Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Bùi Ngọc Tấn - Người chăn kiến

Tiểu thuyết Biển và Chim Bói cá xuất bản bằng tiếng PhápNhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa được trao giải Henri Queffenlec của Pháp

Việt Nam và chuyện 'Người chăn kiến'

Chuyện Người chăn kiến vẽ lên nhiều góc cạnh của xã hội VN

Nếu phải chọn một truyện thật ngắn mà lại khái quát thật sinh động một số góc của Việt Nam ngày nay, Người chăn kiến của nhà văn đoạt giải quốc tế Bùi Ngọc Tấn là ứng viên sáng giá.

Bản thân nhà văn nói ông viết chuyện siêu ngắn này chỉ trong có một ngày để gửi đi dự thi Bấmhồi năm 1993 với hy vọng sẽ đoạt giải.

Các bài liên quan
'Đoàn Văn Vươn - từ công lý đến bạo lực'
Vụ Đoàn Văn Vươn 'sẽ không có công lý'?
'Cần bỏ tội danh giết người cho ông Vươn'

Nhưng rồi chuyện không những không được giải mà còn không xuất hiện trong mục đăng những tác phẩm dự thi.

Có thể câu chuyện gói gọn trong chưa đầy 1000 chữ đã vẽ lên bức tranh quá giống với nhiều nơi trong xã hội Việt Nam hiện đại.
'Người chăn kiến'

BấmNgười chăn kiến kể câu chuyện một giám đốc đã có tuổi bị tù oan và ở cùng phòng với một buồng trưởng khét tiếng.

Ngay khi mới nhập trại, ông được vị 'đại ca' giao nhiệm vụ làm nữ thần Tự do, tức phải khỏa thân đứng trên bậc thang giáp với sân thượng của phòng giam, tay cầm một trong các món đồ tiếp tế của phạm nhân.

Ít lâu sau ông được giao nhiệm vụ chăn kiến mà mục đích cuối cùng là giữ kiến không ra khỏi các vòng tròn mà buồng trưởng đã vẽ.



"Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Ðứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như kiểu thần Tự Do."


Trích chuyện ngắn Người chăn kiến

Có hôm ông bắt được một con kiến không phải nhóm của buồng trưởng giao và xin được chăn liền bị phạt bằng cách 'làm chim':

"Ông phải rơi từ sát mái nhà xuống. B trưởng không bằng lòng với cách rơi giả vờ, rơi có chuẩn bị, rơi chân xuống trước ấy.

"Phải rơi như thật. Như bị bắn rụng thật."

Thật may mắn, vị giám đốc vẫn lành lặn và được ra tù sau bốn tháng vì người ta phát hiện ra ông bị oan.

Ông lại được giao làm giám đốc của một xí nghiệp nhưng vẫn không thể quên được thói quen chăn kiến và "thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Ðứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như kiểu thần Tự Do."
Luật rừng

Chuyện chỉ có vậy nhưng người ta có thể dùng nó như tấm gương để xã hội hiện tại soi vào.

Trước tiên là một xã hội có rất nhiều luật nhưng tại nhiều nơi luật rừng lại lên ngôi.


Người đứng đầu công an Hải Phòng coi vụ trấn áp gia đình ông Vươn là 'trận đánh đẹp'

Trong vụ anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn, vốn chuẩn bị được đưa ra xét xử trong tuần tới, các quan chức của cả một thành phố đã dùng luật tự chế để quản lý xã hội.

Đại tá đứng đầu ngành công an Hải Phòng công khai nói rằng người dân đã phá cái mà ông nhất quyết không gọi là nhà mà chỉ gọi là "chòi" của gia đình ông Vươn trong sự cố mà ông gọi là "một trận đánh đẹp" hồi đầu năm 2012.

Thay vì bị xử lý vì những phát ngôn và cách sử dụng lực lượng công an một cách bừa bãi, Đại tá Đỗ Hữu Ca tiếp tục tại vị để chỉ huy việc điều tra và khởi tố vụ án anh em ông Vươn "giết người".

Tới năm 2013, chỉ riêng trong tháng Ba đã có tới Bấmsáu vụ công an bị tốhành hung người dân trong đó có một vụ dẫn tới trọng thương và một vụ chết người.

Trong những vụ này, mọi điều luật của xã hội văn minh đã nhường chỗ cho luật của kẻ mạnh từ thời Trung Cổ cộng thêm vỏ bọc "thi hành công vụ" của thời hiện đại.

Những người dám đứng lên thách thức luật rừng chỉ là thiểu số.
Oan sai

Nét thứ hai của câu chuyện là những oan khiên trong xã hội giống như của vị giám đốc nọ.



"Nhiều luật sư thừa nhận rằng những tranh luận tại tòa nếu có xảy ra cũng không ảnh hưởng nhiều tới kết luận của các vị thẩm phán."

Số người phải đi chặng đường hàng chục hay hàng trăm cây số ra Hà Nội để đòi công lý ngày một nhiều và rất nhiều trong số họ lại trở về với chính những đòi hỏi mà họ mang theo.

Ở một số nước, báo chí và người dân bị cấm có những bàn thảo vốn có thể khiến các vị trong bồi thẩm đoàn có phán quyết thiên lệch.

Trong khi đó người dân Việt Nam và báo chí gần như có thể thả cửa bàn về mọi khía cạnh của bất kỳ vụ án nào.

Thứ nhất, chuyện bị kết án oan hoặc không công bằng không phải là điều lạ lẫm trong xã hội.

Thứ hai, tòa án cũng chỉ là cánh tay nối dài của nền chính trị và những phán quyết có lợi cho những người cầm quyền hoặc những người thân cận với họ không phải là điều hãn hữu.

Nhiều luật sư thừa nhận rằng những tranh luận tại tòa nếu có xảy ra cũng không ảnh hưởng nhiều tới kết luận của các vị thẩm phán.
Thói quen

Nét thứ ba, mà có lẽ là nét quan trọng nhất, người ta có thể liên hệ từNgười chăn kiến tới xã hội ngày nay là những cách làm việc độc đoán theo thói quen.

Những người Cộng sản đã quen với việc hành động theo một chủ thuyết ngoại nhập, vốn chỉ có tuổi đời ngắn ngủi so với lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam và cũng đã thay đổi nhiều ở chính cái nôi nó sinh ra.


Quyền lợi của người nông dân, vốn chiếm đa số trong xã hội, không được đại diện đúng mức

Họ quen với việc cầm quyền không bị thách thức, phát ngôn không bị kiểm chứng và trong nhiều trường hợp "chăn" dân như "chăn kiến".

Đảng Cộng sản đã khiến người dân "mộng du" vào một xã hội mà quyền lợi của đại đa số không có người đại diện.

Đó chính là những người nông dân như anh em nhà Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng hay trong các vụ việc sau đó ở Dương Nội, Văn Giang và Vụ Bản.

Các hội đoàn như Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đều vắng bóng khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm.

Đảng Cộng sản đáng ra là đảng của giai cấp công nông, nhưng thực tế con cưng của đảng trong nhiều năm qua là các đại gia của các đại công ty và quyền lực của Đảng cũng lại chỉ thuộc một nhóm nhỏ mà đối với không ít người trong số họ quyền lợi của giai cấp công nông chỉ có ý nghĩa tượng trưng.

Người chăn kiến còn làm người ta suy nghĩ về những gì mà các chính trị gia nói và những việc họ làm sau những cánh cửa đóng kín.

Bùi Ngọc Tấn cũng khiến độc giả liên tưởng tới điều có thể được coi là sự tự cầm tù về hành vi và tư tưởng của những người mà trên thực tế hoàn toàn không bị giam cầm sau bốn bức tường.


Mafiovi:“Cái tội lớn nhất của các nhà văn Việt Nam là viết nhạt”? – Blah: cái tội lớn nhất của họ là chấp nhận làm ..con kiến trong cái vòng tròn do kẻ khác vẽ ra.

