Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Lời từ đáy lòng của một cô dâu Việt tại Hàn Quốc: Tại sao gọi chúng tôi là “nỗi nhục quốc thể”?



Phóng sự "Lấy chồng xa xứ" của Võ Đắc Danh: Kỳ 1: Một túp lều tranh, hai trái tim vàng (SGTT 6-12-10)
Về Cà Mau, tình cờ đi dự một đám cưới, đám cưới tổ chức tại gia đình chú rể ở vùng quê nhưng có dịch vụ lo trọn gói: che rạp, nấu ăn, nhân viên phục vụ, đờn ca tài tử. Chúng tôi ngồi nhắc lại chuyện xưa, đám cưới được chuẩn bị trước một ngày, đám con trai được phân công nhau, nhóm đi mượn cây lá che rạp, nhóm đi đốn tàu cau, đủng đỉnh, bẹ chuối về trang trí, nhóm đi mượn bàn ghế, nhóm gánh nước, nhóm bửa củi. Đám con gái thì lo làm phụ bếp cho mấy bà già, nhóm lặt rau, nhóm gọt củ cải, nhóm nhổ lông vịt... Chiều tối, gọi là đêm nhóm họ, con trai con gái quây quần lại, ăn nhậu lai rai và đờn ca vọng cổ.

Một đám cưới Việt – Hàn (ảnh chỉ mang tính minh hoạ)
Nhắc lại chuyện xưa, một anh bạn ngậm ngùi nói: “Cái thời ấy đã hết rồi, bây giờ cái gì cũng có dịch vụ, vả lại thanh niên bây giờ đâu còn những sinh hoạt giống như tụi mình ngày xưa, con trai thì lớp đi làm công nhân, lớp thì lang thang đi làm thợ hồ tứ xứ, con gái bây giờ cũng bỏ quê mà đi, lên Sài Gòn làm công nhân cũng có, ra chợ bán bia ôm cũng có, đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan cũng có. Làng xóm bây giờ, đến người chết cũng thuê dịch vụ lo chôn cất...
Rồi câu chuyện bắt đầu chuyển sang đề tài lấy chồng ngoại, trong đó có câu chuyện về anh Phong – một người bạn cũ của chúng tôi. Cách nay ba mươi năm, Phong làm công nhân cho một nhà máy giấy, rồi nhà máy giấy phá sản, Phong thất nghiệp. Từ một nông dân không ruộng đất, làm xong nghĩa vụ quân sự, Phong đi làm công nhân rồi bị thất nghiệp, bị đẩy sang “lớp nghèo thành thị”. Và rồi như một ngả rẽ vô tình, ba mươi năm sau Phong gả đứa con gái đầu lòng sang Đài Loan, con gái Phong sinh được đứa con trai, được chồng thương yêu hết mực. Chú rể ấy đã rước cha vợ sang Đài Loan và cấp cho mảnh đất làm rẫy. Bây giờ, Phong đã trở thành ông chủ nhỏ ở xứ người.
Kết thúc câu chuyện của Phong, chị Hà chen vào bằng giọng nuối tiếc pha chút giận hờn: “Bởi vậy, tui tức cho con gái tui, nó đã trúng tuyển rồi mà lại vặn nài bẻ ống, nó không biết thương cha thương mẹ. Phải nó nghe lời tui thì bây giờ tui đâu có khổ thế này...”.
