Chỉ thế thôi nhưng chiều xuống, lũ lượt các bậc phụ huynh đưa con em đến đây chơi. Có vẻ như ai cũng hài lòng: người chủ thu được tiền, bọn trẻ có chỗ nô đùa, phụ huynh cũng làm tròn nhiệm vụ “cho con được vui chơi”. Nhưng, những ai thật sự muốn con em mình vui chơi, giải trí trong điều kiện như vậy?
Hình ảnh trên rất phổ biến ở TP.HCM - nơi trong tổng số hơn 8 triệu dân có tới 1,7 triệu trẻ em (dưới 16 tuổi). Những sân chơi an toàn dành cho trẻ em là quá thiếu thốn trong nhiều năm qua, nhất là đối với con em của nhóm dân cư thu nhập thấp, nghèo. Hiện trạng rất bức xúc này thường xuyên được phản ánh trên báo chí, trên các diễn đàn của người dân và đã nhiều lần được đặt lên bàn các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm.
Khi lời hứa vào “giấy trắng mực đen”
Nghị quyết “Về việc đầu tư, xây dựng, phát triển các cơ sở vui chơi giải trí phục vụ thiếu nhi trên địa bàn TP giai đoạn 2011-2015” được đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp lần 19 HĐND TP.HCM khóa VII (từ ngày 7 đến 10-12-2010), được coi là một nghị quyết thuộc dạng “khá đặc biệt” trong vòng mười năm qua.
Có thể coi đây là một quyết tâm của những đại biểu dân cử để giải quyết một trong những bức xúc lâu ngày của cư dân TP, hiện thực hóa chủ trương “bảo vệ và chăm sóc trẻ em” đã nhiều lần được khẳng định. Đây cũng chính là một trong những lời hứa được thành hình trong “giấy trắng mực đen”, chí ít để đến năm 2015 dễ bề tính xem “người lớn” có làm tròn những gì đã hứa với trẻ em hay không.
Theo bà Phạm Phương Thảo - chủ tịch HĐND TP, trước mắt sẽ có 100 tỉ đồng từ ngân sách được chi để “chăm lo cơ sở vật chất vui chơi, giải trí cho trẻ em”. Trên nền những đề nghị của chính quyền TP, HĐND TP thống nhất với những “lời hứa” như: xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm các công trình văn hóa, thể thao cho thiếu nhi (gồm nhà thiếu nhi TP cơ sở 2, bảo tàng TP, nhà hát xiếc - rối), đầu tư mười khu vui chơi trẻ em tại các công viên hiện hữu (hoàn thành cuối năm 2012).
Cũng từ thời điểm này phải dành ít nhất 20% kế hoạch hoạt động hằng năm (kinh phí, thời gian, cơ sở vật chất...) phục vụ trẻ em trong các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch thuộc công lập...
Những lời hứa cũ
Nếu nhìn lại quá khứ thì đây không phải là lần đầu và lần duy nhất “người lớn” bàn đến những chủ trương, chính sách để chăm lo cho trẻ em. Tháng 6-2000, Bộ Chính trị có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Trước đó, tháng 3-2000, Thủ tướng có chỉ thị về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em. TP.HCM từng chọn chủ đề năm 2000 là “Năm trẻ em”. Năm 2004, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ra đời... Đi ngay sau những chủ trương quan trọng
và có tính pháp lý cao ấy là các cuộc họp bàn thảo nhiều kế hoạch, chương trình hành động. Các cuộc giám sát của ban văn hóa - xã hội HĐND tại nhiều quận huyện cũng đã nhiều lần nhìn nhận tính cấp thiết của tình trạng trẻ bị bạo hành, trẻ không được đi học mầm non vì thiếu trường, trẻ vui chơi trên vỉa hè, dưới lòng đường, trẻ bị tai nạn trong ngày hè...
Tháng 10-2007, đề án “Xây dựng công trình Cung văn hóa thiếu nhi TP.HCM” do lãnh đạo TP trao tặng đã được đại hội đại biểu Đoàn TNCS TP.HCM thông qua trong tám đề án trọng điểm của nhiệm kỳ. Nay, món quà “người lớn” hứa trao này vẫn là một lời hứa vì đề án vẫn đang trong vòng... thủ tục.
Chưa kể vẫn còn những vấn đề đáng lo mà báo cáo của UBND TP.HCM phải nhìn nhận, nổi lên là “khoảng cách về phúc lợi văn hóa giữa nội thành và ngoại thành”, hay “giá các dịch vụ vui chơi, giải trí còn cao so với thu nhập của đại bộ phận nghèo nên trẻ em hộ nghèo, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện để tham gia”, một số nhà thiếu nhi còn sử dụng sai mục đích...
Trong mọi văn bản pháp lý về trẻ em và trong mục tiêu của các hệ thống phúc lợi đã thể hiện rất rõ trình tự quan trọng của vấn đề “bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quyền được vui chơi của trẻ em đứng sau sáu quyền khác, bao gồm quyền được bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, quyền được chăm sóc và quyền được học tập...
Tháng 3-2008, trong một cuộc làm việc tại TP.HCM, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lưu ý TP.HCM về vấn đề thiếu trường mầm non. Vào thời điểm ấy không rõ có lời hứa nào được đưa ra, song nay vẫn là một trong những bức xúc lớn nhất của người dân TP, đặc biệt là của giới công nhân lao động sau hàng loạt vụ việc trẻ bị bạo hành tại các cơ sở nuôi dạy trẻ không phép.
Trước thềm kỳ họp thứ 18 của HĐND TP, trưởng Ban văn hóa - xã hội Trần Thị Ngọc Anh khi trả lời phỏng vấn một tờ báo cũng đã hứa sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự “chất vấn đến cùng để các chủ đầu tư phải lo quỹ đất xây trường lớp đúng chuẩn ngành giáo dục”. Thực tế đã không được như vậy.
Cũng không thừa nếu nhắc thêm rằng những gì mà “người lớn” hứa dành cho trẻ em trong năm năm tới hầu hết thuộc nhóm các công trình xây dựng cơ bản. Vì đã thấy rõ “căn bệnh mãn tính” ở nhiều công trình xây dựng là tiến độ “rùa”, có những công trình kéo dài cả nhiệm kỳ chưa xong và khi truy tìm nguyên nhân, đều chung đáp án “thủ tục rườm rà, vướng đền bù giải tỏa, thiếu vốn...” nên không thể không đặt câu hỏi: Liệu những công trình dành cho thiếu nhi có thoát được “căn bệnh mãn tính” này? Trẻ thơ rất dễ tin những gì người lớn hứa nhưng cũng rất dễ bị tổn thương khi bị thất hứa.
Năm năm tới, liệu có người lớn nào phải bối rối, ngọng nghịu khi lũ trẻ hỏi tại sao nói mà không làm hoặc làm mà không đến nơi đến chốn?
GIÁNG HƯƠNG