Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Tổng tuyển cử đầu tiên và sự hoàn thiện, phát triển các chế định bầu cử ở nước ta

-Tổng tuyển cử đầu tiên và sự hoàn thiện, phát triển các chế định bầu cử ở nước ta
Trần Văn TámVụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, VPQH
Đại Biểu Nhân Dân
Hơn 65 năm đã trôi qua, nhưng niềm vinh dự, tự hào ấy vẫn còn mãi trong tâm trí triệu triệu người dân nước Việt. Bởi đó là lá phiếu của tự do, của độc lập dân tộc, lá phiếu giành được từ biết bao xương máu của đồng bào, đồng chí. Lá phiếu khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc - nền móng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác Hồ đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội). Bác đã ký sắc lệnh số 14 ngày 8.9.1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17.10.1945 về tổ chức Tổng tuyển cử. Trên cơ sở Sắc lệnh đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6.1.1946.



Những quy định về thể lệ bầu cử, nguyên tắc bầu cử trong các văn bản đầu tiên về Tổng tuyển cử đã được tiếp tục khẳng định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946 được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I thông qua ngày 9.11.1946 và được phát triển, hoàn thiện trong các Hiến pháp tiếp theo, được cụ thể hóa trong các Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1960, 1964, 1980, 1997, 2001 và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác bầu cử.

Hiến pháp năm 1946 và các hiến pháp tiếp theo đã luôn khẳng định quyền bầu cử, ứng cử của công dân và khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong bầu cử: đó là quyền bầu cử, ứng cử của công dân không phân biệt trai, gái, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo; bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín… Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 đã có những đổi mới quan trọng, trong đó có những nội dung mới về chế định bầu cử, là cơ sở pháp lý quan trọng để sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội năm 1997, năm 2001, với những quy định phù hợp để tổ chức thành công các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, XII, với cơ cấu thành phần, chất lượng đại biểu đáp ứng yên cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn cách mạng mới.



Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong bầu cử ở nước ta là bảo đảm phát huy dân chủ, sức mạnh trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong quá trình giới thiệu, lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tham gia Quốc hội. Ngay từ khi chuẩn bị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử…”.

Bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng chính quyền nhân dân. Bác Hồ nói: “…Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân…”. Chính vì thế, các quy định của pháp luật về bầu cử đều thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, công khai, phổ thông, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những ai là công dân Việt Nam không vi phạm những điều pháp luật quy định, thì đều được bình đẳng, được tạo điều kiện ứng cử làm đại biểu Quốc hội và được tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội.

Các bản Hiến pháp và các Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội qua các lần sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa, đã hoàn thiện các quy định về quyền bầu cử, ứng cử, đặc biệt là công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam, nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử, ứng cử.

Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát huy quyền dân chủ của công dân, pháp luật về bầu cử đã quy định về quyền tự ứng cử của công dân. Đây là tư tưởng thể hiện mở rộng dân chủ trong bầu cử, ngoài việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập thể đề cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội thì pháp luật cũng bảo đảm cho công dân quyền được tự ứng cử Đại biểu Quốc hội nếu thấy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định. Trong các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội vừa qua, thực hiện quy định này, nhiều công dân tự ứng cử Đại biểu Quốc hội bảo đảm tiêu chuẩn đã được lựa chọn đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội để cử tri bầu và đã trúng cử.




Việc có những người tự ứng cử được cử tri lựa chọn bầu làm Đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm, chú trọng những người đủ đức, đủ tài để bầu vào Quốc hội của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là sự kế thừa và tiếp tục chủ trương của Bác Hồ trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội cũng được sửa đổi bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt trong đó quy định rõ tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội làm cơ sở cho cử tri xem xét lựu chọn bầu người đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Sắc lệnh đầu tiên số 14 ngày 8.9.1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng pháp lý cho việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử và hình thành chế định pháp lý về bầu cử sau này. Những nguyên tắc tiến bộ về bầu cử, ứng cử từ đầu của công dân như: không phân biệt trai, gái, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo; bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín… đã được khẳng định trong Hiến pháp; được thể chế hoá trong Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội. Đây là thành tựu của quá trình đấu tranh cách mạng không ngừng, quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là sức mạnh đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.