Tôi quen chị Hà cách nay gần ba mươi năm. Thời con gái, chị thuộc hạng hoa khôi của xứ Cái Tàu. Dòng họ chị ngày xưa cũng có tiếng là khá giả. Ông Tư Khương, ông cố chị khẩn hoang hơn 1.000 công ruộng ở bìa rừng U Minh, ông đào một con kinh dài hơn hai cây số, phân đất ra mười lô chia cho mười người con, mỗi người 100 công. Riêng ông nội chị Hà là con trai út, được hưởng thêm 30 công đất hương hoả. Ông nội chị Hà lại sinh ra mười người con, ông chia đều cho mỗi người 13 công đất. Ba chị Hà sinh ra chín người con, 13 công đất không thể chia đều cho con cái, ông chỉ chia phần đất thổ cư, còn lại gần mười công ruộng, ông dành cho người con trai út với điều kiện là phải phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng ông bà. Con kinh Đứng mà ông Tư Khương đào hơn hai cây số ngày xưa, đến đời ông nội chị Hà có mười ngôi nhà, mỗi nhà cách nhau hơn 200 mét, toàn nhà “chữ đinh”. Bây giờ đến đời chị Hà, nó đã mọc lên hàng trăm căn nhà lá ọp ẹp chen chúc nhau. Thế hệ của chị Hà, tức cháu cố của ông Tư Khương, và thế hệ con chị Hà, tức cháu sơ của ông Tư Khương giờ phân chia tứ tán, có người trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lớp nghèo thành thị... nhưng phần lớn vẫn là “những nhà nông không đất”.
Tôi còn nhớ cách nay gần ba mươi năm, anh Quang từ một vùng quê lân cận kéo một đám thợ đến xây nhà cho ba chị Hà, suốt ngày chị Hà quần quật với ba bữa cơm cho đám thợ hồ. Và đám cưới của chị Hà với anh Quang đã xảy ra khi ngôi nhà vừa xây xong mấy tháng. Anh Quang không rước dâu vì nhà anh quá nghèo, em đông, lại mồ côi cha, nhà không đủ chỗ chứa một cô dâu. Ba chị Hà cũng không bắt rể vì nhà ông cũng không có chỗ chứa thêm chàng rể. Sẵn có đất đai, dừa nước, tràm, tre, trúc... chị Hà với anh Quang cất một căn nhà nhỏ dưới bờ kinh, hai phần nền đất, một phần lót sàn, chị Hà mở cái tiệm tạp hoá nho nhỏ, vừa làm cái bến đò ngang đưa rước học sinh qua lại, anh Quang tiếp tục đi làm thợ hồ. Vài năm đầu, họ sống khá ổn định, nhưng rồi sáu đứa con lần lượt ra đời.
Bây giờ – chị kể – đứa con gái lớn tốt nghiệp đại học kinh tế, đi làm trên tỉnh, đã có chồng con, ba đứa con trai kế đều bỏ học sớm, theo anh Quang làm thợ phụ, một đứa đã có vợ con, còn hai đứa con gái, đứa út đang học lớp chín, đứa chị học hết cấp 3, không có khả năng vào đại học, đang thất nghiệp ở nhà. “Cách nay mấy tháng, tui đưa nó lên Sài Gòn dự tuyển lấy chồng Đài Loan, nó không chịu, tôi thuyết phục mãi nó chịu đi, lên đó nó được chọn ngay vòng đầu, tui mừng quýnh, ai dè khi đi phỏng vấn nó bị đánh rớt. Tôi hỏi nó tại sao, nó nói người ta hỏi vì sao lấy chồng Đài Loan, nó nói tại má nó ép chớ nó không muốn. Anh nghĩ coi có tức không, tui khóc muốn hết nước mắt... mình chỉ mong cho con có cơ hội đổi đời, nhưng nó lại không biết nhìn xa trông rộng”. Tôi hỏi vì sao con bé không chịu lấy chồng Đài Loan, chị Hà nói: “Nó thương một thằng trong xóm nhưng tui không chịu, không phải tui chê người ta nghèo, nhưng tui nói với con, mình đã nghèo đã khổ, lấy một thằng chồng không nghề, không vốn, không ruộng đất, suốt ngày lêu têu ăn nhậu rồi sinh con ra lấy gì nuôi, lấy gì cho con ăn học, cuộc đời này đừng có mơ mộng “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. (còn tiếp)
Võ Đắc Danh
-- Kỳ 2: Ảo vọng phương xa (SGTT 8-12-10) -
SGTT.VN - Hàng chục cô gái ngồi theo vòng tròn hoặc hình chữ U, một hoặc hai chàng trai Đài Loan hay Hàn Quốc rảo tới rảo lui, xem mặt, xem tướng từng cô, giống như người ta lựa rau, lựa cá. Khi chọn được một cô vừa ý, anh ta ra hiệu cho người môi giới và dắt cô gái đi làm thủ tục kết hôn. Sau đám cưới, gia đình nhà gái được chú rể cho năm ba triệu đồng gọi là tiền thuê xe, tiền khách sạn và các chi phí từ quê lên Sài Gòn làm đám cưới.
