Hồi Ký 1940-1945 Trần Văn Giàu Phần thứ nhất TỪ NGỒI TÙ KHÁM LỚN ĐẾN VƯỢT NGỤC TÀ LÀI Thành phố của chúng ta mất đứt ba cái di tích lịch sử lớn: Thành Quy bị Minh Mạng triệt phá; Thành Phụng bị thực dân Pháp triệt phá; và tiếc quá, ở Sài Gòn, có lẽ không có gì tiêu biểu cho 80 năm chế độ thực dân bằng Khám Lớn, mà Khám Lớn thì bị họ Ngô triệt phá. Tôi qua cửa Khám Lớn lần đầu tiên vào giữa năm 1930, sau khi trong số mấy trăm sinh viên và lao động Việt Nam biểu tình trước điện Elysée (dinh Tổng thống Pháp) đòi thả chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái, mười chín người bọn tôi bị bắt giam rồi bị trục xuất về nước. Lần thứ hai tôi vào Khám năm 1933 về tội “vô gia cư”. Tội “vô gia cư” là cái quái gì? (Ai đi làm “cách mạng chuyên nghiệp” cũng có những nơi tạm trú, hai, ba, năm, bảy nơi; nhưng lần đó Pháp nó khảo mãi, tôi khai là tôi ở trên xuồng ba lá rày đây mai đó trên sông rạch, không có nhà ở; trong mình tôi không có tài liệu cách mạng, chỉ có một cái giấy thuế thân của người khác, cho nên, lần này, theo pháp luật toà chỉ có thể kêu án tôi về tội “vô gia cư”). Và, lần thứ ba, tôi vào Khám Lớn năm 1935, lãnh án năm năm tù; lần này tôi ở đủ cho đến 1940. Chú thích: Khám Lớn Sài Gòn
1. “Biệt thự S”, khám nhỏ trong Khám Lớn Khám Lớn nằm chình ình giữa Sài Gòn trên diện tích non mẫu, bên phải của Toà án, bên trái của dinh Thống đốc. Tường dày chừng bốn năm tấc, dưới đá trên gạch, cao chừng bảy, tám thước, chơm chởm miểng chai bên trên, bốn góc là bốn chòi canh luôn luôn có lính Âu Phi gác và giữ cổng một cửa duy nhất. Ở cổng, bất cứ ai vào đây cũng đụng một cái đầu chúa ngục đúc bằng xi măng, to tướng, miệng sơn đỏ lòm, răng lởm chởm thấy mà ghê: các tử tù thì bị hành hình dưới mắt của tử thần này… Cổng sắt hai lớp, có một đội cai ngục tây và mã tà nam túc trực. Chính giữa sân trong, một lầu chuông cao nhìn xuống toàn bộ các buồng có cửa song sắt chứa nổi một ngàn tù nhân. Suốt gần tám mươi năm chưa nghe nói có một người tù nào trốn khỏi Khám Lớn. Năm 1916, nghĩa quân Thiên địa hội của Nguyễn Hữu Trí (1) đông mấy trăm người vũ trang bằng gươm dao, búa tạ, chày vồ, không phá nổi cửa khám, tường khám nhằm giải thoát “hoàng đế” Phan Xích Long và chính trị phạm, rốt cuộc phải rút lui thất bại. Khám Lớn vững chắc lắm. Vậy mà từ năm 1937, chính quyền thực dân thấy cần phải xây thêm một cái khám nhỏ riêng biệt trong vòng thành của cái Khám Lớn; khám nhỏ đó, Tây gọi là Bâtiment S; S là “spécial”, đặc biệt, chúng tôi gọi là “biệt thự S”, để nhốt riêng vài ba bốn người tù chính trị mà chúng cho là nguy hiểm đặc biệt, trong số đó có tôi. Tây sợ chúng tôi cưa song sắt, khoét vách tường, vượt ngục chăng? – Không phải! Có ai vượt nổi Khám Lớn bao giờ? Vậy mà phải xây riêng một khám nhỏ trong Khám Lớn vì lẽ gì? – Vì lẽ rất đơn giản là: từ ngày chính phủ Mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Paris, toà án Sài Gòn nói chung không xử án chính trị nặng lắm như trước: thường nhất là ba tháng, sáu tháng, một, hai năm tù đối với những người biểu tình, bãi công, làm báo. Anh chị em ta vào Khám Lớn đông lắm, từng tốp, từng tốp, vào ít lâu lại ra, ra vào như đi chợ, như đi học. Trong Khám Lớn lúc này, tù “cố cựu” rất ít: hầu hết chính trị phạm của thời 1930-1935, đã được chính phủ Mặt trận bình dân “ân xá”; số được ân xá có hàng trăm, hàng ngàn, từng đợt, từng đợt. Tôi “lọt sổ” hoài; tôi được Tây xếp gọi lên cho hay “không được ân xá” đâu đến ba lần, không phải do tôi làm đơn mà do đoàn thể, do trạng sư. Nhưng tôi không thất vọng; không thất vọng vì chưa hề hy vọng được ân xá. Mình vào tù đến bốn lần thì Tây nó biết chắc mình sẽ có ngày vào tù lần thứ năm. Anh Tôn Đức Thắng lãnh án hai mươi năm khổ sai, bốn lần nặng hơn mình, vậy mà ai nghe nói anh ấy có hy vọng gì đâu để mà thất vọng? Vả lại tù Khám Lớn Sài Gòn được bạn bè, gia đình thăm viếng mỗi tuần một lần, quà bánh, báo chí có đủ; nhất là ở tù mà vẫn có công tác cách mạng sôi nổi thì an tâm quá đi chớ! Công tác của tôi là huấn luyện tù nhân mới vào và sắp ra, họ đông tới hàng trăm, thường xuyên là hàng mấy chục. Trường Khám Lớn có nhiều giảng viên kinh nghiệm, lý luận, trình độ khá cao. Tụi tôi tổ chức ba bậc huấn luyện lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động sơ, trung và cao. Vô tù thành ra đi vào trường học chính trị. Trường học được mở liên tục mà khỏi phải mướn nhà, khỏi phải nuôi cơm. “Kinh tế” biết mấy. Khám Lớn góp phần đào tạo hàng trăm cán bộ cho các đoàn thể cách mạng ở bên ngoài. Tôi lúc ấy là “Chủ tịch hội đồng giáo sư đỏ”. Tôi viết xong trên mười đầu sách; đều là “sách giáo khoa”; sách được giấu trong tường; đục tường lấy ra một cục gạch thì có một tủ sách. Cơm nước xong, cửa Khám đóng lại, thì lấy sách ra đọc. Sàn xi măng là bảng đen, gạch vụn là phấn; một số Thầy Chú dám bí mật đem giấy bút cho chúng tôi. Bài vở viết ra được đánh morse từ khám nam ở trên xuống khám nữ ngay ở dưới. Đánh morse thì nằm sấp để tai sát sàn, lấy một bù lon quấn vải gõ vào sàn, khám dưới nghe được, chép lại, “phát hành” đi các khám cũng bằng cách đó. Ngoài công tác liên lạc chính thức thì chuyên viên morse khám nam, anh Nguyễn Hữu Thế (2), và chuyên viên morse khám nữ, chị Đinh Thị Tiếu, nói gì với nhau, có trời mà biết, chỉ biết rằng, ra tù, hai cô cậu thành vợ, thành chồng với nhau. Khám lớn (Maison Centrale de Saigon), những năm 1920 Mặt tiền trông ra đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) Tây nó biết rõ thành công của công tác huấn luyện đào tạo cán bộ của chúng tôi, cho nên nó mới xây cái “biệt thự S” nhằm cô lập các ông thầy giáo đỏ chủ chốt. Thống đốc Nam Kỳ đưa ba chúng tôi Giàu, Thế, Vi xuống đó để tha hồ mà giảng bài cho thằn lằn và gián. Tôi ở “biệt thự S” trọn ba năm cho đến ngày mãn tù; giống như mấy ông thầy tu ép xác. “Biệt thự S” là một ngôi nhà nhỏ hoàn toàn không dính với bất kỳ một dãy nhà nào hết; nhà dài mười thước, ngang bốn thước, cao năm thước, chia ra ba buồng. Phía sau mỗi buồng có một cửa sổ gần sát trần nhà, chắn song sắt, bịt lại bằng một cái phễu sắt miệng ngảnh lên mái nhà và miệng sắt có bao lưới sắt; người ngoài không thể ném vào buồng bất cứ một vật gì dù là một hòn sỏi; người trong buồng không thể thấy bóng dáng bất cứ một ai đi ngoài sân dù là một mã tà. Phía trước của mỗi buồng có cửa sắt mở ra một sân chung, nơi ăn uống, đi lại; sân dài mười thước, rộng ba thước, được bao kín bằng vách bêtông cao bốn thước; sân này giống y như một cái giếng cạn; ở trong sân không trông thấy bất kỳ một sinh vật nào trừ một vài con chim se sẻ bay qua hay một con cò lạc lối. Những ngày trời nắng, tường bêtông giữ sức nóng tới nửa đêm; may mà trong mỗi buồng có một vòi nước để tụi tôi tự làm vệ sinh. Không biết Tôn Ngộ Không khi bị Thái Thượng Lão Quân bỏ vào lò Bát Quái thì Tôn Ngộ Không chịu đựng cách nào chớ tôi trong “biệt thự S” suốt hơn một ngàn ngày thì cũng phải quen dần với cái giếng nổi bêtông của mình. Mỗi ngày hai lần, “cóc vê” đem cơm nước vào; “cóc vê” được chọn trong số tù người dân tộc thiểu số ở rừng núi không biết nói tiếng Việt, khi qua hai lớp cửa thì đã phải tuột hết quần áo để lại bên ngoài. Phải thừa nhận rằng, ở “biệt thự S”, suất ăn của chúng tôi thịt cá nhiều hơn bình thường, mỗi bữa ăn đều có miếng cơm cháy vàng tươi, dòn rụm, chỉ những ai đã lãnh án tử hình mới được ăn. Ở “biệt thự S”, chúng tôi được mượn sách của thư viện Khám Lớn, cũng được đem một ít sách ở ngoài vào. Thêm vài