Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Những giới hạn của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc

Những giới hạn của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc
Không đâu trở nên rõ ràng như tại những nước kém phát triển trong khu vực Đông nam Á, nơi việc trợ giúp tài chính hào phóng của Trung Quốc đã lũng đoạn chính sách nhà nước theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Điều quan trọng là Trung Quốc đã dùng những đầu tư sâu nặng nhất của mình để xâm nhập vào những quốc gia được cai trị bởi những chính phủ độc tài như Cambodia, Lào, Miến Điện và Việt Nam. Các chính quyền cứng rắn và vô trách nhiệm đã cho phép việc chiếm đất với sự bảo trợ của nhà nước và cưỡng bức dân chúng phải tái định cư để mở đường cho nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong ngành khai thác mỏ và nông trại.

Nguồn: Shawn W Crispin, Asia Times
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
23.12.2010
Vào một buổi tối tháng Mười một tại thị trấn biên giới phía bắc Lào, một đám đông tụ tập chung quanh một vụ tai nạn giao thông giữa hai lái xe người Trung Quốc. Khi tranh cãi bùng nổ, các bảo vệ sòng bài người Trung Quốc canh chừng để giữ hoà khí. Nhưng việc vắng mặt những cảnh sát Lào mặc sắc phục cho thấy rõ lỗ hổng quyền lực trong những nhiều khu vực đang mở ra ngày càng nhiều trong đó Viên Chăn đã thực sự trao chủ quyền cho Bắc Kinh.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã xây dựng và điều hành một tổ hợp sòng bài rộng lớn ở Boten, là một trong hai đặc khu kinh tế dành riêng cho cờ bạc và Trung Quốc giữ quyền tự quản. Tại Boten, các nhân viên tiếp tân khách sạn chỉ nói tiếng Hoa, nhân dân tệ là loại tiền bắt buộc trong trao đổi và gái mãi dâm Trung Quốc mời chào dịch vụ của mình bằng những danh thiếp in bằng tiếng Phổ Thông thay vì tiếng Lào. Tại khu thứ hai, phía ngoài thị trấn Huay Xai, xe ô tô Trung Quốc đi lại không cần biển số.
Những nhượng bộ đặc biệt này là thành quả trao đổi từ viện trợ chính thức, những tài trợ và nợ không lãi mà Bắc Kinh đã trao cho Lào trong những năm gần đây nhằm chi trả cho phương tiện thương mại và cơ sở hạ tầng đang rất cần của Lào. Việc hỗ trợ này được nhiều người đề cập đến như là "quyền lực mềm" của Trung Quốc, một canh bạc ngoại giao nhắm vào việc thay đổi quan điểm về Trung Quốc trong khu vực Đông nam Á, vốn thường xem người láng giềng khổng lồ như là một đe doạ chiến lược hơn là một cơ hội kinh tế.
Nổi lên từ sự tăng trưởng về sức mạnh kinh tế và được thúc đẩy bởi một chính sách đưa ra vào năm 2001 với tên là tẩu xuất khứ, có nghĩa là "đi ra ngoài", khuôn mẫu được biến hoá nhanh chóng của chủ nghĩa bành trướng tư bản Trung Quốc đang bắt đầu gây ra những ngờ vực về tính bền vững của quá trình hướng ngoại này. Với ngân sách quốc gia đang tràn đầy nhờ thặng dư kinh tế trong những thập niên qua, đầu tư vào nước ngoài của Trung Quốc được trông đợi sẽ tăng trội theo mức luỹ tiến trong những năm sắp tới, đặc biệt là khu vực Đông nam Á lân cận giàu có tài nguyên.
Nhưng đầu tư vào nước ngoài của Trung Quốc giờ đây có kèm theo những điều kiện lớn, bao gồm việc cho phép nhập khẩu những lao động không kỹ năng người Trung Quốc cho những dự án do Trung Quốc đầu tư tại những quốc gia vốn thường tuyệt vọng để tạo ra công việc làm cho chính mình. Không đâu trở nên rõ ràng như tại những nước kém phát triển trong khu vực Đông nam Á, nơi việc trợ giúp tài chính hào phóng của Trung Quốc đã lũng đoạn chính sách nhà nước theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Điều quan trọng là Trung Quốc đã dùng những đầu tư sâu nặng nhất của mình để xâm nhập vào những quốc gia được cai trị bởi những chính phủ độc tài như Cambodia, Lào, Miến Điện và Việt Nam.
