Diễn biến tuần qua khá bình lặng, êm ả nhưng vẫn phải vắt óc suy ngẫm về cuộc đua nghèo giữa một thành phố lớn nhất nước với Thủ đô của cả nước; chuyện con cá tra Việt Nam bị ấn vào rồi lại được rút ra khỏi danh sách đỏ khuyến cáo người tiêu dùng trên thế giới không nên sử dụng là chuyện rủi mà hóa hay, nhưng chuyện Bộ Giáo dục nhiệt tình sung mãn với việc dạy học bằng ngoại ngữ ở cấp trung học lại khiến dự luận đâm ra rụt rè e ngại quá...
TPHCM "nghèo" hơn Hà Nội, Thu nhập đầu người TP.HCM cao hơn Hà Nội là hai cách giật tít tưởng chừng trái ngược hoàn toàn của cùng một "thông tin": kết quả khảo sát nghèo đô thị ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM (được công bố vào chiều 15/12). Ấy vậy mà đọc rõ ra thì thấy cả hai tít giật đều chính xác như nhau, bởi TPHCM chỉ giàu hơn Hà Nội ở thu nhập bình quân (2.445 triệu đồng so với 2.321 triệu đồng), hay tỷ lệ người nghèo tính theo chuẩn quốc gia (theo chuẩn nghèo quốc gia năm 2006 thì 0.31% dân số TPHCM nghèo, còn ở Hà Nội là 1.27%). Còn với các tiêu chí đánh giá liên quan đến các khía cạnh xã hội của đời sống dân cư với những thiếu hụt mà người dân có thể phải gánh chịu như giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, an ninh... thì TPHCM có tỷ lệ nghèo cao hơn khá nhiều.
Suy luận đầu tiên có thể tạm rút ra, cái tít Thu nhập đầu người TP.HCM cao hơn Hà Nội là để "an ủi" thành phố lớn nhất nước, còn TPHCM "nghèo" hơn Hà Nội thì để "an ủi" Hà Nội, rằng dù thu nhập bình quân của Hà Nội có thấp hơn, thì người nghèo ở Hà Nội vẫn... đỡ khổ hơn.
Đỡ khổ hơn thôi, chứ vẫn thấy xót xa quá khi đọc kỹ các số liệu, mà choáng nhất là tỷ lệ người không có bảo hiểm y tế: Hà Nội đã có 28.15%, nhưng chưa thấm vào đâu so với TPHCM khi tới 42.85% dân cư không có bảo hiểm y tế. Có còn nhiều ý nghĩa không khi TPHCM đang hướng tới hình ảnh một trung tâm kinh tế năng động, hào nhoáng với vun vút những cao ốc và trung tâm thương mại sang trọng, khi gần nửa cư dân của thành phố không thể có nổi tấm thẻ bảo hiểm y tế? Người giàu thì có thẻ cũng chẳng cần sử dụng, vì họ sẽ chọn nơi có chất lượng dịch vụ tốt nhất để đến khám chữa bệnh, kể cả là sang nước ngoài, còn với người nghèo, tấm thẻ nhỏ bé ấy thật sự là cứu cánh để họ dám bước chân vào bệnh viện.
Chọn phân tích thêm một số liệu nữa, diện tích nhà ở bình quân, theo đó Hà Nội là 15,7m2, TP HCM 17,7m2, nhưng số người phải sống trong diện tích dưới 7m2 ở TP HCM lại cao hơn ở Hà Nội. Có chút băn khoăn khi đọc hai con số diện tích nhà ở bình quân, tới 15.7 m2 và 17.7 m2/người, sao... rộng thế nhỉ? Trong khi ở cả hai thành phố lớn, nhìn đâu cũng thấy những người sống chen chúc, cả gia đình trong căn phòng chưa đến 20m2 đang phải trả tiền thuê hàng tháng, thì con số mỗi người tới trên 15m2 kia có lạc quan quá không?
Thôi thì tạm mừng rằng, kiểu này những người nhà cao cửa rộng phải cao rộng ghê gớm lắm, thì số liệu bình quân mới ra hoành tráng thế. Cái kiểu, tôi có 100.000, nhưng bạn tôi có 10 triệu, suy ra trung bình mỗi đứa có hơn 5 triệu đây mà, chỉ để tự "lừa dối" bản thân mà thôi. Chỉ sợ trong số liệu kia lại tính cả những BĐS chỉ để mua đi bán lại mà chẳng ai ở, thì... buồn.
Chợ Bến Thành, TP Hồ Chí Minh, Ảnh vivatravel |
Dịch vụ công nói không với người nghèo?
Trở lại với chuyện TPHCM hay Hà Nội nghèo hơn. Xin những người yêu Hà Nội đừng vội mừng vui, bởi có một thông tin không được "tô đậm", nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quyết định. "Cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 10-11/2009 tại TP.HCM và Hà Nội trong phạm vi theo ranh giới trước khi mở rộng". Trước khi mở rộng, nghĩa là chỉ khảo sát ở Hà Nội cũ nhỏ "xíu xíu" chưa đến 1000 km2 ngày xửa ngày xưa thôi.