chục quyển, thậm chí một trăm quyển nữa, ông Giàu có “đỏ” thêm đâu mà sợ? Tôn Ngộ Không chịu được lò Bát Quái nhờ đã ăn trộm trái đào tiên vườn Thượng uyển, còn tôi chịu đựng được giếng nổi bêtông nhờ sách các bạn mượn dùm: thời chính phủ Mặt trận bình dân, có phần dễ thở hơn trước, nhất là đối với mấy thầy giáo đỏ bị vô hiệu hoá. Không được dạy học, tôi quay ra tự học; tự học để giết thời giờ, tự học để lấp những chỗ trống về kiến thức, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thật sự là được nhiều. Ba năm ở “biệt thự S”, tôi học chữ Hán bằng quyển từ điển Đào Duy Anh để đếm nét tra mặt chữ, tôi lấy một quyển sách Tàu dịch sách Tây để từ đó suy diễn ra mà biết văn phạm chữ Hán, lõm bõm đọc báo, đọc sách được rồi, số chữ đã đầy hơn một lá mít, nhưng vì ít khi dùng nên dễ quên. Còn được cái triết học Trung Quốc và triết học Ấn Độ mà các học giả Pháp, Anh, Đức nghiên cứu kỹ, thư viện của Nguyễn An Ninh và của sư Thiện Chiếu (3) có đủ loại sách này, có bao nhiêu tôi đọc hết bấy nhiêu, đọc rồi giảng lại chút đỉnh cho hai anh bạn tù, nhờ vậy mà tôi càng hiểu rõ. Thật ra thì hai ông “giáo đỏ” ở “biệt thự S” với tôi, họ chả thích triết học chút nào, giảng cho họ hoá ra tôi “trả bài” cho tôi. Một kỳ công là ba năm ở “biệt thự S”, tôi có thời giờ và can đảm để đọc bộ Tư Bản, mà khi ở trường Đại học Đông Phương, tôi chỉ thuộc mấy trích đoạn bắt buộc của giáo sư hướng dẫn. Khám Lớn Sài Gòn quả là một trường đại học chuyên tu của tôi. Khám Lớn Sài Gòn, cũng như banh một Côn Lôn là những nơi góp phần quyết định cho tôi sau này trở thành một giáo sư có kinh nghiệm. Nói rằng nhà tù là một cái lò rèn luyện, rất đúng; anh Ninh có lần bảo tôi: “en prison le coeur se brise ou se bronze” (4) là chí lý. Vấn đề là trong tù mình học cái gì; học tư tưởng Mác-Lênin, thì mười người mãn tù, chín người tiếp tục hoạt động cách mạng; không học gì, cứ nằm co chờ ngày về, để cho thời gian gặm nhấm lần ý chí, thì mãn tù, chỉ có thể trở thành con chim bị đạn sợ làn cây cong. Tôi đã ra sức tự rèn luyện, tôi được bạn tù rèn luyện, tôi cố giữ cho mình một ý chí sắt đá. Vậy mà, những ngày cuối cùng của một bản án chỉ năm năm cầm cố, tôi không khỏi trải qua một tâm trạng băn khoăn cực độ, nói ra đây tôi không thấy xấu hổ chút nào. Làm gì có nợ nước thoát ly khỏi tình nhà? Trong thời gian hơn ngàn ngày bị cầm cố, biệt giam ở “biệt thự S”, tôi chứng kiến một chuyện mà tôi không bao giờ quên, chuyện “Mất ngủ” của Hà Huy Tập (5). Tập là một nhân vật mà tôi kính mến. Tập có “đá móc” tôi mấy đá, khi anh báo cáo với Đông phương bộ, và báo cáo đúng sự thật, là tôi đã phê phán một vài điểm trong “chương trình hành động 1932, của Quốc Tế Cộng Sản” làm giúp cho Đảng Cộng sản Đông Dương (với sự cộng tác của Tập, Toàn (6) và tôi; vừa được tôi dịch từ bản tiếng Pháp và tiếng Việt). Đá nhẹ mà đau dai! Một buổi trưa không nhớ là vào ngày tháng nào đầu năm 1939, Hà Huy Tập bị Tây đưa vào Bâtiment S. khi Tập bị giam ở Bâtiment S, xảy ra một việc lạ kỳ liên quan đến câu tôi vừa nói: nợ nước, tình nhà. Hà Huy Tập Ở chung với chúng tôi được ít lâu, một hôm Tập nhận được một bức thư của vợ. Vợ chồng Tập sinh được một đứa con gái. Năm 1928, Tập đi học ở Nga; tới năm 1936, Tập về Sài Gòn, bí mật gặp lại vợ; vợ Tập là một cô giáo, tám, chín năm nay đã bền lòng đợi chồng. Vợ chồng Tập yêu nhau lắm. Trong lúc đó thì Tập cũng bí mật tiếp xúc với một người bạn học cũ hoạt động công khai, một người đồng hương là Đinh Nho Hàn. Hàn là một cộng tác viên của báo “Le Peuple”, một tờ báo cơ quan công khai hợp pháp của Đảng. Tự nhiên, Đinh Nho Hàn và cô vợ của Tập làm quen với nhau. Mọi việc đều trôi qua như bình thường cho đến khi Tập bị bắt. Tập bị bắt thì ai cũng đoán rằng anh sẽ bị xử tù nặng lắm vì anh hoạt động cách mạng từ thời Tân Việt cho đến nay, anh là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Chắc vợ Tập và Hàn đều nghĩ vậy. Nếu Tập được anh em ở Le Peuple trọng vọng là một lãnh tụ, thì anh em đó cũng biết Hàn là một “con dê xồm” lắm tiền, lẻo mép; nhưng thuở ấy chưa ai biết rằng Hàn là một tay giúp việc đắc lực cho sở mật thám Đông Dương cài vào nhóm Le Peuple. Một hôm, ở Bâtiment S, sau một buổi thăm viếng, Tập được một bức thư của vợ mình. Thư nói gì tụi tôi ở Bâtiment S không biết. Nhưng chúng tôi thấy Tập đột nhiên bị khủng hoảng tinh thần, mà cuộc khủng hoảng tinh thần mỗi ngày thêm tệ hại. Tập đi đi lại lại trên sân giếng, mười lần, một trăm lần, nện gót chân, thỉnh thoảng tay đấm vào không khí. Sớm chiều đều như vậy. Hôm nay, ngày mai đều như vậy. Hỏi Tập có vấn đề tư tưởng, tình cảm gì không, Tập trả lời: không. Đêm, Tập ngủ buồng sát buồng tôi. Nửa đêm, hay bất cứ lúc nào, Tập đều lấy gót chân mình nện vào vách tường đùng đùng và tôi lắng nghe Tập gọi theo lối kéo dài: “Giàu ơi, thức hay ngủ?”. Tôi trả lời rằng thức, cũng bằng cách nện gót chân vào tường. Cứ như vậy, suốt ba đêm. Sáng sớm, chúng tôi xin thuốc véronal cho Tập. Tập uống một viên, đêm ấy anh cũng ngủ không được. Sáng sau, xin hai viên, chiều tối uống; cũng không ngủ được! Có khủng hoảng gì đấy? Chắc không phải khủng hoảng tư tưởng. Tôi hỏi nhỏ nhiều lần, Tập mới nói riêng với tôi: “Vợ mình đã quyết định ly dị với mình để lấy Đinh Nho Hàn. Thôi rồi! Tám, chín năm trung thành chờ đợi nhau!”. Biết nguyên nhân bệnh: nhưng chữa bệnh bằng cách nào bây giờ? Tôi báo cáo bệnh tình với y tá Khám Lớn! Tập ăn ngủ không được, mắt thụt, má hóp, người đã gầy còm lại gầy còm thêm, trông thấy rất thảm! Phải đưa đi nhà thương Chợ Quán, không thì Tập chết mất. Tập đi Chợ Quán. Không quá một tuần sau, Tập trở về Bâtiment S, vui vẻ như thường. Ai chữa? Uống thuốc gì? - Chẳng có thuốc gì ráo! Chẳng có thuốc trị sao lại hết bệnh? - Số là lúc ấy, không chỉ có người cộng sản bị bắt vào Khám Lớn mà có cả một ít người đứng đầu của báo La Lutte, như Tạ Thu Thâu, Tạ Thu Thâu thuộc phe đệ tứ, công kích Mặt trận bình dân Pháp, công kích Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng Cộng sản đệ tam chủ trương. Bất ngờ hai lãnh tụ đệ tam và đệ tứ đụng đầu nhau tại bệnh viện Chợ Quán. Hai anh Thâu, Tập vốn quen biết nhau từ những năm 1926-1927, khi họ dạy học ở trường tư thục Nguyễn Xích Hồng tại Sài Gòn. Tất nhiên họ tranh luận hết sức sôi nổi giữa một số tù chính trị cũng nằm bệnh viện; cãi nhau rồi ăn cơm, ăn cơm rồi tiếp tục cãi nhau, sôi nổi, kịch liệt, bất phân thắng bại. Thâu lên án rằng phe Stalin - Tập là phe “phản động Thermidor (7) ”, Tập lên án rằng phe Trotsky - Thâu là “đội tiền phong tư sản phản cách mạng” chống Liên Xô. Cãi nhau đến tối vào giờ ngủ mới thôi. Đêm ấy sau trận khẩu chiến, Tập ngủ một giấc tới sáng trưa, ăn cơm rồi lại ngủ! Bệnh mất ngủ dứt hẳn, khỏi phải uống thuốc gì hết. Ít lâu sau, bệnh viện trả Tập về cho Khám Lớn. Tập trở lại Bâtiment S với tụi tôi, tường thuật chuyện “thiệt chiến” ở Chợ Quán. “Thiệt chiến” là đánh nhau bằng lưỡi, bằng miệng theo tích “thiệt chiến quần nho” (8) ở Tàu, thời Tam Quốc. 2. Cực độ băn khoăn Tôi vốn là một tâm hồn bình tĩnh, ít nhất là bình tĩnh hơn anh Hà Huy Tập của tôi. Tôi tự phụ như thế. Trước những khó khăn, những thất bại, rất ít khi tôi dao động tinh thần, trí óc băn khoăn, người mất ăn mất ngủ. Ấy vậy mà vào lúc gần mãn tù, tháng 4 năm 1940, cái đức bình tĩnh bẩm sinh đó nó biến đi đâu mất hồi nào không hay. Càng gần mãn án, tôi càng dao động, băn khoăn. Âu cũng là một nhân tính bình thường. Trầm tích của quả đất có lớp dưới lớp trên; tâm tình của con người có lớp sâu lớp cạn, dưới đáy là con người gia đình, bên trên hết là con người xã hội, xã hội phủ lên gia đình mà không chôn vùi nó cho dù mình đã nhất nguyện hy sinh gia đình cho Tổ quốc, cho đồng bào, cho lý tưởng. Máy chém đặt trước cổng Khám Lớn mỗi khi có cuộc hành quyết (cuối thế kỷ XIX) Những ngày cuối cùng của cái bản án tù năm năm sao mà dài thế! Dài vô tận. Nhớ hồi nào, khi lãnh án, tôi xem năm năm tù, mười năm biệt xứ như một thời gian tu dưỡng cho bản thân, tựa một phật tử theo định kỳ đi “tịnh” trong khuôn viên một ngôi chùa vậy thôi. Bây giờ, càng gần mãn án, tôi xem mỗi ngày là một chuỗi tràng hạt lần mãi không hết. Tản Đà chẳng đã viết: “Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê?”