Những cô gái xếp hàng tại các cuộc môi giới lấy chồng Hàn Quốc, bị công an phát hiện.
Đó là diễn biến của một cuộc hôn nhân giữa cô dâu Việt với chú rể Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Trong cuộc hôn phối này, thường thì người môi giới và luật sư đóng vai trò chính. Họ hưởng lợi bao nhiêu không ai biết. Mới đây, Công an thành phố Cần Thơ khởi tố một vụ án sau khi bắt quả tang một cán bộ ngành tư pháp nhận hối lộ 500 USD để làm thủ tục kết hôn cho chú rể Hàn Quốc với cô dâu Việt. Anh này khai nhận rằng, mỗi một bộ hồ sơ kết hôn với người nước ngoài, luật sư hoặc người môi giới trả cho anh từ 500 đến 900 USD. Con số này cho thấy rằng, số tiền của chú rể ngoại quốc bỏ ra để “mua” một cô dâu Việt không phải ít, nhưng người hưởng lợi trước hết là công ty môi giới nước ngoài đến những người môi giới ở Việt Nam, luật sư và cán bộ ngành tư pháp, cuối cùng thì “đàng gái” chỉ được năm ba triệu đồng gọi là chi phí đi lại để gả con.
Tổng hợp số liệu từ các sở tư pháp cho thấy, từ năm 2006 đến nay, đồng bằng sông Cửu Long có đến 70.000 cô gái lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc. Và, theo điều tra mới đây của sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Vĩnh Long thì trong 3.000 cô gái Vĩnh Long hiện đang làm dâu ở hai xứ sở này thì chỉ có 10% là tìm được hạnh phúc, có nghĩa là 2.700 cô gái Vĩnh Long đã và đang gặp bất hạnh ở quê chồng, trong đó có hơn 200 cô đã về nước, mỗi cô mang về một bi kịch khác nhau.
Trong lá đơn xin ly hôn gởi TAND tỉnh Vĩnh Long, chị Trần Thị Ngọc Nga trình bày: năm 2007, qua một người môi giới, chị lên Sài Gòn tham dự cuộc tuyển chọn cô dâu, kết quả là chị được kết hôn với ông H.S.Y và theo ông về thành phố Gia Nghĩa, Đài Loan sinh sống. Nhưng chỉ một tuần sau, một người đàn ông lạ đến rước chị về làm việc trong một tiệm massage. Biết mình bị lừa, chị tìm cách bỏ trốn nhưng cuối cùng cũng phải trở lại nhà chồng, nhưng chồng chị không đón nhận mà đưa chị trở lại tiệm massage. Chị cắn răng làm việc một thời gian rồi lại bỏ trốn, nhờ cảnh sát Đài Loan giúp đỡ, đưa
chị về nước. Trong cảnh không tiền, một hãng hàng không cho chị nợ vé máy bay nhưng với điều kiện giữ chị lại sân bay Tân Sơn Nhất, gọi điện về cho gia đình mang tiền lên trả.
Theo quy trình pháp lý, TAND tỉnh Vĩnh Long tiến hành uỷ thác tư pháp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ở Đài Loan triệu tập ông H.S.Y để lấy lời khai theo đơn xin ly hôn của chị Nga, nhưng mọi sự chìm trong im lặng. Đến nay – đã hơn hai năm – chị Nga đã lấy chồng, sinh con và sống hạnh phúc tại quê nhà, nhưng câu chuyện lấy chồng xa xứ của chị vẫn còn như cơn ác mộng.