Đáng tiếc vì đến thời điểm khảo sát, Hà Nội đã mở rộng hơn cả năm rồi, nhưng vì một lý do nào đó (chưa đủ thông tin chăng?) mà phần Hà Nội mới hơn 1 tuổi kia chưa được tính đến. Thôi thì an ủi, có khi thế lại hay, chứ tính hết cả Hà Nội bây giờ, lại chẳng còn mấy thứ "hơn" TPHCM thì tủi thân lắm.
Điều tiếc nhất là cuộc khảo sát đã không đưa ra một thành phố thứ ba để so sánh, xem 2 thành phố lớn nhất nước sẽ hơn thua thế nào với một người anh em bé nhỏ hơn. Nhưng chỉ xem kết quả bước đầu như công bố, đã ngậm ngùi khi không thể né tránh những sự thật đau lòng: Ở cả hai thành phố, ba lĩnh vực thiếu hụt nhiều nhất là tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ nhà ở phù hợp (bao gồm dịch vụ điện, nước, nước và rác thải), hay người dân nông thôn và dân di cư chịu nhiều thiếu hụt ở tất cả các chiều nhiều hơn người dân thành thị và dân có hộ khẩu, và một yếu tố rất quan trọng khác nữa: thu nhập không phải là yếu tố quan trọng phản ánh tình trạng nghèo đa chiều ở cả hai thành phố, Thậm chí, thu nhập cũng không có tương quan mấy với các chiều nghèo khác.
Vậy thì, xin những nhà hoạch định chính sách của hai thành phố lớn nói riêng, và cả nước nói chung, đừng chỉ đặt những chỉ tiêu hoành tráng về GDP hay thu nhập đầu người mà quên một nhiệm vụ khó khăn hơn, nhưng cũng "cao cả" hơn rất nhiều là phát triển hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, y tế. Có chút an ủi vì cuộc khảo sát do chính UBND hai thành phố chủ trì, hay mới đây nhất, HĐND TPHCM đã chọn năm chủ đề "Năm 2011 - năm vì trẻ em", cũng như thành phố lớn nhất nước đã cam kết sẽ thực hiện tốt an sinh xã hội.
Xin cam kết kia sớm biến thành hành động có kết quả, chứ đừng chỉ cam kết để an lòng nhau.
Trẻ em phải là đối tượng ưu tiên trong các chương trình an sinh xã hội, Ảnh anninhthudo |
Con cá tra bị ấn vào rồi lại được rút ra...
Ngày 15/12, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010 - 2011, là một cái kết có hậu chính đáng, chấm dứt những ngày "oan ức". Lại càng vui hơn, khi cá tra Việt Nam không bị trở lại "danh sách da cam" (sản phẩm có thể cân nhắc sử dụng) trước kia, mà chuyển sang một nơi chốn mới lạc quan hơn: danh mục "Hướng tới đạt chứng chỉ". Vậy là, sau cái rủi, lại có cái may.
Nhìn lại diễn biến câu chuyện bắt đầu từ ngày 19/11, khi sáu thành viên của WWF ở châu Âu ((Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) đưa cá tra vào danh mục đỏ (khuyến cáo không nên dùng), nhưng chỉ thật sự "sôi động" khi liên tiếp trong hai ngày 7/12 và 8/12, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) rồi Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) họp báo, chính thức yêu cầu WWF đưa cá tra ra khỏi danh sách đỏ, đồng thời yêu cầu WWF cung cấp bộ tiêu chí và bản đánh giá đã sử dụng. Đến ngày 9/12 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cũng lên tiếng.
Ngay lập tức, 9/12, Tổng cục thủy sản nhận được bộ tiêu chí 19 câu hỏi và bản đánh giá của WWF, để từ đó chúng ta có thể thẳng thắn lên tiếng về việc bộ tiêu chí đó căn cứ vào hai tài liệu đã cũ, lạc hậu: bài báo đăng trên tạp chí Aquaculture (xuất bản sáu số/năm) số 296 năm 2009 của hội Nuôi trồng thuỷ sản thế giới, và bản đánh giá tác động môi trường của hệ thống nuôi được công bố năm 2009 của trường đại học Wagenningen (Hà Lan).
Và mới nhất, ngày 15/12 là cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng cục thủy sản và WWF, để ngay sau đó ông Mark Power, điều phối viên về thủy sản toàn cầu cầu của WWF khẳng định "sẽ khuyến cáo người tiêu dùng tiếp tục sử dụng cá tra của Việt Nam".
Có thể thấy rõ thái độ thiện chí, sửa sai của người đại diện WWF ngay trong diễn biến của buổi đối thoại. Nhưng điều quan trọng hơn là cách ứng xử rất quyết liệt nhưng cũng rất cởi mở của phía Việt Nam, khi không chỉ yêu cầu WWF phải lập tức đưa cá tra khỏi danh sách đỏ, mà còn thể hiện thái độ sẵn sàng đối thoại, "sẵn sàng đón tiếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia của WWF đến thăm và tìm hiểu thực tế, qua đó có đánh giá đúng đắn về ngành sản xuất thuỷ sản của Việt Nam", như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã tuyên bố.