. Hay quá, hay ở chỗ chữ “ghê” đó! Té ra, cũng là thằng tôi mà lúc cực kỳ nguy hiểm, ngàn trùng gian khổ thì tôi xem gian nguy nhẹ như một chiếc lông chim. Bây giờ, đột nhiên nổi dậy cái ý thức gia đình, cái ý thức về nợ gia đình không làm sao trả nổi. Tôi nhớ mẹ, nhớ vợ quá, nhớ phần mộ cha tôi trên đám ruộng trước nhà, nhớ ngôi nhà cũ kỹ trong đó tôi sinh ra và lớn lên. Tôi tưởng tượng ngôi nhà và miếng vườn đều lạnh lẽo xơ xác vì, nếu trước đây gia đình tôi tứ đại đồng đường thì bây giờ chỉ có mẹ già tôi ngoài 70 tuổi và một cháu gái chết chồng hôm sớm cúng nước, đốt nhang, gõ chuông, giống như bà sư, cô vãi trong một ngôi nhà chùa vắng. Cái nhà này, khuôn vườn này theo Di chúc, là của tôi, con út; tôi có trách nhiệm nối dõi tông đường, nhưng tôi biền biệt từ hơn mười năm rồi; các anh chị tôi đều ra riêng hết, mỗi người “trấn” một giây ruộng, tía tôi qua đời khi tôi còn ở ngoài Côn Lôn; vợ tôi, sau khi con gái đầu lòng chết, đã về bên ấy để làm ruộng nhà, lâu lâu mới qua thăm mẹ chồng một lần, để mẹ chồng nàng dâu ôm nhau mà khóc. Tôi nhớ nhà quá chừng! Văn xuôi không tả nổi nỗi nhớ, còn văn vần thì xa lạ với tôi. Tôi quyết tâm làm chiến sĩ “cách mạng chuyên nghiệp” theo từ ngữ Lênin - Nguyễn Ái Quốc. Song, xét cho cùng, đó là quyết định của trí tuệ, của ý thức, của một ý định dầu tuyệt đối vẫn còn dành một phần sinh hoạt tâm hồn, cho những ai nặng nợ gia đình, tuy đã được mở trói mà vẫn còn khi lơi khi nhặt một sợi dây vô hình ràng buộc những người vì non sông chung với gia đình riêng để ngàn đời làm nền tảng cho gia đình ấy. Chắc mẹ tôi, vợ tôi, lúc này cũng ngày trông đêm đợi như tôi. Tôi được tin mẹ nuôi mười con vịt tơ sà, mười con gà giò, hai con xiêm cồ, chờ con về bồi dưỡng; người ta bày lấy vài xăng-ti-lít tiết xiêm cồ pha vào một chung rượu nếp, uống mỗi buổi sáng, thì mau lại sức. Vợ tôi chắc đã sắm sửa chăn màn để trở về nhà chồng. Nhưng mẹ và vợ tôi đều ở thôn quê hẻo lánh, nào có biết gì về tình hình chiến tranh thế giới liên quan đến ngày mãn tù Khám Lớn của tôi. Tình hình đó, tôi càng theo sát thì càng lo lắng: chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ từ tháng 9 năm ngoái. Pháp, Anh đã tuyên chiến với Đức. Pháp đã ra lệnh tổng động viên ở Đông Dương, cấm báo tiến bộ, bắt giam những người chống đối. Vậy mà tôi còn ngồi tù Khám Lớn, chờ ngày về nhà! Về được không? Hay là chính quyền thực dân sẽ ra nghị định giữ tôi lại Khám Lớn hoặc đưa trở ra Côn Lôn, hoặc tống vào một trại tập trung nào đó ở núi cao rừng sâu. Tôi ước tính tất cả các khả năng xấu bao gồm cả việc đày qua Guyane tận nam Mỹ châu ở đó ông Giàu và các thầy giáo đỏ tha hồ mà diễn thuyết với thổ dân da đỏ và tù nhân thường phạm người Pháp bị phát lưu chung thân vì trọng tội. Nghĩ lắm sinh quẫn. Tôi bèn tập trung tinh lực làm phép tham thiền nhập định học ở Thiện Chiếu, cốt đạt tới trạng thái tư tưởng không tư tưởng, nhằm đánh đuổi các ý nghĩ xám xịt kia. Nhưng vô hiệu; chúng nó cứ “lẽo đẽo theo hoài mãi chẳng thôi”. Vài cơn mưa giông đầu mùa chưa làm dịu không khí nóng bức trong “biệt thự S”. Nóng bức nên ngủ không được. Không ngủ được nên càng nghĩ bâng quơ. Một buổi sáng ra giếng, thầy giáo Nguyễn Hữu Thế hỏi tôi: - Sao coi hốc hác vậy cậu? Ngủ không được hả? - Ngủ mệt hết sức vì chiêm bao. Thức giấc, mồ hôi ướt đầm, không ngủ lại được. - Chiêm bao thấy gì? - Thấy ngày mãn tù, mình ra tới cửa Khám Lớn, vừa gặp mẹ và vợ đón ở đó, chưa kịp hỏi mừng gì hết thì cò, lính đã xốc nách giải mình lên xe bít bùng, trong khi đó thì mẹ té xỉu xuống đường, vợ ôm mặt khóc. Giật mình thức dậy rồi thức luôn tới sáng. - Mộng là mị. - Cũng có khả năng mộng hoá ra thật. Nhưng phải bị đày đi nữa thì mình vẫn có cách đối phó, sợ gì? Cho tới bây giờ Pháp, Đức chưa đánh trong lịch sử, các cuộc đại tiến công thường xảy ra đầu thu trời trong đất ráo. Pháp chưa lâm nguy thì nó còn có thể thả mình ra; khi sắp lâm nguy, thì nó sẽ đến nhà lượm mình, thì khi ấy mình còn ở nhà đâu mà nó lượm? Lập luận của tôi mới nghe qua cũng có lý. Vậy mà bụng bảo dạ tôi vẫn băn khoăn, cực độ băn khoăn. 3. Chưa vui sum họp Băn khoăn vì trong tình thế rối ren hết sức, lòng tôi hết sức muốn về nhà với mẹ, với vợ ít ra cũng một vài tháng, trong thời gian ngắn ngủi đó mình vừa tìm lại được sự đầm ấm đã mất từ hơn mười năm nay (1928-1940), vừa điều tra tình hình địch, ta, rồi sẽ quyết định cách đối phó trước mùa thu. Giờ phút nào tôi ít chủ quan, thì tôi nghĩ rằng, thời nay chiến tranh bằng máy bay, xe tăng, có thể người ta không chờ mùa thu như trước nữa, mới mở cuộc tấn công qui mô và Pháp nó sẽ quăng lưới trước khi các ông cộng sản cựu chính trị phạm kịp rút hết vào bí mật. Tôi nghĩ đúng mà tôi không tin rằng đúng hẳn. Ngày về tới nơi rồi. Mà về được hay không? Sáng hôm đó, giáo Thế, biện Vi và tôi vừa uống trà, vừa phập phồng chờ đợi. - Tám giờ mà không có giấy gọi là có biến. Thế nói. - Có giấy gọi mà không có câu “ra về” thì cũng chẳng xuôi chèo mát mái đâu, Vi tiếp. Ở chung với nhau bốn, năm năm rồi, tụi tôi không còn cái gì để dặn dò nhau nữa. Và mỗi đứa đã hai, ba lần bị bắt, bị tù rồi. Mỗi chuyện đã nói đi nói lại cả chục lần rồi. Có gì mới nữa đâu? Chỉ mời trà với nhau. Bình trà vừa cạn thì cửa thứ nhất, rồi cửa thứ hai của Bâtiment S mở. Gác dan da đen xuất hiện, vui vẻ kêu: - Ông Giàu chuẩn bị. Tám giờ ra về. - Ăn tiền rồi, tụi bây ơi! Thế nói lớn. - Còn qua lục hình (9) mới biết được trơn tru không, Vị bỏ nhỏ. Nghe cũng ơn ớn. Ra tù hôm nay, biết hôm nào sẽ bị bắt lại? Còn ngồi tù trong thời chiến thì khi chiến tranh ác liệt, mãn tù cũng sẽ bị giữ lại, gởi lên “căng”. Viễn cảnh của cả ba đứa tôi, không chút nào sáng sủa. Không chừng chúng tôi sẽ sớm gặp lại nhau trên rừng. Tuy vậy, bạn là cố cựu, kẻ ở người đi, sắt đá cũng bùi ngùi. Ra sân khám, ngó lên phòng năm, sáu, thấy anh em ngoắc ngoắc sau song sắt; họ chào từ biệt và gởi một chút lòng tin. Tụi xếp Tây ra vẻ mừng, có mấy đứa khuyên “đừng trở lại nữa”. Tôi cười trả lời cho thằng “Triệu tử” (17): “Ai mà muốn trở lại, nhưng nếu bất đắc dĩ phải trở lại thì chắc chắn cũng không hề chi, cả anh và tôi đều còn trẻ, e khi lại cũng còn duyên!”