Ai đầu tư cho ai?Tamnhin
Đầu tư là động từ có nghĩa là: Bỏ nhân lực, vật lực vào việc gì trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế xã hội... |
Theo từ điển tiếng Việt: Đầu tư là động từ có nghĩa là: Bỏ nhân lực, vật lực vào việc gì trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế xã hội...
Còn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay thường được hiểu là các nhà sản xuất là công dân nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ vào một lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên cơ sở đã có một thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định để khai thác những điều kiện ưu đãi như không phải nộp tiền thuê đất ít nhất trong vòng 5 năm đầu, lương nhân công rẻ, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường không ngặt nghèo...
Một ví dụ ở tỉnh miền núi Phú Thọ thì hình như cách hiểu trên không còn phù hợp vì các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp ở đây đều có hoàn cảnh khá giống nhau: Thiếu vốn đều phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn để đầu tư từ xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để tổ chức các mặt hàng theo công nghệ không lấy gì làm tiên tiến nếu không nói là lạc hậu. Thậm chí đến vốn lưu động họ cũng phải đi vay. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp phải gia hạn nợ... khi những ngày cuối năm ngân hàng không tiếp tục cho vay.
Ở đây một nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần có giấy phép đầu tư đã có thể vay được vài triệu USD theo mức tối thiểu là 20% và tối đa là 40% tổng số vốn đăng ký. Nhìn vào tiến độ đầu tư những năm gần đây của hơn 40 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc Đài Loan...thì thấy họ chưa sử dụng hết số vốn ngoại tệ vay từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Cùng với các lợi thế mà các doanh nghiệp trong nước không thể có, nhiều công ty nước ngoài đang được Việt nam đầu tư ưu đãi nhiều mặt để thu lại những gì? Khi mà vốn được các ngân hàng tập trung hỗ trợ, công nghệ không có gì mới, thu hút giải quyết việc làm không đáng kể, thuế không thu được về cho ngân sách vì thuế chỉ tính khi doanh nghiệp làm ăn có lãi !? Để không phải nộp thuế nên không ít các doanh nghiệp của người nước ngoài trên địa bàn đã triền miên lỗ. Nếu có nộp cũng chỉ được vài triệu một năm thấp hơn thuế của một hộ tiểu thương.
Như vậy chỉ cần các nhà đầu tư nước ngoài nâng tổng số vốn đăng ký mà những người cấp phép có lẽ chẳng bao giờ biết thực lực thì chúng ta đang làm một việc ngược đời là nhịn miệng bằng cách thu hồi đất nông nghiệp, đất chuyên dùng của nông dân để cho không, biếu không người nước ngoài...chỉ vì họ không phải là người Việt Nam, chỉ vì họ hơn chúng ta về trình độ tổ chức sản xuất và có một thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định...và giúp họ làm giàu trong khi ô nhiễm môi trường thì người dân phải gánh chịu, lượng người thiếu việc làm gia tăng do diện tích đất canh tác bị thu hẹp mà không được nhận vào làm việc tại các khu công nghiệp vì không có tay nghề.
Chỉ đến khi đã “no xôi chán chè” cùng thời điểm những lợi thế ưu đãi không còn, công nghệ, sản phẩm của họ không còn thị trường tiêu thụ, người lao động không thể theo đuổi vì thiếu việc làm lương thấp thì các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ ra đi để lại một bãi rác thải công nghiệp trong các nhà xưởng trên những vùng đất mà chúng ta có thể làm được những việc đáng làm thì nay đã như một tấm lụa đào bị thợ vụng cắt ra thành mụn vá.
Một bãi rác thải đã được bán với giá cao nhất vì khi thế chấp các thiết bị cũ để vay vốn đã không có ai giám định chất lượng nên các nhà đầu tư mặc sức định giá để vay vốn ngân hàng. Để thu hồi vốn các ngân hàng nếu có phát mại thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mỉm cười vì họ đã có lãi ngay từ khi cầm giấy phép đầu tư ! vì đã chuyển toàn bộ ngoại tệ thu được về cố quốc.
Nhìn những ngọn đồi trong số 99 con voi xung quanh núi Nghĩa Lĩnh đang dần bị san ủi làm thịt làm mặt bằng để mời gọi đầu tư mà không khỏi chạnh lòng mà nghĩ đến số phận một khu di tích đặc biệt của quốc gia đến một lúc nào đấy sẽ lọt thỏm trong một cảnh quan nham nhở và ô nhiễm môi sinh.
Từ những câu chuyện vừa kể ở trên thì việc nên hiểu thế nào cho đúng về việc người nước ngoài đầu tư cho Việt Nam hay Việt nam đầu tư cho người nước ngoài bằng chính tài nguyên đất đai, nhân lực, tiền vốn của mình còn thu lại chỉ là những số liệu báo cáo minh họa giả dối, là những bãi rác thải khổng lồ, là số người thiếu việc làm ngày một gia tăng, là những hậu quả đã được nhìn thấy từ hôm nay đến việc gìn giữ bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử là cả một câu chuyện dài cần được suy ngẫm một cách nghiêm túc.
Thuận Thành