Tổng tuyển cử đầu tiên - Bài học lịch sử còn nguyên giá trị thực tiễn và thời sự

(Nguyễn Quốc Thắng, Tổng biên tập Báo điện tử Đại biểu nhân dân
Đại Biểu Nhân Dân)

65 năm đã trôi qua, ký ức những ngày cách mạng sục sôi về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội vẫn sống động trong mỗi trang sử hào hùng của dân tộc. Cái dấu mốc chói lọi của cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt, khôn khéo, dũng cảm, đầy sáng tạo khi chính quyền cách mạng đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc” đã để lại những bài học lịch sử quý giá về xây dựng, bảo vệ chính quyền rất thời sự và còn nguyên giá trị thực tiễn.

Bầu cử - Đấu tranh vì quyền tự quyết của dân tộc, quyền chính trị cơ bản của công dân mà nhiều thế hệ phải hy sinh xương máu mới có được

Khi đất nước còn đắm chìm trong đêm dài nô lệ, sự tỏa sáng của lãnh tụ vĩ đại, Người dẫn dắt cách mạng Việt Nam - Hồ Chí Minh đã chỉ ra vấn đề cốt lõi của cách mạng. Đó là vấn đề độc lập dân tộc, tư do, hạnh phúc cho nhân dân, là ngọn cờ, là mục tiêu hàng đầu trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Ngay những yêu sách chính thức đầu tiên đấu tranh với thực dân pháp, năm 1919, thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam, Người đề cập “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” và “phải có đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại nghị viện Pháp”. Ý thức về quyền tự quyết dân tộc, quyền chính trị cơ bản của nhân dân cũng chính là động lực, khát vọng thôi thúc những người yêu nước làm cách mạng giải phóng dân tộc mình. Giá trị quý báu, tiến bộ của nhân loại phải là của dân tộc Việt Nam. Và hơn bao giờ hết giá trị đó càng tỏa sáng khi đất nước giành được chính quyền. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Và chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”




Tổng tuyển cử là cuộc đấu tranh chính trị tiếp diễn, quyết liệt của cách mạng Việt Nam sau khi giành được độc lập từ tay thực dân đế quốc, là việc khẳng định tính pháp lý của Nhà nước thực sự độc lập với thế giới, là quyền tự quyết của một dân tộc độc lập. Và cũng chính là thành quả đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, hy sinh của bao thế hệ mới có được. Vì vậy, tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử đầu tiên không chỉ là yêu cầu của tình thế cách mạng mà còn là mệnh lệnh của trái tim hàng triệu triệu người dân Việt Nam, là sự khởi đầu mạnh mẽ của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Vượt qua hoàn cảnh cực kỳ khó khăn tiến hành thành công cuộc bầu cử bằng sức mạnh và niềm tin vào nhân dân


Thời cơ và thách thức luôn đan xen. Lần đầu tiên nhân dân bước ra khỏi cảnh nô lệ, lầm than cũng là lần đầu thực hiện quyền tự quyết của dân tộc trong muôn vàn khó khăn. Tổng tuyển cử không chỉ là niềm khát vọng của nhân dân mà thực sự là cuộc đấu tranh chính trị khốc liệt, một mất một còn của chính quyền cách mạng non trẻ. Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố với thế giới: Việt Nam đã thành một nước độc lập và tự do song chưa một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Trái lại các thế lực đế quốc và tay sai đang ráo riết chống lại Đảng Cộng sản và Việt Minh, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai đế quốc.

Trong tình thế hiểm nghèo của cách mạng, khi Nhà nước dân chủ nhân dân vừa ra đời, các thế lực đế quốc, thực dân, phản động tìm mọi thủ đoạn để bóp nghẹt, hòng xâm chiếm, nô dịch nước ta một lần nữa. “Dưới danh nghĩa Đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật, quân đội của một số nước đế quốc kéo vào nước ta: 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc vĩ tuyến 16 và hàng vạn quân đội Anh ở phía Nam vĩ tuyến 16; ngày 23 tháng 9 năm 1945 thực dân pháp nổ súng ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng vạn quân Nhật còn lại trên đất nước ta cũng tham gia chống lại chính quyền cách mạng.

Không thể hình dung được khó khăn chồng chất, nguy cơ rình rập mà kẻ thù từng ngày, từng giờ tìm mọi thủ đoạn phá hoại bầu cử, lật đổ chính quyền của dân. Trong khi chính quyền cách mạng phải tiếp thu một gia tài đổ nát của chế độ cũ để lại : Công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe dọa trầm trọng. Hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề, kinh nghiệm quản lý chưa có…

