Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

'Đổi đường lối quan trọng hơn nhân sự'

'Đổi đường lối quan trọng hơn nhân sự' (BBC)
TS Tréglodé nói thay đổi nhân sự không quan trọng bằng chuyển đổi đường lối tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI
Một chuyên gia từ Pháp bình luận về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam và cho rằng còn phải mất nhiều thời gian, tiến trình dân chủ hóa mới đến.
Phân tích vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trước kỳ đại hội của Đảng vào đầu năm 2011, Tiến sĩ Benoit de Tréglodé, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương Đại của Pháp (IRASEC, Bangkok), đã đưa ra dự đoán của mình về xu thế thay đổi dân chủ trong và ngoài đảng cầm quyền.

Ông cũng bình luận về vai trò của Trung Quốc và Phương Tây, hai xu hướng bên ngoài đang tác động tới đường hướng của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam từ Đổi mới tới nay.
Thế nhưng trước hết Tiến sỹ Tréglodé bình luận về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam khi nhìn vào đường lối và diễn từ chính trị của họ:
Tiến sỹ Tréglodé: Điểm quan trọng đầu tiên để hiểu vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam từ một nửa thế kỷ qua là khả năng thích nghi đáng kinh ngạc của nó. Có nghĩa là đảng luôn luôn thích ứng với nhiều biến cố trong từng giai đoạn. Về mặt sử học, một điều rất quan trọng là phải hiểu được vị trí của đảng này trong xã hội Việt Nam. Người ta nghiên cứu tư duy, diễn từ và chủ đề mà nó lựa chọn. Chẳng hạn trong một giai đoạn trước đây, Đảng có tên gọi là Đảng Lao động hồi những năm 1950-1960. Sau thống nhất đất nước và đổi mới, mỗi một giai đoạn, đảng đều biến đổi để thích ứng với tình hình cụ thể trong từng thời điểm.
Mục tiêu cuối cùng và tối thượng của ĐCSVN có thể nói là duy trì quyền lực mà đảng này và các thành viên chóp bu của nó đã nắm được từ hơn nửa thế kỷ qua
Chẳng hạn, phương châm của Đảng không giống với luận điệu mà họ đưa ra cách đây hai chục năm. Từ thời điểm sụp đổ của Bức tường Berlin và khối Đông Âu, Đảng này đã không quyết định giống như các đảng cộng sản khác ở Đông Âu để thay đổi tên gọi của mình, hay thay đổi một cách đáng kể hệ tư tưởng của đảng. Nó chỉ quyết định đơn giản là sửa đổi lập trường để đồng thời tôn trọng quan hệ 'đồng minh' với Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng thời tính toán trải qua từng giai đoạn khác nhau làm sao duy trì được quyền lực nói chung và quyền lực mà tầng lớp cao nhất của đảng lâu nay vẫn nắm giữ.
Mục tiêu cuối cùng và tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể nói là duy trì quyền lực mà đảng này và các thành viên chóp bu của nó đã nắm được từ hơn nửa thế kỷ qua. Vì vậy có thể nói, trong vòng 20 năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy có một thay đổi trong phương trâm tỏ ra thiên hơn về quốc gia dân tộc của đảng. Tức là từ một đảng rất quốc tế chủ nghĩa, chuyển sang một đảng tỏ ra rất ‘quốc gia dân tộc’, ‘rất yêu nước’. Có một quá trình chuyển đổi từ một đảng với tư tưởng Hồ Chí Minh, vốn trộn lẫn trong đó nhiều yếu tố như tinh thần, đạo đức, văn hóa Khổng Nho, chuyển sang tinh thần phòng thủ, tự bảo vệ chủ thuyết như hiện nay. Dường như đây là một trong những yếu tố giải thích vì sao họ đứng vững tới nay.
Đồn đoán nhân sự
Ông Nông Đức Mạnh
Hiện chưa rõ ai sẽ lên thay ông Nông Đức Mạnh, người dự kiến sẽ thôi chức Tổng bí thư vì tuổi tác.
BBC: Có thể dự đoán được gì về thay đổi lãnh đạo của đảng ở Đại hội XI tới đây, nhất là với một số nhân vật cao cấp như các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng hay Phùng Quang Thanh…?
Tiến sỹ Tréglodé: Thông thường trước ngưỡng những sự kiện quan trọng của như đại hội đảng CSVN, vẫn diễn ra các đồn đoán, dự đoán khác nhau, mà các chi tiết thay đổi từng tháng một. Vai trò phân tích sử học về đảng phái chính trị của chúng tôi không nhất thiết phải tập trung vào việc bàn xem ai sẽ chiếm giữ ba vị trí tạm gọi là tam đầu chế trong đảng cộng sản ở Việt Nam. Hiện có những đồn đoán khá rõ ràng rằng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cũng như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là những người sắp rời khỏi các vị trí của mình hiện nay, vì lý do giới hạn tuổi tác.
Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là sẽ tiếp tục cương vị Thủ tướng Chính phủ hiện nay của ông. Sau đó, người ta cũng bàn về việc ai sẽ kế vị các chức vụ mà các ông Triết và Mạnh để lại. Người ta cũng nói tới khả năng ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Chủ tịch Quốc Hội, sẽ trở thành Tổng Bí thư, kế vị ông Mạnh, mặc dù ông Trọng về mặt tuổi tác cũng đã 66 tuổi. Tuy nhiên như đã nói, những đồn đoán hay giả thuyết này không ở trọng tâm, hay không thực quan trọng đối với cách đặt vấn đề và nghiên cứu của chúng tôi. Điều quan trọng hơn là đại hội đảng lần thứ XI tới đây có thực sự đem lại đổi mới nào thực sự về mặt tư duy cũng như cải tổ thực sự từ bên trong đảng hay là không.
BBC: Có thể dự đoán ra sao về tương lai của đảng cộng sản trong trung hạn cũng như dài hạn. Liệu sẽ diễn ra một ngày mà ĐCS cùng tồn tại với nhiều đảng phái khác ở Việt Nam, trong một nền chính trị đảng phái đa nguyên và dân chủ?
Điều quan trọng hơn là đại hội đảng lần thứ XI tới đây có thực sự đem lại đổi mới nào thực sự về mặt tư duy cũng như cải tổ thực sự từ bên trong đảng hay là không
Tiến sỹ Tréglodé: Trong 20 năm qua đã có nhiều quan sát và phân tích nước ngoài luận bàn về mở cửa chính trị của Việt Nam. Theo đó nhiều người khi đó cho rằng chính sách mở cửa kinh tế sẽ dần tác động tới mở cửa về chính trị. Tuy vậy, qua năm tháng, người ta thấy có sự trái ngược với dự đoán này. Cuộc đổi mới từ những năm 1980 của Việt Nam đã đem lại một số cởi mở về mặt xã hội, nhưng đã không đem lại một sự cải tổ căn bản, gốc rễ về hệ thống chính trị, nhất là so với hiện tượng và xu hướng khá phổ biến có sự điều chỉnh, hiện đại hóa về chính trị của nhiều nhà nước ở khu vực Đông Nam Á.
Người ta không thấy nhất thiết có sự liên hệ trong trường hợp của Việt Nam, ma theo đó, quá trinh biến đổi nội bộ thể chế phải trải qua một cơn khủng hoảng về mở cửa. Thể chế chính trị của VN không còn hoàn toàn giống với chính nó hồi những năm 1990, thế nhưng đồng thời, chắc chắn rằng có một sự tái sản xuất, sự tái tục về thế hệ quyền lực cũng như về tầng lớp cao cấp nắm quyền của đảng.
Gần đây người ta nhắc nhiều tới các vụ bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, các blogger, các nhà hoạt động về nhân quyền vốn xảy ra thường xuyên hơn ở Việt Nam. Thời gian một năm trở lại trước Đại hội đảng, hiện tượng xảy ra nhiều hơn thường lệ các vụ bắt giữ thể hiện một nền chính trị nội bộ với những khẳng định về quyền lực, ảnh hưởng, quyền lực độc tôn, kể cả về tinh thần, giữa một đối thủ cạnh tranh này so với đối thủ khác trong nội bộ, cũng như trong xã hội.
Hiện tượng bắt bớ cũng như thể hiện quyền lực này không chỉ xảy ra trước thềm Đại hội đảng lần thứ XI mà có thể nói là sự lặp lại một kịch bản đã xảy ra trước thềm các đại hội một vài năm trước đây như Đại hội đảng lần thứ IX hay thứ X. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu những sự kiện và cách thức này ở thời điểm năm 2010 có thể tạo ra những ảnh hưởng và tác động ra sao tới toàn thể xã hội.
Dù có thay đổi nhưng xã hội Việt Nam còn cần thời gian để tiến tới dân chủ
Và tôi thấy rằng mặc dù đã xuất hiện một số yếu tố mới trong hai chục năm từ Đổi mới, với sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu mới ở đô thị có giáo dục và học vấn tốt hơn, mặc dù có sự bàn luận tự do hơn ở Việt Nam ở trên đường phố, các quán café, nhà hàng với việc người dân Việt Nam hiện nay tỏ ra phê phán nhiều hơn đối với các tầng lớp lãnh đạo (họ phát biểu nhiều hơn về các chủ đề chính trị, họ ít tỏ ra sợ hơn so với trước đây), nhưng tầng lớp lãnh đạo vẫn luôn luôn tỏ ra xa cách, vẫn có một khoảng cách và khác biệt rộng lớn như người ta vẫn nói giữa, tầng lớp lãnh đạo đảng và nhân dân.
Theo quan điểm riêng của tôi, dân chủ và quá trình dân chủ hóa từ bên trong ở Việt Nam vẫn còn cần lâu dài về mặt thời gian để có thể đạt được. Về tâm thế, quá trình này vẫn đang có những diễn tiến, nhưng tôi thấy về mặt nguyên tắc và căn bản, biến đổi thể chế ở Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng xảy ra, để dẫn dắt nhân dân với những yêu cầu cao vốn đòi hỏi thay đổi và cải tổ từ bên trong một cách lâu dài.
Phần thứ nhì cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Benoit de Tréglodé sẽ được đăng trong những ngày tới.BBC cũng đang giới thiệu các bài liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến vào tháng 1/2011.

Tổng số lượt xem trang