Các chính quyền cứng rắn và vô trách nhiệm đã cho phép việc chiếm đất với sự bảo trợ của nhà nước và cưỡng bức dân chúng phải tái định cư để mở đường cho nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt trong ngành khai thác mỏ và nông trại. Toàn bộ một ngôi làng đã bị cưỡng bức di dời đến một vùng đất tái định cư cằn cỗi để nhường chỗ cho đặc khu kinh tế của Trung Quốc bên ngoài Huay Xai. Điều này làm một số người trong vùng liên hệ việc đầu tư của Trung Quốc với hoạt động tham nhũng của chính quyền, làm tăng thêm những quan điểm từ đó thúc đẩy những khuấy động đầu tiên mang tính dân tộc chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Những cửa ngõ mới
Điều chắc chắn là việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đúng là đã tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với những nền kinh tế nhỏ đang biến chuyển trong khu vực Đông nam Á. Những con đường mới hoặc được nâng cấp và những cơ sở hạ tầng đã mở ra những cửa ngõ mới quan trọng cho giao thương buôn bán. Điều này bao gồm việc Trung Quốc tài trợ để xây Đại Xa lộ châu Á nằm trên phần đất Lào, nếu hoàn thành đúng thời hạn vào năm 2012, sẽ nối liền Bắc Kinh với Singapore và biến Lào thành từ vị thế bị bao vây bởi đất liền thành một quốc gia tiếp nối với đất liền.
Những con đường được Trung Quốc tài trợ vào những vùng hẻo lánh trước đây dọc theo Sông Mekong trong khu vực nghèo khổ phía bắc của đất nước đã cho phép nhà cầm quyền Lào mở rộng mạng lưới điện đến những ngôi làng mà tác giả đã đến thăm, những nơi này chỉ vài tháng trước đây vẫn thiếu nguồn điện ổn định. Nguồn điện này được cung cấp bởi những đập thuỷ điện vừa xây xong trên ba dòng sông phía bắc của Lào với sự trợ giúp từ tín dụng cho vay của Trung Quốc. Là quốc gia nhỏ nhất và ít dân nhất của Đông nam Á, Lào dễ bị tổn thương nhất trước sứ mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc và sự hiện diện và ảnh hưởng của Bắc Kinh được cho là sẽ còn tăng thêm, theo Martin Stuart-Fox, một chuyên gia nổi tiếng về Lào. Thật thế, Lào đang xuất hiện nhanh chóng như một kiểu mẫu tươi đẹp mà chủ nghĩa bành trướng tư bản của Trung Quốc sẽ xây dựng trong vùng này và khu vực rộng hơn khi Bắc Kinh tăng cường động cơ đầu tư của mình.
Trong một tài liệu nghiên cứu năm 2008, Stuart-Fox cho rằng Trung Quốc trông đợi ba điều từ viện trợ, nguồn cho vay của mình, đó là: ủng hộ tất cả chính sách của Trung Quốc từ Đài Loan đến Tây Tạng; các công ty Trung Quốc được phép tham gia khai thác tài nguyên của Lào; và những tuyến thông tin đến Thái Lan xuyên qua Lào - tất cả các điều khoản này đều được Lào trung thành chấp nhận.
Tuy nhiên, gần đây rõ ràng là Trung Quốc lại muốn có thêm nữa từ lòng hảo tâm của họ, bao gồm những vùng đặc khu kinh tế riêng biệt và những hợp đồng thuê đất dài hạn cho các dự án - kể cả một Chinatown mới sắp xây tại trung tâm Viên Chăn - điều mà các nhà phân tin cho rằng sẽ dọn đường cho những làn sóng di dân lớn hơn từ Trung Quốc sang Lào. Trong năm 2007, chính phủ Lào ước đoán có khoảng 30.000 cư dân Trung Quốc ở Lào, một chỉ số mà Stuart-Fox trong nghiên cứu của mình đã cho là một "ước tính thấp". Tuy thế, nó vẫn cho thấy lượng Hoa kiều đã tăng gấp ba so với con số ước tính vào năm 1997.