. Cả lũ đều cười nhạt. Ra cửa Khám Lớn, đã thấy vợ tôi đứng chờ bên kia đường, không một ai khác đi đón như hồi chưa có chiến tranh. Tôi ngoắc vợ sang bên này đường cùng đi lại bót Catinat (10) với một thầy đội. Mười năm rồi kể từ ngày cưới, vợ chồng tôi mới lại được tay trong tay đi trên đường phố Sài Gòn! Thầy đội có nhã ý dang hơi xa để tụi tôi trò chuyện với nhau. Ai cắt nghĩa dùm tôi vì sao tôi không mất vợ? Đáng lẽ năm 1930, nhà bên vợ chưa cưới không cho tôi làm đám cưới mới phải, vì khi đi Pháp, tôi hẹn về nước với hai bằng tiến sĩ, nhưng tôi về tay không, bị trục xuất khỏi Paris. Đáng lẽ, cho dù làm đám cưới rồi, mà tháng sau tôi đi đâu biệt tích bốn năm lần, sống chết không biết, thì cha mẹ vợ có thể lại gả con gái cho mấy chỗ quyền quý đi hỏi. Nhưng không, và vợ tôi thà vô chùa học dệt chớ không chịu lấy chồng lần nữa. Và đáng lẽ sau khi tôi bị kêu án năm năm tù, bị đày ra Côn Lôn, thì theo lời khuyên của tôi, vợ tôi lấy lại tự do lập gia đình; nhưng cũng không; cô ấy chờ đến hôm nay, đi đón tôi ở Khám Lớn ra. Sao mà chung thuỷ đến thế! Tụi tôi chưa dứt lời thăm hỏi nhau thì đã đến bót Catinat rồi. Vợ tôi lại đứng chờ ở gốc cây, tôi một mình đi vào bót để “lục hình” và nhận giấy tờ phóng thích. Tưởng đâu việc này có lâu lắm cũng không hơn mười lăm phút; nào dè? Nào dè, nó kéo dài hơn một giờ, khiến vợ tôi vô cùng lo sợ: vào hang sói dễ, ra hang sói khó. Còn tôi thì quen tính “mê đấu”, quên mất vợ đang đứng sốt ruột chờ, không biết lành dữ ra sao? Cũng mấy thằng cò mật thám tra tấn hỏi cung như xưa: Perroche mặt gà thiến, Bazin mặt gà chọi v.v… tiếp tôi hôm nay. - Chào ông Giàu, ông mạnh khoẻ? - Cám ơn. Vẫn còn sống. - Năm năm, dài quá phải không ông? - Dài nếu so với một năm, ngắn so với mười năm. - Hôm nay, nhân ngày trả tự do cho ông, chúng tôi muốn hầu ông một số vấn đề, những vấn đề thuộc chiến tranh thế giới đó mà. - Nếu các ông muốn tôi sẵn sàng. Tôi đinh ninh rằng có thể tụi này bày trò khiêu khích gì đây, hoặc chúng nó tìm hiểu mình để có thái độ, hoặc chúng nó thật muốn mình giải đáp âu lo thắc mắc của chúng nó, không chừng. - Ông Giàu ạ, ông cắt nghĩa tại sao Stalin cộng sản ký hiệp ước với Hitler phát xít? Tại sao Đức và Liên Xô cùng đánh Ba Lan, chia xẻ Ba Lan? Tình hình chiến tranh trên thế giới sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai gần đây ở châu Âu? - Tôi cho rằng hoặc các ông không đủ thông tin hoặc các ông được thông tin không chính xác, cho nên các ông hiểu sai sự diễn biến của tình hình châu Âu từ hơn một năm nay. Tôi hỏi vặn lại các ông vậy chớ ai ký hiệp định Munich với Đức, để Đức nuốt chửng nước Áo, nước Tiệp? Đâu phải Liên Xô mà chính là Pháp và Anh. Các ông thừa biết rằng khi Pháp, Anh yêu cầu Liên Xô bảo đảm cho các nước nhỏ đông bắc Pháp mà Pháp, Anh lại không chịu đảm bảo cho các nước nhỏ ở miền tây bắc, tây nam Liên Xô. Ý đó là gì nếu không phải là Pháp và Anh đã xui Đức tiến công về phía đông, phía Liên Xô để cho Pháp, Anh đứng ngoài trông hai con hổ đánh nhau mà trục lợi về phần mình. Nước cờ ấy như chỉ trắng may vải đen, trẻ con cũng thấy. Thì Liên Xô phải trả đũa một cách thích hợp với lợi ích của mình bằng việc ký hiệp ước bất tương xâm phạm với Đức. Hãy biết rằng, đó không phải là hiệp ước liên minh Xô-Đức mà là hiệp ước bất tương xâm phạm. Liên Xô trước muốn liên minh với Pháp, Anh mà không được thì nay định đứng ngoài cuộc chiến tranh giữa Đức và Pháp, Anh. Liên Xô có phản phúc ai đâu, có đành hy sinh Áo, Tiệp như hiệp ước Munich đâu? Còn như các ông kêu ca, phản đối việc Liên Xô đưa quân qua chiếm phần phía đông Ba Lan thì việc ấy đầu đuôi như thế này, nếu các ông chưa biết: Đức tấn công vào Ba Lan. Anh, Pháp tuyên chiến với Đức mà không tiến công lớn vào Đức, để Đức tập trung đại lực vào Ba Lan, chỉ trong vài tuần quân Đức đã bao vây Varsovie, chính phủ Ba Lan chạy sang Rumani, khi ấy Hồng quân Liên Xô mới kéo vào đông Ba Lan, chiếm đóng nhanh vùng đất Nga mà hồi chiến tranh thế giới lần thứ nhất các nước đồng minh thắng trận đã cắt lấy của Nga để giao cho nước Ba Lan mới được lập lại cho nó đủ lớn đủ mạnh làm đồng minh chí cốt của Pháp, Anh. Đất của Nga, Nga lấy lại, Liên Xô không thể cho Đức chiếm khi Ba Lan đã bại trận rồi. Đó không phải là chia xẻ Ba Lan mà đó là một hành động chống Đức. Hồng quân Liên Xô vào Ba Lan, dừng lại đúng trên giới tuyến Curzon. Các ông biết giới tuyến Curzon là cái gì không? Nếu không thì tôi cắt nghĩa: đó là ranh giới đông Ba Lan mà chính khách tên Curzon đề nghị, sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, ranh giới này hợp lý vì bên này không có người Nga và bên kia không có người Ba Lan. Nhưng thuở đó Anh, Pháp, Mỹ chiến thắng Đức, Áo, Thổ, quyết cắt một phần đất Nga biếu Ba Lan em út, nay của César trả về César, thì nói xâm lược, nói bất công là nói làm sao? Alsace Lorraine (11) trở lại với nước Pháp hồi 1918 thì bất công, xâm lược ở chỗ nào? - Ông Giàu quả là một trạng sư hùng biện cho Liên Xô, cò Perroche nói. Tôi tiếp tục trình bày góp ý kiến: - Tôi muốn nói thêm rằng, bây giờ nước Đức hùng cường từ sông Vistule đến sông Rhin, từ sông Danube đến Biển Bắc, nước Đức đó có biên giới chung với Pháp ở tây, với Liên Xô ở đông. Rồi đây Đức sẽ đánh sang đông trước hay tây trước? Tôi chắc nó sẽ đánh nước nào yếu hơn trước để lấy sức đánh nước mạnh hơn. Nước yếu hơn chính là nước Pháp của các ông. Tôi tự hỏi như vậy, trong tình thế mới đó Pháp, Anh và Liên Xô có đủ khôn ngoan để hợp sức bẻ gãy xương sống của Hitler bằng hai gọn kềm thép hay không? Tôi đoán chắc rằng nếu ngày nay nhiều người trong các ông còn có ai coi Liên Xô là kẻ thù, thì ngày mai tất cả các ông sẽ coi Liên Xô là bạn, là cứu tinh. Tôi cảm ơn các ông tạo một dịp may để tôi vắn tắt nói lên một vài chính kiến về chiến tranh thế giới. Bọn cò đều đứng dậy đưa tôi xuống lầu bằng cầu thang của các sếp, và chúc tôi “đừng trở lại”. - Sao anh ở trỏng lâu vậy? Em sợ quá chừng. Vợ tôi hỏi. - Xin lỗi mình, anh bị tụi cò chất vấn khiêu khích. Phải nói. Mà không hớ chút nào. Thôi ta cùng đi xuống đường Catinat, ngồi lại bờ sông như hồi chưa cưới, ăn trưa ở Chợ Cũ rồi về nhà dì Tám, không thăm ai hết ngoài trạng sư Loye và linh mục Tricoare để trả ơn họ nhiều lần đi thăm tôi trong Khám Lớn. Chiều và tối hôm đó, hai người một xe kéo, tay trên vai, tụi tôi dạo phố Sài Gòn, Chợ Lớn chuyện trò tâm tình nhiều hơn là xem cảnh vật. Sáng ngày tụi tôi cà rịch cà tang trên xe lửa về thị xã Tân An. Tôi đi thăm trường học xưa bên bờ sông Vàm Cỏ. Bao nhiêu là kỷ niệm sống lại trong lòng; nào thầy, nào bạn. Rồi phải trình diện với phó tham biện. Rồi về quê. Tụi tôi, hai người một cỗ xe ngựa, tiếp tục chuyện tâm tình, xa xa sau lưng, bao giờ cũng có vài chú kiếng râm theo “hộ vệ” không kín đáo chút nào. Về đến chợ Tầm Vu, tôi liền mua một bó nhang, một hộp quẹt. Bà con ở chợ nhờ quen biết với vợ tôi mà nhận ra tôi, mấy phút sau kéo đến xem chú Mười Ký như xem một vật lạ: Thuở nhỏ, tôi học ở trường tiểu học Tầm Vu (12), rồi từ vài chục năm nay, ít ai biết tôi đi đâu, chỉ nghe tin tôi làm gì. Ở góc trời hẻo lánh này không mấy ai bảo con trai họ theo gương chú Mười Ký, cực khổ, nguy hiểm lắm, nhưng rất nhiều người dạy con gái theo gương cô Sáu Đạo (13) tiết hạnh, thuỷ chung, giỏi việc nhà, ăn ở thuận hoà với mọi người. Tôi và vợ tôi đi về nhà bằng đường bờ vòng vèo. Còn vài trăm thước nữa mới tới vuông tre của nhà tôi. Tôi thấy một đám đông, chắc có má tôi ở đó; tôi băng ruộng còn khô nẻ. Đúng má đây rồi, khăn điều vắt vai. Mẹ con ôm nhau, khóc, chỉ biết khóc không nói được một lời nào ngoài hai chữ: má! con! Mọi người đều khóc. Má tôi già đi nhiều; tóc đã bạc phơ, răng cửa còn hai chiếc. Mặt, cổ, vai đều ướt vì nước mắt của mẹ. “Con về lần này, ở nhà với má, tía con chết rồi, má hiu quạnh quá con ơi!”