Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Nhân quyền không biên giới

-Nhân quyền không biên giới
Đã hơn hai Thiên niên kỷ trôi qua, những tiếng ca nhân quyền vang vọng của các bậc tiền bối cũng không làm cho xã hội ngày nay thoát khỏi vòng xiềng xích, thương xót thay những “bản nhân quyền ca bất hủ” ấy nay lại được “sửa lời” một cách trơ trẽn vì lòng tham lam thối tha trỗi dậy trong “tư duy điểm G ”. Người này sẵn sàng tước bỏ nhân quyền của người khác để gia tăng quyền lực và lợi ích cho riêng mình. Các đặc tính truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử, địa lý, điều kiện kinh tế, trình độ dân trí, hoàn cảnh chiến tranh… như là “thiên sứ của quỉ” giúp che đậy, ngụy biện khi nhân quyền không được tôn trọng, đảm bảo và thực thi đầy đủ.

Khi không có nhân quyền con người chẳng khác gì con vật. Khi không có nhân quyền con người chỉ tồn tại trong trạng thái “vật tự nó”. Khi không có nhân quyền con người sẽ hóa kiếp thành ma quỷ.

Nhân quyền, đó là cách để phân biệt con người với con vật.Nhân quyền,đó là cách để con người biết mình là con người.Nhân quyền đó là cách để con người tồn tại trong tự nhiên, để minh chứng cho sự bất diệt của loài người .

Đó là giá trị chân lý nhân quyền!

Nhân quyền là Nhân quyền! Đây là quyền con người không ai xâm phạm được, nhân quyền không có sự khác biệt, không có nhiều kiểu hay nhiều giá trị để lựa chọn vì nó là khuôn mẫu chung cho toàn nhân loại, nếu có khác biệt thì có chăng là ở tính nhận thức lịch sử cụ thể trong việc thực hiện nhân quyền mà thôi. Tính nhận thức cụ thể có thể phân làm 3 cấp độ: quyền tự nhiên tạo hóa ban tặng (cấp 1), quyền Hiến pháp và Pháp luật đặc ân (cấp 2), và quyền tự tạo do tương tác (cấp 3).

Thông thường quyền cấp 1 được sử dụng rộng rãi và phổ quát vì nó rất thiết yếu, dễ dàng cảm nhận và sử dụng như quyền được ăn, quyền được ngủ, quyền được thủ dâm… thậm chí là quyền “được chết hai lần”.

quyền cấp 2 nó đòi hỏi ở một cấp độ cao hơn vì con người cần có ý niệm rõ ràng mới biết cách sử dụng như quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do báo chí… vì quyền này cần phải tuân thủ theo pháp chế ở một mức độ nhất định.

Đến quyền cấp 3, đây là môi trường trạng thái cá nhân này và cá nhân khác liên kết “cộng quyền” với nhau để trợ giúp, bảo vệ và che chở cho nhau khi có sự chiếm dụng nhân quyền. Chẳng hạn, quyền tự do thông tin liên kết với quyền tự do ngôn luận sẽ tạo nên “quyền bất đồng chính kiến”, và bất đồng chính kiến này luôn được đảm bảo trước quyền bất đồng chính kiến khác mang lại quyền “thỏa mãn lý tưởng” mà không bị bức hại. Hay quyền được sử dụng thân thể liên kết với quyền giải phóng thân thể tạo nên “quyền bức phá cùng quẫn trong nội tại” mà không cần phải sử dụng đến hành động đê tiện nhằm đạt được mục đích. Ở cấp độ này nhân quyền luôn được cân bằng đảm bảo phát huy một cách tích cực và hữu hiệu nhất. Nếu như quyền cấp 3 không được đảm bảo để phát triển thì “xã hội sẽ bị đồng hóa trong dị hóa”, con người cũng chỉ là động vật bật cao giữa những loài động vật rừng rú.

Do đó nếu nơi nào khi thực hiện nhân quyền ở ba cấp độ mà bị tính nhận thức lịch sử cụ thể làm biến dạng và méo mó giá trị của nó thì nơi đó cần nâng cao nhận thức nhân quyền, khát khao nhân quyền, hiểu nhân quyền, đào tạo cách sử dụng và phát huy nhân quyền rộng rãi nhất.


Xâm hại nhân quyền

Một nghịch lý là Ai mang lại nhân quyền thì đều có khả năng xâm hại nhân quyền. Đấng tối cao lợi dụng “niềm tin lý tưởng” cũng chỉ ban tặng nhân quyền khi nhân quyền không đe dọa cho sự tôn thờ “lãnh tụ ý niệm bất diệt”.

Chính quyền cũng chỉ thừa nhận nhân quyền khi các quyền đó không có khả năng tiêu diệt “lãnh đạo đời sống vật chất” của giai cấp cầm quyền.

Cá nhân này một mặt liên kết quyền với các nhân khác nhưng mặt khác lại có xu hướng xâm phạm nhân quyền để “gia tăng nhân quyền” cho riêng mình nếu sự liên kết không bình đẳng giữa nhận thức về quyền.

