1, đoạn từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Minh Xệ lại bị thương vào tay trái, đứt ruột già, và hậu môn (phải làm hậu môn nhân tạo).
Sau khi điều trị xong ở Quân y Viện Định Tường (Tiền Giang), tháng 1.1979, Minh Xệ lại tham gia Trung đoàn 2, Sư đoàn 330, đánh biên giới Tây Nam. Chỉ đến tháng 8.1979, sau 16 năm 8 tháng trong quân ngũ và tham gia tất cả trận đánh lớn, ông mới phục viên, với quân hàm thiếu úy. Trên người ông lúc đó khó có thể tìm được chỗ nào còn lành lặn.
Là thương binh 4/4, Minh Xệ có tiêu chuẩn có hộ lý phục vụ, và ông dành suất đó cho vợ. Sau khi phục viên, ông ở luôn mảnh đất của đơn vị ở Đường Ngọc Giải, khu phố 10, phường 6, thành phố Mỹ Tho - vốn là căn cứ thiết giáp của Sư đoàn 7 Quân đội Sài Gòn. Vợ chồng ông sống chủ yếu bằng tiền bán nhãn, ngoài khoản tiền nhà nước trả hàng tháng cho vợ chồng ông theo chế độ.
Mảnh đất ông đang ở và trồng nhãn đã được quân đội chính thức chia cho ông, sau quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh - người Tư lệnh cũ của Chiến trường Quân khu 9, trong đó có Bến Tre. Những đồng đội cũ sống quanh Minh Xệ đều đã được cấp sổ đỏ, riêng ông thì chưa.
"Tôi toàn đi xin mồm không thôi, nên chưa được cấp là phải", người chủ nhân của hai Huân chương "Chiến công hạng 3", 3 Huân chương "Chiến công Giải phóng", 2 Danh hiệu "Kiện tướng diệt Mỹ", và 2 Danh hiệu "Dũng sĩ diệt xe tăng", vừa cười vừa nói với đoàn làm phim NDN.
Người biểu tình chuyên nghiệp
Nói về Mặt trận Dan tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, không thể nào không nói đến đội quân tóc dài - những người chiến đấu chủ yếu trên mặt trận chính trị. Trong đội quân tóc dài ở Bến Tre, không thể không nhắc tới cái tên Ca Lê Du ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc - một người luôn dẫn đầu các đoàn biểu tình suốt từ năm 1959 đến tận ngày miền Nam được giải phóng.
Bà Ca Lê Du, sinh năm 1934, là còn của ông Ca Lê Thỉnh (sau này là Đại sứ Việt Nam tại Căm pu chia), đốc học ở Bến Tre, và là em của Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, đạo diễn Ca Lê Hoài, chị của nhà thơ - liệt sĩ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân). Sở dĩ, bà không theo cha và các anh chị em ra tập kết ra Bắc vì đã có chồng, một người cộng sản được giao nhiệm vụ ở lại miền Nam.
Năm 1959, xảy ra vụ đầu độc tù nhân ở nhà giam Phú Lợi, nơi chồng bà Ca Lê Du bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam giữ. Cùng với thân nhân của các tù nhân ở Phú Lợi, bà Ca Lê Du đã tham gia biểu tình lần đầu tiên, đấu tranh chống hà hiếp, tra tấn, và đầu độc tù nhân. Đến lượt bà cũng bị bắt giam. Lần đầu tiên là vào năm 1959, bị đưa lên Sài Gòn giam 9 tháng. Năm 1967, lại bị bắt, giam 14 tháng ở nhà tù Bến Tre. Năm 1971 lại bị giam 3 tháng, và năm 1972 bị giam 4 tháng.
Nhưng kể từ khi được thả lần đầu, bà luôn đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình đòi dân sinh, dân chủ. Bà dẫn đầu đoàn phụ nữ nông dân đi biểu tình từ ấp, lên xã, lên huyện, rồi lên tỉnh, khi bất cứ có chuyện gì xảy ra. "Chẳng hạn, khi địch nã pháo, hoặc càn quét vào trong xã. Hay, sau vụ nã pháo có mấy xác chết, thế là phụ nữ, thân nhân người bị hại bỏ mấy chác chết lên cái ghe, kéo lên tận tỉnh lỵ Bến Tre, đấu tranh", bà kể với đoàn làm phim NDN.
