Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Việt Nam theo mô hình gì?

Cờ đỏViệt Nam theo mô hình gì? (BBC)

TS Benoit de Tréglodé nói mô hình chính trị VN 'không thể hoàn toàn khác Trung Quốc'.

Hai thủ tướng Trung Quốc và Việt Nam đứng cạnh nhau tại một hội nghị ở Hà Nội
Tiếp tục loạt bài về chính trị Việt Nam trước Đại hội XI của Đảng Cộng sản, BBC xin giới thiệu phần thứ nhì bài phỏng vấn với Tiến sĩ Benoit de Tréglodé, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại của Pháp (IRASEC).
Trong bối cảnh hiện nay, có ít nhất hai nhân tố khác tác động tới mô hình chính trị tại Việt Nam: Trung Quốc và Phương Tây.

BBC đặt câu hỏi rằng trước ảnh hưởng mạnh về chính trị của láng giềng cộng sản Trung Quốc, có phải Phương Tây, gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh và nhiều nước khác, do các ràng buộc quyền lợi kinh tài, lại tỏ ra yếu đi trong tác động về dân chủ với Việt Nam, tiến sĩ Tréglodé trả lời:

Tiến sỹ Tréglodé: Đặt vấn đề phát triển một mô hình chính trị tự chủ ở Việt Nam, độc lập hoàn toàn với mô hình hiện hữu ở Trung Quốc, có vẻ là một điều không thể có. Người ta từng nói tới dân chủ hóa trong nội bộ đảng ở Bắc Kinh cách đây một thời gian, và cũng nói tới sau đó một quá trình dân chủ hóa nội bộ trong Đảng ở Việt Nam.
Thực ra, giữa hai quốc gia cộng sản, hai mô hình có những tương tác nhân quả, với sự thay đổi ở Trung Quốc và theo đó là sự biến đổi, phát triển và thích nghi diễn ra trong trường hợp Việt Nam.
Đó là chưa kể, có những quan hệ lịch sử, chính trị, văn hóa ăn sâu giữa hai quốc gia. Gần đây Trung Quốc cũng thể hiện một ý chí rõ ràng trong chính sách ảnh hưởng chính trị của mình tới các nước láng giềng phía Nam của nước nay, mà trong đó có Việt Nam.
Đặt vấn đề phát triển một mô hình chính trị tự chủ ở Việt Nam, độc lập hoàn toàn với mô hình hiện hữu ở Trung Quốc, có vẻ là một điều không thể có.
TS Benoit de Treglode
Về vai trò của phương Tây đối với dân chủ và cải cách ở Việt Nam, ngoài các yếu tố như Việt Nam là một thị trường năng động với hàng trăm nghìn người gia nhập thị trường lao động hàng năm, mức tăng trưởng thường niên trên dưới 7%, các cam kết của nước này khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, ý muốn hợp tác với các đối tác quốc tế…, về mặt dài hạn, có thể thấy trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể về quan hệ đối tác.
Và các đối tác này cũng có những tác động nhất định vào nước này. Chẳng hạn, hai đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong năm 2010 là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Đương nhiên từ quan hệ đối tác kinh tế trọng yếu này, các mối liện hệ về chính trị cũng phát triển rất nhanh, không kém những quan hệ xuất nhập khẩu, thương mại khác. Việt Nam xuất khẩu rất nhiều tới các quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Singapore, và đối tác hàng đầu ở châu Âu là Đức. Nhưng Việt Nam cũng xuất khẩu với số lượng quan trọng tại châu Á, tới các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Bắc Á.

Kinh tế Việt Nam phát triển đều những năm qua nhờ cả vào xuất khẩu
Mặt khác, trong một thời gian dài nhiều đối tác đầu tư hàng đầu ở Việt Nam là các quốc gia ở châu Á. Do đó đã có một chiều hướng châu Á hóa các quan hệ chính sách và chính trị ở Việt Nam mà ở phía Bắc, đó là quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, quan hệ với nhiều quốc gia phương Tây cũng được tính đến.
Do đó, lẽ dĩ nhiên xuất hiện một phương thức cân bằng hóa quyền lực hoặc tìm kiếm phương thức này trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, từ không chỉ góc độ kinh tế, mà còn ở góc độ chính trị và chiến lược.
BBC cũng hỏi Tiến sĩ Tréglodé về một sự trở lại của Hoa Kỳ về mặt chính trị tại Việt Nam sau giai đoạn 'làm quen' trên 10 năm trước, ông cho biết:
Tiến sỹ Tréglodé: Đối với các nước phương Tây, sau một giai đoạn ở những năm 1990, với nhiều đối tác đầu tư nước ngoài tỏ ra mệt mỏi trong việc làm ăn với Việt Nam và ra đi khỏi thị trường vì nhiều lý do, trong mấy năm gần đây đã có sự thay đổi. Và người ta thấy đã có sự trở lại của nhiều đối tác Phương Tây. Chẳng hạn như Hoa Kỳ đã trở lại với sự nhấn mạnh. Pháp cũng đã trở lại và coi Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.
Ở đây cũng có những lý do về mặt kinh tế, như Việt Nam trải qua 20 năm trở thành một thị trường tiêu thụ quan trọng, mà người ta có thể kiếm tiền ở đây. Nhưng cũng có lý do về mặt chính trị, chẳng hạn như Việt Nam đã biết quản lý khá tốt sự gia nhập của mình vào các diễn đàn quốc tế. Ví dụ có thể ghi nhận vai trò của nước này trong nhiệm kỳ ngắn làm chủ tịch với tư cách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, hay trong việc tổ chức các diễn đàn khu vực Asean đăng cai tại Việt Nam. Do đó người ta thấy có thể có những yếu tố tin cậy nhất định để trở lại.
Và cuối cùng, liên quan tới điểm này, một ví dụ diễn biến gần đây là sự kiện ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton đã mượn diễn đàn Asean mở rộng tại Hà Nội hồi tháng Bảy để có những phát biểu mang tính chất tuyên ngôn chiến lược về lập trường mới nhất của Hoa Kỳ đối với an ninh Biển Đông, điều mà đã làm cho Bắc Kinh khá bất ngờ. Và cũng có thể thấy rằng nhiều nước phương Tây, cũng trong vòng kỳ vọng của Việt Nam, cũng muốn trở lại quốc gia này như một cánh cửa mới, mở ra trong khu vực cho những vấn đề quan tâm và liên quan của mình, mà trong số đó, bao gồm các nước như Hoa Kỳ, Nga, một số quốc gia châu Âu và ngoài ra là cả Nhật Bản nữa.
Tiến sỹ Benoit de Tréglodé là chuyên gia Việt Nam học và hiện giữ chức Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại (IRASEC) của Pháp, có trụ sở đóng tại Bangkok, Thailand. BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các bài liên quan tới Đại hội Đảng XI tháng 1/2011.
Việt Nam đã khôn khéo xây dựng vị thế tại ASEAN

Tổng số lượt xem trang