Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Huyết mạch “thắt - buông”, cơ thể phải “co giật”

-Huyết mạch “thắt - buông”, cơ thể phải “co giật” (Bee)-14/12/2010 14:44:51
- Thời gian qua, chính sách tiền tệ liên tiếp bị điều chỉnh bằng các mệnh lệnh hành chính và luôn có sự thay đổi vào phút chót trước khi văn bản ban hành trước đó có hiệu lực. Lãi suất hiện chỉ có những người vay để “đánh quả” hay đầu cơ mới có thể chịu đựng nổi, không một hoạt động sản xuất nào có thể chịu được.
TIN LIÊN QUAN
Liên tục ban hành, thay đổi, chỉnh sửa
Ngày 14/12, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận gia hạn thực hiện Nghị định 141 cho các tổ chức tín dụng đến 31/12/2011, tức lùi lại 1 năm so với quy định.
Tính đến thời điểm này, 18/23 ngân hàng không đủ điều kiện tăng vốn đúng hạn, điều gì xảy ra khi có đến ½ ngân hàng bị giải thể hoặc sáp nhập nếu kiên quyết thực hiện Nghị định 141? Có thể là một sự đổ vỡ dây chuyền của toàn hệ thống? Phải chăng NHNN “lùi bước” vì không thể để cả hệ thống bị ảnh hưởng bởi sự kiên định của mình?...
Ảnh minh họa (IE)
Ảnh minh họa (IE)
Như vậy, sau nhiều lần lãnh đạo NHNN tái khẳng định quyết tâm không “lùi bước” yêu cầu nâng vốn điều lệ với lý do Nghị định 141 đã ban hành 4 năm và có đủ thời gian cho các NHTM thực hiện, NHNN đã từ bỏ quyết tâm ban đầu của mình.
Kỳ vọng cách đây 4 năm của NHNN khi Chính phủ ban hành Nghị định 141 nhằm nâng cao năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng thương mại thông qua sự sàng lọc mức vốn tự có dường như đã bị đẩy lùi về thời điểm. Nền kinh tế tiếp tục sống chung với các hiện tượng cạnh tranh ít lành mạnh giữa các NHTM khác nhau “một trời một vực” về khả năng cũng như trình độ kinh doanh, quản lý nguồn vốn. Chắc chắn trong quá trình hoạt động giữa các đối thủ không ngang tài ngang sức sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các hình thức “đi đêm”, “xé rào”; bất tuân “thượng lệnh”…
Trong vòng 6 tháng qua, không ít lần các chính sách; quy định của NHNN bị thay đổi hoặc chỉnh sửa vào phút chót  theo hướng nới lỏng điều kiện so với mục tiêu ban đầu: Trước  thời điểm thực hiện 3 ngày, NHNN đã ban hành Thông tư 19 để chỉnh sửa nội dung Thông tư 13 có hiệu lực từ 1/10/2010, theo dó nới lỏng hoặc bãi bỏ một số yêu cầu khắt khe đối với thị trường huy động vốn và các chỉ tiêu liên quan đến an toàn tín dụng.
Tiếp đó, khi Nghị quyết tháng 8/2010 của Chính phủ yêu cầu duy trì lãi suất “vào” 10% “ra” 12% chưa kịp thực hiện thì ngày 4/11, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tuyên bố “thả nổi lãi suất cho thị trường”.
Ngay sau đó vài hôm, các NHTM, dưới sự chủ trì của Hiệp hội ngân hàng, đã tuyên bố “đồng thuận” áp dụng lãi suất huy động tối đa là 12%/năm, nhưng thực tế bị phá vỡ ngay sau đó.  Và ngày 8/12, một lần nữa các NHTM lại gặp nhau, dưới dự chủ trì của NHNN. Tại cuộc họp ở hai đầu đất nước lần này, thay vì “thỏa thuận”, các thành viên đã nâng trách nhiệm thực thi lên mức “ký cam kết” huy động vốn tối đa 15%, nhưng ngày 13/12, ngân hàng ACB vẫn đưa ra mức lãi suất 15,5% cho kỳ hạn 12 tháng …
"Lạm phát" tâm lý
