Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Lê Công Phụng Nói Tới Cách Mạng Hoa Nhài

Tin liên quan: -Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tiếp phái đoàn báo chí Nam California


 -Lê Công Phụng Nói Tới Cách Mạng Hoa Nhài blog Trần Đông Đức
Trần Nhật Phong thực hiện Tue, 03/15/2011 - 00:58 — trandongduc 
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công PhụngLời BLOG: Đây là cuộc phỏng vấn do ký giả Trần Nhật Phong, Việt Weekly phỏng vấn ông Lê Công Phụng, đại sứ của nước CHXHCN Việt Nam trong chuyến viếng thăm thành phố San Diego. Nhận thấy cuộc phỏng vấn có những nội dung rất thời sự như Cách Mạng Hoa Nhài, Biển Đông, đảng Việt Tân, cảm tình tam giác Mỹ-Việt-Hoa rất là “giao lộ định mệnh” tràn đầy kịch tính…, blog của Trần Đông Đức xin giới thiệu đến độc giả bài phỏng vấn này với sự cho phép của Việt Weekly. Đây cũng là ấn bản điện tử đầu tiên vì Việt Weekly chỉ xuất bản bài này trên báo giấy ở Little Saigon - Quận Cam. Phần ở dưới đây là toàn bộ nguyên văn thực hiện phỏng vấn, xin mời các bạn xem nhé.

Việt Weekly phỏng vấn ông Đại sứ Lê Công Phụng về các vấn đề chính sách ngoại giao và quan tâm của cộng đồng Việt hải ngoại
LTS: Trong hai ngày đầu tuần qua, thứ Hai và thứ Ba, 28 tháng 2 và 1 tháng 3, 2011, phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, dẫn đầu là ông Đại sứ Lê Công Phụng đã đến thành phố San Diego để tổ chức diễn thuyết về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Trong dịp này, Việt Weekly có cơ hội tiếp xúc và trao đổi với ông Đại sứ về nhiều vấn đề liên quan tới chính sách ngoại giao và những quan tâm khác của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong hơn một giờ gặp gỡ, ông Đại sứ đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi nêu lên từ phía báo chí. Việt Weekly xin tường trình cuộc trao đổi.
°Bài: TRẦN NHẬT PHONG
Việt Weekly (VW): Ông Đại sứ Lê Công Phụng đánh giá chuyến đi này và nhiệm kỳ của ông tại Hoa kỳ trong suốt thời gian vừa qua?
Đại sứ Lê Công Phụng (LCP): Chuyến đi này, đây là lần đầu tiên tôi xuống, tôi cũng quá bận. San Diego quá đẹp. Mình không xuống đây là một thiệt thòi lớn. Xuống đây, tôi mới thấy là đúng với suy nghĩ của chúng tôi lâu nay, San Diego cũng như các nơi khác, chính quyền, nhân dân, giới doanh nghiệp, giáo dục, an ninh, tôi đều quí trọng tất cả. Trong trao đổi, trong làm việc, họ thể hiện tinh thần rất phù hợp với suy nghĩ của người Việt Nam.
Quan hệ Mỹ Việt trong quá khứ có những thăng trầm nhưng đến bây giờ là lúc hai bên phải cố gắng hết sức để thúc đẩy quan hệ đó. Tôi có gặp các trường đại học, có những bàn chuyện với các giáo sư, các lãnh đạo của các trường, gặp một số doanh nhân. Hai hôm nay, chúng tôi hoạt động liên tục.
Ngày Chủ Nhật, tôi cũng đã đánh golf với ông Ron Robert, Supervisor District 4, của San Diego. Vì mình là khách, ông mời, cho nên không thắng ông, đánh cho hòa. Thứ nhất là, thể hiện sự tôn trọng với chủ nhà. Thứ hai là, thể hiện tình hòa khí giữa Mỹ với Việt Nam.
Phải nói là chuyến đi này thành công. Tình cảm của người Mỹ đối với người Việt Nam được đánh giá rất cao. Đất nước với con người Việt Nam được đánh giá rất cao về vị trí hiện nay trong mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Mỹ.
VW: Trong suốt nhiệm kỳ ở Hoa kỳ, ông đánh giá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tiến tới mức độ nào?
LCP: Hôm qua, tôi có trao đổi với ông Thị trưởng Jerry Sanders. Cuối cùng, ông đã trao cho tôi chìa khóa vàng của thành phố San Diego. Oâng nói rằng, với chìa khóa này tôi có thể mở cửa bất kỳ cánh cửa nào của San Diego để vào. Tôi cũng đề nghị với ông là, quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ đang lúc tốt, quan hệ giữa Việt Nam với California đang lúc tốt, và muốn đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các địa phương miền Nam với thành phố San Diego, một trong những thành phố đẹp nhất của Mỹ. Tôi muốn ông ấy thúc đẩy việc kết nghĩa giữa thành phố San Diego với một, hai thành phố ở Việt Nam. Đấy là bước đầu. Ông ấy đã cam kết với tôi là sẽ thúc đẩy văn phòng làm việc này. Chúng tôi cũng đã ghi nhận mối quan hệ thành phố kết nghĩa. Tôi đã nêu tên một số thành phố để ông tự chọn. Oâng nói rằng, trong thời điểm bây giờ với tầm quan hệ của Việt Nam, lẽ ra việc này ông đã làm từ lâu, nhưng bây giờ làm cũng hơi muộn, nhưng ông sẽ làm.
Về công tác của tôi ở đây và mối quan hệ Mỹ, thời gian ba năm qua, tôi có may mắn sống trong không khí quan hệ Việt Mỹ rất là thuận lợi. Sự nỗ lực của chính quyền Mỹ, các lãnh đạo Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam, chính phủ Việt Nam và nhiệt tình của nhân dân hai nước, giới doanh nghiệp, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã vượt qua khuôn khổ bình thường.
