(VEF) - Nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc không chỉ là câu chuyện thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam. Việc để tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc quá lớn đang tiềm ẩn những nghịch lý khó hiểu.
TIN LIÊN QUAN
LTS: Trung Quốc là công xưởng khổng lồ của cả thế giới. Điện thoại, máy tính, thời trang may mặc của những hãng nổi tiếng ở Mỹ, Ý cũng được gia công, hay mua linh kiện từ Trung Quốc. Một nước láng giềng sát nách như Việt Nam bị cuốn vào dòng chảy nhập khẩu mang tên Trung Quốc âu cũng là dễ hiểu. Đôi khi, việc nhập khẩu và phụ thuộc một số ngành hàng được coi là lẽ tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa.Nhưng điều day dứt, trăn trở nhất trong câu chuyện này là chúng ta đã thực sự tỉnh táo để tìm lối riêng cho mình khi phải đón nhận dòng chảy ồ ạt hàng hóa từ nước bạn? Mời bạn đọc tham gia ý kiến, xin gửi về hòm thư: vef@vietnamnet.vn.
Cuốn theo công nghệ rẻ
Trong cái bóng nhập siêu với Trung Quốc, nghịch lý đầu tiên là Việt Nam đang nhập khẩu chủ yếu máy móc, thiết bị, công nghệ lên tới hàng tỷ USD từ một nước không phải có công nghệ nguồn và hiện đại.
Chúng ta phải đi mua thiết bị máy móc ở nước ngoài là bởi trong nước chưa sản xuất được. Nhưng chúng ta lại lựa chọn đối tác cung cấp chủ yếu là Trung Quốc bởi lý do: giá quá rẻ. Nhưng, khi bị mê đắm bởi công nghệ giá rẻ của Trung Quốc, giờ đây, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đang lãnh chịu hậu quả nặng nề.
Có lẽ, “ăn quả đắng” ngay trong lúc này là ngành điện!
Nhiệt điện Hải Phòng vẫn loay hoay với hỏng thiết bị (ảnh: P.H) |
Trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói rằng, những sự cố kỹ thuật ở các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc làm tổng thầu EPC chỉ là “khiếm khuyết”. Nhưng với Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, hệ lụy của khiếm khuyết đó thật nguy hại: các dự án nhiệt điện trong tổng sơ đồ điện 6 đều chậm, có những cái chậm 2 năm, có những cái chậm 3 năm.
Dù là rẻ, nhưng mỗi dự án nhiệt điện ký với nhà thầuTrung Quốc, Việt Nam cũng phải bỏ ra ít nhất từ 300-500 triệu USD, trong khi đó, cả nước vẫn thiếu điện dài dài.
Ở một số dự án điện, Việt Nam quyết định nhập khẩu thiết bị, máy móc Trung Quốc còn bởi, đối tác nước bạn đã kèm theo sự hỗ trợ cho vay vốn quá hấp dẫn. Và “bi kịch” sẽ không dừng lại đơn giản là ở việc thiếu điện!
Một chuyên gia kỹ thuật ở một nhà máy nhiệt điện phân tích, nhiều dự án điện giao cho nhà thầu Trung Quốc còn bởi mối ràng buộc, 85% nguồn vốn cho dự án cũng là do vay của Trung Quốc. Chính nhà thầu đó là trung gian lo vốn vay cho Việt Nam.
Đến khi, thiết bị nhập về không đảm bảo chất lượng, liên tục hỏng hóc, chủ đầu tư với vai trò là người nghiệm thụ ở thế “kẹt cứng”. Vì nếu chủ đầu tư không nghiệm thu thiết bị, dự án sẽ không thể giải ngân vốn, dẫn tới thiếu vốn. Còn nếu nghiệm thu, vốn được giải ngân thì hệ lụy nhìn thấy rõ là, chấp nhận chất lượng nhà máy điện là không đạt, phập phù.
Cho tới thời điểm này (29/12/2010), nhiệt điện Hải Phòng do Trung Quốc làm tổng thầu EPC đã lại ngừng hoạt động cả 2 tổ máy và nhà thầu vẫn đang loay hoay với việc sửa chữa thiết bị!
Những thiết bị phụ của Trung Quốc tại nhà máy này luôn xảy ra triền miền những hỏng hóc, kéo theo cả dây chuyền đồng bộ cũng tê liệt. Nhà máy này đã chậm tiến độ tới hơn 2 năm và vào tháng 2/2011, sẽ phải bàn giao cho chủ đầu tư.
Thật khó đảm bảo rằng, việc nghiệm thu công trình dự án này tiến tới, là do chất lượng kỹ thuật đảm bảo yêu cầu, hay do sức ép giải ngân vốn, sức ép thiếu điện?
Trong những công trình lớn, liên quan an ninh năng lượng như điện, đáng lẽ chất lượng và tiến độ phải là yếu tố căn cơ nhất. Nhưng đến nay, vì sao các chủ đầu tư, các nhà quản lý Việt Nam lại vẫn chấp nhận lựa chọn nhập khẩu những thiết bị dây chuyền của Trung Quốc mà thực tế thời gian qua, hoạt động "chập cheng" như vậy?
Chúng ta bị cuốn theo công nghệ giá rẻ của Trung Quốc mà quên mất những vấn đề lớn lao hơn.
Gậy ông đập lưng ông
Câu chuyện của ngành thép cũng không dễ chịu gì! Nhập siêu của ngành thép rất lớn. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, từ Trung Quốc, chúng ta vẫn phụ thuộc thép cán nóng, thép cán nguội tới 29%. Đặc biệt, thép cuộn xây dựng thì phụ thuộc tới 34% nhập từ Trung Quốc.