Nhà báo và tác giả Bertil Lintner trong cuốn sách sắp xuất bản của mình cho rằng sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc cũng như việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng đã nảy sinh ra những làn sóng di cư của người Trung Quốc ra nước ngoài với triển vọng mang tầm mức lịch sử. Những nghiên cứu của ông cho thấy những đầu tư của Trung Quốc vào nước ngoài thường được dùng như là một bình phong của quá trình di dân ra nước ngoài của chính phủ nhằm giảm bớt tỉ lệ dân số cũng như áp lực về tài nguyên trong nước.
(Vì đất canh tác ở Trung Quốc chỉ chiếm dưới 7%, việc bảo đảm lương thực cho 1,3 tỉ người là một chính sách quan trọng được quan tâm.)
Tuy nhiên, việc nhập cư lao động và vốn ra nước ngoài lại đang bị phức tạp hoá bởi thái độ mới của Trung Quốc về chủ nghĩa ngoại lệ, một hiện tượng đặc biệt mà cả Lintner và Stuart-Fox đều lưu ý trong những nghiên cứu của mình và cũng được chứng minh một cách rõ ràng qua những đặc khu kinh tế Trung Quốc ở Lào. Stuart-Fox viết rằng những người Trung Quốc mới đến "có rất ít điểm chung với cộng đồng Hoa kiều lâu năm ở Lào" vốn đã sẵn sàng hoà nhập hơn vào quê hương mới của mình, và đa số những người mới đến "rất thiếu tế nhị đối với văn hoá Lào". Ông đặt tên cho thế hệ dân di cư Trung Quốc mới này là "những kẻ dân tộc chủ nghĩa xấc láo".
Lintner cũng đã nhận diện được chiều hướng dân tộc chủ nghĩa tương tự trong nghiên cứu của ông về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, nơi các cộng đồng Hoa kiều mới đây đã thống lĩnh hoạt động thương mại địa phương trên một số hòn đảo và đã gặp phải những phản ứng bạo lực. Ông cũng lưu ý rằng những phản ứng bạo lực chống lại một số đầu tư của Trung Quốc tại Miến Điện, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc đã thống lĩnh ngành thương mại trong các thành phố lớn như Mandalay.
Ví dụ như một vụ nổ không tìm ra nguyên nhân tại công trình thuỷ điện do Trung Quốc tài trợ ở khu vực dân tộc thiểu số Kachin, được xây dựng để cung cấp điện cho miền nam Trung Quốc. Khoảng 10 nghìn cư dân trong khu vực xây dựng đập thuỷ điện đã bị cưỡng bức di dời, Lintner cho biết.
Bành trướng để bóc lột
Ở phía bắc Lào, sự bành trướng của Trung Quốc được thấy rõ đặc biệt trong khu vực miền núi phía nam Boten, trước đây từng là rừng rậm và hiện được khai quang cho những nông trường độc canh cao su do các công ty Trung Quốc quản lý. Những công ty này thường xuyên nhận được chế độ miễn thuế và trợ cấp từ Bắc Kinh như một phần của một chính sách rộng hơn nhằm dẹp bỏ nạn thu hoạch thuốc phiện và giúp các khu vực hẻo lánh vùng biên giới Lào và Miến Điện hoà nhập tốt hơn vào thị trường lớn hơn trong khu vực, theo Học viện Xuyên Quốc gia (Transnational Institude - TNI), một mạng lưới quốc tế gồm các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội có trụ sở tại Hà Lan.