Bao lâu nay, việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước từ năm 1995, sau 15 năm, bây giờ là 16 năm, sự hợp tác trên nhiều lãnh vực rất có hiệu quả như kinh tế, thương mại rất tốt. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam. Việt Nam có buôn bán với 87 nước khu vực và lãnh thổ. Kinh ngạch buôn bán của Việt Nam với một số nước rất là lớn. Với Trung quốc là 25 tỉ, Nhật là 20 tỉ, Hàn quốc cũng vậy. Với Mỹ chỉ mới hơn 18 tỉ. Con số đó đã tăng so với năm ngoái, 2009, là 19%. Quan trọng nhất là, trong kinh ngạch dù lớn dù bé, giá trị Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là lớn nhất. Đối với các khu vực và quốc gia khác, Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu.
VW: Nước Mỹ rộng lớn với 50 tiểu bang. Ngạch xuất khẩu hay nhập khẩu từ Hoa kỳ sang Việt Nam, hay từ Việt Nam sang Hoa kỳ, California là cửa khẩu chính chiếm tầm quan trọng. Trong những năm kế tiếp, Việt Nam có kế sách nào để triển khai và phát triển thêm về xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ California hay không?
LCP: Phục vụ về phát triển kinh tế phải làm hết sức mình để làm cho nền kinh tế đi lên một cách bền vững. Xuất khẩu là một trong những nhân tố giúp cho kinh tế phát triển nhanh. Nhưng mà, nếu chỉ dựa vào xuất nhập khẩu, kinh tế phát triển không ổn định. Thị trường Việt Nam là thị trường lớn, 96-98 triệu dân. Đi cùng với xuất khẩu và nhập khẩu, phải tăng cường sức mua của thị trường nội địa. Muốn được như vậy, phải từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, cách nhìn nhận về phát triển kinh tế. Thực ra, Việt Nam đang lần mò tìm phương cách tốt nhất.
Đối với Mỹ, xuất khẩu hiện nay là rất tốt. Trong mấy năm liền đều tăng về ngạch xuất khẩu và đang cố tăng số nhập khẩu của Mỹ. Về nhập khẩu, năm 2010 so với năm 2009 đã tăng 23%. Không có ý định cân bằng xuất nhập khẩu vì do nhu cầu của thị trường, nhưng quan trọng là, với đà xuất khẩu với Mỹ qua cửa khẩu California, Việt Nam cần phải lên phương án làm cho hàng xuất khẩu mang tính thương mại hơn, nhiều hơn. Không chỉ sang Tây, mà phải sang Đông, có thể thêm hai ngày nữa đi sang kênh đào Panama đến Houston, Texas. Chỉ tập trung vào Tây, lâu nay là tốt, nhưng chưa đủ, cần phải làm thêm. Và phải lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam để sản xuất và xuất trở lại Mỹ. Phải tăng cường khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ đầu tư. Đây là lợi ích cho cả hai bên.
Với thuận lợi trong hợp tác kinh tế, đầu tư, buôn bán, là chỗ dựa cho phát triển quan hệ các lĩnh vực khác. Quan hệ Việt Nam – Mỹ bây giờ phát triển đến tầm mức cao hơn mức lâu nay chúng ta suy nghĩ. Chúng tôi đang cùng với phía Mỹ nâng cấp quan hệ này. Hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ thành đối tác chiến lược chứ không phải hợp tác về việc này.

VW: Ông vừa khuyến khích doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam mở công ty sản xuất. Một trong những trở ngại khiến cho doanh nghiệp Mỹ chưa đầu tư vào Việt Nam nhiều vì họ cho rằng Việt Nam chưa có đủ biện pháp ngăn chặn nạn vi phạm tác quyền. Oâng nhận xét về vấn đề này thế nào?
LCP: Có ý kiến đấy nhưng rất là ít, phải nói là rất là ít. Thực ra, ý kiến đó là do một số người chưa nắm rõ thông tin. Trọng tâm hiện nay hai bên cần bàn với nhau là thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế. Về bản quyền của Việt Nam đã được Mỹ xác nhận đã rất tiến bộ trong thời gian qua. Cho đến bây giờ, trên 90% tập đoàn công ty đầu tư vào Việt Nam đều thuận lợi. Hãn hữu có công ty chưa thuận lợi. Nhưng cũng phải nói rõ cho họ biết là Việt Nam phát triển nhanh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Không giấu khó khăn của mình, vì họ làm họ biết, mà mình phải trong sáng, khi họ làm ăn, hợp tác mới thoải mái được.
Chúng tôi nói rõ rằng, Việt Nam khó nhất ở điểm hạ tầng cơ sở, đường sá, bến cảng, sân bay. Khó nhất về kinh nghiệm và cách thức quản trị, đang học chưa giỏi như người ta. Công ty thua lỗ do quản lý kém. Thủ tục đôi khi phức tạp, rườm rà, mất thời gian, mất tính cạnh tranh của các tập đoàn. Bản thân họ cũng biết những khiếm khuyết như vậy. Lớn hơn nữa là lực lượng lao động. Tay chân khéo, cần cù nhưng để có được lực lượng lao động được huấn luyện, đào tạo phục vụ khoa học công nghệ mới, phục vụ dự án công nghệ cao, Việt Nam còn thiếu nhiều. Cho nên, chúng tôi đã khuyến khích họ đầu tư và hợp tác để có đội ngũ lao động được đào tạo tốt. Hai bên sẽ có lợi. Cứ nói là Việt Nam có lao động rẻ. Lao động rẻ là một chuyện. Nhưng phải cần có đào tạo, phải biết máy móc, kỹ thuật. Tay chân khéo léo là một chuyện nhưng phải có cái đầu. Không giấu cái dốt, không giấu yếu kém, có giấu cũng không được. Đó là những khiếm khuyết cần được khắc phục và cần được hợp tác để khắc phục, như thế sẽ làm ăn được lâu dài với nhau.