Cô Bảo Linh ở Bình Minh cũng vừa trốn thoát trở về, cô kể: ở quê không có việc làm, theo bạn bè lên Sài Gòn làm tiếp viên cho một quán karaoke, thu nhập thì ít mà cay đắng thì nhiều. Buồn chán và bế tắc, cứ nghĩ lấy chồng ngoại là sang, lại theo bạn bè đi xếp hàng cho người ta lựa. Được trúng tuyển, lòng cô chập chờn sung sướng với một giấc mộng đổi đời. Nhưng khi đặt chân đến nhà chồng mới hay rằng chồng cô đã có hai đứa con riêng, nhà cửa cheo leo ở một vùng nông thôn hoang vắng. Sáng sớm thức dậy cô phải chăm sóc cho hai đứa con chồng trước khi chúng đến trường, dọn dẹp nhà cửa xong, cô phải cùng chồng ra đồng làm cỏ, bón phân, tưới rẫy và trông coi cả một đàn bò hàng chục con. Mặc dù sinh ra, lớn lên giữa vùng đất miệt vườn nổi tiếng trồng cây ăn trái nhưng chưa bao giờ Linh biết lao động chân tay, giờ đây, bỗng dưng trở thành nông dân giữa xứ người, trở thành mẹ của hai đứa con ngỗ nghịch, trở thành dâu của người mẹ chồng luôn luôn hà khắc. Cứ mỗi lần nghịch ý hai đứa con ghẻ, chúng “tâu” với bà nội là Linh phải ăn đòn. Cuối cùng Linh phải trốn về nước, tiếp tục cuộc đời “kỹ nữ” ở Sài Gòn.
Con số trên 200 nàng dâu xa xứ trở về Vĩnh Long chỉ là con số mà người ta biết được, bởi phần lớn các cô trở về đều âm thầm bỏ xứ đi Hải Phòng, Sài Gòn “làm ăn” hoặc đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, trong khi những cô gái quê khác tiếp tục theo đường dây môi giới lên Sài Gòn để xếp hàng ra mắt các chàng trai ngoại với giấc mộng đổi đời.
Ở Trà Ôn có một cái cù lao nhỏ nằm trên nhánh sông Tiền mà mới đây người ta đặt cho nó cái tên là “Đảo Đài Loan”, ở đây có 60 hộ dân thì đã có trên 30 hộ trở thành “thông gia” với Đài Loan và Hàn Quốc. Nhưng theo chị Út Anh cho biết thì đa số đã trở về! Chị Anh tự cho mình là người may mắn vì chị có ba đứa con gái lấy chồng sang Đài Loan, chỉ một đứa trở về, hai đứa còn lại đang sống hạnh phúc, một đứa làm nhân viên nhà hàng với mức thu nhập hàng tháng tương đương 12 triệu đồng Việt Nam, một đứa lấy chồng nông dân, nhà có hai vườn cau, chị nói ở nông thôn Đài Loan mà có vườn cau là thuộc hàng khá giả. Chị tự hào vì hai đứa con gái biết làm dâu, hai chàng rể hiếu thảo, năm nào cũng mời cha mẹ vợ sang du lịch một chuyến. Chính những chuyến đi này đã giúp cho chị có nhiều thông tin về thực trạng cô dâu Việt ở xứ Đài, chị nói lấy chồng ngoại là nhắm mắt đánh liều, ai có phước thì được phần, ai vô phước thì mất phần. Xưa nay, ai cũng xem hôn nhân là chuyện quan trọng nhất của đời người, người ta hiểu nhau, yêu nhau rồi mới cưới nhau mà chưa chắc gì có hạnh phúc, huống chi mình đưa thân cho người ta lựa chọn, mà được chọn cũng chẳng qua nhìn cái dáng bên ngoài, vậy là thành vợ thành chồng. Chuyện bất đồng ngôn ngữ là cái bất lợi đầu tiên, rồi phong tục tập quán, tính ăn nết ở khác nhau thì làm sao mà dễ hoà hợp được. Cũng đừng vội trách bên chồng ngược đãi, bởi con gái xứ mình cũng lắm chuyện lôi thôi, thậm chí có cả sự mưu toan lợi dụng, mánh khoé đủ trò... Ngay đứa con gái thứ ba của chị, vừa sang bên ấy mấy tháng thì nói dối với chồng là về quê làm đám gả đứa em út, anh chồng tưởng thiệt chuẩn bị quà cáp, tiền bạc theo vợ về quê, về tới Sài Gòn, vô khách sạn được vài tiếng đồng hồ thì nó trốn mất, bỏ anh chồng bơ vơ giữa xứ lạ quê người.