-Bùi Ngọc Tấn - Người chăn kiến (BBC 8&9-4-12) -- Bài P/v dài của Phạm Tường Vân ◄◄

Tôi muốn gọi ông như vậy, dù đó là tên một nhân vật do chính ông tạo ra trong một truyện ngắn cùng tên.
Truyện kể về một ông giám đốc bị đi tù oan, rồi nhờ dáng vẻ trí thức, ông được một “đại bàng” giàu óc tưởng tượng và chán trò đấm đá tha cho trận đòn “nhập môn” mà đựơc trần truồng đứng làm tượng Nữ Thần Tự Do.

Đóng vai này, ông thèm được là một người trong cả chục người vây chung quanh phục dịch “đại bàng”, thèm đựơc như ông già chủ nhiệm hợp tác rụng hết răng móm mém ôm bọc “nội vụ” đi quanh buồng giam hát ru em bài 'Bé bé bằng bông' (một bài hát cho trẻ em ở miền Bắc thời kỳ chiến tranh).
Và đặc biệt thèm được chăn những con kiến trong cái vòng tròn bé tí vẽ bằng gạch non trên nền buồng giam, một trò chơi do tay “đại bàng” nghĩ ra.
Cho đến ngày ông được minh oan, trở về công việc cũ. Tất cả đều ổn. Nhưng cứ vào giờ ngủ trưa, phòng giám đốc luôn khóa trái: ông nhìn trước nhìn sau, rồi mở ngăn kéo, lôi ra hai con kiến, vẽ một cái vòng tròn nhốt chúng, bẻ bánh bích quy cho chúng ăn, lấy namecard chặn chúng...
Rồi như sực nhớ, ông hốt hoảng cởi bỏ áo quần, leo lên bàn, mắt nhìn về phía xa, tay giơ cao kiêu hãnh, trong tư thế của Nữ thần Tự do.
Cái vòng tròn nhỏ xíu ấy không giữ nổi hai con kiến nhưng chính là cái vòng kim cô nhốt trọn thân phận của một con người!
Bùi Ngọc Tấn không bao giờ ra khỏi câu chuyện đó, vòng tròn đó, vì nó là thân phận của chính ông. Cả những con chữ của ông cũng thế, như những con cá mới đánh lên từ biển, chúng căng mọng tình yêu và ròng ròng máu đỏ, dù vừa phải đi một chặng xa, từ thập kỷ 60 thế kỷ trước đến trước thềm năm 2000.
Cuộc trao đổi này diễn ra từ năm 2001, khi cuốn "Truyện kể năm 2000" của ông vừa in xong chưa lâu đã buộc phải đi vào "lưu hành bí mật", và được tiếp tục bổ sung năm 2002. Toàn văn bài viết cũng chưa từng công bố.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (NV BNT): Cảm ơn chị đã nhớ tới truyện ngắn đó. Tôi viết để dự thi cuộc thi truyện cực ngắn của Tạp chí Thế Giới Mới. Viết chỉ trong một ngày xong. Đinh ninh nó sẽ đựơc giải. Thế nhưng ngay cả in trên tạp chí cũng không. Sau vụ đó, tôi càng hiểu giải thưởng có ý nghĩa gì.
Phạm Tường Vân (PTV):Nghĩa là từ chỗ tin tưởng vào giải thưởng, ông trở nên hoài nghi và mất hết hy vọng. Thật ra, giải thưởng có đáng cho chúng ta kỳ vọng hay thất vọng tuyệt đối vào nó hay không?
NV BNT: Giải thưởng của các báo, các nhà xuất bản, của Hội Nhà văn đều nhằm định hướng cho sáng tác. Các định hướng mà chúng ta đều thấy cần phải thay đổi. Thế nhưng giải thưởng nói rằng: Hãy cứ viết như vậy. Và từ đó tôi không quan tâm đến giải thưởng cũng như các sáng tác được giải.
PTV: Nhưng giải thưởng Hội Nhà văn cũng đã vài lần trao đúng địa chỉ, chẳng lẽ đó là ngoại lệ?
NV BNT: Những ngoại lệ hiếm hoi, đó là những năm trao giải cho các tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng, mà xuất sắc nhất là Nỗi buồn chiến tranh.
Đó là cuốn tiểu thuyết làm vẻ vang cho nền tiểu chuyết Việt Nam. Nhưng thật đáng buồn, sau đó đã có cuộc vận động những người bỏ phiếu cho nó đựơc giải thưởng viết bài phản tỉnh, nghĩa là đã có định hướng lại công cuộc sáng tác. Đáng buồn hơn, đã có nhiều nhà văn trong hội đồng xét thưởng viết bài tự phê phán.
Nhưng một tác phẩm văn chương đích thực không bao giờ vì thế mà chết hay mất đi vài nấc thang giá trị.
Văn chương là thế. Dìm không xuống, kéo không lên.
Đó cũng là một trong nhiều lý do tôi thích công việc này. Nó tồn tại bằng giá trị tự thân. Sống bằng cái gì mình có.