VW: Theo đánh giá của ông, sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang tiến triển rất tốt về kinh tế, văn hóa cũng như chính trị, về lãnh vực quân sự có những bước hợp tác nào đáng được ghi nhận?
LCP: Trong mối xác lập quan hệ, đối tác toàn diện giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, như bà Ngoại trưởng Hillary Clinton từng nêu lên tầm quan trọng giữa đôi bên, và chúng ta nhất trí phải làm. Mối quan hệ giữa hai nước sau 15 năm, không thể bó gọn trong một lãnh vực nào, vì hai nước đều có nhu cầu, và xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau. Đến mức mà hai nước có thể đẩy lên một mức hợp tác mới. Về quân sự, Việt Nam đã có sự hợp tác với Hoa Kỳ khá chặt chẽ. Tôi có thể nói như vậy.
VW: Trong năm 2010, bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có hai chuyến đi Việt Nam, điều này cho thấy mối quan tâm và hợp tác giữa Hoa Kỳ là Việt Nam rất tốt. Được biết ông Đại sứ cũng là một chuyên viên nghiên cứu về vấn đề Biển Đông liên quan đến Trung Quốc, trong thế đứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông có thể cho biết ý kiến về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc?
LCP: Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai siêu cường. Sự cạnh tranh giữa hai siêu cường đối với khu vực là chuyện tất yếu. Với vị trí chiến lược của Việt Nam nằm ở giữa trung tâm Đông Nam Á, tôi cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đánh giá Việt Nam rất cao. Hoa Kỳ đang thực hiện chủ trương quay trở lại Đông Nam Á, còn Trung Quốc đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á, cả hai xu hướng này đều có nhu cầu quan hệ tốt với Việt Nam.
Việt Nam là một nước nhỏ, nên phải hết sức khéo léo. Việt Nam phải sống với Trung Quốc với bất kỳ tình hình nào xảy ra, cốt lõi là phải giữ được an ninh và lợi ích của dân tộc và trọn vẹn biên giới lãnh thổ Việt Nam.
VW: Ông cho biết thêm Việt Nam làm thế nào để hóa giải tình hình chính trị giữa gọng kềm của hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc?
LCP: Như tôi đã nói, Việt Nam đã sống cạnh bạn láng giềng Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Vậy thì, Việt Nam cũng sẽ biết cách làm thế nào để hàng nghìn năm tới, để giữ mối giao hảo này. Trong ngoại giao, Việt Nam cũng cần nguyên tắc để bảo vệ lợi ích của dân tộc.
Hoa Kỳ có nhu cầu đối tác chiến lược với Việt Nam, nhưng chúng ta cũng không thể đi với Hoa Kỳ để đối đầu với Trung Quốc, và cũng không chiều theo Trung Quốc để đối chọi với Hoa Kỳ. Những nước lớn có nhu cầu với nhau, và Việt Nam cũng không làm xiếc trong mối quan hệ. Việt Nam cũng không leo giây để giữ thăng bằng, mà chỉ giữ những gì thuộc về chúng ta. Việt Nam muốn hợp tác với nước này, nhưng không làm hại, đối đầu với nước khác.
Bà Hillary Clinton nói rất mạnh về vấn đề Biển Đông, phía Trung Quốc lúc đầu gay gắt, sau dịu lại. Nói như thế là hết cỡ rồi. Việt Nam nhất trí với Hoa Kỳ là, Biển Đông là bờ biển chung, không chỉ với các nước có liên quan, mà còn liên quan đến với các nước trên thế giới, vì đây là đường hàng hải các nước đi qua.
Trong vấn đề Biển Đông, có ba chuyện phải tách biệt: 1) Tự do hàng hải, bảo vệ an ninh cho Biển Đông và được cả thế giới quan tâm; 2) Các hoạt động trong vùng biển này phải theo Công pháp quốc tế, không thể đi ngược lại Công pháp quốc tế. Không thể ỷ vào nước lớn mà áp đặt lên nước bé, nước yếu một cách tùy tiện. Ví dụ phía Trung Quốc yêu cầu về đường Lưỡi Bò chín khúc, phía Hoa Kỳ phản đối và thế giới không ủng hộ ý kiến của Hoa Kỳ, và các nước có liên quan chống lại Trung Quốc; 3) Là chuyện tranh chấp lãnh thổ. Vấn đề này phải để các nước tranh chấp giải quyết với nhau, chứ không lôi nước khác vào xử lý được.
Việt Nam không thể kéo Hoa Kỳ vào giành phần hơn trong vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ có 5 quốc gia: Trung Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc và Đài Loan là một phe. Các quốc gia này phải cùng nhau xử lý vấn đề.
Vấn đề Biển Đông liên quan đến hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Việt Nam khẳng định hai hòn đảo này là của Việt Nam. Ông cha ta đã quản lý, cho dù Trung Quốc có chiếm lấy, Việt Nam vẫn đòi. Bây giờ Trung Quốc mạnh, chúng ta chưa đòi được, sau này con cháu chúng ta đòi. Phải đòi cho bằng được, không bỏ. Vấn đề Biển Đông là như vậy, có ba vấn đề tách biệt. Việt Nam không thể dựa vào anh này để chống lại anh khác. Nếu chẳng may, có chuyện xung đột xảy ra, Hoa Kỳ cũng không thể đứng về phía Việt Nam để nổ súng bắn Trung Quốc.
VW: Theo phần trình bày vừa rồi của ông, Việt Nam đang đóng vai trò "cây cầu" cho nhiều hướng trong khu vực, từ Trung Quốc tới các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, cũng như "cây cầu" giữa hai thế lực Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam mong muốn đóng vai trò này?