“Tổ quốc trên hết” là khẩu hiệu cách mạng của nhân dân ta trong thời khắc lịch sử thiêng liêng. Giữ vững chính quyền cách mạng là nhiệm vụ sống còn lúc này. Sức mạnh của cách mạng là sức mạnh của quần chúng, là sức mạnh đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, của lãnh tụ Hồ Chí Minh, là sức mạnh của nhận thức cách mạng, của lòng tự tôn dân tộc, của tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Niềm tin vào sức mạnh vĩ đại của nhân dân chính là vũ khí đấu tranh chính trị sắc bén. Đấu tranh, vạch trần những thủ đoạn xảo trá, bịp bợm của kè thù, khẳng định quyền bầu cử và khả năng sáng suốt của nhân dân lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình: dân chúng chưa biết đọc, biết viết, chưa biết bàn luận những việc xa xôi, nhưng có một điều họ biết chắc chắn, biết rõ hơn ai hết, là quyền lợi của họ… Họ đi với những ai bênh vực, chiến đấu cho quyền lợi của họ, chống lại những ai xâm phạm quyền lợi của họ…

Nâng cao ý thức chính trị cho mỗi người dân, cuộc tổng tuyển cử thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân. Bằng chính lá phiếu của mình, nhân dân khẳng định sự ủng hộ chính quyền cách mạng, cô lập, lên án và loại bỏ bọn phản động ra khỏi đời sống chính trị của đất nước. Trong điều kiện thông tin khó khăn, lạc hậu, chúng ta có nhiều phương thức tuyên truyền vận động bầu cử sinh động, thiết thực và hết sức hiệu quả. Tờ Báo Quốc hội, số đặc biệt ra ngày 6 tháng 1 năm 1946 đã trân trọng in ở trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả bút tích kêu gọi của Người. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của tổ quốc, bằng cả ý chí sắát đá của cả một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chờ đợi chuẩn bị bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại – ngày 6 tháng 1 năm 1946: Toàn dân đi bầu cử.

Bầu cử là quá trình đấu tranh chính trị, pháp lý cam go dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch

Giành chính quyền và bắt tay xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong “cõi Á Đông” là một chặng đường dài của cách mạng Việt Nam qua bao thử thách. Và bước đi khó khăn đầu tiên ấy là tiến hành thành công cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội.

Trong những ngày đầu của Nhà nước non trẻ, với nhãn quan chính trị sâu rộng, sắc bén và tri thức thực tiễn sâu sắc về tổ chức chính quyền nhân dân, ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra sắc lệnh số 14- SL về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội. Sắc lệnh là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên về bầu cử, là cơ sở pháp lý, là sự khẳng định các điều kiện chủ quan, khách quan tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Sắc lệnh đã ghi nhận quyền chính trị cơ bản, tiến bộ của công dân một nước độc lập “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và những người trí óc không bình thường”. Tiếp đến là Sắc lệnh số 39, 51, 71 lần lượt được ban hành chuẩn bị cơ sở pháp lý đầy đủ cho cuộc bầu cử. Đồng thời với việc chuẩn bị cở sở pháp lý là cuộc đấu tranh chính trị không khoan nhượng nhưng hết sức khôn khéo với các thế lực phản động Việt Quốc, Việt Cách nhằm chống lại mọi sự phá hoại của họ tạo bầu không khí ổn định cho tổng tuyển cử. Ngay trong quá trình này, ngày 25 tháng 11 năm 1945, trong bản chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, Trung ương Đảng nhấn mạnh về mặt nội chính, phải xúc tiến đi đến Quốc hội để đi đến Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức …

Đấu tranh thương lượng và chủ động chuẩn bi lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh: hoãn cuộc tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật 6 tháng 1 năm 1946. Sắc lệnh ghi rõ hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến hết ngày 27 tháng 12 năm 1945; nơi nào lệnh hoãn không đến kịp, Chính phủ vẫn cho phép tiến hành tổng tuyển cử theo quy định cũ là ngày 23 tháng 12 năm 1945.

Trước ngày bầu cử một ngày, trong lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử, Hồ Chí Minh hiệu triệu “Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ… Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ. Kiên quyết chống bọn thực dân. Kiên quyết tranh quyền độc lập… Những người trúng cử, sẽ phải giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước quên lợi nhà. Vì lợi chung quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.

Qua muôn trùng khó khăn để đi đến ngày bầu cử trong sự sôi động, phấn khởi, hân hoan của nhân dân cả nước, đánh bại mọi âm mưu phá hoại tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, vượt qua bom đạn ác liệt để thực hiện quyền tự do dân chủ, cuộc Tổng tuyên cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã thành công.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã minh chứng cho sức mạnh của nhân dân, của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, đầy bản lĩnh và hết sức sáng suốt của Đảng và Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó là bài học lịch sử quý báu vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho cách mạng Việt Nam.

Tổng số lượt xem trang