Tiểu thuyết Việt Nam

PTV: Một nhà phê bình văn học nhận xét: “Tiểu thuyết Việt Nam, nỗi buồn triền miên, có thể kéo dài từ năm nay sang năm khác, hết hội thảo này đến hội thảo khác”. Là tác giả của một cuốn tiểu thuyết gây chấn động năm 2000, ông nhìn nhận thế nào về thực trạng và tương lai của tiểu thuyết Việt Nam?
NV BNT: Tiểu thuyết nước ta quá ít thành tựu. Đã có quyển được tung hô, đựơc phát động đọc, được giảng dạy, đựơc bao cấp để rồi in đi in lại, nghĩa là quyết tâm hà hơi tiếp sức nhưng nó cứ chết thôi. Như tôi vừa nói, năm nào cũng có giải thưởng văn chương, giải thưởng tiểu thuyết nhưng chẳng lưu lại điều gì trong lòng bạn đọc.
Thời chiến tranh, làm văn học minh họa, văn học “phải đạo”, điều đó hiểu được. Bây giờ không thể thế. Bạn đọc đã bội thực, chúng ta đã chán chúng ta.
Cuối năm tổng kết thành tựu này thành tựu khác. Rồi ít lâu sau lại nói chúng ta còn hời hợt, chưa phản ánh được cuộc sống, thời đại này là thời đại của tiểu thuyết mà không có tiểu thuyết, kêu gọi hãy viết các tác phẩm lớn ngang tầm thời đại.
Và năm sau tổng kết lại có nhiều thành tựu. Để sau đó lại nói là không đọc tiểu thuyết mười năm sau cũng chẳng có vấn đề gì. Rồi khẳng định tiểu huyết là xương sống của một nền văn học. Và kêu gọi...
Cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy tiếp diễn, không biết bao giờ mới thoát được ra.
PTV: Và các hội thảo vẫn cứ tiếp tục diễn ra như thể người ta thực lòng mong có một nền tiểu thuyết tầm cỡ. Nhưng thật ra...
NV BNT: Vâng, hội thảo, chi tiền, mời nhà văn, nhà lý luận. Học thuật. Kinh nghiệm. Trong và ngoài nước. Tổng kết và rút ra rất nhiều điều. Cứ như là thực lòng mong có tiểu thuyết hay!
Cuối năm 2002, Hội Nhà văn tổ chức hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết có mời tôi. Nhưng tôi không đi. Tôi cảm thấy hết tính chất hình thức của những cuộc hội thảo kiểu này. Tôi sợ mình vốn trung thực, lên đấy muốn đóng góp cho thành công của hội thảo cứ nói toạc ra ra những điều mình nghĩ thì lại thành scandal, bất tiện.
Ví dụ tôi sẽ hỏi: Có thật chúng ta muốn có tiểu thuyết hay, tiểu thuyết lớn hay không? Hay chỉ nói để mà nói? “Nói dzậy mà không phải dzậy”?
Những đề dẫn, những tham luận trong các buổi hội thảo đều rất hay, rất công phu nhưng có một điều ngày thường khi trao đổi cùng nhau ai cũng coi như điều kiện tối thiểu bắt buộc để có tiểu thuyết hay lại không hề được nhắc đến hay phân tích. Đó là Tự Do!
Không có tự do làm sao có tiểu thuyết hay được. Làm sao hội thảo về tiểu thuyết lại có A.25? Có sự giám sát của công an? Mới chỉ bàn về tiểu thuyết thôi đã không có tự do rồi.
Tôi không trách hay ghét gì các anh công an văn hóa. Hãy nhìn các anh công an văn hóa đến dự những buổi hội họp văn chương nghệ thuật, họ mới ngượng nghịu làm sao!
Tôi nói đây là nói về cơ chế. Một cơ thế tồn tại quá lâu, quá phi lý nhưng đã trở thành tự nhiên như cuộc sống. Không ai dám đúng ra tháo gỡ. Cần lưu ý rằng nhà văn là những người yêu nước, rất yêu nước. Hãy tin ở họ. Họ yêu nước không kém bất kỳ một người Việt Nam nào.
PTV: Chừng nào xã hội còn được sắp xếp theo kiểu đó, nền văn học của một quốc gia còn được Hội Nhà văn “điều hành” theo kiểu đó thì sẽ không có tiểu thuyết?
NV BNT: Có thể nói thế này: Tôi hoài nghi về tương lai của tiểu thuyết Việt Nam.
PTV: Quan hệ giữa nhà văn và nhà cầm quyền thường ít khi suôn sẻ, ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng xin nói thật, có thể tin rằng có một cái gọi là lòng yêu nước của các nhà văn, nhưng ít ai trông cậy vào bản lĩnh và ý chí của họ, bởi anh ta quá yếu ớt và yếm thế. Và như vậy, việc các nhà chức trách để mắt đến nhà văn và các hội thảo vô thưởng vô phạt của họ là một việc làm vô ích và lãng phí.
NV BNT: Những nhà văn đúng nghĩa thường lặng lẽ ngồi bên bàn viết, cặm cụi tháng năm hao tâm tổn trí trên từng dòng chữ kể lại những gì đã làm họ xúc động và mong đựơc chia sẻ. Họ chẳng thể áp đặt đựơc gì đối với ai. Làm sao một người viết tiểu thuyết chân chính dù tài năng như L. Tolstoi, G. Marquez hay E. Hemingway bằng những trang viết của mình lại có thể lật đổ được chế độ?
Tôi muốn dẫn ra đây ý kiến của M. Kundera, nhà tiểu thuyết người Pháp gốc Tiệp: “Tôi đã nhìn thấy và sống qua cái chết của tiểu thuyết, cái chết bất đắc kỳ tử của nó (bằng những cấm đoán, kiểm duyệt, bằng áp lực của ý thức hệ), trong cái thế giới mà tôi đã trải qua phần lớn cuộc đời tôi và và ngày nay người ta gọi là thế giới toàn trị (...)
Tiểu thuyết không thể tương hợp được với thế giới toàn trị. Sự xung khắc này còn sâu sắc hơn cả xung khắc giữa một người ly khai và một kẻ thuộc bộ máy cầm quyền, giữa một con người đấu tranh cho nhân quyền và một kẻ chuyên tra tấn người, bởi vì nó không chỉ có tính cách chính trị hay đạo đức, mà có tính cách bản thể. Điều đó có nghĩa là cái thế giới cơ sở trên chân lý duy nhất và thế giới nứơc đôi và tương đối của tiểu thuyết đựơc nhào nặn theo những cách thức hoàn toàn khác nhau...”
PTV: Điều gì đáng báo động nhất trong tiểu thuyết hiện nay?
NV BNT: Thiếu vắng tính chân thực. Chị đã bao giờ đóng cửa một mình trong buồng, đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó mà vẫn cứ xấu hổ đỏ rừ mặt chưa?
PTV: Chưa. Vì tôi sẽ sớm bỏ sách xuống. Có lẽ bởi tôi không có cái mặc cảm của người trong cuộc chăng?
NV BNT: Tôi đã bị như vậy. Xấu hổ về sự bịa đặt khiên cưỡng, uốn éo né tránh mà làm ra vẻ ta đây rất dũng cảm, rất chân thực. Hàng giả trăm phần trăm mà dám tự tin nói là hàng thật, hàng xịn. Làm sao lừa đựơc độc giả. Xấu hổ về cái ông tác giả vẫn cứ tưởng mình lừa được thiên hạ. Nhưng có lẽ không phải lỗi ở họ, hoặc lỗi ở họ rất ít.
Cũng cần nói thêm là chân thực không phải là chụp ảnh cuộc sống. Mà là tìm tới cội nguồn, cái gốc gác, cái động mạnh chủ của cuộc sống.
PTV: Cuốn sách của ông được đánh giá cao vì tính chân thực. Tại sao ông lại chọn lối viết này trong khi nó vừa nguy hiểm vừa kém mô-đéc?
NV BNT: Tôi cố gắng giảm bớt tí ti sự thiếu hụt đó. Ngay từ những năm 60, tôi và bạn bè đã nói với nhau những khao khát được viết thật. Một mơ ước chính đáng và nhỏ nhoi, nhưng rất hão huyền. Càng vô vọng khi tôi ở tù ra. Thế nhưng chị thấy đấy. Cuộc sống dù sao vẫn cứ đi lên, dù rất chậm. Dù thế nào trái đất vẫn cứ quay. Tôi không ngơi tin ở cuộc sống.
PTV: Tại sao “Thân phận tình yêu” lại nhìn chiến tranh khác với tất cả các tiểu thuyết Việt Nam trước đó về chiến tranh? Bậc thầy của nghệ thuật “tô hồng”, Roman Carmen, tác giả của những thước phim tài liệu hùng tráng nhất trong lịch sử cách mạng Xô Viết, cũng có một câu nói lúc cuối đời: “Không có sự thật, chỉ có sự thật mà nhà quay phim muốn thấy”. Văn học cũng không nằm ngoài “định luật” này?