LCP: Cục diện thế giới bây giờ khác rất xa. Không phân biệt rõ ràng bạn và thù, không có ranh giới rõ ràng giữa bạn và thù hiện nay. Việt Nam hợp tác với Mỹ, chia sẻ quan diểm với Mỹ ở những vấn đề mà lợi ích trùng hợp với Mỹ, và đấu tranh với Mỹ về thái độ và việc làm của Mỹ đi ngược lại với Việt Nam. Đối với Trung Quốc cũng vậy, Việt Nam hợp tác làm ăn vì biên giới hai nước sát gần nhau và hai bên cùng có lợi. những gì mà Trung Quốc đi ngược lại quyền lợi của Việt Nam, Việt Nam chiến đấu tới cùng, đấu tranh tới cùng.
Ký giả Trần Nhật Phong của Việt Weekly
VW: Trong thời gian vừa qua có nhiều đánh giá cho rằng, phía Việt Nam mềm dẻo với Trung Quốc hơn là đối với Hoa Kỳ?

LCP: Hoa Kỳ xa, Trung Quốc gần. Ông cha chúng ta ngày xưa sau khi đánh bại Trung Quốc, thả tướng trải thảm đỏ cho về. Nguyên tắc lớn của Việt Nam là phải sống hòa thuận với Trung Quốc. Anh tấn công tôi, tôi đánh anh, anh thua, tôi cũng tha, trải thảm đưa các anh về, cung cấp nước, lương thực, xe ngựa cho các anh. Đối với Trung Quốc, thật ra không chỉ là bạn bè ở ngoài nước, mà ngay cả bà con ở trong nước cũng có những bức xúc, nói thế này, nói thế kia, bảo tại sao không làm cái này, không làm cái kia. Nhưng tính cho cặn kẽ, cảm xúc, có thể xử lý được tình cảm của người Việt Nam, lòng yêu nước của người Việt Nam, và cảm xúc đôi khi không thể giải quyết được những vấn đề gai góc. Nhưng mà làm sao để sống cho hòa thuận, cũng khó. Hiện nay quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là tốt, hợp tác rất tốt. Còn Việt Nam kinh tế hơi yếu một chút, vì Trung Quốc lên quá nhanh. Việt Nam cũng có một chút thiệt thòi, nhưng mà trên cơ bản là quan hệ tốt. Việt Nam chỉ còn vướng với Trung Quốc là vấn đề biên giới và biển đông, chỉ có mỗi chuyện đấy thôi, làm sao xử lý cho tốt lành, đừng vì một chuyện mà làm đổ vỡ các mối quan hệ và làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị của Việt Nam.
VW: Là chuyên gia đàm phán trong hiệp ước biên giới 2008 giữa Trung Quốc và Việt Nam, ông cho biết thêm chi tiết về sự kiện này?

LCP: Việt Nam và Trung Quốc ở sát cạnh nhau, đường biên giới của hai nước kéo dài từ đất liền ra tới biển đông. Đương nhiên trong lúc thương thuyết, đôi bên vẫn có nhiều điều gay gắt. Tuy nhiên kết quả đạt được về đất liền xem như đã xong. Theo đó, Việt Nam cũng dựa trên nhiều yếu tố lịch sử, nền văn hóa khu vực để thương thuyết với phía Trung Quốc. Ngược lại, họ cũng đưa ra những lý luận của họ, ví dụ như Ải Nam Quan. Nếu biên giới Việt Nam giáp với Trung Quốc, là phía bắc của lãnh thổ, phải nên gọi là Ải Bắc Quan chứ sao gọi là Nam Quan, đại khái như vậy. Rồi những đường trũng giữa các dãy núi, trước đây cũng là con sông nhưng bây giờ con sông bị cạn, phía họ cũng không vừa, họ đắp đất cao lên bên phía kia khiến cho dòng nước tràn qua bờ phía mình, lâu ngày rồi, phần trũng lại lấn về phía mình. Có rất nhiều những điều phải nói rõ ra để đôi bên thảo luận, đấy chỉ là những vấn đề trong nhiều vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước.
VW: Vậy còn thác Bản Giốc?
LCP: Chúng tôi cũng biết được có nhiều thông tin về vụ này. Người nói mất, kẻ nói còn và có nhiều tài liệu được đưa ra để minh chứng cho đôi bên. Như tôi đã nói, phần trũng có vấn để của nó, phần cao cũng có vấn đề. Ví dụ như khi mưa xuống, chỗ cao nhất, nước mưa tẽ làm hai, nơi đó sẽ là biên giới giữa đôi bên. Thác Bản Giốc có vị trí như vậy, phải phân định lại, không thể chỗ nào trũng mới dễ phân biệt. Thật ra, cuối cùng thác Bản Giốc, mỗi bên lại được một phần, riêng phần phía Việt Nam lại có thêm thác phụ ở kế bên. Không những Việt Nam có lợi về phía đất liền, mà ngay cả trên biển cũng có lợi, đó là vì Vịnh Bắc Bộ. Theo địa hình, nó bẻ ra, còn phía Trung Quốc lại cong vào. Do vậy, Việt Nam lại nhiều hơn so với Trung Quốc.
VW: Trong ba năm qua, giữ chức đại sứ Việt Nam tại Washington DC, nơi có nhiều người Việt sinh sống, ông có tiếp xúc với họ hay không và ghi nhận của ông như thế nào?
LCP: Ba năm làm việc ở đây, tôi có may mắn phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, phục vụ bà con và phục vụ cho sự phát triển của mối quan hệ Việt-Mỹ, tôi rất hài lòng nhưng chưa thỏa mãn vì còn rất nhiều việc phải làm, tôi muốn làm nhưng chưa có thời gian để làm. Tuy thường trú tại Washington DC, nhưng tôi cũng đã đi khắp nơi để làm việc với các địa phương lẫn chính quyền, như xuống đây San Diego, tôi làm việc với ông thị trưởng, làm việc với các doanh nghiệp hay đi các tiểu bang khác cũng vậy, gặp gỡ với bà con.