Khi được đoàn làm phim NDN hỏi tại sao bị bắt giam nhiều lần như vậy, chắc bị tra tấn mà sao vẫn lành lặn như vậy, bà mủm mỉm cười: "Nhờ phước ông già tui đó. Đám tỉnh trưởng, huyện trưởng, rồi cảnh sát trưởng đều là học trò cũ của ổng, nên cũng nể mặt tui, và bảo lính không được cư xử tệ với con gái thầy học cũ."
Hai câu hỏi - một câu trả lời rưỡi
Trần Huy Công cho biết có hai câu hỏi mà các nhà làm phim NDN luôn đặt ra với tất cả nhứng người được phỏng vấn.
Thứ nhất là động cơ tham gia Mặt trận, hay Cách mạng của họ. Những người Nhật thực sự không hiểu tại sao Chính quyền Sài Gòn lúc đó lại cư xử với người dân của mình như vậy, bắt bớ, hay nhốt họ vào Ấp Chiến lược.
Bà Út Thắng nói do sự đàn áp của Chính quyền Ngô Đình Diệm với những người Cộng sản, nhất là sau khi Luật 10/59 ra đời. Số đảng viên cộng sản ở Bến Tre đã giảm từ hơn 1000 người hồi năm 1955 xuống còn hơn 100 người.
Còn ông Đặng Quốc Tuấn nói rằng ông tham gia Mặt trận vì chứng kiến chính quyền Ngô Đình Diệm đã kể lại những vụ chú bác của ông bị lôi từ dưới hầm lên và giết trước mắt ông. Lòng căm thù khiến ông tham gia biệt động khi chưa đủ thành niên, và ném lựu đạn để trả thù.
Bà Ca Lê Du trả lời rằng chồng bà bị bắt nên bà đấu tranh đến cùng thì thôi.
"Đạo diễn Matsumoto cuối cùng đã tin rằng với chính sách "bắt nhầm, giết nhầm, còn hơn bỏ sót", chính quyền lúc đó ở miền Nam đã chuốc thêm mối căm thù từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, chứ không phải chỉ từ những người cộng sản, mà họ cho là những kẻ thách thức quyền lực của họ", Trần Huy Công kể lại.
Nhưng còn câu hỏi thứ hai là cảm giác khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị biến mất sau chưa đến hai năm, kể từ khi giải phóng, đạo diễn Matsumoto đã chỉ tìm thấy một nửa câu trả lời.
Quá nửa số người được hỏi, theo Trần Huy Công, đều thể hiện sự nuối tiếc, ngay cả vào thời điểm được hỏi.
Bà Út Thắng nói: "Sớm quá, ngỡ ngàng quá. Bởi người miền Nam đâu hiểu Mặt trận Tổ Quốc là gì. Họ chỉ biết Mặt trận Dân tộc Giải phóng thôi."
Còn ông Đặng Quốc Tuấn, người duy nhất có cảnh quay với đoàn làm phim ở ngoài địa phận Bến Tre, khi ông được đưa lại ra thăm Côn Đảo, đã ngồi trên cầu tàu nói với các nhà làm phim: "13 năm ngồi tù, chỉ nghĩ đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Thế mà, giải phóng xong, mình vừa đứng dậy được sau bao nhiêu lâu phải bò lê bò lết, tự nhiên thấy Mặt trận Dân tộc Giải phóng mất tiêu. Choáng váng quá. Tuy biết là tất yếu, nhưng giá để miền Nam hiểu miền Bắc hơn, và miền Bắc hiểu miền Nam, rồi hẵng giải tán có phải tốt hơn không?"