Cánh cửa hợp tác mới với WWF đã mở ra, quan trọng là Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng sự giúp đỡ của WWF như thế nào, để cá tra Việt Nam sớm nằm trong danh mục phát triển bền vững, không phải "nhấp nhổm" như vừa qua.
Cá tra là một trong những mặt hàng thủy hải sản quan trọng của Việt Nam, Ảnh doanhnhanvietnamtoancau |
Bộ sung mãn quá khiến giáo viên...rụt rè ?
Bộ GD - ĐT tuần qua lại khiến dư luận chú ý khi công bố kế hoạch triển khai đề án dạy ngoại ngữ ở bậc trung học, trong đó có một nội dung đáng bàn là ngay từ năm học tới, một số trường chuyên sẽ dạy Toán, tin học bằng tiếng Anh. Dù danh sách các trường "được" triển khai thí điểm vẫn chưa quyết định, bởi sang đầu năm 2011 Bộ GD-ĐT mới khảo sát năng lực giảng dạy của giáo viên tiếng Anh và trình độ tiếng Anh của học sinh, khảo sát điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường, nhưng ngay khi có đề án được công bố, nhiều trường chuyên đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại, từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ trên báo Tuổi trẻ.
Ông Lê Văn Lũy, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Long A, |
Các trường rụt rè, lo ngại cả về người dạy lẫn người học là thế, nhưng Bộ GD - ĐT lại đưa ra những kế hoạch rất hoành tráng: từ năm học 2011 - 2012 sẽ triển khai dạy học bằng tiếng Anh với môn toán, tin học, sau năm 2015 sẽ triển khai tiếp ở các môn lý, hóa, sinh ở khoảng 30% số trường. Sau đó mỗi năm tăng thêm 15-20% số trường và hoàn thành việc tổ chức dạy học bằng tiếng Anh với 100% trường vào năm 2020.
Thậm chí, bộ đã đang biên soạn tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh, hè năm 2011 sẽ triển khai tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên dạy môn chuyên, với mục tiêu để những giáo viên này có thể dạy môn học của mình bằng tiếng Anh (với kinh phí 638.400 USD), đồng thời Bộ cũng sẽ chủ trì việc đưa giáo viên trường chuyên đi đào tạo và tập huấn trong và ngoài nước để đảm bảo việc dạy học bằng tiếng Anh. Hóa ra, đề án đã khá cụ thể rồi đấy chứ? Con số 456 giáo viên dạy môn chuyên rất đẹp kia, có lẽ chỉ là giáo viên dạy toán, tin học, không biết sẽ thuộc những trường chuyên nào? Những ai trong số họ sẽ được đi tập huấn ở nước ngoài là những băn khoăn "nho nhỏ".
Đọc đến đây, bất chợt có cảm giác gờn gợn về lý do khiến Bộ GD - ĐT quá nhiệt thành, liệu có phải bởi tư duy dự án nên phải vẽ cho thật đẹp, để có kinh phí thật nhiều không? Nghĩ xấu thế này, có oan cho Bộ GD - ĐT không? Cũng bởi bộ trong những năm vừa qua đã đưa ra khá nhiều đề án không khả thi, vấp phải phản kháng mạnh mẽ của xã hội, nên mới khiến dư luận dễ "hướng" theo suy nghĩ ấy.
Nhất là khi đọc lời giải thích về mục tiêu của đề án từ Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, rằng "Với khả năng tiếng Anh còn yếu, nhiều học sinh dự thi Olympic quốc tế đã gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và khó khăn hơn trong việc tiếp cận nội dung đề thi, cách ra đề bằng tiếng Anh. Vì vậy việc triển khai dạy một số môn chuyên bằng tiếng Anh vừa nhằm nâng cao vốn hiểu biết ngoại ngữ của học sinh vừa tạo điều kiện tốt cho học sinh khi tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực".
Không lẽ mục tiêu của cả đề án vừa lớn vừa quy mô, vừa sát sạt thời gian thế kia, lại chỉ để phục vụ một số nhỏ học sinh tham dự các kỳ thi quốc tế? Giáo dục Việt Nam vẫn bị lên án là quá chú trọng đào tạo "gà nòi" phục vụ cho những kỳ thi quốc tế, giờ phải phát triển cả đề án học tiếng Anh cũng chỉ để tạo điều kiện tốt cho những bạn ấy sao? Cả nước có hàng nghìn học sinh trường chuyên, mỗi năm chỉ vài chục bạn đi thi, sao phải "làm khổ" nhau đến vậy. Chỉ riêng cách giải thích của Thứ trưởng Hiển đã khiến đề án kém thuyết phục đi khá nhiều rồi.
Ai chẳng mong học sinh Việt Nam, chẳng phải chỉ trường chuyên mà cả trường không chuyên, chẳng chỉ thành phố mà cả miền núi hải đảo, đều có thể học không chỉ những môn khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội, bằng tiếng Anh, thậm chí nói tiếng Anh như gió, để "con hơn cha là nhà có phúc", nhưng mơ ước là một chuyện, còn thực tế nhiều khi lại... "chua xót" hơn nhiều.