Tôi có một điều cảm nhận là cần phải tiếp tục làm thêm. Cơ bản, bà con có suy nghĩ rất khác nhau. Ngay khi xuống đây, tôi cũng biết là một số bà con nghe nói tôi xuống đây cũng đến biểu tình phản đối. Hôm qua, cũng gặp bà con, tôi đi cửa chính bà con lại tưởng tôi đi cửa sau, nên đứng ở cửa sau. Lúc ở viện bảo tàng, gặp được 3, 4 anh em đứng ở cửa sau cũng nói này nói khác. Nhưng phải nói rằng, chính sách ở trong nước đang hướng về bà con, đất nước chúng ta mạnh hơn 10 năm trước, năm nay mạnh hơn năm ngoái. Tuy đất nước mình còn nhiều khó khăn, tuy còn nhiều vấn đề, những vấn đề trong nước còn bàn cãi với nhau, không riêng gì bà con bàn cãi với chúng tôi, trong nước cũng bàn cãi nhau, thế nhưng đất nước được người ta đánh giá thật cao. Nếu như quan hệ Việt-Mỹ là đối tác chiến lược, toàn bộ các nước đồng minh của Mỹ phải kính nể vai trò của Việt Nam, người dân Việt cũng hài lòng. Nếu quan hệ Việt-Mỹ tốt, tôi chắc rằng bà con người Mỹ gốc Việt cũng không chống đối quyết liệt chính quyền Mỹ thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam, nó có nhiều tác động. Nhưng quan trọng là, bà con là con dân nước Việt, dù là quốc tịch này hay quốc tịch khác, dù là 2 quốc tịch hay dù là thẻ xanh, nhưng phải thật lòng nói với các bạn, đất nước và đồng bào trong nước lúc nào cũng ý thức trách nhiệm rằng, dù là con cháu của mình sống ở đâu kể cả những anh em đang nói to lắm, đôi khi mình không dùng chữ chưởi bới, nhưng bộc lộ suy nghĩ của to lắm, ồn ào lắm, nhưng mà gốc của người Việt, nhân cách của người Việt Nam là con dại cái mang, nếu bà con có sai lầm chỗ này chỗ khác, cá nhân có sai lầm, đất nước cũng trăn trở, đồng bào trong nước cũng trăn trở. Tôi nghĩ rằng, với đà như thế này, đất nước mạnh lên, phát triển lên, vai trò và vị trí có trọng lượng, như năm ngoái Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN quá đẹp. Trong ASEAN thành công như vậy, bà con bên ngoài, dù rằng anh này có chống tôi, nhưng mà nhìn thấy hình ảnh đất nước Việt Nam họ cũng có một chút sung sướng, không nói ra thôi, rất là phấn khởi vì thấy đất nước tốt lành, đến lúc nào đấy bà con nên suy nghĩ lại.
Hôm qua tôi rất cảm động. Trong khi làm việc, có một cháu học sinh sinh ra ở Quận Cam, làm thiện nguyện ở Việt Nam và ở đây, nhưng nói tiếng Việt rất giỏi. Bố mẹ ở đây và trưởng thành ở đây, đã hỏi một điều rằng, các bạn của cháu và một số chú bác vẫn hay nói xấu Việt Nam mình, bác khuyên cháu nói chuyện với họ thế nào để họ thay đổi cách nhìn. Cháu nói như vậy tôi mới biết rằng, có thể còn vài bà con còn trăn trở về những mất mát và không quên được chuyện cũ cho nên vẫn còn gay gắt lắm. Đất nước không mặc cảm về chuyện đấy, lãnh đạo cũng không mặc cảm về chuyện đấy, bà con chưởi bới gay gắt cũng được nhưng muốn về Việt Nam cứ về, miễn là về tới đừng có phá phách thôi. Người nước nào về đấy phá phách cũng bị luật pháp xử lý. Ngoài ra, muốn về quê của mình, về đất tổ của mình, cứ về.
VW: Gần đây, xảy ra những cuộc cách mạng tại Tunisia, Ai Cập, Lybia, nhiều đảng phái chính trị của người Việt hải ngoại như đảng Việt Tân, đều muốn thúc đẩy truyền đạt các thông tin đó đến Việt Nam cũng như muốn tạo những sự kiện tương tự như vậy ở Việt Nam. Ông đánh giá thế nào và phương cách tốt đẹp nhất để giải quyết?

LCP: Trưa nay tôi dùng cơm ở trường đại học quốc gia ở San Diego, ông giám đốc Paul Wong là người gốc Hoa, người Hong Kong, ngồi sát tôi. Ông là chủ còn tôi là khách. Ông có nói chuyện tôi và sau khi nói chuyện xong, ông nói rằng, suy nghĩ của ông cũng giống hệt của tôi. Ông nói rằng, ngày xưa ông ghét Trung Cộng ghê gớm, ghét Trung Hoa Đại Lục, vì đối với ông như là bát nước đổ đi. Bây giờ, ông vào Trung Quốc có thể đi bất bất kỳ chỗ nào, và các vị quan chức Trung Quốc đều sẵn sàng tiếp đón ông và làm việc rất tốt. Khi tôi hỏi ông, ông nói cứ suy gẫm theo người Việt gốc Hoa, ông ông biết, khi mà Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc, Đài Loan rút ra. Trung Quốc gia nhập làm ủy viên thường trực của hội đồng bảo an, hàng vạn người Trung Quốc đều chống Trung Hoa Đại Lục. Nhưng đến bây giờ, quan hệ Mỹ-Trung như vậy, mạnh như vậy, uy thế mạnh như vậy, những người không thích Trung Hoa Đại Lục cũng không chống Trung Hoa Đại Lục.
