Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Nghi vấn 13 cháu bé người Rục bị đưa ra nước ngoài

Sự thật chuyện 13 trẻ người Rục bị đưa ra nước ngoài (31/12/2010)
Không có chuyện trục lợi từ việc 13 trẻ người Rục, Sách làm con nuôi ở nước ngoài - Đây là kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình sau khi tiến hành điều tra vụ việc lừa dối và chuyển 13 cháu là con em trong các bản người Rục, Sách ra nước ngoài để trục lợi theo đơn khiếu nại của 8 hộ đồng bào hai dân tộc Rục, Sách tại 3 bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Thời gian qua, 8 hộ đồng bào hai dân tộc Rục, Sách tại 3 bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã có đơn khiếu nại: Cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội Quảng Bình (thuộc Sở Lao động - Thương Binh - Xã hội tỉnh Quảng Bình) đã lừa dối và chuyển 13 cháu là con em trong các bản người Rục, Sách ra nước ngoài để trục lợi mà không thông qua họ, khiến mọi người hoang mang, lo sợ và gây bứa xúc trong dư luận.
 
Các bà mẹ Rục khóc vì nhớ con. Ảnh: SGTT
Các bà mẹ Rục khóc vì nhớ con. Ảnh: SGTT


Trước tình hình đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành điều tra và xác minh về vấn đề trên. Theo văn bản số 02/PC44 ngày 9/12/2010 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã kết luận: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình tiếp nhận 13 cháu tại các bản Ón, Mò o ồ ồ và bản Yên Hợp (thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là con của của 8 người có đơn khiếu tố trên vào nuôi dưỡng tại Trung tâm là hợp pháp, đúng chế độ chính sách và đúng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.
Việc Trung tâm giới thiệu cho người Italia nhận 13 cháu trên do Trung tâm nuôi dưỡng làm con nuôi là thực hiện theo sự đồng ý của bố mẹ các cháu, đã tuân thủ theo đúng quy định, được UBND tỉnh Quảng Bình và Sở Tư pháp đăng ký cho người nước ngoài nuôi con nuôi theo đúng phát luập Việt Nam.

Cũng theo văn bản trên: Trong quá trình thực hiện lập hồ sơ đưa các cháu vào Trung tâm và cho người nước ngoài nhận làm con nuôi thì UBND xã Thượng Hóa, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đã có những thiếu sót như: Đối với Sở Tư pháp và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình khi làm thủ tục cho- nhận con nuôi đã không theo dõi thông tin và chuyển tải thông tin về tình hình phát triển mọi mặt của người được cho làm con nuôi đến nhân thân của họ.
Trong bản cam kết thông báo định ký tình hình phát triển của con nuôi, bố mẹ nuôi đã cam kết “nếu được nhận trẻ nói trên làm con nuôi, chúng tôi cam kết trong 3 năm đầu, định ký 6 tháng một lần gửi thông báo về tình trạng phát triển mọi mặt về con nuôi (có ảnh kèm theo) cho cơ quan con nuôi Quốc tế Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Quảng Bình. Sau đó, mỗi năm tiếp theo gửi thông báo một lần cho đến khi con nuôi đủ 18 tuổi” nhưng đến nay việc thực hiện cam kết này không đầy đủ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình là đơn vị được UBND tỉnh phân công chức năng theo dõi nhưng đã không thông báo về cho gia đình các cháu biết nên đã phát sinh khiếu tố.

Trong khiếu nại của các hộ gia đình: “Trong số 13 cháu trên, có cháu Cao Đức Bưởi sinh ngày 13/12/1995, nhưng cán bộ tư pháp xã Thượng Hoá làm lại giấy khai sinh cho cháu, vì vậy, cháu mới mang khai sinh ngày 20/6/1998. Qua sự việc trên, chúng tôi thấy cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội Quảng Bình đã lợi dụng chúng tôi, lừa dối và chuyển 13 cháu là con em chúng tôi ra nước ngoài để trục lợi”. Với vấn đền này, cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Tư pháp xã Thượng Hóa về quá trình lập hồ sơ tuy chưa có dấu hiệu phạm tội giả mạo nhưng đây là việc làm vi phạm quy định về quản lý hộ tịch.

Trước những điều tra và xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình cần có công văn cho Cục con nuôi Quốc tế và những nơi có liên quan yêu cầu bố mẹ nuôi các cháu thực hiện đúng việc gửi thông báo về tình trạng phát triển mọi mặt của các cháu (có kèm theo ảnh) theo đúng cam kết và thông báo kịp thời đến từng hộ gia đình bố mẹ các cháu. Và yêu cầu UBND xã Thượng Hóa tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với cán bộ tư pháp xã để rút kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ trong công tác tư pháp đối với việc làm lại giấy khai sinh của các cháu Cao Thị Bích, Cao Đức Bưởi và Cao Thị Lượng.

Sau khi có xác minh, điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình thì 8 hộ dân ở bản Ón, Mò o ồ ồ và Yên Hợp đã không còn khiếu nại nữa.