Môi trường lưu chuyển đồng tiền luôn là huyết mạch của toàn bộ nền kinh tế, đồng thời tiền tệ luôn là vấn đề nhạy cảm với tâm lý của toàn xã hội. Việc thường xuyên thay đổi mục tiêu cũng như giải pháp càng làm tăng thêm tâm lý bất an và tâm lý không tin tưởng vào giá trị đồng nội tệ của người dân cũng như các chủ thể tham gia nền kinh tế.
Mặt khác, những biểu hiện kể trên gây tâm lý không vững tin của người dân vào sự nhất quán trong chính sách Nhà nước, tạo tiền đề cho các nhóm lợi ích và một thiểu số những người tham gia kinh doanh, đầu tư tài chính có kỳ vọng tác động để thay đổi chính sách theo hướng phục vụ cho lợi ích riêng….
Do đó, khi người dân không bền vững sẽ định hướng hành vi theo tin đồn và hành động theo “bầy đàn”, gây nên sự hỗn loạn trên thị trường và tự họ bao giờ cũng lại chính là người gánh chịu hậu quả. Thực tế cho thấy, cho dù NHNN có nhiều văn bản chỉ đạo hay yêu cầu nhưng thị trường tiền tệ trong nửa cuối năm nay luôn diễn biến bất thường theo hướng bất lợi cho họat động của nền kinh tế.
Ngay khi có tin hoãn thực hiện Nghị định 141, lần đầu tiên trong hơn 10 tháng qua, liên tiếp trong hai phiên giao dịch ngày 13 và 14/12, nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết nhận được lực cầu rất mạnh, kể cả khi xu hướng chung của thị trường "đi xuống". Tất cả 7 mã cổ phiếu ngân hàng đều tăng kịch trần với lượng dư mua lớn: HBB dư mua trần 1,2 triệu cổ phiếu; ACB dư mua 895.000 đơn vị; SHB dư mua 1,19 triệu; STB dư 1,06 triệu, EIB, CTG cũng dư mua trần hàng trăm ngàn đơn vị.
Tiếp theo thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư và chủ dự án bất động sản cũng đang chờ những nguồn tiền mới từ trong ngân hàng chảy ra ngòai thị trường vốn đã lạnh lẽo từ gần một năm nay do nguồn cung tiền bị thắt chặt. “Bong bóng” bất động sản có môi trường và điều kiện để tiếp tục phình to, làm lợi cho các chủ đầu tư và một số nhà đầu cơ đang phải “ôm” những sản phẩm lâu nay không tìm thấy khách có khả năng chi trả.
Tình trạng hai giá trong lãi suất và tỷ giá tồn tại trong nhiều tháng nay làm xáo trộn sự ổn định tài chính của nhiều doanh nghiệp. Lãi suất hiện đang được nâng lên mức mà chỉ có những người vay để “đánh quả” hay đầu cơ mới có thể chịu đựng nổi, không một hoạt động sản xuất nào có thể chịu được mức lãi vay đến 20%/năm như hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trong cuộc họp báo gần đây đã cho rằng: “Giá cao là một thực tế, song lạm phát tâm lý là điều rất quan trọng. Chúng ta phải làm sao để đẩy  lùi tâm lý bất an trong nhân dân thì kiềm chế lạm phát sẽ hiệu quả hơn”. Nhưng làm sao có thể ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp khi chính sách tiền tệ từ phía các cơ quan Nhà nước lại cứ thay đổi “xoành xoạch” như thế?
 
Danh sách 18 ngân hàng chưa hoàn thành xong quá trình tăng vốn lên 3.000 tỷ:
Ngân hàng Phát triển Nhà TP.HCM, Sài Gòn Công thương Ngân hàng, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng Gia Định, Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Phương Tây, Ngân hàng Đại Tín, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Ngân hàng Đại Á, Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Bảo Việt.
TH

Tổng số lượt xem trang