. Nghe đứt ruột. Tôi và vợ tôi xuống ruộng, đi đến mộ cha, thắp hương quỳ lạy tạ tội bất hiếu. Nhớ ngày nào cha tôi có bảo: “Tận trung là chí hiếu rồi đó”; biết vậy nhưng vẫn thấy mình lỗi đạo làm con. Các anh chị tôi và bà con xóm giềng kể lại rằng, gần lâm chung, cha tôi góp tàn lực, ngồi dậy, đứng lên, tay vịn vách, lần đi mấy bước, vừa đi vừa kêu tên tôi: “Ký ơi, Ký, con ở đâu?”; ai nấy chạy lại dìu cha tôi về giường, một lát sau, cha tôi tắt thở. Vậy là hình ảnh cuối cùng trong tâm trí của cha tôi là đứa con bất hiếu này! Mấy ngày liền, nhà tôi trở lại cảnh “tứ đại đồng đường” (14), vui vẻ hết sức. Trừ ra một ngày về thăm quê vợ, tôi ở luôn bên cạnh mẹ tôi, vợ tôi. Mẹ tôi, như năn nỉ: “ Má 75 tuổi rồi, cô đơn quá, con ở nhà với má cho đến khi má theo tía con, rồi con làm gì thì làm, đi đâu thì đi”. Vợ tôi biết tính chồng, không khuyên can gì hết, chỉ lo cơm nước thuốc thang. Cuộc sống ở gia đình sao mà đầm ấm quá! Người thì kể chuyện bên Tây, bên Tàu, ngoài Côn Lôn, trong Khám Lớn. Người thì kể chuyện cười rơi nước mắt, chuyện vợ tôi xuống chùa cô Ba Yến học dệt vải, học làm tương, đi tu mà không chịu xuống tóc, trong túi bao giờ cũng có quyển Lục Vân Tiên và hình Trần Văn Giàu. Chuyện xảy ra lúc tôi thoát ly gia đình đi làm cách mạng chuyên nghiệp, không ai biết tôi ở đâu, làm gì, sống hay chết; có một quan huyện chết vợ toan đi hỏi vợ tôi mà ông ấy tin rằng đã goá chồng, vừa đẹp, vừa giàu, lại nết na, chưa con. Vợ tôi xin phép cha mẹ tạm lánh ở chùa dưới chợ Tham Nhiên, để tránh người nói hỏi phiền phức. Một hôm có người bạn tù cũ từ Mỹ Tho qua Tân An thăm tôi, khẽ bảo: Xứ uỷ dự tính anh sẽ trong Uỷ ban khởi nghĩa. Tôi hết sức dè dặt trả lời cho bạn: - Chân ướt, chân ráo mới về, tôi biết gì mà vào Uỷ ban khởi nghĩa? Chuyện đó chưa nói được. Tôi dè dặt trả lời. - Anh hãy kíp kíp vào bí mật trở lại đi. Tụi nó đến bắt, e khi anh trở tay không kịp, chớ chủ quan mà chết. - Thong thả một chút. Chưa uống hết một góc tể thuốc. Tôi cần chữa bệnh. - Nước tới trôn mới nhảy, nhảy sao được? Tôi nghĩ rằng anh bạn cảnh cáo tôi như vậy là đúng quá, nhưng về phần mình, tôi phải dè dặt trong sự giao thiệp, vả lại tôi đã vốn lập luận chủ quan từ ngày còn ở “biệt thự S” rằng Pháp chưa bắt tôi từ trước đầu mùa thu, mà nay mới là đầu mùa hè. 4. Đã sầu chia ly Sum họp gia đình được bảy ngày. Ngày thứ tám, vợ tôi xin phép về Bình Trị để bắt đầu chuẩn bị cho mùa lúa tới, hẹn hai hôm, phơi giống xong sẽ quay trở lại. Nào dè, tối hôm đó, cửa ngõ vừa gài, đèn vừa lên, kế hoạch liên hoan ngày mai vừa đặt, thì ngoài cổng có tiếng gọi: chú Mười có nhà không? Chú Mười có nhà không? Có khách, có khách! Nghe lạ tai, tôi sanh nghi. Chắc có biến. Làm sao bây giờ? Có thể lẩn ra vườn sau, vườn rộng, trời tối, ai biết tôi ngồi ở đâu, đi ngả nào? Nhưng, nếu cò Tây, làng lính đến bắt tôi mà chúng nó biết rằng mới hồi chiều đây tôi còn ở nhà thì chúng nó có thể sẽ bắt mẹ tôi để tìm ra tôi, đó là điều tôi không muốn. Vả lại, mấy ngày rày, tôi chưa hoạt động chính trị gì hết thì dù tôi bị bắt, Tây chỉ có thể đưa tôi đi trại tập trung là cùng, bắt tôi đi trại tập trung ở núi cao rừng sâu thì cũng giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, sợ gì? Tôi bèn ra mở cửa ngõ. Hương chủ Mai ở Tầm Vu, Phủ Hoài và cò Tây ở Tân An, mấy tên làng lính theo sau, tụi nó đi bắt mình đây. - Quan trên mời chú Mười lên Sài Gòn. Tôi mời các ông vào nhà xơi nước đã. Vào nhà, thằng cò đọc lệnh Thống đốc Nam Kỳ. Tôi dịch ra cho má, anh chị và cháu tôi nghe. Mọi người khóc ròng, trừ anh Năm tôi, ổng nắm tay trừng mắt, chòm râu cằm run run. Tôi sợ ổng vồ tới bóp cổ hương chủ Mai, và như vậy sẽ sinh ra đổ máu. Anh Năm tôi vốn là một chiến sĩ khởi nghĩa năm 1916 (16), đã tham dự trận phá Khám Lớn Sài Gòn. Tôi để tay lên vai anh và thưa với mẹ: “Má yên tâm, con sẽ về với má”. Thằng Tây bảo lính dẫn tôi đi, không còng trói gì hết. Má tôi té xỉu xuống đất. Ra tới cửa ngõ, tôi sực nhớ đến vợ: mai sáng, được tin không lành, chắc vợ tôi cũng té xỉu xuống đất như mẹ tôi. Một trại tập trung được hối hả dựng lên ở Tà Lài, tỉnh Biên Hoà, dành cho cựu chính trị phạm và một số người “nguy hiểm” ở Nam Kỳ. (Còn tiếp) Chú thích (của người biên tập) (1) Nguyễn Hữu Trí (?-1916) một trong những người cầm đầu Thiên Địa Hội năm 1916 tổ chức hàng trăm nghĩa sĩ giáo mác xông tới Khám Lớn phá ngục để giải cứu lãnh tụ Phan Xích Long. Phan Xích Long (1893-1916) tên thật là Phan Phát Sanh, tức Lạc, thủ lĩnh các hội kín mang màu sắc tôn giáo ở Nam Kì đầu thế kỉ XX trong phong trào Phản (chống) Pháp Phục Nam. Ông tự xưng là Đông Cung, con vua Hàm Nghi, rồi tự phong Hoàng Đế. Năm 1913, tổ chức đặt bom ở Sài Gòn, bị bắt. Trong cuộc “Cứu Đại Ca” năm 1916, Nguyễn Hữu Trí bị chết. Sau đó, Phan Xích Long và 56 nghĩa sĩ khác bị xử tử hình. Xem thêm Wikipedia (http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_X%C3%ADch_Long) và Văn nghệ Sông Cửu Long (http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=3831&LOAIID=3&TGID=868). (2) Nguyễn Hữu Thế, giáo học, bị kết án 7 năm tù (1935-1942), 10 năm quản thúc (theo Nguyên Hùng: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=17085.20) (3) Nhà sư Thiện Chiếu (1898-1974) tên là Nguyễn Văn Giảng hay Nguyễn Văn Tài quê quán tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ông xuất gia từ nhỏ, học vấn uyên thâm. Từ năm 1923, trụ trì ở chùa Linh Sơn, khởi xướng phong trào chấn hưng và canh tân Phật giáo ở Nam Kì, từng ra Hà Nội bàn bạc việc thống nhất Phật giáo. Ông là nhà sư đầu tiên tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Đảng cộng sản Việt Nam. Xem tiểu sử http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?idcha=3609&cap=2&id=5535 (5) Hà Huy Tập (1906-1941), tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương (1936-1938) trước khi bị bắt giam Khám Lớn. Khi Nam Kì khởi nghĩa bùng nổ, ông ở trong tù (vì một án khác), nhưng vẫn bị quy “trách nhiệm tinh thần” và bị xử tử hình cũng như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần. Được đào tạo ở Liên Xô, cũng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, ông đi theo đường lối tả khuynh giáo điều của Stalin, từng phê phán nghiêm khắc đường lối “cải lương”, “hợp tác”, “tàn tích quốc gia chủ nghĩa”, “tàn tích tư sản” của Nguyễn Ái Quốc. Xem tiểu sử đầy đủ: Wikipedia (http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_Huy_T%E1%BA%Adp), Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30291&cn_id=159999) (6) tức Nguyễn Khánh Toàn (đừng nhầm với người trùng tên, hiện làm thứ trưởng Bộ công an, nổi tiếng qua vụ Cô gái Đồ Long bị bắt giam khẩn cấp). Nguyễn Khánh Toàn (1905-1993) sinh tại Vinh, quê quán ở Hương Trà, Thừa Thiên. Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm năm 1926, tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh, nên bị thực dân đàn áp, không cho dạy học, cấm viết báo. Từ 1929 đến 1939 sang học ở Liên Xô, được giữ lại để đào tạo thanh niên Việt Nam sang học làm cách mạng. 1939-1945 ở Diên An (Trung Quốc). Sau Khởi nghĩa 1945, về nước, làm thứ trưởng Bộ giáo dục rồi phụ trách Ủy ban khoa học xã hội. Ủy viên trung ương ĐCS (1951-1976). Chủ trì nhiều bộ sách và công trình nghiên cứu chính thống, được nhiều giải thưởng và huân chương. Đọc lời mở đầu của ông cho bộ Lịch sử Việt Nam (1971-1989) mà ông đứng tên chủ biên thì thấy ít sử học và nhiều đao búa. (7) Thermidor (Tháng nóng): nguyên thủy là một trong 12 tháng của Lịch cộng hòa, do Cách mạng Pháp lập ra để thay thế Lịch Gregor thông dụng (và ngày nay vẫn được sử dụng phổ biến). Tháng Thermidor là tháng thứ 11, khoảng từ 19 tháng 7 đến 17 tháng 8. Trong ngôn ngữ chính trị Pháp, Thermidor hay 9-Thermidor chỉ ngày 27 tháng bảy 1794, là ngày phe Robespierre (chủ xướng chính sách Khủng bố) bị lật đổ; “Thermidor” do đó được phe “tả” coi là một cuộc phản cách mạng, chuyển Cách mạng Pháp từ thời kì Jacobin sang chế độ độc tài của Napoléon Bonaparte (xem bài viết của Trostky: Thermidor and Bonapartism http://www.marxists.org/archive/trotsky/1931/xx/thermidor.htm) (8) Điển tích trong truyện Tam Quốc, Khổng Minh sang Đông Ngô, tranh luận với các đám “quần nho” của Tôn Quyền, bác bỏ từng lí lẽ của họ, thuyết phục Đông Ngô liên minh với Lưu Bị chống Tào Tháo. (17) “Triệu tử”: cả hai bản chúng tôi có trong tay (bản in và bản “số hóa”) đều viết như vậy. “Triệu tử” không có lẽ là Triệu Vân tức Triệu Tử Long, nhân vật Tam Quốc Chí. Xin đợi những độc giả cao minh chỉ giáo. (10) Bót Catinat: Sở công an thực dân, ở góc đường Đồng Khởi (xưa là Catinat, rồi Tự do) và Nguyễn Du, nay là trụ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (11) Alsace Lorraine: vùng đất cực đông của nước Pháp, giáp ranh nước Đức, năm 1871, bị đế quốc Đức sáp nhập, sau Thế chiến lần thứ nhất (1914-18) nước Pháp mới khôi phục được. Từ năm 1871 trở đi, trong tâm tương của dân tộc Pháp, Alsace Lorraine trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, thiết tha với sự toàn vẹn lãnh thổ (và cả biến tướng của nó là chủ nghĩa dân tộc, lòng căm thù “bọn Đức” (Boches)). Không phải ngẫu nhiên mà năm 1940, dựng cờ kháng chiến, tướng De Gaulle lấy “thập tự Lorraine” (chữ thập có hai gạch ngang) làm biểu tượng. Năm ấy, Hitler tái chiếm vùng này và sáp nhập nó vào đế chế quốc xã, thanh niên Pháp quê ở tỉnh này bị bắt lính, tham gia quân đội, SS… gây ra nhiều tội ác ở Pháp cũng như ở Ba Lan, Liên Xô (họ bị gọi là lính Đức malgré eux – dù muốn dù không). (12) Tầm Vu, do đó, cũng là một bút hiệu của Trần Văn Giàu. (13) Sáu Đạo tức là bà Đỗ Thị Đạo, vợ ông Trần Văn Giàu (tên quen thuộc là Mười Ký, sau này là Sáu Giàu). (16) xem chú thích (1) về Nguyễn Hữu Trí. |
Tư liệu đăc biệt: Hồi ký Trần Văn Giàu: Giới Thiệu, Lời Nói Đầu, và trích đoạn “Câu chuyện mười năm đã kết thúc” (Diễn Đàn & Viet-Studies 19-12-10) ◄◄◄
Hồi ký
1940-1945
Trần Văn Giàu
ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU Ở nước ta, từ hai mươi, ba mươi năm nay, có hai cuốn hồi kí mà người ta tin rằng tác giả đã viết xong, nhưng chưa biết bao giờ mới được công bố. Người dân thường và các nhà sử học thì mong mỏi sớm được đọc toàn văn hai chứng từ lịch sử. Nhà cầm quyền, hay đúng hơn, công cụ chuyên chính của chính quyền, thì ra sức theo dõi việc biên soạn, lùng tìm những người đánh máy, tàng trữ, với hi vọng thu hồi được bản thảo, để hoặc thủ tiêu, cấm đoán xuất bản, hoặc cắt xén, thay đổi (dịch nôm hai tiếng “biên tập” -- (tiếng) nước ta nó thế) trước khi cho xuất bản. Tình cờ hay không, tác giả hai tập hồi kí huyền thoại ấy, hai cá tính rất khác nhau, lại có những điểm tương đồng kì lạ. Họ đều là những nhân vật lịch sử, đã góp phần làm nên lịch sử Việt Nam thế kỉ XX. Do số phận trắc trở, sinh thời họ đã trở thành những nhân vật huyền thoại, trong tưởng tượng của những người hâm mộ hay tò mò, thù ghét hay quý mến. Cả hai đều ra đời trên đất nước Việt Nam đau thương, người tháng trước, kẻ tháng sau, vào cùng năm 1911, cách đây gần đúng một trăm năm. Mỗi người một cách, cả hai đã làm nên lịch sử. Lại đã từng dạy sử (một người dạy sử trước khi làm nên lịch sử, một người ngược lại), hơn nữa, cả hai, về cuối đời, đều trở thành chủ tịch danh dự của Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Thêm một trùng hợp nữa, cách đây tám thập niên, ở xa nhau vạn dặm, họ đều viết về “ vấn đề dân cày ” ngày nay vẫn còn nóng bỏng, vấn đề của những vấn đề Việt Nam thế kỉ XX. Nhưng nếu có một lí do quan trọng hơn mọi lí do khiến mọi người mong muốn tìm đọc hồi kí của họ, thì đó là: tên tuổi đã đi vào lịch sử, quyền bính có lúc ở tột đỉnh, nhưng họ đã trải qua những oan khuất kì bí vì họ không được lên tiếng giãi bày, còn người gây ra oan khuất lại nắm giữ quyền cao chức trọng, chỉ nhỏ giọt những lời lên án, vu khống họ bằng lời rỉ tai, xì xầm (cùng lắm thì “phổ biến miệng trong họp tổ”). Hai nhân vật ấy, không nói, nhiều người cũng đoán ra: Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu. Từ đầu năm 2010, bước sang tuổi bách niên, hai ông đã phải nằm bệnh viện. Lễ mừng thọ (truyền hình) của họ diễn ra trên giường trắng, trong tháng 8 và tháng 9. Ông Trần Văn Giàu vừa từ trần ngày 16.12.2010. Đêm hôm ấy, viết đôi dòng về cuộc đời giáo sư họ Trần, tôi ước mong sớm được đọc trên mạng tập hồi kí của ông trong một văn bản toàn vẹn, không bị cắt đục, vo tròn hay bóp méo. Bài viết đưa lên mạng Diễn Đàn, anh Trần Hữu Dũng đưa tiếp lên trang Viet-Studies và gửi thư hỏi tôi: Chưa có bản hồi kí sao? Hóa ra anh cũng đã nhận được một bản “số hóa” mà Trần Văn Giàu nói tới trong Lời nói đầu (dưới đây). Không phải là bản điện tử, nên chúng tôi phải tổ chức đánh máy lại. Tác giả chưa rà lại bản in này, mà sự việc kể lại trong đó lại xảy ra cách đây hơn 60 năm, nhân vật nhiều khi được gọi bằng bí danh, nên nhất thiết phải sửa lỗi chính tả và lỗi đánh máy, thêm chú thích và nếu cần, chú giải (việc này đòi hỏi nhiều công phu, mà những hiểu biết của chúng tôi không đủ). May thay, ý muốn được đọc một văn bản hoàn chỉnh không phải chỉ chúng tôi mới có. Anh Trần Hữu Dũng vừa “hô” trên mạng, đã có ngay năm bảy bạn đọc, người ở trong nước, người ở đôi bờ Đại Tây Dương, sốt sắng hưởng ứng. Nhờ vậy, ban biên tập Viet-Studies và ban biên tập Diễn Đàn vinh dự công bố Hồi kí Trần Văn Giàu. Chúng tôi bắt đầu, kỳ này, bằng Lời nói đầu của tác giả (viết năm 1995), và chương Câu chuyện mười năm kết thúc (trong phần V, tức là phần cuối cùng, của Hồi kí). Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ lần lượt công bố theo thứ tự toàn văn tác phẩm. Đương nhiên, bản điện tử này sẽ tôn trọng nguyên tác, chỉ sửa những lỗi đánh máy và lỗi chính tả; trong phạm vi cho phép, sẽ thêm chú thích và chú giải cần thiết. Tất cả các bình chú ấy là của những người biên tập (trừ trường hợp của tác giả thì chúng tôi sẽ chua rõ). Vì đây là một chứng từ lịch sử, tuy biết bạn đọc nóng lòng, chúng tôi sẽ cố gắng làm nhanh nhưng không vội, theo đúng tiêu chí nói trên. Tuy nhiên, công việc này không khỏi có sai sót, rất mong nhận được sự chỉ dẫn của bạn đọc. Bản đã lên mạng rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn chỉnh và cập nhật, những thay đổi (nếu có) về nội dung sẽ được ghi rõ ngày tháng để tiện việc tra cứu. Đây cũng là dịp để tập hợp những hình ảnh liên quan tới tác giả và những nhân vật nói tới trong hồi kí (trong chừng mực có thể, sẽ ghi rõ nguồn gốc). Thay mặt hai ban biên tập, chúng tôi xin thành thực cảm ơn tất cả các bạn xa gần đã góp phần vào việc chuyển giao bản thảo, đánh máy, chỉ dẫn... để tập Hồi kí Trần Văn Giàu này đến tay bạn đọc năm châu. Nguyễn Ngọc Giao 19.12.2010 |
Tôi viết tập “hồi ký” này từ cuối những năm 1970. Viết xong, tôi nhờ anh em ở Long An ̶ tỉnh nhà ̶ đánh máy; ý muốn viết hồi ký để con cháu xem chớ không phải để in ra thành sách, vì trong hồi ký có lắm chuyện “không lấy gì làm hay”, buồn nữa là khác. Nhưng vài ba anh em Long An, không xin phép tôi, tự ý đánh máy thêm mấy bản, chỉ giao lại cho tôi hai bản, họ giữ mấy bản tôi không biết, nhưng tôi được biết họ đã chuyền tay đọc khá rộng. Nhiều bạn bảo tôi cứ phát hành tập hồi ký này đi. Tôi không ưng. Có lý do.