NV BNT: Đúng vậy. Khủng khiếp nhất là suốt bao nhiêu năm tất cả “các nhà quay phim” đều chỉ được phép có một kiểu thấy duy nhất thay vì để nhiều cách nhìn cùng tồn tại. Nhà văn Nguyên Ngọc có kể cho tôi nghe câu chuyện sau: Một vị chỉ huy mặt trận có anh lính Bảo Ninh tham gia chiến đấu sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, hỏi nhà văn Bảo Ninh: “Dạo ấy mình cũng ở đấy, tình hình có như cậu viết đâu? ”.
Và nhà văn Bảo Ninh trả lời: “Đấy là cuộc chiến tranh của anh. Còn tôi viết về cuộc chiến tranh của tôi”. Bảo Ninh đã nhìn chiến tranh bằng cặp mắt của anh. Bảo Ninh đã dám là mình, điều kiện trước tiên để có sáng tác hay.
PTV: Ông có lần nhắc đến cụm từ “chất độc màu da cam” hay là từ “quán tính”? Nó chỉ trạng thái này chăng? Ông đã trở lại với sáng tác như thế nào?
NV BNT: Bây giờ tôi còn một chồng sổ tay ghi chép trong thời gian đi làm đánh cá, toàn bộ tư liệu đó phải vứt đi hết. Ngồi tù rồi mà vẫn “bắt” những chi tiết đó, vẫn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nó ngấm vào máu mình rồi, thế mới lạ.
Những con người thời tôi sống thật sự đáng yêu nhưng không đáng yêu theo kiểu tôi nghĩ, họ đáng yêu theo kiểu khác. Tôi đã bỏ qua hết những mảng khác, những mảng tối của con người.
Khi sực nhận ra điều ấy, tôi đau lắm. Quả thật tôi không ngờ mình sẽ viết trở lại.
Viết với tư cách công dân, tư cách nhà văn hẳn hoi chứ không phải viết lăng nhăng hoặc viết chui. Năm 1986, đọc được những sáng tác như mình muốn viết, tôi hiểu: thời thế văn chương đã khác. Đầu 1990, khi làn gió dân chủ, đổi mới thổi suốt từ bức tường Berlin sụp đổ đến nước chúng ta, tôi đã viết lại. Đầu tiên là Nguyên Hồng- Thời đã mất. Sau đó là Người ở cực bên kia, Cún. Sau Cún là Mộng du (tên đầu tiên của tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000).
Tại sao tôi chọn cách viết này ư? Tôi nghĩ mình thuộc thế hệ già rồi. Đổi mới tư duy tiểu thuyết đối với tôi hơi vất vả. Tôi cũng nghĩ rằng điều cần thiết nhất đối với mình lúc này là cuốn sách phải đầy sức thuyết phục, không ai nói được là nó bịa đặt. Và một nhu cầu nhỏ bé nhưng chính đáng: viết thế nào để tự bảo vệ mình, tránh những đòn hội chợ vẫn hay xảy ra với những sáng tác có vấn đề, không loại trừ cả vòng lao lý...
PTV: Ông có nghĩ là ở vào thời điểm này, chúng ta mới đặt ra một khái niệm vỡ lòng là viết thực, không dối trá, là hơi tụt hậu không?
NV BNT: Thế hệ chúng tôi đã sống qua những năm tháng thật sung sướng và cũng thật đau khổ, thật hạnh phúc nhưng cũng thật bất hạnh như tôi đã tổng kết trong Một thời để mất, tập sách đầu tiên của tôi in sau 27 năm im lặng. Không thể để những năm tháng ấy rơi vào quên lãng.
Thế hệ chúng tôi sắp đi qua trái đất này, tôi muốn những thế hệ sau biết đã có một lớp người sống như thế đấy. Tôi muốn nhà văn là thư ký, là người chép sử của thời đại.
Phẩm chất đầu tiên của những người này phải có là sự trung thực. Cho dù có bị chê là cổ.
PTV: Chương, đoạn nào trong cuốn tiểu thuyết làm ông ưng ý nhất?
NV BNT: Thật khó cho tôi. Có lẽ đó là chương viết về Già Đô, chương ở sân kho hợp tác. Và nhất là chương tiếng chim “còn khổ”. Những tiếng chim ấy đã đóng dấu tuyệt vọng nung đỏ vào não tôi. Mảnh sân kho hợp tác là tuổi trẻ của tôi. Và chương viết về Già Đô là kết quả sức tưởng tượng của tôi.
PTV: Nghĩa là Già Đô là nhân vật duy nhất được hư cấu?
NV BNT: Già là kết quả tổng hợp của nhiều già khác kể cả tình yêu của tôi đối với một nhà thơ làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam đã chết: Tuân Nguyễn.
PTV: Có ai chê cuốn sách hơi dài?
NV BNT: Có thể. Nhưng Lâu đài của Kafka, Những kẻ tủi nhục của Dostoievski, Con đường xứ Flandes của Claude Simon triền miên hồi tưởng hẳn cũng dài. Tôi tìm sự hấp dẫn ở chi tiết chứ không phải ở cốt truyện ly kì.
Đó là một điều khó. Viết gần một nghìn trang không có cốt truyện, không kể lại được là điều không đơn giản. Chị đã đọc Henri Charriere hẳn thấy Papillon có cốt truyện cực kỳ hấp dẫn vì bản thân đời tù của Charrier là như vậy. Còn chuyện tù Việt Nam rất đơn điệu. Anh tù 100 ngày cũng như anh tù 1.000 ngày, 10.000 ngày.
Và điều kinh khủng nhất là không ai thổ lộ tâm sự cùng nhau. Không ai tin ai, mỗi người là một vòng tròn khép kín. Khó viết lắm.
PTV: Mạch truyện hiện lên qua hồi ức, có khi chồng lên, khi hoán đổi thứ tự. Phương pháp đồng hiện từ thời tiểu thuyết mới có phải là chủ ý của ông?
NV BNT: Tôi không tin một nhà văn nào lại có thể thành công nếu ngay trong khi viết anh ta tâm niệm định sẵn cho tác phẩm của mình khuôn theo một trường phái nhất định nào. Khi viết, tôi chỉ nghĩ viết sao cho hay, cho chân thực và viết bằng trái tim mình.
Với tôi văn chương có hai loại: hay và không hay. Thế thôi, tôi không chạy theo các mốt.
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng cách đây nửa thế kỷ rồi. Có còn gì mới nữa đâu. Tôi đồ rằng khi viết Ông già và biển cả, Hemingway không cũng không nghĩ mình mình sẽ viết theo dòng hậu hiện đại hay hiện đại, hiện sinh hay phản cấu trúc.
Ông viết vì ông quá hiểu, quá yêu biển Cuba cùng những người đánh cá Cuba và thấy klhông thể không vợi bớt lòng mình, không thể không viết về họ. Tôi đoán vậy bằng kinh nghiệm của tôi và các bạn của tôi.
Khi tôi viết tôi chỉ nghĩ phải viết đúng như mình thấy, đúng như mình nghĩ. Giản dị, chân thực như cuộc sống. Ai đọc cũng hiểu.
Quyển sách của tôi không phải của riêng một tầng lớp nào. Nó là của mọi người. Tôi không làm khó hiểu những điều dễ hiểu. Tôi không làm rắc rồi những điều đơn giản.
Phương pháp đồng hiện chỉ nhằm chuyển tải được một trong những nội dung và thông điệp của tôi: Ai đã bước vào nhà tù, vĩnh viễn không thoát khỏi nó. Hãy thận trọng, những ai được quyền xử lý con người!
PTV: Tôi nhớ truyện ngắn “Người chăn kiến” của ông. Ở đó, sự bám đuổi này đựơc chuyển tải một cách đặc sắc và súc tích hơn nhiều.
NV BNT: Nói thêm với chị rằng trước khi in Chuyện kể năm 2000 (CKN 2000), tôi tung ra một số truyện ngắn về đề tài này để người ta làm quen dần với món ăn mới của tôi.
Như các truyện Người ở cực bên kia, Khói, Người chăn kiến, Một tối vui, Một ngày dài đằng đẵng. Người chăn kiến là một truỵên ngắn thành công nhưng không thể so sánh, Người chăn kiến gần một nghìn từ với CKN 2000 gần 1.000 trang.
Người chăn kiến là một đường cày, còn CKN 2000 là cả một cánh đồng.
Người chăn kiến là một hiện tượng, một lát cắt trong khi CKN 2000 là một lịch sử, một quá trình.
Tôi bằng lòng với CKN 2000. Tôi đã chạm tới cái trần của mình. Tôi đã làm tròn bổn phận.
PTV: Bổn phận với bạn tù, với gia đình, bè bạn, hay trách nhiệm công dân của người cầm bút?
NV BNT: Tất cả. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm công dân.
PTV: Nếu làm một cuộc thăm dò trong các phạm nhân về độ chân thực của cuốn sách, tỉ lệ sẽ là bao nhiêu?
NV BNT: 99%. Tôi tin là như vậy. Có thể còn cao hơn nữa.

