Chẳng biết cơn cớ gì mà báo chí đột ngột rộ lên thông tin 2 đại học quốc gia và 4 trường đại học khác được Bộ giao GD&ĐT quyền tự chủ trong tuyển sinh năm 2011, có nghĩa là không theo “3 chung” nữa. Đó là Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM cùng 4 trường, gồm: Ngoại thương, Sư phạm, Bách khoa Hà Nội, Y Hà Nội …
Câu chuyện khá sôi nổi khiến cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ngày 17/12 phải lên tiếng đính chính rằng, sự thực không hẳn như thế, đấy chỉ là một sự hiểu nhầm. Bộ chỉ đề nghị 6 trường (được Bộ gọi là trọng điểm) cùng với Bộ nghiên cứu đề xuất ý tưởng về cải tiến tuyển sinh. Còn năm tới vẫn tuyển sinh theo “3 chung”.
Nói như vậy chẳng hoá ra 6 đơn vị đã hiểu sai nội dung công văn của Bộ? Công văn, một loại văn bản hành chính không cho phép được hiểu sai, thậm chí hiểu hai nghĩa, ấy thế mà các nhà soạn thảo viết thế nào mà lại để các trường không hiểu được tinh thần của Bộ?.
Nói thế bởi không chỉ một trường, mà cả 6 trường, khi trả lời báo chí đều thể hiện thái độ sẵn sàng (hoặc chưa) với việc giao quyền tự chủ tuyển sinh vào năm tới. Nếu nội dung công văn chỉ đề nghị phối hợp cùng Bộ nghĩ cách cải tiến tuyển sinh, có lẽ chẳng trường nào lại trả lời báo chí như vậy.
Thực ra vấn đề cải tiến tuyển sinh, giao quyền tự chủ, đổi mới quản lý… không mới. Bộ vẫn đang để trên bàn Đề án đổi mới tuyển sinh với chủ trương một kỳ thi. Nay lại xuất hiện một phương án khác ngược lại, phủ định hoàn toàn phướng án một kỳ thi mà chỉ hai năm trước thôi, Bộ thống kê có tới khoảng 70% số trường đồng tình.
Cứ cho là sau hai năm, hoàn cảnh đã thay đổi nhiều. Thực tiễn thay đổi cần có những cách làm khác, điều đó là tất yếu khách quan, nhưng muốn thay đổi cho đúng nên có tổng kết. Ba chung thực hiện đã được 8 năm, nếu muốn thay đổi cũng nên có 1 hội nghị toàn quốc đánh giá xem cái gì được và vẫn còn tồn tại.
Dư luận quan tâm sự kiện này bởi nó xuất hiện rất đột ngột. Nếu đúng là có sự gợi ý thay đổi cách tuyển sinh như báo chí đề cập chưa có tiền lệ. Bởi thông thường, mọi thay đổi về thi cử đều phải thông báo trước một năm. Trong khi đó, từ nay đến mùa tuyển sinh tới chỉ còn 6 tháng.
Theo thông tin đính chính lại của Thứ trưởng Bùi Văn Ga về sự việc này, thực chất đây mới chỉ là “lấy ý kiến đề xuất, quá trình nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, còn phải qua nhiều bước”, còn phải “báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi áp dụng…”. Tuy nhiên, tới đây các trường có quyền đặt câu hỏi: Tại sao chỉ có 6 trường nói trên được đóng góp ý kiến về tuyển sinh mà các trường khác lại không? Trong đó có 3 đại học vùng, với hàng chục trường thành viên, lại ở 3 địa phương với những điều kiện kinh tế xã hội rất khác nhau?
Khó hiểu quá! Có lẽ thay vì giải thích này nọ, Bộ cứ đăng nguyên văn cái công văn gửi cho 6 đơn vị đại học kia lên mạng GD để mọi người hiểu./.
Ngô Thiệu Phong