Mạng "Jamestown Foundation" (Mỹ) ngày 28/12 cho biết để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nhập khẩu từ các khu vực bất ổn ở Trung Đông và châu Phi, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề nghị chính phủ từ nay đến năm 2020 triển khai các dự án thăm dò và khai thác năng lượng trị giá 30 tỷ USD ở Biển Đông.
Theo họ, nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ, phương Tây và Iran, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn vì các nguồn cung cấp dầu lửa từ vùng Vịnh qua eo biển Hormuz - tuyến đường biển độc nhất ra vào vùng Vịnh - có thể bị đe dọa. Hiện nay, 1/2 lượng dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc là do khu vực giàu năng lượng nhưng bất ổn này cung cấp. Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 2/3 tổng số dầu lửa vào năm 2015 và 4/5 tổng số dầu lửa năm 2030. Bên cạnh đó, từ năm 2007, Trung Quốc cũng bắt đầu nhập khí đốt sau gần hai thập kỷ tự túc.
Trong khi dầu lửa chiếm 20% tổng năng lượng tiêu thụ ở Trung Quốc, khí đốt chỉ chiếm 3%. Tuy nhiên, vấn đề này đang thay đổi nhanh chóng do Bắc Kinh nỗ lực chuyển các máy phát điện, công nghiệp nặng, hệ thống lò sưởi và nấu ăn của người dân từ than đá sang khí đốt. Do đó, lượng khí đốt tiêu thụ của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã tăng gấp ba lần và dự kiến sẽ tăng mức tương tự trong 10 năm tới do sản xuất công nghiệp và độ thị hóa tăng.
Dự kiến, năm 2020, lượng khí đốt sẽ chiếm 10% số năng lượng được sử dụng ở Trung Quốc. Vậy Trung Quốc sẽ kiếm ở đâu phần dầu lửa và khí đốt tăng thêm này và làm thế nào Trung Quốc có thể tìm kiếm được các nguồn năng lượng nước ngoài? Liệu Trung Quốc có hợp tác với các nước khác trong việc thăm dò và khai thác năng lượng, hay tiếp tục sử dụng chính sách quyết đoán trên cơ sở đe dọa vũ lực khi quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh hơn?
Trên thực tế, ngày 15/12, Công ty Dầu lửa Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trực thuộc nhà nước và đối tác nước ngoài của công ty này là BG Group PLC (trước kia là công ty Khí đốt của Anh) thông báo liên doanh này đã tìm thấy cát chứa khí đốt trong lúc khoan thăm dò lần đầu tiên ở vịnh Qiongdongnan, sâu gần 1.400 m, ở phía nam và cách đảo Hải Nam 130 km. Phó Chủ tịch Điều hành CNOOC Zhu Weilin cho biết công ty này "rất lạc quan trước những kết quả ban đầu. Kết quả đó sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của công ty trong việc thăm dò các khu vực nước sâu".
Ở phía đông bắc, CNOOC và đối tác Husky Energy Inc (Canađa) sẽ bắt đầu triển khai dự án khai thác vào năm 2013 sau khi phát hiện lượng khí đốt lớn ở độ sâu 3.000 m so với mặt biển ở ngoài khơi Trung Quốc. Khu vực khí đốt lớn nhất của Trung Quốc trên Biển Đông là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ các trạm phát điện của Hồng Công và mỗi năm sản xuất khoảng 124 tỷ feet khối khí đốt. Đây là dự án đầu tư chung giữa tập đoàn BP, CNOOC và công ty Thăm dò khai thác Dầu lửa Nước ngoài của Côoét.
Trung Quốc cũng đang khai thác lượng dầu lửa khá lớn ở ngoài khơi Biển Đông. CNOOC cho biết khu vực này là một điểm nóng và dự kiến khu vực có trữ lượng dầu khoảng 22 triệu thùng. Toàn bộ khu vực dự trữ khí đốt ở thềm lục địa của Trung Quốc được cho là có khoảng 10,6 tỷ feet khối khí, gần bằng 1/8 tổng dự trữ của Trung Quốc. Sau khi sản xuất nhiều thiết bị thăm dò, khai thác và có kinh nghiệm trong việc khoan dầu dưới biển, Trung Quốc dự định sẽ thúc đẩy các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu lửa và khí đốt trên Biển Đông, trị giá 30 tỷ USD, nơi Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây đều tuyên bố chủ quyền và kiểm soát các nguồn dự trữ khí đốt và dầu lửa.
Thái độ của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á và Nhật Bản trong các cuộc tranh cãi về lãnh hải năm 2010 cho thấy Bắc Kinh có thể sử dụng các chiến thuật "nặng tay". Tuy nhiên, cái giá phải trả cho cách hành xử này đã trở nên rõ ràng, khi các nước láng giềng và các nước khác như Mỹ - vốn quan tâm đến sự ổn định và tự do hàng hải trong khu vực - đã liên kết với nhau để ngăn chặn Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh cần phải ôn hòa hoặc thậm chí tìm cách tạo ra một khu vực tài nguyên và an ninh biển rộng lớn hơn. Lợi ích của hợp tác và chia sẻ chắc chắn sẽ lớn hơn cái giá phải trả cho xung đột.
Hơn nữa, chi phí thăm dò và khai thác dầu lửa, khí đốt ở các khu vực nước sâu khá đắt và chỉ các công ty năng lượng nước ngoài lớn mới có thể thực hiện nếu an ninh được bảo đảm. Bắc Kinh khó có thể đảm bảo các dự án đầu tư chung với các công ty năng lượng nước ngoài được thực hiện một cách suôn sẻ ở một khu vực vẫn tồn tại nhiều bất đồng, vì các nước tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc lấn chiếm các nguồn tài nguyên của họ.
Theo Jamestown Foundation