Võ Đắc Danh
- Kỳ cuối: Nhật ký làm dâu xứ người (SGTT 10-12-10)
SGTT.VN - Hai mẹ con bà Huỳnh Kim Anh và Trần Thanh Lan sống trong căn nhà chỉ 10m2 trong con hẻm nhỏ ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Học xong lớp 6 thì Lan bỏ học, ngày ngày gánh khoai mì nướng đi bán trong khu phố. Không chịu nổi cảnh nghèo, năm 22 tuổi, Lan theo bạn lên Sài Gòn dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc. Không muốn xa con, bà Kim Anh ngăn cản, Lan nói: “Không lẽ suốt đời cứ sống như thế này, mẹ cho con đi, nếu may mắn được lấy chồng Hàn, con sẽ về mua đất cho mẹ xây nhà, sẽ gởi tiền về nuôi mẹ”. Sau hơn hai tháng, qua nhiều vòng tuyển chọn, không được chàng trai nào để ý, Lan buồn chán muốn bỏ về, nhưng ngặt nỗi không có tiền trả nợ cho môi giới nên đành phải tiếp tục cầu may. Không biết đến vòng tuyển chọn thứ mấy thì “vận may” đã đến với Lan: ông Ha Jang Su đã gật đầu với số phận của cô.
Một lễ cưới Việt – Hàn. Ảnh: TL
Tiệc cưới diễn ra trong chớp nhoáng và sau đó bà Kim Anh nhận được một phong bì từ chàng rể với số tiền là 3 triệu đồng.
Tiễn con ra sân bay về quê chồng, bà Kim Anh trở về sống quạnh hiu trong căn chòi nhỏ và ngày ngày ngóng đợi điện thoại của con. Nhưng rồi 25 ngày sau, bà nhận được điện thoại từ lãnh sự quán Hàn Quốc báo tin: Lan đã nhảy lầu tự tử! Ba tuần sau, trong khi bà nằm liệt giường chưa ngồi dậy nổi thì có một cuộc điện thoại từ trạm xe khách bảo bà mang giấy chứng minh ra nhận hàng. Hỡi ơi, đó là số tiền 48 triệu đồng và một hộp gỗ chứa mớ tro hài cốt của Lan, được gởi từ lãnh sự quán Hàn Quốc!
Sau khi sức khoẻ bình phục, bà Kim Anh quyết định sang Hàn Quốc để tìm hiểu sự thật về cái chết của con. Trong những vật chứng mà cảnh sát Hàn Quốc trao lại cho bà, có một quyển nhật ký viết trên tập học trò của Lan ghi lại 25 ngày làm dâu trong nước mắt.
Ngày 17.1: Suốt buổi sáng, mẹ chồng tôi cứ chửi mắng tôi. Bà còn lấy cây muỗng gõ vào cái hộp đựng đồ ăn dằn mặt tôi... Chồng tôi vẫn ngồi đó. Hai người nói gì tôi không hiểu.