Câu hỏi của anh về tình hình Trung Đông, nếu để ý tin tức sẽ thấy là Việt Nam không ngăn chặn tin tức về tình hình Trung Đông, khác với Trung Quốc, khác với một số nước. BBC cũng phải khẳng định, trên internet, tất cả các thông tin về những cuộc biểu tình, cuộc cách mạng Hoa Nhài của Trung Đông, Việt Nam không hề ngăn cấm, không ngại.
Riêng với đảng Việt Tân, các anh ấy đã đưa ba đợt đông tiến vào Việt Nam rồi. Ngày xưa, chế độ cũ cùng với 50 vạn quân Mỹ cũng có làm gì nổi nhân dân Việt Nam đâu. Bây giờ, mấy vụ cỏn con thế này làm sao được. Quan trọng nhất là người Việt Nam có lòng yêu nước rất cao, những người la lớn nói to này, lòng yêu nước của họ cũng rất cao, vì người ta không hiểu nên người ta chưởi bới. Nhưng anh nào đụng Việt Nam xem sẽ không được với họ. Đụng đến đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ không xong với họ. Tinh thần cách mạng lớn và tinh thần yêu nước lớn lắm. Tôi có gặp một số đề đốc hải quân, một số tướng tá hải quân trong chế độ cũ, ăn cơm nói chuyện, các bác ấy già hết rồi, nhưng họ nói nếu bây giờ huy động đánh với Trung Quốc ở Trường Sa, hay đánh chiếm lại Hoàng Sa, họ sẵn sàng xung phong trở về nếu chính phủ Việt Nam cho phép. Tôi nghe xong đã nói rằng, đất nước ghi nhận tấm lòng của bác, nhưng bác cũng lớn tuổi rồi không chạy nổi đâu vì thuyền lớn sóng to, bác cứ ngồi đấy ủng hộ chúng tôi, chúng ta tìm cách bảo vệ lãnh thổ.
Trung Đông khác. Trung Đông gia đình trị nhiều, tham nhũng ghê gớm lắm. Đất nước mình 20, 30 năm đổi mới, kinh tế đang lên, tuy chưa giàu nhưng tạm đủ ăn. Đôi khi tôi thấy ở Hà Nội còn xài sang hơn ở đây, tôi cũng chịu. Tôi cũng thường nói chuyện với anh em, có hai chuyện không cần kêu gọi cũng thống nhất. Một là xâm lăng, bất kỳ anh là ai cũng liều chết với xâm lược. Thứ hai là chuyện rất vui nhưng mà có thật là đá bóng. Nếu đội tuyển quốc gia Việt Nam tham gia là màu cờ sắc áo. Nếu mà Việt Nam thắng, phá loạn cả Hà Nội lên, xe gắn máy chạy lung tung. Nếu Việt Nam thua, giống như một đám tang. Có cần tuyên truyền vận động gì đâu, đó là lòng yêu nước, ý thức dân tộc nằm trong tâm trí, tâm thức của người Việt Nam.
Đúng là có rất nhiều tổ chức hoạt động chống xã hội, chính quyền Việt Nam. So với xã hội Mỹ, chính quyền Mỹ, Việt Nam còn quá trẻ, dân tộc già hơn dân tộc Mỹ rất nhiều, nhưng chính quyền mới bắt đầu từ năm 1945, mới chỉ có tạm gọi là chính quyền, đến sau chiến tranh năm 1975, chính quyền mới được củng cố, tức là mới hơn 30 năm, quá trẻ. Vẫn còn nhiều thế lực, vẫn còn những anh em chống phá, những người chưa hài lòng với chế độ này. Cho nên, không nên so sánh thoải mái giống như chính quyền Mỹ. Mỹ nói chuyện gì cũng được, chưởi bới chuyện gì cũng được, nhưng phải hiểu chính quyền của họ là 317 năm, hơn 300 năm, còn mình chỉ hơn 30 năm. Dân tộc mình tuy nói rằng có lịch sử 4,000 năm, Mỹ lập quốc hơn 300 năm, nhưng 300 năm đó chính quyền Mỹ vẫn hiện hữu. Chúng ta không có, suốt ngày cứ đánh nhau, nhưng đâu có phải chúng ta muốn đánh. Người ta đến đánh mình, mình phải đánh. Phong kiến Tàu đánh, Pháp đánh, Nhật đánh rồi người Mỹ đánh, không lẽ chúng ta ngồi yên. Người ta cứ nghĩ là Việt Nam hiếu chiến, nhưng thật ra người ta đem chiến tranh đến, còn mình chỉ gìn giữ độc lập thôi. Việt Nam không giống những nơi khác. Chính quyền còn đang học. Việt Nam chưa có trường đào tạo quản lý hành chánh. Thoát  khỏi chiến tranh lo cái ăn cái mặc đã mất một thời gian dài. Mãi đến năm 80 vẫn sai lầm về cách làm ăn khiến dân đói, khi mở cửa ra dân no. Đang lo chuyện cơm áo gạo tiền trước đã, cho dân no, dân đi học, giữ gìn độc lập, bảo vệ an ninh tổ quốc. Ngay cách quản lý đâu có giỏi, đâu có những chương trình như là Young Leadership, đâu có thời gia mà đào tạo. Mới có vài ba chục năm. Bây giờ có ý kiến này, có ý kiến khác, Việt Nam không giống những xã hội khác. Tôi làm việc với phía Mỹ người ta cũng có ý kiến về dân chủ, nhân quyền, tôi nói là các ông đã được 300 năm đến bây giờ các ông mới được như thế này. Nên nhớ rằng, năm 1945 ở đây phụ nữ Mỹ vẫn chưa được đi bầu, và đến giữa thập niên 50 nhiều quán ăn của các ông vẫn đề "cấm chó và người da đen." Lịch sử của các ông hơn 300 năm lập quốc đến khoảng đấy là cũng 250 năm rồi vẫn còn như thế. Cho nên, dân chủ, nhân quyền còn tùy thuộc vào trình độ phát triển, văn hóa của từng quốc gia, từng dân tộc. Và dân chủ cũng phải bàn thêm. Giải phóng đất nước đem lại lợi ích độc lập cho nhân dân, trước đây con người Việt Nam bị trói buộc trong nô lệ, chủ bảo chết là chết, bảo không chết là không chết. Nhưng khi mình có độc lập rồi, cả dân có nền độc lập, làm dân của một nước độc lập khác lắm, đấy chính là nền dân chủ, nhân quyền của đất nước Việt Nam. Giành độc lập, giữ độc lập, sau chiến tranh bà con có thể đoàn tụ gia đình với nhau, bố mẹ, vợ chồng đoàn tụ với nhau, đấy chính là dân chủ nhân quyền, cao lắm anh ạ. Người ta vẫn không hiểu điều này, do đó vẫn còn những thế lực chống phá. Tuy nhiên, chúng ta không như ông Lý Quang Diệu nói, ông khuyên là một đất nước đang phát triển giống Singapore từ năm 56 cho đến giữa thập niên 60, là phải độc tài. Tuy nhận rất nhiều lời khuyên của ông ấy về mô hình kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế, nhưng Việt Nam không thể chấp nhận lời khuyên là phải độc tài để phát triển đất nước, không thể độc tài được.