Tác phẩm nơi tù đày

PTV: Khi vào tù và khi cầm bút nghiền ngẫm về nó, ông có nhớ tới những tác phẩm nhà tù kinh điển của văn học cách mạng Việt Nam, mà mỗi chúng tôi đều thuộc lòng từ khi ngồi trên ghế nhà trường?
NV BNT: Trong CKN 2000, tôi đã để Tuấn nói với người bạn tù: Phương ơi, từ nay, không ai trong số các nhà văn cách mạng có thể độc quyền đề tài này. Chúng ta bình đẳng với tất cả. Từ nay, không ai có thể loè chúng ta được nữa. Nhà tù là một vật trang sức mà không phải nhà chính trị nào cũng muốn mang.
PTV: Nhiều người ưa so sánh “Chuyện kể năm 2000” với cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên. Và thiện cảm dành cho ông nhiều hơn vì cuốn sách của ông có vẻ “hiền” và có cái “tôi” nhỏ bé hơn?
NV BNT: Ngoài sự khác biệt đặc thù của thể loại, mỗi người có một nhiệm vụ.
Nhiêm vụ của anh Vũ Thư Hiên là vạch rõ, chỉ ra những hạng người nào đã đẩy cha con anh ấy vào một việc như thế. Còn nhiệm vụ của tôi là chỉ ra toàn bộ cơ chế, trật tự nào đã đẻ ra việc này. Một cuộc đời bình thường, khởi đầu đầy lý tưởng, rồi bị làm cho biến dạng đi.
PTV: Trong cái trật tự đáng sợ ấy, ông và các bạn ông đứng ở đâu?
NV BNT: Vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Chính tôi, gia đình và bè bạn đã hăng say góp phần xây dựng và tô điểm thêm cho cái trật tự ấy.
PTV: Tôi đọc trong những gì ông viết có một thông điệp khác: lời thanh minh cho một thế hệ. Những bào chữa muộn màng và đòi hỏi cảm thông cho sự đóng góp ít ỏi của các ông, lớp nhà văn lứa đầu của chủ nghĩa xã hội với những sản phẩm có “họ hàng” với nhau, từ tư tưởng đến hình thức?
NV BNT: Đúng vậy. Đáng buồn là các sản phẩm của chúng tôi làm ra ngày ấy đều hao hao giống nhau như chị nói. Chúng tôi còn trẻ nhưng đã là những Con ngựa già của chúa Trịnh.
PTV: Thành quả có thể tổng kết được của các ông đối với nền văn học nước nhà?
NV BNT: Ít lắm. Không đáng kể.
PTV: Mẫu số chung nào cho thế hệ của ông? Những Mạc Lân, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường...?
NV BNT: Thế hệ có một tuổi trẻ tuyệt vời, giàu có và cuối đời tay trắng! Thế hệ lớn lên gặp cách mạng, theo cách mạng, có kiến thức, có khát vọng, đam mê. Một thế hệ có thể làm mọi việc nhưng bị làm hỏng, và cũng góp phần làm hỏng thêm một thế hệ khác.
PTV: 5 năm đi tù- 5 năm đi thâm nhập thực tế, đã biến ông, từ một nhà văn loại hai của những công dân hạng nhất (những điển hình tiên tiến XHCN), sang nhà văn loại một của những công dân hạng ba (tù tội, đĩ điếm, ăn mày). Ông thấy cái giá đó đắt hay rẻ?
NV BNT: Không có gì đáng buồn hơn là làm một nhà văn hạng hai. Tôi tiêu phí đời mình chỉ mong đổi lấy một trang sách chống chọi với thời gian. Nhưng chị thấy đấy, mong manh lắm.
Nhiều nhà văn bảo tôi “lãi quá”. Tôi hiểu đấy là những lời động viên khen ngợi tôi đã không gục ngã. Chứ muốn “lãi” như tôi có khó gì đâu. Đó là một chuyến “đi thực tế” bất đắc dĩ. Tất cả đều nằm ngoài ý muốn của tôi. Đó là số phận.
Cuối đời mới ngộ ra được một điều: Hãy chấp nhận tất cả những gì đến với mình. Và hãy làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào để không mất hết.
PTV: Khi viết, ông chú tâm đến điều gì?
NV BNT: Lúc ngồi vào bàn viết là lúc tôi dọn mình đối thoại với vô cùng, không nhằm trả lời cụ thể đối với một cá nhân, một tập thể nào, không giải quyết một nỗi bực dọc riêng tư nào. Điều tôi sợ nhất là viết ra thứ văn chương vớ vẩn làm mất thời gian của bạn đọc. Một điều tôi sợ nhất là viết nhạt.
Ông Nguyên Hồng nói một câu chí lý: “Cái tội lớn nhất của các nhà văn Việt Nam là viết nhạt”. Tôi cố gắng để không mắc tội ấy.
PTV: Trong cuộc sống, ở tuổi bảy mươi, ông sợ nhất điều gì?
NV BNT: Sợ nhiều thứ lắm. Nhưng sợ nhất là những người gặp may mắn, được số phận nuông chiều, chưa một lần nếm mùi thất bại. Họ đầy mình chân lý và sẵn sàng ban phát chân lý đó cho bất kỳ ai.
PTV: Các cấp chính quyền đối với ông thế nào?
NV BNT: Sau khi in CKN 2000, tôi được công an mời lên nhiều lần. Nhà tôi, điện thoại của tôi bị giám sát chặt chẽ. Nhiều cuộc họp đảng cơ sở , người ta phổ biến rằng tôi là một không kẻ phản động đi tù về viết một tập sách chửi Đảng, chửi lãnh tụ.
Ngay Tết Quý Mùi gần đây thôi, ông bí thư phường tôi họp cán bộ các ngành trong phường tổng kết về Tết an toàn, nói trong phường có một điểm nóng là tôi nên phải phân công trực ca ba, 24 trên 24. Qua Tết không xảy ra chuyện gì mới thở phào.
Cũng phải nói thêm: tất cả những vị đứng ra truyền đạt những nhận xét về tôi đều chưa đọc tập tiểu thuyết của tôi. Một người bạn có chân trong Đảng dự họp nói ông ta có bản photo CKN 2000, ai muốn đọc, ông ta cho mượn, nhưng chờ mãi mà không ai mượn, nghe cấp trên truyền đạt lại là dủ, làm gì phải đọc, phải suy nghĩ, phải động não cho mệt người. Rất may là tôi và vợ tôi đầu đã quen với những cung cách đối xử như vậy.
PTV: Đọc những trang ông viết về Ngọc, vợ Tuấn, người ta muốn khóc. Hình như những tình yêu đẹp như thế trong cuộc sống đã hoàn toàn biến mất. Ông là nhà văn hiếm hoi (may mắn?) có một tình yêu đẹp với… vợ mình, yêu vợ được rất lâu và chưa hề ngoại tình?
NV BNT: Có hiếm hoi thật không? Cứ hình dung thế này, một cô gái Hà Nội bé như cái kẹo, xinh xắn, hiền dịu, mộng mơ, có cả một tương lai phơi phới và nhiều người ngấp nghé nữa chứ, chọn tôi, gắn bó chung thủy với tôi rồi mất cả đời.
Ngoài tình yêu, tôi còn rất biết ơn vợ. Nhiều người đi tù, vợ lăng nhăng hay lấy chồng khác, thế là tan cửa nát nhà. Thế là con cái thành trẻ bụi đời, lại theo chân bố vào tù.
Tất cả những gì tôi và các con tôi có được hôm nay đều gắn liền với sự đóng góp của vợ tôi, một người sinh ra để sống cho người khác, vì người khác. Giờ đây mỗi sáng quét nhà, nhặt những sợi tóc bạc của bà ấy, thấy đau.
Sắp hết đời rồi, sắp đến cõi rồi. Có lẽ lại phải viết thôi. Viết về tuổi trẻ bị đánh mất. Viết về tuổi già xót xa tuổi trẻ. Về nỗi xót thương nhau trong những trái tim mệt mỏi, những mái đầu tóc bạc đang tính đếm những ngày còn lại...