Ngày 18.1: Như thường lệ, ăn sáng xong, tôi đưa chồng tôi đi làm. 8 giờ, mẹ chồng tôi bắt tôi học tiếng Hàn Quốc. Tôi ra dấu cho bà hiểu: tôi đã ký đơn ly dị nên chờ ngày về Việt Nam. Bà lấy cây viết ra chỉ vào cuốn tập ý nói, tôi không được ở đây. Tôi khóc. Bà ta ra dấu, Hàn Quốc không được khóc... Mỗi khi thấy bà ta vô phòng là tôi phát sợ không dám lại gần. Trời nắng, tôi kéo màn lại cũng bị bà ta la... 19 giờ, tôi không biết bà ta nói gì với chồng tôi, ổng vào phòng kéo tay tôi ra ngoài. Ổng lấy hai tay nhấn vào vai tôi buộc quỳ xuống xin lỗi bà ta. Chưa hả giận, chồng tôi còn đánh và nhéo vào mặt tôi nữa.... 19 giờ 50 phút, cả nhà đang ăn tối. Bà ta nói với chồng tôi chuyện gì. Bất ngờ, chồng tôi đánh vào mặt tôi. Bà ta tiếp tục diễn tả, chồng tôi lấy hai ngón tay định móc mắt tôi... Tôi khóc, chồng tôi không cho. Tôi ăn vội chạy vào phòng.
Ngày 29.1: Ăn tối xong, tôi định đi vào phòng nhưng bị bà ta ngăn lại. Chồng tôi đang xem tivi đi đến gần tôi đưa hai bàn tay ra dấu định quấu vào mặt tôi. Sau đó, anh ta lấy ngón tay bóp lỗ mũi tôi muốn nghẹt thở. Tôi cố nhịn nhưng sao không cầm được nước mắt. Tôi khóc nhớ ngoại, nhớ mẹ, nhớ dì... Họ ra dấu bảo tôi câm. Mẹ ơi...
Ngày 23.1: Mối nguy hiểm đang tăng lên từng ngày. Không chỉ tôi với bà ta mà thêm chồng tôi nữa. Sau buổi ăn sáng, bà ta tiếp tục chửi tôi. Thấy chưa hả giận, bà đến gần tôi và ngửi bộ quần áo tôi đang mặc. Bất ngờ, bà ta gầm lên rồi cầm cái ca múc nước định đánh tôi nhưng không làm như vậy. Chồng tôi nghe theo cầm chai nước hoa xịt khắp người tôi... Tôi không được nói, không được khóc. Họ không cho tôi tắm rửa, gội đầu... Tôi có miệng cũng như câm... Họ chỉ biết chửi bới, đánh đập những điều mà họ không hài lòng. Họ khinh tôi sao họ lại cưới tôi.
Ngày 27.1: ... 19 giờ 50 phút, chồng tôi đi làm về. Chẳng hiểu bà ta nói gì với chồng tôi, ổng nóng giận chạy vào phòng. Tôi cố ra dấu cho chồng hiểu nhưng bất lực. Tấm hình cưới của tôi cũng bị bà ta và chồng tôi đập trước mặt tôi. Tôi ước ly dị xong, về Việt Nam tôi sẽ trả lại cho họ tất cả. Tuy nhà tôi nghèo thiệt nhưng đừng xem thường tôi. Tôi cầu mong mình sớm trở về Việt Nam. Ngày nào tôi còn ở đây là tôi sống trong nỗi sợ hãi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi nữa.
Ngày 28.1: Khoảng 8 giờ 50 phút, bà ta đang ở ngoài vườn nhìn tôi la hét, giận dữ. Tôi không hiểu nhưng nói đại ôkê. Nếu tôi biết tiếng Hàn Quốc, họ sẽ không ăn hiếp tôi đâu. Tôi chịu cực, vất vả quen nên tôi không ngại, chỉ sợ họ bắt nạt tôi. Tôi khóc nhiều vì tức và không nói được nên mới khóc... Từ lúc có chồng lên sân bay sang Hàn Quốc, tâm hồn của tôi không còn niềm vui nữa. Tôi lo gia đình, lo cho tương lai sẽ ra sao... Khi hồ sơ ly dị xong, tôi sẽ trở về Việt Nam gặp lại gia đình, tôi mừng lắm. Tôi sẽ ôm mà khóc với ngoại tôi, mẹ tôi, dì tôi... Tôi sẽ gặp lại bạn bè trong xóm. Tôi sẽ nói như thế nào để họ hiểu tôi. Tôi không sợ bạn bè không hiểu tôi. Tôi chỉ sợ mẹ tôi biết sự thật, mẹ tôi sẽ đau buồn mà sinh bệnh... Hàng ngày, tôi chỉ biết im lặng chờ ngày về Việt Nam.