(Theo TTXVN)

Nghi vấn 13 cháu bé người Rục bị đưa ra nước ngoài 
SGTT.VN - Tám hộ dân ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình đã phát đơn khiếu nại trung tâm Nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội Quảng Bình về việc đưa con họ đi nước ngoài mà không thông qua họ.
Đơn của họ cáo buộc trung tâm này vô trách nhiệm với các cháu và gia đình họ trong mấy năm qua.
Mất tích

Các bà mẹ Rục khóc vì nhớ con vô cùng. Ảnh:
Lá đơn của tám hộ dân được gửi đến UBND tỉnh Quảng Bình, công an tỉnh và một số cơ quan báo chí. Đứng tên đơn có bà Cao Thị Hồng, Trần Thị Thu, Đinh Thị Thuỷ, Hồ Thị Pấy, Cao Thị Bảo, Cao Thị Biên, Cao Tiến Thuỳnh. Theo các hộ trình bày qua đơn: “Tháng 1.2006, sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Quảng Bình ra quyết định tiếp nhận đối tượng xã hội vào nuôi dưỡng tập trung tại trung tâm Nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội tỉnh Quảng Bình gồm có 13 cháu là những đối tượng mồ côi cha, ở với mẹ, hoặc mồ côi mẹ, ở với cha không có khả năng nuôi dưỡng các cháu. Thấy được sự quan tâm đó, chúng tôi quyết định cho con em vào trung tâm để học hành, rèn luyện để được trưởng thành. Sau một thời gian, chúng tôi nhớ các con và ra thăm, thì gặp các cháu, đến khoảng tháng 6.2006, chúng tôi ra thăm con, thì không thấy con đâu cả. Đến bây giờ, số con cháu chúng tôi vẫn biệt vô âm tín”.
Các gia đình cho rằng, con cái của họ đã bị mất tích, gồm: “Cao Thị Bích; Cao Đức Bượi; Cao Thị Tươi; Cao Xuân Thành; Trần Thị Lương; Trần Thị Lan; Cao Xuân Lê; Cao Xuân Lý; Cao Thị Lưu; Hồ Thị Hiền; Hồ Xuân Hoà; Cao Xuân Chung; Đinh Thị Vịu”. Các cháu đều có năm sinh từ khoảng năm 1995 đến 2000.
Lá đơn viết tiếp: “Trong số 13 cháu trên, có cháu Cao Đức Bượi sinh ngày 13.12.1995, nhưng cán bộ tư pháp xã Thượng Hoá làm lại giấy khai sinh cho cháu, vì vậy, cháu mới mang khai sinh ngày 20.6.1998. Qua sự việc trên, chúng tôi thấy cán bộ trung tâm Nuôi dưỡng người có công và đối tượng xã hội Quảng Bình đã lợi dụng chúng tôi, lừa dối và chuyển 13 cháu là con em chúng tôi ra nước ngoài để trục lợi”.
Dấu hiệu khuất tất
Chúng tôi đã làm việc với bà Lê Thị Thu Hà, giám đốc trung tâm về sự việc trên, nhưng bà Hà thoái thác, không phát ngôn. Bà Hà hẹn sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ sự việc, nhưng đến hẹn, bà lại lấy lý do nhân viên giữ hồ sơ đi vắng. Trong khi đó, bà Hà khẳng định, các cháu không hề mất tích, mà đã được trở thành con nuôi ở nước ngoài, tại nước Ý xa xôi. Bà Hà không cho phóng viên biết được địa phương nào của nước Ý.
Theo luật con nuôi với người nước ngoài, các cháu bé được nhận phải có sự đồng ý của người nhà, hoặc người bảo trợ, và thông tin phải được cập nhật về địa phương sáu tháng một lần cho gia đình. Tuy nhiên, sở Tư pháp Quảng Bình và trung tâm này không làm đúng quy trình. Từ ngày 13 cháu bé người Rục, Sách đưa ra nước ngoài, các gia đình chưa nhận thông tin chính thức nào từ đây.
Trong căn nhà nhỏ của bản Ón, Trần Thị Thu như héo mòn vì nhiều năm không nghe tên con. Thu có hai đứa con bị cho là mất tích gồm: Trần Thị Lương (sinh năm 2000) và Trần Thị Lan (sinh năm 2003). Thu kể: “Cứ tưởng con cái được ăn học ở trung tâm thì mừng, nhưng mấy tháng nhớ con, xuống thăm lại không gặp”. Thu hỏi khắp trung tâm, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “vòng vo”, rồi lại ra về. Hồ Thị Pấy, có hai con Cao Xuân Lý (sinh năm 2001), Cao Thị Lưu (sinh năm 1999) đã ra đi, để lại nỗi nhớ thương héo mòn. Pấy nói: “Con khỉ trên núi còn thương con, mình con người thì nhớ con lắm”. Đinh Thị Thuỷ có hai con mất tích gồm Cao Xuân Chung (sinh năm 2001), Đinh Thị Vịu (sinh năm 2005). Từ năm 2006 đến nay, Thuỷ ngày đêm bị ám ảnh khuôn mặt con nhỏ dại. “Nhớ con mà không ngủ được. Có cái chi ngon cũng nhớ con, không được gặp con, mình khô héo, buồn lắm”, Thuỷ nói.
Bà Cao Thị Hồng có hai con trong danh sách 13 bé Rục, thông tin với chúng tôi, gần đây cán bộ chức năng lên giải thích các cháu đi nước ngoài, đến 18 tuổi sẽ có quyền về lại thăm gia đình. Và họ cũng được yêu cầu ký vào một mẫu giấy làm sẵn, không khiếu nại thêm về vấn đề này. Nhưng cách giải thích đó khiến tám hộ người Rục, Sách cảm thấy không yên lòng. Họ nói, không thấy con về, lòng họ càng quặn đau.
bài và ảnh: Quốc Nam
--------- 
Tám bà mẹ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình vừa phát đơn kiện một trung tâm nuôi dưỡng trẻ nghèo trực thuộc Sở Xã Hội Quảng Bình về việc 13 đứa con của họ đột ngột biến mất hơn 4 năm nay vẫn chưa tìm ra tông tích.

Tổng số lượt xem trang