VW: Có nhận định cho rằng, Việt Nam có chiều hướng đang lên, từ những thành công liên tục như tổ chức APEC, hoa hậu thế giới, gia nhập WTO, gia nhập thành viên không thường trực của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, đoạt giải vô địch bóng tròn khu vực Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam có những dự tính triển khai tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế?
LCP: Vận nước đúng là đang lên, có nhiều cơ hội làm cho vận nó thăng tiến, có những chính sách rất rõ ràng cho đến năm 2015 hay 2020 trở thành một nước công nghiệp phát triển. Đường lối chính sách đã có, bây giờ tùy thuộc vào việc thực hiện đường lối ấy.

Trước hết là sự chỉ đạo, triển khai đường lối chính sách. Lãnh đạo và đất nước rất trăn trở, đội ngũ lãnh đạo mới, tất nhiên là cũng có những lãnh đạo cũ, họ cũng đang đau đầu là đã đến mức này rồi, sắp tới phải làm gì cho nó xứng tầm. Thứ hai là, đường lối là như vậy, nhưng mà muốn phát triển được là phải do dân chứ không do lãnh đạo. Lãnh đạo chỉ là người lo, dân mới là người làm. Dân trong nước, dân 4 chiều, dân ngoài nước, vì vậy chính phủ phải làm thế nào để người dân không phật lòng mà không thực hiện đường lối do chính phủ đề ra. Lãnh đạo phải biết rõ nguyện vọng của dân, biết cách tổ chức dân, biết huy động dân và phải biết tập hợp lại, mới làm được. Chả có ông thánh tướng nào ngồi một mình hay một nhóm người có thể đưa đất nước lên, mà là do dân đưa.
Riêng bà con nước ngoài được đánh giá rất cao tình cảm, lòng yêu nước và tiềm năng. Nhưng nhìn quanh, bà con không giàu như cộng đồng khác, vì bà con ở Mỹ là rất mới. Thật ra, người nhập cư đầu tiên vào nước Mỹ là ông Hồ Chí Minh chứ không phải bà con đâu. Ông nhập cư từ lúc trên đường đi Pháp, ông ở Boston làm bánh mì trên đấy. Bây giờ căn nhà vẫn giữ lại chỗ ông làm ở đấy. Nhưng bây giờ phải làm thế nào quy tập được bà con trong nước cũng như ngoài nước, lãnh đạo mới mong thực hiện được chính sách đưa ra. Riêng đối với bà con bên ngoài, đất nước mong bà con có tiền đầu tư vào, thấy có lãi đầu tư, thấy không có lãi đừng đầu tư. Cũng có một số bà con nói rằng, đưa tiền về bị lừa, nhưng không phải nhà nước lừa. Lúc mà bà con gởi tiền về đầu tư, toàn là cho anh em, bà con trong nhà, họ xoay qua xoay lại, cờ bạc đánh đề mất hết tiền khiến bà con trắng tay rồi quay sang nói rằng nước làm như thế. Bà con đầu tư về, rất quí, nhưng chúng tôi không hiểu tại sao bà con cứ đổ cho nhà nước lừa. Trong khi tiền đầu tư của bà con phần là tin người thân mà giao phó.
Hiện nay, đang có 500 dự án do bà con đầu tư về, có cái vài chục ngàn, có cái vài chục triệu đô. Như là Trần Group ở Baltimore sắp đầu tư thêm tại Việt Nam, họ đã đầu tư tại Đà Nẵng, bây giờ sắp vào Phú Quốc đầu tư với vốn là khoảng 200 đến 300 triệu đô. Những đóng góp của bà con, đầu tư của bà con là một điều rất quí. Nhưng phải thấy rõ là, nhân dân trong nước, chính phủ trong nước không ép bà con đầu tư, và nhân dân cũng như chính phủ trong nước cũng ý thức rõ là xây dựng đất nước Việt Nam, bảo vệ đất nước Việt Nam, bảo vệ 85 triệu người là trách nhiệm. Bà con nên thúc đẩy để đất nước mình đẹp hơn, nổi tiếng hơn, tưng xứng hơn.
VW: Câu hỏi cuối cùng. Ông cho biết sau khi mãn nhiệm kỳ đại sứ, ông sẽ tiếp tục phục vụ trong các chức vị khác hay sẽ về hưu?