Ngày 29.1: ... Khi tôi đang nằm trên giường, bà mẹ chồng đi vào phòng tay cầm con dao để trước ngực. Bà ta ngồi xuống giường yêu cầu tôi ngồi dậy. Tôi sợ hãi và bắt đầu khóc. Bà ta đánh vào người tôi buộc tôi nín... Một lát sau, bà ta lại vào phòng và đi khắp phòng. Chồng tôi nằm trên giường xem cuốn nhật ký của tôi. Bất ngờ, chồng tôi ném cuốn sổ trúng vào gót chân của tôi. Tôi khóc vì đau. Hắn tức giận lấy hai ngón tay bóp mũi tôi đến nghẹt thở. Cả hai người quát tháo buộc tôi phải câm lặng. Họ cư xử với tôi thật thậm tệ như một con vật. Họ đâu biết rằng, những lần họ nhéo mặt, bóp mũi tôi thì vài ngày sau mặt mới hết sưng, mũi mới hết đau...
Đọc xong những trang nhật ký thì tôi lại nhận một thiếp mời dự đám cưới mà chú rể là người Đài Loan. Người mẹ cô dâu là chỗ quen biết với tôi. Tôi định gởi mấy trang nhật ký của Lan cho người mẹ ấy. Nhưng chị lại gọi điện cho tôi, nhắc lời mời về dự đám gả con gái chị. Qua điện thoại, tôi vẫn nghe chị thở dài: “Duyên của con thì biết làm sao, tôi chỉ lo cho tương lai của nó, thằng chồng không nghề, không vốn, không ruộng đất, suốt ngày lêu têu ăn nhậu rồi sinh con ra lấy gì nuôi”.
Nghe xong, tôi cũng chỉ biết thở dài như chị.
- Lập nghiệp ở xứ Đài: Vui buồn nơi đất khách (NLĐ 10-12-10) 

- Phản hồi:
- Lời từ đáy lòng của một cô dâu Việt tại Hàn Quốc: Tại sao gọi chúng tôi là “nỗi nhục quốc thể”? (SGTT10-12-10)
SGTT.VN - Nhân đọc loạt bài "Lấy chồng xa xứ" đăng trên SGTT, bạn đọc Trần Thị Nguyên đã có bài viết phản hồi. SGTT xin đăng ý kiến này.
Tôi là một trong 40.000 cô dâu Việt trên xứ Hàn. Dù trong hay ngoài nước, ở đâu chúng tôi cũng bị báo chí và dư luận lên án. “Ô nhục”, “món hàng mất giá”, “khinh rẻ”… là những từ thường dùng nhất để nói về chúng tôi.
Chúng tôi đã khiến bao người Việt trong hay ngoài nước cảm thấy xấu hổ!
Tôi và nhiều cô dâu khác không được học hành tới nơi tới chốn, nhưng cũng còn khá hơn nhiều chàng trai làng khác. Tôi sợ hãi ngày mình sẽ ở cùng nhà với những thanh niên ít học, rượu chè, cờ bạc và thô lỗ. Tôi cũng không muốn gia đình tôi mãi mãi chỉ là một túp lều mà cả đời lao động vất vả cũng không thể làm nó khang trang hơn.
Ai sẽ cứu vớt tôi ngoài chính tôi?
"Lấy chồng Hàn Quốc rồi, tôi ngộ ra nhiều điều. Dù cách thức đi đến hôn nhân không tốt nhưng tự trong tâm thức người chồng hay vợ đều đã tìm kiếm và mong ước được yêu thương". Trong ảnh là một đám cưới Việt - Hàn (ảnh chỉ mang tính minh hoạ).
Trước cuộc phiêu lưu, tôi biết trước con đường sẽ vô cùng vất vả. Trước khi được "chấm", chúng tôi bị nhìn ngắm, thậm chí bị sờ mó như những món hàng. Tôi những tưởng đây là cơ thể tôi, tôi nhịn nhục để thay đổi cuộc đời nhưng hóa ra không phải vậy. Cơ thể tôi dường như là sở hữu của mọi công dân Việt Nam! Thế nên tất cả mọi người đùng đùng nổi giận, lấy làm nhục nhã vì cơ thể tôi bị người khác nhòm ngó, chọn lựa. Trong khi trước đó, tôi bị vùi dập bởi những người đồng hương thì mọi người cho đó là chuyện bình thường.