Bùi Ngọc Tấn
Cái tay B trưởng* ấy hoặc đã chán mọi chuyện đánh đấm, hoặc có máu hài hước. Ông M vừa bị vài cú khai vị tưởng rụng quai hàm thì hắn hét bọn đàn em vây quanh ông đang nổi cơn say đấm đá:
- Thôi.
Hắn bước tới gần ông. Nhìn. Ngắm:
- Trắng.
- …
- Làm nghề gì?
Ông nuốt một bụm máu, nửa cái răng gẫy vào bụng và biết nên nói thật:
- Giám đốc.
B trưởng reo lên:
- Thảo nào. Trắng như con gái.
Rồi thật bất ngờ:
- Cho làm nữ thần Tự Do.
- …
- Tượng nữ thần Tự Do ở bờ biển Nữu Ước. Làm giám đốc mà không biết à?
Ông thoát khỏi trận đòn nhập B mà chưa ai lường hết được sự ghê gớm và hậu quả của nó. Thay vào đó ông phải khoả thân leo lên bậc thang cao nhất, giáp cửa song sắt ngăn với sân xê rom **, cái sân thượng chỉ về đêm mới có lính gác. Tay ông giơ lên cao khi gói kẹo, khi quả dưa chuột ố những đồ tiếp tế của anh em tù — để làm nữ thần Tự Do. Trần truồng trước hàng trăm con mắt, thật nhục nhã, quá sức chịu đựng đối với một người từng làm giám đốc lại đã đứng tuổi như ông. ở trên ấy ông thèm được như ông già chủ nhiệm hợp tác xã dưới kia, chỉ phải bế bọc nội vụ đi quanh, hát ru em bài Bé bé bằng bông.
Ðúng là tay B trưởng này có máu đại hài hước. Trời nóng, hắn ngồi phè phẹt giữa sàn, hét:
- Hitachi!
Gần hai chục người lập tức vây quanh hắn.
- Quạt.
Tất cả quạt. Bằng tay. Nhưng mát, bay cả tóc. Hắn lại hét:
- Panasonic.
Những người trong đội Panasonic sẵn sàng.
- Quạt.
Lại còn thêm:
- Tuốc năng.
Cái vòng người Panasonic vừa quạt vừa chạy quanh hắn giống đèn kéo quân bỗng đồng loạt đổi chiều như cùng một bánh xe truyền lực.
Cô đơn khoả thân trên cao, cái nóng từ máy chàm vào người như nướng, ông M ao ước được ở trong đội quạt, nhưng ông không dám nói với ai. Ngoài những lúc đi cung hoặc học tập chính sách cải tạo, giờ chính quyền còn lại ông ngoan ngoãn đứng làm nữ thần Tự Do. Cho đến một ngày… Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra 4 con kiến đỏ bé xíu đựng trong cái vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh 4 vòng tròn xuống nền xi măng. 12 anh tù được hắn chỉ định chia thành 3 ca chăn 4 con kiến nhỏ. Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến như thế. Công việc kì dị ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích qui, có đường, có thịt, kiến ăn nhưng không chịu ngủ, kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy khiến ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại. Hơn nữa ông quá chán trò cởi truồng đứng trước mặt mọi người.
Thế là một hôm ông gặp B trưởng, chìa ra một con kiến ông vừa bắt được trong khi đi làm vệ sinh và rụt rè, ấp úng xin được chăn… B trưởng cố kìm cơn giận. Hắn miết chết con kiến và quắc mắt, hất hàm về phía sân xê rom.
Ông hiểu. Ông lại khoả thân bước lên. Nhưng ông không được làm thần Tự Do nữa. Ông biến thành con chim. Con chim nhỏ trên cành cây cao. B trưởng đứng dưới, giả cầm súng lom khom, chui lủi, rình ngắm:
- Ðoàng.
Ông phải rơi từ sát mái nhà xuống. B trưởng không bằng lòng với cách rơi giả vờ, rơi có chuẩn bị, rơi chân xuống trước ấy. Phải rơi như thật. Như bị bắn rụng thật. Hiểu chửa. Làm lại.
“Thật quá rùng rợn. Cầu mong đừng gẫy cổ, vỡ mặt, mù mắt, gẫy tay là được. Cố vượt qua. Ðể còn ra”.
Ông M đã được ra. Ông được ra sau bốn tháng giam cứu. Ông được ra bởi ông không có tội. Những người gây ra vụ án oan ức của ông đã bị kỉ luật.
Người ta đã khôi phục lại cho ông tất cả. Ông lại làm giám đốc nhưng ở một xí nghiệp tận trong Nam, để ông có thể quên được những gì vừa trải qua. Ông cám ơn cấp trên về điều tế nhị ấy.
Cũng như mọi xí nghiệp, giờ nghỉ trưa ở đây nhiều vẻ… Uống bia. Ðánh cờ tướng. Tiến lên. Làm vài séc bóng bàn. Chuyện gẫu…
Giám đốc mới không tham dự. Ăn trưa xong ông về phòng. Các vị chức sắc cũng muốn kéo ông vào cuộc vui nhưng trả lời tiếng gõ cửa là sự im lặng.
Họ bảo nhau:
- Thôi. Ðể sếp ngủ.
Chẳng một ai biết sau khi gài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến. Ông thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các-vi-dít (Có rất nhiều trong ngăn kéo ố của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Ðứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như kiểu thần Tự Do.
23.6.1993
Bùi Ngọc Tấn
—————————
* B: buồng xà lim. B trưởng: trưởng buồng, do ban giám đốc nhà tù chỉ định trong số tù nhân, thường là một tay anh chị.


