Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Chung quanh một chữ… "quyền"

--Chung quanh một chữ… "quyền" bvnpost Trần Huy Thuận
imageQuyền có loại do tự nhiên mà có, Trời sinh ra đã có, cho dù người đó là người như thế nào, dòng dõi ra sao, sinh sống ở đâu và làm việc như thế nào – đó là QUYỀN CON NGƯỜI, bao gồm những Quyền rất cụ thể như quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền được học hành, quyền được sống, quyền được chăm sóc y tế… Khi một người đến tuổi Công dân thì có thêm Quyền Công dân, Quyền Làm chủ Đất nước. Xã hội, nhà nước, tổ chức chính trị… đều có trách nhiệm tôn trọng và phát huy quyền này. Trình độ văn minh, dân chủ của một quốc gia được đánh giá bằng mức độ thực thi loại quyền tự nhiên này. Chế độ Phong kiến còn biết LẤY DÂN LÀM GỐC, không lý gì con người trong xã hội hiện đại, Người Dân lại không được thực thi QUYỀN DÂN CHỦ.

Có loại Quyền được hình thành do vị trí và vị thế xã hội chính đáng của mỗi con người – QUYỀN CHỨC. Chức đến đâu Quyền đến đó. Quyền mà vượt chức là "tiếm quyền" và tuyệt không được lợi dụng chức quyền để làm bậy, để vơ vét, để chiếm đoạt. Chức phải được tạo lập từ năng lực thực có, từ kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu, hy sinh của bản thân,… kết hợp với cơ may gặp vận hội và môi trường sống thích hợp – phải nói như thế vì thực tế không hiếm những người có tài, có trí tuệ thông thái hơn người, có hy sinh và đóng góp lớn cho đất nước… vẫn chịu sống với vị thế không tương xứng, không ai biết đến, không được trọng dụng.
Quyền mỗi cá nhân được đặt trong quyền của tổ chức, quyền của tổ chức phải đặt trong quyền của cộng đồng, của xã hội… và phải chống ĐỘC QUYỀN, dù là độc quyền cá nhân hay độc quyền tập thể. Quyền này đích thực là THỰC QUYỀN, bởi nó do THỰC LỰC của người có nó; nó chung lợi ích và mục đích với tổ chức, cộng đồng, xã hội. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy – cuộc đời vốn chả có gì tuyệt đối cả, vẫn tồn tại một thực tế là nhiều khi người có thực lực không có thực quyền, chỉ có HƯ QUYỀN. "Hữu danh vô thực" là như vậy!
Lại có loại Quyền cũng được tạo ra từ vị thế xã hội, nhưng là thứ vị thế do mua bán, chạy chọt, thoán đoạt, lừa đảo… mà có. Loại quyền này tuy không CHÍNH ĐÁNG, là HƯ DANH, nhưng vẫn là THỰC QUYỀN, thậm chí nhiều khi còn vượt cả THỰC QUYỀN. Quyền loại này thường được củng cố và phát huy bằng LỰC – lực của tập hợp, tập thể, tập đoàn, bè cánh, "bè lũ", "cánh hẩu", "cùng hội cùng thuyền"… Ngu dốt cộng với quyền lực trong trường hợp này sẽ trở thành độc đoán, thành bạo chúa độc tài là điều hiển nhiên.
Đã "Quyền" phải "Hành" QUYỀN HÀNH. Quyền nào cũng phải được thực hành, phải trở thành hiện thực, phải được thực thi chứ tuyệt không chỉ tồn tại trên giấy, không nói suông, không "treo đầu dê bán thịt chó". Quyền đến đâu Hành đến đó, không được LỘNG QUYỀN.
Đã có QUYỀN tất có LỢI. Lợi từ LỘC. "Lộc" đúng nghĩa khi lộc đó là lộc của Bề trên "ban thưởng" hay của "bề dưới" thực sự tự nguyện trả nghĩa, trả ơn. Không phải như vậy, "Lợi" đó chỉ có thể là của "đút lót", của "hối lộ".
Quyền cần sự hỗ trợ của UY. Uy được tạo lập nhờ đức, nhờ nhân, nhờ tín, nhờ lễ, nhờ nghĩa. Nhưng cũng có "uy" được tạo lập do áp bức, áp chế, do cậy quyền cậy thế, do làm liều, do liều lĩnh, bạt mạng, bất chấp… Uy ấy là uy của mãnh thú, của bạo chúa.
QUYỀN phải có HẠN QUYỀN HẠN. Trong bất kỳ trường hợp nào Quyền cũng phải có GIỚI HẠN Giới hạn cụ thể nhất là không được xâm phạm QUYỀN TỰ NHIÊN CỦA CON NGƯỜI, không được xâm phạm QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA MỘT DÂN TỘC, QUYỀN ĐỘC LẬP, QUYỀN TOÀN VẸN LÃNH THỔ của một Quốc gia,… Quyền mà vô hạn, là cái HỌA lớn nhất đối với cộng đồng, đối với xã hội, đối với cả Loài Người. Quyền lực đến đâu cũng không được thoát ra, không được ĐỨNG TRÊN CÔNG ƯỚC, LUẬT PHÁP QUỐC TẾ; ĐỨNG TRÊN HIẾN PHÁP, LUẬT PHÁP QUỐC GIA.
Quyền luôn gắn với TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ. Quyền càng cao, Trách nhiệm càng lớn, Nghĩa vụ càng nặng nề. Khi nói "Quốc hội là CƠ QUAN QUYỀN LỰC CAO NHẤT đối với một quốc gia", phải hiểu rằng Quốc hội đó có trách nhiệm đại diện cho QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN, có trách nhiệm đảm bảo QUYỀN DÂN CHỦ, QUYỀN LẬP HIẾN, LẬP PHÁP CỦA NHÂN DÂN được thực thi. Tương tự vậy, Nguyên thủ Quốc gia là người nắm Quyền lớn nhất trong bộ máy hành pháp, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề: Đối nội phải đảm bảo mọi hoạt động phải theo đúng HIẾN PHÁP và LUẬT PHÁP; phải làm cho Dân giàu Nước mạnh, Xã hội văn minh; đối ngoại phải mở rộng bang giao đi đôi với giữ vững quyền Độc lập và sự vẹn toàn Lãnh thổ Quốc gia do Cha Ông để lại… Không có thứ Quyền thoát ly Nghĩa vụ, Trách nhiệm.
Quyền Ai ai cũng muốn, cũng ham, cũng mơ ước thậm chí… thèm khát. Nhưng trước tiên hãy cùng nhau tìm hiểu thấu đáo về nó, mặc dù nó chỉ có một từ: QUYỀN!
T. H. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Tổng số lượt xem trang