Những người con gái quê miền Tây như chúng tôi bị coi là "nỗi ô nhục quốc thể" từ việc chúng tôi bị người nước ngoài kén vợ. Chúng tôi còn cảm thấy mọi người ít nổi giận vì chúng tôi ngu ngốc trở thành hàng hóa mà thật ra cơn phẫn nộ chính của mọi người xuất phát từ việc chúng tôi cam tâm lấy chồng ngoại và rời bỏ quê hương xứ sở. Nhưng ai sẽ cứu vớt cuộc đời tôi?
Lấy chồng Hàn Quốc rồi, tôi ngộ ra nhiều điều. Dù cách thức đi đến hôn nhân không tốt nhưng tự trong tâm thức người chồng hay vợ đều đã tìm kiếm và mong ước được yêu thương. Nó gắn liền và dần dần hòa hợp chúng tôi. Tôi biết tình hình các cô dâu Việt ở Hàn Quốc hay Đài Loan tuyệt đại bộ phận là tốt đẹp hoặc bình thường! Tôi nghĩ là có một tỉ lệ khoảng 10 % cô dâu gặp khó khăn và chừng 200 trường hợp “nguy hiểm” trên tổng số 160.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc và Đài Loan.
Nhưng đừng nghĩ người Hàn hay Đài Loan phân biệt chúng tôi. Chính tôi được nhiều bạn Hàn giúp đỡ và chia sẻ. Ở nơi công cộng, người Hàn không phân biệt được tôi là người nước ngoài. Con cái tôi được no ấm, học hành và có một tương lai tươi sáng. Đặc biệt, chúng được sống trong một môi trường văn hóa – xã hội mà ở quê tôi có nằm mơ cũng không thấy.
Tại sao lại gọi chúng tôi là “nỗi nhục quốc thể”?
Chính người Việt mới là luồng dư luận làm chúng tôi khổ sở, ưu tư. Tôi đã gặp may khi có được cuộc sống bình thường. Nếu như chẳng may gặp tình huống xấu hơn thì tôi cũng cố xoay sở được. Tôi không thiết gì số phận của mình. Tôi quyết tâm tìm kiếm một cuộc đời khác, dù phải trải qua cực khổ bao nhiêu tôi cũng chịu được.
Xóm tôi có hơn 100 cô dâu có chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Nó lan tỏa dần dần và ngày càng rộng ra. Lan đến đâu, nhà ngói, vườn tược xanh tươi đến đó. Tôi đã hết sức làm một nàng dâu tốt, chẳng lẽ gia đình chồng lại không rộng mở với tôi? Tôi nghĩ điều này cũng bình thường. Đôi khi, cả họ hàng nhà chồng tôi kéo về Việt Nam đi du lịch và thăm quê tôi. Ai cũng ấn tượng với phong cảnh thiên nhiên, thức ăn và nhất là dân quê mộc mạc chúng tôi.
Chúng tôi lấy chồng nước ngoài trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi đã giữ gìn danh dự của một cô dâu, một người Việt Nam với cộng đồng người Hàn Quốc. Chúng tôi đã lan truyền tên gọi Việt Nam, thức ăn, phong tục tập quán của người Việt vào tận vô số những gia đình xa lạ kia. Chúng tôi đã, đang và sẽ góp phần xây dựng Việt Nam tốt đẹp hơn, đa dạng hơn. Với con số 160.000 và còn hơn thế nữa, chúng tôi sẽ xây dựng một thế hệ vừa khác biệt vừa rất Việt Nam.
Vậy thì tại sao mọi người lại gọi chúng tôi là “nỗi nhục quốc thể”?
Trần Thị Nguyên

Tổng số lượt xem trang

5181443