Nhân quyền từ Đấng tối cao-chính quyền-cá nhân đã hình thành trục “tam thể cưỡng quyền” luôn hiện diện trong đời sống thực tế và ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên sự xâm hại từ đấng tối cao và cá nhân có thể kiểm soát thông qua yếu tố khoa học, đạo đức và pháp luật… nhưng đáng lo ngại hơn là sự bức hại từ phía chính quyền bằng các trụ cột thiết chế như vũ lực trấn áp, thông tin-truyền thông, chế độ pháp quy sẽ tác động theo hướng “nhân quyền phục tùng”, con người sẽ rơi vào trạng thái vô định-một biến thể tồn tại bằng tính thống nhất giữa hai mặt đối lập “súc quyền trong nhân quyền”.

Tam thể cưỡng quyền có được không gian phát huy cũng bởi năng lực yếu kém khi tiếp cận vào đời sống tinh thần, đời sống vật chất và nhận thức xã hội của mỗi thực thể sinh học-xã hội.

Xã hội dân sự một không gian rèn luyện và bảo vệ nhân quyền

Nhân quyền vừa liên hợp, tương trợ nhưng lại vừa đối trọng, xung đột lẫn nhau. Để tổng hòa các mối quan hệ nhân quyền cần một không gian để mỗi cá nhân ý thức được rằng “nhân quyền là nguồn năng lượng duy nhất để con người sinh tồn trong sự vận hành của cỗ máy thời gian”, và nguồn năng lượng đó chỉ có thể khai thác trong lòng “xã hội dân sự”.

Trong không gian xã hội dân sự con người rất dễ dàng liên kết và tương tác các quyền ở mọi cấp độ với nhau dựa trên tinh thần tự giác và lòng bao dung trong cách xử sự tạo nên một không gian công mang đến lợi ích chung nhất và hài hòa nhất về tính khuôn mẫu nhân quyền.

Sản phẩm của sự cộng quyền dựa vào sự tin cậy trong không gian xã hội dân sự là các hội đoàn được trang bị “sức mạnh lỏng” đủ để xâm nhập vô hiệu hóa “quyền lực nóng” của chính quyền và “quyền lực lạnh” của các nhóm lợi ích nếu có sự bức hại nhân quyền.Ngoài ra các hội đoàn phi chính phủ là nơi mỗi cá nhân góp vốn nhân quyền môt cách sòng phẳng, ngang bằng cho dù có khác nhau về mức độ nhận thức nhân quyền.

Khi có sự công bằng trong việc sử dụng quyền và phân chia (thành quả) quyền sẽ thúc đẩy “tâm lý cộng hưởng quyền” phát huy một cách tích cực và hữu hiệu.

“Dân sự bất phục tùng” là trạng thái tất yếu trong xã hội dân sự,đặc điểm này sẽ bảo vệ nhân quyền thoát ly khỏi xiềng xích. Tuy nhiên dân sự bất phục tùng trong môi trường này không có khả năng thúc đẩy “làm loạn” vì có sự tích trữ dồi dào vốn xã hội và vốn đạo đức.

Hơn hết đặc điểm quyến rũ nhất từ xã hội dân sự là khi xã hội lâm nạn con người có thể tự lo và tự tái tạo ngay tức khắc trước khi chờ đợi phép mầu từ Đấng tối cao, trách nhiệm của chính quyền, hay lòng thương xót của lương tâm.

Ngoài ra tính ưu việt của Xã hội dân sự là luôn phát minh ra những giải pháp độc đáo để ngăn ngừa và bảo vệ trước sự biến dạng của xã hội tốt hơn bất cứ hình thái xã hội nào-nó như là liều vắcxin chữa lành những vết thương như trong “Tuyên bố Thiên niên kỷ” của Liên Hợp Quốc về giá trị cơ bản của mỗi quốc gia, đó là: tự do, bình đẳng, đoàn kết, khoan dung, tôn trọng tự nhiên và chia sẻ trách nhiệm.

Nhân quyền chân chính luôn là kẻ thù của chính trị dơ bẩn

Từ khi bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền ra đời 10/12/1948 đã đưa nhân loại bước sang trang mới trong tư duy và cách xử sự nhân quyền. Tuy nhiên các trò bẩn trong chính trị lại không ngừng cổ súy cho hành động hủy diệt nhân quyền nhằm mưu lợi riêng. Do đó, bảo vệ nhân quyền như đang thử thách những con người nghĩa khí yêu tự do, yêu dân chủ, yêu dân quyền… Để rồi một cuộc chiến không khoan nhượng đang diễn ra ở tất cả các quốc gia, các vùng lãnh thổ, mà ở đó tất cả chúng ta minh định rằng “bánh xe lịch sử đang lăn, những hành vi ra sức ngăn cản sự chuyển động tự nhiên đó tất yếu sẽ phải nhận một kết quả tưng xứng”.

Tương lai của nhân loại sẽ là “nhân quyền không biên giới”, sẽ không còn khoảng cách về cấp độ nhân quyền, sẽ không còn phụ thuộc bởi hệ thống chính trị, địa lý, tôn giáo hay ý thức hệ. Hậu thế sẽ không tha thứ cho những ai làm nên những sợi dây xiềng xích để trói buộc quyền làm người, quyền được sống, quyền tự do dân chủ và quyền mưu cầu hạnh phúc của cộng đồng nhân loại. Chúng ta hãy chờ xem!!!

Tổng số lượt xem trang