Tôi thấy rằng không ít hồi ký đã được in ấn kể sự việc rất hay mà cũng chen vào một ít điều hoặc tác giả bịa hoặc lúc nghe kể đã thất thiệt. Viết hồi ký trước hết là viết những điều mình mắt thấy tai nghe và tự làm là chính, mà viết về mình thì dễ “chủ quan”: bớt cái dở thêm cái hay là điều khó tránh khỏi; tôi ngập ngừng khi định viết hồi ký là vì vậy. Nhưng có một số việc, nếu mình không kể lại thì không ai biết, không ai nhớ, không ai viết, không ai làm sáng tỏ cho mình bằng mình. Thành ra viết hồi ký vừa là đóng góp sử liệu vừa là yên ủi mình. Trong lịch sử dù là lịch sử của một khoảng đời ngắn ngủi, mình chỉ là một tiếng của ngàn trùng ngọn sóng trên biển sôi động: ghi lại một tiếng, thật ra có nghĩa lý gì lớn lắm đâu, có thêm bớt gì lắm đâu? Nhiều lắm thì làm cho một số người mất thì giờ đọc, hay mất tiền mua. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; tục ngữ thì như vậy. Song, da, dầu là da cọp, nhiều năm rồi sâu mọt đục cũng hết. Tiếng, trừ ra tiếng của một số ít vĩ nhân, làm sao mà còn mãi với thời gian? Năm trăm năm sau cách mạng tháng Tám, dân ta sẽ còn nhớ chỉ tên của một mình cụ Hồ, mình ông Giáp. Cho nên, viết hồi ký này, tôi chỉ mong cho cháu một đời sau mình biết được rằng ông nó đã gắng sức làm tròn trách nhiệm ở đời, đã sống có nhân cách. Thế là đủ.
Tôi chỉ viết hồi ký khoảng thời gian 1940-1945 vì đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời dài quá 80 năm, xấp xỉ 90 năm. Tôi viết “Lời nói đầu” này ngày 27 tháng 10 năm 1995, sau khi tôi đọc lại bản hồi ký lần thứ ba.
Trần Văn Giàu
Câu chuyện mười năm đã kết thúc
Việc gì rồi cũng phải có kết thúc, duy kết thúc hay dở, đúng sai là vấn đề khác. Một ngày, tôi nhớ đâu là đầu năm 1988, tốt trời, tôi được Lê Đức Thọ[1] mời dự buổi chiêu đãi ở T.78[2] với một số đồng chí. Tôi lấy làm lạ: là bởi vì, ở Hà Nội từ 1954 đến 1976, anh Thọ chưa hề đến nhà riêng tôi, chưa hề gọi tôi lên văn phòng hay nhà riêng của anh. Còn tôi thì tôi quen cái tánh “ mọi rợ ” là chưa bao giờ tự mình đến thăm bất cứ ai có chức, có quyền lớn hơn tôi – trừ trường hợp duy nhất là cụ Tôn Đức Thắng mà tôi thỉnh thoảng lên thăm, trước hết là vì anh Hai Thắng cứ vài ba tháng thì xuống thăm hai vợ chồng tôi một lần.
Bữa chiêu đãi hôm đó của anh Thọ, có mặt bốn người được mời: chị Năm Bi[3], Tào Tỵ[4], Tô Ký[5], và tôi – Trần Văn Giàu.
Ăn uống, trò chuyện thân mật. Không có riêng bàn về vấn đề gì cả.
Lúc buổi tiệc tàn, anh em sắp chia tay, thì tôi xin nói một tâm sự, nói với Thọ, giữa Bi, Tỵ, Ký:
Thọ hứa, hứa trước mặt chị Năm Bi, anh Tào Tỵ, chú Ba Tô Ký.“Tôi cảm ơn anh Sáu mời cơm với các bạn đều là quen thân từ lâu. Tôi có việc tâm sự cần nói với anh Sáu, có các anh chị nghe, nghe tôi và nghe anh Sáu sẽ nói sau. Các đồng chí cho phép tôi nói lối nói ở trong tù, tôi và Thọ cùng ở banh 1[6], khám 8; Côn Lôn những năm 1935/1936. Đồng ý chứ?
– Tao là Giàu, mày, ở khám 8, banh 1, là Khải, Phan Đình Khải[7]; hôm nay chúng ta nói chuyện thân mật như cách đây mấy mươi năm, khi còn ở ngoài Côn Lôn. (Tới đây, thì Thọ liền nói với các đồng chí khách kia: hồi ở khám, ở banh tụi mình gọi nhau bằng mày tao như vậy đó, không khi nào có thưa anh, thưa chú; hồi ở Côn Lôn chính Giàu dạy tôi học chủ nghĩa Mác-Lênin, chớ trước đó mình có học gì bao nhiêu đâu!).Tôi nói với Thọ: “Chúng ta là những người quá 70 tuổi, xấp xỉ 80 rồi, sắp đi theo cụ Hồ rồi. Mấy mươi năm nay, tao chịu những cái hàm oan mà mày, Khải, mày biết hết, biết rõ trắng đen. Chúng ta đều muốn đi theo cụ Hồ một cách thanh thản. Vậy lần này, Thọ về Hà Nội hãy có quyết định rõ, bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương về tất cả những điều người ta vu cáo cho Giàu, được không? ”
Chủ khách chia tay nhau trong vui vẻ, thân ái nữa.
Một tháng sau, ủy viên thường vụ Thành ủy là Bảy Dự[8] đến nhà tôi, đem cho tôi một bức thơ, mở ra, thấy cái quyết nghị của Ban Tổ chức Trung ương mà tôi chờ đợi mấy chục năm nay. Người ký tên không phải là Lê Đức Thọ mà là Nguyễn Đức Tâm, đương chức bí thư phụ trách tổ chức như Thọ trước đây. Tôi đọc lên cho Dự nghe. Vả lại bức thư không niêm, chỉ chuyển tải quyết nghị. Chắc ở Trung ương có bản lưu: bốn việc tố cáo, vu cáo, quyết nghị này cho là không căn cứ ; còn một vụ là Deschamps 1935 thì quyết nghị nói rằng tôi, Giàu, có chịu trách nhiệm.
Tôi tuyên bố ngay với Bảy Dự rằng tôi không bằng lòng và tôi sẽ cãi. Dự bảo với tôi rằng, như thế này thì tốt lắm rồi, cãi làm gì nữa. Tôi nói lại rằng tôi sẽ nhờ Thành ủy gởi cho Ban Tổ chức một bức thơ để tỏ rõ lại mọi việc. Tôi đã viết và gởi bức thơ đó, trong ấy không có gì lạ hơn là hai bức thơ trả lời cho tôi của đồng chí Nguyễn Văn Trân (Prigorny)[9] và đồng chí trưởng ban Lịch sử Đảng thành phố – đã chép lại bên trên và đã photocopy. (Xin xem Phụ lục dưới đây).
Một tháng sau nữa, tôi được giấy của Ban Tổ chức Trung ương cho đi Liên Xô nghỉ hè ở Sotchi (Hắc Hải).
Tôi gởi lại cho Ban Tổ chức cái giấy mời ấy với lời cảm ơn thành thật và lời cắt nghĩa vì sao tôi không đi nghỉ mát ở Hắc Hải, dù ý thì rất muốn (mấy chục năm nay tôi chưa được cho đi nghỉ mát ở Liên Xô lần nào). Tôi trình bày lý do là: Từ năm 1930, tôi để vợ trẻ[10] của tôi ở nhà một mình, đi mãi, đi miệt, đi làm “cách mạng chuyên nghiệp”. Từ 1930 đó cho đến sau Genève, tôi chỉ được về nhà hai lần, một lần hơn tháng, một lần 9 ngày; hoạt động bí mật, ở tù, có vợ mà bỏ vợ ở nhà mãi; tôi kháng chiến ở Bắc, vợ kháng chiến ở Nam, hai đứa không ở gần nhau như vậy là gần một phần tư thế kỷ, hết tuổi trẻ. Nay, hoà bình lập lại, tôi không đi nghỉ hè đâu xa mà không có vợ tôi cùng đi. Vậy xin gởi lại giấy mời với lời cảm ơn thành thật chớ không phải là chút hờn mát nào, xin các đồng chí ở tổ chức biết cho.
Không tới một tuần sau, Ban Tổ chức Trung ương gởi vào giấy cho vợ tôi cùng đi nghỉ mát hơn một tháng ở Hắc Hải, viếng Moscou, Lêningrad. Đó là vào năm 1988 thì phải, tôi nhớ không rõ. Kiểm lại, tôi thấy trong hơn ba, bốn mươi năm bị hàm oan, tôi không hề rời công tác, việc gì giao cho dầu nhỏ tôi cũng làm tròn, không giao việc gì thì tôi viết sách, viết báo, dạy học và tôi đã đạt những thành tựu tôi mong muốn, giữ vững tư cách đảng viên, giữa vững nhân cách Việt Nam.
Phụ Lục:
Thư của Trần Văn Giàu
gởi Ban Tổ chức Thành ủy
và Ban Tổ chức Trung ương
Ngày 13 tháng 5 năm 1988, đồng chí Bảy Dự trao cho tôi, tại 70 Phạm Ngọc Thạch, bản “Kết luận một số vấn đề tồn tại về lịch sử đồng chí Trần Văn Giàu” (số 182 – CV/TW) do đồng chí Nguyễn Đức Tâm ký.Kính gửi: Ban Tổ chức Thành ủy
Đồng kính gửi: Ban Tổ chức Trung ương
Thế là “chung thẩm” rồi! Song tôi thấy cần nói vài lời:
1) Rất buồn là việc đã xảy ra từ 1945 đến 1988 mới có kết luận. Kết luận mà không có tranh biện giữa bên tiên cáo và bên bị cáo. Dù sao, vẫn có kết luận và tôi xin thành thật cảm ơn các đồng chí đã quan tâm đến việc của tôi trong lúc trăm công ngàn việc bối rối, đã kết luận căn cứ vào một phần lớn sự thật khách quan, và đã giải quyết phần lớn các vấn đề làm cho tôi đỡ tủi phận.
2) Về vụ vượt ngục Tà Lài. Bản kết luận viết: “Chưa có chứng cớ gì là Pháp tổ chức cho đồng chí Giàu vượt ngục”. Đáng lẽ phải nói: “Không có chứng cớ gì… ” ; việc đã xảy ra từ 1941, đợi tới bao giờ mới có bằng cớ mà nay hãy còn nói là chưa? Không phải một mình tôi vượt ngục, có cả Tô Ký, Năm Đông[11] v.v.… họ còn sống, có Tào Tỵ biết rõ mọi việc. Đáng lẽ phải hỏi tội vu cáo của kẻ nào cố ý bày chuyện hại người ngay trong lúc làm khởi nghĩa tháng Tám, có hậu quả ghê gớm hơn 40 năm trường. Hỏi tội cho biết vậy thôi, chớ cũng sống chết cả rồi, còn hơn thua làm chi.