Công nghệ lo cao lạc hậu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sức cạnh tranh ngành thép (ảnh: P.H) |
Điều gì sẽ đến với ngành thép Việt Nam trong 4 năm tới, khi việc giảm thuế tới 0% nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN + Trung Quốc? Thép Trung Quốc sẽ có thể ồ ạt chiếm lĩnh thị trường ở Việt Nam bởi, giá thép Việt Nam e khó lòng cạnh tranh nổi!
Nói về nguyên nhân sâu sa hơn, ông Nguyễn Tiến Nghi phân tích: lợi thế cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam là rất yếu, khi mà chính họ đã nhập khẩu và sản xuất bằng công nghệ thép rẻ tiền, lạc hậu của Trung Quốc.
Hồi năm 2007, cơn sốt các dự án luyện phôi thép nổi lên, hàng loạt các doanh nghiệp thép đua nhau mua lò điện, lò cao của Trung Quốc về với giá vô cùng hấp dẫn.
Tới nay, những công ty như Hòa Phát, Đình Vũ, Vạn Lợi... vẫn đều sử dụng lò điện dưới 20-40 tấn mẻ. Công nghệ lò cao hiện đại nhất, đang được sử dụng là lò 350m3 của Hòa Phát.
Nghịch lý nằm ở chỗ, các loại công nghệ này đều đã được phía Trung Quốc thải bỏ, cấm sử dụng từ… năm 2005.
Thử hỏi, sau vài năm tới, giữa một bên là tiêu hao tới 700kWh điện/tấn phôi với một bên là tiêu hao 400kWh/tấn phôi, một bên là tốn tới 40-50 tấn dầu/thép thành phẩm, và một bên là chỉ mất 28-32 tấn dầu/thép thành phẩm thì các doanh nghiệp thép Việt Nam hạ giá thành thế nào để cạnh tranh với Trung Quốc?
Chưa kể, "con dao hai lưỡi" cho thị trường thép Việt khi chơi với Trung Quốc là ở chỗ: thép Trung Quốc cũng rất đa dạng chủng loại. Chất lượng thép trung ương và thép địa phương ở Trung Quốc cách nhau một trời một vực. Thép cuộn thường không in nhãn mác lên trực tiếp sản phẩm, khi về Việt Nam, đổ vào các cửa hàng bán lẻ, không ai có thể kiểm chứng nổi. Thép Trung Quốc nhập khẩu đó là loại gì và liệu có trà trộn gắn mác thép Việt hay không?
Nếu như câu chuyện nhập siêu của ngành điện, ngành thép vướng ở điểm đen về thiết bị công nghệ thì trong nhóm hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc, một nỗi lo khác đang hiển hiện ngày càng rõ.
Nhiều câu chuyện ầm ĩ dư luận vừa qua về chất lượng, về độ an toàn của hàng may mặc, thực phẩm, đồ ăn... nhập khẩu đều “dính” tới nguồn gốc Trung Quốc.
Ví dụ như vải Trung Quốc, chiếm tới 90% thị trường vải Việt Nam. Mới tháng 2/2010, Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng Việt Nam đã phát hiện tới 3 lô vải xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng formaldehyde cao, là chất gây ung thư, vượt tiêu chuẩn cho phép.
Tháng 3, Chi cục quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện trong 7.608 sợi dây chuyền, lắc tay, nhẫn xi mạ từ Trung Quốc, có đến 7.500 món chứa chất chì và cadimi.
Chưa kể, một loạt những vụ việc khác khiến người tiêu dùng trở nên sợ hàng Trung Quốc như sữa nhiễm melamin, rau quả có nhiều thuốc trừ sâu, đồ chơi chứa chất độc hại… Và những ngày gần đây, dư luận lại rộ lên thông tin sa tế lẩu của Trung Quốc chứa chất ung thư.
Vì nhu cầu mà Việt Nam phải nhập khẩu lớn nguồn hàng hóa Trung Quốc và trước mắt, nếu phải lép về trong cái bóng nhập siêu từ Trung Quốc, câu hỏi quan trọng đặt ra và cần được sớm giải quyết từ cơ quan quản lý: Chúng ta đã nhập hợp lý, nhập đúng để đáp ứng mục tiêu CNH-HĐH đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền sản xuất Việt Nam hay chưa?
-Giao thương Trung Quốc-Việt Nam tăng 42.4% (VOA)-So với cùng kỳ năm ngoái, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn 40% trong 10 tháng đầu năm 2010, đạt mức hơn 23 tỷ đôla. Trả lời báo chí Trung Quốc tại một hội thảo về thương mại ở Việt Nam mới đây, một giới chức từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc nhận định, giao thương tăng trưởng nhờ việc tăng cường trao đổi giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của cả hai nước. Giới chức này cũng cho rằng, kể từ khi Hà Nội và Bắc Kinh ký văn bản ghi nhớ về hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ hồi năm 2006, các công ty SME đã tham gia tích cực vào quá trình thông thương song phương. Trong số năm khu vực hợp tác thương mại và kinh tế mà Trung Quốc thiết lập ở các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hai trong số đó nằm ở Việt Nam. Nguồn: China Daily, Xinhua
-Châu Âu đề phòng sự "xâm chiếm" của Trung Quốc (Bee)-Tờ Les Echos đã cho đăng bài về việc các công ty ở châu Âu muốn kiểm soát đầu tư của các công ty Trung Quốc.