Trần Huy Công nói rằng Matsumoto đã không hiểu rõ vế cuối cùng trong câu trả lời của ông Tuấn, mặc dù ông đạo diễn Nhật không hỏi thêm. Nhưng người viết bài này thì hiểu hàm ý của vị cựu quan chức phụ trách truyền thông Bến Tre. Trước đó, một "người lính" của cả Tâm Chánh lẫn Binh Nguyên ở SGTT là nhà văn - nhà báo Nguyễn Trọng Tín - một thành viên tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở cái tuổi như ông Đặng Quốc Tuấn, nhưng sau đó chừng hơn mười năm và không được giao ném lựu đạn - đã từng nói với người viết một điều tương tự: "Tôi cho tới giờ vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi là tại sao tổ quốc đã thống nhất mà dân tộc vẫn chưa hòa hợp?"
Có lẽ, đó không chỉ là câu hỏi của nhà văn Nguyễn Trọng Tín, mà của nhiều người khác, trong đó có cả các nhà sử học và nhà báo, muốn tìm câu trả lời. Hoặc giả đành phải chờ đợi sự ra đời của một, hay hơn một cuốn hồi ký của một, hoặc hơn một người trong cuộc nào đó.
Trong lúc chờ đợi, người viết xin được dẫn hai ví dụ nho nhỏ.
Ví dụ thứ nhất về niềm tin và cách tuyên truyền ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa - nơi người viết đang còn là một cậu học sinh phổ thông khi đất nước thống nhất - về sức mạnh tinh thần và trình độ phát triển của phe XHCN, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc, và phe Tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là Mỹ, đã được nhà thơ Việt Phương tóm lược tài tình trong hai câu thơ:
"Trăng Trung Quốc trong hơn trăng nước Mỹ,
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ."
Trong khi đó, tại miền Nam, nơi người anh con cô con cậu của người viết đang chiến đấu trong đại đội trinh sát của quân khu 9, ông chính trị viên đã nói với các chiến sĩ của mình: "Các đồng chí thích dùng màn tuyn Mỹ hay màn tuyn của ta, bi đông Mỹ hay bi đông Trung Quốc? Hàng hóa Mỹ, chất lượng cái gì cũng tốt, bởi họ có trình độ phát triển nhất thế giới về khoa học kỹ thuật. Mỹ chỉ duy nhất có một cái xấu là xâm lược Việt Nam."
Nếu Mặt trận Dân tộc Giải phóng tiếp tục tồn tại đến sau tháng 1.1977 - thời điểm nó bị sáp nhập vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - để người Bắc hiểu người Nam, như mong ước của ông Tuấn, ông Tín, và nhiều người khác, biết đâu đã không có cuộc cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, như đã diễn ra ở miền Bắc 20 năm trước đó, để nền kinh tế không bị rơi vào khủng hoảng, kéo theo sự khủng hoảng về xã hội. Và không có cảnh đau lòng là nhiều người đã ra đi khi đất nước đã thống nhất. Và rồi, chúng ta lại phải làm cuộc Đổi Mới để gây dựng lại nền kinh tế thị trường mà chúng ta đã từng hơn một lần cải tạo.
Và cung cấp thêm cho độc giả một chi tiết mới. Ông Khuất Biên Hòa, nguyên trợ lý của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đã dẫn lời ông Lê Đức Anh, như sau:
"Anh Trà (Thượng tướng Trần Văn Trà) có công rất lớn trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp và phần đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhưng đến trước trận đánh lịch sử Tồng Tấn công Mậu Thân 1968, ông Lê Đức Thọ (Trưởng ban Tổ chức Trung ương) bỗng dưng lại điều anh Hoàng Văn Thái vào làm Tư lệnh B2. Hai anh đang ngang bằng nhau, đều Uy viên Trung ương, ông Thái làm Tư lệnh khu 5, ông Trà làm Tư lệnh B2. Nay đùng một cái, ông Thái vào làm Tư lệnh, ông Trà xuống phó. Làm gì ông Trà chẳng có tâm tư!...Và anh Trà tâm tư đến tận Đại hội VI, khi quyết định bỏ về miền Nam".
Theo ông Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh đã bỏ lửng lời giải thích ở đó, cũng như bỏ lửng trong phần kết của bộ phim về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam của hãng NDT.