3) Về vụ Deschamps[12]: “Việc khai nhận (của đồng chí Giàu) gây tổn thất cho phong trào cách mạng Nam Bộ và gây tổn thất cho đường giao liên quốc tế”. Đúng là tôi không được anh hùng như Trần Phú: Trần Phú không hở môi. Tôi có hở môi, nhận một số việc đã rồi, nghĩa là có trách nhiệm trong sự tổn thất. Song, Nguyễn Văn Trân (Prigorny) còn sống, làm chứng rằng người khai ra Deschamps không phải là tôi, không một ai bị bắt vì tôi khai, cả chỗ ở tôi, ở Phú Lạc (xóm của Trân – tôi ở hai kỳ, rất lâu) không ai thấy Giàu dắt Tây về bắt người tra khảo. Nay tôi về đó, bà con vẫn còn quý mến như xưa. Mà người khai Deschamps cũng không phải là người phát giác. Kẻ phát giác là thợ Sáu, chồng giả của chị Mười Tốt, chánh hiệu mật thám, mà một đồng chí trong Xứ ủy đưa vào Thành ủy phụ trách liên lạc quốc tế! Tay này không bị bắt trong cuộc lại còn đi thăm anh em, rồi sau đó đã có lần toan đánh lừa chị Bảy Huệ[13] nữa, may chị Huệ sanh nghi nên thoát khỏi. Ta bị địch vào cấp ủy. Mà ta cứ đổ cho nhau, đáng tiếc thay! (chánh thằng thợ Sáu đó đón tôi ở Hồng Kông về, gởi ở nhà một sốp-phơ, hai ngày sau, tôi bị bắt, cả sốp-phơ kia và Sáu an toàn). Tôi làm việc liên lạc quốc tế từ 1933 đến cuối 1934, với Ba Nhâm (thành ủy viên thời Minh Khai). Nhâm[14] nay còn sống, gần 80 tuổi. An toàn tuyệt đối. Tôi đã giao việc cho anh khác từ tháng 12/1934.
4) Điểm 5 của Kết luận nói tôi làm sai đường lối Trung ương. Sai với đường lối, thì sai thật. Nhưng mà tôi có biết đường lối của Trung ương là thế nào đâu? Trung ương có gửi ai vào trực tiếp với tôi đâu?
Chú thích (của biên tập viên)
[1] Lúc này, hơn một năm sau Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Lê Đức Thọ không còn ở trong Bộ chính trị Trung ương nữa. Trong những ngày trước Đại hội, ông đã lèo lái mọi cách để ông Trường Chinh không ở lại tiếp tục làm tổng bí thư, tạo thêm đà cho cuộc đổi mới (ông Phạm Văn Đồng bị lung lạc, đã dùng nước mắt để thuyết phục ông Trường Chinh, nhân danh sự “đoàn kết nội bộ”). Ba người rút ra làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương khóa VI. Với thế lực của bộ máy tổ chức, an ninh, đối ngoại, quân đội, Lê Đức Thọ tiếp tục nắm giữ nhiều quyền hạn, cho đến ngày ông mất (tháng 10.1990).
[2] Khu trụ sở các ban trung ương của ĐCSVN ở thành phố Hồ Chí Minh (phường 7, quận 3) tiếp giáp các đường Trần Quốc Thảo và Lý Chính Thắng. T.78 là tên gọi của Cục quản trị, phụ trách các cơ ngơi của ĐCSVN. Nhà ở “phía nam” của các ủy viên Bộ chính trị nằm ở đây.
[2] Khu trụ sở các ban trung ương của ĐCSVN ở thành phố Hồ Chí Minh (phường 7, quận 3) tiếp giáp các đường Trần Quốc Thảo và Lý Chính Thắng. T.78 là tên gọi của Cục quản trị, phụ trách các cơ ngơi của ĐCSVN. Nhà ở “phía nam” của các ủy viên Bộ chính trị nằm ở đây.
[3] Tức là bà Hồ Thị Bi (Hồ Thị Hoa). Thành lập và chỉ huy “Chi đội 12” (tiền thân của Trung đoàn 312) đã lập nên những chiến công hiển hách từ cuối năm 1945 ở vùng Hóc Môn. Lúc này bà mới tập đọc, tập viết, ký tên BI trông như ba con số 131, nên quân đội Pháp ở vùng này gọi bà là “Madame 131”. Có thể đọc thêm Nguyên Hùng: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng.
[4] Nhà cách mạng lão thành, hoạt động cách mạng từ những năm 1930 ở Bạc Liêu. Làm nghề họa đồ, nên còn có tên là “Họa đồ Lý”. Có thể đọc tiểu truyện của ông trong Tuyển Tập Nguyên Hùng: Tà Lài tụ nghĩa (Hồi thứ nhất: Vì Việc Nghĩa Tào Tỵ Thọ Nạn Tới Gia Định Gặp Bạn Công Trung).
[5] Thiếu tướng Tô Ký sinh năm 1922 (Wikipédia viết 1919), tại làng Bình Lý, Hóc Môn (nay là xã anh hùng Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, năm 17 tuổi bị bắt giải đi căng Tà Lài (1940). Đầu năm 1942, ông cùng 7 đồng chí vượt ngục và bị bắt giải lên Bà Rá cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3,1945. Ông là một trong những người lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, sau là Chi đội 12. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được thăng thiếu tướng, Chính ủy quân khu. Ông mất mùng 2 Tết năm Kỷ Mão (1999). Theo Nguyên Hùng: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng (“TIỂU TƯỚNG” TÔ KÝ CHINH PHỤC “NGƯU MA VƯƠNG”)
[6] Banh (từ tiếng Pháp bagne): trại giam. Ở Côn Đảo, có nhiều banh, mỗi banh gồm nhiều khám. Thời Pháp, có 4 banh: banh 1 (trại Phú Hải), banh 2 (trại Phú Sơn), banh 3 (trại Phú Thọ), banh 3 phụ (trại Phú Tường), Chuồng Cọp, Chuồng Bò. Thời Mỹ, thêm trại 5 (Phú Phong), trại 6 (Phú An), trại 7 (Phú Bình, còn gọi là Chuồng Cọp Mĩ, phân biệt với Chuồng Cọp Pháp), trại 8 (Phú Hưng). Tổng cộng 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng biệt lập Chuồng Cọp. Các tên “Phú…” được đặt ra dưới thời Nguyễn Văn Thiệu sau Hiệp định Paris, khi quần đảo Côn Sơn được gọi tên là Phú Hải.
[7] Phan Đình Khải là tên thật của ông Lê Đức Thọ. Cả hai đều sinh năm 1911: Trần Văn Giàu ngày 6 tháng 9, Lê Đức Thọ ngày 14 tháng 10.
[8] Bảy Dự: bí danh của Nguyễn Võ Danh, từng giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM, Phó bí thư Thành ủy Đảng bộ TP HCM của ĐCSVN.
[9] Tức Bảy Trân (đừng nhầm với Nguyễn Văn Trấn “ông già Chợ Đệm”), sinh năm 1908, sang Pháp (Marseille) năm 15 tuổi. 19 tuổi, sang Liên Xô học trường Stalin (1927-1930), cùng khóa Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Dương Bạch Mai, Trần Đình Long, Bùi Ái. Bí mật về nước năm 1930. Một trong những đảng viên cộng sản hiếm hoi đã tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của đạo Cao Đài và hàng ngũ Bình Xuyên. Cũng đã từng làm liên lạc giữa Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu với những trí thức yêu nước như Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Thiều... Xem thêm: Nguyễn Văn Trân, người cảm hóa giang hồ Bình Xuyên trong Nguyên Hùng (sách đã dẫn).
[10] Bà Đỗ Thị Đạo. Khi Trần Văn Giàu bị trục xuất từ Pháp về (19 tuổi, năm 1930), cha mẹ ông buộc phải cưới vợ “cho tròn chữ hiếu”. Cuốn hổi ký này, ông đề “tặng vợ tôi, bà Đỗ Thị Đạo, người vợ trung thành, người đàn bà theo đúng truyền thống Việt Nam và truyền thống gia đình”.
[11] Năm Đông: tức Dương Quang Đông, tức Dương Văn Phúc (1902-2003). Ông Năm Đông là nhà cách mạng lão thành đã tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sớm hoạt động trong Công hội Đỏ của cụ Tôn Đức Thắng. Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kì. Trong thời kháng Pháp, ông là Phó phòng Hàng hải Nam Bộ, phụ trách văn phòng thường trực của ta ở thủ đô Xiêm quốc, Bangkok. Ông đóng vai doanh thương có cửa hàng xuất nhập cảng lớn tại thủ đô Bangkok, mua sắm tàu biển chở súng đạn, hóa chất, máy móc về nước đánh Tây. Trong cuộc sống đầy gian nguy giữa hàng ngũ mật vụ Pháp bố trí dày đặc ở Xiêm, dưới cái tên Xiêm là Nai Chran ông vẫn bình tĩnh làm tròn sứ mạng của mình cho tới ngày bị phe đảo chính bắt. Xem tiểu sử đầy đủ trong cuốn Dương Quang Đông xuyên Tây của Nguyên Hùng (sách đã dẫn). Những năm cuối đời, tuy tuổi cao, ông vẫn lên tiếng chống tiêu cực và sự lưu manh hóa hàng ngũ đảng (như tố cáo sự gian trá của tướng Lê Đức Anh).
[12] Deschamps là đảng viên Đảng cộng sản Pháp, làm thuyền trưởng. Trong cương vị này, ông làm giao liên giữa hai đảng, và cung cấp sách báo tài liệu cho ĐCSVN. Deschamps bị bắt năm 1935 cùng với Trần Văn Giàu. Các nhân chứng ông Giàu kể trong thư này, và nhiều người khác đều cho biết ai là người tố giác và khai báo về Deschamps và Trần Văn Giàu (xem Nguyên Hùng, sách đã dẫn).
[13] Bảy Huệ tức Ngô Thị Huệ hoạt động cách mạng từ những năm 1930, hai lần tù. Bà kết hôn với ông (Mười Cúc) Nguyễn Văn Linh (tổng bí thư tương lai) năm 1948. Hai người gặp nhau lần đầu trước đó ba năm, khi Bảy Huệ thay mặt Tỉnh ủy Sóc Trăng ra đón đoàn tù trở về từ Côn Đảo.
[14] Ba Nhâm tức Trương Văn Nhâm hay Trương Quang Nhâm. Từng làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Một trong tám người vượt ngục Tà Lài (đợt 2) năm 1942, cùng với Trần Văn Giàu, Dương Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Châu Văn Giác, Trần Văn Kiết (Kiệt), Nguyễn Công Trung, Nguyễn Hoàng Sính (Đức), Tô Ký.