Trong một báo cáo ngắn vào tháng Mười một, TNI viết rằng trong khi "thoạt đầu thì những chủ đất canh tác nhỏ không chính thức là hình thức chủ yếu trong việc khai thác cao su ở Lào, việc cưỡng bức từ trên xuống đang thịnh hành hơn" và rằng 'những người nghèo khổ nhất lại hưởng ít lợi ích nhất từ những đầu tư này." Nghiên cứu cũng cho thấy rằng nhiều nông dân Lào "đang mất đi quyền sử dụng đất đai và rừng" và "đang bị cưỡng bức di dời đến những vùng đất thấp vốn không có nhiều chọn lựa đáng kể để sống" để nhường chỗ cho những nông trường Trung Quốc.
TNI kết luận rằng "những hình thái xung đột mới đăng tăng lên từ những đầu tư tầm cỡ lớn của Trung Quốc" tại Lào lẫn Miến Điện và "việc tịch thu đất đai đã có hệ quả liên quan đến nạn sản xuất và mua bán thuốc phiện cũng như sự ổn định biên giới." Cơ quan này cho rằng hướng đi của Trung Quốc "được những cộng đồng địa phương và các cơ quan phát triển quốc tế xem như chỉ vì mục đích trục lợi, và họ đặt vấn đề về tính bền vững trong phương cách của Trung Quốc. Hình ảnh của nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong những khu vực này vì thế đã bị ảnh hưởng xấu."
Có những thắc mắc về việc Trung Quốc sẽ đi xa đến đâu trong việc tìm cách giữ hình ảnh đầu tư của mình. Sompawn Khantisouk, chủ nhân của một cơ sở du lịch sinh thái ở phía bắc Lào đã bị bắt cóc vào năm 2007 bởi những người được cho là cảnh sát địa phương và đến nay vẫn chưa tìm thấy. Việc Sompawn mất tích xảy ra cùng lúc với nỗ lực của ông trong việc vận động dân địa phương chống lại các dự án nông trường cao su do Trung Quốc tài trợ trong những khu vực được dùng cho du lịch sinh thái. Cơ sở du lịch của Sompawn đã thắng được những giải thưởng vì đã đóng góp vào phong trào du lịch sinh thái tự lâu bền, vốn từng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của nhà nước.
Những blogger dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam đã vận động chiến dịch chống lại việc chính quyền chấp thuận cho một công ty Trung Quốc khai thác bauxite tại khu vực Cao Nguyên đẹp đẽ. Công ty này đã nhập khẩu hàng nghìn lao động Trung Quốc vào làm việc trong khu mỏ, các báo cáo cho biết. Bốn trong năm blogger chính trị hiện đang bị ngồi tù ở Việt Nam vì tội đã chỉ trích những chính sách làm vừa lòng Trung Quốc của Hà Nội chứ không phải vì kêu gọi dân chủ.
Trong một hành động rõ ràng là để ngăn chặn những chỉ trích tương tự ở Lào, Trung Quốc đã kề vai sát cánh với Bộ Thông tin và Giao thông để tạo ra một Trung tâm Internet Quốc gia Lào, sẽ được nối mạng vào năm 2011. Các nhân viên người Lào của trung tâm này đã được đào tạo kỹ lưỡng ở Trung Quốc, bao gồm cả các thành viên của đội "đối phó an ninh khẩn cấp" mới thành lập, theo một nguồn tin quen thuộc với điều này cho biết. Bắc Kinh cũng đã cung cấp những dụng cụ kỹ thuật sẽ được dùng để theo dõi và ngăn chặn các trang web, nguồn tin cho biết. Hiện tại, Lào không kiểm duyệt mạng Internet.
Vì sự thiếu vắng tự do báo chí trong các quốc gia Đông nam Á, nơi được Trung Quốc đầu tư rất nhiều, rất khó để xác định được liệu những tiếng nói chống đối vốn vẫn yếu ớt hiện đang hoặc đã đại diện cho một cơn bão dân tộc chủ nghĩa của phong trào bài Hoa hay không. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự có dính líu vào việc đàn áp những tiếng nói này, như nhiều người nghi ngờ, thì Bắc Kinh cũng nên nhận thức những rủi ro và thiếu sót trong chủ nghĩa bành trướng tư bản đang phát triển nhanh của mình.

Tổng số lượt xem trang