- Đọc Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn Tạp chí Da Màu - 
CK2K-01
 Chuyện Kể Năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn ra mắt độc giả đã lâu, ấn hành lần thứ nhất tại California (không ghi năm), gồm hai quyển: Quyển I dày 290 trang, quyển II dày 428 trang.
Gần đây tôi được tặng bản dịch của quyển này qua tiếng Anh, A Tale For 2000, dịch giả là Đào Phụ Hồ, ấn hành tại Little Saigon vào mùa Thu năm 2010. Sách dày 704 trang.
Bản dịch dễ hiểu, giọng văn lưu loát, uyển chuyển làm tôi có cảm tưởng tôi đang đọc một quyển truyện tiếng Anh chứ không phải bản dịch. Đây là một quyển sách rất khó dịch, dịch giả phải đương đầu với tiếng lóng của người ở tù, tiếng lóng trên hè phố, giọng địa phương, cách xưng hô giữa người kể chuyện (hắn) và các nhân vật khác (ông, anh,) và tên của những cây cỏ hoang dại trong rừng núi.
Ông Tấn là người thích đọc truyện ngoại quốc nên ông hay nhắc đến tên các tác giả và tác phẩm ngoại đã được phiên âm ra tiếng Việt. Dịch giả nếu rời VN đã lâu không quen với cách phiên âm ra tiếng Việt sau năm 75 sẽ phải vật lộn để tìm hiểu ông Tấn nói về tác giả nào, vấn đề gì, ẩn dụ gì để dịch cho đúng. Công việc dịch quyển sách này tôi cho là rất gian nan. Bản dịch cung cấp rất nhiều chú thích để giải thích điển tích, địa danh, tên tác phẩm và tác giả đã được viện dẫn. Vặt đi một vài lỗi nhỏ nhặt rải rác trong truyện thì đây là một bản dịch rất công phu. Sau khi tôi đọc bản tiếng Anh, dù rất hài lòng với bản tiếng Anh vì dịch giả đã làm việc rất cẩn trọng đầy tâm huyết, tôi đọc lại bản tiếng Việt, để chiêm nghiệm phản ứng của chính tôi đối với bản chính và bản dịch.
ATaleFor2000
Bùi Ngọc Tấn sinh ngày 3 tháng 7 năm 1934 ở Hải Phòng. Tiểu sử của ông đã được đăng trên blog của ông, như sau:  bố ông làm chủ tịch xã và chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Thủy Nguyên khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1947 Thủy Nguyên bị quân Pháp chiếm đóng ông theo bố mẹ tôi tản cư lên Bắc Giang, Thái Nguyên và tiếp tục học văn hóa. Thi tiểu học, ông đỗ đầu liên khu Việt Bắc. Suốt thời gian học trung học, ông được học bổng toàn phần. Năm 1954, ông vào đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô. Cuối năm 1954, ông từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài, về báo Tiền Phong (Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam) làm phóng viên. Cuối năm 1959, ông chuyển về báo Hải Phòng. Tháng 11 năm 1968 ông bị cáo buộc tội “Tuyên truyền phản cách mạng” và bị đưa đi tập trung cải tạo cho đến tháng 4 năm 1973. Thất nghiệp 2 năm, đến tháng 5-1975, nhờ sự giúp đỡ của ông Hoàng Hữu Nhân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, nguyên bí thư thành Uỷ Đảng Cộng Sản VN thành phố Hải Phòng, ông Tấn được đi làm nhân viên văn phòng Quốc Doanh đánh cá Hạ Long và nghỉ hưu từ tháng 5 -1995 cho tới hôm nay. Trong thời gian thất nghiệp ông đã làm rất nhiều nghề: Bốc vác, thợ sắt, đi buôn, kéo xe bò và cả… viết chui để kiếm sống.
BuiNgocTan-giadinh
Nhà Văn Bùi Ngọc Tấn lúc trẻ, với vợ và hai con
A Tale For 2000 dày 704 trang, một quyển và chia làm hai phần. Phần I nói về thời gian ở trong trại tập trung cải tạo từ năm 1968 cho đến 1973 của Nguyễn văn Tuấn, người kể chuyện có dáng dấp của tác giả. Phần II nói về đời sống của Tuấn sau khi thoát tù. Nhân vật đã vất vả kiếm sống, tìm cách minh oan, cố gắng khôi phục danh dự, và xin phép được làm việc theo đúng khả năng nghề nghiệp của mình, viết văn. Thời gian này kéo dài từ năm 1973 cho đến năm 1975, cuối cùng Tuấn được cấp giấy phép lao động, không được hành nghề viết văn, mà đi làm cho một công ty hải sản.
Năm 1968 là một thời điểm đặc biệt. Miền Nam bị tấn công vào Tết Mậu Thân. Ở Hoa Kỳ, giới thanh niên biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam và phụ nữ cởi áo nịt ngực ném vào lửa đốt đòi quyền bình đẳng. Ở Trung quốc, Mao Trạch Đông phát động phong trào thanh lọc tư tưởng bài trừ văn hóa phản động. Nhà văn Yu Hua, cách đây vài năm, trong quyển Brothers (Anh Em) đã phản ảnh hoàn cảnh biến động lúc bấy giờ bằng cách cấu tạo nhân vật Song Gang, đã từng là anh hùng lao động Chủ Nghĩa Xã Hội Trung Quốc, bị người ta vu oan là phản cách mạng nên bị bỏ tù, và vợ ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Hứa sẽ đón vợ lúc xuất viện ở bến xe buýt nên Song Gang  trốn tù và bị Hồng Vệ Quân giết chết trước khi đến bến xe. Việt Nam, lúc bấy giờ, còn nằm trong quỹ đạo của Trung quốc nên cũng áp dụng chính sách thanh lọc nói trên. Trong Chuyện Kể Năm 2000, Nguyễn văn Tuấn, tương tự nhà văn Bùi Ngọc Tấn, con của một gia đình cách mạng có uy tín, từ chối đi học ở nước ngoài, ở lại để viết văn phục vụ quốc gia và xã hội. Giống như trường hợp Song Gang của Yu Hua, Tuấn bị vu oan tội tuyên truyền phản cách mạng, tuy không có bằng chứng cụ thể cũng không bị tuyên án, anh bị đưa đi tù, lao động khổ sai. Những người bạn thân của Tuấn trong giới viết văn cũng bị điêu đứng với giới cầm quyền. Nguyễn Vũ Phương, chuyên viết kịch bản điện ảnh bị bắt không lâu trước khi Tuấn ra khỏi tù. Nguyễn văn Bình, nhà văn, đã bị theo dõi liên tục. Người ta đặt máy thâu âm thanh để theo dõi cuộc trò chuyện của anh.
Quyển Chuyện Kể Năm 2000 là một bộ tranh chân dung, tổng hợp nhiều khuôn mặt của nhiều thành phần và giai cấp trong xã hội miền Bắc Việt Nam trước năm 1975. Tác giả Bùi Ngọc Tấn cho độc giả hàng chục bức họa truyền thần của những nhân vật cùng chịu đựng sự khắc nghiệt của tù đày với Tuấn, bạn bè và gia đình chia sẻ và giúp đỡ ông, và những bộ mặt giảo quyệt, tham lam, độc ác hay ngu ngốc của giới cầm quyền, từ anh hạ sĩ cai quản tù nhân cho đến cấp lãnh đạo thành phố. Trong khi miêu tả hoàn cảnh xã hội, kinh tế, và chính trị thời bấy giờ, tác giả đưa ra những quan điểm như sau:  Ăn cắp không nhất thiết luôn luôn là một hành động vi phạm đạo đức. Để phán đoán hành động ăn cắp người ta cần xét lại động cơ. Tuấn là nhà văn có phẩm cách, rất ngay thẳng trong sạch, tuy thế ông vào tù rồi trở thành tên ăn cắp. Ông khoe học được hai tài mọn, nói dối và ăn cắp. Ông tâm sự: không ăn cắp, có thể ông không chết nhưng sẽ rất khổ sở và buồn bã. Cuộc sống trong tù rất thiếu thốn. Tù nhân làm việc khổ sai nhưng không được cho ăn đầy đủ. Bất cứ hành động nào không vừa lòng ban quản trị tù là họ bị cắt phần ăn, cùm chân và biệt giam. Thỉnh thoảng ở trong rừng họ gặp lá sắn hay khoai môn dại họ hái lá bới củ mang về trại giam để ăn thêm. Hành động này vi phạm nội qui và bị xem là ăn cắp cho dù những thứ tù nhân tìm được là những thứ mọc hoang. Với Tuấn, cũng như các tù nhân khác, ăn cắp ở trong trường hợp này là một cách chống đối và qua mặt những người có uy quyền đã đàn áp họ. Điều đáng chú ý ở đây là Tuấn, cũng như Andrew Dupresne một nhân vật trong tiểu thuyết của Stephen King, là một người ngay thẳng đầy tự trọng, vì bị tù oan mới trở nên người ăn cắp.
Những người ở tù, cả hình sự lẫn chính trị, không nhất thiết tất cả đều là người xấu. Phần lớn họ vào tù vì hoàn cảnh đưa đẩy. Rất nhiều tù nhân biết giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ thức ăn với những không được thăm nuôi tiếp tế vì không có thân nhân hay bị bỏ rơi. Nhiều tù nhân trở nên trộm cắp hay móc túi sau khi ra khỏi tù chỉ vì đời sống quá khốn khổ và không có chỗ cho họ nương tựa để vươn lên.  Nguyễn văn Dự bị tù vì tội dấu tài liệu tôn giáo về sau đi làm nghề móc túi; Giang, con của liệt sĩ, bị tù vì tội ăn cắp xe đạp về sau trở lại nghề ăn cắp xe đạp sau khi cũng làm đủ thứ nghề như Tuấn; Vòng Kỷ Mình, người dân tộc bị tù vì tội chống tham ô; Lê Bá Di là người thẳng tính và tự trọng. Ông không chịu được sự sĩ nhục của một tên tù nịnh bợ cán bộ đã đập guốc vào mặt tên nịnh bợ này. Sau đó ông bị trả thù trước sự chứng kiến của người quản trị. A Thềnh bị lính gác ngục bắn chết vì tội đi hái ớt rừng; Lý Xìn Cắm, lưng cánh phản, có nét mặt của Hemingway, là thợ lò gốm người Hoa, giản dị và tốt bụng. Họ là những người biết yêu thương và giúp đỡ các tù nhân khác.