LCP: Theo luật, trên 60 tuổi là phải về hưu. Tôi năm nay đã gần 65 tuổi, đáng lý phải về hưu gần 5 năm trước. Theo dự tính, tôi sẽ về hưu. Tuy nhiên, nếu chính phủ hoặc cơ quan, hoặc bộ ngoại giao có nhu cầu, tôi cũng sẵn sàng đóng góp. Tôi cũng có một số dự kiến cá nhân vì tôi đã làm trong nghề này 40 năm rồi. Nếu như không làm những việc chính thức, tôi cũng sẽ làm những công việc không chính thức để giúp cho thế hệ trẻ, giúp cho quê hương và giúp cho các cơ quan mà tôi có quan tâm, quan hệ lâu nay.
Người biểu tình chống ông Lê Công Phụng ở San Diego


Một thông tin đáng chú ý (MỘT HOẠT ĐỘNG NGOẠI GIAO “ĐA NGHĨA”) — (Nguyễn Vĩnh).

Hôm trước giới thiệu bài phỏng vấn ông Lê Công Phụng, Đại sứ nước ta tại Mỹ, tôi nhận được nhiều phản hồi. Ý kiến góp hoặc bình với đầy đủ cung bậc. Có điều là các ý gần như thống nhất là các câu trả lời của ông Đại sứ Lê Công Phụng chứa khá nhiều thông tin trong đó, ông cũng không tránh né những câu hỏi “khó” – là khó về ngoại giao, nói hay không nói, và nếu nói là nói kiểu gì, nói thế nào… 


Tàu sân bay của hải quân Mỹ thuộc hạm đội Thái Bình Dương.
Tuy nhiên không ít bạn đọc lại đặt câu hỏi, thế sao bấy lâu nay ông đại sứ ít nói đến những điều “sát sàn sạt” đến vậy. Bây giờ nhiều trường hợp khá là cụ thể của quan hệ quốc tế, về thái độ của VN đối với các vấn đề đó, có câu người hỏi động chạm trực tiếp đến vấn đề “nhạy cảm” mà ông Phụng cứ vẫn đàng hoàng có ý kiến, nêu quan điểm của mình. Hay là tại ông Phụng sắp kết thúc nhiệm kỳ, về nước có thể nghỉ hưu vì đã đạt độ tuổi theo quy định công chức, nên mới bộc lộ hết những gì mình suy nghĩ, nghiên cứu, tức là năng lực của một nhà ngoại giao, cũng là bản lĩnh của một vị đại sứ tại một địa bàn quan trọng như nước Mỹ?
Tưởng chỉ có vậy. Nhưng hôm nay tôi lại nhìn thấy một tin nữa cũng rất có ý nghĩa, thậm chí là quan trọng trong thời điểm hiện nay xét về cả khía cạnh chính trị, kinh tế và ngoại giao mà ông Phụng thực thi nhiệm vụ của mình trước khi ông trở về bàn giao công việc cho người đồng nhiệm kế tiếp. Đó là tôi muốn giới thiệu một bản tin ngắn ngủi dưới đây. Nó nói lên nhiều điều về quan hệ Việt-Mỹ và các mối quan hệ quốc tế khác của VN. 
Mấy dòng tin dưới đây - mà theo bản tin trên báo “Người Việt”, tờ báo hải ngoại, thì tin này được trích từ nguồn của Thông tấn xã Việt Nam phát ra.  Vậy đây là một tin tức đáng tin cậy theo cách hiểu chính thống của Việt Nam.
Chỉ có một lời xen vào tin này: Động tác này có ý nghĩa như thế nào với các biến chuyển ở vùng châu Á, Đông Nam Á và nhất là Thái Bình Dương ôm trọn trong đó là Biển Đông, nơi đang có sự tranh chấp ngày càng tăng lên nếu quan sát các động thái phô trương sức mạnh lực lượng hải quân của một số nước hữu quan trong vùng biển này.
Đại sứ ta đi tới một vùng đất giữa biển khơi Thái Bình Dương, đảo Hawaii, để gặp một viên chức cao cấp hải quân của vùng tại nước đối tác, mà mục đích chuyến đi được dẫn tới là lo chuẩn bị cho chuyến đi của Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế APEC. Động thái này xét về ngoại giao là "kín kẽ", khó một nước thứ ba thứ tư nào đó bóp méo xuyên tạc về một mục đích của chuyến đi cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên người ta có thể đạt câu hỏi, đến tận đầu tháng 11/2011 hội nghị kia mới diễn ra, có nhất thiết ông đại sứ sở tại phải cất công đi "tiền trạm" sớm đến như vậy? Lại nữa, vẫn công việc đó thông thường người ta vẫn có thể gặp các viên chức ngoại giao cao cấp ở ngay thủ đô nước sở tại đặt vấn đề và bàn định, có nhất thiết đến chính một vùng biển khơi rộng lớn mang tên Thái Bình Dương? Đại dương đó đúng ra là chưa thái bình, có lúc "nổi sóng", đang là tâm điểm theo dõi của thế giới vì nó có lúc có nơi "rất nóng" do các hoạt động hải quân của một số nước xuất phát từ sự tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền về biển, đảo. Điều cuối cùng, một chuyến đi như vậy, thực thi một công việc đơn thuần như trên nêu, trong nước vẫn có thể cử một quan chức ngoại giao tương đương về cương vị, tới đảo này bàn bạc với giới chức địa phương như lẽ thông thường về ngoại giao.
Vì những lẽ đó chúng ta có thể gọi chuyến đi của ông Phụng tại thời điểm này không những là một động thái ngoại giao đáng chú ý - đương nhiên rồi -, mà còn là một hoạt động ngoại giao "đa nghĩa" của Việt Nam vừa thể hiện.        
NV
-----------

Tổng số lượt xem trang