Những người ở cương vị lãnh đạo, có quyền bắt giam tù và hạ nhục người khác là những người ăn cắp có tổ chức qui mô và được che chở. Họ có thể là những người thiếu học thức và thiếu lương tâm, nhưng thừa quyền hành. Cai trị và hành hạ những tù nhân có học thức như Tuấn là ông Thanh Vân, hạ sĩ quản lý nhà tù học lớp 10 nhưng thích làm ra vẻ triết gia; Lan mặt ngựa, công an hỏi cung Ngọc, vợ Tuấn, suốt ngày khi chị chỉ còn ba ngày nữa là sinh con; ông Trần, Giám đốc sở Công an, đã dùng mưu mô xảo quyệt cho Tuấn, một người vô tội, vào tù và không cho có điều kiện làm việc, và các ông Quảng, Khuổng là Ngưu Đầu Mã Diện của ông Trần. Đây là những người dùng quyền thế nhận chìm người khác. Cuối cùng,Thưởng, người dám liều chịu khiển trách của cấp trên, đã cấp giấy cho phép lao động cho Tuấn, không hẳn là người tốt bởi vì ông ta cũng móc ngoặc tham nhũng, tuy nhiên có ít nhiều lòng nhân đạo và không hoàn toàn giả dối như ông Trần.
Tranh-CK2K
Chuyện Kể năm 2000, bút tích Bùi Ngọc Tấn, Tranh Nguyễn thị Hiền (Nguồn: blog Nguyễn Trọng Tạo)
Trong những bức họa chân dung của Chuyện Kể Năm 2000 có hai khuôn mặt bị tù lâu năm nhất đó là Già Đô và Ngụy Như Cần. Đây là hai nhân vật mà tác giả Bùi Ngọc Tuấn đã xây dựng rất công phu. Trong khi tác giả cấu tạo Già Đô bằng phương pháp hiện thưc, thì với Ngụy Như Cần tác giả đã chấm phá bởi đường nét phi hiện thực.
Già Đô là lính thợ của Pháp. Ông có vợ đầm, có con lai, nhưng ông bỏ tất cả để về Việt Nam phục vụ quốc gia. Ông yêu mến ông Hồ chí Minh nên dù vợ ông khóc lóc van xin ông ở lại, ông vẫn ra đi để con lại cho người vợ nuôi. Ông chống tham ô, biểu tình nên bị đuổi ra khỏi xưởng. Người ta nghi kỵ ông vì cái lý lịch làm cho Tây, nên ông bị đi tù lao động khổ sai. Không người thân, không nhà cửa, cuộc sống ở tù hai mươi mốt năm đã tước đọat hết tất cả những tài năng, hy vọng. Khi được thả ra khỏi tù không hộ khẩu, không tiền, không nghề nghiệp ông sống lang thang trở nên mất trí và chết ở góc đường, xác vô thừa nhận.
Ngụy Như Cần là người miền Nam bị tù vì người ta bảo là ông phản cách mạng. Người ta đồn ông là trùm gián điệp của Mỹ hay của Pháp, và bị tù hai mươi ba năm. Ở trong tù ông bẫy lợn rừng, ông chăm lo bảy ao cá sắp theo hình bậc thang, cá được dùng để thêm vào món ăn cho cuộc sống thiếu thốn đói khổ của người tù, ông bắt hằng trăm con rít bằng chiếc đũa để cán bộ ngâm rượu. Ngụy Như Cần có tài thu phục thú vật. Ông nuôi một con khỉ, dạy nó biết nấu cơm hái rau, làm bạn với ông. Con khỉ bị cán bộ bắt đem về để cho con cháu chơi. Ông nuôi một con trăn dạy cho nó nghe hiểu ông và hễ thấy loài người thì trốn vào rừng. Ông nuôi hai con tắc kè dạy chúng diễn trò. Và đặc biệt ông nuôi một con cá chép rất to bề dài hơn một mét, biết trồi lên để ông vuốt ve. Sau hai mươi ba năm ở tù, khi được thả ra ông vào rừng treo cổ tự tử chết, có lẽ để tự mình tránh số phận của Già Đô. Sau khi Ngụy Như Cần mất rồi con cá chép bị một cán bộ bắn chết để ăn thịt.
Già Đô là khuôn mặt điển hình của những người hết lòng tin tưởng vào chế độ rồi bị chính chế độ mà họ tin tưởng chà đạp. Qua Già Đô tác giả cho thấy một người yêu nước, có thể đóng góp bằng tài năng kỹ thuật đã bị bạc đãi và bỏ rơi. Ông luôn luôn lo sợ sẽ bị chết trong tù mà không hề dự đoán được cuộc sống sau khi ra khỏi tù lại càng đáng sợ hơn.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi cấu tạo nhân vật Ngụy Như Cần đã làm một công việc đáng quí. Ông xây dựng một mẫu người miền Nam, có nhân dạng và nhân tính, thông minh và tự trọng, chứ không phải là ác quỷ hay dã thú ác độc ăn gan uống huyết người khác như một số tác giả trước đây. Có thể nói những nhân vật xấu trong Chuyện Kể Năm 2000 như Lan Mặt Ngựa, Thanh Vân, hay ông Trần đều là những người ở vị trí lãnh đạo, và nhất là giới Công an. Những nhân vật này lạm dụng quyền hành và của công. Họ bỏ tù những người ăn cắp trong khi chính họ là những người ăn cướp có giấy phép. Độc giả có thể bảo rằng Tuấn thiếu thiện cảm với những nhà lãnh đạo này là lẽ tất nhiên bởi vì họ đã trực tiếp hỏi cung, thi hành sự trừng phạt, bắt Tuấn phải chịu khuất phục trước quyền uy của họ. Nhưng ở phần truyện viết về Ngụy Như Cần, hai vị cán bộ đã bắt con khỉ khôn ngoan và bắn con cá khổng lồ hiểu tiếng người, là những người lãnh đạo tàn nhẫn. Hai người này không có liên can trong việc tù tội của Tuấn, lúc ấy ông đã được thả tự do. Bắt con khỉ là tước đoạt tài sản của người tù, trong trường hợp này con khỉ không chỉ là tài sản mà còn là người thân. Bắn chết một con cá, lạ hiếm vì to lớn dị thường, chỉ để ăn thịt khi không đói kém, là một hành động dã man. Tác giả để Ngụy Như Cần tự chọn cho mình cái chết khi được trả tự do để tự bảo vệ phẩm cách không bị nhận chìm xuống tận cùng đáy của xã hội như nhân vật Già Đô. Cả hai nhân vật Già Đô và Ngụy Như Cần đều biểu lộ lòng can đảm trong sự chọn lựa giữa sự sống và cái chết.
Nếu đừng bị tù và trù dập, ông Bùi Ngọc Tấn rất có thể là nhà văn lớn của trường phái lãng mạn. Những đoạn văn hay và cảm động nhất là những đoạn tác giả cho nhân vật Tuấn nói về tình yêu với Ngọc, vợ ông, đặc biệt là cảnh hai vợ chồng tắm dưới ánh trăng ở một nhà kho trong rừng. Nếu ngại chiều dài hơn 700 trang của quyển sách xin độc giả nên đọc ít nhất là chương 26 và hai chương cuối là những chương rất tuyệt vời.
Dù chất chứa rất nhiều chi tiết tương tự như cuộc đời của tác giả,A đây không phải là hồi ký mà là tiểu thuyết. Với dạng tiểu thuyết tác giả có thể sáng tạo linh động hơn, không cần phải chính xác với từng chi tiết nhỏ, ông có thể thêm vào một nhân vật là hiện thân của hai hay nhiều nhân vật khác có thật trong đời sống. Cái ưu điểm lại trở thành nhược điểm vì nó làm giảm đi cái sức mạnh của sự thật khi độc giả tự hỏi đâu là sự thật chỗ nào là hư cấu. Để được xuất bản quyển sách, vẽ lại bộ mặt của xã hội, kinh tế và chính trị của miền Bắc ở cuối thập niên sáu mươi, về cái khổ của tù nhân, còn những điều gì ông đã không thể viết? Tuy những điều Bùi Ngọc Tấn viết về ngục tù của chế độ độc tài không phải là điều mới lạ, không bạo động bằng cuộc thanh lọc ở Trung quốc qua ngòi bút Yu Hua, không ác độc bằng chế độ Trujillo như Junot Diaz đã diễn tả, không được nhiều người biết đến như Quần đảo Gulag của Solzenetsyn, Chuyện Kể Năm 2000 vẫn có sức thuyết phục rất mạnh bởi vì tác giả không những là người đã sống suốt đời với chế độ mà còn đã từng tin tưởng, yêu thương, và phục vụ chế độ này với một lý tưởng cao đẹp. Dù sao đi nữa, Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn can đảm đã dám nói những điều không đẹp về một chế độ tù lao động khổ sai. Cũng cái chế độ này đã giam cầm muôn vàn người lính của miền Nam Việt Nam sau năm 1975.
 - xem tại: www.shcd.de/van%20hoc/buingoctan/CK%202000.pdf
http://www.scribd.com/doc/21122295/Chuy%E1%BB%87n-k%E1%BB%83-n%C4%83m-2000-Bui-Ng%E1%BB%8Dc-T%E1%BA%A5n-LONGMETAL2000

Tổng số lượt xem trang